Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 26/03/2022
 

Tại Ba Lan, tổng thống Mỹ kêu gọi “thế giới tự do” chống lại Putin

Thăm lính Mỹ tại Ba Lan, Joe Biden nói "các bạn đang trong lòng cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài". Ảnh chụp ngày 25/03/2022. AP - Evan Vucci

Trong ngày công du thứ hai Ba Lan, tổng thống Mỹ Joe Biden dự buổi họp giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ và Ukraina sáng 26/03/2022. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Joe Biden với các quan chức cấp cao Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga.

Chiều cùng ngày, ông Biden đọc bài diễn văn trước cung điện hoàng gia Vacxava để kêu gọi “thế giới tự do” chống Nga xâm lược Ukraina, cũng như kêu gọi các nền kinh tế lớn ngăn cản tổng thống Putin.

Theo AFP, ông Biden đã đến thăm quân nhân Mỹ của sư đoàn 87 không vận đóng ở phía đông nam Ba Lan chiều 25/03. Ông ca ngợi vai trò “trung tâm” của lực lượng này “trong cuộc chiến giữa các nền dân chủ và các nhà độc tài”. Nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Ukraina, khiến ông nhớ lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đồng thời tái khẳng định tổng thống Nga là “một tội phạm chiến tranh”.

Người tị nạn Ukraina muốn Biden giao thêm vũ khí và đóng không phận

Ba Lan hiện tiếp đón khoảng 2 triệu người tị nạn Ukraina. Hàng nghìn trong số này đã tập trung chiều 25/03 gần khách sạn của tổng thống Mỹ để yêu cầu có thêm biện pháp chống Nga.

Đặc phái viên RFI Simon Rozé tường thuật từ Vacxava :

« “Đóng cửa không phận”, đoàn người biểu tình đồng thanh hô vang khẩu hiệu trên. Vài nghìn người tị nạn Ukraina có chung yêu cầu lập vùng cấm bay trên không phận nước họ. Đây là thông điệp gửi trực tiếp đến ông Joe Biden, đang ở khách sạn chỉ cách đó vài trăm mét. Bà Daria Kariniuk, phải bỏ chạy khỏi Kiev, phát biểu nhiều lần.

Bà nói : « Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn người dân Ba Lan. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng tất cả những người Ukraina có mặt tại đây đều muốn trở về nhà. Để có được điều đó, chúng tôi phải thắng trận. Cách duy nhất để giành chiến thắng là phải có thêm vũ khí.

Tổng thống Biden đang ở Ba Lan. Ông ấy sẽ nói chuyện với người tị nạn. Nhưng chúng tôi không muốn ông ấy nói về người tị nạn. Chúng tôi cũng không muốn ông ấy nói về vũ khí, mà muốn ông ấy giao vũ khí và đóng không phận để bom của Nga không dội xuống Ukraina. Chúng tôi cần có các phương tiện để làm điều đó, chúng tôi không thể tự tay làm được. Chúng tôi có quân đội tốt nhất, phi công thiện chiến nhất, chúng tôi chỉ  cần thêm các hệ thống phòng không ».

Được trực tiếp nêu tên, ông Joe Biden sẽ có cơ hội trả lời vào thứ Bảy này (26/03). Chiều nay, trước cung điện hoàng gia Vacxava, tổng thống Mỹ đọc một bài diễn văn mà Nhà Trắng cho là mang tính đột phá ».
Ủy Ban Châu Âu sẽ đặt mua chung khí đốt cho toàn bộ 27 nước thành viên Liên Âu

Liên Hiệp Châu Âu phối hợp mua khí đốt chung. © CC0 Pixabay/Steve Buissine

Thanh Phương

Hôm qua, 25/03/2022, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định giao cho Ủy Ban Châu Âu nhiệm vụ đặt mua chung khí đốt, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do tác động của chiến tranh Ukraina.


Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình :

“Sau các cuộc thảo luận dài, các bên đã đưa ra ba quyết định có liên quan đến toàn bộ các nước châu Âu. Trước hết, Ủy Ban Châu Âu, như đã làm đối với vac-xin ngừa Covid-19, sẽ thương lượng các hợp đồng đặt mua khí đốt chung cho toàn bộ 27 nước thành viên. Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ủy Ban có thể thương lượng đến 75% lượng khí đốt dành cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp châu Âu. Như vậy là Ủy Ban Châu Âu sẽ có một sức mạnh thương mại rất lớn.

Ngoài ra còn có hợp đồng ký với Hoa Kỳ, sẽ cung cấp thêm 15 tỷ mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng mỗi năm cho Liên Hiệp Châu Âu, để tăng lên thành tổng công 50 tỷ mét khối/năm.

Kho dự trữ chiến lược của mỗi quốc gia thành viên sắp tới đây sẽ phải được bơm đầy. Mức dự trữ của các kho này đã xuống đến mức thấp nhất vào cuối năm ngoái, bởi vì, do không có đủ điện gió và điện mặt trời, nên các nước đã phải xài thêm khí đốt.

Cũng phải kể đến một quyết định có lợi cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai nước này được phép giảm giá khí đốt sử dụng để sản xuất điện, tức là tách giá khí đốt khỏi giá điện, bởi vì Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chủ yếu sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đây là đề nghị mà nước Pháp đã đưa ra vào mùa thu năm ngoái, muốn tranh thủ nguồn điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân.”


Cũng tại thượng đỉnh Bruxelles hôm qua, 27 nước thành viên đã đưa ra một sáng kiến chung của Liên Hiệp Châu Âu để giảm nhẹ nạn khan hiếm lương thực do chiến tranh tại Ukraina, vẫn được mệnh danh là “vựa lúa mì của châu Âu”, tại những quốc gia bị tác động nặng nhất. Xung đột giữa Nga và Ukraina, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, có thể gây khủng hoảng lương thực trầm trọng trong vòng một năm tới ở châu Phi và châu Á.
Chiến tranh Ukraina: Quân Nga kể từ nay tập trung tấn công miền đông

Xe tăng của các toán thân Nga tiến về vùng Donetsk- miền đông Ukraina. Ảnh ngày 25/03/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO

Thanh Phương

Hôm 25/03/2022, quân đội Nga thông báo sẽ giới hạn cuộc tấn công ở miền đông Ukraina, trong khi lực lượng của Kiev phản công để cố chiếm lại thành phố Kherson.


Theo thông báo của bộ chỉ huy quân Nga ở Ukraina, được hãng tin AFP trích dẫn, “khả năng chiến đấu của lực lượng Ukraina đã bị cắt giảm đáng kể, cho nên kể từ nay chúng ta sẽ tập trung nỗ lực vào mục tiêu chính: giải phóng vùng Donbass”.

Tại vùng ở miền đông Ukraina này, lực lượng ly khai thân Nga đã tự tuyên bố thành lập hai nước “Cộng hòa” được Matxcơva công nhận, nhưng họ chưa kiểm soát được toàn bộ Donbass.

Thông báo của bộ chỉ huy quân Nga được đưa ra ít lâu sau khi phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev nhấn mạnh chiến dịch quân sự sẽ “tiếp diễn cho đến khi nào đạt được mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraina”.

Như vậy là sau một tháng tấn công, trước sự kháng cự quyết liệt của lực lượng Ukraina, quân Nga đã không thể phá hủy tiềm lực quân sự của Kiev và không thể lật đổ được chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky, cho nên nay buộc phải hạ thấp mục tiêu.  

Theo hãng tin Reuters, thống đốc vùng Kiev vừa thông báo hôm nay quân Nga đã chiếm được thành phố Slavutych, nơi cư ngụ của các công nhân nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trước đây. Lực lượng Nga cũng đã bắt cóc thị trưởng của thành phố này.

Trong khi đó, tại Washington, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cho biết lực lượng Ukraina đã mở cuộc phản công vào thành phố Kherson, thành phố lớn duy nhất bị quân Nga chiếm giữ hoàn toàn. Theo lời cố vấn của phủ tổng thống Ukraina, một viên tướng Nga đã thiệt mạng gần Kherson, viên tướng thứ bảy tử trận ở Ukraina. Một viên tướng khác đã bị điện Kremlin cách chức do những thiệt hại nặng nề của quân Nga.

Hôm 25/03/2022 Nga thừa nhận đã có tổng cộng 1.351 binh lính tử trận ở Ukraina và khoảng 3.800 lính bị thương. Nhưng theo khối NATO, thiệt hại nhân mạng của quân Nga trong bốn tuần chiến tranh đã lên đến từ 7.000 đến 15.000 lính.

Nhưng thiệt hại nhân mạng của thường dân Ukraina còn nặng nề hơn. Trong một tháng chiến tranh đã có hàng ngàn thường dân Ukraina thiệt mạng, trong đó có 135 trẻ em, theo số liệu của chính quyền Kiev. Chỉ riêng thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây đã có hơn 2.000 thường dân bỏ mạng, theo lời tổng thống Volodymyr Zelensky. Ngoài ra, tại thành phố này rất có thể đã có khoảng 300 người bị chết trong nhà hát bị quân Nga oanh tạc hôm 16/03, trong khi hàng trăm người đang trú ẩn trong đây.

Tối 25/03/2022, tổng thống Emmanuel Macron thông báo là Pháp cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ tiến hành “một chiến dịch nhân đạo” để di tản thường dân khỏi Mariupol trong những ngày tới. Ông Macron cho biết trong vòng 48 đến 72 tiếng đồng hồ tới sẽ thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin để xác định các chi tiết và thể thức của chiến dịch nhân đạo này.
Nga tập trận trên quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật

Quần đảo Kuril Wikipedia

Thanh Phương

Theo báo chí Nhật Bản hôm nay, 26/03/2022, Nga đã tiến hành các cuộc thao dượt quân sự trên quần đảo Kuril mà Nhật khẳng định chủ quyền, vài ngày sau khi Matxcơva đình chỉ các đàm phán với Tokyo do các trừng phạt của Nhật liên quan đến cuộc xâm lược Ukraina.


Theo Reuters, hôm 25/03/2022, hãng thông tấn Nga Interfax cũng đã trích thông báo của Bộ tư lệnh chiến lược miền đông Nga về các cuộc tập trận trên quần đảo Kuril với sự tham gia của hơn 3.000 binh lính và hàng trăm thiết bị quân sự. Kịch bản của cuộc tập trận là đẩy lùi các chiến dịch thủy lục phối hợp trên quần đảo. Nhưng địa điểm của các cuộc thao dượt quân sự này này không được tiết lộ.

Kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Nga và Nhật Bản vẫn chưa chính thức chấm dứt chiến tranh do tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Kuril, nằm ở phía bắc đảo Hokkaido của Nhật. Quần đảo này, mà Tokyo gọi là “Lãnh Thổ Phương Bắc” đã bị Liên Xô chiếm sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai.

Hãng tin Reuters cho biết hiện chưa liên lạc được với bộ Quốc Phòng Nhật cũng như văn phòng thủ tướng Nhật để biết phản ứng của phía Tokyo về cuộc tập trận của Nga trên quần đảo Kuril.

Hôm 22/03/2022, chính phủ Nhật đã bày tỏ phẫn nộ sau khi Nga quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa hai nước, đồng thời đình chỉ các dự án kinh tế chung liên quan đến quần đảo Kuril.
Bắc Triều Tiên có khả năng thử thêm tên lửa liên lục địa ICBM

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, J. Sullivan, cảnh báo Bắc Triều Tiền sẽ tiếp tục thử tên lửa liên lục địa. © AP - Patrick Semansky

Thu Hằng

Ngày 25/03/2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã không ra được tuyên bố chung lên án vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM của Bắc Triều Tiên, do Nga và Trung Quốc phủ quyết. Trong khi đó, theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, chế độ Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tiến hành nhiều vụ thử tên lửa ICBM khác.


Phát biểu với báo giới, ông Jake Sullivan cho rằng vụ thử tên lửa ICBM của Bình Nhưỡng « nằm trong kế hoạch thử nghiệm và khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã được thực hiện từ tháng trước và sẽ tiếp tục diễn ra ». Tuy nhiên, không có « dấu hiệu đặc biệt » nào cho thấy Bắc Triều Tiên lên kế hoạch thử tên lửa vào lúc tổng thống Mỹ công du châu Âu.

Theo ông Sullivan, được Yonhap trích dẫn, « đa số các quyết định liên quan đến chương trình thử hạt nhân đều được đưa ra tùy theo bối cảnh của bán đảo Triều Tiên và tầm nhìn của Bắc Triều Tiên về tình hình an ninh, chứ không theo lịch trình làm việc của tổng thống Biden ».

Còn tại Liên Hiệp Quốc, sau nhiều giờ họp kín ngày 25/03, 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An lại bị chia rẽ về vụ thử tên lửa liên lục địa ICBM của Bắc Triều Tiên. Theo AFP, Hoa Kỳ đã không thuyết phục được các nước thành viên thông qua « các biện pháp trừng phạt mạnh hơn » đối với chế độ Kim Jong Un và lên án các vụ thử tên lửa là « những hành động khiêu khích ngày càng nguy hiểm ».

Nga và Trung Quốc đã loại mọi biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) thậm chí còn đề nghị « giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt vào thời điểm thích hợp ». Còn phó đại sứ Nga Anna Evstigneeva cho rằng « việc tăng cường trừng phạt đe dọa đến người dân Bắc Triều Tiên với những vấn đề kinh tế-xã hội và nhân đạo không chấp nhận được ».


Thu Hằng

________________


usaelection gởi