Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
 Thiên Nga 13 năm tù khổ sai?
 



Phạm Quang Trình
 
Tù là chuyện thường...
 
Tù là chuyện thường tình ở bất cứ nơi nào và bất cứ thời nào. Đông Tây Nam Bắc. Âu Á Úc Mỹ Phi. Tây Tầu Nga Mỹ Anh Nhật. Senegal Nigeria Israel Iran. Việt Lào Kampuchea Thái Lan India Pakistan... Thời thượng cổ. Thời phong kiến. Thời trung cổ. Thời thuộc địa. Thời Cộng sản. Thời hậu Cộng sản... Vân vân và vân vân.

Tù là do tội. Có tội mới bị tù. Tội là do luật cấm. Luật cấm do chế độ xã hội. Chế độ càng độc tài thời càng có nhiều luật cấm. Vi phạm luật cấm là bị tù. Bị tù là bị mất tự do!

Trong các chế độ độc tài, không chế độ nào có nhiều luật cấm đoán bằng chế độ Cộng sản. Dưới chế độ "chuyên chính vô sản" này, số người bị tù đông nhất, bị giam giữ lâu nhất, ác ôn nhất, đói khổ nhất, bị giết hại nhiều nhất.  Nga Sô, Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Cộng, Lào, Khmer- Đỏ, Cuba... toàn là tù. Tù trong, tù ngoài, tù có án, tù không có án.

Các chế độ độc tài đều có sự đàn áp. Mức độ đàn áp khác nhau tùy theo mức độ độc tài. Chế độ Cộng Sản đi thêm một mức độ độc tài sâu xa hơn nữa là căn cứ vào nền móng của chế độ. Tổ sư Cộng sản Lénine đã nói: "Nhà nước là công cụ của giai cấp này để đàn áp giai cấp khác. Nhà nước được lập nên không phải vì tự do. Nói cách khác, có nhà nước thì không có tự do; mà có tự do thi không có nhà nước" (Lénine: l'État et la Révolution 1917; page 24 et 132). Vì là nhà nước của giai cấp vô sản (mà bọn lãnh đạo toàn là vô sản giả hiệu, ăn cắp danh xưng của vô sản chân chinh) nên chế độ không chấp nhận quyền tư hữu. Quyền tư hữu dành cho Đảng - bọn tư bản Đỏ. Nói rõ hơn, đối với dân hễ giàu là có tội mà điển hình là vào thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất - Đấu Tố Địa Chủ tại Miền Bắc Việt Nam (1952-1956). Giầu là một cái tội! Có tội thì phải bị đấu tố hay vô tù rục xương! "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" là vậy! Xin hãy nghe Cai tù văn nghệ Tố Hữu hô hào:
 
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
 
Thơ của hung thần Tố Hữu thời Cải cách ruộng đất long trời lỡ đất, giết oan khoảng trên dưới  300,000 người dân miền Bắc hồi thập niên 1950, theo tài liệu chính thức lề đảng tên là "Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000" do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản.
 
Các nước Cộng Sản như Nga sô, Trung Cộng, Đông Đức, các nước Đông Âu, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba... đều có chế độ tù đày như nhau: đông tù nhân nhất, khắc nghiệt nhất, giam lâu nhất, giết nhiều nhất, không có bản án vì không xét xử. Xét xử chỉ là kịch bản do nhu cầu chính trị mà làm. Không phân biệt tù nhân chiến tranh và tù nhân hình sự. Quy chế tù nhân chiến tranh là do quốc tế đặt ra. Các nuớc CS có tham dự nhưng không thi hành. Chỉ có tù chính trị và tù hình sự. Nhà tù được Đảng Cộng sản đặt cho cái tên hoa mỹ là Trại Cải Tạo! 

Từ khi Cộng sản xuất hiện ở Việt Nam, chúng đã thành lập nhiều nhà tù. Trước Hiệp định Genève 1954, các trại giam Đầm Đùn ở Khu Tư, trại giam Phong Quang, trại giam Cổng Trời (Hà Giang) miền Bắc, vân vân cùng với tên chúa ngục Lý Bá Sơ đã làm cho dân chúng miền Bắc nghe đến phải rùng mình! Sau ngày 30-04-1975, nhà tù Cộng Sản tràn lan khắp nước. Gần nửa triệu Quân Dân Cán Chính VNCH bị xung vô các trại tù khắp cả ba miền Nam Bắc Trung. Càng nhiều tù thì càng nhiều trại giam. Cành nhiều trại giam thì sự khắc nghiệt cảng gia tăng vì đó là tù nhân chính trị. Những "Trại Cải Tạo" dành cho Quân Dân Cán Chính VNCH khắp ba miền là những nhà tù vĩ đại. Mỗi trại giam chứa từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Đó là chưa kể đến các nhà tù ở địa phương cấp tỉnh, quận, huyện. Ngoài tù chính trị, còn vô vàn tù hình sự: vượt biên, trộm cướp, mại dâm, tham nhũng, hối lộ, vân vân. Cũng là nhà tù, nhưng nhà tù Việt Cộng còn ác ôn hơn nhà tù thời Staline và Mao Trạch Đông. Bởi vì Hồ Chí Minh và đồng bọn là đầy tớ, là học trò của Mác Lê Xít Mao! Chúng công khai khẳng định: "Nhà nước đã bắt là có tội! Không có tội thì đánh cho ra tội!"
Như đã nói trên tù là hình phạt tước đoạt tự do. Mất tự do là tù. Hồ Chí Minh từng nói "Không có gì quý hơn độc lập tự do", và ông ta cũng từng bị chính quyền  Tưởng Giới Thạch bắt bỏ tù tại Trung Hoa.
 
“Nhớ Bác Hồ”
 
Năm 1941, Hồ Chí Minh bị Tưởng Giới Thạch bắt nhốt 13 tháng. Ở tù, họ Hồ cũng làm thơ (hay cầm nhầm thơ của người khác như giáo sư Lê Hữu Mục đã chứng minh). Bài thơ được truyền tụng nhiều nhất là bài thơ “đi ỉa” bằng Hán văn, có tên là “Hạn chế”:
 
Một hữu tự do, chân thống khổ,
Xuất cung đã bị nhân chế tài;
Khai lung chi thời đỗ bất thống,
Đỗ thống chi thời lung bất khai.
 
Bài thơ này được cán bộ Việt Cộng trong Viện Văn Học dịch ra Việt Văn và xưng tụng là “chất chứa nhiều tư tưởng triết lý cao siêu” như sau:
 
Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho;
Cửa tù khi mở không đau bụng,
Đau bụng thì không mở cửa tù.
 
Không biết bài thơ của họ Hồ chất chứa những tư tưởng triết lý cao siêu gì? Có một điều chắc chắn rằng sau khi nắm được chính quyền rồi, y đã biến đất nước ta thành một nhà tù vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Năm 1978, vì tham gia hoạt động kháng chiến, tôi bị Việt Cộng bắt đem biệt giam ở T30 (khám Chí Hòa). Nhớ tới tâm địa giả dối của họ Hồ, tôi đã làm bài thơ “Nhớ Bác Hồ” như sau:
 
Ngồi đây nhớ chuyện bác Hồ,
Chỉ vì hai chữ Tự Do mà tù!
Đau khổ thay mất tự do,
Đến buồn đi ỉa chẳng cho ra ngoài.
Quặn đau cái của nợ đời,
Khi không đau bụng cửa ngoài mở tung.
Nhờ thời cách mạng thành công,
Nhân dân đoàn kết non sông thành bình.
Nhưng rồi lại chiến lại chinh,
Bác toan nhuộm đỏ cái tình quê hương.
Đấu tranh nào thấy thiên đường,
Việt gian Cộng sản một phường ác tâm.
Xé hiệp định nuốt miền Nam,
Biến năm mươi triệu người dân thành tù!
Chỉ vì hai chữ Tự Do,
Mà tôi đây cũng ở tù Bác ơi!
Bụng đau tôi muốn la trời,
Gào khan cả cổ chẳng ai đoái hoài.
Bác Hồ ơi! Bác Hồ ơi!
Bác Hồ có thấu cái nợ đời này cho chăng?
Dù cho đã chết nhăn răng,
Bác Hồ sống mãi trong quần chúng... ta!
 
 Phòng 56 lầu 3 khu AB, nhà tù Chí Hòa (T30)
 
Tù biệt giam ở khu AB nhũng phòng mang số 6 như: 6, 16, 26, 36, 46, 56... mỗi ngày chỉ được Việt Cộng cho đi ra ngoài phòng giam làm vệ sinh cá nhân lúc sáng chừng 5 - 7 phút. Ngoài ra khi cần phải đi cả vào chén ăn, vào sô đựng nước... Không có gì khổ bằng muốn đi vệ sinh mà phải nhịn. Bởi đó, khi ở phòng biệt giam 56, tôi thèm có một chỗ đi vệ sinh hơn bất cứ thứ gì khác.
 
Năm 1978, tại Bảo Lộc, có ông thầy tu bị bắt trong chiến dịch đánh phá các Nhà Dòng Công Giáo. Cán bộ bắt ông ra cuốc vườn. Ông thầy bắt được một con chim cho vào lồng nuôi chơi. Buồn buồn, ông lấy giấy viết ngay câu "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Hồ Chí Minh rồi dán vào lồng chim. Quản giáo xem thấy, gán ngay cho ông cái tội dám nhạo cười Bác, liền cho vào biệt giam mấy tháng!
 
Người ta vẫn nói: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài. Mỗi năm có một mùa thu, vậy ngàn thu là một ngàn năm! Có ở tù mới biết cái thời gian nó dài như thế nào. Vậy thì người bị phạt tù 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm hay chung thân sẽ cảm thấy thật khủng khiếp! Tù chung đã vậy, còn "biệt giam" sẽ ra sao?
 
Ở tù không chỉ chịu hình phạt mất tự do mà còn nhiều thứ khác, đó là đói, khổ, ghẻ lở đầy mình.
 
ĐÓI

Trước hết nói về cái ĐÓI. Cái đói ở tù Cộng sản thât khủng khiếp. Tù Cộng Sản khác xa với tù bên Mỹ! Nói thiệt, được ở nhà tù bên Mỹ là tiên trên đời. Tù mà còn được ăn uống đầy đủ, béo tốt, được đi học, được coi TiVi, được về thăm nhà. Đúng là thứ tù ông, tù bà. Tù này thật còn sướng hơn làm công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!

Nguời Cộng Sản mưu mô quỷ quyệt, coi hình phạt tù là cách dùng bạo lực cách mạng để đàn áp, làm cho con người chịu đựng không nổi phải bị khuất phục! Khi cơn đói nổi lên nó dễ làm cho bản chất con người lộ ra. Cái đói nó dồn dập khiến con người làm đủ mọi cách để sống còn, có khi quên cả nhân cách để dằn cơn đói! Tù nhân phải chiến đấu với chính mình và với cả kẻ khác cùng hoàn cảnh, đánh mất cả nhân tính.
Tù Việt Cộng sau 30-04-1975 chỉ được ăn bo bo, củ mì, và cơm sạn. Chút nước canh mắm có vài sợi rau, vài miếng bí đỏ, có khi thấy cả xác giòi nổi lều bều trên mặt! Mặc! Nhắm mắt mà nuốt! Không ăn thì chết!
 
Hết cơm, mì cục, lại bo bo
Điện chẳng buồn lên cảnh tối mò
Ăn, ngủ, ỉa, chơi và gãi ghẻ:
                                          - TÙ !

Chiều nay, tù lại nuốt bo bo
Bụng lép ăn vào chẳng thấy to.
Cơn đói tung hoành, đi uống nước:
                                          - NO !
    
Tù chia cơm

Bốn cục mì cho bốn đứa ăn
Thìa cơm vương vãi cũng chia phần.
Anh này banh mắt nhìn hau háu,
Chú nọ đưa tay muốn chụp phần.
Ít ỏi ông kia đòi rút số,
Nhiều đâu cậu nó quyết liều thân,
Tấn tuồng cứ diễn qua rồi lại,
Thấm thía đời tù một xác thân!
 
Ở tù mà tối ngày cứ nghĩ đến miếng ăn, đêm ngày, thức cũng như ngủ, tù chỉ mơ được ăn no. Đói chỉ mong ăn. Ăn không được no, còn phải đi lao động khổ sai. Đói và rét, kiếm chỗ ngủ cũng không xong, có khi rợn cả ngưởi vỉ phải nằm chung với những tù nhân mắc bệnh nan y củi hủi, ho lao! Không có gì diễn ta sâu sắc về cảnh tù tội cho bằng lời thơ của Nguyễn Chí Thiện qua bài "Tôi có thể ăn..."
            
Tôi có thể ăn vài cân sắn sống
Ngon lành như nhai kẹo xô-cô-la!
Bạn phục tôi tài hơn cả lợn là?
Tôi đương sống trong nhà giam Việt- Cộng!

                  * * *

Mùa đông rét, ào ào gió lộng.
Ðứng ngâm mình vớt nứa giữa giòng sông
Bạn tưởng tôi xương sắt, da đồng?
Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng!

                   * * *

Chỗ tôi nằm sáu mươi phân chiếu rộng
Hai người bên, một hủi, một ho lao.
Bạn bảo tôi còn biết làm sao?
Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng!
(1968)
 
Đói thì tranh giành nhau, cướp giật của nhau cả miếng ăn như nhà thơ than thở:
 
Xuất cơm tôi một hôm đánh đổ
Tôi còn đương đau khổ nhìn theo
Thì nhanh như một đàn heo
Bốn, năm, đầu bạc dẫm trèo lên nhau
Bốc ăn một loáng sạch làu
Miếng cơm, miếng đất, lầu bầu chửi nhau!
(1966)
 
Khổ như thế mà tù còn phải ăn chay:
 
Tù ăn chay nghĩa là không có muối
Cơm không mà dăm suất có vần xuôi!
Giá được điều lao động toán chăn nuôi
Lấy lại sức nhờ sắn, khoai, bẹ chuối
Nhà thơ sẽ đỡ còm nhom yếu đuối
Chuồng lợn kia sẽ hóa tháp ngà thôi!
(1987)

Cho nên tù nhắm mắt ăn đủ thứ để dằn bụng: rau cỏ, rắn rít, chuột bọ, con gì nhúc nhích vồ được là ăn:
 
Tù ăn đủ thứ, trừ phân
Nói vậy là chưa thành khẩn
Chảo rau muống có giẻ chùi nấu lẫn
Ai người ghê tởm không ăn?
Lạc giống đem trồng trộn lẫn tro phân
Lén lút nuốt nhai, sá gì nhơ bẩn
Tôi không muốn nói điều tàn nhẫn
Nhưng thực tế là như vậy, kiếp tù nhân!
(1987)
 

 GHẺ

Đói vì thiếu ăn. Tù nhân bị biệt giam lại nằm trong xà lim, thiếu ánh sáng mặt trời. Cơ thể hao mòn, gấy ốm không còn đủ sức đề kháng thành ra ghẻ lở đầy mình:
 
Tù tội buồn tênh ngồi gãi ghẻ
Khắp cả châu thân đều nứt nẻ
Gãi đêm, gãi tối, gãi luôn ngày
Áo quần rách toạc như búi giẻ!
    PQT (1978)
 
Cái ĐÓI hành hạ đã khủng khiếp mà cái GHẺ còn khủng khiếp hơn nữa. Chỉ cần vào tù vài ba tuần, thiếu ăn, thiếu nắng, thiếu xà bông và nước tắm là ghẻ xuất hiện ngay lập tức. Ghẻ chẳng trừ ai. Ghẻ xâm nhập và lộ diện công khai trên da thịt, khắp châu thân, từ đầu tới chân. Chỗ da thịt càng non càng mềm càng nhiều mụn ghẻ. Ghẻ đỏ rực, bò lan ra như đàn kiến, li ti, lớn dần như hột bắp, nhô lên như những gai nhọn. Đau nhức và ngứa râm ran liên tục từng cơn. Ngứa phải gãi. Gãi trầy da, chảy máu, ngứa và ngứa... Có những lúc đang nằm thiu thiu ngủ, cơn ngứa ghẻ bùng lên, như những cây kim đâm sâu vào da thịt. Chịu không nổi. Da trắng bệch, ghẻ trồi lên như những "viên kim cương" đỏ rực có mũi nhọn như những đỉnh núi đá, lại có mủ vàng bên trong! Ui cha! Ui cha! Sao mà ngứa thế! Gãi rách cả da thịt không sao chịu nổi những cơn ngứa!!! Tù nhân đưa tay rờ vào da thịt khắp châu thân, mặt mũi, cổ, nách, lưng, mông đít, chỗ kín, những khe, những kẽ... rợn cả người, toàn thân đầy mụn ghẻ, như những viên kim cương rắn chắc, tua tủa như những gai nhọn!
 
Tù trong các trại cải tạo còn được đi tắm sau giờ lao động, hay tù biệt giam sau một tuần nằm trong buồng giam. Tù tắm truồng! Quần áo đâu mà mặc! Những cái áo bằng vải bố vá chằng vá chịt, rách thảm thương. Tắm truồng, chẳng thèm mắc cở! Chẳng ai cười ai. Ai cũng như ai, tù đàn ông cả mà! Không còn là hình hài của một con người mà tay chân quều quào như bầy vượn.
 
             TỪ VƯỢN LÊN NGƯỜI
 
Từ vượn lên người mất mấy triệu năm
Từ người xuống vượn mất bao năm?
Xin mời thế giới tới thăm
Những trại tập trung núi rừng sâu thẳm!
Tù nhân ở truồng từng bầy đứng tắm
Rệp muỗi ăn nằm hôi hám tối tăm
Khoai sắn tranh giành cùm, bắn, chém, băm
Ðánh đập tha hồ, chết quăng chuột gặm!
Loài vượn này không nhanh mà rất chậm
Khác vượn thời tiền sử xa xăm
Chúng đói chúng gầy như những cái tăm
Và làm ra của cải quanh năm.
Xin mời thế giới tới thăm!
 (1967)
Khuyết Danh
 
Suốt bẩy tháng trời ở phỏng 56 lầu 3 khu AB Chí Hòa (T30). Đói, đau, ghẻ ngứa, nhớ nhà, buồn bực, ngày ngủ, đêm thức, xáo trộn, ăn thiếu uống dơ mà sao không đau bụng! Kể cũng lạ! Còn nghe tiếng chuông Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế đổ hồi và dâng lời cầu nguyện:
 
Giáo đường chuông đổ vẳng bên tai
Tỉnh giấc "nồng" đêm ngủ đã dài.
Quỳ gối dâng lời tôn kính Chúa,
Cầm lòng khẩn nguyện thánh danh Ngài.
Cầu cho dân tộc qua nguy khốn,
Xin cứu non sông hết đọa đầy.
Phó thác tin yêu tòa Chúa ngự,
Ngục tù bừng sáng thấy tương lai.
(PQT 1978)

Chỉ có niềm tin Tôn giáo mới đem lại cho mình sức mạnh chống chọi với kẻ thù!
 
Làm việc với chấp pháp
 
Việc hỏi cung là việc đầu tiên ngay khi bị bắt vào tù. Lần đầu tiên, chấp pháp bắt tù nhân khai lý lịch. Những ngày kế tiếp mới "làm việc chính thức".

Tù chính trị hay tù hình sự cũng phải làm các thủ tục như nhau. Nhưng tù chính trị phải làm việc gay cấn hơn gấp bội. Tù chính trị thường là tù chống đối chế độ, được gọi là phản động. Càng có vai trò quan trọng ngoài xã hội cảng phải đối phó gay cấn. Không phải một lần. Mà mỗi ngày hai ba lần. Sáng, chiều, tối. Bất cứ giờ nào. Hỏi liên miên. Khai liên miên. Phải viết liên miên. Hôm nay viết xong. Ngày mai viết lại. Cứ viết, cứ bị thẩm cung, cứ phải thức liên miên. Hôm nay chấp pháp này. Mai chấp pháp khác. Thay đổi liên miên. Lại bị hỏi cung. Lại khai. Lại viết. Sáng viết xong. Chấp pháp chê chưa viết hết, chưa viết đủ. Chiều viết lại. Cứ viết. Cứ khai. Ngày này qua ngày khác. Rồi nghỉ mấy bữa lại khai, lại viết. Ngày này qua ngày khác. Tuần này qua tuần khác. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác... Rồi chuyển trại, lại khai, lại viết.... viết mãi.

Tù chính trị có tổ chức, có trách nhiệm sẽ nguy khốn và khó khăn hơn. Thứ tù này phải khôn ngoan mà đối phó. Giữ cho mình, giữ cho tổ chức, giữ cho người khác. Rất căng thẳng. Rất mệt mỏi. Bị hành hạ khủng bố đủ kiểu đủ cách. Liên miên. Phải thành thật khai báo để được nhà nước khoan hồng! Nghe sao mà hấp dẫn! Chớ có dại. Thành thật khai báo, khai cho nhiều, viết cho nhiều... nhưng chẳng bao giờ đủ. Chớ có dại mà khai. Càng khai càng chết. Càng nhiều càng nặng. Cộng sản chẳng bao giờ tha cho kẻ thù. Thà giết oan hơn thả lầm. Chấp pháp nhà tù Việt Cộng ranh ma quỷ quyệt, nhưng có nhiều cái chúng cũng ngu, cũng dốt lắm!

Đây là cuộc đấu trí gay go. Khôn sống mống chết. Chính Staline đã dạy đàn em: "Khi bị địch bắt cầm tù, các đồng chí phải khôn ngoan, thận trọng. Với kỹ thuật tối tân, kẻ thù rất giỏi khi điều tra, khó mà thoát được! Cách hay nhất là phải biết nói dối cho khoa học!" Staline dạy cho đàn em, thì ta cũng có thể khai thác câu nói đó, có sao, để đối phó với Cộng sản." Nó quỷ quyệt thời mình phải khôn ngoan quỷ quyệt hơn nó. Cứ bài bản đó mà làm! Chớ có ngây thơ. Chớ có quân tử tầu!
 
          Hỏi Cung I
 
Ăn ngủ đề huề mới hỏi cung
Khai gì, giấu nọ? Nghĩ mông lung.
Giấu che cơ sở cần nghiêm ngặt,
Xuyên tạc tình hình nổ tứ tung.
Đói khổ sầu đau không nản chí,
Ngăm đe dụ dỗ chẳng siêu lòng.
Lập trường, quan điểm luôn bền vững,
Thế cuộc xoay vần sẽ phản công.
 
                     II
 
Nhốt mãi giờ đây lại hỏi cung,
Khai bừa nói đại cãi lung tung.
Cõi bờ mắt thấy dân la đói,
Biên giới tai nghe súng nổ đùng.
Cộng sản triệt tiêu trên đất Việt,
Tự do triển nở khắp trời Đông.
Biết sao khai vậy là như vậy,
Ấm ức thì ngươi cứ việc cùm.

NHỚ
 
Đối phó với chấp pháp quả là một cực hình. Lìa bỏ gia đình, người thân, vợ hay chồng, con cái để vào tù cũng là một cực hình. Lo âu và đau đớn lắm. Ở nhà lấy gì mà sống? Bầy con non trẻ còn măng sữa bỗng thấy mất cha mất mẹ sẽ ra sao? Ai nuôi nấng chăm sóc? Lấy gì cho chúng ăn? Cả một tương lai mờ mịt, đen tối! Cứ thành khẩn khai báo đi nhà nước sẽ khoan hồng cho về với gia đình! Còn lâu! Lâu lắm! Mười ngày thôi! Rồi 10 tuần, 10 tháng, 10 năm... qua đi như không!    
 
Ngày đi con mới lên ba
Một năm sầu hận trôi qua cái vèo
Nằm buồn mà nhớ con yêu
Rầy con lên bốn chắc nhiều đổi thay
Mơ về bồng cõng trên vai
Tung tăng cho thỏa những ngày nhớ thương
 

TÙ CẢ NƯỚC
 
Chưa có thời nào mà nhà tù ở Việt Nam lại nhiều, lại đông như thời Cộng Sản. Suốt từ Nam chí Bắc. Già trẻ lớn bé. Đàn ông, đàn bà, trai gái, sắc tộc, từ kinh đến thượng. Nam thanh nữ tú. Cả con nít phải ngồi tù. Tù đủ thứ tội. Tù trong tù ngoài. Tú trên, tù dưới. Sau này còn thêm "tù ông, tù bà" là những công tử Đỏ! Cả nước là nhà tù...               
 
Nhà tù vĩ đại ở đâu?
Nhà tù vĩ đại trên đầu chúng ta!
Nhà tù đâu phải Chí Hòa
Mà trong khắp nước là nhà Việt Nam!
Việt gian Cộng sản ác ôn,
Bắt năm mươi triệu người dân làm tù!
Ở đâu không có tự do,
Ở đâu không có ấm no là tù!
 
    Và tự do???

Tự do ca tụng “Bác Hồ”,
Tự do ca tụng Liên sô quan thầy,
Tự do trói buộc chân tay,
Tự do lao động cả ngày lẫn đêm.
Tự do đóng thuế triền miên!!!
    PQT 1978
 
Thiên Nga cũng vô tù!
 
"Thiên nga là loài chim nước cỡ lớn, cùng họ với vịt và ngỗng. Chúng mang vẻ ngoài đẹp đẽ và có kích thước cơ thể nổi trội hơn hẳn so với "họ hàng" của mình. Trên thế giới hiện có khoảng 6-7 loài thiên nga, trong đó có loài thiên nga của Bỉ. Theo các nhà khoa học, thiên nga Bỉ mang bộ lông dày, do đó chịu được cả thời tiết nóng và lạnh thay đổi theo mùa ở Việt Nam.

Người ta vẫn quen với hình ảnh những chú thiên nga trắng bơi lội thong thả trên mặt hồ nhưng trong thực tế, còn có những màu khác như đen, ghi xám. Bộ lông dày của mỗi con thiên nga được tạo nên từ khoảng 25.000 chiếc lông khác nhau. Chúng thường có màu đen, ghi xám đối với thiên nga sống tại các quốc gia phần Nam bán cầu, còn thiên nga trắng chủ yếu xuất hiện ở các nước thuộc phần Bắc bán cầu.

Thiên nga được đánh giá là một trong những loài động vật sống chung thủy nhất trên thế giới. Chúng có tập tính sống thành từng đôi. Con cái và con đực sau khi "yêu nhau" sẽ gắn bó với nhau trong rất nhiều năm cho đến khi 1 trong 2 con chết. Cặp thiên nga sẽ cùng nhau bảo vệ lãnh thổ, thực hiện ấp trứng và nuôi các con non."
 
Tài liệu (internet) trên đây đã gói ghém cách tổng quát về loại chim nước có cái tên đẹp là Thiên Nga. Tiếng Việt bình dân gọi là ngỗng trời. Gọi là ngỗng trời nghe không hay, không thi vị nếu không nói là hơi thô. Gọi là Thiên Nga nghe trang trọng, hay hơn.

Thiên Nga trong bài viết này không phải là loài chim nước màu trắng, nhưng là nhóm mỹ nhân đặc biệt. Những người đẹp này ngoài tài sắc vẹn toàn (tạm coi là như thế) được tuyển lựa kỹ càng, thông minh, có tư cách, cá tính và bản lãnh đặc biệt để làm một công việc khó khăn, đầy nguy hiểm nhưng vô cùng cần thiết cho nhu cầu đấu tranh bảo vệ đất nước trong một trận chiến đặc biệt: trận chiến tình báo, cũng gọi là Tình Báo Chiến.  

Sau ngày 30-04-1975 gần nửa triệu Quân Dân Cán Chính VNCH gồm cả nam lẫn nữ bị xung vào các trại tủ khổ sai, bằng những hình phạt trả thù khắc nghiệt. Sau nhờ sự can thiệp của Hoa Kỳ và dư luận quốc tế buộc lòng nhà cầm quyền Hà Nội phải thả, nhưng chúng chỉ thả dần dần. Nhờ đó, các cựu tù nhân được qua Hoa Kỳ theo chương trình HO.  Nhưng không phải ai cũng được thả ngay. Việt Cộng thả tù theo lối nhỏ giọt. Có nhóm sau 3 năm được thả. Có nhóm 5 năm. Nhóm này 7 năm. Nhóm khác 8 năm. Nhóm 10 năm, nhóm 13 năm và nhóm lâu nhất là 17 năm gọi là "Những Người Tù Cuối Cùng" (hồi ký của Phạm Gia Đại) gồm 20 người (1992-1975= 17 năm)! Nhóm này toàn là nam giới gồm một số sĩ quan cao cấp, và nhân viên tình báo.
 
Riêng giới nữ thì Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy là người bị tù lâu nhất: 13 năm (1975-1988). Tại sao vậy? Nguyên nhân nào mà Cộng sản Việt Nam giam giữ tù nhân Nguyễn Thanh Thủy lâu đến như thế? Dưới đây là câu trả lời.
 
Chiến tranh Việt Nam (1945-1975) là cuộc chiến ý thức hệ giữa hai thế giới Tự do và Cộng Sản. Cộng Sản là kẻ xâm lược. Quốc Gia (Tự do) là kẻ tự vệ. Việt Cộng tay sai của Nga Sô và Trung Cộng là Việt gian, là giặc ngoại xâm trá hình, tự nguyện làm công cụ tay sai cho Quốc Tế Cộng Sản nhằm "nhuộn đỏ" quê hương đất nước. Đại khối Người Việt Quốc Gia vì lý tưởng Tự Do phải đứng lên chống lại giặc Cộng xâm lược. Đây là cuộc chiến tự vệ nhằm bảo vệ Chính Nghĩa Quốc Gia, bảo vệ tự do và phẩm giá của người Việt Nam.  

Trận chiến cam go, có nhiều mặt phải đương đầu: quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, vân vân. Mặt trận Quân sự đã nặng vì một Việt Nam Cộng Hòa phải chống lại không những chỉ với Cộng sản Bắc Việt mà còn cả khối Cộng Sản Quốc Tế điển hình là Nga Sô và Trung Cộng luôn hậu thuẫn mạnh mẽ cho Hà Nội. Mặt trận chính trị đã nặng mà xem ra còn phức tạp hơn. Mặt trận nào cũng có sự hiện diện của mọi tầng lớp nhân dân, nam cũng như nữ. Dĩ nhiên, thời chiến, nam giới luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Nhưng có những vai trò mà nam giới không thể làm được mà cần đến vai trò của nữ giới. Chính trong bối cảnh đó mà Biệt Đội Thiên Nga được thành hình trong Trận Chiến Tình Báo.
 
Bối cảnh xuất hiện Biệt Đội Thiên Nga là sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968
 
Qua hồi ký Biệt Đội Thiên Nga (BĐTN) của tác giả Nguyễn Thanh Thủy xuất bản năm 2018 tại Nam California, độc giả được biết:
 
"Sau cuộc TCK-TKN Tết Mậu Thân, vì nhu cầu cấp thiết, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia đã quyết định thành lập một tổ chức gồm toàn những nữ Cảnh Sát để thực hiện các công tác tình báo. Mọi điều hành, tổ chức được giao cho phái nữ  thực hiện riêng rẽ, khi cần thiết mới có sự phối hợp công tác của nam Cảnh Sát trong Ngành Đặc Biệt hoặc các Ngành Đặc Nhiệm khác.

Ngày 5 tháng 8 năm 1968 một Sự vụ Văn thư của Bộ Nội Vụ được Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia ban hành quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên Cảnh Sát với tên gọi là "Biệt Đội Thiên Nga" trực thuộc Khối Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại Thủ Đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh lỵ địa phương trên toàn lãnh thổ Miền Nam." (BĐTN trang 51-52)

Biệt đội Thiên Nga được điều hành độc lập song song với các tổ chức tình báo khác đã được thành lập trước đó trong Khối Cảnh Sát Đặc Biệt. Việc thành lập Biệt Đội Thiên Nga khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn và chính vì ra đời trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của quốc gia. Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương phải bắt tay làm việc cùng một lượt thành lập các cơ sở văn phòng, tuyển chọn nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Đồng thời, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương phải đôn đốc và hướng dẫn việc thành lập Biệt Đội Thiên Nga cho các Nha Cảnh Sát các Vùng chiến thuật cũng như Nha Cảnh Sát Đô Thành, các quận Thủ Đô và các tỉnh toàn quốc.

Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Cảnh Sát Đặc Biệt gồm có bốn Ban:
- Ban Hành Chánh.
- Ban Tổ Chức Phát Triển.
- Ban Huấn Luyện.
- Ban Hoạt Vụ.

Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô có văn phòng tại Nha Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đô Sài Gòn, còn Biệt Đội Thiên Nga cùa 11 quận Đô thành có văn phòng tại các Ty Cảnh Sát Quận.

Biệt Đội Thiên Nga của Nha Cảnh Sát Quốc Gia tại các Vùng I, II, III, và IV có văn phòng tại Nha Cảnh Sát Địa Phương và các Ty Cảnh Sát Tỉnh trên toàn quốc từ Bến Hải đến Cà Mau.

Ở cấp Nha Đô Thành và Nha Cảnh Sát các Vùng chiến thuật, các quận trong Đô thành và các tỉnh địa phương tuyển chọn nhân viên Thiên Nga gửi về Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương ở Sài Gòn để đưa đi huấn luyện về tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Đối với điều kiện tuyển mộ về văn hóa, các nhân viên phải có ít nhất là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp trở lên, ngoại trừ các quả phụ cảnh sát, không đòi hỏi văn bằng như trên, nhưng tối thiểu phải có bằng tiểu học.
     
Riêng phần tôi (Nguyễn Thanh Thủy), sau khi tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia khóa I thì được bổ nhiệm về làm việc tại Phòng Nghiên Cứu cho đến khi Biệt Đội Thiên Nga được thành lập. Sau đó, tôi được cử đi học thêm khóa Trưởng Phòng Đặc Biệt. Kết thúc khóa học, tôi theo đoàn đến Mã Lai học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với Cảnh Sát Mã Lai khoảng một tháng để dự Lễ Độc Lập của nước bạn và Trường Đào Tạo Cảnh Sát. Lúc đó phái nữ đều mặc áo dài vàng trong các nghi lễ.
 Vỉ lý do nghiệp vụ, chúng tôi hạn chế việc chụp hình nhất là các hình cá nhân. Các hình ảnh hiếm hoi về Biệt Đội Thiên Nga còn được giữ lại đến ngày nay là do các anh trong ngành lưu trữ được và chia sẻ.

Người Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga tiên khởi là chị Biên Tập Viên Trần Thị Kim Hạnh (thời gian này tôi mang thai đứa con đầu lòng). Nhưng sau một thời gian rất ngắn, chị Kim Hạnh được chị Nguyễn Thị Minh Chánh thay thế (cũng ngắn hạn). Chị Minh Chánh nguyên là  một thư ký hành chánh làm việc thâm niên trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Trong thời gian chị Minh Chánh giữ chức vụ Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga, tôi đang là Trưởng Ban Phát Triển Và Tổ Chức, giảng dạy các khóa huấn luyện Tình Báo Cơ Bản và phụ trách phát triển Thiên Nga địa phương. Riêng một số các nữ Biên Tập Viên khác đảm nhận các chức vụ Trưởng Ban tại Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương như các chị:

- Trần Thị Hạnh (chị Hạnh này khác với chị Trần Thị Kim Hạnh đã từng làm Biệt Đội Trưởng đầu tiên).
- Võ Thị Ngọc Tuyết
- Nguyễn Thị Vân Hòa.

Trước khi được giao phó chức vụ Biệt Đội Trưởng, tôi được thử thách về nghiệp vụ chuyên môn qua nhiều hình thức. Còn nhớ vị Chánh Sở Hoạt Vụ của Khối Đặc Biệt mỗi ngày trao cho tôi một sấp tài liệu về những công tác đã đóng lại do thi hành xong. Tôi được yêu cầu phải đọc hết các hồ sơ công tác, nghiên cứu những nhận xét ghi trên hồ sơ bởi người thực hiện công tác thời điểm đó để đánh giá những nhận xét đó chính xác đến mức độ nào so với kết quả hiện tại." (BĐTN trang 53-55).

Qua những điều được trình bày trên đây, độc giả ít nhiều đã hình dung ra được tổ chức và sinh hoạt đặc biệt của Biệt Đội Thiên Nga. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của mình là "... là sưu tầm tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại Thủ Đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh lỵ địa phương trên toàn lãnh thổ Miền Nam." Biệt Đội Thiên Nga đã nghiên cứu, bố trí, xâm nhập nhằm thực hiện các công tác rất hoàn hảo. Có nhiều công tác đặc biệt và mỗi công tác được đặt tên bằng tên của một loài chim như Công tác Họa Mi, Hoàng Yến, Đỗ Anh, Đỗ Quyên, Hải Âu, Sơn Ca, Hoàng Anh, vân vân. Lại có những công tác phối hợp với các cơ quan Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa khác. Tên công tác không còn mang tên của loài chim, mà mang tên khác đặc biệt hơn như: Công tác Trùng Dương (theo dõi sinh hoạt phái đoàn Cộng sản trong Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên trong trại Davis), Công tác Sóng Thần (Tổng Hội Sinh Viên). Nói chung là công tác của BĐTN rất đa dạng, theo dõi tổ chức, cá nhân, giới báo chí, văn nghệ sĩ, tài tử, vân vân. Cái gì cần đến vai trò của Thiên Nga là có Thiên Nga được gửi tới. Kết quả rất là khả quan mà chỉ mình Thiên Nga và giới chức liên hệ đặc biệt mới biết. Sau đây là một số Thiên Nga xuất sắc đảm trách những công tác đặc biệt được Biệt Đội Trưởng Thiên Nga ghi lại trong Hồi Ký:

1. Thiên Nga Nguyễn Thị Bê đóng vai ký giả Bạch Tuyết (công tác Họa Mi) xâm nhập vào Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sông của bà Ngô Bá Thành và Đại Học Xá Minh Mạng trong vụ nổi loạn. Sau 30-4-1975 tham gia hoạt động Phục Quốc, bị tù 12 năm  rưỡi. Trong nhà  tù, Nguyễn Thị Bê bị đánh chấn thương xương cổ, sang Hoa Kỳ phải mang đai ở cổ nhiều năm. Nguyễn Thị Bê khám phá ra Ngô Bá Thành làm việc cho Tình Báo Pháp. (BĐTN trang 70-74)

2. Thiên Nga Diệu Thông, (công tác Hoàng Yến) làm thư ký cho nhân vật tên Nguyễn Thị Mạnh Quỳnh cũng được gọi là Bôn Quỳnh, con gái của LS Nguyễn Long bị chính quyền VNCH tống cổ ra Bắc. Chồng Mạnh Quỳnh là Bác sĩ Quân Y trong QLVNCH. Sau 30-4-1975, Mạnh Quỳnh trở thành Đại Úy của Sở Công An Thành Phố. Mấy năm sau Việt Cộng mới khám phá ra Diệu Thông là Thiên Nga, khiến Bôn Quỳnh tức tối đích thân đến trại giam hăm dọa. Diệu Thông bị tù 6 năm (trang 76-78)

3. Thiên Nga Nguyễn Ngọc Anh và Thiên Nga Nguyễn Thị Một (quả phụ) trong công tác Đỗ Anh, (trang 79-84). Mẹ con chị Một đã qua Mỹ.

4. Thiên Nga Nguyễn Thị Trung, Đặng Thị Tuyết và Hà Thị Nhã trong Công tác Đỗ Quyên xâm nhập Phật Giáo Ấn Quang, Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành và Phong Trào Cứu Đói của Ni Sư Huỳnh Liên.

5. Công tác Hải Âu: Thiên Nga Hà Thị Nhã đi vào mật khu Việt Cộng và nhóm LM Nguyễn Ngọc Lan.

6. Thiên Nga Ngô Thị Chắt trong công tác Sơn Ca xâm nhập Hội Bạn Hàng Các Chợ do VC Nguyễn Thị Mười (trang 95-96) 

7. Thiên Nga Châu Thị Hương tức Tư Hương  trong công tác Hoàng Oanh là nữ can phạm chính trị từng làm việc cho Việt Cộng nhưng khi bị bắt chị đồng ý hợp tác, làm việc cho Quốc Gia mà VC không hề biết. Sau 30/4/1975, Tư Hương làm Huyện Ủy Hóc Môn được 6 tháng rồi bị phát hiện, phải vô tù, bị kêu án 10 năm (trg 96-100).

8. Còn một số các Thiên Nga khác làm những công tác đặc biệt như Thiên Nga Bạch Thị Nết, (trang 123), Thiên Nga Bích Hà, Đông Nga, Cô Ký Điệu, Bạch Tuyết, Võ Thị Cẩm Vân, vân vân và vân vân, đều là những Thiên Nga làm công tác đặc biệt.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình được tác giả ghi lại trong hồi ký với sự đồng ý của các Thiên Nga liên hệ. Dĩ nhiên còn nhiều trường hợp đặc biệt khác mà tác giả không viết ra, vì trách nhiệm và vì nghiệp vụ (sống để bụng mà chết mang đi). Nói như vậy để thấy rằng cái giá 13 năm tù không phải là chuyện thường cho tác giả của thiên hồi ký. Thiên hồi ký Biệt Đội Thiên Nga chỉ có 200 trang, viết cô đọng, chừng mực để nói lên một khía cạnh đặc biệt của lịch sử, trong cuộc chiến tàn khốc.
 
Một tổ chức quy mô, có mặt khắp nơi từ Trung Ương đến các Vùng Chiến Thuật mà hầu như rất ít, rất ít người biết. Đó là một tổ chức tình báo (dĩ nhiên là vô hình) như những sợi thần kinh được kết lại và tỏa ra khắp cơ thể (quốc gia) để xâm nhập, theo dõi mọi ngành nghể bị nghi ngờ là có sự xâm nhập phá hoại của Việt Cộng. Không phải chỉ có 18 Thiên Nga xuất thân từ khóa I Sĩ Quan của Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhưng là hàng ngàn -hàng ngàn- Thiên Nga bay tỏa ra khắp bốn Vùng Chiến Thuật, làm việc, thi hành công tác âm thầm bí mật. Đó là đạo quân vô hình, nhưng vô cùng lợi hại.

Chính vì biết được tầm quan trọng và sự lợi hại của Biệt Đội Thiên Nga mà Cộng Sản cũng cố tìm cách len lỏi vào! Nhưng, chúng phải chào thua! Chào thua có nghĩa là thất bại. Thất bại thì cay cú. Cay cú và hận thù.

Sau khi tấn chiếm được Miền Nam, Việt Cộng ra sức tìm tòi, cố bắt giữ Biệt Đội Thiên Nga cho bằng được. Bắt được và khai thác được mới là quý, mới gọi là thành công. Thực tế, một số Thiên Nga trong đó có Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã bị bắt và bị giam cầm 13 năm trong nhà tù Cộng Sản!

Một nhân vật nắm giử vai trò tình báo quan trọng như thế mà bị bắt kể cũng lạ! Lạ mà cũng không lạ! Thực tế, Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã có thể cùng gia đình chống con trốn thoát dễ dàng. Nhưng chỉ vỉ trách nhiệm mà bị kẹt lại. Bởi vì khi tình hình đến lúc nguy cấp thì giới lãnh đạo đã bỏ chạy hết. Hàng đống hồ sơ mật của ngành tình báo VNCH, trong đó có hồ sơ mật của Biệt Đội Thiên Nga chưa được tiêu hủy. Thấy nguy cơ đó, Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã nhanh trí, âm thầm nhờ phu quân chở tới Bộ Tự Lệnh CSQG; rồi chỉ một mình vào ngay văn phòng tiêu hùy hết khối Hồ Sơ Mật. Nếu khối hồ sơ đó không bị thiêu hủy thời sự tai hại không thể lưởng được. Nhờ tiêu hủy hoàn toàn khối Hồ Sơ Mật đó mà Biệt Đội Trưởng Thiên Nga đã cứu được cả khối nhân viên của tổ chức. Nhờ đó, khi Cộng Sản vào Bộ Tư Lệnh CSQG không tìm đâu được chứng tích, tài liệu. Cái tên Biệt Đội Thiên Nga thì chúng biết. Nhưng nhân sự, tổ chức và hoạt động của Biệt Đội thì chúng mù tịt, không biết được gì ngoài những gì mà tù nhân khai ra. Cho nên cách duy nhất hy vọng có thể khai thác được là Biệt Đội Trưởng.
 
    Trả thù bằng giam cầm: trải qua 4 nhà tù tổng cộng 13 năm!

Để cứu tổ chức và nhân sự mà bị kẹt ở lại, Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã phải vào nhà tù Cộng sản. Không phải một nhà tù mà có tới 4 nhà tù!

BĐT Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy (NTT) trình diện "học tập cải tạo" ngày 15 tháng 6 năm 1975 tại Trương Quốc Dung, Sài Gòn và được đưa tới trại giam Long Thành tức NV 15, nơi đây chứa hàng vài chục ngàn tù nhân. Số nữ tù nhân cũng trên vài ngàn.   

- Sau 4 tháng ở Long Thành, NTT được chuyển về Thủ Đức (NV 16) từ 4 tháng 10 năm 1975 đến 12/7/1977 bị biệt giam ở Xà Lim từng nhốt Ngô Bá Thành. Nguyễn Thanh Thủy là nữ tù nhân duy nhất, bị giam ở ngay phòng giam giữ Ngô Bá Thành thời VNCH. Còn tất cả số tù nhân khác ở Trại Giam Thủ Đức lúc đó đều là tù nhân nam giới

- Sau khi ở Thủ Đức (NV 16) khoảng 2 năm, NTT lại được chuyển ra Trại Z30D Hàm Tân tức Căn cứ 5 Rừng Lá.

- Sau một thời gian ở Z30D, NTT lại được chuyển về Long Thành

- Rồi lại từ Long Thành chuyển đến X4 (Bộ Công An) Trung Tâm Thẩm vấn thời VNCH đường Cộng Hòa trông sang Trường Petrus Ký từ 4 tháng 4 năm 1981 đến tháng 7 năm 1981 (khoảng 4 tháng). X4 là nơi NTT bị thẩm vấn nhiều nhất, gay cấn nhất vì các hồ sơ từ các nơi gừi tới có liên hệ đến Biệt Đội Thiên Nga.

- Sau hơn 3 tháng, NTT từ X4 Bộ Công An được chuyển về Long Thành

- Từ Long Thành chuyển ra Z30D đến năm 1988 thì được thả về, tổng cộng 13 năm tù.
 
   Cành tù của Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy
 
Trong phần đầu, nguời viết đã dành nhiều trang viết khái quát về cảnh ở nhà tù Việt Cộng. Đói khổ, nhớ nhà, ghẻ lở, đấu tranh với chấp pháp qua những vần thơ coi như là chứng tích sống động của nhà tù Việt Cộng. Người viết chỉ ở tù có hai năm rồi vượt ngục thành công nên đã trải nghiệm ít nhiều cành tù đày của chế độ Cộng Sản. Người viết không nghĩ mình tài ba gì, nhưng là nhờ ơn trên và may mắn. Trong khi đó, hàng ngàn, hàng vạn tù nhân khác không được may mắn như người viết nên đã phải chịu đựng trong cảnh khốn cùng hàng chục năm trời. Nguyễn Chí Thiện có lẽ là ờ tù nhiều năm nhất như các chiến sĩ Biệt kích nhẩy Bắc. Họ ở tù hàng chục năm trở lên. Nguyễn Chí Thiện hơn 20 năm, vào tù ra khám như đi chợ! Tất cả cũng đói, cũng khổ, cũng ghẻ lở đầy mình. Tất cả cũng phải đối phó gay cấn, căng thẳng với chấp pháp. Riêng Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy thì sao? Chắc chắn là ghê gớm lắm!
 
- Đói ư? Nguyễn Thanh Thủy cũng đói và đói dài. Đói và rét vì không đủ quần áo và chăn mền để đắp, lại phải giam trong một gian phòng trống trải, gió lạnh lùa vào rùng cả mình. Từ bên ngoài, cóc nhái, thằn lằn, rắn rít, chuột bọ chui qua khe hở vào phòng giam! Và sau hai năm ở trại giam Thủ Đức mới được thăm nuôi! Hai (2) năm trong đói khổ, bệnh hoạn, thiếu thốn, làm việc gay go căng thẳng với chấp pháp thì khốn khổ đến mức nào!

- Khổ ư? Nguyễn Thanh Thủy khổ gấp trăm. Khổ vì đói, vì yếu đuối bệnh hoạn, phải bò lết, có lúc không lê được. Khổ vì xa nhà, xa ba đứa con thân yêu còn quá nhỏ không ai chăm sóc. Khổ vì chồng cũng đi tù!

- Ghẻ lở ư? Ở tù biệt giam chưa đầy một tháng mà người viết đã bị ghẻ lở đầy mình. Ghẻ tràn lan khắp châu thân. Những mụn ghẻ chi chít như những viên "kim cương", đưa tay sở như những cái gai đâm vào da thịt. Nguyễn Thanh Thủy ở tù 13 năm (gấp 6 lần thời gian ở tù 2 năm của người viết), đặc biệt những năm ở trại giam NV 15, X4, Nguyễn Thanh Thủy cũng ghẻ lở đầy mình, da thịt thân xác cũng mang đầy những viên "kim cương cộng sản".

- Nhưng căng thẳng nhất là đối phó với chấp pháp. Làm việc liên miên. Ngày đêm. Sáng chiều tối. Bất kể giờ giấc. Khai, viết, trả lời. Lai khai. Lại viết. Lai làm việc liên miên. Sáng một chấp pháp. Chiểu một chấp pháp khác. Tối lại một chấp pháp khác nữa. Cứ thế. Liên miên. Chấp pháp quay tù như quay dế!!! Chấp pháp chẳng bao giờ thỏa mãn những câu trả lời, những lời khai của tù chính trị, nhất là của thành phần tình báo như Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy. Chúng muốn biết tất cả. Mọi hoạt động của Thiên Nga. Mọi nhân sự của Thiên Nga. Và nhất là những Thiên Nga "phản gián" nằm trong nội bộ của chúng! Hồ sơ tài liệu của Thiên Nga ở đâu? Ai lấy đi? Ai tiêu hủy? - Tôi đâu có biết! Ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân chúng chạy vào hôi đồ, lấy máy móc, vật liệu, bàn ghế, lấy hết, lấy đủ thứ! - Thế là chấp pháp phải chào thua mụ đàn bà lì lợm này à? Không thể nào? Nó cứ nói thế làm sao khai thác được. Nó nói nghe hợp lý. Mà xem ra vô lý! Nó còn sửa lưng mình nữa! Mình thấy nó xinh đẹp, ăn nói dễ dải và tình cảm với nó. Nó biết mình lộ cái bản chất "dê xồm" nên sửa lưng ngay: "Thưa cán bộ. Cán bộ là người của Đảng, là Cán Bộ. Còn tôi là tù nhân. Cán bộ đừng kêu tôi bằng "em". Tên tôi là Thủy - Nguyễn Thanh Thủy! Cán bộ hãy kêu tôi là chị Thủy!"

Suốt 13 nằm tù dài đằng đãng. Đói, khổ, buồn, đau, ghẻ lở, nhớ nhà, nhớ con, lao động, trồng rau, và có lúc bị trại giam "nhờ" thêu đồ, may vá cho vợ cán bộ... Bởi vì phụ nữ sống ở Miền Nam xinh đẹp và văn minh hơn mấy chị vợ cán bộ "răng đen mã tấu"! Trăm thứ chuyện... Còn bị ly gián, gây nghi ngờ, mâu thuẫn, đủ kiểu, đủ cách để khai thác! Kết quả chẳng được gì! Không một cơ sở nào, không một hoạt động đặc biệt nào, không một Thiên Nga nào bị tiết lộ. Phải là người kinh nghiệm, bản lãnh, khôn ngoan lắm mới đấu trí được với chấp pháp!

Rồi 13 năm trôi qua giở sống giở chết, Nguyễn Thanh Thủy được thả về nhà. Sống gì nổi ở trại giam. Chỉ còn một nữ tù nhân duy nhất, ốm yếu gầy còm. Thôi tha cho nó về để chết ở nhà và để nhà nước khỏi mất mặt! Gặp lại chồng con. Sắc đẹp tàn phai. Mất cả hàm răng. Đi như lết! Đúng là "Hoa tàn trong khám lạnh" nghe như một kịch bản đau buồn được diễn trên sân khấu thời Việt Nam Cộng Hòa. Thật sự thì hoa tàn nhưng người nữ tù nhân ấy nhan sắc có bị tàn phai nhưng không chết. Biệt Đội Trưởng Thiên Nga nhờ ơn trên được phục hồi trở lại, vẫn sống mạnh, sống vui và tiếp tục làm những việc mà không ai ngờ. Những gì Cộng sản kỳ vọng khi bị giam cầm trong ngục tối thì nay được ghi lại trong Hồi Ký Biệt Đội Thiên Nga như một Thiên Anh Hùng Ca bất diệt. Bùi Tín có đến phỏng vấn Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy nhiều lần trong trại giam nhưng rồi y viết láo, viết sai, cố tình xuyên tạc theo yêu cầu tuyên truyền của Đảng. Nay có được ấn bản hồi ký do tác giả ấn hành tại Hoa Kỳ, bọn bồi bút của chế độ Việt Cộng tỏ ra căm tức vì bị cú lừa đau đớn. Viết láo, viết sai, xuyên tạc sự thật vẫn là nghề của Việt Cộng. Chỉ có điều nói láo mà không có căn. Nhân vật tưởng tượng Năm Thắng (trai giả gái) của Việt Cộng chui vào Biệt Đội Thiên Nga để hoạt động là một trò hề vô cùng rẻ tiền. Ranh ma quỷ quyệt như Cộng Sản mà dựng lên nhân vật "Năm Thắng trai giả gái" thật lố bịch càng chứng tỏ Việt Cộng rất ngu chẳng biết gì vể kỹ thuật tuyển dụng nhân sự tình báo của Việt Nam Cộng Hòa, cách riêng là của Biệt Đội Thiên Nga. Đọc qua các bài viết của chúng mới thấy cái ngu của bọn bồi bút Việt Cộng! 
 
 Kết luận:   Công Nương Việt Nam đáng tôn vinh.
 
Trên báo chí và các cơ quan truyền thông quốc tế lâu nay, người ta hay nhắc đến những Công Nương của thế giới. Công Nương Diana. Công Nương Catherine. Công Nương Bỉ Quốc. Công Nương Hòa Lan. Công Nương Tây Ban Nha. Công Nương Nhật Bản. Họ là con vua, dòng dõi Hoàng Tộc. Toàn con nhà giầu, đầy quyền thế. Có gì là lạ? Chỉ là con vua chúa, con lãnh tụ. Có gì hay! Đúng là trò khen phò mã tốt áo của báo chí truyền thông.

Việt Nam có Công Nương không? Có chứ! Ngọc Hân Công Chúa. Huyển Trân Công Chúa. Ỷ Lan Hoàng Hậu... Nhiều và đẹp. Tài sắc vẹn toàn. Hai Bà Trưng. Bà Triệu. Cô Giang, Cô Bắc, vân vân.

Nhưng Việt Nam có thước đo giá trị người phụ nữ cách khác: Lòng đạo đức thương người. Ngưởi phụ nữ được trang điểm bằng đức độ. Công dung ngôn hạnh. Cái nết đánh chết cái đẹp. Yêu thương. Nhẫn nại. Can đảm. Dám làm dám chết cho chính nghĩa tự do. Họ yêu thương. Họ làm việc bác ái âm thầm. Không cần ai biết. Không cần báo chi truyền thông hô hào ca tụng. "Họ là những anh hùng không tên tuổi. Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông!" (Thơ Đằng Phương). Làm việc ở đồng áng, ở trường học, trong nhà thương, bệnh xá, trong các Trung Tâm Khuyết Tật. Trong những trại cùi mà nhiều người không dám tới. Họ phục vụ trong những đơn vị chiến đấu tinh nhuệ của Việt Nam Cộng Hòa, vân vân. Họ hành động không cần tiếng khen, không cần ai biết tới. Họ thương con yêu chồng, yêu gia đình, yêu tổ quốc. Họ phục vụ hết mình. Họ làm việc hết mình. Họ dám đứng lên đấu tranh cho Chính Nghĩa Quốc Gia. Họ dám hy sinh mạng sống để bảo vể quê hương, tố chức và đồng  đội. Nhiều và rất nhiều Công Nương lắm. Trong số đó có Biệt Đội Thiên Nga. Họ làm việc âm thầm. Sống âm thầm. Không cần tiếng khen. Nhưng những người có cơ duyên biết đến họ thời không thể không lên tiếng tôn vinh và ca tụng họ là những anh hùng, là Công Nương Việt Nam đích thưc của Đất Nước thân yêu. Những việc làm của họ thời các Công Nương trên thế giới của Anh, của Bỉ, của Hòa Lan, vân vân... khó mà làm được! Chắc chắn là như thế.

Người viết bỗng liên tưởng đến Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1954-1963) do ông Dương Văn Hiếu làm Trưởng Đoàn, đã tạo nên những thành tích lẫy lừng của ngành Tình Báo trong việc phá vỡ cả một hệ thống gián điệp quy mô của Cộng Sản Hà Nội xâm nhập miền Nam khiến chúng hoảng hồn, khiếp sợ! Thời đó, nhất là sau biến cố 1-11-1963, dân chúng chỉ biết lờ mờ nhũng công tác tình báo của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, trong đó bọn phản bội và Cộng Sản đã tung ra nhiều chuyện lạ lùng rồi thêu dệt nhằm xuyên tạc sự thật. May mà những nhân vật liên hệ, trong đó chính ông Đoàn Trưởng Dương Văn Hiếu qua những cuộc phỏng vấn hoặc do chính ông trực tiếp ghi lại qua nhiều tài liệu, tác phẩm xuất bản tại hải ngoại nên chúng ta mới biết được chính xác hoạt động của Đoàn.

Trở lại Biệt Đội Thiên Nga dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, một đơn vị Tình báo do các Thiên Nga đảm nhiệm nếu như không được Biệt Đội Trưởng Nguyễn Thanh Thủy ghi lại qua Hồi Ký thời quả là một thiếu sót lớn lao trong kho tàng lịch sử đấu tranh diệt Cộng tại Việt Nam. Thực tế, qua những hồi ký của cựu cán binh Cộng Sản liên quan đến mặt trận tình báo, dù chúng có chê bôi, chỉ trích hay cố tình xuyên tạc, nhưng một điều chắc chắn là chính chúng cũng phải thừa nhận và đánh giá cao hoạt động của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như  của Biệt Đội Thiên Nga thời Đệ Nhị Cộng Hòa.   

Người viết hân hạnh được biết ít nhiều về họ -những Thiên Nga gan dạ, bản lãnh, anh hùng- nhưng không biết dùng lời nào mà diễn tả và khen tặng cho xứng đáng. Chỉ xin mượn lời thơ của hai thi sĩ nổi danh thời tiền chiến ghi lại nơi đây:
 
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Hồ Dzếnh
 
Hỡi cô gái Việt Nam
Tôi kính cẩn cúi chào cô người vợ thảo mẹ hiền
Cô là hiện thân của lòng kiên nhẫn
Tính dịu dàng tình thương mến vô biên
 Đoàn Văn Cừ
 
San Jose ngày 7  tháng 7 năm 2020
Kỷ niệm ngày SONG THẤT thứ 66

Phạm Quang Trình


Tài Liệu Tham Khảo Thêm

 
 
TRÍCH BÀI BÁO CỦA VGCS TRÊN AN NINH THẾ GIỚI CAY CÚ VIẾT VỀ BIỆT ĐỘI THIÊN NGA CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐÃ PHÁ VỠ NHIỀU TỔ CHỨC CỦA VGCS, CÔNG CỤ CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN ĐỎ LENINIST TRONG VIỆC CHÚNG XÂM LƯỢC MIỀN NAM VIỆT NAM. 
 

Biệt đội 'Thiên Nga' và tội ác mang gương mặt mỹnhân

 
Dưới sự huấn luyện của CIA, những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường, trở thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội Tổ quốc.
 
 
Biệt đội 'Thiên Nga' và tội ác mang gương mặt mỹ nhân
 
Dưới sự huấn luyện của CIA, những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường, trở thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội Tổ quốc.
 
 
Lò luyện những "thiên nga" chân dài
 
Trước năm 1975, có một số cơ sở cách mạng và cán bộ nằm vùng của ta bị địch phát hiện bắt bớ, tù đày do bị chỉ điểm, chiêu hồi mà không xác định được đối tượng tình nghi.
 
Hoạt động này do một tổ chức mang tên biệt đội "Thiên Nga" thuộc Tư lệnh Cảnh sát đô thành Sài Gòn, được CIA Mỹ huấn luyện và đào tạo rất công phu sử dụng làm gián điệp, chỉ điểm trà trộn vào trong dân và vùng kháng chiến của ta để phát hiện tung tích cán bộ nằm vùng và đầu độc cán bộ.
 
Nguy hiểm nhất của đội quân này là chúng biến những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường chân yếu tay mềm, hiền lành chất phác, lam lũ thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội lại Tổ quốc Việt Nam.
 
Sau Tết Mậu Thân 1968, chính quyền Sài Gòn lập tức tăng cường các lực lượng cảnh sát, an ninh, quân cảnh để ngăn chặn sự xâm nhập vào đô thành miền Nam của các lực lượng tình báo, biệt động cách mạng.
 
Do đó, tháng 8/1968, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia (CSQG) Sài Gòn thành lập một tổ chức tình báo toàn là phụ nữ có tên là "Biệt đội tình báo Thiên Nga", trực thuộc Khối Đặc biệt hoạt động độc lập tuổi từ 18 đến 35. Nhiệm vụ của Biệt đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức, chỉ điểm các tổ chức Việt cộng, xâm nhập và phá vỡ các đường dây liên lạc, tình báo của Việt Cộng tại đô thành Sài Gòn và các địa phương.
 
Biệt đội Thiên Nga Thủ đô gồm 11 quận của đô thành, có văn phòng tại Bộ Chỉ huy CSQG Thủ đô và các quận. Ngoài ra, còn có Biệt đội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
 
Nguồn nhân viên của các đội Thiên Nga do địa phương tuyển mộ những cô gái xinh đẹp, có nhân thân liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, kể cả cô nhi quả phụ được coi là đối tượng ưu tiên đặc biệt. Đây là đối tượng có sự tham gia tuyển chọn và đào tạo của cố vấn CIA Mỹ.
 
Sau khi được thành lập, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã bắt tay vào một kế hoạch huấn luyện các nữ nhân viên được tuyển lựa gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau, cá ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe buýt, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh sinh viên, cô giáo và vũ nữ...
 
Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp tình báo căn bản (4 tuần), theo dõi (6 tuần), cán bộ điều khiển (8 tuần) và đặc biệt là khóa tác xạ tại Trường Tình báo Trung ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới được xét lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh ở nội trú và mang bí số riêng.
 
Công việc giảng dạy do các giảng viên trường tình báo phụ trách, còn giám thị của trường do các nhân viên Thiên Nga Trung ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn xong, trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gửi đi học và bắt đầu nhận công tác do các ngành đặc biệt phân nhiệm trực thuộc phụ tá. Đặc biệt địa phương phải báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung ương.
 
Ở cấp Trung ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật chuyên dụng như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), kỹ năng giao tiếp, hóa trang, học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn.
 
Biệt đội trưởng, Phụ tá Biệt đội trưởng Thiên Nga Trung ương và các cán bộ điều khiển đều là các nữ sĩ quan Cảnh sát tốt nghiệp khóa I Học viện CSQG. Riêng Biệt đội trưởng và phụ tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng phòng Đặc biệt tại Trường Tình báo Trung ương vào các năm 1968-1969.
 
Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên cảnh sát chính thức, Biệt đội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan Cảnh sát), các bạn hàng chợ, các sinh viên trường trung học và đại học, thành phần bất hảo... để làm mật báo viên cho Biệt đội. Số cộng tác viên nhiều gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.
 
Nhiệm vụ đặc biệt của Biệt đội Thiên Nga là nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội, đoàn phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, Hội Phụ nữ đòi quyền sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh để kịp thời phát hiện người cầm đầu các tổ chức đó…
 
Chân dung một chỉ huy biệt đội Thiên Nga
 
Theo hồ sơ, trùm biệt đội Thiên Nga mang hàm thiếu tá, tên Nguyễn Thanh Thủy sinh trưởng tại Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình nhà giáo, thuở nhỏ học Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
 
Xuất thân trong gia đình không có bất kỳ ai tham gia quân đội hay lực lượng cảnh sát, thế nhưng hình ảnh nữ y tá duy nhất Genevieve de Galard, người Pháp, "còn trẻ măng, chưa có gia đình" tham gia trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, được báo chí loan tải, đã đi vào tiềm thức của cô bé Nguyễn Thanh Thủy, khi ấy mới 11 tuổi. Học xong bậc trung học, Thanh Thủy thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, nhưng đang học dở dang thì xin nghỉ vì lý do sức khỏe.
 
Năm 1965, cô ả thi tiếp vào Trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, học tới khi sắp sửa tốt nghiệp thì hay tin bên Cảnh sát tuyển "sinh viên sĩ quan", nên ghi tên dự thi, lúc đó 21 tuổi. Bỏ ngang chuyện học ở Đà Lạt, đầu năm 1966 Nguyễn Thanh Thủy vào Sài Gòn khởi đầu chương trình học sĩ quan cảnh sát.
 
Sau một năm huấn luyện, nhà trường muốn chọn ra 5 trong số 18 cô gái được tuyển vào chương trình "biên tập viên cảnh sát" (tức những người phải có bằng đại học hoặc tú tài 2 trở lên), để vào "khối đặc biệt".
 
Tuy nhiên, không một cô nào muốn mình là người được chọn, ngay cả Thanh Thủy. Do đó, tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc CSQG khi đó, ra lệnh cả 18 cô biên tập viên mới ra trường đều phải về khối Đặc biệt thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.
 
Sau một khóa huấn luyện đặc biệt tại Malaysia trở về, "Biệt đội Thiên Nga" được thành lập vào tháng 8/1968, từ một số người trong số 18 cô gái nói trên. Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong những "Thiên Nga" đầu tiên hăng hái nhất. Năm 1969, sĩ quan cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu giữ chức vụ đội trưởng đội nữ tình báo Thiên Nga cho đến ngày bị bắt vào tháng 5/1975.
 
Cũng cần nói thêm, trong ngành CSQG Sài Gòn trước đây, trước khi thành lập Học viện CSQG hầu như không có nữ sĩ quan, ngoại trừ những nữ nhân viên hành chánh biệt phái. Khóa 1 Học viện CSQG là khóa đầu tiên và duy nhất đào tạo nữ sĩ quan cho ngành cảnh sát.
 
Mặc dù sau này ngành cảnh sát có tuyển dụng thêm một số nữ sĩ quan đồng hóa nhưng họ chỉ phải trải qua một thời gian huấn luyện ngắn hạn chứ không phải chịu một thời gian huấn luyện (và huấn nhục) dài 9 tháng (cho cả nam lẫn nữ) như Khóa 1. Nguyễn Thanh Thủy đã cùng gần 50 cô gái khác tuyển tình nguyện vào học nội trú trong Học viện CSQG.
 
Biệt đội Thiên Nga gồm những cô gái chân dài, được tuyển mộ làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ thành thị đến những vùng nông thôn xa xôi tuổi từ 20 đến dưới 40, hoạt động thâm nhập vào các tổ chức của hạ tầng cơ sở cách mạng.
 
Biệt đội Thiên Nga trong thời gian này đã rêu rao thành tích cấy người được vào trong thành phần thứ ba, hoạt động trong tổ chức Phụ nữ đòi quyền sống của bà luật sư Ngô Bá Thành.
 
Tất nhiên đây là thành tích rêu rao từ một phía, vì nếu Thiên Nga tài giỏi như vậy hẳn khó có những nhà tình báo, biệt động thành lỗi lạc của Cách mạng hoạt động trong các cơ quan đầu não Sài Gòn như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Tám Thảo… và ai cũng biết câu chuyện về ông Huỳnh Văn Thắng (Năm Thắng), quê ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
 
Đầu năm 1970, trong một lần Năm Thắng chăm sóc sức khỏe cho ông Ba Hội - Trưởng Ty Công an Bến Tre, đột nhiên hỏi anh: "Tao thấy mày trắng trẻo, xinh xắn như… con gái. Hay là mày giả gái vô làm trong đội Thiên Nga đi".
 
Năm Thắng kể lại: "Cấp trên giao cho tui trong vòng 6 tháng phải tìm cách lọt được vào đội Thiên Nga, vì thế tui phải về nhà để má tui dạy làm... con gái". Những ngày sau đó, Năm Thắng bắt đầu tập chuyển đổi "giới tính" với việc làm quen giày cao gót, áo ngực cũng như để tóc dài, gội đầu bồ kết. Nhưng điều đó chưa khó bằng cách tập đi lại, nói năng, điệu bộ...
 
Mấy tháng trời tập luyện, cuối cùng tại địa bàn Mỏ Cày đã xuất hiện cô gái Năm Thanh duyên dáng chuyên bán hàng rong. Câu chuyện giả gái của Năm Thắng (mật danh F5) là một cú tát cực mạnh vào bộ máy tình báo ngụy mang tên Thiên Nga, chúng không bao giờ ngờ được rằng, trong hàng ngũ Thiên Nga của chúng lại có "Thiên Nga" Việt cộng trà trộn vào, mà lại là một "đực rựa" chính gốc hoạt động cho đến khi còn một tháng là giải phóng, tổ chức cho phép rút ra căn cứ an toàn vì con trai Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) quá si tình Năm Thanh đòi phải cưới gấp.
 
Tháng 5/1975, thành phố Sài Gòn náo nức tưng bừng cờ hoa mừng giải phóng, hòa bình thì cũng là lúc những kẻ phía bên kia như bầy Thiên Nga đang sống trong những ngày tháng đầy hoang mang, lo sợ. Lúc này, chồng trùm biệt đội Thanh Thủy là đại úy Lê Thành Long, sĩ quan Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt đã ra trình diện chính quyền quân quản và thi hành cải tạo.
 
Hồi ức về bản thân khi đã được định cư tại Hoa Kỳ, cựu trùm biệt đội Thanh Thủy chua chát kể lại rằng: "Không ai trong gia đình, kể cả chồng biết được tôi là một "Thiên Nga" và là chỉ huy. Người cha già là một thầy giáo dạy học, chỉ biết con gái là một thiếu tá cảnh sát.
 
Chồng Thanh Thủy cũng chỉ biết vợ mình làm ở "khối đặc biệt" nhưng không biết công việc cụ thể của vợ là gì. Gia đình chồng chỉ biết, họ có con dâu là một sĩ quan cảnh sát, dạy học ở Trường trung học Cảnh sát Trung Thu. Một con người luôn phải sống trong sự khép kín, không bao giờ được nói thật và không bao giờ có thể tìm được sự chia sẻ, đồng cảm.
 
Những đòn "oan ức" mà nhiều Thiên Nga khi đã về già kể lại đều rất tức tưởi, xót xa hệt như nhau. "Thiên Nga" Hà Thị Đông Nga, cựu trung úy cảnh sát, xướng ngôn viên truyền thanh truyền hình Bộ Tư lệnh Cảnh sát Sài Gòn kể: "Những Thiên Nga hầu hết đều ở tuổi 17 - 20, ai cũng có những tình cảm riêng. Có điều tình cảm riêng đó đôi khi gãy đổ rất oan ức. Nhẹ nhàng thì một buổi chiều mình hẹn người yêu thì công tác tới, mà nghề này công việc bất kể giờ giấc. Có thể là 11, 12h đêm có thể là 1, 2h sáng. Lấy lý do gì biện minh cho hành động của mình đây?".
 
Nguyễn Thanh Thủy tập trung cải tạo một thời gian tại các trại Long Thành, Z30D đó cũng là thời gian hai đứa con nhỏ khuyết tật lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, sau đó là của cha, khi ông này trở về từ trại cải tạo vào tháng 10/1981.
 
Ngày trùm biệt đội Thiên Nga được trả tự do đã mày mò về góc đường Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng bán cơm tấm, nước ngọt kiếm sống qua ngày cho đến lúc được xuất cảnh theo diện H.O vào tháng 2/1992 và định cư tại quận Cam, California. Tại Mỹ vào năm 2002, con gái đầu lòng của hai vợ chồng này đã qua đời đột ngột và để lại một đứa cháu mắc bệnh bẩm sinh.
 
Chiến tranh đã qua đi. Quá khứ dần khép lại. Nhưng câu chuyện về thân phận những người đã dự phần trong những biến động lịch sử, nhất là những người làm cho Biệt đội Thiên Nga, hiện thân của những con rắn độc hại người không gớm tay.
 
Họ đã phải trả giá khi lịch sử sang trang nhưng vẫn còn đó những bài học về sự cảnh giác với kẻ thù khi mà còn không ít những con rắn độc đội lốt Thiên Nga còn sống và đang tồn tại quanh ta
 
Theo Nam Yên

An ninh thế giới


usaelection gởi