Tiến Sĩ - LÒ ẤP TRỨNG VÀNG
Tiết lộ của một học viên tại Học Viện Khoa học xã hội. Tôi không chút hoài nghi. Tôi là người từng bắt rận trong chăn, tôi biết nhiều hơn thế. Cho nên tôi mới bảo giáo dục đang là cái Việt Á khổng lồ. Không ít các vịt nở từ lò ấp trứng vàng này có tham gia làm chương trình và sách giáo khoa cho trẻ em học đấy. Không biết đến bao giờ mọi sự được phanh phui như Việt Á?
Bài viết từ 2016.
Dám gọi tên "em" luôn. Nếu bịa đặt thì sao "em" không lên tiếng?
......
TÔI LÀ THẠC SĨ TRỨNG VỊT Ở LÒ ẤP CỦA THẦY VÕ KHÁNH VINH ĐÂY!
Bài: Lê Mỹ Ngọc
12/05/2016
Xin chào, tôi là một cựu học viên cao học của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tôi đã từng vô cùng háo hức khi cầm quyết định công nhận trúng tuyển của Học viện trên tay, nhưng rồi sau khi kết thúc mỗi kỳ học và đặc biệt là hoàn tất buổi Bảo vệ luận văn tốt nghiệp vừa qua, tình trạng kinh tế kiệt quệ của tôi đã ra lệnh cho tôi dừng ngay việc theo đuổi sự nghiệp học vấn của mình ở Học viện này dù tôi rất ước mơ có một tấm bằng tiến sĩ ghê lắm, kể cả bằng tiến sĩ...giấy.
Tại sao vậy? Xin các bạn cứ bình tĩnh nghe tôi tâm sự.
Các bạn à, ngay khi tôi bước chân vào Học viện thì tôi đã biết mình đang trở thành một cái trứng vịt vì nhiều lý do: không biết nói mà cũng không nên nói vì người ta đập một cái thì bể nát (các bạn đã từng bao giờ nghe thầy Võ Hoài Nam - Trưởng Cơ sở Học viện Khoa học Xã hội tại TP. HCM đe nẹt chưa? Có thể không cần đập thì trứng cũng đã bể!). Một lý do khác nữa là trước khi tôi vào học tại Học viện, tôi đã đọc báo đâu đó thấy có tin nói một cái trứng vịt gánh mấy chục loại thuế mơ hồ. Tôi cũng đóng những khoản phí mơ hồ không kém cái trứng vịt và tôi tạm gọi là đóng “thuế học”. Đó là một loại siêu thuế và nó đã nã tôi hơn100 triệu trong 2 năm làm trứng vịt ở Học viện “danh giá”này.
Hồi đầu, Ba mẹ tôi đóng học phí cho tôi (đâu chỉ hơn 15 triệu), tôi mang hoá đơn đỏ về và ông bà rất hài lòng. Nhưng than ôi, làm gì có chuyện giản đơn như vậy. Số là, chuyên ngành của tôi có 3 môn chung và hơn 10 môn riêng. Mỗi một môn như vậy tôi phải đi học 2 đợt, mỗi đợt từ thứ 6 đến chủ nhật. Cứ trung bình mỗi môn như vậy tôi phải đóng “thuế” khoảng 10 triệu cho cái mà họ cứ nói như một điệp khúc tình yêu: Hỗ trợ đào tạo.
Trong 10 triệu đó là khoảng 1/3 là cho quỹ lớp chi cán bộ lớp đưa thầy, cô đi nhậu, phong bao phong bì,... Số còn lại hát bài “Hỗ trợ đào tạo” cho Học viện. Xin nói luôn là học viên chúng tôi chưa bao giờ nhận lại được bất kỳ một thứ giấy tờ gì để chứng mình là mình đã đóng số tiền đó. Nhưng cái giá đau nhất của tôi phải trả là bị anh chàng bạn trai khá điển trai của tôi đã lơ là tôi và cuối cùng đá tôi luôn. Lý do là vì cứ liên tục cuối tuần là tôi đi học, không đoái hoài gì đến H và đỉnh điểm là lần tôi mượn H 15 triệu để chạy điểm môn Anh văn.
Tôi vẫn nhớ H nhìn tôi giống như là nhìn một con vịt và hỏi tôi lý do mượn tiền. Thật ra anh này cũng lương ba đồng ba cọc như tôi thôi nhưng được cái gia đình khá giả hơn tôi.
Tôi nói lý do chạy 5 triệu cho điểm đậu (40 điểm) kiểm tra giữa kỳ Anh văn và 10 triệu cho điểm đậu (50 điểm) cuối kỳ hết môn. H tính nhanh và nói: “Trung bình 1 điểm môn Anh văn em phải trả gần 160 ngàn đồng”. Rồi H hỏi: “Sao hồi đó em không học Anh văn có phải sướng hông?”. Hic hic, thế rồi H cũng cho tôi mượn nhưng từ lúc đó tôi có cảm giác H không coi tôi là bạn gái nữa. H bắt đầu nhìn tôi như là nhìn một thạc sĩ tương lai mà chẳng tương lai gì hay nhìn một cái trứng vịt, tôi cũng không biết nữa!
Mỉa mai là ở chỗ là H đã “biến” ngay ngày hân hoan nhất của tôi, ngày tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Tôi buồn lắm vì H không hiểu 15 triệu thì có là bao nếu tôi bị dính lại cái môn quỷ quái này. Nếu tôi rớt, nói theo thuật ngữ là “không qua” thì nghe các anh, chị khoá trước nói là “thuế” còn nặng hơn nữa và rất khó để được thầy Võ Hoài Nam nhận tiền chống trượt một lần nữa. Mà dù tôi có đủ giỏi để “qua” thì làm sao tôi có thể “qua” khi mà tôi chưa “đóng thuế”.
Xin nói thêm về cơn ác mộng môn Anh văn của Học viện tôi. Tôi dùng từ “cơn ác mộng” không biết có quá không nhưng nếu bắt tôi thay từ thì tôi sẽ thay là “nỗi ám ảnh”! Tôi phải trải qua 1 tháng ròng liên tục chớ không phải chỉ là những ngày cuối tuần như những môn kia. Không biết sao họ cứ nã “thuế” cho cái môn này. Tất cả cái thuế gọi là “Hỗ trợ đào tạo” mà họ đặt ra đều cao gấp hai, gấp ba lần môn khác và đóng rất nhiều lần. Chắc là họ biết học viên sợ môn Anh văn đáng nguyền rủa này nhất.
Trong một tháng ròng rã, đằng sau mấy câu tiếng Anh sai bét của chúng tôi mỗi ngày ậm ừ lên lớp là một hoạt động chạy điểm ráo riết. Tôi may mắn được một chú lớp trưởng hiện đang là Phó....của một tỉnh nọ, rất đại gia cho vào đường dây, nhưng không được giảm đồng nào vì thầy Võ Hoài Nam - Trưởng Cơ sở Học Viện Khoa học Xã hội tại TP. HCM, không thích kèn cựa, bớt một thêm hai, mất hay! Vả lại, đằng sau thầy Nam còn có thầy Võ Khánh Minh– Trưởng phòng Đào tạo Học Viện Khoa học Xã hội – trụ sở tại Hà Nội, là nhân vật chìa khoá, nếu không có người này, thầy Nam chắc cũng cua giò. Mà sao lại họ Võ nhiều thế nhỉ?
Tôi tìm hiểu thì mới biết thầy Nam là em trai ruột của thầy Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học Viện Khoa học Xã hội và thầy Minh chính là con trai trưởng của thầy Vinh. Một hôm tôi kể về mối quan hệ giữa ba người quyền lực nhất này của Học viện tôi đang theo học, cho sếp cơ quan tôi nghe, ông quắc mắt nói: “Tao không tin!”.
Tôi về kể ba mẹ tôi, ông bà cũng có cách trả lời như sếp tôi. Người già bỗng nhiên trở thành đa nghi. Chuyện nhỏ như vậy mà cũng không chịu tin thì tin cái gì đây! Nói về môn Anh văn, cũng không thể không kể đến cô Nguyễn Thị Nhân Ái, người mà sau này tôi được chú lớp trưởng cho biết là thường “làm việc” với cô qua... tài khoản. Cô này được mô tả là VIP của “dịch vụ chạy điểm”.
Cũng đúng thôi, cô dạy và chấm bài bọn tôi mà. Bài thi thì nghe đâu sẽ được mang về Hà Nội chấm, là nơi có trụ sở chính của Học viện ngoài đó và sẽ được cắt phách, nhưng được cái nghe đâu em gái của cô Ái lại là nhân viên cắt phách, vào phách vào điểm tại Phòng Đào tạo. Thế là phẻ re rồi cho ai chịu khó “chung chi” rồi.
Ôi, từ đó tôi mới thấy thực sự ngưỡng mộ “đường dây thu thuế” này. Sao mà nó bảo đảm đến thế chớ! Thảo nào mà chú lớp trưởng có lúc nói: “Họ mà làm khó dễ căng ke mới là chết chứ. Nhận tiền là mừng rồi. Có biết chữ tiếng Anh nào không? Muốn thi lại hở?”. Chú lớp trưởng thật lỏi đời! Cuối cùng tôi đã đậu 53 điểm. Dư đến 3 điểm.
Xin cám ơn các thày cô đã cứu vớt và bảo đảm cho sự nghiệp bằng cấp của những cái trứng vịt chúng tôi! Xem ra cũng còn rẻ mà chú lớp trưởng hén. Sau đây, tôi nghĩ mình sẽ thiếu sót nếu không kể về kỳ thi môn Anh văn của Học viện Khoa học Xã hội cơ sở tại Tp. HCM. Tôi không biết nó có xảy ra tiêu biểu ở cơ sở khác không. Này nhé, đoàn coi thi gồm có 5 đến 6 người - tuỳ thuộc vào số lượng học viên đợt đó ít hay nhiều mà họ có thể tăng hoặc giảm đi, và nghe nói từ Hà Nội vô. Đợt của tôi có gần 200 học viên thi, được xếp hình như là 4 phòng. Mỗi học viên phải đóng 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng cho Hội đồng coi thi (vị chi đợt đó tiền “thuế” cho Hội đồng thi là gần 400 trăm triệu.
Nếu tính thuế dịch vụ “trao tay” trực tiếp nữa thì một cuộc thi như vậy có khi lên đến hàng tỷ đồng tiền “thuế” chớ chẳng chơi!). Sau này tôi tình cờ được gặp lại một trong những giáo viên dạy và hỏi thi tôi, giáo viên này vô tình để lộ thông tin là không hề biết được số tiền “bồi dưỡng” mấy trăm triệu đó! Thế là tôi được hiểu thêm.
Vậy mà tôi đã từng rất ác cảm với tất cả những giáo viên dạy Anh văn của Học viện vì tôi nghĩ tất cả họ đều là mắt xích trong “đường dây thu thuế”. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh thầy Võ Khánh Minh đút tay vào túi quần đi đi lại lại, phía ngoài phòng thi với khuôn mặt mà bên tư pháp và công an hay mô tả là “thi hành án”.
Thầy soi “xuyên táo” vô mấy chị em mặc đầm, mặc đìa làm chị em đỏ cả mặt, quên cả chỗ dấu phao! Nghe mấy anh chị, cô chú lớp tôi nói thầy này vừa làm xong tiến sĩ đề tài Giáo dục quyền con người cho thiên hạ. Chắc là lúc này thầy đang ứng dụng thực tiễn đề tài chăng? Bên trong phòng thi, thì cô Ái gầm ghè đi qua đi lại, tưởng chừng như một tiếng ho của học viên cô cũng cảnh cáo.
Mới đầu tôi rất ngạc nhiên. Tôi nhủ thầm, “Đã nhận tiền rồi mà!”. Sau đó tôi nhớ đến câu nói của ba tôi kể về những cuộc vượt biển cách đây hơn 3 thập niên, ba nói: “Những kẻ bắt người vượt biên nhiều nhất thì cũng chính là những kẻ đã bán bãi nhiều nhất”. Tôi hiểu ra và thấy thông cảm cho thầy Minh, thầy Nam và cô Ái lắm lắm. Đó, các bạn thấy chưa? Chỉ là thạc sĩ thôi mà như vậy nói gì đến tiến sĩ.
Hai chữ “tiền đồ” của giáo dục ở Học viện yêu dấu của tôi được nhấn mạnh ở chữ “tiền” các bạn à. Giờ tôi chỉ lo đi làm có tiền để nhắn tin gọi H đến trả nợ cho H chớ chẳng mong gì nối lại tình xưa với ảnh. Được cái an ủi là mỗi lần nghĩ đến tấm bằng thạc sĩ, tôi cũng phần nào sung sướng và hãnh diện. Hãnh diện vì có bằng thạc sĩ thì ít mà hãnh diện vì tôi đã có thể vượt qua được số tiền “thuế học”quá khủng (nhưng chắc là chuyện nhỏ đối với mấy anh chị cô chú toàn làm quan ở lớp tôi) cùng với những gian truân ngớ ngẩn trong hai năm để có tấm bằng đó thì nhiều. Thế nhưng cái gì cũng có cái nhãn tiền của nó: Giờ tôi nợ đầm đìa, gầy rộc vì di chứng của những ngày tháng chạy tiền đóng “thuế học”, mất người yêu vì họ không hiểu mình. Và không biết tại sao lúc nào cũng có ý nghĩ mình là MỘT THẠC SĨ TRỨNG VỊT.
Nguồn fb Chu Mộng Long
_____________________
Đặng Hữu Phát gởi