Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 05/06/2024


Tổng thống Mỹ Biden đến Pháp dự lễ kỷ niệm Cuộc đổ bộ Normandie
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Pháp vào sáng hôm nay, 05/06/2024, để tham dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie của phe đồng minh 06/06/1944, góp phần chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến. Qua chuyến công du 5 ngày này, nguyên thủ Mỹ muốn truyền đi thông điệp đoàn kết của đồng minh trong bối cảnh địa chính trị thế giới bất ổn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 31/05/2024. AP - Evan Vucci
Chi Phương

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm :
 
« Tại Normandie, trên những bãi biển diễn ra cuộc đổ bộ năm 1944, Joe Biden muốn nhắc lại những giá trị mà ông tin tưởng: đó là tự do, dân chủ, cam kết, tinh thần hy sinh và đồng minh, qua việc gặp gỡ và vinh danh những người sống sót cuối cùng trong sự kiện này. Cố vấn truyền thông và an ninh quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby cho biết : « Tổng thống rất mong đợi đến Normandie để gặp những cựu chiến binh của lực lượng đồng minh và Hoa Kỳ để cảm ơn họ vì đã hy sinh, vì đã phụng sự cho một mục đích cao cả, cho tự do và nền dân chủ ».
 
Phát biểu này cũng để trấn an các đồng minh, đôi khi lo lắng về cuộc bầu cử tổng thống và khả năng quay trở lại Nhà Trắng của Donald Trump, người ít quan tâm đến đồng minh. Cái bóng của ứng viên đảng Cộng Hòa cũng phủ lên chuyến đi này. Vào chặng cuối của chuyến công du, ông Biden sẽ đến nghĩa trang Bois-Belleau, nơi an nghỉ của binh lính Hoa Kỳ trong Đệ Nhất Thế Chiến. Vào năm 2018, Donald Trump đã hủy chuyến đi đến nơi này vì lý do thời tiết xấu. Ông John Kirby cho biết thêm : « Thông điệp của tổng thống Biden là vinh danh sự hy sinh, phụng sự của các binh lính Hoa Kỳ, những người đã rời đi trước Đệ Nhị Thế Chiến để chiến đấu cho dân chủ, cho tự do và cho những người bạn của chúng tôi, những đồng minh châu Âu.
 
Chuyên cơ của tổng thống Mỹ đã đáp xuống sân bay Orly (phía nam Paris) vào 9h28 sáng nay. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đón nguyên thủ Mỹ tại sân bay. Ngày mai, Biden dự lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie – D-Day, cùng lãnh đạo các nước khác như vua Charles Đệ Tam của Anh Quốc, thủ tướng Đức, hay lãnh đạo Ý. Sau lễ kỷ niệm, Biden sẽ đến Paris và thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Pháp đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, hôm 08/06.
 
Bên lề sự kiện này, tổng thống Hoa Kỳ sẽ gặp đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky để trao đổi về việc tăng cường hỗ trợ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga.
Chiến tranh Ukraina: Nga đe dọa tấn công chuyên gia huấn luyện quân sự phương Tây

Trong lúc dự án đưa chuyên gia huấn luyện quân sự Pháp và một số nước châu Âu đến Ukraina đang được thảo luận, hôm qua, 04/06/2024, điện Kremlin khẳng định tất cả các chuyên gia huấn luyện quân sự nước ngoài hiện diện tại Ukraina có thể là mục tiêu tấn công.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tại Matxcơva, Nga, ngày 09/05/2024. via REUTERS - Alexei Maishev
Trọng Thành
Phát ngôn viên điện Kremlin và đại sứ Nga tại Pháp cũng đồng thanh lên án việc truyền thông Pháp tố cáo Matxcơva đứng sau nhiều chiến dịch tung tin giả và bóp méo thông tin chống lại nước Pháp, đặc biệt sau vụ năm chiếc quan tài rỗng, phủ quốc kỳ Pháp với dòng chữ “Những người lính Pháp ở Ukraina”, do một số người bị nghi ngờ có quan hệ với Nga đặt gần tháp Eiffel hôm 01/06.
 
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa el-Jabri cho biết cụ thể:
 
‘‘Nga đã và sẽ không can thiệp vào các công việc nội bộ của nước Pháp’’, thông cáo của đại sứ Nga tại Pháp khẳng định. Đại diện ngoại giao Nga cho biết thêm: ‘‘Đất nước chúng tôi có những vấn đề quan trọng hơn cần quan tâm’’. Gần như cùng lúc đó, tại Matxcơva, phát ngôn viên điện Kremlin bác bỏ mọi chiến dịch tung tin tức sai lạc của Nga nhắm vào kỳ Thế Vận Hội tại Paris.
 
Ông Dmitri Peskov nói: ‘‘Tất cả những điều đó thuộc loại thông điệp về cơ bản nhằm lên án một cách mù quáng, không dựa trên bất cứ căn cứ nào. Bất hạnh thay, chúng tôi đang ngày càng phải đối mặt với việc này. Chuyện này không hoàn toàn đúng. Đây hoàn toàn là hành động vu khống không hơn không kém’’.
 
Dự án lập một liên minh chuyên gia huấn luyện quân sự châu Âu để đào tạo các đơn vị quân đội Ukraina ngay tại chỗ, mà Pháp mong muốn, về mặt chính thức vẫn đang trong giai đoạn thảo luận. Nhiều quốc gia lo ngại về các phản ứng của Nga. Điện Kremlem dĩ nhiên không bỏ qua.
 
Phát ngôn viên Dmitri Peskov đe dọa: ‘‘Sẽ không có bất cứ chuyên gia huấn luyện đào tạo các binh sĩ Ukraina nào được hưởng quyền miễn trừ, bất kể họ là người Pháp hay thuộc quốc gia khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch đặc biệt đúng theo các mục tiêu đã được Tư lệnh tối cao vạch ra.’’
 
Cách nay một tuần, liên quan đến việc Ukraina sử dụng các vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, chính tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa, xin trích, ‘‘các hậu quả nghiêm trọng’’.
 
Chuyên gia Pháp: ‘‘Nga rút cục có thể sẽ phải chấp nhận’’
Về việc các nước châu Âu cử chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraina, trả lời RFI, chuyên gia Elie Tenenbaum, Viện quan hệ quốc tế Pháp Ifri, dự đoán Nga ‘‘có khả năng rút cục sẽ phải chấp nhận, tương tự như với việc phương Tây viện trợ các phương tiện quân sự cho Ukraina’’, nhưng mặt khác các nước châu Âu có thể sẽ phải ‘‘tránh tổ chức các cuộc huấn luyện quy mô lớn ở ngoài trời, để đề phòng bị Nga tấn công’’.
 
Về phía Hoa Kỳ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby, hôm qua thông báo Mỹ không có kế hoạch cử chuyên gia huấn luyện quân sự tới Ukraina. Ông John Kirby nhấn mạnh : nhu cầu hàng đầu của Ukraina hiện nay là ‘‘có thêm nhiều hệ thống phòng không’’, cùng các loại vũ khí khác, mà Washington đang nỗ lực chuyển giao.
 
Tổng thống Ukraina thăm tổ hợp vũ khí Pháp – Đức
Theo AFP, nhân chuyến công du Pháp của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến công bố một loạt biện pháp hỗ trợ quân sự mới cho Kiev, và tổng thống Ukraina ngày 07/06 sẽ thăm ‘‘tổ hợp sản xuất vũ khí Pháp – Đức KNDS’’, tại Versailles, gần Paris. KDNS, tổ hợp sản xuất vũ khí trên bộ lớn hàng đầu châu Âu, có kế hoạch lập các cơ sở sản xuất trang thiết bị quân sự, đạn dược, và có thể chế tạo cả ‘‘các vũ khí hoàn chỉnh’’ ngay tại Ukraina, theo thỏa thuận mới đây giữa hai lãnh đạo Pháp – Đức.

Lãnh đạo CIA đến Trung Đông thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza
Lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ CIA, ông William Burns, tới Qatar hôm nạy, 05/06/2024, để tiếp xúc với các bên trung gian, nhằm thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn. Theo AFP, phe cực hữu trong nội các chiến tranh của Israel đã chấp thuận đề xuất ba giai đoạn của Mỹ, nhưng yêu cầu ‘‘các bảo đảm’’ từ Washington.

Xe tăng của Israel tại khu vực biên giới Israel-Gaza, ngày 04/06/2024. REUTERS - Amir Cohen

Trọng Thành

Theo một nguồn tin từ Qatar, quốc gia cùng Ai Cập và Mỹ làm trung gian đàm phán giữa Israel và tổ chức Hamas, lãnh đạo tình báo Mỹ sẽ có mặt tại Doha. Trang mạng Mỹ Axios cho biết ông Burns cũng có kế hoạch đến Cairo, Ai Cập. Trong đêm hôm qua, rạng sáng nay, nội các chiến tranh Israel đã họp để thảo luận về những diễn biến mới của cuộc chiến tại Gaza, ngay sau khi hai đảng cực hữu trong chính phủ Netanyahu thông báo ủng hộ kế hoạch của tổng thống Joe Biden. Kan, đài truyền hình nhà nước Israel, loan tin tại phiên họp này, nội các Israel đã chính thức yêu cầu Mỹ có ‘‘các bảo đảm’’ để Israel tiếp tục cuộc chiến chống Hamas, nếu tổ chức này vi phạm thỏa thuận.
 
Theo tổng thống Mỹ, nếu Hamas ‘‘tôn trọng các cam kết’’, thì giai đoạn ba, tức giai đoạn cuối cùng dự kiến của kế hoạch này, sẽ cho phép chấm dứt chiến tranh tại Gaza, quân đội Israel rút về nước. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến trước cuộc họp nội các Israel tối qua, các đòi hỏi vẫn còn rất trái ngược giữa hai phía khiến kế hoạch của tổng thống Mỹ khó lòng được thực thi. Hamas đòi hỏi ‘‘chấm dứt hoàn toàn chiến tranh’’ trong lúc chính phủ của thủ tướng Israel coi điều kiện để chấm dứt chiến tranh là tổ chức Hamas, thủ phạm của vụ tấn công khủng bố ngày 07/10/2023, phải bị tiêu diệt hoàn toàn.
 
Israel có thể chấm dứt chiến tranh tại Gaza cùng lúc với việc mở chiến dịch mới tại Liban ?
Sau cuộc họp nội các Israel rạng sáng nay, tình hình dường như đang có khả năng xoay chuyển. Do áp lực của Mỹ, thủ tướng Israel có thể phải chấp nhận đình chiến tại Gaza, nhưng sẽ mở chiến dịch tấn công sang Liban chống lực lượng Hezbollah, đồng minh của Hamas.
 
Tường trình của thông tín viên Sami Boukhelifa từ Jérusalem :
 
Cần phải tiến hành chiến tranh, theo bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel, Itamar Ben Gvir. Chính trị gia cực hữu nổi tiếng này đã đến Kiryat Shmona, một địa điểm miền bắc Israel, sát biên giới với Liban. Tổ chức Hezbollah Liban ủng hộ Hamas. Từ đầu chiến tranh tại Gaza, Israel và Hezbollah ăn miếng trả miếng, mỗi bên oanh kích các vị trí của đối phương. Trên thực tế, dân Israel không còn có thể sống được tại miền bắc. Nhiều người phải sơ tán. Ước tính khoảng 80.000 dân phải di dời.
 
Từ nhiều tháng nay, Quân đội Israel liên tục truyền đi thông điệp: ‘‘Kiên nhẫn nào cũng có giới hạn’’. Phía Israel có thể bắt đầu biến đe dọa thành hành động với việc mở chiến dịch tấn công trực tiếp Hezbollah. Thời điểm hiện tại là thuận lợi. Thủ tướng Israel đang chịu nhiều áp lực của Mỹ buộc phải đình chiến ở Gaza. Phe cực hữu nhất trong chính phủ Netanyahu không chấp nhận điều này.
 
Thủ tướng Israel có thể tìm cách đánh lạc hướng : Chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Hamas tại Gaza, nhưng mở một mặt trận mới với Hezbollah. Như vậy, thủ tướng Netanyahu có thể thuyết phục được các bộ trưởng cực hữu diều hâu nhất, ưu tiên giờ đây là mặt trận phía bắc. Theo trang mạng có uy tín về Trung Đông, Al-Monitor, ‘‘Liban có thể đã nhận được một loạt các thông báo, thông qua trung gian các nước Ả Rập và phương Tây’’, là Quân đội Israel chuẩn bị đưa quân vượt biên giới.

Nhiều nơi tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn "để duy trì kỳ ức lịch sử"
Hôm qua, 04/06/2024, lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn, cách nay 35 năm đã diễn ra tại nhiều nơi, bên ngoài Hoa Lục. Như thường lệ, nhà cầm quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát an ninh tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và bắt giữ 4 người ở Hồng Kông.

Những người tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn tại quảng trường Dân Chủ ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 04/06/2024. AP - Chiang Ying-ying

Chi Phương

Tối thứ Ba, 04/06, hàng trăm người đã tập trung tại Quảng trường Tự Do ở Đài Bắc, Đài Loan để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn cách nay 35 năm. Mọi người đặt hoa, nến trên một tấm bạt ghi ngày xảy ra cuộc đàn áp đẫm máu của Bắc Kinh 04/06/1989, khiến hàng trăm, thậm chí có thể lên đến hàng ngàn người bỏ mạng, theo một số ước tính. Tổng thống Đài Loan, trong bài đăng trên Facebook, khẳng định rằng “những ký ức về ngày 04/06 sẽ không bị xóa nhòa trong lịch sử và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng duy trì ký ức này”.
 
Còn tại Hồng Kông, theo AFP, cho đến năm 2020, trước khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia, việc kỷ niệm sự kiện này thu hút hàng chục ngàn người đến thắp nến ở công viên Victoria. Nay hoạt động này đã bị cấm và cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 4 người vào hôm qua, vì nghi là phạm tội “có ý định nổi loạn”, “gây rối trật tự công cộng”, hay “hành hung người thi hành công vụ”,... Một trong số họ bị bắt vì hô các khẩu hiệu trên đường phố liên quan đến sự kiện mà Bắc Kinh coi là từ “cấm kị”.
 
Các buỗi lễ tưởng niệm cũng được tổ chức ở Paris (Pháp) hay Luân Đôn (Anh Quốc).
 
Hôm qua, trong một thông cáo, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tuyên bố “ủng hộ phong trào dân chủ ở Trung Quốc”, đoàn kết với những người đấu tranh cho tự do và quyền con người, đồng thời khẳng định “không bao giờ quên đi cuộc đàn áp diễn ra cách nay 35 năm tại quảng trường Thiên An Môn”. Phía Trung Quốc ngay lập tức bày tỏ bất bình về phát biểu này. Sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cáo buộc ông Blinken “kích động cuộc đối đầu ý thức hệ” và ngừng can thiệp vào nội bộ Trung Quốc với lý do nhân quyền.
Báo cáo khoa học mới : Trái đất bị hâm nóng với ‘‘tốc độ chưa từng có’’

Theo một nghiên cứu khoa học được công bố hôm nay, 05/06/2024, nhiệt độ Trái đất đang ‘‘gia tăng với tốc độ chưa từng có’’, khiến cơ hội giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp, đang gần như không còn nữa.

Ảnh minh họa : Đất khô và nứt dưới lòng sông Loire gần cầu Anjou-Bretagne ở Ancenis-Saint-Gereon, Pháp, ngày 13/06/2022. REUTERS - Stephane Mahe
Trọng Thành

Báo cáo, được công bố trên tạp chí khoa học Earth System Science Data, kết quả nghiên cứu của khoảng 60 khoa học gia nổi tiếng, dựa trên các phương pháp của GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Cụ thể là so với kỷ nguyên tiền công nghiệp, cách nay hơn một thế kỷ, nhiệt độ Trái đất đã tăng hơn 1,31°C vào năm 2023. Theo nghiên cứu nói trên, nhiệt độ đã gia tăng 0,26°C trong vòng một thập niên, từ 2014 đến 2023.
 
Kết quả nghiên cứu được công bố vào lúc đại diện các quốc gia trên toàn thế giới họp tại Bonn, Đức, để thúc đẩy các thương lượng về khí hậu, trước thềm hội nghị COP29, dự kiến diễn ra tại Baku, Azerbaijan, từ 11 đến 22 tháng 11/2024. Khoa học gia Pierre Friedlingstein, Đại học Exeter và Trung tâm khoa học quốc gia Pháp CNRS, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh, nghiên cứu này nhắc lại ‘‘tính khẩn cấp và tầm quan trọng của các đàm phán về khí hậu và các thỏa thuận cần đạt được nhắm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính’’.
 
Cơ hội cho phép giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C, theo mục tiêu của Hiệp định Paris 2015, đang thực sự khép lại. Nếu khí thải tiếp tục được duy trì như hiện nay thì chỉ còn 4 năm nữa là nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá mức này. Hành động của cộng đồng quốc tế trong những năm tới có ý nghĩa quyết định.

________________


Đặng Hữu Phát gởi