1. Trên tất cả các hướng của mặt trận Donbas theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine quân Nga đều tấn công rất mạnh mẽ.
Bình loạn: Đến đây các bác nhận ra, có tay lộ rõ chân tướng là tên nói phét, đó là tui. Tui là tay dám nói rằng Nga đã cạn kiệt về dự trữ, nhất là về… đạn pháo. Trong khi đó hôm nay báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì nói rằng hướng nào của The Battle of Donbas, thậm chí cả các hướng của mặt trận phía nam (Kryvyi Rih và Mykolayiv) quân Nga cũng không ngừng pháo kích vào các vị trí của quân Ukraine.
Đầu tiên, các bác cho tui chữa ngượng một phát. Thật ra thì trước đây chúng ta đã tính toán số lượng đạn pháo người Nga sẽ cần để tấn công ở Donbas và ra con số cho chỉ mấy ngày đầu tiên, họ đã phải chuẩn bị cỡ từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi quả đạn pháo các loại. Nghe con số này thì ghê lắm vì nó gấp 10 lần số đạn pháo 155mm mà Mỹ và các nước phương Tây chuyển cho Ukraine đến bắn bằng cái khẩu lựu pháo M777 đó.
Nhưng cụ thể hơn mai chúng ta sẽ nói, 1 triệu rưỡi quả đạn pháo không bõ bèn gì so với nhu cầu xuất phát từ cách đánh của người Nga. Đó là lý do mà họ tấn công rất chậm và ít kết quả, dù quân Ukraine phòng ngự ở các hướng, đặc biệt là ở Donbas còn lại khá mỏng để tránh một trận chiến “bắt đầu có yếu tố đối xứng” và chắc chắn sẽ bị Nga tấn công hủy diệt.
Vì thế trước câu hỏi của một người bạn Facebook là “Em thấy pro-Nga họ bảo là Nga chuẩn bị thắng ở Donbas đến nơi rồi” thì câu trả lời của tui là: “Nhẽ ra phải thắng từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ, sau 1 tháng, 5 ngày mà vẫn loanh quanh với mấy cái làng. Còn nói tương lai – thì đến lúc này đã phải sửa luật để gọi quân già yếu, đem xe tăng T-62 của Khruchev ra đánh nhau thì thắng cái nỗi gì?”
Riêng các thông tin là Nga chuẩn bị thành lập 12 đơn vị mới cấp sư đoàn giao cho Quân khu miền tây tui nhận được từ nguồn tình báo vỉa hè còn sớm hơn ISW. Ngày hôm nay họ cũng bình luận xác nhận chuyện T-62 của Nga đã được đưa ra khỏi kho chuẩn bị tham chiến.
2. Câu chuyện những chiến binh Mariupol ra tòa và hậu quả.
Có nhiều bác hỏi tui về số phận của những người lính Mariupol bị Nga giam giữ. Thực tế tui cũng như các bác thôi, tức là hóng thông tin từ xa chứ đâu có ở tận nơi đâu mà biết. Hôm trước tui cũng có viết hỏi một sĩ quan Ukraine về vấn đề này và anh ấy cũng đã trả lời là việc Nga muốn đưa một số thành viên của Trung đoàn Azov ra tòa án quân sự xét xử như những tội phạm chiến tranh là có thật.
Vậy phải chăng các bác muốn tui có đôi dòng bình luận về sự việc đáng lo ngại này?
Đúng vậy, Nga chắc chắn muốn đưa các chiến binh Azov ra tòa án để xử, ra vẻ như ta đây đang rất chính danh, nhất là trong việc muốn tìm được ở đâu đó những hành động diệt chủng mang tính phát-xít mà họ đang vu cáo cho người Ukraine. Chúng ta cũng không hề nghi ngờ rằng lúc này họ đang tích cực sục sạo và ngụy tạo các thứ họ sẽ gọi là “chứng cứ” để kết tội những chiến binh đó.
Vậy tại sao phía Ukraine biết mà vẫn để cho Nga giữ những người này?
Thứ nhất, có những thông tin cho thấy là dường như trong nhà máy thép Azov vẫn còn các chiến binh Ukraine và vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu của mình. Những người có khả năng bị nguy hiểm lớn nhất theo giả thuyết này sẽ ở lại không ra. Những người ra là những người đã bị thương nặng, việc chữa trị quan trọng hơn là việc ra tòa hay không ra tòa.
Thứ hai, những người được đưa ra hoàn toàn công khai về thân phận trước truyền thông quốc tế, do đó việc làm rõ cả những hành động của họ cả trong quá khứ là không khó khăn. Xóa bỏ chứng cứ thì dễ hơn ngụy tạo chứng cứ rất nhiều. Trong hoàn cảnh đó, muốn đảm bảo tính chính danh tuyệt đối Nga phải công khai các phiên tòa cho sự tham gia của quốc tế: các cơ quan giám sát, truyền thông… còn nếu thích xử kín để dễ bề đổi trắng thay đen thì cũng được, nhưng việc kết quả của các phiên tòa đó tuyên giời tuyên biển một bản án nào đó không được công nhận là hoàn toàn có thể xảy ra.
Vậy hậu quả của việc này sẽ như thế nào?
Để chuẩn bị cho bình loạn này, tui đã cẩn thận nhờ một số anh em check hộ xem Nga đang bị giữ bao nhiêu tiền ở nước ngoài và câu trả lời đâu như 6 trăm mấy chục tỉ đô-la. Thực tế cho đến giờ phút này, Ukraine đang đánh nhau với Putox bằng tiền của Nga. Vậy cơ chế bồi thường cho Ukraine sau chiến tranh sẽ như thế nào?
Tui thì tạm hình dung sẽ có một Ủy ban tương tự như Ủy ban bồi thường của Liên hiệp quốc (UNCC – United Nations Compensation Commission) được thành lập năm 1991 để giải quyết các thiệt hại của Kuwait sau cuộc chiến tranh với Iraq. Khoảng 2,7 triệu khiếu nại, với giá trị được định là 352,5 tỉ đô la, đã được đệ trình lên Ủy ban trong suốt thời gian từ 1991 đến 2005.
Ủy ban đã kết thúc quá trình xử lý yêu cầu vào năm 2005 và tổng số tiền bồi thường được trao là 52,4 tỉ đô la cho khoảng 1,5 triệu người yêu cầu bồi thường thành công. Mười chín Ủy ban cấp dưới của Ủy ban bồi thường đã xem xét và đánh giá các khiếu nại do các chính phủ, tổ chức quốc tế, các công ty và cá nhân đệ trình. Các hội đồng đã báo cáo các khuyến nghị của họ lên Hội đồng quản trị để phê duyệt. Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết 2621 (1/2022) tuyên bố rằng UNCC đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Về nguyên tắc, ai cũng muốn có một phiên tòa hay một phán quyết công bằng cho bản thân mình và Nga Pu cũng sẽ không phải ngoại lệ. Nga cũng sẽ muốn có một Ủy ban tương tự được thành lập để ra những phán quyết cho các khiếu nại đòi bồi thường mà chắc chắn mình sẽ phải chịu.
Tất nhiên ở đây có một điểm đáng lưu ý: Nga là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an – vậy họ sẽ quậy như thế nào để gây khó khăn cho tình hình? Có thể dùng quyền phủ quyết được không? Không có gì là không thể, nhưng bất luận trong tình hình nào, thì cũng sẽ dẫn đến việc tài sản của nước này tiếp tục bị đóng băng, trong khi Ukraine thì chưa cần vội vì họ có thể trông chờ vào các khoản vay trước đã. Nếu Nga giở trò quậy, thì việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc họp để đưa ra nghị quyết nào đó, thậm chí cả tiến trình cải tổ cơ chế của Tổ chức này cũng sẽ được khởi động. Con số 141 nước trước đây lên án Nga trong cuộc chiến tranh này thực sự vẫn có ý nghĩa đối với câu chuyện tiếp theo đó.
Do vậy, dù thế nào thì Nga cũng đang nắm đằng lưỡi – kể cả việc họ có cố lập phiên tòa để xử những chiến binh mà họ gọi là “tội phạm chiến tranh” kia cũng sẽ nằm trong câu chuyện chuôi và lưỡi, khi anh không có hành động đàng hoàng và công bằng thì đừng bao giờ hi vọng người ta sẽ đàng hoàng và công bằng với anh.
Vì thế tui sẽ hình dung: việc Nga bị giữ tiền lâu dài gần như là chắc chắn, và căn cứ vào tiền lệ 141 nước lên án cuộc xâm lược, thì việc Đại hội đồng họp để ra một Nghị quyết nào đó để xử lý bồi thường chiến tranh cũng sẽ là một khả năng rất cao. Nếu như một Ủy ban tương tự được thành lập thì các đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường cũng sẽ đạt con số hàng triệu khi tất cả các cơ quan ban ngành, tổ chức và cả cá nhân Ukraine vào cuộc. Việc giải quyết bồi thường có thể sẽ mất mươi, mười lăm năm và nếu Nga càng quậy, càng làm quá trình này kéo dài và họ càng lâu lấy lại được số tiền còn thừa (nếu có.) Coi như là mất có khi còn nhẹ đầu hơn.
Thế nên, tui ngờ rằng Putox muốn mượn mấy ông Azov về để xử giả vờ rồi tuyên truyền trong nước là chính, bố bảo cũng không dám rùm beng to chuyện. Cứ để rồi xem ngày 26/05 này họ tổ chức phiên tòa ở Rostov như thế nào. Lại một trò hề thôi mà.
3. TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 3
“Coi thường hạ tầng chiến tranh”
Để bắt đầu phần này, chúng ta cùng nhìn lại về Hợp đồng thuê mượn của Hoa Kỳ cho Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai: trong các con số :
400.000 xe jeep và xe tải,
14.000 máy bay
8.000 máy kéo
13.000 xe tăng
1,5 triệu cái chăn, mền
15 triệu đôi ủng lính
107.000 tấn bông
2,7 triệu tấn sản phẩm, chế phẩm dầu mỏ
4,5 triệu tấn lương thực
(Nguồn: website Sứ quán Hoa Kỳ tại Liên bang Nga)
Chúng ta cần nhặt ra con số 8.000 cái máy kéo. Con số chính xác của Hoa Kỳ là 8.071 cái máy kéo và máy công trình khác. Chúng ta cũng cần đối chiếu nó với con số khổng lồ của ô tô nói chung do Hoa Kỳ chuyển cho Liên Xô thời đó và nhận ra ngay rằng, do số lượng khổng lồ này mà việc phát triển một mạng lưới đường bộ dã chiến là tất yếu.
Đó cũng là thời gian đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công binh Xô-viết trong vấn đề… đường sá.
Tui có hỏi một chuyên gia quân sự nước ngoài thì ông ta nói, con số 8.071 trên đây có một lượng rất lớn của một thứ đóng vai trò rất quan trọng: máy ủi đất bọc thép. Nếu không có chúng, coi như mọi hoạt động quân sự là tê liệt, cũng khỏi cần phải có các chiến dịch tấn công luôn đi. Liên Xô trong chiến tranh Vệ quốc hoàn toàn không sản xuất được thứ này, nên trông chờ vào lực lượng ủi đất của Mỹ cung cấp cả.
Trong cuộc chiến này, Hồng quân Liên Xô đã đạt quân số 13 triệu, như vậy đạt tiêu chuẩn cứ 2.000 người phải có một… xe ủi đất. Nếu một đạo quân 200.000 người phải có 100 xe ủi đất và các xe công trình khác. Tuy nhiên đó là tiêu chuẩn của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, còn tiêu chuẩn của chiến tranh hiện đại nhất là sự phát triển của các BTG Nga (Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn) với mức độ cơ giới hóa cao, nhu cầu về đường sá đặc biệt cấp thiết, thì tiêu chuẩn phải tăng lên ít nhất 5 lần.
Như vậy chúng ta đã hiểu tại sao ông Mick Ryan, cựu thiếu tướng quân đội Australia đã viết: để tấn công Kyiv Nga cần ít nhất 1.000 xe tăng và xe ủi đất bọc thép. Điều này đã đúng với The Battle of Kyiv thì cũng vẫn đúng với trận đánh ở Donbas, vì dù đường sá gần lại, nhưng việc dồn vào một chỗ làm tăng mật độ, thì việc phải có một hệ thống đường sá chằng chịt hơn hoàn toàn có thể.
Đên đây chúng ta cũng hình dung ra được cách đánh của Nga có thể dữ dội thật đấy, nhưng mặt khác càng đánh dữ, thì lại càng tự hại mình: trong khi quân Ukraine có thể lội ruộng được thì Nga có quá nhiều phương tiện phải sử dụng đường sá trong khi chúng đã bị bắn nát bởi chính hỏa lực của họ.
Vậy tình trạng của “xe ủi đất Nga” ra sao? – thời Liên Xô quả thực là được quan tâm hơn, khi toàn bộ lực lượng vũ trang Xô-viết có… 342 cái xe BREM-1 gọi là xe cứu kéo, phục hồi chuyên dụng – con số tính đến năm 1990. Cái xe này được phát triển trên cơ sở khung gầm xe tăng T-72 và nó được trang bị cần cẩu, lưỡi ủi đất. Một chuyên gia quân sự người Nga cho rằng đây là một quan niệm… thú vị vì họ (người Nga) nhìn nhận rằng cái xe này cần hơn, hữu dụng hơn xe ủi đất bọc thép và nếu cần thì họ vẫn có thể huy động các xe ủi đất dân sự.
Tuy nhiên quan niệm này dẫn tới việc lực lượng xe ủi đất trong lực lượng vũ trang Liên bang Nga nói chung không được quan tâm đúng mức. Một chuyên gia quân sự phương Tây nhận xét: “Trong khi họ sản xuất ra hàng chục nghìn xe tăng cả cho nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu, thì thực sự họ hoàn toàn chưa quan tâm đúng mức đến việc đặt mua đủ số lượng xe ủi đất để phục vụ cho các chiến dịch lớn nếu có trong tương lai.”
Thực tế đã cho thấy tại sao những nước có lực lượng lục quân phát triển và có thể thi hành được những chiến dịch quân sự lớn, thành công đến hoàn hảo như Hoa Kỳ, Israel… đều rất quan tâm đến lực lượng… xe ủi đất. Bằng khả năng không vận, quân đội Hoa Kỳ có thể huy động trong vòng một ngày đến một địa điểm cách nửa vòng trái đất vài trăm xe ủi đất và các xe công trình nói chung.
Bản thân cái xe cứu kéo hỗ trợ xe tăng kia của Nga, không thay thế được xe ủi đất trong nhu cầu chuẩn bị đường sá cho chiến dịch quân sự. Do đó mà năm 2017 tập đoàn Uralvagonzavod (cái chỗ sản xuất xe tăng T-90) đã cho ra một sản phẩm xuất sắc: xe ủi đất bọc thép B10M2 nhưng đáng tiếc là nó vẫn chưa giành được sự quan tâm đúng mức: Bộ Quốc phòng Nga chưa đặt hàng nó với số lượng lớn.
Quân đội và Hải quân Nga bước chân vào The Battle of Donbas với một hạ tầng giao thông đường sắt phát triển (vùng mỏ và công nghiệp khai khoáng mà) do đó giai thông đường bộ sẽ kém phát triển hơn. Một hạ tầng như thế, chỉ sau vài ngày đánh nhau là đã có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt, sau vài tuần thì có khi nát bét. Với một lực lượng vũ trang ở mức độ cơ giới hóa cao như Nga mà coi thường vấn đề đường sá, nôm na là coi thường không đủ xe ủi đất – cứu kéo đa năng nó còn phải làm nhiệm vụ lôi xe tăng hỏng về sửa nữa chứ.
Thông tin thêm: Ukraine năm 2020 có dự án nâng cấp xe cứu kéo đa năng BTS-4 “Bố tiên sư 4” là loại phát triển dựa trên khung gầm của xe tăng T-55.
4. Đoán mò đê
Như ở phần 1 tui đã thú nhận đoán sai bét, nhưng ở đây sai chủ yếu là do Putox dám liều kéo rỗng lực lượng ở các hướng phòng thủ chiến lược khác – vì một phần lớn lão ta biết cuộc chiến này cũng chỉ hạn chế ở đây thôi. Do vậy các kho đạn dược của Nga hiện có ở các quân khu khác, có thể nói chỉ còn số lượng tối thiểu. Nếu không có những phép thần kỳ nào đó, chắc chắn khả năng sử dụng hỏa lực chế áp của Nga chỉ có giảm, không có tăng. Tuy nhiên cũng không thể chờ cho đến khi họ… giảm hết sạch.
Đó là lý do Ukraine phải tìm cách vừa phá hoại hậu cần đạn dược của Nga, vừa tìm cách tiêu diệt lực lượng pháo binh Nga càng nhiều càng tốt, bằng tất cả các phương tiện hiện có.
Các thông tin mới nhất được biết thì:
Do sự nỗ lực của quân Nga, có nhiều dấu hiệu cho thấy bên phía Ukraine đã bắt đầu rút khỏi các vị trí phòng thủ, ví dụ như trên tuyến Severodonetsk – Lysychansk và cả hướng Lyman. Cũng có những dấu hiệu khác cho thấy quân Ukraine đã lùi về lập tuyến phòng thủ mới trên hướng Bakhmut.
Bình loạn: Cách đánh này của quân Ukraine vẫn nguyên như trước: cố thủ gây khó khăn cho quân Nga cho đến một thời điểm nào đó thì rút về tuyến sau. Hiện nay con số thiệt hại của mỗi bên dựa trên tương quan 1,5 lần là hợp lý: nếu Ukraine mất 100 nhân mạng 1 ngày thì Nga khoảng 150 người. Với những trận đánh như hôm trước Nga vượt sông thì sẽ đem lại con số khác hơn.
Mặt trận Donbas như chúng ta được biết từ đầu là tập trung nhiều quân Nga hơn cả, nhưng phía Ukraine thì như tui nắm thông tin lại bị rút đi khỏi nhiều đáng kể để tránh thiệt hại (nếu như tui không nhầm thì từ 120.000 người xuống còn 44.000 người chỉ sau 2 tháng, tức là thời điểm bắt đầu “phase 2”). Đến nay có thể quân số của Ukraine ở khu vực này còn giảm đi nữa. Việc quân Nga sa lầy ở đây có nhiều yếu tố ngoài sự chống trả ngoan cường của người Ukraine, còn là do điều kiện tự nhiên (sông Siverskyi Donets) hay những điểm rất cố hữu của người Nga: hậu cần yếu kém, coi thường yếu tố hạ tầng chiến dịch, tinh thần quân sĩ đi xuống…
Vậy thì Nga muốn gì? Đương nhiên là đất, tức là một diện tích lãnh thổ nào đó nhưng phải có điều kiện tự nhiên đủ để phòng ngự giữ lâu dài – sông Siverskyi Donets đáp ứng được điều đó, nếu khó khăn cho Nga để tấn công qua, thìy với quân Ukraine cũng sẽ khó khăn như thế. Trụ lại ở đó, Nga sẽ tìm cách câu dầm để tống tiền thế giới: “Bố éo rút đấy, làm gì được bố!” từ đó lôi Ukraine lên bàn đàm phán. Thế giới sẽ sợ một cuộc chiến dai dẳng mà ép Zelensky vào bàn.
Trong một diễn biến khác, cụm xe tăng Nga hôm qua lao vào chiếm được Rubizhne vùng Kharkiv, đã bị lữ đoàn số 92 của Ukraine đánh thiệt hại nặng trong khi tổ chức phòng ngự ở đó.
Chúng ta cùng xem xét với nhau tình thế của Ukraine lúc này: ăn đong cả lương thực lẫn vũ khí. Việc kéo dài thời gian huấn luyện, chuẩn bị… trước khi phản công là đúng, nhưng cũng không thể kéo dài quá lâu vì người cung cấp vũ khí người ta cũng sẽ đặt câu hỏi và cả tinh thần quân sĩ cũng sẽ mệt mỏi và đi xuống.
Nhưng nếu cố đánh sớm trong khi đối phương còn mạnh, ít nhất là còn… nhiều đạn, và hơn nữa ngay trong nội bộ mình cũng còn chưa ổn thỏa, thì còn chết hơn.
Theo một số nguồn tin tình báo vỉa hè, vừa rồi Ukraine có một số trận đánh thua – mà theo lời giải thích của đại tá Lee Shimuo thì “Tất cả là nghi binh các cháu ạ,” họ đã bắt được một số gián điệp Nga thuộc hàng “to đầu” trong hàng ngũ của mình. Nhiệm vụ phản gián trước những trận tấn công, là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nên chúng ta hoàn toàn không nên giục họ vội vàng làm gì.
Cơ mà thời điểm thì cũng có thể là 29 đến 31/05 hoặc 01/06… đại khái thế, chứ ai lại để muộn quá bà con sốt ruột chết. Tui ngờ rằng họ sẽ dứt điểm chiếm đến tận biên giới ở đông bắc, khu vực Kharkiv, sau đó đến cụm quân Nga ở Izyum và đánh Kherson và Melitopol (Nga ở đó ít quân) và giải phóng tỉnh Zaporozhye, cả Mariupol luôn. Quân Nga ở Donbas mạnh thì họ sẽ để lại đến “phase 2” của chiến dịch phản công, nhưngm8 cũng sẽ đánh ra trò để ép cho quân Nga lùi dần, đến đâu cũng được để còn đàm phán.
PHÚC LAI
24.05.2022
______________
Đỗ Hứng gởi