Dẫn Nhập
Bác Đ. thân,
Nhận được bài viết Quê tôi và những ân tình do bác chuyển, không rõ của bác (viết) hay của ai? Cũng không rõ email từ bác hay của bạn họ Phan nào forward? (Phan Xuân Sinh, Phan Chi?). Nhưng thôi, ai cũng được, chỉ biết bài viết gây trong lòng tôi một vang vọng âm thầm thắm thía! Thấm thía nha bác, chứ không “thắm thiết” theo cách chữ nghĩa, văn vẽ. Mối thấm thía tương tự như khi đọc Bùi Bảo Trúc viết về thơ Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương.
Coi chừng thấm đau hơn vì chúng ta tội nghiệp gấp mấy lần Hạ Tri Chương – Bởi chúng ta không còn nhà đâu nữa để đi về? Vâng, bác Đ. Chợ Cồn, Chợ Hàn, Ngã Ba Cây Quăn, Ngã Ba Cai Lang (mà thuở nhỏ chúng ta gọi là Ngã Na Cây Lang), Miếu Thạc Gián, Đền Hải Châu, Chùa Bà Quảng… Mất thiệt rồi bác ơi! Quê nhà không còn nữa bạn tôi ơi!
Một.
Khi nói như trên, tôi chẳng còn hơi sức đâu mà “giận” cộng sản?! Mà cộng sản ở đâu nơi gã tướng công an từ hà nội (cũng viết hoa không nổi) qua Luân Đôn há miệng cho gã đầu bếp đút miếng thịt bò? Tôi không kể tên hắn ta ra làm gì, nhưng phải nói tới vì những cá nhân gọi là “con người cộng sản” nầy mà Quê Nhà Việt Nam đã bị phá nát không còn chút hy vọng nhỏ để hồi phục?
Làm sao còn được Chợ Cồn ngày xưa hở bác? Ở đâu là Ngã Ba Cây Lang của Đà Nẵng? Ở đâu là Tân Định, Đa Kao của Sài Gòn? Đáng sợ thật, cộng sản/đảng/người cộng sản ở hà nội có một khả năng phá hoại đến đáng sợ. Ngày 4 Tháng Ba 1973 tôi đã kinh ngạc khi thấy một “hà nội vô tính”. Năm nay, 2021 tôi phải kinh sợ vì “hà nội vô (tính) nhân”.
Tên tướng công an ăn thịt bò ở Luân Đôn kia có thể gọi là “con người” sao hở bác? Hắn không phải từ đất nứt lên, trên trời rơi xuống mà là “sản phẩm thuần thành/đặc sản nguyên mẫu” của đảng cộng sản hà nội do hcm tổ chức, đào tạo, huấn luyện! Tôi đã nhiều lần tự hỏi: “tbt/trọng nơi hà nội kia có nói tiếng người hay không?”
Thoạt đầu, chỉ có ý viết thư nói với bác chuyện quê nhà Đà Nẵng ngày nhỏ, nhưng lại sa đà vào vụ gã tướng công an hà nội ăn thịt bò lát vàng trong lúc dân ở Sài Gòn vượt ngàn dặm bằng chân trần, tay bế con trở về quê (nơi Miền Trung, Miền Bắc) để trốn dịch và trốn đói – Đói thật sự không có cơm ăn – Người dân của một nơi được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông/Cải danh thành “Thành Phố HCM Quang Vinh” của một quốc gia sản xuất gạo đứng thứ nhì thế giới!
Tại sao? Có còn không sự KHÁC BIỆT giữa hai con người: NGƯỜI DÂN ĐÓI Ở SÀI GÒN/GÃ TƯỚNG CÔNG AN ĂN THỊT BÒ DÁT VÀNG Ở HÀ NỘI? Phải rời bỏ câu chuyện khốn mạt ghê tởm nay để trở lại bài viết về Đà Nẵng.
Hai.
Trong bài viết Quê tôi và những ân tình, bác có kể câu chuyện nhỏ. Khi còn học trung học đệ nhất cấp, bác thường vào Hội An để đàn đúm với mấy ông thi sĩ tí hon của nơi nầy, thơ thì chẳng ra trò trống gì, nhưng cà phê và thuốc lá hút hơi nhiều! Nhưng rồi không biết có ai thù ghét tố cáo là nhóm học sinh nầy đang hoạt động cho cộng sản (?!), khiến Thiếu Tá Nguyễn Văn Giai (Đúng ra là Vũ Văn Giai-Pnn), Tiểu Khu Phó Nội An làm một cuộc bố ráp bắt nhốt mấy ông thi sĩ con nít!
“Bi kịch/Thi sĩ nhí làm thơ (tình) bị lính VNCH bắt” được bác kết luận: “Thiệt tình thì ông Giai cũng biết thứ học trò nầy chỉ phá làng phá xóm cho vui, làm thơ cua gái, chứ biết gì mà phe nầy phe nọ. Nên ông ra lệnh nhốt đầu vài tuần cho bỏ cái thói “thi sĩ dỏm”, đánh cho mỗi ông vài hèo rồi thả về đi học”. Các “thi sĩ” về đi học, sau nầy đi sĩ quan QLVNCH, có người chết trận ở Quảng Trị năm 1972.
Bác Đ. thân, vụ việc các “thi sĩ nhí” của Quảng Nam-Đà Nẵng ngày xưa vì tội làm thơ “cua gái” mà bị cơ quan an ninh bắt sau nầy được kể với cách không được hào hứng vì (bác) cho rằng đấy là trò vớ vẩn của những anh tuổi trẻ chưa đủ khôn lớn (để đi lính) –
Tôi không nghĩ như vậy. Mà đánh giá một cách công bằng khách quan thì đấy là một ứng xử cao thượng chính trực của chế độ Cộng Hòa nơi Miền Nam trước 1975 mà không một chế độ gọi là cộng sản nơi đâu có được! Ở Hà Nội chắc chắn không bao giờ có. Tôi chứng minh.
Song song với phong trào “làm thơ cua gái” của các “thi sĩ nhí”, cũng ở Quảng Nam-Đà Nẵng thời trước, sau 1963 có những giòng thơ cách mạng/cộng sản chính cống – Thơ của Phan Duy Nhân (Phan Chánh Dinh); Huy Giang (Nguyễn Đăng Trừng). Những người tôi quen thân nơi Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Nhưng do từ đâu (?), quả tình tôi không rõ, những “cán bộ cộng sản nằm vùng/thi sĩ/nhà văn/học sinh/sinh viên/trí thức” nầy vẫn an toàn cho đến khi lộ nguyên trạng trong Biến Động Miền Trung 1966; Tổng Công Kích Mậu Thân 1968!
Nhân Văn-Giai Phẩm 1956, 57 ở Hà Nội nhóm văn nghệ sĩ xét ra chỉ “xin” được tự do sáng tác thôi mà bị truy bức đến tận Thế Kỷ 21 mới cho lại sổ lương, nhưng cũng không một lời xin lỗi kẻ bị hạ nhục, bức hại, sống không nên dạng/chết không yên mồ!
Việc ở trên còn hơn thế nữa vì: Có chế độ “độc tài áp bức” nào cho phép kẻ đang bị giam cứu do tội phản nghịch (chính trị) được nhận bài học, và nộp đơn thi tú tài từ nhà giam?
Trường hợp Lê Hiếu Đằng được đi thi (và thi đậu) từ nhà giam Huế (Niên Khóa 1963-1964 (?), do Đằng là em Lê Viêm Côn lớp sau tôi ở Phan Châu Trinh, nên tôi không rõ niên khóa của Đằng phải ra Huế thi) để năm 1968 nhận chức vụ Bộ trưởng Thanh Niên của chính phủ Mặt Trận Giải Phóng. Trường hợp của Lê Hiếu Đằng há không phải là một điểm son chói sáng nền giáo dục/tư pháp nhân bản của VNCH hay sao? Những kẻ gọi là cộng sản nơi Hà Nội hãy chứng minh điều gì để gọi chế độ Mỹ-Ngụy nơi Miền Nam là tàn bạo, áp bức?!
Thế nên, Bác Đ. thân, hãy làm “thơ cua gái” và lớn lên đi lính bảo vệ quê nhà như chúng ta đã thực hiện ở Đà Nẵng, Quảng Nam nơi Miền Nam. Hãy làm thơ yêu người và cầm súng như thế hệ chúng ta đã tận sống-chiến đấu giữ quê hương. Mấy mươi năm tôi hôm nay mới nói với bác điều cao thượng bình thường nầy mà thuở nhỏ chúng ta chỉ nghĩ như là điều đơn giản mà thôi.
Ba.
Thư khá dài, để kết thúc tôi lại dựa vào một câu chuyện nhỏ/chuyện nhỏ thôi vì cảnh đời nầy còn gì quan trọng đâu? Bác kể.
“Có một anh học hơn tôi hai lớp, thích Liên, cô bạn cùng lớp mà không dám hé răng. Một hôm anh đó đến chặn tôi lại giữa đường, tát cho tôi mấy bạt tai với cái tội là đi chung đường với người anh yêu (!).
Sau nầy lớn lên, tôi lại gặp anh khi ngồi uống rượu với mấy bạn cùng đơn vị tại quán nhậu đường Lê Đình Dương, Đà Nẵng. Khi ly rượu đầu tiên rót mời anh, anh đứng dậy đến bên tôi và anh xin mọi người được nói vài lời. Đó là lời xin lỗi tôi vì sự hiểu lầm, háo thắng của cái tuổi mới lớn, mà anh đã làm thương tổn đến tôi.
Tôi đứng dậy bắt tay và ôm anh vào lòng. Tuổi trẻ của tụi tôi thời đó sao dễ thương, dễ tha thứ quá. Tự nhận lỗi, tự nhận hình phạt và mọi người xem nhau chẳng có gì xẩy ra. Sau đó vài tháng, tôi nghe được tin người bạn tôi cho biết, anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị!”.
Hay quá! Cảm động quá! Hóa ra chúng ta thuở nhỏ đã đối xử với mình, với người, với quân đội, với quê hương thiệt cao quý, tận chân tình. Lớp học tôi nơi Phan Châu Trinh (1954-1960) toàn là con nhà nghèo sau di cư 1954, tập trung vào một lớp.
Nhưng kỳ lạ biết bao, các bạn nầy học giỏi đến độ thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc phải kêu lời kinh ngạc sau thời gian dài đi dạy từ 1945 đến 1975 suốt cõi Bắc-Nam (Lẽ tất nhiên trong đám học giỏi kia không có tôi, gã học sinh đứng dưới 40 trên tổng số học sinh lớp 45 người).
Các bạn học lớp tôi giỏi không chỉ nơi lớp học ngày nhỏ ở Phan Châu Trinh; Quốc Học Huế, giảng đường đại học Huế, Sài Gòn… Nhưng ngay bây giờ, ông Hoàng Đức Nhã nay ở Chicago đã có lần nói lời tán dương: “Ông TT Hải, bạn anh ở Đà Nẵng là một nhà bác học!” Tôi tin rằng ông Nhã nói điều thật vì đã từng sinh sống, học hành ở Mỹ từ thập niên 1960.
Kết từ: Để kết thúc câu chuyện về thế hệ học trò nhỏ từ Đà Nẵng, nơi Trường Phan Châu Trinh, lúc còn học bên Trường Nam Tiểu Học ở cạnh nhà đèn. Tôi xin nêu lên một điều vô cùng hãnh diện, lẫm liệt tự hào: Lớp chúng tôi, thế hệ của chúng ta ở Đà Nẵng là những người hiến thân bảo vệ Quê Hương Miền Nam trước nhất, quyết liệt nhất với TINH THẦN TỰ NGUYỆN HY SINH KHẮC KỶ KHÔNG HỀ NÓI RA LỜI: Đấy là Đặng Ngọc Khiết (Biệt Kích); Trần Trí Dũng (Nhẩy Dù); Nguyễn Văn Nam (Bộ Binh); Võ Văn Thông (Biệt Động).
Danh sách sẽ rất dài nếu mở rộng ra thêm một vài niên khóa trước hoặc sau 1954 thì sẽ có Đỗ Hữu Toàn (Không Quân); Hồ Dương Minh (Hải Quân), và người tự nguyện ở lại với đơn vị, với quê hương, trên bãi biển Mỹ Khê sáng 29 Tháng Ba 1975 – Ngày mất Đà Nẵng – Không ai khác là Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến Đỗ Hữu Tùng – Học Sinh Phan Châu Trinh, Niên Khóa 1953-1957.
Bác Đ. à, hèn gì giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, ở Đà Nẵng quyết đập phá tiêu hủy toàn diện vết tích Trường Trung Học Phan Châu Trinh. Trường Tây Hồ chung một số phận.
Phan Nhật Nam
Học Trò Phan Châu Trinh-Đà Nẵng
_______________
usaelection gởi