THẾ NÀO LÀ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO ?
Đức Phật nói pháp Tứ đế: một là Khổ đế, hai là Tập đế, ba là Diệt đế, bốn là Đạo đế. Khổ đế là cái khổ của kiếp người. Sanh, già, bệnh, chết v.v… là khổ. Các thứ khổ này tự nhiên hay có nguyên nhân? Có nguyên nhân. Nguyên nhân là Tập đế, nhiều thứ hợp lại thành nguyên nhân đau khổ. Biết nguyên nhân đau khổ rồi, chúng ta phải làm sao? Phải tiêu diệt nó, cho nên gọi là Diệt đế. Diệt đế là tiêu diệt hết nguyên nhân đau khổ. Nếu diệt hết nguyên nhân đau khổ, thì quả đau khổ chấm dứt. Muốn diệt hết khổ thì phải dùng phương pháp để tiêu diệt, đó là Đạo đế.
Như vậy Khổ, Tập là nhân và quả của đau khổ. Diệt, Đạo là nhân và quả của Niết-bàn giải thoát. Nếu dùng Đạo đế tiêu diệt hết nguyên nhân Tập đế thì chúng ta sẽ hết khổ. Hết khổ là Niết-bàn, cho nên gọi là Diệt đế. Diệt đế là diệt hết nguyên nhân đau khổ, nên được an vui. Như vậy kinh điển Phật dạy chúng ta tu, phải lấy nhân quả làm nền tảng. Cái khổ nào cũng có nguyên nhân. Biết nguyên nhân rồi phải tiêu diệt nguyên nhân thì khổ mới hết.
Phật tử chúng ta thường hiểu lầm. Do chúng ta có gây tạo nhân tham lam, nóng giận, nên bị người ta trả lại những nỗi đau khổ. Lúc đó mình cứ trách ta khổ là do người khác làm ra, mà không nghĩ vì nhân tham lam, nóng giận của mình mà chuốc khổ về sau. Như vậy tu là phải diệt nhân tham lam, diệt nhân nóng giận thì khổ mới không còn. Ba thứ tham lam, nóng giận, si mê không còn thì hết khổ ngay. Sở dĩ chúng ta còn khổ là vì ba thứ đó còn.
Như vậy muốn hết khổ phải diệt Tập nhân gây ra đau khổ. Diệt hết Tập nhân đau khổ thì được an lạc. Nhưng diệt không có nghĩa là nói suông mà phải có phương pháp. Phương pháp đó gọi là Đạo đế. Tôi thường hay nói: “Đạo Phật là thực tế, là cụ thể, chớ không phải huyền bí, xa xôi. Nhưng Phật tử chúng ta bây giờ biến đạo Phật trở thành huyền bí hết.” Tại sao?
Như quí Phật tử biết mình còn nóng giận, còn tham lam là còn đau khổ. Như vậy đau khổ là bệnh. Bệnh đó phát nguồn từ sự nóng giận, tham lam. Như từ vi trùng sanh ra các bệnh khổ. Biết được vi trùng gây bệnh rồi thì phải kiếm thuốc trị vi trùng. Thuốc trị vi trùng là Đạo đế. Tiêu diệt được vi trùng làm cho mình khổ thì quả khổ mới hết. Ví dụ người bị bệnh rét, bác sĩ xem thấy bệnh này thuộc về vi trùng nào, tìm được vi trùng sanh ra bệnh rét này rồi mới cho toa thuốc. Bệnh nhân theo toa thuốc ấy, mua thuốc về uống thì vi trùng sẽ chết, bệnh được hết. Nhưng có người tới bác sĩ chẩn mạch, lại không chịu xem bệnh, không chịu xin toa thuốc, mà cứ chắp tay thưa bác sĩ: “cho tôi lành bệnh!” lúc đó bác sĩ nói sao? Chắc bác sĩ cũng chắp tay vái lại: “Tôi xin bái.”
Đức Phật từng nói Ngài là Vua thầy thuốc, chúng sanh có bao nhiêu thứ bệnh thì Phật có bao nhiêu thứ thuốc. Chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não thì đức Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn để trị. Thuốc nào trị bệnh đó. Bây giờ chúng ta tới Phật, không xin thuốc mà cứ chắp tay xin Phật cho con khỏe, cho con vui, cho con hạnh phúc v.v… thì Phật phải làm sao đây? Chắc Phật cũng lắc đầu thôi. Phật chỉ có khả năng biết bệnh, cho thuốc, còn phần lấy thuốc về uống là của chúng ta. Đó là hạng người thứ nhất.
Hạng người thứ hai chịu chẩn bệnh, lấy toa, nhưng đem toa về đọc hoài. Đọc tới đọc lui đến thuộc lòng mà bệnh vẫn không hết. Kẻ này tới kiện thầy thuốc: “Sao tôi đọc toa hoài mà không hết bệnh!” Bác sĩ sẽ nói sao? Tôi cũng bó tay luôn. Quí Phật tử thấy mình có giống như vậy không? Phật dạy kinh để chúng ta biết phương pháp tu. Bây giờ mình không chịu tu, mà cứ đọc kinh cho Phật nghe hoài. Đọc một thời gian rồi nói, sao tu mấy năm mà không hết phiền não! Kinh thuộc lòng mà phiền não không hết. Đó là tại sao? Tại vì chúng ta giống hệt người được toa thuốc mừng quá. Có toa thuốc hay cứ đem khoe người này người kia: “Tôi có toa thuốc hay” rồi đọc thuộc lòng, như vậy hết bệnh sao được?
Trên đường tu chúng ta phải thật tu, chớ không phải chỉ tu mà bằng hình thức bên ngoài. Như kinh Bát-nhã, đa số quí vị thuộc lòng, câu đầu là: Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Nghĩa là Bồ-tát Quán Tự Tại khi hành sâu trí tuệ Bát-nhã, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết tất cả khổ nạn. Quí vị đọc từ trước đến giờ được mấy trăm lần rồi, mà có qua hết khổ nạn chưa? Như vậy là đọc toa thuốc, chớ không phải uống thuốc. Cho nên Phật nói lời vàng lời ngọc, lời đúng sự thật, mà mình chỉ biết đọc lời đó, chớ không chịu ứng dụng tu nên không có hiệu quả. Rồi đổ thừa tu Phật không có kết quả. Lỗi ấy tại ai?
H.T Thiền Sư Thích Thanh Từ
________________
Hoang Nguyen gởi