Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat
Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat
H.T Tuyên Hoá giảng giải
 

Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh

Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat

Hán dịch: Ðường, Tây Thiên Trúc, Sa Môn Già Phạm Ðạt Ma

Thiển giảng: Vạn Phật Thánh Thành, Hòa Thượng Tuyên Hóa.

 

Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat 1 2 3 4 5

"Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh" là tên gọi đầy đủ của bộ kinh này, mà gọi tắt là "Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh." Trong đó, "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni" là tên riêng (biệt danh), và "Kinh" là tên chung (thông danh). Vì sao gọi là tên riêng? Bởi vì chỉ riêng bộ kinh này được gọi bằng tên ấy mà thôi, các kinh điển khác đều không được mang trùng tên. Ngoài ra, vì các sách ghi chép lời thuyết giảng của Ðức Phật đều được gọi là kinh, cho nên chữ "Kinh" được xem là tên chung.

Bộ kinh này lấy gì để lập danh? Lấy đầy đủ cả "Nhân, Pháp, Dụ" để lập danh. "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát" là Nhân (người); "Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại" và "Ðại Bi Tâm" là Dụ (tỷ dụ); "Ðà La Ni" là Pháp. "Ðà La Ni" là tiếng Phạm; Trung ngữ dịch là "Tổng Trì." Do đó, "Tổng Trì" là Pháp—loại pháp Tổng Trì. Vậy, tên đề của bộ kinh này có đủ Nhân, Pháp, Dụ.

Trước hết xin giảng về từ ngữ "Thiên Thủ Thiên Nhãn" (ngàn tay ngàn mắt). Làm sao lại có ngàn tay, ngàn mắt? Ðó là hiện tướng oai đức thần thông, được lưu xuất từ chỗ chứng đắc của sự trì niệm Chú Ðại Bi. Chúng ta không nên xem việc tu niệm Chú Ðại Bi là quá dễ dàng, đơn giản! Chú Ðại Bi này cần phải có thiện căn sâu dày từ nhiều đời trước mới có thể gặp được. Nếu không có thiện căn thuộc loại thâm hậu từ đời trước thì chưa nói đến tụng niệm Chú Ðại Bi, mà chỉ muốn nghe thấy ba chữ "Chú Ðại Bi" cũng khó có cơ hội; cho đến tên gọi cũng khó được nghe tới, huống hồ là thấy! Bây giờ, chúng ta không những được thấy mà còn có thể trì tụng nữa, đó là việc hết sức hy hữu; có thể nói là "trăm ngàn vạn kiếp khó tìm gặp" —dù trải qua trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp cũng khó mà gặp được vậy. Hiện chúng ta nhờ có thiện căn chín muồi ở đời trước nên mới được nghe đến ba chữ "Chú Ðại Bi," mới được tham học, trì tụng chương cú thần diệu của Chú Ðại Bi, và mới có thể thuộc được Chú Ðại Bi. Ðó là do có thiện căn, có chủng tử khó nghĩ bàn từ đời trước nên nay mới được như thế.

Vì vậy, hôm nay chúng ta, những người đến nghe Chú Ðại Bi, đều là những người có thiện căn. Quý vị thử nghĩ xem: Trên thế giới này có bao nhiêu người chưa từng được nghe đến tên Chú Ðại Bi? Trọn cả thành phố Cựu Kim Sơn này có thể có trên năm trăm người được nghe tới tên Chú Ðại Bi chăng? Tôi tin là không! Thành phố Cựu Kim Sơn có được bao nhiêu cư dân? Quý vị cứ theo đó mà tính thì có thể suy ra số người có thiện căn trên thế giới là bao nhiêu ngay. Cho nên, nay chúng ta được nghe đến danh hiệu của Chú Ðại Bi thì mỗi người phải sanh tâm hoan hỷ, vui mừng, phải trân quí và phải biết đó là điều khó tìm khó gặp! Không dễ gì mà gặp được Chú Ðại Bi, nay gặp được rồi thì phải thật sự khắc cốt ghi tâm, chớ nên xem nhẹ mà thờ ơ bỏ qua!

Lần này, quý vị được nghe giảng bộ Kinh Ðại Bi Ðà La Ni, âu cũng là một cơ duyên bất khả tư nghì. Số là mấy tháng trước, lúc bộ Kinh Kim Cang sắp được giảng xong, thì các vị hộ pháp của Phật Giáo Giảng Ðường là Quả Ðịa, Quả Ninh và Quả Tiền ngỏ ý muốn được nghe giảng bộ Kinh Ðại Bi Ðà La Ni. Vì sao họ muốn tìm hiểu bộ Kinh này? Bắt đầu từ năm ngoái, ở Phật Giáo Giảng Ðường này mỗi tuần đều có dạy pháp môn bí mật Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Pháp môn này không chỉ là bí mật mà vốn từ trước đến nay tôi chưa hề truyền dạy cho ai cả. Song, sang đến Mỹ quốc, tôi nghĩ là cần đem pháp môn bí mật bất truyền này truyền dạy cho quý vị, những người Mỹ có thiện căn. Vì vậy, kể từ năm ngoái, tôi bắt đầu dạy Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, một pháp môn vi diệu bất khả tư nghì. Tuy nhiên, tôi chẳng hề đến bất cứ nơi nào rêu rao: "Này, tôi có mật pháp nhưng chẳng truyền cho ông đâu!" Mặc dù là pháp bí mật, song tôi vẫn đem truyền bá. Truyền cho những ai? Tất nhiên tôi phải "chọn mặt gởi vàng," chỉ truyền cho những người có đại thiện căn, có quy y Tam Bảo và thâm tín Phật Pháp.

Sau khi tôi truyền xong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn thì có mấy vị sanh lòng khát ngưỡng đối với bộ Kinh Ðại Bi Ðà La Ni, muốn hiểu rõ kinh nghĩa của Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn này. Cho nên, do cư sĩ Quả Ðịa khởi xướng, mọi người mời tôi giảng bộ Kinh Ðại Bi Ðà La Ni. Lúc ấy, tôi thấy khó mà từ khước trước lòng thành của nhóm Phật tử này, nên đã bằng lòng nhận giảng Kinh Ðà La Ni. Nhưng giảng xong Kinh Kim Cang thì lại tiếp tục giảng Tâm Kinh. Tâm Kinh tuy là hai trăm mấy chục chữ nhưng giảng xong cũng mất hết hai, ba tháng. Thật ra trong hai, ba tháng ấy tôi chỉ giảng vào ngày Chủ nhật mà thôi, chứ không phải là ngày nào cũng giảng. Nếu ngày nào cũng giảng thì khoảng một hoặc nửa tháng là xong. Hiện tại Tâm Kinh đã giảng xong, bây giờ bắt đầu giảng bộ Ðại Bi Ðà La Ni Kinh.

Ðây là một bộ Kinh có thể nói là hầu hết quý vị chưa từng được nghe qua; và chẳng riêng gì quý vị mà ngay cả người Trung Hoa cũng vậy, số người được nghe đến bộ Kinh này cũng rất ít. Người Trung Hoa mà đã được nghe, rồi có thể giảng giải nghĩa lý của Kinh một cách tường tận cũng là không dễ, cũng là hy hữu vậy!

Vì vậy, bây giờ tôi đem bộ Kinh Ðại Bi Ðà La Ni này giảng cho quý vị nghe thì mỗi người, trước hết, phải quét sạch tất cả những "rác rưởi" trong đầu óc của mình. Ðừng khởi nhiều vọng tưởng, đừng quá nặng lòng tham, chớ sanh tâm sân hận và cũng chớ quá si mê. Phải quét sạch những rác rưởi tham sân si trước; đó cũng chính là quét dọn sạch sẽ tất cả những đồ "xú uế " trong mỗi người. Phải thu dọn và quét sạch mọi thứ bất tịnh trong chính mình ra ngoài, để sau đó có thể chứa đựng nước cam lồ pháp vị. Bấy giờ quý vị mới có thể thanh tịnh mà chứng đắc pháp lực của pháp môn này. Ðây là điều tối trọng yếu, quý vị cần lưu tâm!

Bây giờ giảng về từ ngữ "Thiên Thủ Thiên Nhãn (ngàn tay, ngàn mắt)."

Có người nói rằng: "Phải tu pháp Ðại Bi Ðà La Ni thì mới đạt được ngàn tay ngàn mắt; thế nhưng ‘ngàn tay ngàn mắt’ này dùng để làm gì?" Và còn cho rằng: "Chúng ta mỗi người có được hai tay, hai mắt là đã tốt quá rồi. Hai tay có thể giúp ta cầm nắm đồ vật, hai mắt cho ta nhìn thấy mọi điều; thế thì còn muốn có nhiều mắt, nhiều tay như vậy để làm gì? Xét ra, hiện chúng ta đang ở vào thời đại khoa học, nhiều tay nhiều mắt đến thế cũng chẳng ích lợi gì!" Vậy, nếu quý vị chê nhiều thì khỏi cần tu pháp Ðại Bi!

Bây giờ tôi giải thích từ ngữ "Thiên Nhãn (ngàn mắt)" trước. Quý vị đều có hai con mắt, và quý vị phải mở mắt ra nhìn thì mới thấy được sự vật, nếu nhắm hai con mắt này lại thì không còn trông thấy gì nữa. Tuy nhiên, nếu quý vị có một ngàn con mắt thì có thể khiến chúng thay phiên nhau làm việc—cho con mắt này nhắm lại để nghỉ ngơi, mở con mắt kia ra để nhìn ngó; quý vị thấy có vi diệu không nào?

"Ngàn mắt" này được gọi là "thiên nhãn chiếu kiến" (ngàn mắt chiếu soi). Con mắt phàm của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trong phạm vi mười hoặc hai mươi dặm; nếu quý vị dùng kính viễn vọng thì có thể thấy xa tới khoảng một trăm dặm, còn xa hơn nữa thì e rằng không đủ khả năng. Nếu quý vị có được một ngàn con mắt thì thế nào? Trăm dặm, ngàn dặm, vạn dặm, tận hư không, khắp Pháp Giới—vô số vô biên hành tinh và hệ ngân hà—quý vị đều có thể thấy rõ. Bấy giờ, không cần xem vô tuyến truyền hình mà quý vị vẫn có thể biết được: "Ồ! Hai phi hành gia đang đi trên mặt trăng!" Quý vị thấy có vi diệu hay không? Hiện tại quý vị phải nhờ vào ti-vi mới có thể thấy được con người đặt chân lên nguyệt cầu; nhưng nếu quý vị có ngàn mắt thì khỏi phải dùng ti-vi mà vẫn thấy được rõ ràng. Chẳng những khỏi cần ti-vi mà quý vị còn khỏi cần trang bị ăng-ten hay hệ thống ra-đa, và cũng chẳng phải trả tiền nữa—bớt được bao nhiêu là rắc rối! Quý vị bảo rằng có một ngàn con mắt là không tốt ư? Bây giờ quý vị biết đó là điều tốt rồi chứ?

Chẳng những thế, với ngàn con mắt này, quý vị có thể từ phía trước thấy được phía sau, từ đằng sau trông rõ đằng trước. Hư Vân Lão Hòa Thượng có câu thơ rằng:

 

Não hậu kiến tai kình diều tử,

Ðỉnh môn cụ nhãn tróc phi hùng.

(Sau đầu thấy má: chụp diều hâu,

Cửa đỉnh đủ mắt: tóm gấu bay.)

Chúng ta vốn không thể nào thấy được mặt mũi của chính mình; tuy nhiên, nếu quý vị có ngàn mắt thì ở phía sau có thể nhìn thấy phía trước, ở phía trước cũng có thể nhìn thấy phía sau—có thể thấy được bản lai diện mục của chính mình. Bấy giờ, quý vị cũng có thể thấy được những gì ở trong bụng mình, biết được trong đó có bao nhiêu con trùng chết, trùng lười biếng... Từ bên ngoài quý vị có thể thấy rõ bên trong và từ phía trong quý vị có thể thấy rõ phía ngoài, giống như nhìn xuyên qua bức tường bằng pha-lê hay thủy tinh vậy. Bụng quý vị lúc ấy tựa như pha-lê—lóng lánh, trong suốt, không còn có sự ngăn cách giữa trong và ngoài. Nhờ đó, quý vị có thể thấy được tim mình hình thù như thế nào, bụng mình muốn nói điều gì, và cũng biết được mọi ý tưởng cũng như mọi hoạt động của các machines—các cơ quan—trong cơ thể mình. Thế nào, bây giờ quý vị có muốn có ngàn mắt không? Quý vị có còn cho rằng có hai con mắt là đủ rồi nữa không? Tôi e rằng bây giờ quý vị cũng nhận thấy như thế là chưa đủ. Ngàn mắt có nhiều diệu dụng như vậy đấy!

Còn "Thiên Thủ (ngàn tay)" thì sao? Tay dùng để cầm nắm đồ vật. Không cần nói đâu xa, bây giờ chúng ta hãy lấy việc cầm tiền làm thí dụ. Quý vị có hai tay, mỗi tay có thể cầm được mười ngàn đồng chẳng hạn; vậy nếu tôi có một ngàn tay thì tôi có thể cầm được mười triệu đồng. Quý vị không thể nào một lúc mà cầm được nhiều tiền như tôi, quý vị thấy có kỳ diệu không chứ? Hoặc lấy một thí dụ khác, như chia táo chẳng hạn. Quý vị cứ tha hồ, lấy được bao nhiêu táo thì lấy. Tất nhiên, nếu quý vị có một ngàn tay thì lấy được một ngàn trái táo, có hai tay thì chỉ lấy được hai trái. Quý vị xem, như vậy có hữu dụng không chứ? Tuy nhiên, ngàn tay này chẳng phải để dùng vào chuyện vặt vãnh, tầm thường, cũng chẳng phải dùng để tranh ăn như trò chơi của trẻ con.

Công năng của ngàn tay là cứu người. Thí dụ có một ngàn người bị té xuống biển, quý vị có hai tay thì tay này kéo một người, tay kia lôi một người, tức là chỉ có thể cứu được hai người mà thôi. Nếu quý vị có được một ngàn tay thì chỉ việc thò luôn một ngàn cánh tay xuống biển là vớt được cả một ngàn người suýt bị chết đuối ấy lên bờ. Quý vị thắc mắc là một ngàn cánh tay này dùng để làm gì ư? Ðể cứu người đấy! Cho nên nói:

 

"Thiên Nhãn chiếu kiến, Thiên Nhĩ diêu văn, Thiên Thủ hộ trì."

(Ngàn mắt chiếu soi, Ngàn tai lắng nghe, Ngàn tay cứu giúp.)

Ngàn tay là để hộ trì tất cả chúng sanh—nếu như có một chúng sanh có khổ nạn gì thì quý vị chỉ cần duỗi một cánh tay ra là cứu được chúng sanh ấy thoát vòng khổ ải. Nếu chỉ có hai tay thì quý vị không thể cứu độ được nhiều người. Cho nên Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát có ngàn tay ngàn mắt là để cứu hộ tất cả chúng sanh, chứ không phải để đi ăn trộm. Quý vị cần phải hiểu rõ điểm này! Không được khoác lác rằng mình có một ngàn cánh tay để hái trộm một ngàn trái táo!

Ngàn tay và ngàn mắt này rốt ráo là từ đâu đến? Vừa rồi tôi chẳng bảo đó là từ Chú Ðại Bi sanh xuất ra hay sao? Quý vị chỉ cần tụng Chú Ðại Bi, và tu Ðại Bi Pháp của Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn là được. Thủ Nhãn cuối cùng trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn có tên là Tổng Nhiếp Thiên Tý Thủ. Hễ quý vị tụng câu chú của Thủ Nhãn này một biến, thì quý vị sẽ có thêm bốn mươi hai cánh tay. Tụng một biến thì có được bốn mươi hai cánh tay; tụng mười biến thì được 420 tay; tụng một trăm biến thì được 4.200 tay. Nếu quý vị tụng một ngàn biến thì sẽ có được 42.000 cánh tay, và cũng có luôn cả 42.000 con mắt. Vấn đề là quý vị có chịu khó tu tập hay không mà thôi! Bởi, Thiên Thủ Thiên Nhãn không phải chỉ trong một sớm một chiều mà thành tựu được. Quý vị tu pháp môn này, nếu ngày ngày đều miệt mài dụng công không hề gián đoạn, ngày ngày đều y Pháp tu hành, thì sẽ thành tựu được thứ diệu dụng bất khả tư nghì. Tuy nhiên, nếu quý vị hôm nay tu, ngày mai nghỉ, thì sẽ chẳng có tác dụng gì cả! Muốn lấy được bằng cấp tiến sĩ của thế gian, thì từ lúc khởi sự học hành cho đến khi thành đạt cũng phải mất khoảng mười bốn, mười lăm năm công phu đèn sách; huống hồ là tu học Phật Pháp? Học Phật Pháp, nếu quý vị không thật sự dụng công hành trì thì chẳng thể nào có sự thành tựu được!

Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát tinh tấn nhất, siêng năng nhất, và không hề muốn nghỉ ngơi. Ngài sẵn lòng suốt ngày cứu độ chúng sanh, chẳng nề hà công việc nhiều vất vả, cũng chẳng quản ngại chúng sanh lắm khổ nạn; cho nên có thể nói rằng Ngài là vị Bồ Tát bận rộn nhất. Ngài không phải là một vị Bồ Tát lười biếng, thích nghỉ ngơi nhàn nhã, mà là một vị Bồ Tát chăm chỉ, cần mẫn nhất. Bởi một cánh tay thì cứu được quá ít người, hai cánh tay thì số người cứu được cũng còn giới hạn; do đó, Ngài muốn có ngàn tay ngàn mắt—một ngàn cánh tay để cứu vớt và một ngàn con mắt để chiếu cố tất cả chúng sanh trong Tam Thiên Ðại Thiên thế giới. Các chúng sanh mà Ngài chiếu cố đều là những chúng sanh gánh chịu nhiều đau khổ, và các chúng sanh mà Ngài cứu độ là những chúng sanh gặp phải tai ương, hoạn nạn.

Chữ "Quán" trong "Quán Thế Âm Bồ Tát" có nghĩa là quán sát, theo dõi. Quán sát cái gì? Quán sát thế giới này. Quán sát cái gì ở thế giới này? Quán sát âm thanh của thế giới này. "Quán" chính là trí huệ năng quán, tức là chủ thể trí huệ quán sát. "Thế" là cảnh giới sở quán—đối tượng, cảnh giới được quán sát—và đó chính là tất cả chúng sanh trong thế giới này.

Chúng sanh lúc khốn khổ gian nan thì thường nghĩ đến ai? Nghĩ đến người cha đại từ bi, nghĩ đến người mẹ đại từ bi. Người cha đại từ bi ấy là ai? Ðó là Bồ Tát Quán Thế Âm. Người mẹ đại từ bi ấy là ai? Cũng chính là Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhớ nghĩ đến Ngài rồi thì sao? Họ liền niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam mô Ðại Từ Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát..." Họ vừa niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát," thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền dùng ngàn mắt trí huệ để nhìn, dùng tai trí huệ để lắng nghe, rồi dùng tay trí huệ để cứu vớt họ.

Chúng sanh có tai nạn khổ ách không phải lúc nào cũng lẻ tẻ, lần lượt từng người một. Nếu trăm ngàn vạn ức chúng sanh đồng thời lâm nạn, tức là sẽ có trăm ngàn vạn ức chúng sanh đồng thời cầu cứu, xưng niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát"; thì Ðức Quán Thế Âm sẽ đồng thời cứu vớt và tất cả đều sẽ đồng thời được giải thoát, đồng thời được an vui. Vì thế, Bồ Tát Quán Thế Âm được gọi là "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát."

Bồ Tát luôn cứu giúp con người. Nếu quý vị cứu giúp con người, quý vị chính là Bồ tát; nếu tôi cứu giúp con người, tôi cũng là Bồ tát. Nếu quý vị không cứu giúp con người thì quý vị chính là la-sát; và nếu tôi không cứu giúp con người, tôi cũng là la-sát. Quỷ la-sát và Bồ Tát Quán Thế Âm mới nhìn dung mạo bề ngoài tưởng chừng như không khác nhau là bao, nhưng sự thật lại hoàn toàn tương phản! La-sát quỷ nữ rất xinh đẹp, song cũng rất ích kỷ, chỉ biết mưu lợi cho mình mà thôi. Ðiểm khác biệt chính là một bên thì chỉ biết lợi mình mà không biết lợi người; còn một bên thì chỉ biết lợi người mà không màng đến lợi mình. Cho nên, tướng mạo của Quán Thế Âm Bồ Tát rất viên mãn, dung mạo của la-sát nữ cũng chẳng kém ai, nhưng do tâm địa bất đồng, một niệm sai biệt, mà thành ra khác nhau vậy!

Thế nên, nếu quý vị muốn học Quán Thế Âm Bồ Tát thì quý vị phải đi cứu người giúp đời, lợi ích quần sanh. Có người nói: "Tôi không có khả năng gì cả—thứ nhất, tôi không có tiền; thứ hai, tôi không biết thuyết giảng Phật pháp, không khéo ăn nói. Vậy thì tôi làm sao mang lại lợi ích cho nhân loại được?"

Tôi bảo cho quý vị biết: Quý vị có "miệng từ bi, lưỡi phương tiện." "Miệng từ bi" tức là có lòng nhân từ, không chưởi mắng người khác. "Lưỡi phương tiện" tức là dùng căn lưỡi của mình làm phương tiện, chứ không phải để nói chuyện thị phi. Ví như có xảy ra sự xích mích gì đó, mà quý vị, bằng phương tiện quyền xảo giảng nói, làm cho đôi bên được hòa giải, hoặc bằng lời lẽ khéo léo mà hóa giải được các tranh chấp trên thế gian, dập tắt được hiểm họa chiến tranh thế giới—đó là quý vị dùng "lưỡi phương tiện" vậy. Có câu:

"Miệng từ bi, lưỡi phương tiện,

Có tiền, không tiền đều tạo đức được."

Có tiền hay không có tiền đều có thể tạo được công đức như nhau. Ðương nhiên có tiền thì cũng có tốt hơn đôi chút, nhưng nếu quý vị không có tiền thì bất tất phải lo buồn, cũng chẳng nên nghĩ: "Tôi nghèo quá, làm sao làm việc phước đức được?" Làm việc công đức cốt là để cho quý vị nuôi dưỡng lòng hảo tâm, biết làm việc từ thiện, và làm một con người tốt.

"Bồ Tát" là Phạn ngữ, nói đầy đủ là "Bồ Ðề Tát Ðỏa." "Bồ Ðề" dịch nghĩa là "giác"; còn "Tát Ðỏa" là "hữu tình." Vậy, Bồ Tát có nghĩa là một người đã giác ngộ giữa đám hữu tình, và cũng có nghĩa là một người đi giác ngộ tất cả chúng hữu tình. Thế nào gọi là loài "hữu tình"? Tất cả các loài có khí huyết đều được gọi là loài hữu tình. Loài không có khí huyết thì cũng là chúng sanh, song chúng là vô tình—không có tình cảm, không có cảm giác.

Người ta thường nói: "Nhân phi thảo mộc, thục năng vô tình? (Con người nào phải cỏ cây, sao nỡ vô tình?)" Câu này ý nói cỏ cây là vô tri vô giác, không có tình cảm; nhưng thật ra, cỏ cây cũng có tình cảm vậy, chẳng qua là thứ tình cảm mê muội, không sáng suốt. Vì sao không sáng suốt? Vì chúng toàn làm những việc ngu si cho nên mới bị biến thành cỏ cây gỗ đá. Chúng là một trong mười hai loại chúng sanh.

Cảnh giới của Quán Thế Âm Bồ Tát vốn bất khả tư nghì. Chính vì cảnh giới bất khả tư nghì này rất bất khả tư nghì, cho nên tôi không thể nào diễn tả được! Bây giờ tôi kể cho quý vị nghe một công án.

Thuở trước, có một người nọ trì tụng Chú Ðại Bi đã được khoảng mười hai năm. Trong suốt mười hai năm ấy, ông chẳng gặp chuyện gì gọi là kỳ diệu nhiệm mầu cả—Chú Ðại Bi chẳng biến ra cơm cho ông ăn, cũng chẳng làm ra áo quần cho ông mặc—thế nhưng, ông vẫn tin tưởng và chăm chỉ, đều đặn trì tụng Chú Ðại Bi. Mỗi ngày ông tụng tối thiểu là 108 biến, mà thông thường là nhiều hơn thế.

Một lần nọ, ông đi chơi xa và phải ngủ qua đêm ở nhà trọ. Tại Trung Hoa, ở một vài địa phương có loại quán trọ gọi là "hắc điếm." Hắc điếm là gì? Ðó là một thứ nhà trọ trá hình của bọn cướp. Bọn cướp này cũng tương tự như thổ phỉ vậy; có điều, thổ phỉ thì ra chận đường người ta mà cướp bóc, giết hại, còn chúng thì ở trong nhà chờ đợi. Khi có khách tới quán của chúng tá túc, thấy khách mang theo tiền của, hoặc đeo nhiều vàng bạc châu báu, ra vẻ khách buôn giàu có, thì chúng liền đưa khách đến một căn phòng nhỏ khá tươm tất và có cửa riêng để chúng có thể ra vào dễ dàng. Sau đó, chúng lén bỏ thuốc mê trong rượu cho khách uống và đến khuya, thừa cơ khách ngủ mê mệt, chúng lẻn vào đoạt hết tiền bạc, đôi khi còn giết người luôn nữa.

Người trì tụng Chú Ðại Bi này ở trọ trong hắc điếm cũng được mời uống thứ rượu có bỏ thuốc mê, nhưng vì thâm tín Phật Pháp nên ông không uống rượu; do đó không bị trúng thuốc mê. Ðến nửa đêm, đang ngủ ông chợt nghe có tiếng chân người tiến vào phòng mình. Ông hé mắt nhìn ra, nhác thấy bóng một lưỡi dao sáng loáng, ông sợ đến cứng cả người, tự nhủ: "Người này cầm dao đến hẳn là để giết mình đây!"

Ngay lúc đó, bên ngoài bỗng có tiếng đập cửa. Chủ quán—kẻ âm mưu giết người—giật mình giấu vội con dao, lẻn ra khỏi phòng, rồi hỏi vọng ra: "Ai đó? Ai gọi cửa đó? Who are you? Who?"

Người ngoài cửa đáp: "Tôi đây! Tôi họ Ðậu, tên Du Bằng. Tôi có một người bạn ở trọ trong quán ông. Ông ấy tên là ... Nhờ ông nhắn lại là tôi mời ông ấy sáng mai đến nhà tôi ăn điểm tâm nhé!"

Chủ quán mở hé cửa nhìn ra thì thấy một người đàn ông trang phục giống như cảnh sát, liền nghĩ: "Thì ra viên cảnh sát này có quen biết với người mà mình định giết. Ông ta là bạn của cảnh sát! Cảnh sát đến mời ông ấy sáng mai đi ăn điểm tâm!" Vì thế, đêm ấy gã chủ quán không dám ra tay giết người.

Sáng hôm sau, chủ quán nói với ông khách trọ chuyên trì Chú Ðại Bi: "Ông có người bạn tên Ðậu Du Bằng đến tìm tối qua. Lúc đó đã khuya lắm rồi, mà ông cũng đã đi ngủ nên ông ấy không muốn đánh thức ông dậy. Ông ấy muốn mời ông hôm nay đến nhà ông ấy ăn sáng."

Ông này vừa nghe đến mấy tiếng "Ðậu Du Bằng" thì cảm thấy rất quen thuộc. Sực nhớ ba chữ ấy vốn ở trong bài Chú Ðại Bi, ông chợt hiểu ra ngay, bèn nói: "Ðúng rồi, ông ấy là bạn tôi đấy. Chúng tôi có hẹn gặp nhau sáng nay, chốc nữa tôi đến nhà ông ấy ăn sáng."

Người này lọt vào sào huyệt của bọn cướp mà không bị chúng giết hại là nhờ có trì tụng Chú Ðại Bi. Do đó, quý vị đừng cho rằng trì tụng Chú Ðại Bi là chẳng có ích lợi. Ðến lúc quý vị gặp nguy hiểm, sanh mạng của quý vị bị đe dọa, bấy giờ quý vị mới nghiệm ra được diệu dụng mầu nhiệm của Chú . Tuy nhiên, hiện tại quý vị chưa gặp chuyện bất trắc, nguy hiểm tới tánh mạng, thì cũng chưa cần đến sức gia hộ của Chú Ðại Bi. Vậy, quý vị chỉ nên thành tâm chuyên cần trì tụng là đủ, và chớ bận tâm về việc Chú Ðại Bi có trợ giúp gì trong vấn đề cơm ăn áo mặc của mình hay không!

Tôi đã giảng về ý nghĩa của "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát"; bây giờ nói về từ ngữ "Quảng Ðại."

"Quảng" là rộng lớn (chỉ bề ngang). "Ðại" là cao to (chỉ bề dọc). Bộ Kinh này có thể nói là "hoành biến thập phương, thụ cùng Tam Giới"—bề ngang thì trùm khắp hết mười phương, dựng đứng lên thì cao đến tột cùng của Tam Giới. "Tam Giới" là ba cõi—Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. "Thập phương," như quý vị đều biết, là mười phương—Ðông, Tây, Nam, Bắc, Ðông Nam, Tây Nam, Ðông Bắc, Tây Bắc, Trên và Dưới.

Hai câu chú trong Chú Lăng Nghiêm là "A Na Lệ. Tỳ Xá Ðề," cũng hàm nghĩa "quảng đại"—một câu ngụ ý "hoành biến thập phương," và một câu là "thụ cùng Tam Giới." Tác dụng của hai câu chú này là mỗi khi niệm lên thì yêu ma quỷ quái, thiên ma ngoại đạo, một bước cũng không đi được, không còn đường để tẩu thoát nữa, đành phải chịu quy đầu phục thiện. Ở đây, ý nghĩa của từ ngữ "quảng đại" trong tên đề của Kinh Ðà-La-Ni thì cũng vẫn vậy, có điều là công năng không lợi hại bằng hai câu chú kia.

"Viên Mãn" có nghĩa là tròn đầy, không còn chút khiếm khuyết nào nữa.

"Vô Ngại" có nghĩa là không có gì chướng ngại, ngăn trở được cả.

Cái gì quảng đại, viên mãn và vô ngại? Ðó là "Ðại Bi Tâm." Ðại Bi Tâm thì vừa quảng đại, vừa viên mãn, lại vừa vô ngại nữa. Ðại Bi Tâm có công năng dứt trừ khổ nạn, cứu vớt chúng sanh thoát khỏi mọi gian nan khốn khổ; cho nên nói: "Bi năng bạt khổ"—lòng bi mẫn, thương yêu, có thể dứt sạch tất cả khổ lụy cho chúng sanh.

Cái gì có được công năng dứt trừ mọi nỗi khổ của chúng sanh? Ðó chính là pháp Ðà-La-Ni.

"Ðà-La-Ni" là Phạn ngữ; Hoa ngữ dịch là "Tổng Trì." "Tổng" tức là bao hàm tất cả các pháp, tất cả các pháp đều ở trong đó. "Tổng" cũng là thủ lãnh, là "cái đầu" của tất cả các pháp, có công năng khơi nguồn tất cả các pháp. "Trì" là chấp trì, nắm giữ. "Trì" cái gì? "Trì vô lượng nghĩa"—vô lượng đạo lý đều nằm trong sự chấp trì, nắm giữ của quý vị. Chỉ cần quý vị trì tụng Ða-La-Ni thì sẽ có được công năng này.

Vậy, trong tên đề của bộ kinh này, chữ "Kinh" là tên chung (thông danh), và "Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni" là tên riêng (biệt danh). Kinh này lấy Nhân (người) và Pháp để lập thành đề mục hay tựa kinh (tittle)—"Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát" là Nhân; còn "Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni" là Pháp. Lại cũng có thể nói rằng đề mục của bộ kinh này thuộc loại Nhân, Pháp, Dụ lập đề; trong đó, "Tâm" là Dụ. "Ðại Bi Chú" ví như cái tâm Ðại Từ Bi tiềm tàng trong mỗi con người, cho nên gọi là "Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni."

"Kinh" có nghĩa là "kinh thường bất biến"—mãi mãi như thế, không bao giờ thay đổi.

Bộ Kinh này lấy gì làm Thể? Lấy Thật-tướng làm Thể. Thật-tướng chính là Vô-tướng, mà Vô-tướng cũng chính là Thật-tướng.

Có Thể rồi thì cần phải có Tông—Tông-chỉ. Vậy, Kinh này lấy gì làm Tông-chỉ? Lấy "hàng phục chư ma, chế phục ngoại đạo" làm Tông-chỉ.

Lấy gì làm Dụng? Lấy sự diệt ác sanh thiện, bớt khổ thêm vui, làm chỗ Dụng. "Hàng phục chư ma, chế phục ngoại đạo" có nghĩa là trừ diệt điều ác, sanh khởi điều thiện, dứt khổ thêm vui; do đó, "sanh thiện, diệt ác" chính là lực dụng của bộ Kinh này vậy.

Kinh này có công năng sanh thiện, diệt ác, cứu khổ, ban vui; và lấy đề-hồ làm giáo tướng—diệu vị đề-hồ và vô thượng cam-lồ đều được lưu xuất từ bộ Kinh này.

Trên đây là dùng Ngũ Trùng Huyền Nghĩa—Danh, Thể, Tông, Dụng, Giáo—và bảy loại lập đề để giải thích sơ lược về đề mục bộ Kinh.

 

ÐƯỜNG TÂY THIÊN-TRÚC SA-MÔN GIÀ-PHẠM-ÐẠT-MA DỊCH.

Chúng ta đã tìm hiểu phần đề mục, bây giờ nói về dịch giả. Bộ Kinh này vốn do ai phiên dịch? Ðường Tây Thiên-Trúc Sa-môn, tức là dưới triều đại nhà Ðường có một vị Sa-môn người xứ Tây Thiên-Trúc. Tây Thiên Trúc là thuộc Ấn Ðộ. Thời ấy, nước Ấn Ðộ gồm có năm vùng: Nam Ấn, Bắc Ấn, Ðông Ấn, Tây Ấn và Trung Ấn; và vị Sa môn này ở vùng Tây Ấn.

"Sa-môn" nghĩa là gì? Sa-môn là tiếng Phạn; Hán ngữ dịch là "cần tức" —cần tu Giới Ðịnh Huệ, tức diệt tham sân si (siêng tu Giới Ðịnh Huệ, dứt sạch tham sân si).

Oai nghi của một vị Sa-môn [siêng tu Giới luật] là như thế nào? Tỳ-kheo Mã Thắng [luôn nghiêm trì oai nghi, giới luật] là một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cũng là người có oai nghi tốt đẹp nhất. Lúc chưa gặp Phật, Tôn-giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tình cờ thấy Tỳ-kheo Mã Thắng đắp y, ôm bình bát đi khất thực. Ngài vừa đi vừa nhiếp trì chánh niệm—mắt quán mũi, mũi quán miệng, miệng hỏi lòng, mắt không nhìn dáo dác, tai không chực nghe ngóng—tuy chân bước đều mà dáng vẻ so với nhập Ðịnh chẳng có gì khác biệt. Bấy giờ, hai Tôn-giả đều kinh ngạc: "Ồ! Sao người này lại có được tướng mạo tốt đẹp thế kia?" Và liền đến thỉnh giáo thầy Tỳ-kheo: "Chẳng hay Ngài học pháp ở đâu mà có được oai nghi tuyệt diệu như thế?"

Mã Thắng Tỳ-kheo đáp: "Tôi học oai nghi với Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni." Rồi Ngài đọc bài kệ:

"Chư pháp tùng duyên sanh,

Chư pháp tùng duyên diệt.

Ngã Phật Ðại Sa-môn,

Thường tác như thị thuyết."

Nghĩa là:

"Các pháp từ duyên sanh,

Các pháp theo duyên diệt.

Phật ta Ðại Sa-môn,

Thường dạy như vậy đó!"

Vị Sa-môn người xứ Tây Thiên-Trúc này chỉ để vỏn vẹn "Ðường Tây Thiên-Trúc Sa-môn," chứ không dùng hai chữ "Tam Tạng" trong danh xưng của mình, có lẽ vì Ngài chỉ thông đạt một hoặc hai tạng trong số ba tạng Kinh, Luật và Luận.

Già Phạm Ðạt Ma dịch. "Già Phạm Ðạt Ma" là tên của vị Sa-môn người xứ Tây Thiên-Trúc, và có nghĩa là "Kính Pháp" hoặc "Tôn Pháp." Ngài là một vị Sa-môn rất mực tôn kính giáo pháp của Ðức Phật, và chính ngài đã dịch bộ Kinh Ðà-La-Ni này từ tiếng Ấn Ðộ sang tiếng Trung Hoa.

 

Kinh Văn:

 

Âm: NHƯ THỊ NGÃ VĂN: NHẤT THỜI, THÍCH CA MÂU NI PHẬT TẠI PHỔ ÐÀ LẠC GIÀ SƠN. QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT CUNG ÐIỆN, BẢO TRANG NGHIÊM ÐẠO TRÀNG TRUNG, TỌA BẢO SƯ TỬ TÒA. KỲ TÒA THUẦN DĨ VÔ LƯỢNG TẠP MA NI, BẢO NHI DỤNG TRANG NGHIÊM, BÁCH BẢO TRÀNG PHAN CHÂU TRÁP HUYỀN.

 

Nghĩa: Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên bảo tòa Sư tử trong đạo tràng Bảo Trang Nghiêm, là cung điện của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện ở núi Phổ Ðà Lạc Già. Chỗ ấy toàn dùng vô số ngọc báu ma ni để trang nghiêm, treo xung quanh là tràng phan làm bằng trăm thứ quý báu khác.

 

Lược Giảng:

"Như thị ngã văn":

‘Như thị’ là tín thành tựu

‘Ngã văn’ là văn thành tựu

"Như thị" có nghĩa: Ðúng là như vậy, hoàn toàn đáng tin cậy. ‘Như’ có nghĩa là bất biến, không thể nào khác được. ‘Thị’ là như vậy, hoàn toàn là chính xác. ‘Như thị’ nghĩa là hoàn toàn như thật, hoàn toàn đích xác, không gì thay đổi được. Mọi Kinh Phật đều mở đầu bằng bốn chữ "Như thị ngã văn". Vì sao có nguồn gốc bốn chữ này? Bốn chữ này là do A Nan tiếp chỉ từ Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật lúc sắp nhập Niết bàn đã Di giáo lại.

Lúc Phật Thích Ca sắp nhập Niết bàn, tuy A Nan đã chứng đến nhị quả nhưng vẫn còn sự cảm động lưu luyến không dứt. Biết vậy, A Nan cầu thỉnh Phật phải trụ thế, chưa có thể viên tịch, nhưng vẫn không được. Cầu thỉnh không được thì làm sao? Ông ta khóc, khóc oà lên đầm đìa nước mắt, mọi cái đều quên hết. Vì sao vậy? Vì ông ta rất ái mộ Phật.

Quý vị xem trong ‘Kinh Lăng Nghiêm’, A Nan vì sao xuất gia? Là vì thấy Phật ‘tướng hảo quang minh, có đủ ba mươi hai tướng tốt, và tám mươi vẻ đẹp’ Ông ta liền sanh ái kiến và tự nhủ lòng: ‘Ồ, tướng hảo Ðức Phật tốt như thế, tôi nguyện ở mọi lúc mọi nơi theo làm thị giả hầu cận Ðức Phật, dẫu có khó nhọc bao nhiêu tôi cũng nguyện theo’. Sơ tâm xuất gia vì lòng ái mộ như thế, nên lúc Ðức Thích Ca sắp nhập Niết bàn, ông ta vẫn còn mang ái kiến, không muốn thấy có điều đó, nên liền khóc than cầu khẩn.

Như quý vị biết A Na Luật Tôn giả là một vị đệ tử bị mù, tuy bị mù nhưng trong tâm rất sáng tỏ. Lúc đó, A Na Luật vẫn biết Ðức Phật Thích Ca sắp nhập Niết bàn, mà cứ thấy A Nan mãi khóc lóc không ngớt như thế, nên ông ta đến bên cạnh A Nan nói rằng:

Này A Nan! Ông khóc gì vậy?

A Nan nói: Ðức Phật Thích Ca sắp nhập Niết bàn, làm sao thầy bảo tôi không khóc! Không có cách nào mà không khóc cả?

A Na Luật nói: Ồ! Bây giờ thầy đang có nhiều việc trọng yếu phải làm mà! Thầy khóc có ích lợi gì cơ?

A Na Luật nói vậy, A Nan cũng tỉnh ra một chút và ngớt khóc.

A Nan nói: À, có việc quan trọng, việc quan trọng gì?

A Na Luật liền nói: Ðức Phật sắp nhập diệt, chúng ta phải thỉnh vấn, là sau này kết tập Kinh Tạng, thì tất cả những điều Ðức Phật tuyên thuyết sau này, sẽ kết tập thành Kinh điển thì phải mở đầu Kinh điển như thế nào?

A Nan đáp: Việc này quan trọng đấy, đó là việc phải làm, còn việc gì nữa không?

Tôn Giả A Na Luật nói: Lúc Ðức Phật còn tại thế chúng ta được theo Phật mà an trú, sau này Ðức Phật nhập Niết bàn rồi chúng ta phải ở trú xứ nào?

A Nan ngừng một lát rồi bảo: Ồ! Giờ tôi như lẩn thẩn, nếu thầy không bảo tôi có lẻ tôi không nghĩ ra. Việc này cũng khá trọng yếu đấy! Còn việc gì nữa không?

A Na Luật lại bảo rằng: Lúc Phật còn tại thế, Phật là Ðấng Ðạo Sư của chúng ta, sau khi Phật nhập Niết bàn, chúng ta nên tôn ai làm thầy? Chúng ta nên tiến cử ai làm lãnh tụ Tăng đoàn, một người đại biểu của Tăng già mà mọi người phải tuân thủ?

A Nan đáp rằng: Ồ! Thầy nói điều này cũng rất quan trọng, đó là điều thứ ba, còn có điều gì nữa không?

A Na Luật Tôn giả bảo: Ðiều thứ tư là lúc Ðức Phật còn tại thế, có một số Tỳ kheo tha hóa, phạm giới gọi là ‘ác tính Tỳ kheo’ thì Ðức Phật có thể chế phục và giáo huấn được. Sau này Ðức Phật đã nhập diệt thì các ‘ác tính Tỳ Kheo’ này làm sao có biện pháp nghiêm trị?

A Nan đáp: À! Ðiều này cũng rất quan trọng, còn có vấn đề gì nữa không?

A Na Luật nói: Không còn nữa! Những vấn đề tôi muốn đề cập tôi đã nói hết. Còn chính thầy còn thắc mắc vấn đề gì nữa không? Tự thầy nghĩ lại xem!

A Nan đáp: Chính tôi cũng không còn vấn đề gì, bốn điều này đã đủ rồi!

Vì thế Tôn giả A Nan vội vàng đến chỗ Ðức Phật mà thỉnh vấn:

Bạch Ðức Thế Tôn! Ngài đã sắp nhập Niết bàn, bây giờ chúng con có mấy vấn đề thắc mắc, kính xin Ðức Phật từ bi chỉ giáo.

Ðức Phật bảo: Vấn đề gì, ông cứ trình bày ra!

A Nan liền bạch Phật: Bạch Ðức Thế Tôn! Lúc Ngài tại thế, Ngài có thể giáo hóa được hạng ‘ác tính Tỳ kheo’, còn sau khi Ngài diệt độ rồi thì làm sao có thể hoán cải được họ. Dạ! Ðây là điều thứ tư lẻ ra con không nên hỏi trước, nhưng cũng có thể làm điều thứ nhất để tham vấn Ngài.

Ðức Phật đáp rằng: Ác tính Tỳ kheo làm sao chế phục ư?

Các Ngài phải dùng pháp ‘Mặc tẩn’ để bắt đầu hoán đổi họ.

Sao gọi là mặc? Mặc là im lặng, không có giảng giải gì thêm với họ. Tẩn là gì? Nghĩa là mọi người phải nên cho họ biệt lập, mọi người không được trao đổi, quan hệ gì với họ. Hãy dùng sự ‘im lặng sấm sét’ của Ðại chúng để giải hóa họ? Lời nói không lời ấy sẽ làm cho họ có một sức nén để bừng tỉnh! Ðiều này Ðức Phật có dạy rõ trong Giới luật.

Ðức Phật bảo: Còn có thắc mắc gì nữa không, ông cứ nói ra.

A Nan liền bạch: Bạch Ðức Thế Tôn! Lúc Ngài còn tại thế. Ngài là Ðấng Ðạo Sư của chúng con, vậy sau khi Ngài diệt độ, chúng con phải tôn ai làm thầy? Chúng con có phải tìm một vị thầy nào khác để thọ giáo không?

Ðức Phật bảo: Không phải vậy! Sau khi ta diệt độ, các ông hãy lấy ‘Giới luật’ làm thầy, lấy Ba La Ðề Mộc Xoa làm thầy của các ông. Phàm là Tỳ kheo phải nghiêm trì Giới luật, lấy Giới luật làm thầy!

A Nan lại bạch Phật: Bạch Ðức Thế Tôn! Lúc Ngài còn tại thế, chúng con được hầu cận bên Ngài, vậy sao khi Ngài diệt độ chúng con biết dời đến trú xứ nào mà cư trú?

Ðức Phật dạy: Sau khi Ta diệt độ, các ông hãy y theo ‘Tứ Niệm Xứ’ mà an trú. Tứ Niệm Xứ như ta đã từng dạy, các ông phải dùng ‘bốn loại quán’ này để an trú, ngỏ hầu tiến xa trên lộ trình đạo nghiệp.

A Nan bạch Ðức Phật tiếp: Con còn có vấn đề này nữa, vấn đề này rất trọng yếu hơn các vấn đề trước.

Ðức Phật bảo: Vấn đề gì nữa, ông cứ nói ra.

A Nan liền bạch Phật. Bạch Ðức Thế Tôn! Tất cả những lời dạy của Ngài được tuyên thuyết trong đời này. Sau khi Ngài nhập diệt, chúng con phải kiết tập Kinh điển, lúc biên tập chúng con nên dùng chữ gì để mở đầu các Kinh điển, xin Ngài Di giáo.

Ðức Phật liền dạy: Vấn đề này cơ? Ông nên dùng bốn chữ ‘Như Thị Ngã Văn’ để làm sự mở đầu cho các Kinh điển.

Vì vậy, nên tất cả các Kinh Phật hiện giờ đều mở đầu bằng ‘Như Thị Ngã Văn’. Nghĩa là tất cả những Kinh pháp này là đích thân A Nan tôi tận tai nghe Ðức Phật tuyên thuyết. Tất nhiên Tôn giả A Nan là ‘Ða văn đệ nhất’ nên Ðức Phật đã mật ý phó chúc cho A Nan ‘tái phát âm’. Vì Tôn giả A Nan có một công năng kỳ lạ mà không ai có: Ðó là một điều nghe qua đều nhớ rõ mồn một, gọi là ‘quá nhĩ bất vong’, không bao giờ quên sót.

Bốn chữ ‘Như Thị Ngã Văn’ này có 3 ý nghĩa.

Thứ nhất là khác với ngoại đạo.

Thứ hai tránh tranh luận.

Thứ ba là đoạn lòng nghi.

 

Thứ nhất là khác ngoại đạo: Sao gọi là khác ngoại đạo? Vì tất cả những kinh điển của ngoại đạo. một khi mở đầu thường dùng hai chữ A [ ] và ÚM [ ]. A nghĩa là ‘Vô’ . Úm nghĩa là hữu, mở đầu liền nói ‘Vô hữu’ hoặc ‘hữu vô’. Ngoại đạo có kiến giải rằng, tất cả vạn hữu có hai đạo lý, một là ‘hữu’ và một là ‘vô’.

‘Hữu’ có nghĩa là chấp thường.

‘Vô’ nghĩa là đã chấp đoạn.

Nói như vậy thì bất kể cái gì, không phải là ‘vô’ thì nghĩa là ‘hữu’ mà không phải là ‘hữu’ thì là ‘vô’. Nói tóm lại là không thể chấp nhận hai phạm trù ‘hữu vô’ này cũng tức là không thể đưa ra hai kiến giải một đằng là ‘đoạn kiến’, một đằng là ‘thường kiến’

Ở đây nói ‘Như Thị Ngã Văn’ này cũng không phải chấp đoạn, cũng chẳng phải chấp thường, cũng không phải là ‘hữu’ chẳng khẳng quyết là ‘vô’. Ðó là sự khác nhau với kiến giải ngoại đạo là ở chỗ này vậy.

 

Thứ hai là tránh tranh luận.

Lúc ấy, Tôn giả A Nan chỉ mới chứng Nhị quả Tư Ðà Hàm, tuy về sau lúc kết tập Kinh Tạng A Nan đã chứng được Tứ quả A La Hán, nhưng cũng là một vị A La Hán rất nhỏ tuổi. Trong lúc các vị như Ðại Ca Diếp, Tu Bồ Ðề đều là các vị trưởng thượng, tuổi cao tác lớn, lạp tuế cao thâm, đức độ tròn đầy. Vì A Nan là người tuổi còn trẻ như thế, nên lúc thăng tòa kết tập Kinh Tạng, thì sợ trong đại chúng có người tranh chấp. Bạn cũng muốn là đệ nhất, tôi cũng muốn là đệ nhất, nhưng vì ‘đệ nhất’ chỉ có một người, không thể có nhiều người. Vậy thì nhiều vị A La Hán như thế sẽ tiến cử vị nào? Cho người tuổi lớn thì sợ người tuổi nhỏ không cảm phục, chọn người tuổi nhỏ thì người tuổi lớn không bằng lòng, chọn người trung niên thì cũng chẳng biết chọn ai là hay nhất? Cho nên sẽ không có cách nào sẽ xử lý được sự kiện này, nếu như Ðức Thế Tôn không Di huấn lại.

Như thế nên dùng bốn chữ ‘Như Thị Ngã Văn’ nghĩa là điều ấy không phải là ý bạn, cũng chẳng phải là ý tôi mà cũng chẳng phải ý của bất cứ một ai cả. Ðó là tất cả những điều mà Ðấng Ðạo Sư tuyên thuyết, nay được kết tập mà không một ai có quyền ‘can gián’ vào đó. Bạn cũng không phải là đệ nhất, tôi cũng không phải là đệ nhất, không có đệ nhất nên mọi người không có sự tranh chấp gì cả.

 

Thứ ba là đoạn các nghi.

Bốn chữ ‘Như Thị Ngã Văn’ này là được Ðức Phật phó thác Di huấn lại. Cũng có nghĩa là những điều sau này được chép lại trong Kinh điển là điều ‘chắc thật’. Ðức Thế Tôn Di huấn là bốn chữ ‘Như Thị Ngã Văn’, trong mật ý là Ðức Phật đã tin chắc và xác quyết lại một lần nữa, là những Kinh điển sau này được Tôn giả A Nan ‘tái thuyết’ thì đều là sự thật. Vì Bảo Tạng Kinh trong ‘Tạng thức ký ức’ của A Nan cũng là Bảo Tạng Kinh mà Ðức Thế Tôn đã từng tuyên thuyết.

Vì thế bốn chữ này cũng là đại biểu cho ‘Kim khẩu’ của Ðức Phật, nên trong Tăng đoàn và chúng sanh về sau không ai còn có thể thắc mắc, hay nghi hoặc nhữngđiều trong Kinh Tạng nữa.

 

‘Như Thị’ là tín thành tựu.

‘Ngã Văn’ là văn thành tựu.

‘Nhất thời’ là thời thành tựu.

‘Thích Ca Mâu Ni Phật’ là chủ thành tựu.

‘Tại Phổ Ðà Lạc Già Sơn’ là xứ thành tựu.

‘Lục thành tựu’ này là một sự ‘xác quyết chắc thật’ về những gì xung quanh một Pháp Hội mà Ðức Thế Tôn đã từng thuyết pháp.

‘Phổ Ðà Lạc Già’ là tiếng Phạm. Trung văn dịch là ‘Tiểu Bạch Hoa’, vì trên núi này có nở một loại hoa Tiểu Bạch nên gọi núi này là Tiểu Bạch Hoa Sơn hay còn gọi là Phổ Ðà Lạc Già Sơn.

‘Quán Thế Âm Bồ Tát cung điện’, đó là cung điện thị hiện của Ðức Quán Thế Âm.

‘Bảo Trang Nghiêm Ðạo Tràng Trung’: Là ở trong đạo tràng này đều làm bằng thất bảo rất trang nghiêm. Chính trong đạo tràng này Ðức Thế Tôn ngồi trên bảo tòa Sư tử để đăng đàn thuyết pháp.

 

 

Kinh Văn:

 

Âm: NHĨ THỜI NHƯ LAI Ư BỈ TÒA THƯỢNG, TƯƠNG DỤC DIỄN THUYẾT TỔNG TRÌ ÐÀ-LA-NI CỐ, DỮ VÔ ƯƠNG SỐ BỒ TÁT MA-HA-TÁT CÂU, KỲ DANH VIẾT: 1) TỔNG TRÌ VƯƠNG BỒ TÁT, 2) BẢO VƯƠNG BỒ TÁT, 3) DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT, 4) DƯỢC THƯỢNG BỒ TÁT, 5) QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT, 6) ÐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT, 7) HOA NGHIÊM BỒ TÁT, 8) ÐẠI TRANG NGHIÊM BỒ TÁT, 9) BẢO TẠNG BỒ TÁT, 10) ÐỨC TẠNG BỒ TÁT, 11) KIM CANG TẠNG BỒ TÁT, 12) HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT, 13) DI LẶC BỒ TÁT, 14) PHỔ HIỀN BỒ TÁT, 15) VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT.

Như thị đẳng Bồ Tát Ma Ha Tát, giai thị quán đảnh Ðại Pháp Vương Tử.

 

Nghĩa: Lúc bấy giờ, Ðức Như Lai ở trên bảo tòa, sắp sửa tuyên thuyết Pháp môn Tổng Trì Ðà-La-Ni. Có vô số Bồ tát Ma-ha-tát đến tham dự; danh hiệu các vị ấy là: 1) Tổng Trì Vương Bồ tát, 2) Bảo Vương Bồ tát, 3) Dược Vương Bồ tát, 4) Dược Thượng Bồ tát, 5) Quán Thế Âm Bồ tát, 6) Ðại Thế Chí Bồ tát, 7) Hoa Nghiêm Bồ tát, 8) Ðại Trang Nghiêm Bồ tát, 9) Bảo Tạng Bồ tát, 10) Ðức Tạng Bồ tát, 11) Kim Cang Tạng Bồ tát, 12) Hư Không Tạng Bồ tát, 13) Di Lặc Bồ tát, 14) Phổ Hiền Bồ tát, 15) Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.

Các vị Bồ Tát Ma-ha-tát như thế đều là những Ðại Pháp Vương Tử đã được quán đảnh.

  

Lược Giảng:

Lúc bấy giờ, Ðức Như Lai ở trên bảo tòa, sắp sửa tuyên thuyết Pháp môn Tổng Trì Ðà-La-Ni. Khi ấy, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa Sư tử, và muốn đem pháp môn Tổng trì Ðà La Ni ra giảng nói. "Ðà La Ni" chính là "Tổng trì," mà "Tổng trì" cũng là "Ðà La Ni." Ở đây thì gọi là "Tổng trì Ðà La Ni"; cũng có thể nói rằng Chú Ðại Bi là chú tổng trì trong Ðà-La-Ni.

Trong Pháp Hội ấy có vô số Bồ tát Ma-ha-tát đến tham dự. Bồ tát Ma-ha-tát tức là bậc Ðại Bồ tát; và danh hiệu các vị ấy là:

1) Tổng Trì Vương Bồ tát. Thế nào gọi là "tổng trì"? "Tổng" là bao hàm tất cả pháp; "trì" là nắm giữ vô lượng nghĩa. Ðiều này có nghĩa là tất cả các pháp môn vị Bồ tát này đều thọ trì. đều sáng tỏ và đều liễu đạt. Vì vậy, Ngài có danh hiệu là Tổng Trì Vương Bồ tát.

 

2) Bảo Vương Bồ tát. Lại có một vị Bồ tát tên là Bảo Vương Bồ tát.

 

3) Dược Vương Bồ tát. Lại có vị Bồ tát tên là Dược Vương Bồ tát. Vị Bồ tát này chuyên chữa bệnh cho chúng sanh.

 

4) Dược Thượng Bồ tát. Dược Vương Bồ tát và Dược Thượng Bồ tát vốn là hai anh em, và đều phát nguyện hộ trì Phật Pháp.

 

5) Quán Thế Âm Bồ tát. Trong số các Ðại Bồ tát tham dự Pháp hội, cũng có ngài Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ tát nữa.

 

6) Ðại Thế Chí Bồ tát. Vị Bồ tát này mỗi khi duỗi tay hoặc nhấc chân thì cả đại địa đều chấn động sáu cách; cho nên Ngài được gọi là Ðại Thế Chí Bồ tát.

 

7) Hoa Nghiêm Bồ tát. Vị Bồ tát này chuyên thọ trì Kinh Hoa Nghiêm.

 

8) Ðại Trang Nghiêm Bồ tát. Lại có một vị Bồ tát có danh hiệu là Ðại Trang Nghiêm Bồ tát.

 

9) Bảo Tạng Bồ tát. Vị Bồ tát này có vô lượng bảo tạng, bất cứ thứ bảo bối gì Ngài cũng có cả.

 

10) Ðức Tạng Bồ tát. Ðức hạnh của vị Bồ tát này là vô lượng vô biên, cho nên Ngài có danh hiệu là Ðức Tạng Bồ tát.

 

11) Kim Cang Tạng Bồ tát. Vị Bồ tát này là một trong các vị Bồ tát Hộ Pháp Kim Cang Mật Tích.

 

12) Hư Không Tạng Bồ tát. Lại có một vị tên là Hư Không Tạng Bồ tát nữa.

 

Những vị Bồ tát này có lẽ quý vị đều biết hoặc đã từng nghe nhắc đến.

 

13) Di Lặc Bồ tát. "Di Lặc" là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Từ Thị. Vị Bồ tát này còn có tên là A-Dật-Ða. "A-Dật-Ða" là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Vô Năng Thắng. Trong tương lai, Di Lặc Bồ tát sẽ thành Phật ở thế giới này.

 

14) Phổ Hiền Bồ tát, tức là ngài Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát.

 

15) Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, tức là ngài Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.

 

Các vị Bồ tát Ma-ha-tát như thế đều là những Ðại Pháp Vương Tử đã được quán đảnh. Những vị Bồ tát kể trên đều là những bậc Bồ tát Ma-ha-tát thuộc hàng thượng thủ, và đều ở ngôi vị "Quán Ðảnh"—được Phật thọ ký tương lai sẽ thành Phật. Các ngài đều đã được Ðức Phật trao nước "Quán Ðảnh" và bảo cho biết tương lai sẽ thành Phật ở thế giới nào, quốc độ nào, vào thời điểm nào và mang danh hiệu gì.

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG VÔ SỐ ÐẠI THANH VĂN TĂNG, GIAI HÀNH A LA HÁN THẬP ÐỊA, MA HA CA DIẾP NHI VI THƯỢNG THỦ.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng vô số Ðại Thanh-Văn Tăng, tất cả đều hành A-la-hán ở Thập Ðịa; với ngài Ma-Ha Ca-Diếp làm thượng thủ.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng vô số Ðại Thanh-Văn Tăng, tất cả đều hành A-la-hán ở Thập Ðịa; với ngài Ma-Ha Ca-Diếp làm thượng thủ. Trong Pháp hội còn có các bậc Ðại Thanh-Văn tu hạnh A-la-hán đã đạt đến quả vị Thập Ðịa, mà đứng đầu là Trưởng lão Ðại Ca-Diếp.

"A-la-hán" là tiếng Phạn (Arhat). Có ai còn nhớ "A-la-hán" dịch sang tiếng Anh là gì và có mấy nghĩa không? Người nào biết thì nên nói ra, không nên ngồi làm thinh như thế! Biết mà không chịu nói ra cho mọi người cùng nghe tức là "hà tiện" Pháp! ("Hà tiện Pháp" có nghĩa là bỏn xẻn, không muốn chia sẻ sự hiểu biết của mình với người khác.)

"A-la-hán" là quả vị cao nhất trong Thanh Văn thừa, và có ba nghĩa:

1) Ứng cúng (xứng đáng được nhận sự cúng dường của cõi người và cõi trời);

2) Sát tặc (giết giặc phiền não lậu hoặc);

3) Vô sanh (đã đoạn được sự sanh tử luân hồi).

"Tỳ-kheo" (và "Tỳ-kheo-ni") cũng có ba nghĩa; đó là những nghĩa gì?

Ðệ tử đáp: "Ðó là Phá ác, Ma ... ma sợ?"

Là "sợ ma"? Hay là "ma sợ"? Nếu quý vị đảo ngược hai chữ này thì ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác hẳn. "Sợ ma" có nghĩa là quý vị sợ Ma-vương; còn "ma sợ" tức là Ma-vương sợ quý vị. Ở đây, từ ngữ mà chúng ta muốn nói đến là "bố ma"—tức là Ma-vương sợ quý vị, chứ không phải là quý vị sợ Ma-vương. Ma-vương sợ thầy Tỳ-kheo; song phải là thầy Tỳ-kheo tốt, có tu hành, có đạo hạnh, thì Ma-vương mới nể sợ; chứ nếu là vị Tỳ-kheo không tu hành, thì Ma-vương chẳng những không sợ mà còn lấn lướt, quấy nhiễu nữa là khác! Hễ quý vị chăm chỉ tu hành thì Ma-vương sẽ kính nể quý vị; còn nếu quý vị không tu hành, thì quý vị sẽ sợ Ma-vương!

Ngoài hai nghĩa "Bố ma" và "Phá ác," chữ "Tỳ-kheo" còn hàm nghĩa "Khất sĩ" (người đi xin).

Thập Ðịa là gì? Ðó là Sơ Ðịa, Nhị Ðịa, Tam Ðịa, Tứ Ðịa, Ngũ Ðịa, Lục Ðịa, Thất Ðịa, Bát Ðịa, Cửu Ðịa và Thập Ðịa.

"Thập Ðịa" được đề cập đến ở đây chính là Thập Ðịa của Bồ-tát Ðại thừa; và "A-la-hán ở Thập Ðịa" có nghĩa là bậc A-la-hán đã chứng đắc cảnh giới Bồ-tát Thập Ðịa.

Lúc giảng Kinh Ðịa Tạng, tôi đã nhiều lần giảng về thuật ngữ "Thập Ðịa" này:

 

"Ðịa Tạng Bồ tát chứng Thập Ðịa quả vị dĩ lai, thiên bồi đa ư thượng dụ."

(Từ lúc Bồ tát Ðịa Tạng chứng quả vị Thập Ðịa đến nay đã nghìn lần lâu hơn con số tỷ dụ nêu trên.)

(Kinh Ðịa Tạng, Phẩm thứ nhất)

Có ai còn nhớ Thập Ðịa là gồm những gì không? Có lẽ Quả Ðịa còn nhớ đấy. Quý vị có người nào còn nhớ không? Ai nhớ được thì hãy mau mau lên tiếng!

Ðệ tử: Viễn Hành Ðịa.

Sư Phụ: Viễn Hành Ðịa ư? Okay! Thế dịch sang tiếng Anh là gì?

Ðệ tử: Traveling Far.

Sư Phụ: Yes! Còn gì nữa?

Ðệ tử: Happiness (Hoan Hỷ Ðịa), Leaving Filth (Ly Cấu Ðịa), Emitting Light (Phát Quang Ðịa), Blazing Wisdom (Diệm Huệ Ðịa), Invincible (Nan Thắng Ðịa), Manifesting (Hiện Tiền Ðịa), Traveling Far (Viễn Hành Ðịa), Unmoving (Bất Ðộng Ðịa), Good Wisdom (Thiện Huệ Ðịa), Dharma Cloud (Pháp Vân Ðịa).

Sư Phụ: Yes, very good! Ðó gọi là Thập Ðịa.

1) Sơ Ðịa, hay địa thứ nhất trong Thập Ðịa, gọi là Hoan Hỷ Ðịa. Bồ-tát đạt đến địa vị này luôn luôn vô cùng hoan hỷ, vui vẻ.

Lúc Quán Thế Âm Bồ-tát còn ở địa thứ nhất này, sau khi được nghe Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như-Lai tuyên thuyết Chú Ðại Bi, thì Ngài liền chứng đắc quả vị Bát Ðịa—tức là đang từ Sơ Ðịa mà tiến vọt lên chứng đạt địa vị thứ tám là Bất Ðộng Ðịa. Chỉ những Bồ-tát đã đạt đến Bát Ðịa mới có Ðịnh lực chân chánh, mới thật sự không còn bị dao động.

Ở quả vị Hoan Hỷ Ðịa này, mọi lúc mọi nơi Bồ-tát đều hoan hỷ giáo hóa chúng sanh. Nhờ luôn ở trong sự hoan hỷ nên Bồ-tát có thể dứt sạch dần mọi cấu nhiễm dơ bẩn để chứng đắc địa thứ nhì—Ly Cấu Ðịa.

2) Ly Cấu Ðịa. Tại Sơ Ðịa, tuy Bồ-tát luôn luôn hoan hỷ nhưng vẫn chưa dứt sạch cấu nhiễm, chưa đạt được sự thanh tịnh. Ðến Nhị Ðịa, Bồ-tát mới tẩy sạch hết trần cấu nhiễm ô, được hoàn toàn thanh tịnh.

3) Phát Quang Ðịa. Bởi Bồ-tát đã hoàn toàn thanh tịnh, trong sạch, cho nên có hào quang phát ra; vì thế Tam Ðịa được gọi là Phát Quang Ðịa.

4) Diệm Huệ Ðịa. Trí huệ quang minh của Bồ-tát ở địa vị này thì có rực rỡ hơn, tiến bộ hơn và thù thắng hơn một bậc so với ở Phát Quang Ðịa.

5) Nan Thắng Ðịa. Trí huệ của bậc Bồ-tát ở Ngũ Ðịa thì không có gì có thể so sánh được.

6) Hiện Tiền Ðịa. Cái gì "hiện tiền"? Ở địa vị này, hào quang trí huệ của Bồ-tát luôn luôn hiện tiền. Tại các địa trước, có nơi Bồ-tát có trí huệ quang minh, nhưng không phải đều luôn luôn hiện tiền; còn đến địa thứ sáu này thì hào quang sáng rỡ của trí huệ lúc nào cũng tỏ rạng.

7) Viễn Hành Ðịa. Ðến địa thứ bảy này thì ánh sáng trí huệ quang minh của Bồ-tát không những luôn luôn hiện tiền, mà còn chiếu soi khắp cả Pháp Giới, nên gọi là Viễn Hành Ðịa.

8) Bất Ðộng Ðịa. Tại bảy địa trước, Ðịnh lực của Bồ-tát vẫn chưa thể gọi là chân chánh đạt đến cảnh giới "tịch quang bất động"; phải đến Bát Ðịa thì Bồ-tát mới thực sự được "tịch nhiên bất động, cảm ứng toại thông." Tuy là "bất động" song Bồ-tát vẫn có thể ứng hiện Bát Tướng Thành Ðạo1 , và làm Phật trong hàng trăm cõi giới. Bấy giờ, ở quả vị Bát Ðịa, nếu Bồ-tát muốn hiện thân đến thế giới khác để giáo hóa chúng sanh, thậm chí thành Phật, đều được cả.

Thế gian có những kỳ nhân ra đời trong một cái bọc, điển hình là Hư Vân Lão Hòa-Thượng. Khi chào đời, Ngài nằm gọn trong một cái bọc tròn trịa như quả cầu—ball—vậy. Trường hợp này gọi là sanh ra có "mặc y phục." Chào đời với "y phục" hẳn hoi là cảnh giới của hàng Bồ-tát từ Bát Ðịa trở lên, khi các ngài thị hiện giáng sanh ở thế gian. Sinh ra mà có mặc y phục tức là rất thanh tịnh, sạch sẽ. Các Bồ-tát thuộc bảy địa trước thì không đến trần thế bằng cách này.

9) Thiện Huệ Ðịa. Tại đây, trí huệ của Bồ-tát là vi diệu nhất, hoàn hảo nhất.

10) Pháp Vân Ðịa. Bậc Bồ-tát đạt đến địa thứ mười này thì ví như áng mây lành bao phủ khắp thái hư, từ bi phù hộ và độ trì tất cả chúng sanh.

"Ma-Ha Ca-Diếp" là tiếng Phạn (Mahàkàsyapa). "Ma-Ha" dịch là Ðại; "Ca-Diếp" dịch là Ẩm Quang.2 

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG PHẠM-MA-LA THIÊN, THIỆN-TRA PHẠM-MA NHI VI THƯỢNG THỦ.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng Phạm-Ma-La Thiên, với ngài Thiện-Tra Phạm-Ma làm thượng thủ.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng Phạm-Ma-La Thiên, với ngài Thiện-Tra Phạm-Ma làm thượng thủ. Trong Pháp hội còn có sự hiện diện của vô số Ma-vương cùng quyến thuộc đến từ cõi trời Phạm Thiên và Ma-La Thiên; và vị dẫn đầu của họ là ngài Thiện-Tra Phạm-Ma.3 

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG DỤC GIỚI CHƯ THIÊN-TỬ CÂU, CÙ-BÀ-GIÀ THIÊN-TỬ NHI VI THƯỢNG THỦ.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng chư thiên-tử ở cõi Dục Giới đến câu hội, với Thiên-tử Cù-Bà-Già làm thượng thủ.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng chư thiên-tử ở cõi Dục Giới đến câu hội. "Chư thiên-tử ở cõi Dục Giới" tức là chư thiên ở sáu cõi trời Dục Giới. Sáu cõi trời Dục Giới gồm có: 1) trời Tứ Thiên Vương, 2) trời Ðao Lợi, 3) trời Dạ Ma, 4) trời Ðâu Suất, 5) trời Hóa Lạc, 6) trời Tha Hóa Tự Tại.

 

Với Thiên-tử Cù-Bà-Già làm thượng thủ. Tất cả các thiên-tử ở sáu cõi trời này đều đến tham dự Pháp hội; trong đó, Thiên-tử Cù Bà Già làm thủ lãnh.4 

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG HỘ THẾ TỨ VƯƠNG CÂU, ÐỀ-ÐẦU-LẠI-TRA NHI VI THƯỢNG THỦ.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng Hộ Thế Tứ Vương câu hội, với ngài Ðề-Ðầu-Lại-Tra làm thượng thủ.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng Hộ Thế Tứ Vương câu hội, với ngài Ðề-Ðầu-Lại-Tra làm thượng thủ. Ngoài ra, các vị Thiên-vương của Tứ Vương Thiên cũng cùng nhau đến dự Pháp hội; trong đó, vua Ðề-Ðầu-Lại-Tra làm thủ lãnh.5 

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG THIÊN, LONG, DẠ XOA, CÀN THÁT BÀ, A TU LA, CA LÂU LA, KHẨN NA LA, MA HẦU LA GIÀ, NHÂN, PHI NHÂN ÐẲNG CÂU; THIÊN ÐỨC ÐẠI LONG VƯƠNG NHI VI THƯỢNG THỦ.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân câu hội; với Thiên Ðức Ðại Long Vương làm thượng thủ.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân câu hội.

"Dạ-xoa" là tên của một loài quỷ.

"Càn-thát-bà" là thần tấu nhạc ở chỗ Ngọc Ðế.

"A-tu-la" tuy có phước báo của cõi trời (thiên phước), song không có thiên đức và thiên quyền.

"Ca-lâu-la" tức là đại-bàng kim-xí điểu.

"Khẩn-na-la" cũng là thần tấu nhạc ở chỗ Ngọc Ðế.

"Ma-hầu-la-già" tức là đại mãng xà.

"Nhân, phi nhân" có nghĩa là loài người cùng những loài không phải người.6 

Với Thiên Ðức Ðại Long Vương làm thượng thủ. Trong số ấy, có một vị vua rồng tên là Thiên Ðức Ðại Long Vương làm thủ lãnh.

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG DỤC GIỚI CHƯ THIÊN NỮ CÂU, ÐỒNG-MỤC THIÊN NỮ NHI VI THƯỢNG THỦ.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng chư thiên-nữ ở cõi Dục Giới câu hội, với Ðồng-Mục Thiên nữ làm thượng thủ.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng chư thiên-nữ ở cõi Dục Giới câu hội, với Ðồng-Mục Thiên-nữ làm thượng thủ. Ngoài ra, vô số chư thiên-nữ từ sáu cõi trời Dục Giới cũng lũ lượt đến tham dự Pháp hội; và trong số đó có một thiên nữ tên là Ðồng Mục Thiên-nữ làm trưởng đoàn.

 

Kinh Văn:

 

Âm: HỰU DỮ VÔ LƯỢNG HƯ KHÔNG THẦN, GIANG HẢI THẦN, TUYỀN NGUYÊN THẦN, HÀ CHIỂU THẦN, DƯỢC THẢO THẦN, THỌ LÂM THẦN, XÁ TRẠCH THẦN, THỦY THẦN, HỎA THẦN, ÐỊA THẦN, PHONG THẦN, THỔ THẦN, SƠN THẦN, THẠCH THẦN, CUNG ÐIỆN ÐẲNG THẦN, GIAI LAI TẬP HỘI.

 

Nghĩa: Lại có vô lượng các vị thần như Thần Hư Không, Thần Sông Biển, Thần Suối Nguồn, Thần Sông Hồ, Thần Dược Thảo, Thần Thọ Lâm, Thần Nhà Cửa, cùng Thủy Thần, Hỏa Thần, Ðịa Thần, Phong Thần, Thổ Thần, Sơn Thần, Thạch Thần, Cung Ðiện Thần, v.v... đều đến tập hội.

 

Lược Giảng:

Lại có vô lượng các vị thần như Thần Hư Không. Quý vị có biết Thần Hư Không tên là gì không? Có ai biết không? Trong Kinh Lăng Nghiêm nói như thế nào?

 

"Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong,

Thước-ca-ra tâm vô động chuyển."

"Thuấn-Nhã-Ða" chính là tên của Thần Hư Không; Thuấn-Nhã-Ða là một vị Thần Hư Không. Tôi đã giảng rất nhiều về "Thuấn Nhã Ða," quý vị nhớ ra chưa? Ðó là thần Hư Không đấy mà! Quý vị nghe giảng kinh mà đều không chú ý! Nghe xong là trả lại cho tôi hết cả! Quý vị quả thật là không có lòng tham, ngay cả Pháp mà cũng không muốn giữ cho mình nữa!!! Hẳn là quý vị đã đạt đến cảnh giới "nhân không, Pháp không" rồi!

 

Thần Sông Biển. Ở các con sông lớn và biển cả đều có Thần Sông và Thần Biển cai quản.

 

Thần Suối Nguồn. Suối nước cũng có vị thần làm chủ suối.

 

Thần Sông Hồ. Ở các con sông nhỏ và ao hồ nhỏ cũng đều có những vị thần trông coi.

 

Thần Dược Thảo. Tất cả các loại thảo mộc có vị thuốc đều có thần cai quản.

 

Thần Thọ Lâm. Trong rừng cũng có vị thần cai quản khu rừng.

 

Thần Nhà Cửa. Ngay cả nhà ở cũng có vị Thần Nhà Cửa cai quản.

 

Cùng Thủy Thần, Hỏa Thần, Ðịa Thần, Phong Thần. Ðịa (đất), thủy (nước), hỏa (lửa), phong (gió)—cả bốn đại này đều có thần cai quản. Ðịa Thần vốn là một nữ thần, trước kia cô ta là một kẻ rất ngạo mạn, cho rằng chỉ có cô ta là Ðịa Thần, ngoài ra không có vị thần nào khác nữa. Ðến khi gặp Phật, Ngài thuyết pháp cho cô ta nghe rồi dạy rằng ngoài Ðịa Thần ra, còn có ba vị cũng là Thần Tứ Ðại nữa; đó là Thủy Thần, Hỏa Thần và Phong Thần. Thoạt đầu thì cô ta không chịu tin, nhưng sau khi Ðức Phật phương tiện dùng vô số tỷ dụ để giảng giải, cô ta hiểu ra và chịu tin theo. Vậy, trên đây là nói về bốn vị Thần Tứ Ðại.

 

Thổ Thần, Sơn Thần. Ðất đai, núi non đều có Thần Ðất và Thần Núi làm chủ quản. Theo truyền thuyết thì loài cọp chính là Sơn Thần, là chúa tể sơn lâm, cho nên trên núi thường thờ cúng "ông" Sơn Thần này.

 

Thạch Thần. Ngoài ra, ngay cả các tảng đá cũng đều có vị Thần Ðá cai quản.

 

Cung Ðiện Thần, v.v... đều đến tập hội. Các vị thần canh giữ cung điện và nhiều vị thần khác cũng cùng nhau tề tựu, tham gia Pháp hội.

Thường thì con sông nào cũng có một vị thần chủ quản, chẳng qua là phàm nhân không thể thấy biết đó thôi. Người nào đắc Thiên Nhãn Thông thì sẽ biết được rằng đâu đâu cũng có thần nhân cả—ở mọi nơi, vào mọi lúc, đều có vị thần túc trực để quản lý.

Ðức Phật có một đệ tử tên là Ca-Lưu-Ðà-Di, đã chứng đắc quả vị A-la-hán. Mỗi khi cần qua sông, Thầy thường gọi Thần Sông (Hà-thần) mà bảo rằng: "Bớ tiểu tỳ! Hãy ngưng chảy!" "Tỳ" có nghĩa là người đầy tớ gái, một người nữ đi làm công cho người ta. Do đó, "tiểu tỳ" tức là người làm công hay người hầu nhỏ thôi, chứ không phải là người hầu lớn! Vì sao Thầy lại bảo nước ngừng chảy? Bởi nước không còn chảy xiết nữa thì Thầy mới qua sông được. (Thường thì các vị đã chứng quả vị A-la-hán đi đến bất cứ chỗ nào có nước cũng có thể tùy tiện bảo nước ngừng chảy, để họ lội băng qua.)

Rồi cứ hết lần này tới lần khác, hễ muốn sang sông là Thầy Ca-Lưu-Ðà-Di đều gọi như thế. Thần Sông lấy làm không vui, bèn đến mách với Phật: "Bạch Ðức Thế Tôn! Ngài có một đệ tử nói năng không tế nhị chút nào. Mỗi khi gặp tôi, ông ta không những bất lịch sự mà còn gọi tôi là ‘tiểu tỳ’ nữa chứ! Ông ta lẽ ra không nên gọi tôi như vậy! Tại sao lại gọi tôi là ‘tiểu tỳ’ kia chứ?"

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đáp: "Thôi được, khi nào ông ấy về Ta sẽ bảo ông ấy đến xin lỗi ngươi."

Lúc Thầy Ca-Lưu-Ðà-Di về đến Tịnh-xá, Ðức Phật mới quở trách Thầy: "Vì sao mỗi lần qua sông ông cứ gọi Thần Sông là ‘tiểu tỳ’thế? Ông không nên thiếu tế nhị như vậy! Nói năng cần phải ý tứ, lễ độ một chút chứ!"

Rồi Phật lại dạy: "Này Ca-Lưu-Ðà-Di! Ông hãy đến gặp Thần Sông mà nhận lỗi, đích thân xin lỗi người ta ngay đi!"

Thầy Ca-Lưu-Ðà-Di vâng lời, hoan hỷ đến gặp Thần Sông và nói: "Này tiểu-tỳ! Ðừng phiền trách ta nữa nhé! Ta thật là không phải!"

Thần Sông vốn đã không muốn bị gọi là "tiểu tỳ," thế mà Thầy lại vẫn cứ oang oang: "Này tiểu-tỳ! Ðừng phiền trách ta nữa nhé!" Lúc bấy giờ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Ðại A-la-hán biết được chuyện thì đều bật cười. Vì sao các ngài cười ư? Bởi vì do gọi Thần Sông là "tiểu-tỳ" khiến thần không vui nên Thầy Ca-Lưu-Ðà-Di mới phải đi xin lỗi; thế mà khi gặp Thần Sông để tạ lỗi, Thầy lại buột miệng: "Này tiểu-tỳ..."

Biết là không đúng thì phải sửa lại, gọi là "Thần Sông," hoặc "Tôn thần," hoặc một danh xưng nào mà "dễ nghe" hơn cũng được; đằng này Thầy Ca-Lưu-Ðà-Di lại vẫn cứ gọi là "tiểu tỳ" như trước! Vì sao đã chịu đến nhận lỗi mà Thầy vẫn gọi Thần Sông là "tiểu tỳ"?

Ðó là vì trong năm trăm đời ở quá khứ, vị Thần Sông này đều là người làm công của gia đình Thầy Ca-Lưu-Ðà-Di, cho nên Thầy đã quen gọi "tiểu tỳ" như thế rồi. Ðời này tuy đã chứng quả A-la-hán song Thầy vẫn còn tập khí cũ, cho nên mỗi khi gặp Thần Sông, Thầy cứ quen miệng gọi là "tiểu tỳ." Ðây cũng là vấn đề nhân quả vậy!

Sự kiện trên chứng tỏ rằng ở bất cứ nơi nào cũng có thần cả; tuy nhiên, chúng ta không thể nào trông thấy hoặc gặp mặt những vị thần này như đối với người phàm được. Nếu quý vị đã mở Ngũ Nhãn, đắc Lục Thông, thì quý vị sẽ nhìn thấy được chư thần; nếu chưa có Ngũ Nhãn, chưa chứng Lục Thông, thì dù có thấy họ, quý vị cũng chẳng nhận ra được, cũng chẳng biết họ là ai!

 ____________

 1 Bát Tướng Thành Ðạo (tám tướng trạng thành Ðạo: 1) giáng sanh từ cung trời Ðâu-suất; 2) nhập thai; 3) trụ thai; 4) xuất thai; 5) xuất gia; 6) hàng ma; 7) chuyển Pháp-luân; 8) nhập Niết-bàn.

 2 Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là một vị đại đệ tử của Ðức Phật, đứng đầu về hạnh Ðầu-đà. Lúc Ngài chào đời thì có hào quang lấn át cả ánh sáng của mặt trăng, mặt trời và các vì tinh tú.

 3 "Phạm-Ma-La Thiên" là tiếng Phạn (Brahma), gọi tắt là Phạm Thiên, là tên một cõi trời ở Sắc Giới. "Thiện-Tra Phạm-Ma" là tên của vị Thiên tử làm chủ cõi trời Phạm Thiên.

4 "Cù-Bà-Già" (Gopaka) là tên của một vị Thiên-tử ở Dục Giới, chuyên giữ pháp lành cho chúng sanh.

5 Hộ Thế Tứ Vương hay Hộ Thế Tứ Thiên Vương là bốn vị Thiên chủ của bốn cung trời ở bốn phương: 1) Phương Ðông là Trì Quốc Thiên Vương; 2) Phương Nam là Tăng Trưởng Thiên Vương; 3) Phương Bắc là Ða Văn Thiên Vương; 4) Phương Tây là Quảng Mục Thiên Vương.

"Ðề Ðầu Lại Tra" là tiếng Phạm (Dhrtaràstra), cũng gọi là Ðề Ða La Tra, tức là Trì Quốc Thiên Vương.

6 1) "Thiên," tiếng Phạm là Ðề-bà (Deva). Những người tu Thập Thiện thì sau khi mạng chung được sanh lên hưởng phước cõi trời.

2) "Long," tiếng Phạm là Na-già (Naga), dịch là rồng. Loài rồng này có thần thông biến hóa, hoặc canh giữ cung điện trên trời, hoặc giữ địa luân, hoặc làm mưa gió.

3) "Dạ-xoa’ là tiếng Phạm (Yasha), Trung Hoa dịch là "dõng kiện," "bạo ác" hay "tiệp tật." Ðây là một loài quỉ rất hung mãnh, bay đi mau lẹ, có phận sự canh giữ các thành trì trên trời.

4) "Càn-thát-bà" là tiếng Phạm (Gandnarva), Trung Hoa dịch là "hương âm." Ðây là thần tấu nhạc của trời Ðế Thích, và dùng hương thơm làm thức ăn, cho nên cũng gọi là Hương Thần hoặc Hương Âm Thần.

5) "A-tu-la’ là tiếng Phạm (Asura), Trung Hoa dịch là "phi thiên." A-tu-la là loài thần có phước trời mà đức không bằng trời, quyền biến không như cõi trời, có thần thông biến hóa, nhưng thân hình thô xấu, vì tiền kiếp tánh tình thường sân hận.

6) "Ca-lâu-la" là tiếng Phạm (Garuda); Trung Hoa dịch là "kim xí điểu." Ðây là một loại chim thần (thần điểu), cánh có lông màu vàng tốt đẹp, hai cánh xòe ra cách nhau đến 3.360.000 dặm, có thần thông biến hóa.

7) "Khẩn-na-la" là tiếng Phạm (Kinnara); Trung Hoa dịch là "nghi nhân." Ðây cũng là thần tấu nhạc cho Ngọc Hoàng Ðế Thích.

8) "Ma-hầu-la-già" là tiếng Phạm (Mahoràga); Trung Hoa dịch là "đại mãng" hoặc "địa long," tức là thần rắn.

Từ Thiên, Long cho đến Ma Hầu La Già là tám loài; gọi chung là Bát Bộ (tám bộ chúng).

"Phi nhân" là loại quỉ thần, hình như người mà không phải người, hoặc có sừng, có cánh, có móng vuốt.

1 2 3 4 5


Tải về xem
Thien Thu Thien Nhan Quan The Am Bo Tat