Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 
 
Thung lũng Silicon – Kẻ thua cuộc lớn nhất trong năm 2022
 
 
 

Khách tham quan chụp ảnh trước biển hiệu Meta (Facebook) tại trụ sở chính ở Menlo Park, California, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2022. (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu Agency/Getty Images)


Vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, Apple đạt được một cột mốc quan trọng mới cho lĩnh vực công nghệ khi nhà sản xuất iPhone trở thành công ty giao dịch công khai đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường $3,000 tỉ. Theo sau là Microsoft và Google. Trong “cú sốc của sự hưng phấn”, đã có những bài viết suy đoán “tận mây xanh” kiểu “sẽ mất bao lâu để Apple và các đối thủ vượt qua mốc $5,000 tỉ?”.


Từ sự hưng phấn quá mức


Ngành công nghệ, vốn đã chiếm ưu thế, dường như chỉ còn “ngồi rung đùi” tính cách phát triển lớn và nhanh hơn nữa. Đại dịch COVID-19 và sự lan rộng sau đó của biến thể Omicron cho thấy nhu cầu tiếp tục cao đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số, vốn giúp “phóng” nhiều công ty công nghệ lên tận mây xanh như tên lửa! Lãi suất của Fed gần 0% có nghĩa là các công ty khởi nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các dự án mạo hiểm “đầy rủi ro nhưng triển vọng” cũng được định giá cao ngất ngưởng.


Nhưng năm 2022 lại kết thúc theo cách khác rất nhiều so với dự đoán khi người tiêu dùng không còn bị nhốt trong nhà, tức là không còn lệ thuộc vào công nghệ, từ trang thiết bị đến dịch vụ. Một “cơn bão hoàn hảo” của các yếu tố hợp lại đã buộc các công ty công nghệ phải đứng trước thực tế choáng váng trong một lĩnh vực từng bay cao trong đại dịch và biến Thung lũng Silicon trở thành “kẻ thua cuộc lớn nhất trong năm 2022”.


Lỗi chính là do “những bộ óc vĩ đại” nhất của Thung lũng Silicon dự đoán sai về nhu cầu trong đại dịch và ngày đại dịch kết thúc, nên đã nới chiếc áo ra quá rộng. Bây giờ lúc thân thể còm cõi lại, chiếc áo hoá thành gánh nặng và nhân viên của họ đang phải trả giá đau đớn!
 


Hình ảnh chủ sở hữu mới của Twitter – Elon Musk được bao quanh bởi các logo Twitter trong hình minh họa ở Warsaw, Ba Lan. (ảnh: STR/NurPhoto / Getty Images).


Đến hậu quả nặng nề


Trong suốt năm 2022, nhu cầu đối với nhiều công cụ công nghệ thay đổi do lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra, ngốn hết vào chi tiêu của người tiêu dùng và chi tiêu quảng cáo (khoản chi gần như cốt lõi và quan trọng nhất trong hoạt động của nhiều tên tuổi công nghệ sừng sỏ như Facebook, Twitter, Telegram, Google, YouTube). Kết quả là một “cuộc tắm máu” không giống bất kỳ những gì mà ngành công nghệ chứng kiến trong thập niên qua.


Cổ phiếu công nghệ lao dốc trong sự suy thoái của thị trường. Hàng chục ngàn nhân viên công nghệ bị sa thải hàng loạt, không chỉ ở những gã khổng lồ như Amazon, Meta (công ty mẹ của Facebook) mà còn tại các công ty nhỏ hơn như Lyft, Peloton, Stripe. Thế giới tiền điện tử gần như nổ tan xác. Toàn bộ ngành công nghiệp được biết đến với những màn “đốt tiền” vào các dự án mở rộng đầy tham vọng, bắt đầu đóng cửa các dự án và cắt giảm mạnh chi phí. Ngay cả danh hiệu người đàn ông giàu nhất thế giới của Elon Musk cũng phải chuyển sang Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn hàng xa xỉ khổng lồ của Pháp LVMH, sau khi vụ mua lại Twitter hỗn loạn khiến các nhà đầu tư vào công ty xe hơi Tesla của Musk cảm thấy bất an cho tương lai.


Việc chuyển thắng thành bại không chỉ giết chết “không khí hội hè” tưởng là vĩnh viễn của ngành công nghệ, mà còn phơi bày mặt trái của một số huyền thoại về nó. Suốt nhiều năm, Thung lũng Silicon xem những người sáng lập các công ty công nghệ là những tài năng “có tầm nhìn rất xa về tương lai”. Nhưng đột nhiên, nhiều nhà sáng lập lẫy lừng nhất của nó phải thừa nhận một sự thật phũ phàng: họ thậm chí không thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra trong…hai năm tới! Chính Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook cũng thú nhận trong một bản thông báo cắt giảm nhân viên vào Tháng Mười Một, 2022: “Thật không may, tình hình không diễn ra theo cách tôi mong đợi.”


Nhưng Mark không phải là người duy nhất trong ngành, mất cảnh giác. Trong đại dịch COVID-19, Amazon cũng đẩy mạnh tuyển dụng và tăng gấp đôi số trung tâm hoàn thiện đơn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Sau đó, thị trường thay đổi theo chiều ngược lại. Angela Lee, giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, phụ trách các khóa học về đầu tư mạo hiểm, lãnh đạo và chiến lược, nói với CNN: “Mọi người đều rất tệ trong việc dự đoán tương lai. Chúng ta cứ nghĩ rằng những gì đang xảy ra bây giờ sẽ là mãi mãi! Nhưng thực tế, đại dịch là một con thiên nga đen và không ai trong chúng ta biết điều gì sẽ đến sau đó”.
 



Logo Amazon. (ảnh: Idrees Abbas/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)


Lời nhận lỗi và sám hối muộn màng


Nhưng tổn hại không chỉ đến từ việc người tiêu dùng quay trở lại cuộc sống ngoại tuyến mà ngành công nghệ còn bị tác động của việc tăng lãi suất. Trong một động thái nhằm chế ngự lạm phát, Fed đã có bảy đợt tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2022. Kể từ đầu năm 2022, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm hơn 30% tính đến 21 Tháng Mười Hai (trong khi tăng hơn 40% trong năm 2020 và tăng 20% trong năm 2021). Chỉ số Công nghệ thông tin của S&P 500 cũng giảm hơn 28% trong cùng thời gian trên. Giá trị vốn hóa thị trường của Apple hiện dao động trên $2,000 tỉ. Cổ phiếu của Amazon giảm khoảng 50% trong năm 2022. Cổ phiếu của Meta còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, mất gần 2/3 giá trị vào năm 2022! Từng là doanh nghiệp trị giá ngàn tỷ đôla vào năm 2021, Meta chứng kiến giá trị thị trường giảm xuống dưới các công ty nhỏ hơn như Home Depot.


Các sáng lập viên Stripe, Twitter, Facebook thừa nhận “đã phát triển công ty quá nhanh” hoặc “quá lạc quan về sự tăng trưởng do đại dịch” trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Patrick Collison, Giám đốc điều hành Stripe viết trong một bản thông báo cắt giảm nhân sự vào tháng trước: “Chúng tôi đã quá lạc quan về sự tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế internet vào năm 2022 và 2023, đồng thời đánh giá thấp cả khả năng và tác động của suy thoái kinh tế trên diện rộng”.


Trong thế giới khởi nghiệp công nghệ cũng có nhiều dấu hiệu xấu. Theo dữ liệu của CB Insights, trung bình mỗi ngày của năm 2021 có hơn hai “kỳ lân” mới (công ty khởi nghiệp trị giá từ $1 tỉ trở lên) thành lập, nay chỉ còn ít hơn một kỳ lân mới mỗi ngày trong Quý III/2022, con số thấp nhất kể từ Quý 1/2020. Lee, người sáng lập mạng lưới đầu tư 37 Angels khi gặp các nhà sáng lập công nghệ năm nay, phân trần: “Tôi sẽ thực hiện thỏa thuận đầu tư này nếu là năm 2021, nhưng lúc này thì không. Nhiều người khác cũng nghĩ như tôi”.


Trong bản thông báo sẽ cắt giảm việc làm tại Amazon, Giám đốc điều hành Andy Jassy cho biết tổng số sa thải khoảng 10,000 sẽ tiếp tục đến năm 2023. Tại một hội nghị vào tháng trước, ông gọi đợt tuyển dụng mạnh mẽ trước đó là “một bài học” cho những người trong giới.


Lương Thái Sỹ


(theo CNN)


*****
 
Cách đây hơn một năm, Elon Musk có tài sản khoảng 340 tỷ đô la, khiến ông trở thành người giàu nhất thế giới. Hôm nay, Bloomberg báo cáo rằng Musk đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử mất 200 tỷ USD. Thống kê Billionaires Index (Chỉ số Tỷ phú) mới của Bloomberg ghi rằng Musk còn tài sản ròng là 137 tỷ đô la, và giữ vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất thế giới, chỉ sau Bernard Arnault của Pháp.

Nhóm 10 người giàu nhất tính vào cuối năm 2022, theo Bloomberg:

1. Bernard Arnault, $162 tỷ đô;
2. Elon Musk, $137 tỷ đô;
3. Gautam Adani, $121 tỷ đô;
4. Bill Gates, $109 tỷ đô;
5. Warren Buffett, $107 tỷ đô;
6. Jeff Bezos, $107 tỷ đô;
7. Larry Ellison, $91.8 tỷ đô;
8. Mukesh Ambani, $87.1 tỷ đô;
9. Steve Ballmer, $85.8 tỷ đô;
10. Larry Page, $82.9 tỷ đô.


____________


Đỗ Hứng gởi