Tiếng Việt: Niềm tự hào của chúng ta
“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói / Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ. / Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa / Óng tre ngà và mềm mại như tơ…” (Thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ).
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi, tiếng ru muôn đời …Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… (Bài hát “Tình ca” của Phạm Duy).
Chẳng rõ ngoài tiếng Việt ra, trên thế gian này còn có thứ tiếng dân tộc nào được cả thi sĩ lẫn nhạc sĩ ca ngợi bằng những lời lẽ nghĩa lý sâu xa, tình cảm thắm thiết đến thế? Ắt hẳn tiếng Việt phải có khả năng tạo nên một sức hút kỳ diệu khiến trái tim các nhà nghệ sĩ rung lên phát ra thành lời thơ mượt mà, điệu nhạc du dương như trên. Là những người có giác quan nhạy cảm trước mọi cái đẹp, cái vượt trội, các nghệ sĩ bẩm sinh có khả năng nhận ra những cái người thường khó nhận thấy. Mấy câu ca lời thơ trích dẫn ở trên chứng tỏ điều đó.
Lưu Quang Vũ mở đầu bài thơ ca ngợi tiếng Việt bằng một nhận xét tinh tế, chính xác, khiến các nhà ngôn ngữ học bậc thầy cũng phải ngạc nhiên: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Nhà thơ muốn nhắc lại một sự thật lịch sử quan trọng mà các học giả ta ít để ý tới: Cách đây hơn 2000 năm, trước ngày chữ Hán chính thức vào Việt Nam theo chân đội quân của Triệu Đà, người Việt chưa hề biết chữ viết là gì, còn người Hán đã sử dụng chữ viết được hơn nghìn năm. Thế nhưng hồi ấy tổ tiên ta đã làm chủ một ngôn ngữ nói hoàn thiện, chín muồi tới mức “vẹn tròn”, có các ưu thế như ngữ âm cực kỳ phong phú, phát âm thống nhất trong cả nước, thích hợp dùng chữ viết biểu âm, được toàn dân yêu quý gìn giữ như một vật báu –– đó là tiếng Việt.
Tiếng mẹ đẻ của dân tộc ta có đặc điểm nổi trội nhất là ngữ âm cực giàu, ví dụ số âm tiết (syllable) nhiều gấp hơn chục lần tiếng Hán.[1] Vì thế tiếng Việt khác hẳn và không chung nguồn gốc với tiếng nói của các chủng tộc láng giềng phương Bắc, là những ngôn ngữ nghèo ngữ âm. Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), tiếng Hán và tiếng các tộc Bách Việt thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan) hoặc Tai-Kadai. Đây là một trong những căn cứ để suy ra cộng đồng người nói tiếng Việt là cư dân bản địa chứ hoàn toàn không phải là cư dân di cư từ phương Bắc tới.[2]
Cũng do ngữ âm phong phú kỳ lạ như vậy nên tư duy ngôn ngữ của người Việt rất linh hoạt. Hiếm có dân tộc nào như dân tộc ta, trong lịch sử ngắn ngủi (4000 năm?) của mình từng thành công sử dụng tới 3 loại chữ viết: chữ Hán/Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Nhờ ngữ âm phong phú, tổ tiên ta đã vay mượn chữ Hán và từ ngữ tiếng Hán theo một cách cực kỳ khôn ngoan là dùng tiếng mẹ đẻ để đọc chữ Hán – còn gọi là cách đọc Hán-Việt, nhờ thế đã học được chữ Hán mà không học và không nói tiếng Hán. Toàn bộ chữ Hán đều được phiên âm thành từ Hán-Việt, tức phần ngữ âm của chữ Hán nào cũng được Việt Nam hoá.
Về sau dân ta gọi chữ Hán được phiên âm sang tiếng Việt là chữ Nho. Mỗi chữ Nho là một từ Hán-Việt; chữ Nho trở thành ký tự ghi từ Hán-Việt của tiếng Việt. Qua đó tổ tiên ta đã mượn được chữ Hán về dùng cho mình và xây dựng được nền giáo dục chữ Nho phát triển.
Học giả Phạm Quỳnh nói: Chữ Tàu phổ thông trong dân gian đến nỗi ngày nay có người gọi chữ Hán là “chữ ta”,“chữ Việt Nam”. Thử về nhà quê đưa cho ông già hay đứa trẻ một tờ chữ Nho hỏi là chữ gì, tất ai cũng đáp “chữ Việt Nam”. Mười, hai mươi năm trước có ai nghĩ cái chữ mình học là chữ của ngoại quốc đâu?[3]
Rõ ràng, nếu không phiên âm sang tiếng Việt mà cứ đọc chữ Hán theo âm Hán thì người Việt không thể coi chữ Hán là “chữ ta” và không thể học chữ Hán giỏi như vậy. Triều đình nhà Đường Trung Quốc từng cho phép người Việt đỗ tiến sĩ Hán học ở Việt Nam sang Trung Quốc thi tiếp, Khương Công Phụ người Thanh Hoa đỗ Trạng nguyên, được vua Đường trọng dụng.
Ngữ âm phong phú cũng giúp chúng ta ngày nay có thể vay mượn thành công hầu như bất cứ từ vựng ngoại nào, ví dụ ô tô, pho mát, sô (show), ây ai (AI),… nhưng ngược lại ngoại ngữ nào nghèo ngữ âm thì khó có thể mượn dùng được tiếng Việt.
Hơn thế nữa, việc phiên âm chữ Hán còn làm cho từ ngữ tiếng Việt phong phú thêm bội phần do hấp thụ được nhiều từ ngữ trong biển Hán ngữ mênh mông. Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo nói từ Hán-Việt chiếm khoảng 70% từ vựng tiếng Việt. Thực ra, từ Hán-Việt đã tạo nền tảng để từ đó sản sinh ra không biết bao nhiêu từ ngữ mới, ví dụ linh mục, cận nghèo, tái đàn, vi tính…, khiến cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng tăng vô hạn, khó có thể thống kê chính xác.
Trong khi người Trung Quốc bỏ ra gần một thế kỷ nghiên cứu làm chữ viết biểu âm mà không thành công, tất cả chỉ vì Hán ngữ nghèo ngữ âm, thì tiếng Việt tuy cũng là ngôn ngữ đơn lập (đơn âm tiết, monosyllabic) như Hán ngữ nhưng do ngữ âm phong phú nên làm được chữ Nôm có tính biểu âm, nhờ đó tạo dựng được nền văn học dân tộc tuyệt vời, và sau cùng tiếp nhận được chữ Quốc ngữ là chữ Nôm được Latin hoá, hiện đại hoá — chữ viết lý tưởng nhất cho người Việt.
Có thể khẳng định: nếu không đọc chữ Hán bằng tiếng Việt mà cứ đọc chữ Hán theo âm Hán, thì tiếng Việt đã biến mất từ lâu do nước ta từng bị người Hán đồng hóa ngôn ngữ trong hơn nghìn năm Bắc thuộc. Nhờ áp dụng cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt nên dân ta đời đời nói tiếng Việt, không nói tiếng Hán, vì thế tiếng Việt vẫn không hề suy suyển, kết quả là “Tiếng ta còn, nước ta còn”, tổ tiên ta giữ được nòi giống và tổ quốc Việt Nam để lại cho con cháu muôn đời.
Học giả Phạm Quỳnh nhận xét: “Tổ tiên ta có công trạng lớn là làm cho toàn dân suốt từ Bắc đến Nam đều cùng một tiếng nói, một phong tục; vì thế “cái tính tình, tư tưởng cũng không khác gì nhau… Dân Việt Nam ta thật được hơn các dân khác là chỉ có một thứ tiếng suốt trong bờ cõi… người Việt đi đến đâu cũng có thể nghe hiểu”.[4] Toàn dân nói cùng một ngôn ngữ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thống nhất văn hoá, thống nhất dân tộc. Ngay từ thời chưa có chữ viết mà ngôn ngữ nói của người Việt đã hoàn thiện như thế, thật đáng tự hào. Tại Trung Quốc năm 2020 vẫn còn 20% dân chưa biết nói tiếng Phổ thông, mặc dầu họ đã có chữ viết từ hơn 3300 năm trước.
Có ý kiến cho rằng toàn dân ta nói một ngôn ngữ cơ bản thống nhất là do tiếng ta đơn giản dễ học dễ dùng và ngữ âm cực kỳ phong phú. Tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn lập, mỗi tiếng một âm tiết, tương đối đơn giản so với ngôn ngữ đa lập (đa âm tiết, multisyllabic, như tiếng Nga, Anh, mỗi tiếng có thể có 2 âm tiết hoặc hơn). Khi đặt câu tiếng Việt chỉ cần chắp chữ (tiếng) theo thứ tự trước sau. Chủ ngữ thường đứng trước vị ngữ. Trạng ngữ thường đứng ở đầu câu. Động từ sau chủ ngữ. Tính từ hoặc cụm tính từ sau danh từ. Ngữ pháp tiếng Việt đơn giản, không có khái niệm “thì, số, giống, cách”, tất cả các từ đều không biến đổi; thường dùng hư từ (ví dụ: đã, sẽ, rồi, cứ) để lập mối quan hệ giữa các từ.
Ngữ âm phong phú đã tạo thuận tiện tăng vốn từ ngữ, hầu như người bình dân nào cũng có thể tự đặt ra từ mới. Một số từ có thể đảo ngược thứ tự mà không đổi ý nghĩa, ví dụ tha thiết – thiết tha, đày đọa – đọa đày. Một số từ có thể láy lại hoặc thêm đuôi để tăng hiệu quả lời nói, ví dụ ào ào, rầm rầm, láo nháo, nhảm nhí. Nguồn từ tả âm thanh hầu như không bị hạn chế, như tả tiếng gió có thể dùng ù ù, rì rào, vi vu. Ngữ âm phong phú làm cho tiếng Việt có tính quốc tế cao, phiên âm được hầu hết các ngoại ngữ, tạo thuận lợi cho người Việt dễ tiếp xúc với ngôn ngữ, văn học, văn hoá nước ngoài, qua đó hấp thu được kho từ vựng phong phú, cấu trúc ngữ pháp trong sáng của tiếng nước ngoài, làm cho tiếng Việt luôn phát triển, trở thành một ngôn ngữ giàu từ vựng, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội hiện đại.
Tiếng Việt “vẹn tròn” ở chỗ có thể diễn đạt chính xác, rõ ràng, gãy gọn mọi ý nghĩ, tư duy của người Việt. Khi đọc các tác phẩm văn học chữ Nôm ra đời từ mấy trăm năm trước, ta thấy hầu như không tác phẩm nào có sai sót đáng kể về dùng từ và ngữ pháp, chứng tỏ tiếng Việt trước khi có chữ Nôm đã rất hoàn thiện. Lời nói hàng ngày của người dân quê mù chữ cũng vậy, ví dụ câu “Hôm qua tát nước đầu đình, để quên chiếc áo trên cành hoa sen…”. Toàn bộ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ tiếng Việt thời xưa đều vừa dễ hiểu vừa đúng chuẩn ngữ pháp và từ vựng.
Tiếng Việt lại “óng mượt như tơ”, mềm mại như lụa, giàu âm điệu, giàu từ ngữ, dễ đặt câu, tạo điều kiện rất thuận tiện để sáng tác thơ ca, ca dao, tục ngữ, hát nói, tuồng chèo, dân ca… Các thể loại văn học này đều có vần điệu, rất dễ nhớ, dễ truyền miệng, nhờ thế tổ tiên ta khi chưa có chữ Nôm đã tạo lập được một kho tàng từ ngữ vô cùng phong phú. Sau khi chữ Nôm ra đời, các tài năng Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, v.v… đã vận dụng vốn từ ngữ đó viết các tác phẩm văn thơ chữ Nôm nói lên được tư tưởng, tình cảm của đông đảo bình dân, làm nên một thời kỳ văn học rực rỡ trong lịch sử nước nhà. Áng thơ Nôm “Truyện Kiều” là bộ sưu tập tuyệt vời về nghệ thuật sử dụng từ ngữ tiếng Việt bác học và dân gian, nhiều từ ngữ đạt trình độ tinh tế cao về ý nghĩa và âm điệu. Như câu: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao!” “Chơi cho liễu chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”. Rõ ràng, văn học chữ Nôm, tức văn học tiếng Việt thời xưa, tuy tồn tại không lâu nhưng đã tỏ ra có sức sống mãnh liệt, xét về mọi mặt đều vượt xa văn học chữ Hán do người Việt sáng tác trong hai nghìn năm.
Có lẽ chính vì chậm có chữ viết nên người Việt rất chuộng văn chương truyền khẩu, dùng ngôn ngữ bình dân truyền miệng khắp cả nước vô vàn ca dao, tục ngữ ý vị, chung đúc bao nhiêu luân lý đạo đức, học thức, nhân sinh quan của dân tộc. Nghệ thuật truyền miệng ấy đạt trình độ rất cao, nhờ thế kho tàng từ ngữ tiếng Việt vô cùng phong phú và nhiều tác phẩm văn học dân gian vẫn được lưu giữ lâu dài trong dân chúng, cho dù thời ấy nước ta chưa có chữ viết, hoặc có rồi nhưng hầu hết dân mù chữ, cho dù quân đội nhà Minh trong mấy chục năm chiếm đóng nước ta đã tiêu hủy gần như toàn bộ thư tịch, văn bản do người Việt Nam viết.
Học giả Phạm Quỳnh nhận xét: “Tôi dám quyết rằng văn chương truyền khẩu là thứ rất phong phú, không nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta. Người nào hay chê tiếng Việt là nghèo hãy về nơi dân thôn hay ra chốn chợ búa, nghe bọn phụ nữ nói năng. Tôi tưởng các bậc tu mi [đàn ông] phải ghê cái tài hùng biện của các bạn quần trồi [đàn bà]… [điều đó] đủ chứng minh rằng tiếng Việt ta giàu biết bao nhiêu. Hãy thử nghe hai người đàn bà nhà quê nói chuyện hay cãi nhau, từ đầu chí cuối toàn là phương ngôn tục ngữ cả, cứ từng hồi, từng tràng, như một bài diễn thuyết trường thiên. Tiếng ta có nhiều tiếng rắp đôi hay lắm, hay vô cùng, tưởng không có tiếng nước nào bằng“.[5]
Tiếng Việt gắn kết kỳ diệu với vận mệnh dân tộc ta, như lời ca “Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.” Sự thực lịch sử này càng làm tăng giá trị của tiếng Việt, chứng tỏ tiếng Việt đích thực là hồn cốt của dân tộc. Suốt mấy nghìn năm xưa, tầng lớp phong kiến và nhà Nho cổ hủ ở ta luôn khinh rẻ, hắt hủi tiếng Việt bình dân mà họ chê là nôm na mách qué, khiến cho ngôn ngữ và văn học dân gian bị kìm hãm, khó phát triển. Sai lầm đó bắt nguồn từ tâm lý mù quáng sùng bái văn hóa Hán và chữ Hán. Ví dụ, sĩ tử đi thi phải thuộc lòng Tứ thư Ngũ kinh, trong đó có 300 bài thơ Kinh Thi – đều là tác phẩm văn, sử học của người Hán, mà chẳng học văn học và lịch sử dân tộc mình. Kinh Thi là cái gì mà ta phải học? “Kinh Thi chẳng qua là những lời ca dao trong dân gian Trung Quốc, được thánh nhân [cụ thể là Khổng Tử] biên tập, san định, truyền cho đời sau, tôn sùng làm một bộ kinh sách thánh thần có nghĩa huyền bí. Tôi thiết tưởng nhiều bài ca dao của ta lại còn hay hơn những bài trong Kinh Thi nhiều, chỉ vì không có lòng mê tín sùng thượng nên thường bị coi là nôm na“.[6] Đúng thế. Kinh Thi lấy đâu ra những câu ca dao tuyệt vời cả về văn và về ý nghĩa, toàn bộ dùng từ thuần Việt như “Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”. Chẳng qua vì người Việt là kẻ nô lệ nên “mẫu quốc” bắt học cái gì cũng phải học.
Ví dụ sau đây một lần nữa cho thấy tiếng Việt gắn chặt với vận mệnh dân tộc ta. Thực dân Pháp sau khi chiếm nước ta đã chủ trương buộc dân ta học tiếng Pháp từ bậc tiểu học, nhằm tiến tới toàn dân chỉ nói tiếng Pháp, như chúng đã làm ở nhiều thuộc địa châu Phi. Thấy rõ chủ trương đồng hóa ngôn ngữ ấy sẽ giết chết tiếng Việt, giới trí thức tiến bộ nước ta đã lên tiếng phản đối. Năm 1922, học giả Phạm Quỳnh khi diễn thuyết trước Viện Hàn lâm Pháp ở Paris đã nói: Việc Chính phủ Pháp dự định dạy tiếng Pháp cho người An Nam (tức Việt Nam) từ nhỏ đến lớn, kết quả chỉ đủ làm cho dân nước chúng tôi mất tính cách An Nam, thành ra một giống lửng lơ thật nguy hiểm. Muốn tránh nguy hiểm ấy chỉ có một cách là dạy trẻ con An Nam học tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học.[7] Trước sự phản đối của dân ta và sau khi thấy chữ Quốc ngữ đủ khả năng thực hiện công cuộc khai hóa Việt Nam, Chính phủ Pháp đã bỏ chủ trương nói trên. Nhờ vậy dân tộc ta lần thứ hai tránh được thảm họa đồng hóa ngôn ngữ.
Sau ngày nước nhà độc lập, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất. Tất cả các bậc học đều giảng dạy bằng tiếng Việt. Điều 5 Hiến pháp 2013 xác định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Trong hơn 70 năm dưới chế độ dân chủ, tiếng Việt được gìn giữ và được quan tâm nghiên cứu phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu mới của thời đại: hiện đại hóa, tin học hóa, quốc tế hoá, toàn cầu hóa. Tuy vậy trên thực tế vẫn có tình trạng sử dụng tiếng Việt lệch chuẩn, nói viết sai ngữ pháp, sai chính tả, dùng sai từ Hán-Việt, tùy tiện nhập từ ngữ nước ngoài… làm cho tiếng ta bị pha tạp, thiếu trong sáng. Dường như tâm lý nô lệ và thói sùng ngoại từ chế độ cũ rớt lại (nhất là trong giới học giả) vẫn còn lẩn quất đâu đó, đe dọa địa vị độc tôn của tiếng Việt.
Tóm lại, dân tộc ta có một lịch sử ngôn ngữ rất vẻ vang. Tiếng Việt cùng với chữ Quốc ngữ đã góp phần quan trọng đưa nền văn minh Việt Nam lên tới tầm cao như hiện nay. Tiếng Việt cùng với chữ Quốc ngữ thực sự là một tài sản phi vật thể vô giá của toàn dân ta, mãi mãi đáng tự hào, đáng tôn vinh, và mãi mãi phải được bảo vệ, được phát triển đúng hướng.
———————————–
[1] Nguyễn Quang Hồng: “Âm tiết và loại hình ngôn ngữ”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1994. Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”. Tạp chí Tia Sáng số 11 (8/6/2020).
Nguyễn Hải Hoành
___________________
Đỗ Hứng gởi