Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :08/05/2024


Lửa Olympic tới cảng Marseille: Bắt đầu cuộc rước đuốc vòng quanh nước Pháp

Sau 12 ngày từ Hy Lạp băng qua Địa Trung Hải, ngọn lửa thiêng Olympic đã cập cảng Marseille ngày hôm nay, 08/05/2024, trên con thuyền cổ ba cột buồm Belem, để bắt đầu hành trình rước đuốc vòng quanh nước Pháp. Lửa thiêng Olympic sẽ châm lên đài lửa Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 trong lễ khai mạc ngày 26/07 tại trung tâm thủ đô Paris.

 
 
Chiếc thuyền "Belem" chở theo ngọn lửa Olympic trên đường đi vào cảng Marseille, Pháp, ngày 08/05/2024. REUTERS - Benoit Tessier
Anh Vũ

Thành phố cảng Marseille cổ kính vinh dự được chọn là nơi đón ngọn lửa Olympic, khởi đầu cho hành trình rước đuốc kéo dài 79 ngày vòng quanh nước Pháp. Đuốc Olympic được 150 nghìn người đón tiếp trên cảng Vieux-Port trong một nghi lễ tiếp đuốc bắt đầu từ 19 giờ (giờ địa phương) với sự chứng kiến của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đông đảo quan chức Olympic, các nhân vật nổi tiếng trong thể thao cũng như nhiều lĩnh vực khác.
 
Hôm nay thành phố lớn thứ 2 của Pháp thực sự là tâm điểm chú ý không chỉ ở Pháp, mà còn cả thế giới, vì các nhà tổ chức cho biết sẽ có khoảng một tỷ khán giả trên toàn cầu theo dõi sự kiện này.
 
Ông Tony Estanguet, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 cho biết về buổi lễ : «Thuyền buồm Belem xuất hiện từ 11 giờ sáng tại bến cảng Marseille, nơi có hơn 1000 chiếc thuyền đậu trong bến cảng suốt cả ngày. Sau đó, tàu Belem vào cảng cùng với màn biểu diễn chào mừng của phi đội danh dự Patrouille de France và với màn trình diễn của dàn nhạc Marseille. Một không khí lễ hội vui nhộn diễn ra từ 17 giờ đến hơn 19 giờ. »
 
Nhiều nhân vật nổi tiếng sẽ có mặt để đón thuyền Belem và tham gia rước đuốc. Vận động viên bơi Florent Manaudou, từng giành bốn huy chương Olympic, là người sẽ tiếp nhận đuốc từ tàu vào lãnh thổ Pháp để cuối buổi lễ sẽ được châm lên đài lửa Olympic, trên bờ cảng Marseille, trước khi tiếp tục hành trình rước đuốc về Paris.
 
Thành phố Marseille đã chuẩn bị tích cực từ nhiều ngày qua cho sự kiện lớn này, đặc biệt là về mặt an ninh. Tổng cộng 6000 cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm đã được huy động cùng hàng nghìn nhân viên giữ gìn trật tự của thành phố để bảo đảm cho sự kiện diễn ra an toàn. Thành phố được giám sát từ dưới đất đến trên không với một máy bay cảnh giới radar Awacs, ba chiến đấu cơ Rafale, nhiều trực thăng và hệ thống thiết bị chống drone.

Lo ngại Rafah bị tấn công, Hoa Kỳ ngừng cấp bom cho Israel

Theo AFP, hôm qua, 07/05/2024, một quan chức cao cấp ẩn danh của chính quyền Joe Biden cho biết hồi tuần trước Hoa Kỳ đã quyết định ngừng giao một lô bom sau khi Israel không phản hồi những « quan ngại » của Washington về cuộc tấn công vào Rafah.
 
Quan chức này cho biết cụ thể: « Tuần trước, chúng tôi đã ngừng giao lô vũ khí (cho Israel), bao gồm 1800 quả bom loại 907 kg và 1700 quả bom nặng 226 kg ». Ông nói thêm là quyết định này được đưa ra khi Washington phản đối một cuộc tấn công quy mô lớn vào Rafah đang được quân đội Israel chuẩn bị.
 
Washington đã nói rõ là họ không ủng hộ một cuộc tấn công vào Rafah nếu không có kế hoạch khả tín để bảo vệ thường dân đang trú ẩn ở đó. Joe Biden “nhắc lại quan điểm rõ ràng của mình” với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Hai.
 
Nguồn tin nói trên cũng cho biết các quan chức Israel và Mỹ đã thảo luận về những phương án thay thế, nhưng "những cuộc thảo luận đó vẫn đang diễn ra và chưa đáp ứng hết những lo ngại của chúng tôi". Quan chức cấp cao này giải thích: “Khi các lãnh đạo Israel dường như đang tiến gần hơn đến quyết định về một chiến dịch như vậy, chúng tôi bắt đầu xem xét cẩn thận các đề xuất chuyển giao những vũ khí mà Israel có thể sử dụng tại Rafah. Việc này đã bắt đầu từ tháng 4”.
 
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đang xem xét các hoạt động chuyển giao vũ khí khác, bao gồm cả việc sử dụng loại bom chính xác, được gọi là JDAM (bom dẫn đường từ xa).
 
Quân đội Israel hôm qua đã triển khai xe tăng tại Rafah, kiểm soát cửa khẩu biên giới với Ai Cập và đóng cửa hai điểm chính để chuyển viện trợ nhân đạo (Rafah và Kerem Shalom), một biện pháp mà Mỹ coi là "không thể chấp nhận được".
 
Về tình hình tại chỗ, hôm nay, cùng lúc với việc đe dọa mở tấn công trên bộ, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào những mục tiêu tại thành phố Rafah. Trong khi đó tại Cairo, Ai Cập, các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn đang diễn ra.
 
Các đại diện của Israel và phong trào Hồi giáo Palestine Hamas cũng như các nhà hòa giải Qatar, Mỹ và Ai Cập đang có mặt tại Cairo, nơi các cuộc đàm phán được nối lại vào cuối buổi sáng, theo các phương tiện truyền thông thân cận với chính quyền Ai Cập. Cuộc đàm phán này được cho là cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Ukraina bắt hai « điệp viên» mưu sát tổng thống Zelensky

Cơ quan tình báo Ukraina (SBU) hôm 07/05/2024 thông báo đã bắt hai sĩ quan an ninh bị tình nghi chuẩn bị vụ ám sát tổng thống Volodymyr Zelensky và nhiều quan chức cấp cao khác của nước này. Theo Kiev, hai sĩ quan Ukraina này có thể đã được tình báo Nga tuyển dụng.
 
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev cho biết chi tiết :
 
Tình báo Ukraina SBU hôm thứ Ba tiết lộ đã tiến hành một chiến dịch chống gián điệp, ngăn chặn các hành động khủng bố nhằm trừ khử tổng thống Volodymyr Zelensky, lãnh đạo tình báo Vasyl Malyuk, cũng như chỉ huy tình báo quân sự Kyrylo Budanov.
 
Có video làm chứng, tình báo Ukraina cho biết ngay từ tháng 02/2022 đã phát hiện nhiều nhân viên tình báo Nga FSB có ý đồ xâm nhập vào bộ máy quân sự Ukraina, cũng như đội cận vệ của ông Zelensky.
 
Cách thức tiến hành được mô tả như sau: Một sĩ quan an ninh được tuyển dụng vào giới thân cận của ông Zelensky, hay những đại diện cao cấp chính phủ, tìm cách chặn đoàn xe của tổng thống và tên lửa sẽ bắn xuống, sau khi các thông tin về địa điểm được truyền đi, tiếp đến các drone sẽ loại bỏ tất cả những ai có mặt tại hiện trường.
 
Điều tra của SBU nêu đích danh những nhân viên Ukraina có liên hệ với FSB được giao nhiệm vụ trong kế hoạch của Nga nhằm ám sát lãnh đạo Ukraina, nhưng không cho biết rõ về thời điểm dự kiến các vụ mưu sát trên. Do đó, cần phải có thời gian nghiên cứu thật kỹ vụ này, để kiểm tra xem có gì mâu thuẫn với nhau không, trước khi tin hoàn toàn vào thông tin của tình báo Ukraina.

Chiến tranh Ukraina: Belarus kiểm tra các bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến thuật

Quân đội Belarus ngày 07/05/2024 loan báo bắt đầu bài tập kiểm tra mức độ « chuẩn bị » các bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến thuật, một ngày sau thông báo của đồng minh Nga về cuộc tập trận hạt nhân liên quan đến các đơn vị đóng gần Ukraina.

Theo xác nhận của thư ký Hội đồng An ninh Belarus, Alexandre Volfovitch, với hãng thông tấn Belta, bài tập này có liên quan đến thông báo của Nga và sẽ được « phối hợp đồng bộ » với Matxcơva, với việc huy động các hệ thống tên lửa Iskander và các chiến đấu cơ Su-25.
 
Trong một thông cáo, tổng tư lệnh quân đội Belarus, tướng Victor Goulevitch, cho biết « trong khuôn khổ chiến dịch này, một số đơn vị vũ trang và nhiều phương tiện của không quân sẽ được tái bố trí tại một sân bay dự phòng. Một khi việc tái triển khai hoàn thành, các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược sẽ được đề cập đến. »
 
Tổng thống Belarus không ít lâu sau đó khẳng định rằng hệ thống tên lửa Iskander và Polonez có thể sẽ được huy động để tập trận « oanh kích bằng tên lửa nhằm đẩy lui nguy cơ tấn công vào Belarus ».
 
Trong bài phát biểu, ông Alexandre Loukachenko tuyên bố đất nước phải chuẩn bị cho « mọi tình huống có thể xảy ra», nhưng cũng nói thêm là ông không tin rằng phương Tây « điên rồ và vượt qua lằn ranh do chính họ vạch ra. »
 
AFP nhắc lại, hôm thứ Hai, 06/5, Nga thông báo tập trận hạt nhân chiến thuật, mà điện Kremlin cho là để đáp trả những tuyên bố hiếu chiến của các lãnh đạo phương Tây.

Bộ Quốc Phòng bị tấn công mạng, Anh nghi ngờ Trung Quốc

Chính phủ Anh ngày 07/05/2024, cho biết bộ Quốc Phòng là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng nhắm vào phần mềm tính lương cho các quân nhân.
 
Theo kênh truyền hình Sky News, vụ xâm phạm và rò rỉ dữ liệu liên quan đến các thông tin cá nhân và dữ liệu ngân hàng của những người đang tại ngũ hay đã về hưu trong hải quân, lục quân cũng như không quân. Anh nghi ngờ Trung Quốc đứng sau vụ việc, một cáo buộc mà Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ.
 
Thông tín viên đài RFI Emeline Vin tại Luân Đôn tường thuật :
 
« Vụ tin tặc phần mềm trả lương ảnh hưởng đến 270 ngàn nhân viên tại bộ Quốc Phòng. Đó là những binh sĩ dự bị, quân nhân tại ngũ và các cựu quân nhân  vừa về hưu trong tất cả các binh chủng : Lục quân, Hải quân, Không quân, ngoại trừ lực lượng đặc nhiệm.
 
Bộ Quốc Phòng trấn an rằng không một chi tiết nào về các chiến dịch quân sự bị đánh cắp. Ngược lại, tên tuổi và các dữ liệu ngân hàng, thậm chí địa chỉ một số nhân viên, rất có thể đã lọt  vào tay các tin tặc.
 
Chính phủ không có ý định nêu tên bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm, do không đủ các yếu tố, nhưng nhiều nghị sĩ cáo buộc Trung Quốc, vốn đã bị nghi ngờ thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng, trong đó có vụ đánh cắp phiếu đăng ký bầu cử. Trung Quốc cũng bị tố cáo là tìm cách thiết lập mạng lưới các điệp viên hai mang tại Anh Quốc.
 
Nghị sĩ, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Tobias Ellwood giải thích rằng vụ tấn công mạng rất có thể sẽ được Bắc Kinh sử dụng để nhắm vào những binh sĩ nào có "khó khăn về kinh tế", và tìm cách tuyển dụng họ để thu thập thông tin.
 
Bộ Quốc Phòng đã cho ngừng hoạt động phần mềm tính lương và cho biết mở điều tra càng sớm càng tốt để xác định quy mô thiệt hại gây ra. »
Mỹ cân nhắc cấp quy chế « kinh tế thị trường » cho Việt Nam

Hôm nay, 08/05/2024, bộ Thương Mại Mỹ nghe điều trần về việc có nên công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường hay không. Đây được xem như là một nỗ lực của tổng thống Joe Biden nhằm lôi kéo Việt Nam lại gần hơn với tư cách là một đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nỗ lực này đi ngược với mong muốn của ông thu hút phiếu bầu của giới công đoàn Mỹ.

Theo Reuters, bộ Thương Mại sẽ nghe tranh luận giữa các nhà sản xuất thép, các nhà nuôi tôm Bờ Vịnh, bên phản đối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, với ông Ted Osius, lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cơ quan ủng hộ cấp quy chế.
 
Liên minh tôm miền Nam tại Mỹ, bao gồm ngư dân và các nhà chế biến phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường, viện dẫn các rào cản từ chính quyền Việt Nam về quyền sở hữu đất đai, luật lao động yếu kém. Việc nâng cấp quy chế sẽ dẫn đến việc tôm nhập khẩu thấp sẽ được đánh thuế thấp hơn, gây thiệt hại cho các thành viên của Liên minh.
 
Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng chỉ ở mức 5,34% đối với tôm nhập khẩu từ Thái Lan, một quốc gia được công nhận là nền kinh tế thị trường.
 
Các nhà sản xuất thép còn cho rằng sự thay đổi này sẽ « làm xói mòn cơ sở sản xuất trong nước, làm suy yếu khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Mỹ và củng cố vai trò của Việt Nam như là một kênh dẫn dòng hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng ».
 
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ted Osius, « Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường , đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế đúng như vậy."
 
Phía Việt Nam cũng đưa ra các lập luận là đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế gần đây, đồng thời cho rằng việc Washington tiếp tục duy trì quy chế « nền kinh tế phi thị trường » có thể làm tổn hại đến mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ với Việt Nam, mà Mỹ muốn xem như là đối trọng với Trung Quốc.
 
Hiện tại Việt Nam bị Hoa Kỳ xếp cùng với Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác trong danh sách các nền kinh tế phi thị trường và phải chịu thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ."

Chủ tịch Trung Quốc đến Serbia thắt chặt "tình hữu nghị bền vững"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chào đón nồng nhiệt tại Beograd như « một người bạn của Serbia ». Ngày 08/05/2024, tổng thống Aleksandar Vucic tái khẳng định ủng hộ « chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan ». Phía Trung Quốc muốn thắt chặt mối quan hệ kinh tế và chính trị với quốc gia « bạn hữu », cửa ngõ vào châu Âu.
 
Trả lời đài truyền hình Nhà nước RTS ngày 07/05, bộ trưởng Tài Chính Serbia Sinisa Mali cho biết lãnh đạo hai nước thảo luận về « một dự án lớn », bởi vì Serbia « muốn thu hút một khoản đầu tư lớn của Trung Quốc trong một lĩnh vực đầy hứa hẹn », nhưng không cho biết chi tiết.
 
Theo AFP, Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ euro vào Serbia và nhiều nước vùng Balkan, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác mỏ và gia công. Năm 2023, Bắc Kinh và Beograd ký một thỏa thuận tự do trao đổi thương mại. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực khi Serbia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
 
Ngay khi đến Beograd, chủ tịch Tập Cận Bình đã khánh thành Trung tâm Khổng Tử được xây trên nền đại sứ quán Trung Quốc bị máy bay NATO oanh kích cách đây đúng 25 năm. Tại buổi lễ, ông nhấn mạnh « dân tộc Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, nhưng sẽ không bao giờ cho phép thảm kịch lịch sử tái diễn ».
 
Thông tín viên RFI Jean-Arnaud Dérens tại Beograd cho biết thêm :
 
« Thời điểm của chuyến công du chính thức không phải được chọn ngẫu nhiên. Cách đây đúng 25 năm, vào ngày 07/05/1999, một máy bay của NATO oanh kích đại sứ quán Trung Quốc ở Beograd, khiến 3 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Dù là « do sai lầm » hay cố tình oanh kích, thảm kịch này vẫn là một chấn thương lớn đối với Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình khánh thành Trung tâm Khổng Tử rộng lớn được xây dựng ngay trên nền đại sứ quán cũ.
 
Ngoài ý nghĩa biểu tượng, Serbia còn giữ một vị trí trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu. Sau khi đã nắm giữ các nhà máy thép ở Smederevo và các mỏ đồng ở Bor, Bắc Kinh hiện là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Serbia, chỉ đứng sau Đức.
 
Hơn nữa, hai nước không chỉ « tâm đầu ý hợp » trong lĩnh vực kinh tế. Về vấn đề không công nhận Kosovo, chính quyền Beograd có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Bắc Kinh tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, còn tổng thống Vucic vẫn nhắc lại điều mà Bắc Kinh muốn nghe, đó là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
 
Chưa bao giờ hình ảnh Trung Quốc lại tốt đẹp như vậy trong công luận Serbia, còn hơn cả hình ảnh của Nga ».
 
Theo AFP, phát biểu khi tiếp chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Serbia đã tuyên bố ủng hộ quan điểm Đài Loan là thuộc chủ quyền của Trung Quốc
 
 
_________________

 
Đặng Hữu Phát gởi