Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Thư gửi Đệ tử trong mùa Dịch


 
Mô Phật
 
Thầy thăm con. Con vẫn khỏe?
 
Thời điểm này thầy biết có thể con vẫn khỏe nhưng trong tâm thì.. không khỏe chút nào? Mỗi ngày, xem tin người ta rũ nhau về...'' bên kia núi '' càng nhiều, là phụ nữ, vốn có nhiều hạt giống âu lo, sợ hãi, nên thầy hoàn toàn thông cảm về tâm lý hiện tại của con..
 
Hơn một tuần nay, nhiều Phật tử ở Mỹ nhắn tin bảo thầy về gấp, những câu như: ''Thầy ơi, sao giờ này thầy còn ở bển, chưa chịu về?'' thầy đọc tin, ghi nhận và chỉ trả lời bằng im lặng, dù không phải là không cảm kích trước sự lo âu của mọi người dành cho thầy... 
 
Con bảo thầy về, vậy về đâu bây giờ hở con? Về đâu mà không bị chi phối bởi môi trường và hoàn cảnh? Thế giới bây giờ như những chiếc lồng chim, không bị nhốt cái lồng này sẽ bị nhốt cái lồng khác, có chăng cái lồng ở Mỹ nó có chút tiện nghi hơn, thế thôi! Các nước văn minh Âu Mỹ đều không an toàn nữa rồi, không an toàn không phải là thiếu tiện nghi mà không an toàn trước cái gọi là Cộng Nghiệp. Kinh Pháp Cú Phật đã dạy:
 
'' Cho dù cao vút lưng trời
Cho dù đáy biển trốn thời được đâu!
Cho dù núp tận hang sâu
Không nơi nào thoát nhân sầu đã gieo..''
 
Nếu trong quá khứ thầy hay con đã lỡ ''gieo nhân sầu'' đến khi nó trổ quả thì chạy trời không khỏi.. nắng (khỏi Dịch) cho nên thầy vẫn ở đây, vẫn ngồi yên gần Cội Bồ Đề vì thầy Tin Sâu vào Nhân Quả của mình. Chỉ có thận trọng đề phòng Dịch mà thôi chứ chạy trốn thì không thể được. Ngày xưa khi còn thuở bé, thầy chứng kiến mấy bà hàng xóm đứng bên hàng rào chửi nhau..'' Mày là độ mắc dịch!!'', ''mày là con dịch vật'', thầy mắc cười, cứ nghĩ người ta nghĩ ra những câu quá quắt để chửi nhau cho hả dạ thôi, đâu ngờ bây giờ.. là sự thật...
 
- Trước cái chết, nhân loại đang âu lo thấp thỏm từng ngày. Khi có sự bình an đích thực, con người ta không cảm nhận rõ nó, bây giờ, hơn lúc nào hết, con người ý thức được Sự Bình An là tài sản không có bất cứ tài sản nào có thể so sánh được, điều này đức Phật cũng đã nói từ.. khuya rồi, mà mình có thật sự lưu tâm để ý đâu! 
 
Nói thật, trừ các bậc Thánh, chẳng ai là không sợ chết và thầy cũng không ngoại lệ, nhưng có điều một người có tu tập thì không quá sợ hãi đến nỗi hoang mang, bấn loạn, mất cả niềm tin vào mọi thứ.. Khi cái chết gần kề, là thước đo đạo lực tu hành một cách hùng hồn cho những ai trước giờ chỉ có ''tu ngoài da''. Vì vậy, sống An nhiên giữa những thăng trầm, chính là hoa trái của sự tu tập đấy con ạ!
 
Hiện nay có 2 dạng tâm lý, một là quá sợ hãi cái chết, hai khi nghe tin dịch tràn lan con người ta trở nên chai lì, buông xuôi, không thèm cảnh giác nữa và thế là họ sống như con thiêu thân. Thầy nguyện cầu cho nước Mỹ không bị cái tâm lý thứ 2 này thống trị, bởi vì''nó chính là con Virus'' thứ 2 làm tiêu nước Mỹ đó con!  
 
Có môt câu đức Phật dạy mà thầy rất thích, đai ý:
 “Con không thể điều khiển mọi thứ đang xảy ra nhưng con có thể điều chỉnh thái độ khi chúng đến.'' Năng lực chính là đây. Thầy mong con nên ghi nhớ câu này.
 
Thầy còn ở lại xứ Phật thêm một thời gian nữa. Trên lý tưởng phụng sự của người xuất gia thì bất cứ nơi nào trên hành tinh này cũng là quê hương. Trên lý tưởng giải thoát của người xuất gia thì bất cứ nơi nào trên cõi Ta bà này cũng đều là quán trọ. Thầy yêu thương cuộc đời và con người nhưng không dính mắc với cái'' quán trọ'' nào, và hạnh phúc của thầy chính là sự sẻ chia..
 
Mỗi ngày, con nên xem qua tin tức cho biết mà sống, nhưng đừng quá chú tâm Focus vào, lệ thuộc vào News nhiều quá, lòng con sẽ bất an chứ không giài quyết được gì. Thái độ của người con Phật bây giờ chính là Thận trọng nhưng Đừng phức tạp hóa những gì đang diễn ra, nó chỉ khiến ta thêm buồn. Sự việc ngoài tầm tay, nghĩ đơn giản, sống đơn giản, rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười với bản thân một cách an lành..
 
'' Dặn nhau muôn sự vô thường
Bình tâm mà sống mà thương dịu dàng'', con nhé!
 
Thư này thầy viết riêng cho con mà cũng gửi chung cho nhiều tin nhắn. Thầy xin cảm niệm, chúc con và mọi người có được một nội tâm an tĩnh, giàu nghị lực, niềm tin và lạc quan để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này..
 
Tụi con nhớ dành thời gian tụng kinh, tọa thiền, và góp lời cầu nguyện với thầy cho nhân hoàn, thế giới tai ách chóng qua đi..

 
Namo Buddhaya
 
Như Nhiên

Thích Tánh Tuệ
 
Bodhgaya - Bihar - India 25/ 3/ 2020


Đặng Hữu Phát gởi