Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




THIỀN


Một đề tài nóng bỏng, một niềm đam mê kỳ lạ gần như là gây "nghiện" nơi hầu hết mọi con người, đạo có ,đời có, tăng tục đầy đủ, các nhà nghiên cứu, những học giả, triết gia, nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ, thậm chí các tôn giáo nằm ngoài Phật giáo cũng nhiệt tình tham gia, gần như mọi thành phần trong xã hội. Về mặt tài liệu sách vở in ấn thì phải nói chưa có thời đại nào sách "Thiền" lại phổ biến đại trà như hiện nay dưới mọi hình thức, dưới mọi ngôn ngữ, và Thiền đã vươn mình lên lan rộng , bức phá ranh giới tùng lâm, lan tỏa vào đời sống thường nhật , đi sâu vào ngỏ ngách tận cùng của mọi cuộc đời tìm đến các trại tù để cho phạm nhân học thiền...Đi đâu chúng ta cũng nghe bàn bạc tranh luận về Thiền, từ chốn tùng lâm cho đến quán cafe vĩa hè, quả là Thiền bàng bạc khắp nơi.

Kể từ thời Bồ Đề Đạt Ma dùng bè lau vượt biển đến Đông Độ tuyên thuyết ý chỉ Phật pháp đến nay khoảng chừng trên 1.500 năm để dựng lập lên cái gọi là Thiền Đông Độ (hay còn gọi là Tổ Sư Thiền), hoặc Phật giáo thiền tông với tông chỉ khai tông lập giáo :

"Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật."

Hình ảnh Bồ Đề Đạt Ma quảy trên vai một cây gậy mong manh, lũng lẳng một chiếc dép cỏ đơn độc, xuyên suốt 1.500 năm qua, bóng đổ của ngài và hàng hậu duệ đã trải dài khắp vùng viễn đông và nay tầm ảnh hưởng lan rộng đến cả trời Tây.
Vậy Thiền là gì mà có hấp lực kỳ bí xuyên suốt mọi thời đại như vậy????
Ta hảy xem những gì tiêu biểu mà thiền còn để lại cho hậu thế.

Ngày kia, có ông đạo hỏi Thiền sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán thế kỷ IX : "Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm ? " Sư đáp : "Mặc áo, ăn cơm" . Thầy kia trả lời không hiểu, sư đáp : "Không hiểu thì mặc áo ăn cơm.".

Thiền luôn tiếp xử cụ thể và không thích lý luận mơ hồ. Đây là một trong những đặc điểm thú vị kích thích hàng hậu học. Chúng ta đều là những sanh linh hửu hạn không thể đạt tới cái vô hạn. Làm sao thoát được giới hạn của cuộc sống, đây là vấn đề mà ông đạo đặt ra cho Thiền giải quyết. Mục Châu đã giải bài toán hóc búa của ông đạo bằng cách chỉ cho thấy rằng giải thoát phải tìm ngay trong cái hửu hạn, không đâu có cái vô hạn ngoài những sự vật hửu hạn của thế gian, ta đi tìm cái vô hạn nào khác tức ta cắt đứt với thế gian tương đối này, chẳng khác nào ta tự hủy diệt mình. Thà là cứ bình thường mà ăn uống và tìm giải thoát ngay trong cảnh bình thường ấy. Bài giải quá lạ lùng nên ông đạo thú nhận không hiểu nổi ý của Thiền sư. Ngay đây sư đã từ bi khai thị thêm cho ông đạo thấy dù hiểu hay không hiểu ông vẫn phải sống như thường trong cái hửu hạn, vì ông sẽ chết tức khắc nếu ông ngưng ăn ngưng mặc để hướng tới cái vô hạn. Ngay đây Thiền đã chỉ thẳng cho ta thấy dù làm gì đi nửa thì Niết Bàn vẫn phải tìm trong bánh xe sanh tử luân hồi, cái tuyệt đối nằm ngay nơi cái thế giới đối đãi này, vô hạn cũng chính là hửu hạn, mê giác bổn lai vẫn là một mà trên bình diện tri thức ta buộc phải phân đôi.

Ngày kia, Thiền sư Bách Trượng Niết Bàn gọi một thầy đến nói : "Thầy với tôi ra cày ruộng xong tôi sẽ nói cho nghe đại nghĩa của Phật pháp ". Cày xong, thầy ta đến thỉnh giáo, sư dang đôi tay , không nói gì cả.
Rốt cuộc, không có gì là bí mật trong Thiền cả. Tất cả đều phơi bày trước mắt ta. Nếu ta ăn cơm, mặc áo và cày cuốc để vun trồng lúa thóc rau cỏ, tức là ta đã làm tất cả những gì phải làm trên cõi đời này mà hoàn toàn không khởi tâm thắc mắc đối kháng gì cả, và như vậy ta đã thành tựu cái vô hạn (kiến tánh, ngộ đạo) ở ta.

Có người hỏi Thiền sư Mục Châu "Phật pháp là gì?", sư đọc một câu chữ Phạn trong kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Người kia thú thật không hiểu, sư bèn bình giải :

"Áo thầy rách đã bao năm
Gió tung từng mảnh bay vòng lên mây"

Sau cùng thì vô hạn chỉ là một tên ăn mày rách nát như vậy sao???
Hiểu cùng không hiểu là tính chất của hửu hạn, là thế giới của ngã tưởng, nơi đó cái bản ngã luôn miệt mài tìm cầu thắc mắc, đặt ra mọi vấn đề mà chính nó thì không bao giờ giải quyết nổi. Sống trong thế giới hửu ngã, ta luôn cảm thấy trống vắng và thiếu thốn đủ thứ, khát khao đủ chuyện, nhất là trên lảnh vực tri thức, ta cứ mãi mê tìm cầu ra bên ngoài và chưa lúc nào chịu dừng lại, nên sư đã đọc một câu Phạn ngữ trong kinh văn để chặn đứng "cái tập khí hiểu cùng không hiểu" vốn hình thành từ thế giới hửu hạn của thầy kia. Nếu tâm tìm cầu dừng lại và tự nhận ra được "xưa nay vốn tự đầy đủ" có thiếu thốn gì đâu thì ngay đó Phật pháp chính là ta, bằng không muôn đời muôn kiếp ta chỉ là gã ăn mày phật pháp rách nát đáng thương mà thôi.
Bàng Uẩn (trước theo nghiệp nho gia) ngày kia đến tham vấn Mã Tổ, và hỏi : "Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn ? " Mã Tổ đáp :" Đợi khi nào ông hớp một bụng hết nước Tây Giang ta sẽ nói cho nghe ". Bàng hoát nhiên đại ngộ. (Bích Nham Lục, tắc 42)

Mã Tổ cư ngụ nơi vùng sông Tây Giang còn được gọi là Tây Giang Pháp chủ cùng thời với Thiền sư Thạch Đầu là Hồ Nam Pháp chủ. Công trình hưng long đạo Thiền sau thời Lục Tổ Huệ Năng là nhờ đạo nghiệp huy hoàng của Mã Tổ. Từ Mã Tổ trao truyền xuống có hơn 80 vị cao tăng ngộ đạo thiền, trong số ấy có Bàng Uẩn, một cư sĩ siêu việt nhất trong đạo Thiền, xứng đáng được tôn xưng là Duy Ma Cật của tòa nhà Phật Giáo Trung Hoa.

Trở lại câu chuyện , ta thấy không có lời đáp nào lạc đề hơn đối với câu hỏi hệ trọng nhất, từng nêu lên trong lịch sử tư tưởng của loài người. Dư âm lời đáp gần như là lời khinh bạt, bất kính với biết bao tâm hồn cầu đạo đang quằn quại dưới câu hỏi ấy. Vô số người học Thiền đã toát mồ hôi lạnh và thét ra nước mắt trước câu nói ấy của Mã Tổ.

Sống nơi thế giới hửu hạn này, chúng ta đều khao khát vượt thoát nó để đạt tới cái vô hạn miên viễn (chẳng cùng muôn pháp làm bạn), vậy có thể nào xóa bỏ cái hửu hạn này để đạt đến cái vô hạn chăng ?? Đây là vấn đề nghiêm trọng đã dằn vặt họ Bàng thâu đêm suốt sáng cả quảng đời còn lại của ông và ông đã đặt cược sinh mạng mình trong canh bạc cuối cùng này, rốt cuộc ông không thoát được nó. Sau hết ông đành phải xin tham bái Mã Tổ để được quyết nghi. Mã Tổ đã chỉ thẳng cho Bàng Uẩn thấy rằng nếu ông khởi tâm xóa bỏ cái thế giới hửu hạn này để thay thế vào đó một cái vô hạn nào khác thì ông còn mê lầm hơn cả thiên hạ nửa và trăm kiếp ngàn đời ông không thể nào thoát được. Cái thế giới hửu hạn này làm sao xóa bỏ được chứ, sông Tây Giang trước mắt ông là cái hửu hạn, thế thì ông có thể nào hớp một bụng hết nước sông Tây Giang được chăng mà đòi xóa bỏ nó. Ngay khi ông chưa xóa xong nó thì mạng ông đã tiêu vong rồi còn đâu mà hửu hạn với vô hạn.Có xóa chăng là xóa cái hửu hạn bên trong ông chứ chẳng phải cái ngoài ông, cái vô hạn nằm nơi ông chứ chẳng phải nơi nào khác mà ông nhọc sức tìm cầu. Lời đáp của Mã Tổ như muôn ngàn tia nắng mặt trời rực lửa đập thẳng vào tâm trạng buốt giá đang đông cứng của họ Bàng, mặt đất dưới chân Bàng Uẩn đột nhiên tan biến, thay vào đó là cái vô hạn đã có tự thuở nào trải dài đến vô tận trùm khắp mười phương pháp giới. Kể từ nay họ Bàng chẳng còn nghi ngờ gì về Phật pháp nửa...

Tú Thượng tọa hỏi Hòa thượng Trường Sa Cảnh Sầm :"Nam Tuyền đi đâu sau khi hóa đạo ?" Sa đáp :"Khi Thạch Đầu còn là chú tiểu có tham kiến Lục Tổ". Tú nói :" Tôi không hỏi việc Thạch Đầu tham kiến Lục Tổ, tôi chỉ hỏi việc Nam Tuyền đi đâu sau khi hóa đạo". Sa đáp :" Nghĩ kỹ xem nào !"
Trường Sa là đệ tử của Nam Tuyền, Nam Tuyền là pháp từ của Mã Tổ. Thạch Đầu sống cùng thời với mã Tổ, lúc nhỏ có đến Tào Khê tham kiến Lục Tổ, được vài hôm thì Lục Tổ viên tịch, nên theo học đạo với Thanh Nguyên Hành Tư, một cao đồ của Lục Tổ.

Linh hồn có hay không có ? Bất tử hay không bất tử ? Đây là vấn đề lớn của nhân loại và lịch sử tôn giáo xây dựng trên nền tảng căn cơ này. Đã là con người, từ xưa đến nay , ai ai cũng muốn biết về sự sống sau khi chết, ta đi đâu sau khi rời bỏ thế gian này ? Sự thật là có một đời sống khác không ? Hay là hết đời sống này là hết tất cả ? Ít nhất một lần trong đời, chúng ta không khỏi tự hỏi về số phận của mình sau khi chết và chẳng có mấy ai quan tâm đến chuyện "con người cô liêu", "chẳng cùng muôn pháp làm bạn"...Vấn đề lớn này được Tú

Thượng tọa nêu lên với Hòa Thượng Trường Sa Cảnh Sầm. Cuộc đối đáp trên đây nghe qua quả là “vớ vẩn” theo cách lý luận bình thường của chúng ta, vì việc “Thach Đầu tham kiến Lục Tổ” chẳng dính dấp gì đến việc “Nam Tuyền hóa đạo cả”, kẻ hỏi một đàng, người đáp một nẻo. Nhưng đặc tính của Thiền là không thích lý luận, Thiền giải quyết trực tiếp và cụ thể. Trường Sa chỉ thẳng ra rằng nếu ông cứ mãi mê tìm kiếm lời giải đáp suốt quảng đời mình với nổi trăn trở “ta từ đâu đến rồi sau đó sẽ đi về đâu ? ” và giả sử ông tìm được đáp án đi nửa thì có lợi gì cho ông nào !! Ông có thay đổi được gì chăng ? Trong khi cái hửu hạn của cuộc sống vẫn đè nặng lên ông có thoát đi đâu được chứ !! Chi bằng ông hảy tự cứu lấy mình ngay bây giờ (Thạch Đầu tham kiến Lục Tổ cũng chỉ vì mục đích này) chớ để ngày tháng luống qua uổng phí kiếp người, đừng đeo đuổi theo vọng tưởng điên đảo nơi tâm ông chẳng lợi lạc gì, nghĩ kỹ xem nào. Ngay đây ta thấy Thiền không thích sa đà vào những cuộc tranh luận siêu hình vì chẳng mang lại lợi ích gì cho kiếp nhân sinh.

Ngày xưa khi đi vào Đạt Ma Đường khai thị cho đại chúng, Thiền sư hay mang theo phất tử, cây gậy như ý hoặc thông dụng nhứt là Thiền trượng để chứng minh thiền lý, nên Thiền sư Huệ Lăng Trường Khánh có câu nói : “ hể hiểu cây thiền trượng là gì tức không còn gì để học thiền nửa” . Vì sao vậy ??? Ngay khi ta lảnh hội được cây gậy hoặc cây thiền trượng là gì thì ắt hẳn ta hiểu được “Thượng đế là gì, Phật là gì, Chúa là gì, loài người là gì “ , tức là ta kiến chiếu tận cùng vào thể tánh, sức kiến chiếu ấy dứt khoát chấm dứt tất cả mọi ngờ vực, tất cả thèm khát xáo trộn sự thanh tịnh của tâm.
Trong Thiền sử những câu chuyện liên quan đến cây gậy hoặc trụ trượng để chứng minh thiền lý rất nhiều :

Một ông đạo tham vấn Thiền sư Mục Châu :” Câu nói siêu khỏi Phật, vượt khỏi Tổ là câu gì ?” Sư bèn dơ cao cây trượng trước tăng chúng, nói :” Tôi gọi cái này là cây trượng, còn ông, ông gọi là gì ?” Ông đạo không đáp, sư lại dơ trượng lên nói :”Câu nói siêu Phật vượt Tổ của ông chẳng phải là câu hỏi của ông sao ?”
*
Thiền sư Vân Môn một hôm thượng đường dơ cao cây trượng nói :

“Phàm phu gọi đó là có
Nhị thừa bẻ lại là không
Viên giác gọi là có giả
Bồ Tát nói là ‘ đương thể tức không’
Các ông mặc áo nạp, thấy tích trượng thì cứ gọi là tích trượng
Đi cứ đi , ngồi cứ ngồi, không được trù trừ.”
*

Ngày kia, Thiền sư Vân Môn bảo với tăng chúng :” Cây gậy hóa rồng rồi, nuốt hết càn khôn, đại địa núi sông ở đâu chớ ? “
*

Thiền sư Tông Triển Bảo Phước thấy một chú tiểu đến liền cầm gậy đập vào trụ cây, rồi đập vào chú tiểu, chú tiểu la đau, sư nói :” Sao cái kia không đau nhỉ ?”
*

Một dịp khác sư Vân Môn vung gậy đập vào hư không, và la “ Ôi ! nó bị đau rồi “ , rồi đập vào tấm bảng, sư quay sang hỏi một ông tăng : “ Có nghe gì không ? “ Ông tăng đáp :” Bạch, có nghe tiếng “. Sư than : “ Ôi ! đồ ngốc ! “

*
Trong một thời pháp, Thiền sư Từ Minh nói:” Một mảy bụi dấy lên, đại địa hiện toàn thân.Trong một sư tử hiển lộ triệu sư tử, và trong triệu sư tử hiển lộ một sư tử. Có vô số sư tử, nhưng ông có biết một con không, một con thôi ? “ Nói xong sư dơ trượng lên tiếp :” Đây là cây trượng, còn đâu một con sư tử ?”. Rồi sư quát lên một tiếng, quăng trượng, bỏ vào phương trượng “.
*

Thiền sư Viên Ngộ nhân bình giảng “Một ngón tay thiền của Câu Chi” có nhận xét như sau :
“ Một mảy bụi dấy lên là đại địa trọn thâu. Một đóa hoa nở là thế giới lừng dậy. Thế nhưng khi bụi chưa lên, hoa chưa nở, thì mắt dính vào đâu ? Bởi vậy nên nói : như chém một cuộn tơ, chém một mối là chém hết, như nhuộm một cuộn tơ, nhuộm một chéo là nhuộm trọn. Vậy nay chỉ nên cắt đứt hết mối nhân duyên lằng nhằng, khai quật lấy kho báu nhà người, thì cao thấp ứng nhau khắp, sau trước chẳng sai khác, mỗi mỗi đều hiện hành “.

Khi “bụi chưa lên, hoa chưa nở” (Bản lai diện mục), đó là thế giới vô hạn, đó là câu nói “siêu Phật, vượt Tổ”, đó là con sư tử trong mỗi hàm linh của pháp giới, khi ta nhận ra được con sư tử trong ta thì ta nhận ra tất cả những sư tử còn lại, một là tất cả và tất cả là một (tinh thần Hoa Nghiêm, sự sự pháp giới vô ngại). Khi ta nhận ra được cái vô hạn nơi ta thì đồng thời cũng nhận biết luôn cái vô hạn nơi cây trượng , vì hửu hạn cũng chính là vô hạn, thế nên “đây là cây trượng, còn đâu một con sư tử ? “ Do đó nhận ra được hửu hạn cũng chính là vô hạn thì “cây gậy mới hóa rồng mà nuốt cả càn khôn” được . Một hạt bụi hồng dấy lên trời đất liền phân đôi, một đóa hoa nở là cả thế giới lừng dậy, một niệm khởi lên là hửu hạn thành hình, là sơn hà đại địa đều phát sinh…Hửu hạn từ nơi vô hạn mà sinh khởi nên “pháp giới mới trùng trùng duyên khởi”. “Chém một mối là chém hết” , ngộ là ngộ tức khắc không có chuyện ngộ lần hồi, ngộ từ từ, còn đã không ngộ thì muôn kiếp có quay đầu ngoái cổ cũng chẳng ích gì, đây là đường đi của đốn giáo. Khi sống được với cái vô hạn thì bản thể của pháp giới là đồng nhất, thế nên “ sao cái kia không đau nhỉ ? ”.

Đến đây chắc chúng ta cảm khái được phần nào hương vị của Thiền, Thiền không ưa lý luận, ghê tởm văn cú chữ nghĩa, tối kỵ hiểu biết qua trung gian luận giải của tri thức. Đối với thiền , hiểu là phải hiểu trực tiếp không qua trung gian của suy nghĩ , phân tách, viện dẫn ba thời…mà vốn dĩ là đặc tính của thế giới ngã tưởng, thế giới hửu hạn, thành ra hiểu biết nơi Thiền được gọi là hội (thuật ngữ Thiền tông), đó là cái biết thực chứng bằng trải nghiệm bản thân, tức là sự kiến chiếu mảnh liệt nơi tận cùng bản thể, nguồn tâm, chứ không phải là cái biết kinh viện. Với cái nhìn của Thiền , ta phải nắm bắt chân lý bằng đôi tay trần, kẻo tất cả sẽ vuột mất trong một thoáng thiên thu của nhịp sống trôi chảy bất tận. Phàm là ngôn ngữ văn cú đều không có nghĩa thiệt (Kinh Kim Cang), ngôn ngữ là phương tiện quy ước giả lập nơi hữu hạn không diễn đạt được chân lý rốt ráo tối hậu nơi vô hạn, vậy thì Thiền sư định nghĩa Thiền bằng cách nào ? Ta hảy xem qua vài mẫu chuyện còn lưu lại trong Thiền sử :

Có người hỏi Thiền sư Triệu Châu “ Thiền là gì ? “, sư đáp : “Nay xấu trời không đáp được.”
Cùng câu hỏi ấy Thiền sư Vân Môn đáp :” Chính vậy ! “. Lần khác sư sư đáp, lừng khừng hơn : “ Không nói gì được “
Ngày kia, Thiền sư Vân Môn thượng đường nói :” Trong tông môn tôi không có ngôn ngữ, vậy đại ý của pháp Thiền là gì ? “, tự nêu lên một câu hỏi, sư dang đôi tay, không nói một lời, rồi quày quả hạ đường

Bằng cách ấy Thiền sư đã diễn đạt “cảnh giới thánh trí tự chứng” của kinh Lăng Già , đó là cảnh giới tự giác của các chư Phật, không phải bằng phương pháp biện luận hay luận giải, mà cũng không phải bằng phương pháp siêu nhiên, mà chính là trực tiếp vào cuộc sống thường ngày . Vì cuộc sống tự nó rất cụ thể, không liên quan gì đến khái niệm cũng như hình tướng. Muốn hiểu cuộc sống phải thể nhập trong nó, phải tự chính mình thân tiếp với nó, còn tách nó ra từng phần, cắt vụn ra để quan sát nó là giết chết nó. Khi ta tưởng rằng ta nắm được tinh hoa của nó, thì nó không còn là nó nữa, nó đã chết mất rồi, chỉ còn lại một cái xác khô đét.

Ngoài việc không ưa văn tự ngôn cú, Thiền còn có một nét hấp dẫn khác lôi cuốn hàng hậu học, những tâm hồn khoái lý luận, phân tích biện chứng để giải mã tất cả mọi vấn đề nhưng khi chạm phải bức tường “diện bích” của Thiền đều khựng lại và có cảm giác ngất ngây kéo dài, đó là nét đẹp “siêu lý luận” của Thiền, siêu lý luận nghĩa là không lý luận gì hết mà không có gì mà không giải quyết được. Ta hảy thử xem qua mẫu chuyện Thiền sau :

Một chú tiểu thành khẩn thỉnh Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẫm (778-897) dạy Thiền, Châu hỏi :
- Chú ăn cháo chưa ?
- Ăn cháo rồi.
Châu bảo : “ Rửa chén đi “
Thoạt nghe chú tiểu liền ngộ.
Thế ra cái ngộ thường tục biết chừng nào !

Một câu chuyện quá đổi tầm thường như vậy trong đời lại đóng một vai trò quan trọng trong đạo Thiền. Có ngụ ý truyền riêng gì không trong câu nói của Triệu Châu ? Nếu có, thì truyền cái gì ? Nếu không, chú tiểu ngộ cái gì ? Làm sao Triệu Châu mở mắt chú tiểu bằng một nhận xét tầm thường như vậy ? Câu nói phải chăng có gì đó khiến vừa nói ra là ăn khớp ngay với nhịp tâm của chú tiểu ? Tâm trạng chú tiểu phải “chín mùi “ như thế nào đó để sẳn sàng đón nhận cái ấn tay cuối cùng của Triệu Châu mà công đức có thể nói chỉ là đưa tay bấm nút là xong ? ?

Đức Sơn Tuyên giám (779-865) nghiên cứu tinh thâm kinh Kim Cang. Nghe nói có một pháp môn gọi là Thiền gác ngoài kinh điển để nắm thẳng tự nơi tâm, sư tìm đến Thiền sư Long Đàm tham học. Đêm kia, sư ngồi ngoài chùa miên man nghiền ngẫm diệu lý Thiền. Thiền sư Long Đàm bảo : “ Sao chưa vào nghĩ đi ? “ Đức Sơn bạch : “ Trời tối như mực “ . Long Đàm đốt lên ngọn đèn cầy trao cho sư. Sư vừa tiếp lấy thì Long Đàm vụt thổi tắt. Sư liền đại ngộ.
*

Ngày kia Bách Trượng Hoài Hải (724-814) và thầy là Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) đi đường thấy bầy le le bay ngang. Mã hỏi :
- Gì thế.
- Bầy le le
- Bay đi đâu vậy ?
- Bay mất hết rồi.

Mã Tổ chợt nắm chót mũi Bách Trượng vặn tréo. Đau quá, Bách Trượng la ối ối. Mã Tổ liền nói:
“Có bao giờ bay mất được sao ? “
Bách Trượng lạnh toát mồ hôi lưng và ngộ trong lúc ấy.

Có mối liện hệ nào không giữa câu chuyện “rửa chén của chú tiểu”, “thổi tắt ngọn đèn” và “vặn tréo mũi “ trên ? Nếu không có gì hết làm sao những người ấy đạt được lý Thiền ? Nếu có thì mối liên quan đó ra sao ? cái ngộ ấy là gì ?

Ngay đây Thiền chấp tất cả mọi đầu óc lý luận biện chứng thế gian, thậm chí có người còn dùng cả lý luận kinh viện giáo điển ( kinh Thủ Lăng Nghiêm…) để mong vượt qua được bức tường “diện bích” nhưng cũng chỉ hoài công thôi, càng húc đầu vào tường, càng thêm đau đầu . Mọi đáp án nếu có cũng chỉ lệch lạc chẳng có thiền vị chút nào trong đó (vọng tưởng điên đảo của tâm). Chúng ta nên nhớ Thiền không bao giờ chấp nhận lý luận kinh viện (giáo ngoại biệt truyền) . Nơi đây chúng ta hoàn toàn không có chổ nào bám víu để lý luận cả .
Chúng ta dù có biện luận cao siêu đến đâu thì cuối cùng vẫn rơi trở lại cái hữu hạn mà thôi, bản chất lý luận biện chứng khởi phát từ thế giới ngã tưởng, một thế giới mà tất cả tư tưởng đều bị đóng khuông, đầy định kiến không còn chổ để chứa thêm gì được nửa. Cái nhìn của hửu hạn làm sao với tới được cái nhìn của vô hạn trừ phi tâm chúng ta đã “chín mùi” sẳn sàng cho cơ duyên “nhổ đinh rút chốt “ vì lòng từ bi tha thiết của Thiền sư khai thị cho học trò, ngay đây cái nhìn hữu hạn, nhị nguyên, đầy mâu thuẫn phút chốc chuyển hóa thành cái nhìn vô hạn và tất cả đều trải banh ra trước mắt , không giải mà tất cả đều tự giải, chân lý tối hậu hiển bày khắp pháp giới.
Thêm một câu chuyện nửa về Hương Nghiêm :
Hương Nghiêm Trí Nhàn là đệ tử của Bách Trượng. Bách Trượng qua đời, Nghiêm sang tiếp tục học với Qui Sơn Linh Hựu (771-853), một cao đồ của Bách Trương. Qui Sơn hỏi : “Tôi nghe nói sư đệ tham học với thầy cũ tôi là Bách Trượng, sư đệ thông minh lanh lợi tuyệt vời, nhưng tôi không hỏi về chổ sở học bình sanh, cũng không hỏi về vô số kinh sách sư đệ đã đọc qua. Tôi chỉ hỏi :” Lúc sư đệ chưa ra bào thai, chưa phân biện gì hết, thử nói một câu xem ! “

Hương Nghiêm mờ mịt chẳng biết đường nào trả lời, bèn lui về thất, đem hết kinh điển chữ nghĩa ghi chép bấy lâu ra tham cứu, nhưng không tìm được đoạn nào có thể làm điểm thân kiến của ông. Rốt cuộc ông trở lại Qui Sơn khẩn khoản xin chỉ giáo. Qui Sơn đáp :” Nếu tôi nói cho sư đệ biết, nhất định sau này sư đệ sẽ mắng tôi, vì tôi nói là nói cái biết của tôi, xét ra có dính líu gì đến việc của sư đệ “. Hương Nghiêm thất vọng, nghi vị sư huynh không tốt bụng. Rốt cùng ông đem những kinh luận ngày thường đã xem đốt ráo, nguyện gác thân ngoài thế sự, sống cuộc đời tàn trong cô quạnh và chất phác theo giới luật. Ông nghĩ thế này : Ích lợi gì khổ công tham cứu Phật giáo, thà làm một ông đạo không chùa, không viện, cơm cháo đắp đổi qua ngày, khỏi nhọc tâm thần.

Thế rồi ông từ giả Qui Sơn ra đi, cất bên mộ quốc sư Huệ Trung một cái cốc. Ngày kia, trong khi chặt cây quét lá, một viên sỏi đụng vào khóm tre phát ra tiếng đập vào trí óc ông. Ông cười thất thanh, ngộ ngay trong lúc ấy. Câu hỏi của Qui Sơn sáng rở lên, ông vui mừng vội trở về tắm gội, đốt hương, hướng vọng về Qui Sơn và nói rằng :” Hóa Thượng thật là đại từ, ơn ngài còn hơn cha mẹ, nếu lúc trước vì ta mà nói ra thì đâu có được như hôm nay.
Ở đây ta biện luận thế nào với viên sỏi của Hương Ngiêm ???

Thiền không giúp ta một kiến thức nào, mà cũng không phí thời giờ tranh biện kiến thức với ta, Thiền chỉ gợi ý, hoặc chỉ thẳng, không phải vì Thiền muốn lờ mờ, mà chính vì Thiền không thể làm gì khác hơn cho ta được. Từ đời thuở nào không có gì đánh mất ở ta hết . Chính tại ta nhắm mắt trước cái thực. Trong Thiền, không có gì phải cắt nghĩa, không có gì cần dạy để thêm vào kiến thức của ta. Trừ phi sự hiểu biết bừng lên trong ta, ngoài ra không có sự hiểu biết nào có giá trị hết, lông chim kết lên đầu có mọc được bao giờ…
Theo Thiền lý, chúng ta đều bị trói buộc quá nghiệt ngã trong nếp cảm nghĩ giả tạo, kẹt hẳn trong thế nhị nguyên đối đãi. Cái gì thuộc về Chúa thì chẳng phải ở thế gian này, và cái gì thuộc về thế gian này thì chẳng hợp với thánh thể. Đen chẳng phải là trắng, trắng chẳng phải là đen. Cọp là cọp, mèo là mèo, không bao giờ là một được. Sông thì chảy dài, núi thì cao ngất. Sự vật là vậy, tư tưởng là vậy, trong thế giới tình thức và của khuôn phép luận giải.

Thiền tạo một cuộc cách mạng lật đổ nề nếp tư tưởng đó và thay vào một cái mới, trong ấy không có cái hợp lý, mà cũng không có thị phi tư tưởng hai chiều. Vì thói quen tập quán trong tư duy, chúng ta tin tưởng vào tư tưởng nhị nguyên đối lập, rồi một lúc nào đó, cái nếp nghĩ ngàn đời ấy tỏ ra không còn thật nữa, không còn phù hợp với lẻ thực của cuộc sống, ấy thế là ta bắt đầu cảm thấy đủ thứ mâu thuẫn và rạn nứt phát sinh, cố nhiên đủ thứ khoắc khoải ê chề ray rức tâm hồn ta. Ta đánh mất niềm an vui tưởng rằng hưởng được khi nhắm mắt đi theo những nếp cảm nghĩ ngàn đời ấy. Đối với Thiền, cái mà ta tưởng là hai ấy thực ra chỉ là một mà thôi, cái một tuyệt đối của thế giới vô hạn, ngay nơi cái một tuyệt đối này Thiền đặt căn bản cho đường đi của mình.
Ta hảy xem vài câu chuyện liên quan đến cái một tuyệt đối này :

Một ông tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu : “ Thế nào là câu nói cùng tuyệt ?”. Thay cho lời đáp thỏa đáng, sư chỉ nói :” Phải”. Ông tăng không nhận ra ý nghĩa của chữ “Phải”, tưởng là sư chưa đáp, bèn hỏi lại. Sư hét to : “ Bộ tôi điếc sao ?”
*

Lần khác có ông tăng hỏi Triệu Châu :
- Thế nào là đệ nhất cú ?
- Ông hỏi gì ?

Ông tăng lập lại câu hỏi
- Ông biến thành nhị cú rồi
Đó là lời phán quyết của Triệu Châu.
*

Có người hỏi Triệu Châu :” Một ánh sáng chia ra muôn ngàn ánh sáng, tôi xin hỏi do đâu có cái ánh sáng một ấy ?” . Sư vứt một chiếc giày cỏ đang mang và không nói gì hết
*

Một ông tăng hỏi Thiền sư Lư Sơn :” Muôn vật rốt cùng trở thành không, cái không trở thành gì ?” Sư đáp :
- Lưỡi ngắn quá không giảng được.
- Sao lại ngắn quá ?
-Trong và ngoài đồng một thể “như”.
*

Một ông tăng hỏi Thiền sư Khê Sơn : “ Khi nhân duyên hết thì tất cả trở thành không, vậy cái không trở thành gì ?”. Sư gọi tên ông tăng, ông ta “Vâng”. Sư hỏi :”Đâu là cái không ?” Ông tăng thỉnh sư chỉ dạy, sư đáp :” Cũng như tên rợ Hồ cắn hột tiêu”.
*

Một ông tăng hỏi Triệu Châu : “ Kinh nói muôn vật trở về một, vậy cái một trở về gì ? Châu đáp : “ Khi tôi ở Thanh Châu có may cái áo nặng ba cân “

Trong nếp tư duy ngàn đời của chúng ta thì lý luận đóng vai trò nòng cốt, chỉ đạo tất cả. Tòa nhà lý luận được nâng đỡ trên bốn cột trụ chính, gọi là tứ cú, đó là :
- Đó là A
- Đó không là A
- Đó vừa là A vừa không là A
- Đó không là A mà cũng chẳng không là A

Hể có chấp nhận hoặc phũ nhận là chắc chắn ta rơi vào một trong những công thức luận lý ấy của phép biện chứng, ngày nào trí óc còn theo con đường mòn nhị nguyên ấy thì hậu quả là điều không tránh được. Bản chất của lý luận là vậy, nên ta không thể phát biểu gì khác hơn được. Nhưng Thiền cho rằng chỉ khi nào ta không khẳng định cũng chẳng phũ định mới đạt lý. Hẳn nhiên đó là thế kẹt hai đầu, đồng thời cũng là chổ các Thiền sư luôn giục ta phải vượt qua. Ta thử xem Thiền sư thoát bằng cách nào :

Trong một lần thượng đường, Thiền sư Vân Môn nói :” Tông môn tôi ngang dọc tự do, nắm bỏ tùy lúc” . Một ông tăng hỏi :
- Thế nào là bỏ ?
- Đông đi xuân lại
- Khi Đông đi Xuân lại thì như thế nào ?
- Gậy vác ngang vai, đông tây nam bắc, mặc tình đập gốc mục.
*
Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm (926-992), một cao tăng thế kỹ thứ mười, ngày kia dơ cao cây gậy trúc bề bảo đồ chúng :
“ Này quý ông , nếu bảo cái này là cây gậy, tức khẳng định, nếu bảo chẳng phải cây gậy tức phũ định, ngoài khẳng định và phũ định, nói đi , nói đi : gọi là cái gì ? “
Lúc ấy có một ông tăng bước đến, nắm cây trúc bề ở tay sư, và ném xuống đất.
*

Thiền sư Vân Môn có lần dơ gậy lên nói : “ Cái gì đây ? Nếu nói là cây gậy, ông đọa ngay địa ngục, nếu chẳng phải là cây gậy thì là gì ?
*
Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (779-865) cũng thường sử dụng cây trụ trượng nhằm mục đích ấy. Sư thường bảo đồ chúng :
“Nói được, đánh ba chục hèo
Nói không được, đánh ba chục hèo.”
*
Hai nhóm tăng trong chùa tranh nhau con mèo con, Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện (749-835) ra thấy, nắm lấy con mèo dơ lên cao, bảo : “ Nói được thì mèo sống, nói không được ta giết chết con méo ”. Không ai đáp, và Nam Tuyền giết chết con vật khốn nạn.
Chiều đó Triệu Châu về chùa, sư phụ kể lại câu chuyện ban ngày. Châu bèn cỡi ra một chiếc giày cỏ, đội lên đầu, rồi ung dung đi ra. Nam Tuyền nói :” Tiếc thay hồi sáng không có thầy ở chùa để cứu mạng con mèo con ”.
*

Ngưởng Sơn Huệ Tịch (804-899) và sư phụ là Qui Sơn Linh Hựu (771-853) đều thuộc hàng cao tăng đời nhà Đường. Lúc ấy Ngưỡng Sơn đang trụ trì ở núi Đông Bình, quận Thiều Châu, Qui Sơn gởi đến cho học trò mình một tấm gương kèm theo một phong thư. Ngưỡng Sơn đưa gương lên trước đồ chúng bảo :” Qui Sơn gởi tôi tấm gương, nói thử coi : Gương của Qui Sơn ? hay gương của Ngưỡng Sơn ? Nếu của Qui Sơn sao nằm trong tay Ngưỡng Sơn ? Nếu của Ngưỡng Sơn, sao do Qui Sơn gởi đến ? Hể nói được thì gương còn, không nói được ta sẽ đập nát “.
Ngưỡng Sơn lặp lại ba lần, nhưng không ai nói năng gì và tấm gương bị đập nát.
*

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn có lần nói trong một thời pháp :
Ví như có người lơ lửng trên miệng vực sâu muôn trượng, răng cắn vào một cành cây, chân thõng giữa hư không, hai tay không níu vào đâu được. Ví lúc ấy có người đi qua hỏi vọng lên :” Tổ Đạt Ma qua Tàu có ý nghĩa gì ?”. Nếu người trên cây mở miệng trả lời thì rơi mất mạng trong vực sâu. Nếu không trả lời thì phụ lòng người hỏi. Trong phút giây nguy kịch khó xử ấy, người ấy phải làm sao ?

Vấn đề được đặt ra phủ nhận tất cả đối thể một cách bức bách không sao né tránh được. Người bị treo trên miệng vực là người kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa cái chết và cái sống, không còn biện luận gì được để thối thác. Con mèo có thể bị hy sinh trên bàn thờ Thiền, tấm gương có thể bị đập nát, nhưng còn mạng sống của chính mình, phải tính sao đây ?
Sau đây là câu chuyện của Thiền sư Vân Môn :

Ngày kia sư thượng đường dơ cao cây gậy, nói :
“ Toàn thể núi sông thế giới đều nằm trong cây trượng này cho sống hoặc giết chết “.

Một ông tăng bước ra hỏi :
- Thế nào là giết ?
- Nó đang chết.
- Thế nào là cho sống ?
- Ông nên làm chủ.
- Khi không giết chết, không cho sống, thì thế nào ?

Vân Môn đứng dậy, đọc :
“ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa “
“Tối sơ nhất cú “ (câu nói tối hậu, siêu vượt nhị nguyên) là vậy, ngay đây sư đã hòa đồng chánh đề và phản đề. Đó là lối thoát ngoài tứ cú của sư.

Thêm một đặc tính hấp dẫn nơi Thiền là sự nghịch lý diễn đạt diệu lý Thiền, điều này ta dể nhận thấy rải rác qua các ngữ lục và Thiền ngữ.
Phó đại sĩ (thế kỹ thứ 6 pháp danh Thiện Huệ đại sĩ) nói :

Tay không cầm cán mai
Đi bộ : lưng trâu ngồi
Theo cầu qua bến nước
Cầu trôi nước chẳng trôi

Thật là phi lý không gì hơn, nhưng cái phi lý ấy lại tràn ngập trong Thiền. “Hoa không đỏ, liễu không xanh” là câu nói trong đạo Thiền, mang tính phũ định, được xem tương đương câu khẳng định “Hoa thì đỏ, liễu thì xanh”, theo luận lý học sẽ diễn đạt rằng “ A vừa là A vừa chẳng phải là A “. Như vậy, tôi là tôi, mà bạn cũng là tôi. Thiên đường tức địa ngục, Thiên Chúa tức Sa Tăn (Lucifer), và phiền não tức bồ đề. Ngay cả trong kinh Duy Ma Cật , ngài Duy Ma, một con người im lặng sấm sét, ấy vậy mà tâm sự rằng ông bịnh vì chúng sanh bịnh, cũng là một điều nghịch lý, kẽ khác uống rượu mà ta say, cam làm quýt chịu.

Ba Tiêu Huệ Thanh, một Thiền sư Cao Ly sống vào thế kỹ thứ 9, có nói một bài pháp nổi tiếng :

“ Ông có một cây gậy, tôi cho ông một cây gậy.
Ông không có cây gậy nào, tôi đoạt mất của ông cây gậy”.
*

Một ông tăng hỏi Triệu Châu, ví như có người đến với sư trần trụi, không gì dính thân hết, sư sẽ bảo họ thế nào. Sư đáp :” Vứt hết đi “.
*

Thiền sư Viên Ngộ có câu nói :” Nếu là người thấu đạt nên bắt lầy bò của dân cày, đoạt lấy cơm của kẽ đói “.
Cái nghịch lý trong Thiền lúc nào cũng khiến ta sửng sốt, làm xáo trộn hết những nếp tư tưởng hợp lý quen thuộc của ta, có vậy ta mới chịu khó cày sâu hơn trên miếng ruộng tâm bấy lâu bỏ hoang và lấp đầy tâm hồn ta đói khát chân lý. Khi ta trót quen nhìn sự vật theo một cách nào đó, rất khó cho ta đổi ý và bắt đầu lại theo một chiều hướng khác. “ Hoa không đỏ, liễu không xanh “, có thể là bất kỳ mầu gì, không chừng màu đen cũng nên, những gì trong đời ta tưởng chừng như nghịch lý, nhiều khi, rốt cùng thì chẳng nghịch chút nào cả .
Thêm một điều hấp dẫn nơi Thiền là phi giáo điều, không một áp đặt nào được đưa ra, không hề có một khuôn mẫu nề nếp nào để noi theo cả. Các Thiền sư tùy nghi vận dụng “cái vô hạn” của mình theo hoàn cảnh để khai thị cho học trò, do đó Thiền là cả một sự sáng tạo sinh động vô cùng. Thiền khai phóng tư tưởng nhân sinh để đạt đến sự tự do tuyệt đối, trả con người trở về vị thế cao quý thuở nào, nơi đây hoàn toàn không còn một lệ thuộc nào, kể cả lệ thuộc thần thánh và cũng chính ngay đỉnh vinh quang này Krisnamurti (nhà đạo học cận đại) gọi là “ Tự do đầu tiên và cuối cùng ” , cái tự do mà trăm muôn ngàn kiếp thân phận con người không hề mơ tưởng nổi, cũng như đức Phật khi xưa ngộ đạo dưới cội Bồ đề, ngài đã reo to “Ta đã thấu được pháp thâm diệu, khó nhận, khó hiểu, vắng lặng, tuyệt vời, không biện giải gì được, tinh tế, chỉ có thánh nhân mới hiểu được....” , cho nên Hương Nghiêm Trí Nhàn ngay khi ngộ đạo Thiền đã cười thất thanh, hướng vọng về Qui Sơn mà nói “Ơn ngài còn hơn cha mẹ”, điều này cho ta thấy cảm xúc vô biên của sư, cái mà sư nhận ra không có cái gì trên thế gian có thể so sánh nổi kể cả ơn to lớn của cha sanh mẹ đẻ. Chính cái nhận ra này đã chuyển hóa thân phận con người hửu sự thành con người vô sự, cái trói buộc trở thành tự tại, cái hửu hạn trở thành vô hạn, ngay đây cái thân phận bé nhỏ giữa trời đất bao la này nhận chân được rằng sanh tử xưa nay chưa từng có, nghiệp chướng bổn lai không, phiền não, Niết Bàn chưa từng mộng qua và cái nhận ra này đủ mảnh liệt để đặt một dấu chấm hết dứt khoát cho tất cả mọi nghi ngờ sợ hải từng gây bạo loạn nơi tâm của mỗi sanh linh hửu hạn. Thiền chính là động cơ đưa con người một bước nhảy vọt ra khỏi giấc mộng chiêm bao ngàn đời muôn kiếp và những gì từng xảy ra trong mộng mị giờ đây tìm lại chẳng thấy dấu vết gì…Con người vô sự bây giờ vẫn như xưa nhưng cái nhìn đã thay đổi triệt để hoàn toàn sau một cuộc cách mạng mảnh liệt nơi tâm, một cuộc đấu chiến với tất cả ý chí dũng mảnh làm sụp đổ cả một đế chế bản ngã kiên cố từng ngự trị từ đời thuở nào tưởng chừng như không cách gì lung lay được. Ảo tưởng về một cái tôi nơi nhận thức đã tan biến, con người nhận ra cả pháp giới bao la này cũng chính là mình chưa từng sai khác. Con người vô sự trở lại thế gian, thỏng tay vào chợ, sống thảnh thơi giữa dòng đời và cuộc đời bây giờ đẹp làm sao, hoa vẫn nở ngoài đồng, chim vẫn hót trên cây, sông vẫn chảy và núi vẫn cao…

Ta xem qua lời tự thuật của Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín thốt ra sau khi ngộ đạo Thiền :

“ Sãi tôi ba mươi năm trước, khi chưa học Thiền,
thấy núi là núi, thấy nước là nước;
Sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chổ vào,
thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước;
Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh, y nhiên;
thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước.
(Truyền Đăng Lục, quyển 22)
Quan điểm cùng tuyệt của Thiền là vì vô minh nên ta lầm đường lạc lối, tưởng có sự chẻ đôi ở trong ta khi mà, từ nguyên thủy, chưa hề có cuộc tranh chấp nào giữa hửu hạn và vô hạn; và sự tư do mà ta nhiệt thành tìm kiếm vẫn có đó tự bao giờ. Thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống, sau khi mở được con mắt Thiền đã diễn ý này bằng mấy vần thơ sau :

“ Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều ”.
( Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang ).

Cùng với ý trên , ta xem qua câu chuyện ngộ đạo thiền của Lâm Tế Nghĩa Huyển (vị Tổ của dòng Thiền Lâm Tế) :
Khi Lâm Tế cắn răng ba lần nhận lấy ba chục hèo của Huỳnh Bá Hi Vận mỗi khi ông đến hỏi đạo, trông ông thật thiểu não làm sao ! Ông buồn ý bỏ Huỳnh Bá sang xin học với Đại Ngu.

Đại Ngu hỏi :
- Ở đâu đến đây ?
- Ở Hòa Thượng Huỳnh Bá.
- Huỳnh Bá có nói câu gì không ?
- Nhĩa Huyền tôi đảnh lể Hòa Thượng hỏi về đại ý của Phật Pháp thì bị Hòa Thượng đánh, ba lần hỏi ba lần bị đánh như vậy, không biết tôi có lỗi gì .

Đại Ngu nói : Huỳnh Bá có lòng đại bi như lão bà như vậy nên mới làm cho ông khốn đốn, sao ông không biết mà còn hỏi lỗi phải nỗi gì ?
Sư vừa nghe chợt tỉnh theo lời nói. Ngộ rồi, câu nói đầu tiên của Lâm Tế là :” Thì ra Phật pháp của Huỳnh Bá chả có gì lắm đó ! “
Sau khi đánh Đại Ngu ba thoi vào bụng, Lâm Tế giả từ trở về Huỳnh Bá.

Cái mà Lâm Tế nhận ra đã có sẳn tự bao giờ, không phải là cái gì mới xuất hiện, hoặc từ bên ngoài mà đến, nên ngay đây Thiền ngữ gọi là “vô tu “ ,“vô chứng” ,“vô đắc” ( phù hợp với tinh thần Bát Nhã ) , do đó câu nói đầu tiên sau khi nhận ra được đạo Thiền của Lâm Tế là :” Thì ra Phật pháp của Huỳnh Bá chả có gì lắm đó ! “.

Đời sống Thiền là “bình thường tâm thị đạo”, có nghĩa “đói ăn khát uống, mệt ngủ khò” . Thế thì có gì cao siêu đâu ? Ai cũng làm được mà ! Ấy thế mà khi ăn, ta toan tính trăm điều, có thực ăn đâu ! Khi ngủ, ta nghĩ nhớ trăm thứ, có thực ngủ đâu ! Do đó ta không sống với tâm bình thường, mà thực ra trong đời ta chỉ sống với tâm bất bình thường mà thôi.

Một nét quyến rũ khác nơi Thiền là phi triết học, phi tôn giáo và đầy phóng khoáng. Thiền không phải là độc quyền riêng biệt của Phật giáo, trước khi Phật giáo hình thành thì Thiền đã xuất hiện trên thế gian rồi. Khi Bồ Đề Đạt Ma đưa Thiền vào Trung Hoa đã gây một phản ứng dữ dội nơi các tông phái Phật giáo theo giáo điển vào thời đó, họ đã gọi Thiền là đứa con hoang của Phật giáo, vì Thiền hành xử hoàn toàn ngoài giáo điển và Thiền đã phải nêu lên câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” để khẳng định tính chính thống của mình. Đường đi của Thiền hầu như thoát ly hoàn toàn màu sắc tôn giáo, hành giả Thiền Tông luôn phải đặt câu hỏi “tại sao ?” một cách nhiệt thành và khởi nghi, mà nghi là điều kiện dẫn đến ngộ. Nơi Thiền không có đức tin tôn giáo, một loại đức tin kiểu Thiên Chúa giáo hoặc Tịnh Độ Tông của Phật Giáo. Theo thời gian Thiền đã chứng minh được giá trị của mình và phát triển mạnh trên mảnh đất Trung Hoa màu mở. Từ đời Huệ Năng trở về sau, Thiền đã tước bỏ hẳn chiếc áo triết học trừu tượng của Ấn Độ để trở thành thực tiển và cụ thể phù hợp với miền đất mới. Điều này ta dể nhận thấy khi đọc kinh Hoa Nghiêm, các nhà tư tưởng triết học Ấn độ đã trừu tượng hóa Đức Di Lặc khảy móng tay và Thiện Tài lọt ngay vào tháp Tì Lô Xá Na, điều này cũng tương tự với việc Thiền sư Long Đàm Sùng Tín đưa ngọn đèn cầy cho Đức Sơn, khi Đức Sơn tiếp nhận, Long Đàm thổi tắt ngay ngọn lửa và Đức Sơn lọt vào tháp Tì Lô Xá Na (hốt nhiên đại ngộ). Vì ngôn ngữ bị giới hạn, nên những nhà tư tưởng Ấn Độ phải viện dẫn đến ngôn ngữ trừu tượng để diễn đạt chân lý , trong khi đó các Thiền sư Trung Hoa dùng ngay cử chỉ hành vi, điệu bộ của mình để diễn đạt chân lý tối hậu một cách thực tiển hơn, trong câu chuyện “Nam Tuyền giết mèo” , ta thấy, Thiền sư Triệu Châu đáp lời Nam Tuyền bằng cách cởi một chiếc dép cỏ đội lên đầu đi ra, đó là cách Thiền sư diễn đạt chân lý.

Để rỏ hơn, thiết nghĩ chúng ta nên xem qua câu chuyện của Triệu Châu sau đây :

Một hôm có một bà lão sai người hầu mang vật phẫm đến cúng dường Thiền sư Triệu Châu với một yêu cầu là sư phải tụng nguyên bộ Tam Tang kinh điển. Khi người hầu đến, sư đang ngồi trên ghế và sư nhận lời. Sư bèn bước xuống ghế, nhiểu quanh một vòng rồi lên ghế ngồi tiếp, sau đó nói :” Xong rồi ”.

Người hầu về thuật lại với bà lão, nghe xong bà lão nói :” Ta yêu cầu tụng nguyên bộ mà lão mới tụng có nửa bộ “.
Nơi đây, ta thấy tính cách thực tiển của Thiền quả là lôi cuốn biết bao đối với hàng hậu học.

Nhưng dù “yêu” Thiền đến mấy đi nửa, ta chớ nên “bắt chước “ cơ phong của Thiền sư hoặc lấy cái biết của Thiền sư làm cái biết của mình, vì như thế là ta bức tử Thiền, Thiền chỉ còn là một xác chết khô đét trong tay ta mà thôi. Thiền là sự sáng tạo, đầy sinh khí, cho nên Thiền đòi hỏi nơi ta sự bừng dậy một cái biết tự thân, một thực chứng kinh nghiệm Thiền, và chính cái biết này mang một giá trị sinh tử đối với ta, còn ngoài ra những hiểu biết nào khác từ bên ngoài đến đều vô ích, chỉ làm tăng thêm tri thức, phát triển bản ngã khiến cho ta cứ mãi tiếp nối cái vòng lẩn quẩn trong tư tưởng nhị nguyên đối đãi chẳng đời nào giúp ta một bước nhảy vọt thoát ra khỏi giấc mộng mị ngàn đời.

Qua những gì trình bày trên, thì rỏ ràng đích đến của Thiền là tạo một cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu nơi tâm, lật đổ nếp cảm nghĩ quen thuộc ngàn đời, xóa bỏ những lối mòn tư tưởng mà chừng như không thể nào dứt ra được và cuộc cách mạng này không dể gì xảy ra nếu như tâm không rơi vào trạng thái khũng hoảng cực độ, mọi phản ứng gần như tê liệt, ý niệm về thời gian, không gian hầu như tan biến. Ngay đây bản ngã bị bức tử, thế giới ngã tưởng đang dẩy chết, trong Thiền “cái chết lớn” này được gọi là “Đại tử nhất phiên” hoặc “Tuyệt hậu tái tô”. Trạng thái khũng hoảng có thể ngắn hoặc kéo dài, giai đọan này nhà Thiền gọi là “Đại nghi “, trạng thái “chín mùi” của tâm, chờ “cơ duyên khai ngộ”. Lúc này hành giả đứng thì quên ngồi, đi thì quên dừng, sinh hoạt như một người khờ ngốc. Thiết nghĩ ta nên xem qua di cảo của Phật Quang quốc sư (Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên) (1226-1286) tự thuật giai đoạn tâm chứng của sư như sau :

“ Năm 17 tuổi, tôi phát tâm học Phật, và bắt đầu khám phá mật nghĩa chữ VÔ của Triệu Châu. Tôi định làm xong công quả ấy trong một năm, nhưng rốt cuộc không đi đến đâu hết. Rồi một năm nữa trôi qua vẫn không gì hơn, rồi ba năm nữa vẫn không thấy tiến bộ gì. Qua năm thứ sáu, vẫn không có gì khác thường biến đổi trong người tôi, nhưng chữ VÔ giờ đây bám dính vào tôi, không rời một bước, cả khi tôi ngủ. Toàn thể vũ trụ hầu như chẳng gì khác hơn là chữ VÔ ấy. Trong khi ấy, một ông sư già bảo tôi thử dẹp hết qua một bên coi sự thể ra sao. Theo lời khuyên tôi vứt tất cả và ngồi yên. Nhưng chữ VÔ đeo riết theo tôi đến không sao dứt bỏ được, dầu đã hết sức vùng vẫy. Ngồi, tôi quên tôi đang ngồi, mà cũng quên luôn bản thân tôi, quên hết, chỉ còn lại cảm giác một cái trông không. Cứ thế nữa năm trôi qua. Như chim sổ lòng, tâm tôi qua lại tự do ngang dọc tùy thích, không ngăn ngại, hết đông sang tây, hết nam sang bắc. Ngồi tịnh suốt hai ngày liền, hoặc suốt ngày đêm, tôi không biết mệt mỏi là gì.

Đêm nọ, trong khi đang tịnh, tôi cảm như thân và tâm tôi bứt làm đôi, hết mong gì chắp liền lại được. Mọi người chung quanh tưởng tôi chết rồi, nhưng có vị tăng già bảo rằng vì tôi thâm nhập trong đại định nên tứ chi cóng lạnh thành bất động, nếu cho mặc áo ấm vào thì tỉnh lại như thường. Quả đúng vậy, rốt cùng tôi tỉnh lại hỏi ra mới biết tôi lịm trong trạng thái ấy đã một ngày một đêm.

Sau đó, tôi vẫn tiếp tục ngồi tịnh và bắt đầu ngủ được chút chút,nhưng hể nhắm mắt là thấy mở rộng trước tôi một khoảng trống không như một sân trại. Nơi mảnh đất ấy, tôi qua lại mãi riết quen thuộc. Nhưng hể mở mắt là hình ảnh ấy tan biến mất. Một đêm, ngồi tịnh rất khuya, tôi giữ đôi mắt mở trừng ra theo dõi tôi ngồi trên tấm nệm. Thình lình có tiếng đập trên tấm bảng trước phòng vị giáo thọ lọt vào tai tôi, và liền đó hiển lộ trọn vẹn ở tôi vị “bổn lai nhân”. Hình ảnh hiện ra ấy không còn gì hết khi tôi nhắm mắt. Tôi vội vả rời nệm ngồi, chạy riết dưới trăng thanh đến khu vườn nhà Ganki, tại đây ngửa mặt lên trời tôi phá lên cười vang :

Ôi, lớn thay pháp giới ! Lớn thay, và bao la, mãi mãi không cùng !

“ Nổi mừng của tôi thật không bờ bến vậy ! Tôi không ngồi yên được trong Thiền đường; tôi bỏ đi lên núi, lang thang đó đây vớ vẩn, không mục đích. Tôi nghĩ rằng mặt trời mặt trăng mỗi ngày đi bốn ngàn triệu dặm. Rồi tôi nghĩ nữa vầy :” Quê tôi ở Trung Quốc, người ta nói rằng xứ Dương Châu của tôi là trung tâm của thế giới. Nếu vậy thì chổ ấy xa chừng hai ngàn triệu dặm cách chổ mặt trời mọc; nhưng tai sao mặt trời vừa mọc là ánh nắng đập ngay vào mắt tôi ?” Tôi lại nghĩ thêm :” Ánh mắt tôi phải đi chớp nhoáng như ánh mặt trời, vì nó đến tận mặt trời; mắt tôi, tâm tôi há chẳng phải là pháp giới sao ? “. Nghĩ đến đây, tôi cảm như tất cả những gì trói buộc tôi từ vô lượng kiếp đổ vỡ tan tành hết. Từ bao nhiêu năm vô tận rồi nhỉ tôi sống trong ổ kiến như thế này ? Và giờ đây, đây này, mỗi lổ chân lông trên da tôi là vô số nước Phật trong mười phương ! Tôi tự nhũ :”Dầu không được cái ngộ cao hơn, thì thế này vẫn đủ quá cho tôi rồi “.

( Quốc sư Phật quang, người Trung Hoa, sang hoằng hóa ở Nhật nhằm thời gia tộc Hojo đang trị vì ở Khiêm Thương; ngài dựng ngôi chùa Viên Giác Tự, một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Nhật. )

Ngộ là một trực giác phóng thẳng vào bản thể của muôn vật, đó là khám phá ra một thế giới mới chưa bao giờ hiển lộ cho một tâm thức đảo điên sống bằng luận giải nhị nguyên. Hể ngộ rồi thì muôn vật quanh ta sẽ hiện ra dưới một quan điểm hoàn toàn mới lạ chẳng ngờ. Dầu sao, thế giới sau khi ngộ không còn là thế giới cũ của ngày nào, dầu vẫn dòng nước chảy ấy, vẫn ngọn lửa nóng như thiêu đốt ấy, thế giới ấy không bao giờ “mê” trở lại như xưa. Nói cách khác, tất cả mâu thuẩn, dị biệt đều đồng nhất và dung thông nhau trong một trật tự nhịp nhàng.
Thiền là một sự thân chứng cá nhân, nếu trên cõi đời này cái gì được gọi là triệt để duy nghiệm, cái ấy là Thiền. Không một vốn liếng sách vở nào, không một vốn liếng học hỏi nào, không một vốn liếng trầm tư mặc tưởng nào nặn ra được một Thiền sư.

Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta chẳng phải là Thiền sư, nhưng cuộc đời thân phận mỗi cá nhân là một công án của chính mình, chúng ta phải nhiệt thành giải quyết công án đời mình như thế nào đó để có thể ít nhiều “sống thảnh thơi giữa dòng đời”, bớt đi những lo toan không cần thiết của cuộc sống, giãm nhẹ khắc khoải ưu tư nơi tâm hồn, để đời có thêm chút Thiền vị .

Bài viết này từ nơi kiến giải hửu hạn khởi phát, do đó thân phận của nó không thể vượt thoát được những giới hạn dành riêng cho nó, đó là sai lệch, kiến chấp, ….trong thế giới ngã tưởng, mong được đọc giả cảm thông và chỉ nên đọc với tính cách tham khảo mà thôi.

Ngày 14 tháng 7 năm 2010

MINH TÂM
 
Ho
àng Nguyễn gởi