Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 11/03 /2022


Liên Âu loại trừ khả năng kết nạp nhanh Ukraina

Lãnh đạo các thành viên Liên Hiệp Châu Âu chụp ảnh bên ngoài Cung điện Versailles, ngoại ô Paris, Pháp, trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh, 10/03/2022. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER

Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại lâu đài Versailles, ngoại ô Paris, hôm qua, 10/03/2022, lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí loại trừ mọi khả năng kết nạp nhanh Ukraina vào Liên Âu, nhưng vẫn mở cửa cho việc thắt chặt hơn quan hệ với Kiev.
 
Đề nghị chính thức của Ukraina, hôm 28/02, muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nhanh nhất có thể là một chủ đề nhạy cảm đối với Liên Âu. Trong cuộc họp thượng đỉnh tại lâu đài Versailles hôm qua, lãnh đạo 27 nước đã loại trừ ý định kết nạp nhanh Kiev. Vấn đề đã được nhất trí hoàn toàn. Pháp, chủ tịch luân phiên của EU, cũng như nhiều nước thành viên khácnhưĐức hay Hà Lan, đều khẳng định không thể có khả năng Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu trong ngắn hạn.
 
Tại cuộc họp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu : «  Liệu ta có thể mở thủ tục gia nhập (Liên Âu) cho một đất nước đang có chiến tranh ? Tôi không tin điều đó. Liệu ta phải đóng cửa và nói rằng không bao giờ ? Như thế là bất công ».
 
Chủ đề trọng tâm của cuộc họp thượng đỉnh lần này là soạn thảo một chương trình đối phó về kinh tế và quân sự của Liên Hiệp Châu Âu, trước cú sốc Nga xâm lược Ukraina. Vấn đề được thảo luận là thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga và phát triển chiến lược quốc phòng chung của Liên Âu, cũng như củng cố kinh tế của Liên Âu. Cuộc họp lần này không đưa ra quyết định cụ thể nào, mà chỉ vạch ra phương hướng chính sách để triển khai trong thời gian tới. 
 
Đặc phái viên RFI Alexis Bédu từ Versailles cho biết thêm thông tin:
 
« Việc triển khai thực hiện sẽ bắt đầu với một cuộc họp thượng đỉnh nữa vào cuối tháng Ba. Cuộc gặp này sẽ nhằm phê chuẩn các thỏa thuận đã đạt được ở Versailles, đặc biệt về vấn đề năng lượng. Các thành viên Liên Âu sẽ phải chấm dứt lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga từ nay đến năm 2027. Một kế hoạch đầu tư đang là trọng tâm của các cuộc thảo luận. 
 
Nước Đức có vẻ e ngại, nhưng theo thủ tướng Ý Mario Draghi, kế hoạch này là cần thiết. Ông nói :  ''Kinh tế châu Âu còn tiếp tục phát triển. Đã có sự buông lỏng, chúng tôi nhận thấy có sự khan hiếm nguyên vật liệu, sự khan hiếm không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, mà cả trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm… Tình hình này là của Ý cũng là của cả châu Âu. Chúng ta phải có câu trả lời cho vấn đề đó bằng cách hỗ trợ các công ty, hỗ trợ các hộ gia đình, chúng ta hành động với cùng quyết tâm đã thúc đẩy chúng ta đáp trả lại Nga''.
 
Vấn đề Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cũng đã được thảo luận. Về điểm này, các phát biểu đều theo cùng hướng : Đồng ý xích gần với Ukraina, nhưng sẽ không có thủ tục kết nạp đặc biệt và nhanh chóng. Không đóng cửa với Ukraina, nhưng 27 nước thành viên cũng muốn làm dịu tình hình, sau yêu cầu mạnh mẽ của tổng thống Zelensky muốn sớm gia nhập Liên Âu. » 

IMF: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm vì chiến tranh Ukraina

Theo AFP, hôm qua, 10/03/2022, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, đã cảnh báo là cuộc chiến tranh Ukraina đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới. 
 
Các nước đang phải chịu sức ép rất lớn về giá lương thực, năng lượng. Các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đang hoang  mang lo lắng. Trước báo giới, lãnh đạo IMF phát biểu : « Tóm lại, chúng ta đang bị tác động khủng khiếp của cuộc chiến tranh ở Ukraina. Chúng ta thấy cuộc chiến có thể sẽ có tác động đến tương lai kinh tế toàn cầu ». Ngay từ khi chiến tranh Ukraina chưa xảy ra, IMF và Ngân Hàng Thế Giới đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 5,9% năm 2021 xuống 4,4% trong năm 2022.
 
Kinh tế Nga bị suy giảm vì các trừng phạt ồ ạt của phương Tây, nhưng các nước ra lệnh trừng phạt cũng thiệt hại không nhỏ. Các chuyên gia đều nhận định, châu Âu sẽ là nơi bị tác động rõ nhất. Tăng trưởng kinh tế sẽ giảm và lạm phát gia tăng không kiểm soát được, vì giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng vọt. 
 
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, dù vẫn duy trì quan hệ làm ăn với Nga, cũng sẽ bị thiệt hại bởi cuộc chiến tranh Ukraina. Hôm nay, 11/03, tại kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã dự báo khó có thể duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới và đây là thách thức lớn cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,5%. Đây là tốc độ thấp nhất từ 30 năm qua của Trung Quốc. Năm ngoái  Trung Quốc đạt tăng trưởng 8,1% .
 
Bên lề phiên họp Quốc Hội, được AFP đặt câu hỏi, thủ tướng Trung Quốc tránh không trả lời về tác động có thể của cuộc chiến tranh Ukraina đối với kinh tế Trung Quốc.
 
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraina, với 1/3 lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Ukraina.

Chiến tranh Ukraina :Các nước Baltic ngưng cấp visa cho công dân Nga

Biểu tình ủng hộ Ukraina trước tổng lãnh sự quán Nga ở Narva, Estonia, ngày 26/02/2022. AP - Sergei Stepanov

Cả ba nước vùng Baltic, sát biên giới với Nga, đều đã quyết định ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho các công dân Nga, nhằm phản đối cuộc xâm lăng Ukraina. 
 
Đặc phái viên trong khu vực Marielle Vitureau tường trình :
 
« Liệu người Nga có thể qua tắm hơi ở Narva, một thành phố của Estonia, ngăn cách với Nga bởi con sông cùng tên, được không ? Điều đó giờ là không thể nữa đối với du khách Nga, chừng nào cuộc chiến xâm lược Ukraina kéo dài, theo như tuyên bố của ngoại trưởng Estonia, được truyền thông nhà nước dẫn lại. 
 
Estonia là nước sau cùng trong số ba quốc gia vùng Baltic đưa ra quyết định như vậy. Litva và Latvia đã thông qua biện pháp này ngay từ đầu cuộc chiến, ngày 24/02. Chính quyền Litva thậm chí còn mở rộng biện pháp cấm visa nhập cảnh đối với các công dân Belarus. 
 
Đương nhiên, các loại thị thực nhập cảnh vì lý do nhân đạo, đến thăm gia đình hay để chữa bệnh vẫn sẽ được cấp. Những người Nga nào đã hiện diện ở những nước này cũng sẽ không bị trả về. Nhưng đây lại là thông tin được đại sứ quán Nga tại Estonia cho lan truyền trên các trang mạng xã hội. 
 
Giải thích với đài RFI, bà bộ trưởng Tư Pháp Estonia cho biết một cuộc điều tra của cảnh sát đang được mở ra về vụ loan tin đồn này. Đại sứ Estonia tại Nga đã được  triệu hồi về Riga để tham vấn.
 
Nếu phải đưa ra một quyết định nào khác triệt để hơn, ba nước vùng Baltic này sẽ thực hiện chung. Điều này sẽ mang lại một trọng lượng nào đó cho biện pháp, nhất là đây là một vấn đề an ninh. »

Nga tố Ukraina có vũ khí sinh học, Hội Đồng Bảo An họp khẩn

Cuộc họp các đại sứ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vụ Nga xâm lược Ukraina, New York, Hoa Kỳ, ngày 07/03/2022. REUTERS - CARLO ALLEGRI

Theo đề nghị của Nga, hôm nay, 11/03/2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có cuộc họp khẩn. Matxcơva – từng bị Washington và Luân Đôn cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria – tố cáo Kiev chế tạo vũ khí sinh học.
 
Nga khẳng định Mỹ và Ukraina sử dụng các phòng thí nghiệm nhằm mục tiêu chế tạo vũ khí sinh học tại Ukraina. AFP nhắc lại, năm 2018, Matxcơva từng tố cáo Mỹ bí mật tiến hành các cuộc thử nghiệm sinh học tại một cơ sở nghiên cứu ở Gruzia, và ở một nước cựu Cộng hòa Liên Xô cũ khác là Ukraina, mà vào thời điểm đó đã có tham vọng gia nhập khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu. 
 
Báo Pháp Le Monde trích dẫn chỉ trích mạnh mẽ từ đại diện ngoại giao Mỹ, Richard Mills. Theo vị phó đại sứ này , trong quá khứ Nga « đã nhiều lần tuyên truyền tin giả liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. » Cũng theo ông, trong cuộc chiến tranh Ukraina lần này, Matxcơva cũng dùng đến những lời dối trá để biện minh cho hành động xâm chiếm Ukraina, do vậy, « thế giới không thể nào tin Nga khi nước này nói về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Ukraina ».
 
Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu gởi đến toàn dân hôm nay, 11/03, đã phủ nhận việc phát triển vũ khí sinh học và  hóa học ở trong nước. Ông khẳng định : « Tôi là tổng thống của một đất nước tử tế, một dân tộc đàng hoàng và cha của hai đứa trẻ. Không một ai phát triển bất kỳ một loại vũ khí hóa học hay hủy diệt hàng loạt nào trên lãnh thổ của tôi. »
 
Ngược lại, cả Luân Đôn và Washington từ hôm thứ Tư 09/3 cùng tỏ ra nghi ngờ Matxcơva rất có thể đã dùng đến vũ khí hóa học ở Ukraina.
 
Liên quan đến các cơ sở hạt nhân của Ukraina, hôm qua, lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) cho biết Nga và Ukraina sẵn sàng hợp tác với tổ chức này để bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạt nhân này.


RFI

______________


usaelection gởi