TIẾNG LÓNG SÀI GÒN
Bài này chỉ nói về tiếng lóng Sài Gòn khi Sài Gòn còn tên, khi mất tên thì Sài Gòn đâu còn là Sài Gòn nữa. Tiếng lóng là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dùng trong giao tiếp thường ngày bởi một nhóm người. Tiếng lóng thường không mang ý nghĩa trực tiếp, nghĩa đen, mà mang ý nghĩa tượng trưng, nghĩa bóng.
Nhạc sĩ Phạm Duy gọi tiếng lóng là ngôn ngữ vỉa hè. Năm 1968, ông định sáng tác một loạt vỉa hè ca nhưng khựng lại sau khi cho xuất bản hai bài “Sức Mấy Mà Buồn “ và “Nghèo Mà Không Ham”, ông tiết lộ: “Hai bài ca vui đùa này được in ra và bán rất chạy. Nhưng lập tức có sự phê bình gay gắt đến từ nhiều phía. Tôi định soạn thêm bài Ô Kê Salem, Ô Kê Nước Mắm thì cụt hứng! Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn chưa chịu thua… Rồi tôi phản ứng lại bằng cách soạn những bài ngỗ nghịch hơn vỉa hè ca. Và phải có qui mô hơn. Đó là mười bài tục ca, bài thì tục về chữ, bài thì tục về ý, bài thì tục về chuyện”.
Ông trần tình tiếp về lý do có những vỉa hè ca và tục ca: “Tôi soạn vỉa hè ca và tục ca trước và sau khi đi Mỹ. Lúc đó sự có mặt của người Mỹ tại nước ta là một điều rất trầm trọng, mọi người đều sợ bị ngoại xâm xâm lăng bằng văn hóa. Người ta không thích cộng sản nhưng người ta cũng không thích văn hóa Mỹ, nhất là không muốn lối sống Mỹ xâm nhập vào Việt Nam”.
Đảo qua tục ca trước. Phải nói đây là những bài ca dùng những từ tục thiệt tục. Những bộ phận L…, C… được hát thoải mái. Không biết có phải vì không có ca sĩ nào dám hát hay không mà ông tự hát lấy và chỉ phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu. Vẫn lời Phạm Duy: “Hai vị viết sách, viết báo về tôi là Tạ Tỵ và Georges Gauthier đều cho rằng cái vui, cái tếu không phải là chất liệu Phạm Duy, cho nên tục ca không thành công. Chưa kể có người chê tôi đi tới chỗ nhảm nhí trong nghệ thuật. Tôi cũng hiểu được vì sao có những người chống đối tục ca dù họ không biết cặn kẽ nội dung của nó. Tôi không hề tung tục ca ra quần chúng. Tôi chỉ tặng vài người bạn thân một băng cassette ghi lại buổi hát chơi ở Vũng Tầu và còn dặn dò đừng phổ biến!”. Trong tủ nhạc của tôi vẫn giữ cuốn cassette tục ca này do nhạc sĩ Trường Kỳ tặng. Mười bài tục ca đó có tên như sau: Em Như Cục Cứt Trôi Sông, Tình Hôi, Gái Lội Qua Khe, Úm Ba La Ba Ta Cùng Khỏi, Bà Già Khỉ Đột Giao Hoan, Mạo Hóa, Nhìn L…, Em Đ…, Chửi Đổng và Cầm C…
Vỉa hè ca có nhan đề là những tiếng lóng. Phạm Duy cho biết: “Lúc tôi soạn vỉa hè ca là lúc quân đội ngoại quốc đổ bộ ào ạt vào Việt Nam. Trước sự xâm nhập của nền văn minh vật chất, một số người mình quả thật có chạy theo lối sống Âu Mỹ! Sự ham muốn những gì quá tầm tay của mình, chẳng hạn già như tôi mà còn mê gái sẽ bị gái nguýt cho một cái: “Xí! Già mà ham!””. Già mà ham, tiếng lóng này ai cũng rõ nghĩa. Chỉ có anh Yamaha của Nhật loạng quạng vướng phải khiến dơ đầu chịu tiếng thế cho chữ tiếng lóng Việt Nam.
Sức Mấy Mà Buồn, đây là tiếng lóng xuất hiện vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Sức mấy có nghĩa là bất lực hay chuyện không thể làm được. Nó phổ biến đến nỗi từ tổng thống, phó tổng thống, tướng tá, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tới các em bé đành giầy trên vỉa hè đều dùng thoải mái trong văn viết cũng như văn nói. Thông thường tiếng lóng chỉ được nói chứ ít khi được viết ra trên báo chí sách vở. Vậy mà ông ký giả Đinh Từ Thức của các nhật báo đứng đắn như Tự Do, Sống, Hòa Bình, Chính Luận còn dùng bút hiệu Sức Mấy để viết “phim” trên báo.
“Phim” trên báo không phải là phim ảnh mà là mục…phiếm phải có trên các nhật báo Sài Gòn ngày đó. Mục “phim” nổi tiếng nhất là Ao Thả Vịt của Chu Tử trên báo Sống. Ngày đó báo chí còn nói tới tiếng lóng “khều mặt trời” nhưng chắc ít người còn nhớ. Chuyện như vầy: Sau khi dinh Độc Lập bị hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử bỏ bom làm hư hại, kiến trúc sư giải Khôi Nguyên La Mã Ngô Viết Thụ được mời thiết kế dự án tái thiết dinh. Trong buổi lễ khai mạc dinh mới, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã giải thích về kết cấu dinh. Khi nói về những tấm rèm đá hình cây trúc, quốc huy của Việt Nam thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nằm khắp mặt dinh, ông nói những tấm màn đá này có mục đích đón ánh sáng mặt trời ùa vào hành lang. Báo chí thời đó nhạo việc đón ánh sáng mặt trời này là “khều mặt trời”. Thời gian đó, tôi được nhật báo Dân Ý mời viết mục phim trên trang nhất mỗi ngày, tôi đặt tên mục phim đó là “Khều Mặt Trời” và ký tên “Thầy Khều”. Sau này, khi đứt phim, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và tôi đều bị lùa vào trại học tập Long Thành, cùng ở chung nhà số 2. Tôi nằm trong “tổ trang hoàng” chuyên vẽ và trồng cây cho trại, tổ trưởng là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Khi đó, nghĩ tới chuyện khều mặt trời, tôi cười một mình, chẳng dại chi mà khai với ông kiến trúc sư. Khi cả hai chúng tôi được thả về, tôi vẫn lui tới chơi với ông tại nhà riêng trên đường Đoàn Thị Điểm (?), gần vườn Tao Đàn.
Trong vỉa hè ca của Phạm Duy có câu: “Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám”. “Bỏ đi Tám” cũng là một tiếng lóng của dân Sài Gòn. Sao không Bảy hay Chín mà lại Tám? Tiếng lóng này xuất hiện tại Sài Gòn vào khoảng đầu thế kỷ 20. Thời đó chuyện xưng hô thứ bậc trong xã hội được phân chia theo giai cấp rất cứng nhắc. Thứ nhất là các ông tây hay các vị quan lại người Việt, giới quyền quý ăn trên ngồi trốc trong xã hội. Thứ hai là các công chức làm việc cho nhà nước. Họ là dân có học, được gọi là các thấy Hai thông ngôn hay thày Hai ký lục, thày Hai thư ký. Thứ ba là các thương gia Hoa Kiều, có tiền và có truyền thống bang hội tương trợ liên kết với nhau. Họ không có quyền nhưng gần với giới cầm quyền nên các “chú Ba” đương nhiên là một thế lực đáng vị nể của giới bình dân Sài Gòn. Thứ tư là các đại ca giang hồ chuyên sống bằng nghề đâm chém nhưng có tình nghĩa. Các “anh Tư dao búa” vừa là hung thần khiến dân chúng sợ sệt, vừa được sự ngưỡng mộ của giới bình dân cũng như các tiểu thư khuê các. Thứ năm là giới lưu manh hạ cấp, các “anh Năm” đá cá lăn dưa, móc túi giật đồ , cò mồi mãi dâm mà dân chúng khinh nhưng sợ. Thứ sáu là các “thày sáu mã tà” tức các cảnh sát phú lít có nhiệm vụ giữ trật tự bị dân buôn gánh bán bưng ghét vì chuyên đạp đổ nồi cơm của họ, bị dân chúng khinh vì ăn hối lộ tạp nhạp lấy tiền nhẩm xà nhưng cũng được dân sợ vì có uy có quyền. Thứ bảy là các “anh Bảy Chà Và” chuyên cho vay nặng lãi, lại có thể dùng tiền tùng phùng với giới chức người Pháp bị dân chúng ghét nhưng vẫn sợ, nhất là những người buôn gánh bán bưng phải vay vốn nặng lãi. Thứ tám là giới bình dân nghèo khó, dân ngu khu đen, lấy sức kiếm miếng ăn như phu bốc vác, chị ở đợ, gánh nước bồng em hoặc các phu kéo xe. Tuy giới này có số đông nhưng yếu thế nhất vì thất học , không có quyền và có tiền như thày Hai, anh Ba, không bặm trợn như các “anh Tư”, “anh Năm” nên bị bắt nạt, áp bức từ mọi phía. Muốn yên thân phải cắn răng chịu thiệt, nhẫn nhục sống, chuyện chi cũng “bỏ đi Tám”!
Thành phần thứ ba kể trên là các chú Ba. Đây là một lực lượng đông đảo, đoàn kết. Chẳng thế mà họ có cả khu vực Chợ Lớn to đùng. Dân ta không ưa nhưng vẫn nể phục họ, gọi họ bằng nhiều chữ: Ba Tàu, Các Chú, Khách, Chệt hoặc Chệc. Gia Định Báo phát hành ngày 16/2/1870 giải thích như sau: “An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu. Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy. Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc”. Dân ta còn kêu họ là Khựa, thím Xẩm hoặc Chú Ba.
Thành phần thứ tư là các đại ca trong giới giang hồ. Tiếng lóng gọi là dân chơi, chúng ta có “dân chơi cầu Ba Cẳng”. Nghe tới “dân chơi cầu Ba Cẳng” chúng ta dễ nghĩ là những tay giang hồ nghĩa hiệp trừ gian diệt bạo nhưng không phải. Cầu Ba Cẳng là một cây cầu chỉ dành cho người đi bộ, được thiết lập từ khi Sài Gòn mới hình thành. Tên chính thức của cầu là “Pont des Trois Arches” (Cầu Ba Vòm), sau dân gian gọi là cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưn rồi Cầu Ba Cẳng, cái tên còn tồn tại đến ngày nay. Cầu nằm ở ngã ba của con kênh Hàng Bàng đổ ra rạch Tàu Hũ. Ba chân cầu đáp xuống bến Bãi Sậy, bến Nguyễn văn Thành và bến Vạn Tượng. Nhiều người, trong đó có tôi, không rành địa thế khu vực Chợ Lớn nên nghe mà bù trất. Chỉ cần biết cầu Ba Cẳng chỉ cách chợ Kim Biên vài trăm thước là đủ. Ông Năm Nghị, cư dân địa phương, 75 tuổi, kể lại: “Thời ấy dân giang hồ chia nhau cát cứ những khu vực làm ăn đông đúc để bảo kê thu lợi. Nhóm giang hồ ở cầu Ba Cẳng chuyên lừa đảo để kiếm tiền, kiếm tình nhưng dám làm mà không dám chịu, luôn tránh né khi gặp chuyện. Nổi bật nhất trong giới giang hồ cầu Ba Cẳng là Mã Ban, không chịu học hành, lao vào ăn chơi. Bị mẹ la mắng, Mã Ban bỏ học, thu thập đàn em, làm bảo kê cho các cửa hàng trong khu vực nên có tiền ăn chơi phủ phê. Vợ Mã Ban là con một thương gia người Hoa giầu có. Khi Ban tới tuổi quân dịch, cha vợ dùng tiền lo cho Ban trở thành cảnh sát. Có tiền, có thế, Ban tha hồ ăn chơi. Ông Năm Nghị nói: “Giới giang hồ và cảnh sát như mặt trời với mặt trăng, thế mà Mã Ban chấp nhận trở thành cảnh sát khiến đàn em không phục. Từ đó tiếng lóng “dân chơi cầu Ba Cẳng” ra đời nhằm phân biệt với giới giang hồ thứ thiệt như Đại Cathay chẳng hạn”. Giang hồ Đại Cathay chắc nhiều người đã nghe danh. Chuyện kể thời đó tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Cảnh Sát, rất chịu chơi, quyết thực hiện chiến dịch bài trừ du đãng. Ông lập ra biệt đội hình cảnh để hành động. Ông chiêu dụ Đại Cathay nếu từ bỏ làm đại ca nhóm giang hồ, giúp ông dẹp được du đãng Sài Gòn, ông sẽ mời gia nhập lực lượng cảnh sát với chức Đại Úy, Cảnh Sát Trưởng một quận ở Sài Gòn. Đại Cathay khảng khái trả lời: “Tôi không thể làm hài lòng Chuẩn Tướng được. Tôi chấp nhận như thế thì còn mặt mũi nào nhìn ai ở đời này”.
Đại Cathay chính là hình mẫu của nhân vật Trần Đại trong cuốn truyện “Điệu Rơi Nước Mắt” của Duyên Anh. Theo tác giả Duy Chính, cuộc hội ngộ giữa Duyên Anh và Đại Cathay xảy ra khi Duyên Anh nhờ một đàn em của Đại Cathay là Hùng Đầu Bò dàn xếp cuộc gặp gỡ. “Nhà văn Duyên Anh (tên thật là Vũ Mộng Long) từ Bắc di cư vào Nam, lúc này đã nổi tiếng với nhiều tác phẩm cho thanh thiếu niên, đang là chủ bút tờ Tuổi Ngọc, quen Hùng “đầu bò”, nghe kể, tỏ ra thích thú. Hùng “đầu bò” xin ý kiến Đại Cathay. Để tỏ ra là người biết trọng nghệ thuật, Đại cho mời nhà văn Duyên Anh đến đàm đạo trong tiệm hút thuốc phiện Đông Kinh trên đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1… Nhà văn Duyên Anh nói: “Anh giống như nhân vật bước ra từ trang sách của Francoise Sagan!”. Nghe đến đây, dù chẳng biết nhà văn Francoise Sagan là ai nhưng cũng khiến Đại Cathay sung sướng muốn rụng rời chân tay.
Hắn quay lại hỏi đàn em một câu khiến ông nhà văn cụt hứng: “Sagan… là ông nào vậy?”. Lâm chín ngón phải kề tai nói nhỏ là nữ văn sĩ Pháp, chuyên viết về bụi đời, được giải Nobel… Đại càng thích hơn, mời nhà văn nhậu mấy chập. Một thời gian sau Duyên Anh cho xuất bản tiểu thuyết “Điệu ru nước mắt” rất nổi tiếng. Nhân vật chính là Trần Đại, lấy nguyên mẫu từ Đại Cathay. Có khác chăng nhân vật Trần Đại trong “Điệu ru nước mắt” xuất thân là con nhà giàu, học giỏi nhưng chán ghét thời cuộc, bỏ nhà theo tiếng gọi giang hồ, làm đại ca nhưng vô cùng nghĩa hiệp, cứu giúp kẻ thân cô thế cô, dám đánh cảnh sát ăn hối lộ. Cuối cùng, vì chung thủy với mối tình vô cùng lãng mạn, đã chết trên hàng rào kẽm gai một cách lâm li bi tráng…
Hùng “đầu bò” tìm mua quyển tiểu thuyết, mừng lắm, đem về cho đại ca. Những phần đầu Đại Cathay đọc sướng lịm ngất ngây, lim dim thưởng thức. Tuy nhiên, ở phần kết, Đại Cathay nổi khùng lên khi đọc tới đoạn nhân vật Trần Đại nằm vắt trên hàng rào mà chết.
Hắn thét lên: “Thằng Duyên Anh đáng chết, dám chơi xỏ tao. Tao thế này mà phải lụy đàn bà đến khô cả xác à? Tụi bay tìm cắt gân chân cho tao!”. Mấy tên đàn em “có chữ” như Hùng “đầu bò”, Hoàng ghi ta xúm lại can ngăn, rằng đó là hư cấu, “chết rất đẹp” chứ không phải “lụy đàn bà”, Đại nhất quyết phải “luộc” Duyên Anh cho bằng được. Hùng “đầu bò” vốn quen biết nhà văn Duyên Anh, lại hiểu rõ tại đại ca “dốt” chữ chứ không phải nhà văn chơi xỏ nên lo cho nhà văn, mật báo tin dữ. Duyên Anh nghe tin báo, rụng rời chân tay, không kịp lấy quần áo, vội vàng dông thẳng lên Đà Lạt trốn đòn thù. May cho Duyên Anh là cuối năm ấy (1966), Đại Cathay bị cảnh sát tống ra đảo Phú Quốc, mới dám trở về Sài Gòn. Tiếc cho cuộc đời Đại Cathay, y không kịp sống để xem bộ phim “Điệu ru nước mắt” do hai diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Trần Quang và Thanh Nga đóng. Cái chết của Trần Đại trong phim và giọt nước mắt của người yêu tên Loan đã làm xúc động thế hệ khán giả thời bấy giờ vì đẹp như cái chết của Romeo và Juliet!”
Không biết có bao nhiêu phần sự thật trong chuyện kể của tác giả Duy Chính này nhưng nghe thấy khoái lỗ tai. Tháng 8/1966 Đại Cathay bị bắt. Ngày 28/11/1966, một chiếc máy bay C47 chở Đại Cathay và nhiều du đãng khác ra giam ở Phú Quốc. Không chịu khuất phục, tay giang hồ khét tiếng liên lạc với vợ gửi 60 cây vàng ra lo lót cho cai ngục để đào thoát. Kế hoạch bị Tướng Loan biết và cho cảnh sát mai phục bắn chết. Khi đó Đại Cathay vừa tròn 26 tuổi.
Tiếng lóng Sài Gòn nổi tiếng nhất có lẽ là “OK Salem”. Tôi chắc là tới ngày nay mọi người vẫn chưa quên từ “OK Salem”. Có điều vui vui là ngay chữ OK đã là một tiếng lóng của Mỹ. Có nhiều giả thuyết về tiếng lóng ngày nay được dùng khắp nơi trên thế giới này. Một số người cho chữ này bắt nguồn từ chữ “okeh” của bộ lạc da đỏ Choctaws ở châu Mỹ. Nghĩa của “okeh” là…OK. Theo nhà ngôn ngữ học Allen Waiker Read, OK là dạng viết tắt của cụm từ “All Correct”. Lại có người cho OK là chữ viết tắt bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Giả thuyết sau đây có vẻ bài bản hơn. Vào thập niên 1830, những nhà trí thức trẻ ở Boston muốn có một cách giao tiếp đặc biệt nên quyết định tạo ra những mật mã ngôn ngữ riêng nội bộ. Công thức tạo từ của họ là: cố tình viết sai chính tả những cụm từ phổ biến để tạo ra từ đồng âm vô nghĩa, sau đó thì lấy hai chữ cái đầu tiên dùng làm mật mã. Điều này dẫn tới xu hướng tạo ra những từ viết tắt như KC là “Knuff Ced” (enough said – nói đủ rồi) và OW là “oll wright” (alright – ổn). Trong đó từ viết tắt nổi tiếng hơn cả chính là OK: “oll korrect” tức “all correct” – “tất cả đều đúng”. “All correct” đã được sử dụng thường xuyên ở cuối các văn bản với mục đích xác nhận những thứ nêu trên đều chính xác. Cách viết tắt “OK” chỉ thật sự trở nên thông dụng khi được báo Boston sử dụng lần đầu tiên vào thứ bảy ngày 23/3/1839. Những tờ báo khác cũng dần sử dụng “OK”, biến nó thành một từ được hiểu biết rộng rãi chứ không còn là ngôn ngữ riêng của giới trẻ Boston nữa. Tổng thống thứ 8 của Hoa Kỳ Martin Van Buren đã quyết định sử dụng “OK” làm biệt danh cho bản thân ở các vận động tái tranh cử vào năm 1840. Ông đến từ Kinderhook, New York và đã áp dụng khẩu hiệu: Old Kinderhook was “oll korrect” (Người đàn ông già đến từ Kinderhook luôn luôn đúng), viết tắt cực kì bắt mắt: OK was OK. Những người ủng hộ Martin còn lập ra những “Câu lạc bộ OK”, còn những kẻ phản đối sẽ áp dụng công thức ban đầu của các nhà tri thức trẻ Boston để tạo nghĩa mới cho OK như “Orful Katastrophe” (awful catastrophe – thảm họa tệ hại) để làm nhục tổng thống. Martin sau đó đã thua cuộc tranh cử này nhưng những hoạt động tranh cử của ông đã đủ làm từ “OK” nổi tiếng khắp nước Mỹ. Khi KC hay OW dần đi vào quên lãng, “OK” ngày càng phổ biến. Năm 1844, máy điện báo được phát minh và mọi người cần một cách ngắn gọn và hiệu quả để xác minh đã nhận được tin nhắn. “OK” đã được chọn và các hướng dẫn sử dụng điện báo ghi rõ rằng tất cả tin điện báo phải được hồi âm với tín hiệu “OK” khi nhận.
Ngày 8/3/1965, những quân nhân đầu tiên của Tiểu Đoàn 3, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, đổ bộ xuống Đà Nẵng, tiếng lóng OK đã theo chân các chú G.I. du nhập vào Việt Nam. OK lập tức được Việt hóa thành “OK Salem” khi dân đạp xích lô, trẻ đánh giầy chạy theo lính Mỹ chìa tay xin thuốc lá hay kẹo cao su. Càng ngày số lính Mỹ tại Việt Nam càng gia tăng. Họ có mặt trên nhiều tỉnh thành. Các quán snack bar mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu giải trí của họ. Khác với các snack bar bên Mỹ là những cửa hàng bán thức ăn nhẹ, xì-nách-ba ở Việt Nam là nơi uống rượu giải sầu của đám thanh niên trai tráng xa nhà. Giải sầu phải có các cô gái ngồi bên cùng uống mới có ép-phê nên một loạt các cô gái bán bar với áo quần cũn cỡn, đổ xô nhau hành nghề. Họ không uống rượu mà mè nheo lính Mỹ mua “Saigon tea” với giá khoàng 1 đến 2 đô một ly cho họ uống. “Saigon Tea” trở thành một tiếng lóng mà anh lính Mỹ nào cũng nằm lòng. Các cô gái bán ba thường ít học, không biết tiếng Mỹ nên sáng chế ra các tiếng lóng giả cầy mà anh lính Mỹ nào cũng hiểu như “No star where” (Không sao đâu), “Buy me Saigon tea” (Mua Saigontea cho em). Tiếng Mỹ giả cầy còn có từ “mumber one” mà ta gọi là “số dzách”. Thành phần bình dân giao dịch với lính Mỹ muốn khen anh G.I. chi xộp chỉ cần giơ một ngón tay: “You number one”. Vậy là hai bên đều hiểu là một câu khen. Trái ngược lại “number ten” là câu chê. Thậm tệ hơn là câu chê “năm-bơ-ten tháo giường”. Đó là phiên âm của “number ten thousand”!
Sài Gòn là thành phố rất sinh động nên thời nào cũng phát sinh ra tiếng lóng của thời đó. Thời Pháp thuộc, nhà bưu điện gọi là “nhà dây thép”, con tem gọi là “con cò”, cảnh sát trưởng một quận được gọi là “ông cò”, nhân viên sửa morasse tại các tòa báo là “thầy cò”, tay môi giới chạy việc là “cò mồi”, tiền môi giới chạy việc gọi là “tiền cò”. Không biết có còn những “cò”nào khác không?
Khi kinh tế phát triển, xe hơi có tiếng lóng là “xế hộp”, xe ngựa là “ôtô hí” , xe đạp là “xế độp”, đi nhảy đầm là “đi bum”, đi tán gái là “chim gái” hoặc “cua gái” hay “o mèo”, cua gái với ý đồ xấu là “bắt bò lạc”, đi ngắm gái là “đi nghễ”, quần là “quởn”, quần áo xịn diện đi chơi là “đồ vía”, chơi tứ sắc là “đi xòe”, đánh chắn là “múa quạt”, chơi mạt chược là “đi xoa”, đi uống rượu là “đi nhậu”, tiền bạc gọi là “địa”, nhiều tiền là “đông địa”, làm tiền người khác là “bắt địa”, ăn cắp là “chôm chỉa” hay “nhám tay” hoặc “cầm nhầm”, tuyệt vời là “hết sảy”, không giữ lời hứa là “xù”, bố mẹ là “ông bà via” hoặc “khứa lão”.
Cái chết thường bị kiêng kỵ, ít được nhắc tới. Vậy mà tiếng lóng Sài Gòn có tới 7 tiếng lóng chỉ cái chết: tịch, hai năm mươi, mặc sơ-mi gỗ, đi ô tô bương, chầu Diêm vương, đi bán muối, hui nhị tỳ. Kể cũng…can đảm.
Dân làng báo chúng tôi hồi đó cũng là vua tiếng lóng. Báo hàng ngày gọi là “nhật trình”. Nhật trình ra hàng ngày nên những giờ trước khi báo ra tòa soạn nhộn nhịp như đánh vật. Kẻ chạy ra, kẻ đi vô, cột báo thiếu mấy phân cần trám vô, vậy là “tin kho tiêu” được moi ra. Tin kho tiêu là tin không cần thời gian, cứ vứt đó, khi nào có một khoảng trống cần ráp vô là moi ra xài. Các nhật báo ngày đó thường có mục “Xe Cán Chó, Chó Cán Xe” đăng những tin hạng nhì, vậy mà cột báo này lại ăn khách. Hầu như trong mỗi người chúng ta tính tò mò cũng nằm vùng. Tin loại “chó cán xe” đáp ứng được cái tính đó. Những tin quan trọng được gọi là “tin vơ-đét”, nhại từ chữ tây vedette, được bưng lên trang nhất. Tóm tắt tài liệu thành một bài tóm gọn gọi là “luộc bài”, chắp nhiều nguồn vào thành một bài gọi là “xào bài”. Tin tung ra để thăm dò dư luận là “tin ba-lông”. Đây là một thứ tin có thể có thật chưa được tiết lộ, tung ra để coi phản ứng của độc giả. Tin ba-lông khác với “tin phịa” là tin hoàn toàn bịa đặt. Điển hình là phóng sự “Con Ma Vú Dài tại Khám Chí Hòa” của báo Trắng Đen vào đầu thập niên 1960.
Báo hàng ngày hồi xưa đều phải có truyện dài hàng ngày, gọi là “feuilleton”, để giữ độc giả. Đây là chiêu cạnh tranh nhau khốc liệt nhất. Đầu tiên chỉ một truyện, rồi leo thang lên dần tới cả chục truyện. Có lúc ông Thứ Trưởng Bộ Thông Tin Trần Ngọc Huyến phải ra lệnh giới hạn mỗi báo chỉ được đăng một truyện feuilleton thôi. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, khi ông Phạm Thái nắm bộ Thông Tin đã cởi trói cho đăng thả giàn. Các nhà văn Mai Thảo, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh và nhiều nhà văn nổi tiếng khác đều đã cầm tiền feuilleton. Mấy ông nhà văn thường lười, viết truyện feuilleton thì không lười được, mỗi ngày phải trám đủ mấy cột báo. Nhờ vậy mà các ông có tác phẩm xuất bản sau khi đăng báo. Phần lớn tiểu thuyết của Mai Thảo đều là sản phẩm mì ăn liền từ feuilleton. Nhưng rầm rộ nhất của truyện feuilleton là ông nhà văn Kim Dung sống ở Hồng Kông. Truyện của ông được đăng hàng ngày trên báo Hồng Kông bằng tiếng Hoa, nhiều báo Việt Nam đăng lại. Người tiên phong dịch truyện Kim Dung là Tiền Phong Từ Khánh Phụng. Ông này người Minh Hương, thường được gọi tên là “Sìn Phoóng”, đọc chữ Hoa nhanh như chớp. Truyện đầu tiên ông dịch là Bích Huyết Kiếm đăng trên báo Đồng Nai. Một dịch giả trẻ thông thạo chữ Hán là Tam Khôi “cạnh tranh” dịch bộ Anh Hùng Xạ Điêu cũng của Kim Dung đăng trên tờ Dân Việt. Từ đó báo chí Sài Gòn rộ lên truyện Kim Dung. Một loạt các dịch giả truyện Kim Dung từ đó nổi lên được các báo trải chiếu hoa đón chào. Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Vân, Phan Cảnh Trung, Đà Giang Tử, Tường Anh, Lã Phi Khanh, Vũ Ngọc, Dương Quân, Khưu Văn, Cao Tự Thanh, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến), Vũ Đức Sao Biển, Ngọc Thạch Hữu Nùng, Phạm Tú Châu.
Truyện Kim Dung đăng trên Minh Báo ở Hong Kong, mỗi ngày chỉ vài ngàn chữ. Nhưng vài ngàn chữ này là vàng ròng được gửi theo máy bay đi khắp nơi trong đó có Việt Nam. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa Sài Gòn chỉ có 9 nhật báo. Tháng 12/1963, sau đảo chánh, có tới 44 tờ. Tất cả đều có đăng truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Có khi máy bay từ Hồng Kông qua chậm, các dịch giả, các chủ báo và các độc giả vò đầu bứt tai như đỉa phải vôi. Hàn Giang Nhạn là dịch giả được các chủ báo o bế nhất. Ông dịch cho cả chục tờ báo. Khi nhận được tờ Minh Báo , ông nửa nằm nửa ngồi trên ghế trường kỷ, mắt đọc, miệng dịch cho người thư ký ngồi bên cạnh ghi lại, chung quanh là các tay chạy bài của các báo có hợp đồng ngồi chờ. Người thư ký ghi trên một sấp giấy có kẹp giấy than để viết thành nhiều bản. Ngưởi thư ký đó là ông Nguyễn văn Tầm sau này kể lại: “Nhà của Hàn Giang Nhạn tiên sinh ngày ấy ở Bàn Cờ. Buổi sáng, tiên sinh vừa uống cà phê xong là đã có 12 anh tùy phái của các nhật báo tới chờ. Tiên sinh mở tờ Minh Báo ra và cứ thế mà dịch và đọc cho tôi viết bằng tay. Tôi phải lấy 12 tờ giấy pelure loại mỏng, lót 11 tờ carbon, cố gắng ấn đầu bút Bic xuống thật mạnh để “lực đạo” có thể in qua 12 tờ giấy. Hễ tùy phái nào đến trước thì được bản ở trên, ai tới sau phải chịu lấy bản ở dưới. Cho nên chữ nghĩa lộn xộn, cùng một dịch giả mà báo này in khác báo kia”. Mấy ông sắp chữ ở các tòa báo hẩm hiu nhận phải bản mờ căng mắt lên vừa đọc vừa đoán, có khi chữ tác đánh ra chữ tộ, nên bản dịch do cùng một người dịch mà mỗi báo in một phách! Cũng từ truyện chưởng Kim Dung, các nhà văn thứ thiệt khi viết phim đã dùng tên các nhân vật trong truyện làm bút danh như: Kiều Phong (Lê Tất Điều), Hư Trúc (Nguyên Sa), Kha Trấn Ác (Chu Tử). Truyện chưởng Kim Dung phổ biến như vậy nên có nhiều tiếng lóng ăn theo. Như “Nhạc Bất Quần” chỉ người ngụy quân tử, “Đoàn Chính Thuần” chỉ đàn ông đa tình nhiều vợ. Ngôn ngữ vỉa hè còn có “tẩu hỏa nhập ma”, “cho một chưởng”, “nhất dương chỉ”.
Cuối cùng tôi không thể bỏ qua một tiếng lóng thời thượng còn sống lay lất tới tận bi chừ: “xưa rồi Diễm”. Ai cũng biết chữ lóng này bắt nguồn từ bản nhạc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn. Bản nhạc này là một trong những bài nổi tiếng nhất của nhạc sĩ họ Trịnh, không chỉ ở Việt Nam. Tại hội chợ Osaka năm 1970, ca sĩ Khánh Ly đã hát lời Nhật của Diễm Xưa dưới nhan đề: Utsukushii mukashi. Dân Nhật kết bài hát này liền. Họ đã chọn Diễm Xưa Utsukushii mukashi là một trong 10 tình ca hay nhất mọi thời đại tại Nhật. Ca sĩ Nhật Yoshimi Tendo đã hát lời Nhật bản Diễm Xưa và được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất trên truyền hình. Đài truyền hình Nhật NHK đã chọn bản Diễm Xưa làm nhạc chính cho một bộ phim nói về cuộc hôn nhân của một ông Nhật lấy vợ Việt Nam. Năm 2004, Đại học Kansai Gakuin đã xuất bản một cuốn sách viết về bản Diễm Xưa có kèm theo DVD khi đưa bản nhạc này vào chương trình học môn “Văn Hóa và Âm Nhạc” của trường.
Nhân vật của bản nhạc, Ngô Vũ Bích Diễm, sau khi tốt nghiệp ban Đốc sự trường Quốc Gia Hành Chánh, đã về làm việc với tôi tại Bộ Xã Hội. Trong những lần chuyện trò tâm sự, cô cho biết hồi đó còn nhỏ, ở gần nhà Trịnh Công Sơn tại Huế, thường đi ngang qua nhà Trịnh Công Sơn, khiến người nhạc sĩ đa tình cảm hứng viết thành nhạc. Khi tới tuổi, cô “tỉnh bơ” đi lấy chồng!
Tôi không sanh trưởng ở Sài Gòn nhưng là dân Sài Gòn. Mỗi lần có dịp viết về những chuyện Sài Gòn tôi lan man không dứt ra được. Từ khi bị đổi tên, thành phố làm mặt lạ với dân Sài Gòn xưa. Sài Gòn của tôi, trong tôi vẫn là những kỷ niệm không bao giờ phai, trong đó có tiếng lóng của Sài Gòn.
Song Thao
06/2025
________________
Đỗ Hứng gởi
