Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Thuyết Pháp 說 法
Dhamma-desanāDharma-deśanā

***

Nội dung

1. Tổng quan về Thuyết Pháp. 
2. Thuyết Pháp theo Phật giáo Nam truyền.
2.1. Thuyết pháp theo sự thật ngôn ngữ chế định(P: sammutidesanā)
2.2. Thuyết pháp theo sự thật chân nghĩa pháp(P: paramatthadesanā).
       2.3. Nguyên tắc thực hành thuyết pháp.
3. Thuyết Pháp theo Phật giáo Bắc truyền.
3.1. Thanh tịnh thuyết pháp(清淨說法;  E: Clean preaching).
1) Những đặc điểm căn bản của Thanh tịnh thuyết pháp.
                              2) Nội dung của Thanh tịnh thuyết pháp.
                              1. Thiện tịnh Pháp luân     2. Phương tiện Pháp luân
                              3. Chân thật Pháp luân     4. Vô vi Pháp luân
          3.2. Bất tịnh thuyết Pháp (不淨說法;  E: Unclean preaching)
          3.3. Tuệ cần thiết cho thuyết pháp.
                    1) Tam tuệ và thuyết pháp.
                    2) Kinh điển và thuyết pháp.
                              - Kinh liễu nghĩa     - Kinh bất liễu nghĩa     - Tứ y pháp
4. Cư sĩ thuyết pháp.
Bàiđọc thêm:   Bốn hạng A-la-hán
NBS:  Minh Tâm  3/2023

1. Tổng quan về Thuyết Pháp. 

Đức Phật dạy cho La Hầu La

Thuyết Pháp (說法;  P: dhamma-desanā;  S: dharma-deśanā;  E: teaching of the dhamma // to preach the dhamma). Trong đó:
- Thuyết 說:  Là nói, giảng giải, diễn giải.
- Pháp 法= Chánh pháp 正法: Là lời dạy của Phật, là Chân lý khách quan tự nhiên của vũ trụ được đức Phật giảng dạy cho đại chúng sau khi giác ngộ.
Theo đó:

Thuyết Pháp là hình thức sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải giáo pháp của đức Phật đến đại chúng. Thông qua phương tiện ngôn ngữ, Chánh pháp sẽ thâm nhập vào tâm thức của thính chúng, khởi nguồn trí tuệ, tỏ ngộ chân lý, chứng quả giải thoát. Thuyết pháp còn gọi là Giảng pháp 講法, Pháp thuyết 法說, Pháp thí 法施.

Ngày xưa, các Tỳ-kheo ít bận rộn hơn ngày nay, ngoài khất thực và thiền tập thì Phật sự chủ yếu là thuyết pháp. Không chỉ hàng xuất gia, các nam nữ cư sĩ cũng nhiệt thành thuyết pháp khai thị cho người hữu duyên. Nhờ bốn chúng (tăng sĩ và cư sĩ) tận lực hoằng dương mà Chánh pháp được lưu truyền đến tận ngày nay.

Trong kinh Trường Bộ, đức Phật đã căn dặn : “Luật vàPhápmà Như Lai đã giảng dạy cho các con, sau khi Như Lai diệt độ, chính Luật và Pháp này sẽ là Đạo sư của các con
Luật nơi đây là Đạo đức Duyên khởithuộc Tục đế, và Pháp nơi đây là Chân lý Duyên khởi thuộc Chân đế.
Do đó:

Thuyết phápchính là diễn giảng Chánh pháp bao gồm Đạo đức Duyên khởi và Chân lýDuyên khởi vốn đã được ghi lại rải rác nơi Tam tạng Kinh-Luật-Luận. Dù giải bày Chánh pháp với một vài người hay giữa một Pháp hội nhiều người, đều gọi là thuyết pháp.      

Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng

Sau khi chứng quả, đức Phật im lặng, không muốn nói gì cả; bởi lẽ ngôn ngữ khó mà diễn đạt được sự thật tối hậu – Chân lý. Nhưng để chỉ bày cho người khác tự thấy ra sự thật này thì tạm thời phải dùng ngôn ngữ để nói, hay có người yêu cầu mới nói. Cho nên có lẽ vì sao trong giới luật có nói đến là khi thuyết pháp phải có người thỉnh mới được nói.

Cả một đời thuyết pháp, đức Phật đã chẳng phải soạn viết những gì trước khi thuyết, mà chỉ cần nói ra những gì cần thiết hợp với căn duyên của mỗi chúng sinh để giác ngộ cho chúng sinh đó. Hơn nữa, không có chân lý nào nói ra được mà phải tuỳ chỗ tuỳ lúc và tuỳ nhu cầu mới phải nói thôi.

Chẳng hạn như bài thuyết pháp đầu tiên là “Chuyển Pháp Luân” được khởi lên gần thành Ba La Nại, Phật độ cho 5 vị cùng tu trước đó đắc đạo, hay bài thuyết Pháp sau cùng trước giờ nhập Niết-bàn, Phật độ cho ông lão Tu Bạt Đa La đắc đạo. Trường hợp Aṅgulimāla (Vô Não) là tên sát nhân giết hàng trăm nạn nhân nhưng Phật vẫn không nói gì cho đến lúc ông rượt theo Ngài, buộc Ngài phải dừng lại và nói, và chỉ lúc đó Aṅgulimāla mới có thể hiểu được Phật nói gì.

2. Thuyết Pháp theo Phật giáo Nam truyền.

Theo Phật giáo Nam truyền, đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh thường dùng 2 phương pháp từ 2 loại trí tuệ đặc biệt, mà bậc Thánh Thanh Văn không có, đó là:
- Trí tuệ thấy rõ, biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng sinh (P: indriyaparopariyañāṇa).
- Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nghiệp quả và phiền não ngấm ngầm của mỗi chúng sinh (P: Āsayānusayanāṇa).
Dưới đây là chi tiết hai phương pháp thuyết pháp của Phật giáo Nam truyền:

2.1.Phương pháp thuyết pháp theo sự thật ngôn ngữ chế định (P: sammutidesanā).
Đức Phật sử dụng ngôn ngữ như "chúng sinh, con người, đàn ông, đàn bà, chư thiên, phạm thiên, con voi, con ngựa, ngôi nhà, chiếc xe"... mà người đời đặt ra, có quy ước chế định được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay, mọi người đã chấp nhận xem như là sự thật.
Trong Chú giải kinh Ananganasutta có nói rằngđức Phật thuyết giảng sự thật theo ngôn ngữ chế định đem lại sự lợi ích cho con người với 8 trường hợp như sau:

1-Để cho con người biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi (P: hirottappadī-panaṭṭha)

Nếu đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ nghi ngờ thắc mắc rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi?".
Nhưng khi đức Phật thuyết giảng rằng: "Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ... phải nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi...". Thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu rõ, không nghi ngờ thắc mắc nữa.
Đó là đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng (P: puggala-adhiṭṭhāna).

2-Để chứng tỏ mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình (P: kammassakatādī-panaṭṭha)

Nếu đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp đều có nghiệp là của riêng mình", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không hiểu, nghi ngờ thắc mắc rằng: Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào có nghiệp là của riêng mình?".
Nhưng khi đức Phật thuyết giảng rằng: Ṁỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ dễ hiểu, không nghi ngờ thắc nữa.
Đó là đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

3-Để làm cho nổi bật công việc của mỗi người (P: paccattapurisakāradī-panaṭṭha)

Nếu đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngôi chùa Jetavana do ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp ấy xây cất", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không biết nguời nào xây cất, thắc mắc nghi ngờ rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào xây cất?".
Nhưng khi đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngôi chùa Jetavana do ông phú hộ Anāthapiṇṇika cho người xây cất. Ngôi chùa Pubbārama do bà Vīsakhā cho người xây cất...", thì các hàng đệ tử lắng nghe sẽ dễ hiểu không nghi ngờ thắc mắc.
Đó là đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

4-Để biết rõ người phạm tội vô gián trọng ác nghiệp (P: anantariyadī-panaṭṭha),

Nếu đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này phạm phải trọng ác nghiệp giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm cho Đức Phật bầm máu, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không biết ai, nghi ngờ thắc mắc rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào đã phạm trọng ác nghiệp như vậy?".
Nhưng khi đức Phật thuyết giảng rằng: "Vua Ajātasattu giết phụ vương tên là Bimbisāra. Tỳ khưu Devadatta làm cho Đức Phật bầm máu, chia rẽ Tỳ khưu Tăng...", thì các hàng đệ tử lắng nghe, biết được người phạm tội vô gián trọng ác nghiệp, không nghi ngờ thắc mắc.
Đó là Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

5-Để làm đề mục niệm rải tứ vô lượng tâm (P: brahmavihāradī-panaṭṭha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Hành giả nên niệm rải tâm từ đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp. Nên niệm rải tâm bi... Niệm rải tâm hỷ.. Niệm rải tâm xả đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp", là những đối tượng không rõ ràng. Hành giả không thể làm đề mục để tiến hành thiền niệm rải tâm từ... niệm rải tâm bi... niệm rải tâm hỷ... niệm rải tâm xả... được. Như vậy, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả không thể phát sinh, các bậc thiền cũng không thể phát triển được.
Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng:
"Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm từ đến đối tượng hạng chúng sinh đáng yêu, đáng mến".
"Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm bi đến đối tượng hạng chúng sinh đang ở trong cảnh khổ, mong cho họ được thoát khổ".
"Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm hỷ đến đối tượng hạng chúng sinh đang hưởng sự an lạc hạnh phúc, mong cho sự an lạc hạnh phúc được lâu dài.
"Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm xả đến đối tượng hạng chúng sinh có nghiệp là của riêng họ, họ thọ hưởng quả an lạc do thiện nghiệp, họ thọ quả khổ do ác nghiệp của họ đã tạo".
Như vậy, hành giả sẽ hiểu rõ từng mỗi đối tượng niệm rải tâm từ, niệm rải tâm bi, niệm rải tâm hỉ, niệm rải tâm xả một cách rõ ràng, nên sự tiến hành thiền định có thể chứng đắc các bậc thiền được.
Đó là đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

6-Để ứng dụng vào trí tuệ "Túc Mạng Minh" (P: pubbenivāsadī-panaṭṭha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Tiền kiếp của Như Lai sanh làm ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp như thế ấy, như thế ấy... đã tạo Ba-la-mật như thế ấy...", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không hiểu biết được, nghi ngờ thắc mắc rằng: “Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào tiền kiếp của đức Phật đã tạo Ba-la-mật như vậy...?".

Nhưng khi đức Phật thuyết giảng rằng: "Trong tiền kiếp của Như Lai sanh làm hoàng thái tử Vessantara, như thế ấy... Bồ Tát hoan hỉ trong pháp hành bố thí Ba-la-mật như thế ấy ..., thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu biết được, không còn nghi ngờ, thắc mắc.
Đó là đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

7-Để phân biệt được Bậc có giới đức trong sạch xứng đáng thọ lãnh vật dụng cúng dường (P: dakkhiṇāvisuddhidī-panaṭṭha).

Nếu Đức Phật thuyết giảng dạy rằng: "Nên bố thí cúng dường đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp có giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, có nhiều quả báu cao quý", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ nghi ngờ thắc mắc rằng: "Nên bố thí đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào có giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, sẽ được nhiều quả báu cao quý?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: "Nên làm phước bố thí cúng dường đến chư Thánh Tăng, là Bậc giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, sẽ có nhiều quả báu cao quý suốt vô lượng kiếp", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu biết được, không nghi ngờ thắc mắc nữa.
Đó là đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

8-Để gìn giữ sự thật ngôn ngữ ở trong đời không bị mai một  (P: lokasammutti appahānattha)

Đức Phật thuyết pháp giảng dạy với mục đích tế độ chúng sinh, để giải thoát cảnh khổ. Điều quan trọng đầu tiên, chúng sinh nghe hiểu rõ giáo pháp của Ngài. Cho nên đức Phật vẫn phải dùng đến ngôn ngữ chế định mà người đời thường dùng để thông tin truyền đạt ý nghĩ, tư tưởng với nhau, để thuyết giảng Chánh pháp.
Như vậy, khi chúng sinh hiểu rõ được Chánh pháp rồi tiến hành thiền tuệsẽ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn.
Đó là đức Phật dùng ngôn ngữ chế định, cốt để gìn giữ sự thật ngôn ngữ ở đời không bị mai một.

2.2. Phương pháp thuyết pháp theo sự thật chân nghĩa pháp(P: paramatthadesanā).

Đức Phật thuyết pháp về "Tâm, Tâm sở, Sắc pháp, Danh pháp, Niết Bàn, Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn, Khổ Thánh Đế, Tập Thánh Đế, Diệt Thánh Đế, Đạo Thánh Đế, ..." .

Khi hành giả cần thực hành thiền tuệ, thì điều quan trọng đầu tiên cần phải học hỏi hiểu biết rành rẽ thông thạo về Chân nghĩa pháp gồm có 4 pháp: Tâm, Tâm sở, Sắc pháp, Niết Bàn, được phân chia thành những pháp như: Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,... tóm tắt còn 2 pháp là:
Sắc pháp (P: rūpadhamma) thuộc pháp hữu vi.
Danh pháp (P: nāmadhamma) thuộc pháp hữu viđó là Tâm và Tâm sở.
Danh pháp (P: nāmadhamma) thuộc pháp vô viđó là Niết Bàn.
Niết Bàn thuộc danh pháp đặc biệt, chỉ làm đối tượng của tâm siêu tam giới, đó là 4 Thánh Đạo và 4 Thánh Quả của tâm mà thôi (*).

Sự thật Chân nghĩa pháp (P: Paramatthasacca) không thể thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do học hỏi (P: sutāmaya-paññā), hoặc trí tuệ do tư duy (P: cintāmaya-paññā), mà chỉ thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do tiến hành thiền tuệ (P: bhāvanāmaya-paññā) mà thôi.

-----------------------

(*) Chú thích:

1. Bốn hạng thánh nhân(P: Ariyapuggala)

1. Bậc Dự-lưu (P: Sotāpanna), vị đã chứng quả Tu-đà– huờn, vị ṅhập vào dòng thánh”.
2. Bậc Nhất Lai (P: Sakadāgāmi), vị đã chứng quả Tư-đà-hàm, vị “trở lại một lần”.
3. Bậc Bất Lai (P: Anāgāmī), vị đã chứng quả A-na-hàm, vị “không trở lại nữa”.
4. Bậc Ưng Cúng (P: Arahanta), vị đã chứng quả A-la-hán, vị “xứng đáng”.

2. Bốn thứ Đạo & Quả(P: Magga & Phala)

- Đạo (P: Magga) là thánh trí đoạn trừ phiền não.
- Quả (P: Phala) là thánh trí an tịnh phiền não.
Đạo Tâm là nhân, Quả Tâm là thành quả của Đạo Tâm. Đạo Quả là pháp siêu thế có Niết-bàn là cảnh sở tri. Gồm bốn thứ:

1. Đạo Quả Tu-đà-huờn (P: Sotāpattimagga, Sotāpattiphala), hay Đạo Quả dự lưu, cũng gọi là sơ đạo sơ quả. Bậc thánh trí này tuyệt trừ 3 kiết sử là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ.
2. Đạo Quả Tư-đà-hàm (P: Sakadāgāmimagga, Sakadāgāmiphala), hay Đạo Quả nhất lai, cũng gọi là Nhị đạo Nhị quả. Bậc thánh trí này giảm trừ 2 kiết sử là dục ái và sân.
3. Đạo Quả A-na-hàm (P: Anāgāmimagga, Anāgāmiphala), hay là Đạo Quả bất lai, cũng gọi là Tam đạo Tam quả. Bậc thánh trí này tuyệt trừ 2 kiết sử đã muội lược là dục ái và sân.
4. Đạo Quả A-la-hán (Arahattamagga, Arahattaphala), hay Đạo Quả ưng cúng, cũng gọi là Tứ đạo Tứ quả. Bậc thánh trí tuyệt trừ 5 thượng phần kiết sử là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh. Đây là bậc thánh trí cao tột, hoàn toàn giải thoát.

2.3 Nguyên tắc thực hành thuyết pháp.

Thực tế cho thấy rằng rất nhiều người chỉ biết sự thật theo ngôn ngữ chế định, mà không hiểu biết sự thật theo Chân nghĩa pháp, nên không thể hiểu rõ Danh pháp, Sắc pháp là pháp Vô ngã. Vì thế, những người này thường phát sinh tà kiến chấp ngã (P: attānudiṭṭhi), cho là ta, của ta, người, của người, ,... dễ phát sinh phiền não, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

Đối với bậc Thánh đã thấy rõ, biết rõ sự thật theo Chân nghĩa pháp là pháp Vô ngã, có Thiền tuệ chánh kiến, Thánh Đạo chánh kiến, Thánh Quả chánh kiến, đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến thủ ngũ uẩn (P: sakkāya-diṭṭhi;  E: ), nên không còn chấp ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia,...

Trong cuộc sống hằng ngày, bậc Thánh vẫn biết rõ sự thật theo ngôn ngữ chế định dùng để giao tiếp với mọi người: như thuyết pháp, nói đạo, thông tin, truyền đạt ý nghĩ của mình. Nhưng đặc biệt bậc Thánh hoàn toàn không chấp ngã. Cho nên, phiền não không phát sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.  Đó là điều lợi ích về sự thật Chân nghĩa pháp.

Vì thế nguyên tắc cho sự thuyết pháp có thể hiểu như sau:
- Nếu chúng sinh nào chưa từng nghe, học hỏi về Chân nghĩa pháp, thì trước tiên nên thuyết pháp theo sự thật do ngôn ngữ chế định  làm nền tảng, và  tiếp theo là thuyết pháp theo sự thật theo Chân nghĩa phápđể hướng dẫn tâm trí của chúng sinh ấy đạt đến sự chứng ngộ chân lý, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả.
- Nếu chúng sinh nào đã từng nghe, học hỏi về Chân nghĩa pháp, thì nên thuyết pháp trực tiếp về sự thật theo Chân nghĩa phápđể hướng dẫn tâm trí của chúng sinh ấy đạt đến sự chứng ngộ chân lý, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả.
Sự lợi ích từ nguyên tắc thuyết pháp này chắc chắn đem lại sự an lạc lâu dài cho chúng sinh trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

3. Thuyết Pháp theo Phật giáo Bắc truyền.

Theo Phật giáo Bắc truyền, đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh được căn cứ  trên căn duyên của mỗi chúng sanh. Có 3 loại chúng sinh được nói đến là:
1. Đối với người Tiểu căn, tức căn tánh chậm lụt, Phật thuyết tiểu Pháp để đưa con người sống đúng đạo làm người, sống bình đẳng, biết tôn trọng yêu thương mọi người, xây dựng gia đình hạnh phúc, biết góp phần xây dựng quốc gia xã hội tươi đẹp, phồn vinh.
2. Đối với người Trung căn, tức căn tánh mực vừa, Phật thuyết trung Pháp.để con người biết sống tu hành, đời sau được về với cảnh giới chư thiên hạnh phúc lâu dài.
3. Đối với người Đại căn, tức căn tánh sáng suốt, Phật thuyết đại Pháp, đó làchân lý giải thoát, con người tu tập hướng về giải thoát phiền não và chủ động trong sinh tử luân hồi, chính đây cũng là mục đích cuối cùng của đạo Phật.
Tuy nhiên, Phật dạy rằng không có thuyết Pháp cũng không có độ chúng sinh, bởi khi thấy ra Duyên khởi thì làm gì có Pháp mà thuyết, và làm gì có chúng sinh để tế độ. Chỉ tạm dùng phương tiện gọi đó là thuyết pháp và tạm gọi là độ chúng sinhmà thôi!
Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép: “Phàm là lời nói đều không có nghĩa thật”.
Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Trong 49 năm thuyết pháp, ta chưa từng nói lời nào”.
Trong Kinh Lăng Già :  “Ta từ đêm được Chính giác tối thượng cho đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng thời gian ấy, chưa hề thuyết một chữ nào, cũng chưa từng đã thuyết hay sẽ thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết”.
Trong kinh Kim Cương, Đoạn 7: “Vô Đắc Vô Thuyết * 無得無說* Không được, không nói”, có chép:
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng?

Tu-bồ-đề thưa:
- Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt ” .
Trong kinh Kim Cương, Đoạn 21: Phi Thuyết Sở Thuyết* 非說所說* Không thuyết để giảng, có chép:  Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp * 須菩提!說法者,無法可說,是名說法* Này Tu-bồ-đề!, Thật không có pháp để thuyếtđó gọi là thuyết pháp (hayNày Tu-bồ-đề!, Thuyết pháp, tức không pháp có thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp). 

Trong kinh Viên Giác, đức Phật dạy rằng, giáo pháp của Ngài ghi lại trên kinh điển ví như ngón tay chỉ mặt trăng, là phương tiện để đạt đến chân lý, cho nên đừng lầm ngón tay là mặt trăng chân lý. Nếu y theo kinh điển để giải nghĩa, để tìm chân lý trong những giòng chữ, thì đó chính là chỉ biết nhìn ngón tay mà chưa biết nhìn mặt trăng. Nhưng rời bỏ hẳn kinh điển đi thì lại có thể rơi vào những điên đảo vọng tưởng.
Chấp lấy phương tiện làm cứu cánh tức là làm oan ức cho chư Phật, mà bỏ mất phương tiện đi thì cũng không có cách gì đạt đến cứu cánh.

Theo mục đích của thuyết pháp, Phật giáo Bắc truyền phân thành hai loại thuyết pháp  sau:
1. Thuyết pháp vì chúng sanh: Thuyết Pháp vì cần giáo hóa chúng sanh. Đây là sự thuyết pháp trong sạch, chơn chánh theo đạo Phật. Đây gọi là Thanh tịnh thuyết pháp.
2. Thuyết pháp vì lợi dưỡng: Thuyết Pháp vì sự lợi dưỡng cho mình, vì lợi lộc và danh tiếng. Đây gọi là Bấttịnh thuyết pháp.

3.1. Thanh tịnh thuyết pháp(清淨說法;  E: Clean preaching).

1) Những đặc điểm căn bản của Thanh tịnh thuyết pháp.

Trong gần nửa thế kỷ thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau. Tùy cơ duyên mà Phật sử dụng những phương pháp giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử theo căn duyên của họ. Có 5 hạng chúng sinh Phật chẳng thuyết pháp 5 việc sau:
1. Đối với hạng tham lam, Phật chẳng khen sự Bố thí.
2. Đối với hạng lười biếng, Phật chẳng khen sự Đa văn.
3. Đối với hạng si đần, Phật chẳng khen sự Trí huệ.
4. Đối với hạng bất tín, Phật chẳng khen sự Chánh tín.
5. Đối với hạng phá giới, Phật chẳng khen sự Trì giới.

Trong Thuyết Pháp, có khi Phật dùng lời dịu dàng để khuyên răn chúng sinh. Có khi Phật dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục. Có khi Phật dùng các định nghĩa. Có khi Phật dùng những dụ ngôn. Cũng có khi Phật dùng các phép ẩn dụ mạnh mẽ.

Đức Phật đã sử dụng các ví dụ sinh động và chính xác để gợi cảm cho người nghe, giải thích thêm cho cặn kẽ những điều Ngài nói. Các ví dụ Phật dùng rất phong phú và khác biệt, giản dị, trong sáng, hướng thiện và giải thoát. Sau đây là một vài ví dụ nổi bật về nghệ thuật thuyết Pháp của đức Phật trong kinh Pháp Cú:
Trong bài Pháp Cú 287:

Đức Phật dạy nên chấm dứt tham luyến. Người còn mê luyến hay đang say đắm về tài sản, về con cháu sẽ bị thần chết dẫn đi một cách bất ngờ, cũng như dân chúng trong làng đang ngủ say bị cơn lụt to thình lình cuốn trôi ra biển:

Người vướng kẹt chấp nê sở hữu
Con cái tôi, tài sản của tôi
Tử thần theo bắt, kéo lôi
Như cơn lũ lớn cuốn trôi cả làng.

Trong bài Pháp Cú 82:

Từ hình ảnh lũ lụt, đức Phật đưa ra hình ảnh ao hồ biểu trưng cho tâm của người hiền trí không dao động, an tịnh như cõi đất bằng, kiên cố như trụ đồng và cũng trong suốt, phẳng lặng như ao sâu không bị bùn đất làm nhơ bẩn.
Người có trí thích nghe Phật pháp
Gìn an vui, hạnh phúc, thong dong
Như hồ sâu thẳm, nước trong
Không gì khuấy đục cõi lòng tịnh thanh.

Đức Phật thuyết pháp giữa đêm trăng

Ngoài ra, muốn thuyết pháp được hiệu quả, thì phải quán sát hội chúng để nói những điều phù hợp với nhận thức và hoàn cảnh của họ, gọi là khế cơ. Nếu không biết tùy cơ thuyết pháp thì không những người nghe không tin hiểu mà ngược lại họ có thể nổi giận hay phỉ báng giáo pháp khiến người nói và người nghe đều không lợi ích.

Trong kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.346, Đức Phật đã dạy về khế cơ như sau:
 “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Có hai người không thể khéo thuyết pháp ngữ. Thế nào là hai? Là người không tin mà thuyết pháp tin cho họ, việc này rất khó. Người tâm xan tham mà thuyết pháp thí cho họ, đây cũng rất khó.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu người không tin mà thuyết pháp về niềm tin cho họ, họ liền nổi sân giận, khởi tâm làm hại. Ví như chó dữ lại thêm mũi đau, càng giận dữ nhiều thêm. Các Tỳ-kheo! Ðây cũng như thế, người không tin mà thuyết pháp tin cho họ, họ liền nổi sân giận, sanh tâm tổn hại.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu người xan tham mà thuyết pháp bố thí cho họ, họ liền sanh sân giận, khởi tâm tổn hại. Ví như mụt nhọt chưa mùi, lại thêm dao khoét đau không chịu nổi. Ðây cũng như thế, người xan tham mà thuyết pháp bố thí cho họ, họ lại càng sân giận, khởi tâm tổn hại. Ðó là, này Tỳ-kheo! Hai người này khó vì họ thuyết pháp.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Có hai hạng người dễ, vì họ mà thuyết pháp. Thế nào là hai? Người có lòng tin, thuyết pháp tin cho họ; người không xan tham thuyết pháp thí cho họ.

Này Tỳ-kheo! Nếu người có lòng tin thuyết pháp tin cho họ, họ liền được hoan hỷ, ý không hối hận biến đổi. Ví như người có bệnh, nói thuốc trừ bệnh, liền được bình phục. Ðây cũng như thế, người có lòng tin, thuyết pháp tin cho họ, họ liền được hoan hỷ, tâm không biến đổi.

Lại nữa, nếu người không tham, thuyết pháp thí cho họ, họ liền được hoan hỷ, không có tâm hối hận. Ví như có trai, gái đoan chính, tự ưa tắm rửa mặt mũi tay chân, lại có người đến cầm hoa đẹp dâng lên tô bồi nhan sắc; lại lấy áo tốt, phục sức dâng lên người ấy. Người ấy được rồi càng thêm hoan hỷ. Ðây cũng như thế, người không lẫn tiếc, thuyết pháp thí cho họ, họ liền được hoan hỷ, không có tâm hối hận. Ðó là, này Tỳ-kheo, hai người này dễ vì họ thuyết pháp.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

Rõ đức Phật là bậc y vương luôn tùy bệnh cho thuốc. Vì đúng thầy, đúng bệnh và đúng thuốc nên bệnh nhân mau lành. Điều đáng lưu tâm nhất trong pháp thoại này là không chỉ nói pháp phù hợp với căn cơ mà người nói pháp phải sống với những gì mình nói. Thuyết pháp đúng nghĩa là nói ra cái mình đã sống hơn là cái mình đã nghe. Chính việc trao truyền những trải nghiệm thực tu, thực chứng mới đánh động và thức tỉnh lòng người.

2) Nội dung của Thanh Tịnh Thuyết Pháp.
Nội dung của Thanh Tịnh Thuyết Pháp là đúng với Pháp luân (法輪= Bánh xe pháp, Chánh pháp, Phật pháp;   P: Dhammacakka;  S: Dharmacakra) theo bốn ý nghĩa và bốn mục đích sau:

1.Thiện tịnh Pháp luân 善淨法輪
[Thiện tịnh (善淨;  P: vishuddha;  S:viśuddha;  E: well-purified)]
Thiện tịnh Pháp luân là thuyết pháp giúp tiêu trừ nghiệp chướng, làm tăng trưởng căn lành của chúng sinh. Bởi lẽ chúng sinh có đầy đủ nhân duyên mới được thân người, đủ sáu căn, gặp được Tam Bảo và nghe được Chánh pháp. Do đó, kinh thuyết pháp làm khơi dậy thiện căn sẵn có và nuôi dưỡng căn lành cho thính chúng. Căn lành ấy là gì? Chính là Niết-bàn và Bồ-đề, là căn lành sâu sắc nhất nên gọi là tối thắng thiện căn. Đồng thời làm tăng trưởng tự tánh thiện căn là Vô tham – Vô sân – Vô si.

2.Phương tiện Pháp luân方便法輪
[Phương tiện (方便;  P;S: upāya;  E: means)]
Khi con người ta làm điều sai trái, họ thường giải thích đó là phương tiện. Tuy nhiên, phương tiện không có nghĩa như vậy; theo đạo Phật, phương tiện là những gì được dùng nhằm mục đích đưa con người đến với chân lý, không phải lừa dối.
Nếu xem Phật pháp là phương tiện dùng để chuyển tải chân lý, đạo đức, là phương tiện giúp con người vượt qua sông mê biển khổ thì ngôn ngữ chính là khả năng diễn đạt chân lý ấy. Nhưng phương tiện đó là gì? Trong cõi Phật mười phương, chí có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba, trừ đức Phật phương tiện nói: “Song tất cả đều là phương tiện. Đã là phương tiện thì không được chấp trước, nếu chấp trước thì thành chấp Pháp”.

3.Chân thật Pháp luân 眞實法輪
[Chân thật (眞實;  P: sacca, tatta;  S: satya, tattva;  E: truth, reality)]
Trên bình diện chân lý có hai giai đoạn nhận thức: đó là chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối.
- Chân lý tương đối là Tục đế, như nói: Các pháp vận hành theo chuỗi bất tận vô thủy-vô chung Nhân-Duyên-Quả. Con người sinh ra là diễn biến theo tiến trình Sinh Lão Bệnh Tử.
- Chân lý tuyệt đối là Chân đế bất sinh bất diệt: Niết-bàn là Chân thường, Chân lạc, Chân ngã, Chân tịnh. Các pháp là Vô ngã.

4.Vô vi Pháp luân 無爲法輪
[Vô vi (無爲;  P: asaṅkhata;  S: asaṁskṛta;  E: non-action)]
Vô vi Pháp luân là thuyết Pháp của Phật làm cho chúng sinh giác ngô, thành phật, giải thoát, chứng Niết Bàn. Chính vì vậy, trong phạm vi tuyệt đối thì mục đích ấy là tiêu chí cho mọi sự hướng dẫn tu hành giải thoát.

3.2. Bất tịnh thuyết Pháp(不淨說法;  E: Unclean preaching), còn gọi Bất tịnh nói Pháp hay Tà mệnh thuyết Pháp (nói Pháp để mưu sinh).
Bất tịnh thuyết Pháp được hiểu là thuyết Pháp với ý không trong sạch. Người nói Pháp tâm còn ô nhiễm, vì danh lợi mà nói, hoặc nói mà không hiểu rõ nghĩa lý của giáo pháp, tức thuyết pháp sai với chân lý hay đạo đức của nhà Phật.

Lời nói của Bất tịnh thuyết Pháp lắm khi là lời bợ đỡ kẻ quyền thế giàu có, là lời tự tâng bốc bản thân, là lời thuận theo mê tín của người nghe nhằm mục đích khiến họ cung cấp tiền bạc vật chất cho mình.
Theo “Thuyết Pháp Minh Nhãn Luận”, Bất tịnh thuyết Pháp có 5 thứ:
1. Chẳng nói về Phật Pháp mà chỉ nói về thế sự.
2. Nói ra những điều hư vọng, khiến người ta nghe theo.
3. Dùng thịt rượu, phạm phải tà dâm. Tức mặc áo Pháp mà làm dơ Tam Bảo.
  1. Chê bai người có đức; tự mình không đức lại tự khen lấy mình.
5. Chẳng chứng ngộ Chân lý giải thoát cao viễn, Chân lý Nhất thừa, mà ham làm kẻ quyền thế, mắc vào các giáo Pháp có tướng.
Trong kinh Phật Tạng, quyển Trung phẩm, Tịnh pháp nêu ra năm lỗicủa người bất tịnh nói Pháp (= Chân lý):
1. Tự nói mình biết hết Phật Pháp (= Chánh Pháp).
2. Khi giảng nói những điều trái với Phật Pháp.
3. Tâm nghi chẳng tin đối với các Phật Pháp.
4. Tự đem chỗ hiểu biết chủ quan của mình để phê phán kinh pháp.
5. Vì danh lợi, như mong cầu người cúng dường nhiều mà nói Pháp.
Kinh này còn nêu ra năm nhược điểmcủa người bất tịnh nói Pháp:
1. Khi nói Pháp trong lòng hồi hộp, sợ người khác hỏi vặn.
2. Trong lòng lo sợ mình không nói được, nhưng vẫn gượng nói Pháp.
3. Mình là phàm phu, không có trí tuệ chân thực.
4. Pháp nói ra bất tịnh, chỉ là lời nói suông mà thôi.
5. Bài nói pháp không có thứ tự trước sau, chắp vá lộn xộn, nên trong lòng hồi hộp lo sợ.

3.3. Tuệ cần thiết cho thuyết pháp.
        [= Tư lương (資糧;  P;S: sambhāra;  E: accumulation)
Để thuyết pháp, hành giả cần trang bị những hiểu biết cần thiết để việc thuyết pháp được thông suốt. Có thể thấy rằng những hiểu biết căn bản để giải quyết ổn thỏa cho đa dạng các vấn đề trong thực tế, đều dựa trên nguyên lý hay nguyên tắc vốn đã được thực tiễn xác định. Đối với đạo Phật, hiểu biết căn bản này là nhận thức “Duyên khởi”.

1) Tam tuệ và thuyết pháp.
Văn Tư Tu là lộ trình tu học chung trong Phật giáo (Nam truyền và Bắc truyền).  Lộ trình này giúp hành giả được đào tạo hay tự đào tạo nhằm trang bị trí tuệ từ nhận thức tới hiện thực về đạo đức và chân lý của Phật giáo.
Tam tuệ là cách nói trí tuệ hình thành từ Văn Tư Tu, và được gọi là Văn tuệ Tư tuệ Tu tuệ:
 1. Văn tuệ:[聞慧;  P: Sutamayā paññā;  S: Śruta prajñā;  E: Perfect wisdom by study]:  Là tuệ hình thành từ việc hành giả thấy, nghe … đọc Chánh pháp từ ngũ căn giác quan.
2. Tư tuệ:[思慧;  P: Cintāmayā paññā;  S: Cintā prajñā;  E: Perfect wisdom by reflection] :  Là tuệ hình thành từ việc hành giả suy nghĩ, luận biện đúng Chánh pháp từ ý căn.
3. Tu tuệ:[修慧;  P: Bhāvanāmayā paññā;  S: Bhāvanā prajñā;  E: Perfect wisdom by practice of meditating (= meditation)]:  Là tuệ hình thành từ việc hành giả thực hành chuyển hóa tâm, từ tâm mê lầm chấp thủ sang tâm giác ngộ giải thoát, hành giả có được nhận thức và hành động trong cuộc sống đúng Chánh pháp là chân lý khách quan, tức lẽ thật của vũ trụ.
Chánh pháp nơi đây chính là Đạo đức Duyên khởi và Chân lý Duyên khởi.
Hành giả thuyết pháp có thể không quá đòi hỏi hoàn hảo đối với Tu tuệ, song Văn tuệ và Tư tuệ thì cần quán triệt để hướng dẫn đại chúng thấy ra Chánh pháp; mà một khi thực hành sống theo Chánh pháp, đại chúng sẽ có được nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài.

2) Kinh điển và thuyết pháp.
Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, kinh điển được Phật tuyên thuyết tùy căn cơ chúng sanh nên có cao thấp, khác biệt. Dù mục tiêu cứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thần phương tiện thì khác nhau:
- Những kinh điển thuyết minh về con đường thể nhập Nhân thừa, Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (Tục đế) vì chưa nói hết ý nghĩa thâm diệu, toàn triệt của giáo pháp.
- Những kinh điển chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật quả) là kinh liễu nghĩa(Chân đế). Hành giả khi hướng về Vô thượng Bồ đề, tất nhiên phải y cứ vào kinh liễu nghĩa để hành trì nhằm thành tựu giác ngộ rốt ráo.
Thiền sư Đạo Xuyên, tức Xuyên thiền sư, đời thứ 3 sau Lục Tổ sống vào thời kỳ Nam Tống Trung Quốc, đã nói rằng:

Chánh nhân thuyết Tà pháp, Tà pháp tất qui chánh
Tà nhân thuyết Chánh pháp, Chánh pháp tất qui tà 
正人說邪法,邪法必歸正;邪人說正法, 正法必歸邪*
Người chánh nói pháp tà, tà pháp trở về chánh
Người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà.  
         
Theo đó, cách phân biệt loại kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa chỉ mang tính tương đối. Quan trọng là ở người giảng Phật pháp có đủ hiểu biết về Chánh pháp hay không, để dẫn dắt người học liên thông đi từ thấp đến cao.

Chư Tổ còn nói "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết  * 依經解義,三世佛冤;  离經一字,即同魔說" có nghĩa là chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho ba đời đức Phật; mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương.  Vì thế:
- Lời dạy của chư Phật nơi kinh chỉ là phương tiện tạm thời, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc, đó là thuốc phá chấp. Nếu chiếu theo văn tự, hễ Phật nói Có thì mình chấp cái Có đó là thật, hễ Phật nói Không thì lại chấp cái Không đó là thật, ấy là oan cho Phật.
- Lời dạy của chư Phật nơi kinh hàm ý phá chấp. Nếu như lìa kinh tức còn chấp, không thể giải thoát được. "Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết" là vậy.

Trong kinh Duy Ma Cật có chép: “Hết thảy các pháp đều như nhau, không quý không tiện. Người sáng suốt trí tuệ, biết dùng pháp, dùng đúng thì khỏi bệnh, dùng sai pháp thì bệnh nặng thêm, cho nên dùng pháp phải cẩn thận”.  Tác dụng và hiệu lực của từng kinh hay từng pháp môn khác nhau dùng để trị những căn bệnh khác nhau; ở đây, từ bản chất, không có sự chống trái nhau giữa các kinh và các pháp môn tu tập, mà chỉ có sự ứng dụng thực hành của hành giả có thích hợp hay không mà thôi.

Ngoài ra, giáo lý Tứ y cũng vạch ra những yếu tố quan trọng mà hành giả cần nương tựa, và những vấn đề không nên y cứ, nhằm vượt qua các chướng ngại. Mặt khác, giáo lý Tứ y là một phương tiện tốt giúp cho hành giả vận dụng giáo pháp một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn đồng thời khai thác hết những tinh túy, đặc sắc của giáo lý để ứng dụng tu tập.
Tứ y pháp bao gồm: Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh.

1.Y pháp bất y nhân 依法不依;  S: dharma-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na pudgala-pratisaraṇena;  E: to rely on logic and not on the person giving the teaching):Có nghĩa là hành giả nương tựa theo Chánh pháp, chẳng nương tựa theo người.
Nương tựa theo Chánh pháp, đó là hành giả nương tựa theo Chân lý Duyên khởi mà chính đức Phật đã chứng ngộ khám phá ra, để từ một vị sa-môn trở thành một vị Phật, và nương tựa theo Đạo đức Duyên khởi là nguyên tắc mà đức Phật đã vận dụng từ Chân lý Duyên khởi để ứng dụng hài hòa vào thế giới sống này.
Chẳng nương tựa theo người, đó là chẳng nương tựa nơi các chế định mang tính chủ quan, phiến diện hay cực đoan từ phần lớn con người bị chi phối bởi các bất thiện Tham Sân Si.

2.Y nghĩa bất y ngữ(依義不依語;  S: artha-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na vyañjana-pratisaraṇena;  E: to rely on the meaning and not on the words): Có nghĩa là hành giả nương vào nghĩa lý, chẳng nên chấp vào ngôn ngữ văn tự. 
Chánh pháp với ý nghĩa sâu xa. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạt Chân lý và Đạo đức  –  “Văn dĩ tải đạo  *文以载道”, giúp hành giả nhận thực ra Chân lý và Đạo đức để hành trì và thân chứng. Bởi thế hành giả không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự.

3.(= tuệ giác, không nương theo thức(= vọng thức) cố chấp.

Chỉ có tuệ giác mới nhận chân được Chân lý thực tại, còn vọng thức là thấy biết có tính tương đối dễ dẫn đến mê chấp. Với tuệ giác, hành giả mới đầy đủ công năng quét sạch phiền não, thanh tịnh ba nghiệp. Còn thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng vẫn là vô thường sinh diệt, hư vọng dễ dẫn đến phiền não.  Vì vậy, “Duy tuệ thị nghiệp * 唯慧是業” chính là phương châm tu học của hành giả.

4.Y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh(依了義經不依不了義經;  S: nītārtha-sūtra-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisaraṇena;  E: to rely on scriptures of definitive meaning and not on scriptures of provisional meaning):  Có nghĩa là nương theo các kinh điển liễu nghĩa, chẳng nên nương theo các kinh điển không liễu nghĩa. Hành giả khi hướng về Vô thượng Bồ đề, tất nhiên phải y cứ vào kinh liễu nghĩa để hành trì nhằm thành tựu giác ngộ rốt ráo.

Tóm lại

Thuyết pháp là một nghệ thuật, cũng là một quy trình phải được định hình theo Chánh pháp. Bởi nếu không đúng Chánh pháp thì thuyết pháp sẽ trở thành điên đảo thuyết pháp, là làm trái với chân lý. Thế nên các vấn đề thuyết pháp đều cần theo một quy trình nhất định về: Trình bày giáo pháp, Chỉ rõ nghĩa lý, Hướng dẫn tu tập và Định hướng kết quả.
Bằng phương tiện ngôn ngữ, các hình thức giáo lý, phân biệt chánh-tà, vận dụng Chánh trí và truyền thông để chuyển hóa tâm thức của thính chúng, làm lợi ích, an lạc, giải thoát cho chúng sinh.

4. Cư sĩ thuyết pháp.
         
Theo Phật giáo Nam truyền, với ý nghĩa chân chánh thì Phật tử bao gồm cả cư sĩ và tu sĩ, được gọi chung là Tăng:
                    - Cư sĩ được gọi là Tăng tại gia.
                    - Tu sĩ được gọi là Tăng xuất gia.
          Trong quá trình tu học khi chưa giác ngộ, thì cả Tăng tại gia và Tăng xuất gia đều được gọi chung là Phàm tăng.  Cũng cần thấy rằng Tăng xuất gia có nhiều điều kiện thuận lợi trong tu học hơn Tăng tại gia. Tuy nhiên, tùy yếu tố quan trọng là căn duyên, căn trí của Phàm tăng, mà có sự chuyển hóa nhanh chậm đối với việc giác ngộ trở thành Thánh tăng.
          Thuyết pháp, giảng kinh là công việc tiếp nối huệ mạng Phật, là trách nhiệm chung của tất cả Phật tử có khả năng làm việc này. Vì thế, Phật tử xuất gia hay tại gia đều được xem là có thể thuyết pháp, giảng kinh. Thật vậy:

Trong kinh Đại Bát-niết-bàn, thuộc Trường Bộ, đãxác nhận rằngđức Phậtchỉ quyết định nhập Niết-bàn khi biết rằng các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ đệ tử của mình đã trở thành “những người chân chánh, sáng suốt, có kỷ cương, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, đã có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”.

TrongTăng Chi Bộ, nơi kinh “Các vị Tỷkheo”, kinh“Các đệ tử Tỷ-kheo-ni, kinh “Nam cư sĩ”, “kinh Nữ cư sĩ”Tăng chi bộđã chỉrõ là nhờ mục tiêu và đường hướng giáo dục củađức Phậtmà ngoài các Tỷkheo và Tỷkheoni giỏi về thuyết pháp, một số nam cư sĩ và nữ cư sĩ cũng được đứcPhật xác chứng là đệ nhất về thuyết pháp và đa văn, như trường hợp Nam cư sĩ Citta và Nữ cư sĩ Khujjuttara.
          Lịch sử chấn hưng Phật giáo Việt Nam hiện đại, ở cả ba miền Việt Nam, các cư sĩ đăng đàn thuyết pháp là việc bình thường, đóng góp cho hoạt động hoằng pháp. Thậm chí, trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc những năm 1930-1940, việc thuyết pháp hầu hết do cư sĩ đảm nhiệm, điển hình là các cư sĩ:

- Thiều Chửu- Nguyễn Hữu Kha (1902–1954) ở miền Bắc, ông đã thường xuyên thuyết pháp trong những năm 1930-1940 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, biên tập và xuất bản tạp chí Phật học “Đuốc Tuệ” (Xin xemThiều Chửu-Wikipedia tiếng Việt).

- Tâm Minh- Lê Đình Thám (1897–1969) ở miền Trung, ông đã thành lập Hội An Nam Phật Học (1932), xuất bản Nguyệt san Viên Âm (1933-:-1952), sáng lập Gia Đình Phật Tử (1940), mở Phật học đường Báo Quốc (1932) đào tạo tăng tài từ sơ cấp đến cao cấp, tốt nghiệp những khóa đầu tiên tiêu biểu là các vị Trí Quang, Trí Nghiêm (Thiện Minh), Trí Tịnh, Thiện Siêu, Thiện Hoa, Thiện Hòa ... và nhiều hậu học nối tiếp nhau như Thuyền Ấn, Thiên Ân, Mãn Giác, Nhất Hạnh, Minh Châu, Trí Không (Trần Quang Thuận), Thiện Châu ... Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Tuệ Sĩ (Nguyên Chứng), Phước Sơn, Chơn Trí (Nguyên Siêu), Thiện Nhơn v.v… (Xin xem Lê Đình Thám – Wikipedia tiếng Việt).

          - Chánh Trí- Mai Thọ Truyền (1905-1973) ở miền Nam, ông đã để lại ba dấu ấn quan trọng về công nghiệp hoằng pháp cho hàng hậu học. Đó là:  - Thể hiện trọn vẹn vai trò của người cư sĩ Phật tử đức độ trong quan trường.  - Thành lập Hội Phật Học Nam Việt và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, làm trụ sở cho hội.  - Hoằng pháp cộng đồng qua các công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên tập và xuất bản kinh sách cũng như ra tạp chí “Phật học Từ Quang”, giảng dạy tăng ni nhất là khi Viện Đại học Vạn Hạnh đặt cơ sở tại chùa Xá Lợi.  Ông đã thường xuyên thuyết pháp tại chùa Xá Lợi trên hơn 10 năm (Xin xemMai Thọ Truyền – Wikipedia tiếng Việt).

 Huy hiệu Gia Đình Phật Tử
Xem thêm:
- Cư sĩ thuyết pháp - Phật Học Ứng Dụng - THƯ VIỆN HOA SEN
- Cư sĩ tại gia có thể thuyết pháp, giảng kinh được không?
- Cư sĩ tu có chứng quả được không? Thầy Thích Thiện Thuận 
- Cư sĩ thuyết pháp | Phật giáo Việt Nam
 
 
Bàiđọc thêm
Bốn hạng A-la-hán(P: Arahanta)

1.A-la-hán thuần tuệ quán (P: Sukkhavipassako), tức là bậc Lậu Tận chỉ khô sạch phiền não bằng tuệ quán thôi, vị này không có thần thông hay có năng lực đặc biệt gì khác.

2.A-la-hán tam minh (P: Tevijjo) tức là bậc Lậu Tận mà đắc được ba minh: Túc mạng minh, Sinh tử minh và Lậu tận minh.
1. Túc mạng minh (P: Pubbenivāsānussatiñāṇa), là trí thông nhớ được các đời sống quá khứ của mình.
2. Sinh tử minh (P: Cutūpapātañāṇa), là trí thông biết rõ sự sinh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Minh này có tên gọi khác nữa là Thiên nhãn minh (P: Dibbacakkhuñāṇa).
3. Lậu tận minh (P: Āsavakkhayañāṇa), là trí thông đoạn trừ các lậu hoặc, đắc chứng lậu tận minh, là thành tựu quả vị A-la-hán.

3. A-la-hán lục thông(P: Chaḷabhiññā), tức là bậc Lậu Tận đắc luôn cả thiền nhập hiệp thế, có được sáu thần thông:
1. Biến hóa thông (P: Iddhividhi), thần thông làm được điều phi thường như thăng thiên độn thổ, đi trên nước, đi xuyên vách đá, hiện ra các vật v.v…
2. Thiên nhĩ thông (P: Dibbasota), thần thông nghe được những âm thanh đặc biệt như tiếng nói chư thiên, tiếng nói ở xa…
3. Tha tâm thông (P: Cetopariyañāṇa), thần thông biết được hiểu được tâm người khác khi họ chỉ khởi tư tưởng chưa nói ra.
4. Túc mạng thông (P: Pubbenivāsānussati), thần thông biết được đời sống quá khứ của mình, biết tiền kiếp của mình.
5. Thiên nhãn thông (P: Dibbacakkhu), thần thông thấy được đời sống chúng sanh, thấy được thân tướng sắc tế của loài hóa sanh, thấy được duyên nghiệp dắt dẫn loài hữu tình sinh tử. Thiên nhãn thông cũng còn gọi là sanh tử thông (Cutūpapātaññāṇa).
6. Lậu tận thông (P: Āsavakkhayañāṇa), thắng trí đoạn trừ được lậu hoặc phiền não chứng quả A-la-hán.
Năm loại thần thông đầu là thầnthông hiệp thế, thần thông thứ sáu là thông siêu thế.

4. A-la-hán đắc tuệ phân tích(P: Paṭisambhidappatto), tức là bậc Lậu Tận mà vừa khi đắc tứ quả cũng đồng thời đắc bốn tuệ phân tích, hay tuệ đạt thông là:
1. Nghĩa đạt thông (P: Atthapaṭisambhidā), là trí hiểu thấu đáo nghĩa lý của pháp đế; trí có khả năng phân giải chi tiết những điều được nói tóm tắt.
2. Pháp đạt thông (P: Dhammapaṭisambhidā), là trí hiểu rõ pháp, biết rõ các nguyên lý của ý nghĩa; tuệ có khả năng tổng trì pháp đề.
3. Ngữ đạt thông (P: Niruttipaṭisambhidā), là trí biết ngôn ngữ, dùng để trình bày pháp và nghĩa pháp.
4. Biện đạt thông (P: Paṭibhānapaṭisambhidā), là trí thiện xảo ứng đối, biết rõ cách lý luận, phân tích pháp.
 
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!

***
 
____________


Huy Thai gởi