TIẾNG VIỆT CHUYỆN VIỆT TÁM. SỐ TÁM Chữ Nôm : 渗
Đã viết từ một đến bảy. Nay là tám.
Anh Tám thuộc vào thành phần đông đảo nhất trong xã hội. Anh làm đủ thứ nghề lao động chân tay : bốc vác, gánh nước, lơ xe, phụ hồ, kéo xe...
Anh không ăn trắng mặc trơn như thầy Hai, không giàu như chú Ba, anh Bảy Chà và, hay bặm trợn như anh Tư dao búa hay anh Năm đá cá lăn dưa.
Anh yếu thế hơn mọi người. Khi đụng chuyện, biết anh có làm tới cũng không ra gì nên họ khuyên anh :
-Thôi, bỏ đi Tám!
Riết rồi, câu nói này lan qua các thành phần xã hội khác, thay vì khuyên nhau dĩ hòa vi quý, người Sài Gòn nói gọn "bỏ đi Tám".
Chuyện của anh được ghi lại cuối bài này.
PHẠM DUY CHO VÀO NHẠC
Bỏ đi tám.
Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi tám
Sức mấy mà buồn, vào ngay Đảng hết buồn.
Sức mấy mà buồn, cười lên để tranh đấu
Sức mấy mà buồn, vượt ra khỏi cái sầu.
Vì chữ Đảng đang bị kiểm duyệt trong nước mình nên câu thứ hai không có chữ Đảng mà viết thay vào đó ba chấm và giải thích thêm rằng câu này có bỏ một chữ là chữ Đảng.
GẠO TÁM
Gạo tám thơm. Nói tắt là gạo tám có thể lộn với gạo tám xoan.
Tiếc thay hột gạo tám xoan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.
***
Được mùa kén những tám xoan
Đến khi cơ hàn, giẻ cũng như chiêm
Gạo Tám Thơm có màu trắng ngà sữa, thơm mùi cốm dễ chịu.
Hạt nhỏ đều, ít bị gãy khi xát. Gạo nấu lên toả hương thơm, hạt cơm dẻo săn, vị ngọt đậm đà.
TÁM XOAN
Lúa Tám Xoan được trồng ở những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông. Mưa dầm không úng, nắng hạn không khô.
Loại gạo thơm này để dành cho ngày tết, ngày giỗ hay để chiêu đãi thượng khách, bạn bè thân hoặc đong năm, ba cân biếu làm quà.
Hạt Tám Xoan thon, dài mỏng mình, màu trắng xanh như người con gái ở tuổi đôi mươi, mỏng mày hay hạt. Một vốc nhỏ cũng đủ tỏa mùi thơm.
Nấu Tám Xoan bằng niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm. Cơm Tám Xoan ăn với giò lụa, chả quế, rưới thêm ít nước mắt nhĩ, rắc chút hạt tiêu.
TÁM, ĐÔI TÁM
Tuổi vừa đôi tám. Đôi tám là mười sáu. Gái mười bảy mới bẻ gảy sừng trâu.
Một cân là 16 lượng. Vậy là bên tám lượng, người nửa cân thì hai bên bằng nhau.
Ba mươi đời tám mươi kiếp...một câu nói để chửi mắng kèm theo.
BỐN PHƯƠNG TÁM HƯỚNG
Bốn phương tám hướng chỉ hết các phương hướng trong bầu trời. Thông thường là bốn hướng chính đông, tây, nam, bắc được chia theo các góc đối nhau 90 độ.
Từ các hướng chính này chia thành tám hướng theo các góc 45 độ với các hướng chính là : Đông nam, hướng chính nam, hướng tây nam, hướng chính tây, hướng tây bắc, hướng chính bắc và hướng đông bắc.
TÁM LÀ BÁT
Thương nhau tam tứ núi cũng trèo
ngũ lục sông cũng lội... thất bát đèo cũng qua.
Bát Chánh Đạo là tám điều phải sống theo khi học Phật. Nhận biết đúng đắn, suy nghĩ đúng, nói lời chân thật, ngay thẳng, hợp lý, hành động hợp lý, sống theo lẽ thiên nhiên và biết tu học.
ANH TÁM SẠC NE
Anh Tám Sạc-Ne là tiêu đề hình hí họa trên trang tư nhật báo Dân Chúng một thời xuất bản tại Sài gòn. Charner là tên một đại lộ tại Sài gòn.
Và đây là câu chuyện của anh Tám Sạc Ne.
CHUYỆN THIỆT CỦA ANH TÁM SẠC NE
Anh Tám là người con thứ tám trong một gia đình nông dân ở Bến Tre, anh lên Sè gòn kiếm việc.
Anh không có nghề gì trong tay. Tiền đem theo còn lại năm mươi đồng bạc, anh đi mướn một chiếc xe kéo chạy trong thành phố kiếm ăn.
Một hôm, anh đón khách tại đường Charner trước cửa Xã Tây tòa đô chính. Anh chở thầy ký (thư ký) về cao ốc Cửu Long đường Hai Bà Trưng.
Anh Tám kêu thầy ký là bác Hai. Thầy ký quê ở Hà Nội không muốn, cãi lại : Tên tôi là Ký, tại sao anh lại kêu tôi là bác Hai ? Xin anh chở tôi vô Chợ lớn cho tôi ăn cơm, ăn xong anh chở tôi về, sẵn dịp tôi mời anh ăn với tôi cho vui.
Anh Tám để thầy Ký xuống xe ở chợ An Đông, hai người ngồi ăn cơm gà tại đây, bày trên lề đường cho có gió mát. Uống xong ly nước mía, anh Tám phân bua nói rằng:
Sở dĩ tôi kêu bác là thầy Hai, vì bác làm việc trong Xã Tây, là người có chức vụ quan trọng. Ở đây, chúng tôi kêu gọi thiên hạ theo thứ bậc trong xã hội, bác đứng vào hàng số 2 nên tôi gọi bác là thầy Hai.
Thầy Ký hỏi: Như vậy, ai là người lớn nhất ở Saigon?
Anh Tám nói: Lớn nhất là ông Xã Tây người Pháp; thứ hai là các thầy thông (thông phán), thầy ký (thư ký), tụi tôi kêu là thầy hai.
Thầy Ký hỏi: Còn thứ ba là ai?
Anh Tám nói: Thứ ba là người Hoa, tụi tôi thường gọi là Ba Tàu.
Thầy Ký nói: Chắc tại họ nắm hết kinh tế, phải không?
Anh Tám nói: Đúng vậy, thầy hai. Suốt con đường tại Bến Chương Dương toàn là vua lúa, ghe thuyền tới lui tấp nập; trong thành phố thì mỗi ngã tư có một tiệm chạp phô hay hủ tiếu, cà-phê và tiệm ăn thì hằng hà sa số, thiên hạ cần gì chú ba cũng có.Từ cục kẹo đậu phộng cho tới 100 gờ ram muối hay nửa kí đường...Kinh tế tại đây hoàn toàn do chú ba nắm giữ.
Thầy Ký hỏi: Như vậy ai đứng hàng thứ tư?
Anh Tám nói: Thứ tư và thứ năm là các tay anh chị, tụi tôi thường gọi là Tư Búa (chuyên môn đánh lộn) và Năm Đá Cá Lăn Dưa (đá cho con cá lăn ra ngoài sạp để cho đàn em tới lượm, lăn quả dưa cho người khác chạy tới ôm đi).
Thầy Ký hỏi: Còn ai đứng hàng thứ sáu?
Anh Tám nói: Thứ sáu là anh Mã Tà, tôi cũng không biết tại sao lại kêu là mã tà, chỉ biết là anh ta mặc đồ trắng, đầu mang nón trắng, tay cầm cây dùi cui cũng màu trắng, anh đi tới đâu là chị em bán hàng rong trên lề đường Lasom (boulevard de la Somme, ta kêu là Lê Lợi), la lớn lên rằng: Anh sáu tới, tụi bây ơi, rồi mau mau gánh hàng bỏ chạy cho nhanh đến nỗi đổ cả nồi nước lèo làm bún, lại còn bị phạt tiền, khóc ra nước mắt, trông thiệt tội nghiệp. từ đó anh có cái tên mới, gọi là Sáu Lèo.
(Mã tà là cây dùi cui màu trắng, tiếng Pháp kêu là matraque, phiên âm sang tiếng Việt là mã tà)
Thế thì ai đứng hàng số 7?
Anh Tám nói: Thứ bảy là Chà Và (người Ấn Độ da đen) giàu thì cho vay tiền lấy lời xanh xit đít đui (5/6-10/12), nghèo thì làm nghề gác-gian chuyên gác cổng cho các ngân hàng hay cửa hàng lớn như Godard (Gô Đa). Con nít ngó thấy là sợ, muốn khóc mà không dám khóc ra tiếng.
Thầy Ký hỏi tiếp: Còn thứ 8 là ai?
Anh Tám nghẹn ngào trả lời: Thứ tám là tôi đây, những người không có nghề nên phải kéo xe để kiếm ăn, riêng tôi vì là con thứ tám trong gia đình nên không lấy làm buồn, chỉ mong trong tương lai nếu có chút đỉnh tiền thì trở về đồng quê làm rẫy, mùa mưa ra ruộng đâm cá, mùa nắng thì đi câu tôm, không phải lo tiền để mướn xe chạy hằng ngày, nắng mưa mệt mỏi cái thân.
Tới đây, anh Tám đứng dậy ra xe đấy lại gần lề đường. Trả tiền xong, thầy Ký nói anh Tám chạy theo đường Thủy Binh (Rue des Marins) được đổi tên là Đồng Khánh tức là Trần Hưng Đạo sau này.
Khi chạy qua dãy nhà màu hồng, anh Tám lên tiếng hỏi: Thầy Hai thấy có muốn ghé đây chơi hay không?
Thầy Ký vội gạt đi vì nơi đây là chỗ của chị chín Chang, thầy nói : Thôi, bỏ đi Tám.
Khi về tới chung cư Cửu Long (sau này được mệnh danh là Phủ Chín Đầu Rồng) thầy Ký cảm thấy mình đã bị Sài gòn hóa vì thầy đã dùng chữ Bỏ Đi Tám.
Chuyện này kể lại từ thời 1950 được ghi lại từ trên mạng.
_________________
Đặng Hữu Phát gởi