Thế giới hôm nay: 29/07/2022
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Dữ liệu mới cho thấy kinh tế Mỹ đã thu hẹp trong quý thứ hai liên tiếp, mà trên lý thuyết đồng nghĩa với suy thoái. Cụ thể, uớc tính ban đầu của Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ cho thấy GDP giảm với tốc độ 0,9% tính theo năm do đầu tư tư nhân giảm. Chi tiêu tiêu dùng cao hơn không đủ để cân bằng cán cân. Song Mỹ vẫn chưa chính thức suy thoái cho tới khi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) lên tiếng.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Joe Biden về việc can thiệp vào Đài Loan, nói rằng “những kẻ đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu.” Trong cuộc gọi hơn hai giờ đồng giờ, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn đặc biệt nguy hiểm sau khi có báo cáo cho thấy chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan.
Có thông tin cho thấy quân đội Ukraine đã phá hủy cây cầu tiếp tế cho Kherson ở miền nam đất nước, qua đó cắt đứt con đường tiếp tế cho lực lượng Nga đang chiếm đóng thành phố này. Giới chức Ukraine nói Nga đang tìm cách đưa thêm quân từ miền đông vào Kherson. Trong một diễn biến khác, quân Nga dường như đã chiếm được nhà máy điện lớn thứ hai của Ukraine, tại Vuhlehirsk thuộc vùng Donbas.
JetBlue đồng ý mua Spirit, một hãng hàng không đối thủ, với giá 3,8 tỷ USD, sau khi Frontier rút khỏi thỏa thuận. Thương vụ này sẽ tạo ra hãng hàng không lớn thứ năm nước Mỹ, mà các ông chủ của JetBlue kỳ vọng sẽ có thể cạnh tranh với những người khổng lồ như American, United hay Delta.
Ít nhất ba người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở phía đông nam bang Kentucky, Mỹ. Được biết một số vùng của bang này hứng chịu lượng mưa lên tới 36cm trong hai ngày qua. Thống đốc Andy Beshear đã cho biết ông dự đoán “thương vong ở mức hai con số.”
Centrica, công ty mẹ của British Gas, công bố lợi nhuận lên tới 1,3 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ đô la) trong nửa đầu năm 2022 so với chỉ 262 triệu bảng Anh (318 triệu đô la) của nửa đầu năm ngoái. Hãng khai thác dầu mỏ Shell cũng công bố mức lợi nhuận kỷ lục 11,5 tỷ USD trong quý hai. Lợi nhuận của các công ty này phản ánh giá năng lượng tăng khi chiến tranh Ukraine làm các hộ gia đình trên khắp thế giới phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao.
DeepMind, một công ty trí tuệ nhân tạo của Alphabet, tuyên bố dự đoán được cấu trúc của hầu hết mọi loại protein đã biết, qua đó mở đường cho những đột phá sinh học lớn. Công ty này đã xuất bản một cơ sở dữ liệu gồm hơn 200 triệu cấu trúc protein, được dự đoán bởi công nghệ AlphaFold AI. Trước đây một trong những vấn đề lớn nhất chưa được giải đáp trong sinh học là tìm ra hình dạng của protein. Nhưng từ giờ cơ sở dữ liệu mới của DeepMind sẽ cho phép các nhà nghiên cứu phát triển nhiều loại thuốc và cải tiến công nghệ sinh học mới.
Con số trong ngày: 31%, là tỷ lệ người Mỹ nói rằng nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất của họ.
TIÊU ĐIỂM
Chuyến tàu ngũ cốc đầu tiên rời Odessa
Một con tàu chở đầy ngũ cốc Ukraine đã sẵn sàng rời Odessa vào thứ Sáu. Đây sẽ là chuyến hàng đầu tiên rời cảng theo thỏa thuận vào tuần trước do tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm trung gian.
Bất chấp việc Nga tấn công tên lửa vào cảng Odessa chỉ một ngày sau khi ký, thỏa thuận vẫn tồn tại cho đến nay. Một trung tâm điều phối ở Istanbul, với sự tham gia của các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ, sẽ kiểm tra các tàu ra vào cảng của Ukraine để đảm bảo chúng không mang theo vũ khí. Ukraine có thể sẽ phải rà phá ngư lôi phòng thủ để tạo hành lang cho tàu chở hàng.
Thỏa thuận này có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra bởi lệnh phong tỏa ngũ cốc. Nhưng vẫn còn nhiều bất an. Chi phí bảo hiểm cho các chuyến hàng qua Biển Đen đã tăng vọt vì các công ty lo ngại Nga tấn công. Và Nga hoàn toàn có thể một lần nữa phá hoại thỏa thuận.
Mỹ thông qua dự luật thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn
Đạo luật Khoa học và CHIPS, một dự luật nhằm xây dựng sức mạnh công nghệ của Mỹ bằng cách thúc đẩy sản xuất chip và đối phó với Trung Quốc, đã đi qua một chặng đường đầy thử thách. Phiên bản đầu tiên của nó được đề xuất vào năm 2020. Phải hai năm sau, tức đến tuần này, nó mới được Thượng viện và Hạ viện thông qua. Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký thành luật vào thứ Sáu.
Dự luật phân bổ khoảng 52 tỷ đô la cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm các khoản trợ cấp để sản xuất chip ở Mỹ. Ngoài ra 200 tỷ đô la sẽ được dành cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo hay sản xuất tiên tiến.
Có rất nhiều người hoài nghi về tác động của dự luật. Lợi thế của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn nằm ở khâu thiết kế chứ không phải sản xuất, nhưng đạo luật lại tập trung vào sản xuất. Ngoài ra quản lý một lượng tiền lớn cho ngành khoa học cũng là thách thức không nhỏ. Nhưng trong bối cảnh nền chính trị Mỹ phân cực sâu sắc, việc Quốc hội đồng ý về một sáng kiến lớn như vậy là rất đáng chú ý.
Mỹ và Nga tranh giành cảng biển chiến lược của Hy Lạp
Trước đây sẽ không ai quan tâm đến việc tư nhân hóa cảng Alexandroupolis của Hy Lạp. Nhưng tầm quan trọng chiến lược của cảng này đã tăng lên đáng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Nằm trên biển Aegean, Alexandroupolis có các liên kết đường bộ và đường sắt với sườn phía đông của NATO và Ukraine. Tới nay quân đội Mỹ đã chuyển 630 xe tải và xe lửa chở khí tài quân sự qua Alexandroupolis, và sẽ còn tăng thêm. Anh và Ý cũng có ý định sử dụng nó.
Thứ Sáu này là hạn chót nộp thầu cho bốn tập đoàn đang muốn tiếp quản Alexandroupolis. Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Joe Biden muốn quyền sử dụng 40 năm về tay một trong hai ứng viên của các nhà đầu tư Mỹ. Hai nhà thầu còn lại có liên kết với Nga. Một trong số đó là công ty có liên hệ với Dimitris Copelouzos, một tỷ phú Hy Lạp có quan hệ lâu năm với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, vốn đang được coi là ứng viên dẫn đầu cuộc đấu thầu. Alexandroupolis có thể sớm trở thành một điểm nóng địa chính trị.
_____________
Đỗ Hứng gởi