Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Tình Cô Gái Bán Hàng Rong
 

 
Lời người viết: Ðây chỉ là một câu chuyện có phần hư cấu. Nếu vô tình có sự trùng hợp tên tuổi, tâm tư tình cảm với bất cứ ai, thì đó là ngoài ý muốn của tác giả! Xin niệm tình miễn thứ!
 
Nàng đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài, cố xua đuổi những giá buốt đang tràn về!
 
Trời cuối đông! Hàng cây vẫn còn trơ cành trụi lá. Chết đứng! Ðường xá vắng hoe! Nằm ngay đơ bất động! Sơ cứng! Không một bóng người! Không một bóng xe qua lại! Những đóng tuyết vun lum lúp, cao cao, tròn tròn, cơ hồ những nấm mồ, ngôi mả vôi! Hoang lạnh! Rét mướt!
 
Khu xóm này nhỏ hơn cả về diện tích, lẫn tiếng tăm đối với quê hương nàng ở bờ bên kia bờ Thái Bình Dương, Vũng Tàu! Không hiểu tại sao, ừ tại sao nhỉ "Mình lại trôi giạt về đây?" Chấp nhận (hay bắt buộc) nơi này làm quê hương thứ hai. Nàng thở dài vẫn câu hỏi cũ, đã hơn 10 năm qua, lặp đi lặp lại, vẫn chưa có câu trả lời! Ðối với nàng, nơi đây đúng nghĩa... “vùng sâu, vùng xa”. Xa hơn Long Ðiền - Ðất Ðỏ! Cách biệt hẳn bên ngoài. Nàng sống ở đây, giống như bị giam lỏng, quản chế, bị ở... tù!
 
- Ở tù? Nàng rùng mình!
 
Không! Nàng chưa bao giờ bị nhốt trong trại giam! Nàng chỉ là... vợ tù! Vì chàng! Chàng mới là... tù nhân! Chàng bị Cộng sản bắt bỏ tù!
 
***
 
- Ðúng không anh?
 
- Ðúng! Ơ mà... cô hỏi gì?
 
Người thanh niên đang lơ đãng nhìn ra biển, tránh không muốn trông thấy những cử chỉ có vẻ "sàm sở" của Ông Sáu, người chủ ghe, đang ra sức tán tỉnh cô gái bán trái cây, nghe hỏi bất ngờ, lúng túng trả lời.
 
Ông Sáu, vừa nhai chóc chách miếng đu đủ, nước chảy ứa ra dính ướt hàm râu con sâu rọm nằm dưới lỗ mũi kỳ lân, nói chen vào không thứ tự, không đầu đuôi:
 
- Cô ... Hai, à mà cô tên gì vậy? Cô Hai hỏi mày, à mà hỏi chú, có phải, có phải... Mà cô hỏi gì, tôi quên rồi!?
 
Người con gái ké né tránh bàn tay của Ông Sáu đang quờ quạng muốn nắm tay nàng, mắt vẫn hướng về chàng thanh niên:
 
- Tôi hỏi, hỏi...
 
Ông Sáu ngắt ngang:
 
- Sao lại xưng tôi? Xưng em đi cho nó thân mật! Trước sau gì rồi mình cũng là... anh em mà!
 
Cô gái bẽn lẽn trả lời:
 
- Dạ, em, em muốn hỏi: Anh Tư có phải đang nhớ... nhà không?
 
Ông Sáu cao giọng:
 
- Thằng Tư nó đang nhớ vợ nó đó! Thằng Xị này và thằng Chuột nữa, đứa nào cũng đang nhớ vợ, chỉ có anh, anh... Sáu này là không có nhớ ai hết!
 
Tư cũng như hai người bạn trẻ đang ngồi ghế bên kia hiểu ý đồ, lòng dạ của Ông Sáu muốn gì!
 
Ðã lặn lội những mấy năm qua trong giới "bán ghe mua bãi" để tìm đường vượt biên, chàng hiểu phần nào cung cách, mưu chước, thủ đoạn của những người đang lợi dụng thời cơ "cột đèn đường cũng muốn xuất ngoại" mà "đục nước béo cò", "ngư ông đắc lợi"!
 
Chỉ cần có một chiếc ghe chài dài chừng 13 thước, gắn máy Yanmar 10, kèm theo một máy đuôi tôm Kholer 9 nữa là đủ câu... khách, dư sức thả bóng bắt mồi. Ông Sáu, lường gạt hết mối này đến mối khác, từ Phan Thiết đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông làm giàu trên xương máu, tù đày, ngay cả trên thân xác của phụ nữ khao khát tự do, cả tin vào ông.
 
Giả dạng dân chài Tư lang thang từ Bến Ðình, Lam Sơn, đến Cát Lỡ, Cầu Cỏ May... cố tìm cho ra một mối làm tài công... mà đi.
 
Sáng nay, Tư thấy Ông Sáu từ chiếc ghe vừa cập bến Bãi Trước bước vào một ki-ốt (kiosque: nhà dù) với hai người trai trẻ “đi bạn” phụ việc. Tư nhìn biển số ghe, kiểu ghe và nghe giọng nói... của ba người này, đã đoán được ít nhiều điều gì! Chàng bước tới một chiếc bàn kề bên, cúi đầu:
 
- Chào Anh Hai! Anh Hai từ Phan Thiết mới vô?
 
Người đàn ông vênh váo, cự nự ngay:
 
- Tao là Anh Sáu! Hổng phải Anh Hai, mày!
 
Ông ta ngưng một chút, phóng con mắt cú vọ đỏ ngừ, nhìn Tư từ đầu tới chân. Chiếc mũ sờn rách lè lưỡi trai. Áo bạt thếch, vài chỗ bày cả áo thun ngả màu vàng bẩn. Chiếc quần tây có lẽ cho chó, chó chê! Ðôi dép Lào bằng mủ há mồm, há mỏ, khâu vá vụng về! Tóc tai dường như cả năm chưa hớt, bờm xờm, dài chấm vai!
 
Ông Sáu chưa hỏi, Tư đã lên tiếng khẩn khoản:
 
- Anh Sáu có cần... tài công không?
 
Ông Sáu vừa khoát tay vừa nói giọng xẳn lè, cộc lốc:
 
- Không cần!
 
Chợt nhìn thấy mấy cô trong quán bưng cà phê đến, ông dịu giọng, tỏ vẻ chủ nhân ông:
 
- Mày muốn làm tài công cho tao? Mà mày có biết lái tàu bao giờ chưa?
 
- Dạ có!
 
- Bao lâu? Ở đâu?
 
- Dạ, dạ thưa Anh Sáu, năm năm, trong...
 
Tư muốn nói tiếp, chợt ngưng bặt. Hai tên công an áo vàng vừa bước vô quán! Tư kéo mũ xệ xuống, lấy tay che miệng nói nhỏ vừa đủ cho Ông Sáu nghe:
 
- Em, em mời Anh Sáu ra phía trước uống nước, nói chuyện tiện hơn.
 
Trong khi Tư sốt ruột, ông Sáu lần khân, ra vẻ không có gì phải vội. Ông tớp một hơi hết sạch ly cà phê đá, uể oải đứng lên, đi ra ngoài. Tư kéo bốn cái ghế xếp, đặt xoay quanh chiếc bàn con kê hờ dưới gốc dừa hướng ra biển.
 
- Mời Anh Sáu ngồi! Mời Xị, Tý ngồi!
 
Ông Sáu ngã người ra phía sau. Chân bắt tréo chữ ngũ. Rút ra trong túi áo gói thuốc 555. Chưa kịp gắn lên môi, thằng Tý đã bật zippo đưa tới! Ông Sáu vo tròn miệng nhả khói thành những chữ O, rồi thổi một hơi dài, xuyên thẳng qua. Mặt vẫn nhìn lên trời, hiu hiu tự đắc, hất hàm hỏi:
 
- Chú mày tên gì? Làm tài công cho ai? Ở đâu? Nói nghe thử!
 
Tư nửa kín nửa hở, nửa nhũn nhặn, nửa khinh khi:
 
- Dạ em, em tên... Tư! Em là... lính Hải Quân!
 
Ông Sáu bật dậy, làm bộ mừng rỡ:
 
- Hải Quân?
 
Tư nghe Ông Sáu nói lớn tiếng, hoãng hốt:
 
- Anh Sáu! Nói nhỏ nhỏ! Tụi "Bò Vàng" còn ngồi trong quán đang nhìn mình kìa!
 
Tỏ vẻ phách lối, Ông Sáu vẫn cao giọng:
 
- Mặc kệ nó! Tao sợ gì bọn nó chớ! Ðứa nào mà không biết mặt tao! Thằng nào cũng nhận vàng bán bãi, lo trạm cho tao! Ăn nhậu với tao ngập mặt, ngập mũi! Mày nói đi! Tao cũng Hải Quân đây!
 
Thằng Xị và Tý bưng miệng cười, quay mặt đi chỗ khác. Nhưng vẫn không khỏi bị Ông Sáu thẳng cẳng đạp mỗi đứa một đạp té nghiêng, lăn ra khỏi ghế. Chúng biết Ông Sáu nói láo, nổ quá nhiều lần rồi! Hễ ai nói mình là lính gì, sĩ quan gì, binh chủng nào là ông Sáu nói ông cũng là như vậy. Lộng giả thành chơn. Ông Sáu có tài nhớ dai, thuộc vanh vách các Quân Binh Chủng, tên tuổi các vị Tướng Tá, các cấp chỉ huy từ Phủ Tổng Thống ngày trước đến Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng bây giờ, nhất là tên các đồng chí Tỉnh ủy, Huyện ủy, Xã ủy, v.v... Ông không bị xộ, bị hớ. Mà có cường điệu bao nhiêu, cũng chẳng ai dám lật tẩy. Ông ta biết rõ mục đích của người đến tìm ông. Không ai dại gì làm mất lòng ông. Sợ ông trở mặt tố cáo, sở trường của ông Sáu Râu này. Mà cũng là bản chất thời thượng của tất cả những ai đang hành nghề đầu cơ xuất ngoại hiện nay. Ông tha hồ vẽ rắn thêm chân. Ông muốn thắng thì thắng, muốn thua thì thua. Ðằng nào ông cũng có lợi. Ai thỏa mãn cho ông tối đa, ông sẽ cho họ thoát! Còn làm cho ông buồn thì... tiền mất tật mang, bể ổ vào tù!
 
Ông Sáu lấy tay vỗ mạnh vào ngực, mắt nhìn thẳng vào Tư:
 
- Tao là bạn đồng khóa với Thiếu Tá Trần Văn Sơn đây! Mày có biết Thiếu Tá Sơn, huấn luyện viên tại Trường Hải Quân Nha Trang không? Sau này, nó là Dân Biểu Nha Trang với Thiếu tá Nguyễn Văn Cử đó! Mà thằng Cử cũng là bạn tao. Hai thằng đều cùng quê với tao!
 
Ông Sáu thao thao còn đệm thêm mấy tiếng chửi thề. Tư đã rõ! Ông này thuộc loại "bán trời không mời thiên lôi" đây! Tư là học trò của Thiếu tá Trần Văn Sơn. Ông Sơn là người Huế. Thiếu tá Cử, sĩ quan Không Quân, người Bắc. Ông Sáu nói giọng Phan Thiết, sao lại bạn cùng quê! Tư cười khẩy! Tự nhũ:
 
- Mình đang cần ông ta mà! Ông ta muốn huênh hoang khoát lát cỡ nào thay kệ! Tạm thời "cuốn theo chiều gió" rồi tính sau!
 
Hai cô bé bán hàng rong chạy ùa tới, miệng mời láu táu, tranh nhau bỏ những gói đậu nấu có, đậu rang có trên bàn trước mặt từng người. Tư lấy vài gói đậu phọng vừa trả tiền, vừa cố lấy giọng khiêm nhường:
 
- Vậy Anh Sáu là Thầy em rồi! Mời sư phụ!
 
Ông Sáu vễnh râu lên:
 
- Chớ còn gì nữa! Tao là sư phụ của chú mày! Mày phải phục tùng tao, theo tao, làm cho tao vui, tao sẽ...
 
Ông Sáu ngưng ngang. Một giọng oanh vàng vang phía sau lưng:
 
- Chào các anh! Mời các anh dùng đu đủ, quit, bưởi, sa-cô-chê... cho mát. Hay là...
 
Ông Sáu quay sang, ngồi thẳng dậy, ríu rít:
 
- Ồ! Người đâu mà đẹp quá vậy? Sao, mấy năm nay không thấy cô em? Cô em bán đủ thứ... Thứ gì cô bán chắc cũng thơm ngon, mát mẻ... như cô em hả?
 
Ông cười hô hố! Rồi không cần ai hỏi, ông Sáu huênh hoang kẻ cả, tự giới thiệu:
 
- Anh là Anh Sáu, Sáu Râu, chủ chiếc tàu sơn màu đỏ, đang gác mỏ lên bờ cát kìa, trước Ty Bưu Ðiện đó! Cô em thấy chưa? Chiếc ghe đẹp nhất đó! Còn thằng nhóc con này là thằng Tý, Chuột nhắc. Thằng mập kia là thằng Xị, heo sữa. Còn thằng giống như ăn mày là thằng Tư! Cả ba thằng này đều là đệ tử của Anh! Anh là sư phụ của tụi nó!
 
Ông quay sang mấy cô bé:
 
- Tụi bây lấy tiền rồi, còn không đi chỗ khác chơi! Ði đi! Ði lẹ lên! Ở đây đã có người đẹp... phục vụ tao rồi!
 
Cô gái không để ý đến lời xua đuổi của ông Sáu, đưa mắt nhìn từng người. Hai chú nhỏ đang cúi xuống bàn, làm bộ chăm chú bóc vỏ đậu phọng rang, nhai ngấu nghiến, nghe dòn rụm.
 
Mặc cho Ông Sáu hỏi gì thì hỏi, cô hướng về người con trai mà ông Sáu cho là ‘"hằng ăn mày" đang quay mặt đi chỗ khác, lặp lại câu hỏi:
 
- Có phải anh Tư đang nhớ nhà, đúng không?
 
***
 
Tư ơ hờ lặp lại câu trả lời:
 
- Ðúng! Ơ mà cô hỏi gì?
 
Trong khi ông Sáu cố “đâm xuồng mục” vào nói huyên thuyên. Cô lột quit mời Ông Sáu, thằng Tý, thằng Xị. Ông Sáu nhìn chăm chăm vào bàn tay nõn nà, dịu dàng của cô gái. Mỗi khi thấy cô muốn đưa quit cho Tư, ông Sáu nhanh tay chận lấy:
 
- Trái này ngọt hơn, để anh thử trước! Cỡ như thằng Tư đâu được hưởng trái ngon vị ngọt này! Phải không cô em? Phải không người đẹp Vũng Tàu?
 
Tư phụ họa đỡ lời:
 
- Dạ, mời anh Sáu! Mời sư phụ!
 
Nhiều lần bị chận ngang, dường như hơi bất nhẫn, cô hàng lựa trong gánh trái khác. Cô từ từ lột vỏ. Thừa lúc ông Sáu quay mặt nhìn các cô gái bán bar đang nheo mắt mời mọc ông ta, cô lòn trái quit ra sau lưng, ra dấu cho Tư nhận lấy. Ông Sáu chợt thấy, tằng hắng, nói xa nói gần:
 
- Ồ! Ồ! Ban ngày ban mặt mà có kẻ... ăn trộm kìa!
 
Cô gái chống trả:
 
- Ai làm gì đâu? Lưng em ngứa. Em muốn gãi thôi mà!
 
Cô gái má đỏ bừng. Có tiếng bạn gọi cô đằng xa, có cớ thoát thân, cô nói vội:
 
- Chào các anh! Ngày mai em trở lại tính tiền.
 
Cô gái nói xong, đưa vai nhấc đôi đầu giống, gánh hàng đi thẳng. Khi ra hơi xa, cô ngoãnh mặt nhìn lại.
 
Một luồng hơi ấm chuyền nhanh qua người, Tư bắt gặp trong ánh mắt của cô gái luồng sinh khí mà dường như Tư đã đánh mất từ ngày ra khỏi trại cải tạo Cây Cày A, Tây Ninh.
 
Ông Sáu đưa tay vẫy vẫy, nói lớn:
 
- Ngày mai, cô em nhớ trở lại! Anh chờ em ở đây nghe!
 
Rồi nói như cho riêng mình:
 
- Sao lâu nay, tao không thấy cô này? Con nhà ai mà đẹp quá!
 
Tư phụ họa biểu đồng tình:
 
- Cô đẹp quá hở anh! Chắc cô mới ra bán. Hay là, tại Anh Sáu về Phan Thiết quá lâu mới vô, nên hổng gặp cô ta.
 
Ông Sáu đấm mạnh tay xuống bàn gỗ:
 
- Tao phải...
 
Ông bỏ lửng câu nói. Nhìn đôi mắt rực lửa dâm ô của Ông, đủ cho thằng Xị, thằng Tý, ngay cả Tư đã hiểu rằng Ông ta sẽ“không tha” cho cô gái này!
 
Trưa nào cũng như trưa nào, "đến hẹn lại lên" cô gái gánh trái cây đến... để hứng chịu những lời tán tỉnh rẻ tiền của ông Sáu Râu. Không dám nói ra, Tư gần như cảm nhận và chia sẻ tất cả những đắng cay mà cô gái cố nuốt vào lòng. Cô tránh né những lời cợt nhã cố tình cột buộc, những cử chỉ sàm sỡ nhắm vào bàn tay, mái tóc, đôi má, đôi chân và cả... mông của cô. Cô khéo léo để ông Sáu không đụng chạm vào người, chứng tỏ rõ phẩm cách của cô. Dường như hoàn cảnh "gặp thời thế thế thời phải thế", phải thân cò lặn lội để tự lực cánh sinh! Chắc chắn cô có nỗi khổ riêng khi phải chọn "đôi gánh đè vai" chắt chiu từng đồng bạc lẻ chan hòa xót xa, bởi những hạng người thừa "giậu đổ bìm leo" như ông Sáu Râu này.
 
Tư đang miên man cay đắng phận người, xót xa phận mình, bỗng nghe lẫn lộn tiếng mắng chửi của cô:
 
- Ðồ khốn nạn!
 
Tiếng la chói lói của ông Sáu:
 
- Chết tôi rồi!
 
Ông Sáu lấy hai tay bụm trán. Máu chảy dài xuống mặt. Mắt mở không lên. Cô bán hàng, tay còn quơ chiếc guốc, muốn đập tiếp:
 
- Bỏ thói dê đi nha! Ðừng tưởng có tiền rồi muốn làm gì thì làm!
 
Nói xong, cô quay gánh đi một mạch, mất hút.
 
Tư vội vàng xé vạt áo thun rách của mình, lau bớt máu và băng trán cho ông Sáu. Thằng Xị, Thằng Tý mặt mày xanh lét, run run nhìn ông Sáu! Một số người hiếu kỳ bu lại. Một kẻ hỏi, ba bốn người trả lời.
 
- Thừa lúc con... Lan đưa dĩa đu đủ mời, ông Sáu Râu ôm đại nó. Nó rút guốc dập vào đầu ổng. Ðáng đời! Gặp ai cũng thả dê. Bãi Trước này ai ai cũng biết tiếng ông ta! Già hổng bỏ, nhỏ hổng tha! Ðồ già dịch! Già không nên nết! Có như vậy, ổng mới chừa!
 
Một bà nhắc lại câu ca dao:
 
- “Một lần cho tỡn tới già. Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chưn”! Nghe ông Sáu Râu!
 
Một bà khác xuất khẩu thành thơ:
 
- Sáu Râu ơi hỡi Sáu Râu! Bị con gái đánh u đầu tét môi!
 
Tư bàng hoàng, cảm thấy không thể nào nương tựa vào ông Sáu nữa. Không chừng lại bị ông Sáu giận cá chém thớt, thì bỏ mạng. Tư mượn cớ mua thuốc lá, lẫn đi vào Xóm Lưới, dãy nhà 10 căn, trước Ðình Phường Thắng Tam tìm người quen.
 
***
 
Cô gái gánh gánh chân thấp chân cao, đi như bay thẳng một mạch về nhà. Bỏ buổi bán hàng. Thường ngày, thì đến chiều tối, khi bãi biến vắng người, đường phố lên đèn cô mới chịu về! Buông đại đôi gánh trước thềm, mở cửa, để nguyên quần áo, cô vật người nằm dài trên giường, úp mặt xuống gối, khóc tức tưởi thành tiếng!
 
Thằng Minh, em nàng, không hiểu, không biết tại sao chị mình bữa nay lại về sớm, rồi còn khóc dữ dội chưa từng thấy như vậy! Nó không dám hỏi. Cứ đi qua đi lại bên giường của chị.
 
Một lát sau, chị Ba và các con, các cháu của chị cùng bán trái cây ngoài bãi biển chạy về! Tất cả vội đi thẳng vô buồng, dồn dập hỏi:
 
- Lan, em có sao không?
 
- Có sao không dì Năm?
 
Lan không trả lời, càng khóc lớn hơn! Chị Ba cố đỡ Lan ngồi dậy. Các cháu nhúng nước khăn lau mặt, mắt mũi cho Lan. Ðứa vuốt ngực. Ðứa bóp vai. Lan ôm choàng chị Ba như vớ cái phao, nói trong tiếng khóc rấm rức:
 
- Em, không đi bán nữa! Ðói chết chịu! Nghèo cạp đất ăn! Em nhất định không bao giờ làm cái nghề bán trái cây gánh rong này nữa!
 
Không kịp cho chị Ba an ủi, Lan tiếp:
 
- Các đồ nghề của em, thúng giống, tràng trẹc, muỗng nĩa... cho con Thúy hết đó. Thúy muốn bán cứ lấy đi theo má Ba mà bán. Nhớ đừng có đi riêng rẻ một mình!
 
Lan tủi thân lại khóc! Chị Ba, người chị ruột của Lan, chồng đi lính Nhảy Dù, mất tích vào ngày 30 tháng Tư, năm 1975, để lại bốn đứa con. Thúy, con gái lớn nhứt, cũng đã 14 tuổi rồi!
 
Lan nằm vùi mấy ngày liền. Không ăn, bỏ ngủ! Cả nhà, từ chị Ba, thằng Minh đến các cháu không ai có thể khuyên can trước sự cứng đầu cứng cổ của Lan. Tất cả đều bất lực, đành im lặng!
 
Không thể tiếp tục cuộc sống nhờ vả từng bữa nơi thằng Minh vá xe đạp, Lan cố gắng đứng dậy. Nàng đã có quyết định! Còn đôi bông tai do mẹ để lại, Lan đem qua nhà anh chị Bảy Thợ Mộc. Chị này sau ngày mất nước, đổi nghề làm chủ cầm đồ. Ðược một ít tiền, Lan nhờ anh Bảy đóng cho một... cái tủ bán thuốc lá lẻ. Ra chợ mua vài gói thuốc lá, xin thêm mấy chục cái bao thuốc... trống không. Ðể một cái ghế đẩu trước cửa nhà. Trịnh trọng đặt tủ lên. Thắp một cây nhang cho khách mồi thuốc. Xếp bao... không vào! Cũng đủ các hiệu! Dun Hill, Samit, Salem, Camel, Con Mèo, Pall Mall, Malboro, Winston, Kool, 555, Bastoz Xanh, Ðỏ, Vàng, Capstan. Và nào là Sài Gòn Giải Phóng, Lạng Sơn, Hải Ðảo, Vàm Cỏ, ... cùng các loại thuốc vấn lẻ 20 điếu, 50 điếu. Cũng xôm tụ ra phếch! Có ai hỏi mua một gói, lòng Lan mừng run lên:
 
- Xin lỗi mới vừa hết! Chưa đi lấy kịp! Vui lòng đợi cho 10 phút, mời anh trở lại!
 
Nhớ Minh dòm chừng thùng thuốc, nàng chộp lấy chiếc xe sườn ngang, đạp cọc-cạch chạy ra chợ Mới mua vừa đủ số thuốc khách dặn! Phải vất vả như vậy, vì một lẽ đơn giản đã thành... “giản đơn” là nàng không có tiền, không có đủ vốn, dù là mua vài bao thuốc lá thơm đầu lọc! Dần dần, các sạp chịu bán... thiếu từ từng gói, đến từng cây. Những thủy thủ các tàu viễn dương về từ Singapore, Nhật Bản, ... cũng bỏ thuốc mối cho nàng. Khách mua thuốc mỗi lúc một đông. Mối lấy thuốc ngày càng nhiều hơn!
 
- Nhờ Ông Bà thương, Trời Phật độ có được ngày hai bữa!
 
Lan thường mỉm cười trả lời khi có ai khen với bất cứ dụng ý xấu tốt, hoặc tán tỉnh:
 
- Cô Lan thật là giỏi! Mới đây đã... giàu rồi!
 
Giàu? Chắc là không đúng! Nhưng Lan cảm thấy mình không còn hốc hác nữa! Không phải lo lắng, sáng sáng hối thúc Minh nhớ đi nạp sổ Hộ khẩu, "xếp hàng cả ngày" (xã hội chủ nghĩa) chờ tới phiên mua vài kí gạo mục nát! Không biết đã bao lâu rồi, Lan khỏi phải tất tả ngược xuôi nữa!
 
Và cũng không biết đã tự bao giờ, những hình ảnh mà Lan cho là "kinh khủng" với ông Sáu Râu cũng đã tan biến theo những giọt mồ hôi đội mưa gội nắng còng lưng đạp chiếc đạp cũ kỹ!
 
Ừ! Không biết đã bao lâu, Lan không gặp "anh chàng ăn mày" ngày đó nữa! Mấy tháng? Mấy năm qua rồi nhỉ? Bây giờ không biết anh ta ra sao?
 
***
 
Gió từ biển khơi bay tung những sợi tóc ngược ra phía sau chiếc xe gắn máy đời mới, ngon trớn chạy phon phon, Lan hít những hơi dài khoan khoái! Xua tan đi những nhọc mệt khỏi đầu óc, tay chân nàng! Ðảo xe một vòng từ Bãi Sau qua Ô Quắn, Bãi Dâu, Bãi Dứa... như cánh chim biển bay lượn giữa trời xanh mây trắng, nắng hồng. Biển cả mênh mông. Núi Lớn, núi Nhỏ chập chùng! Nàng chép miệng ca:
 
- Ôi! Cuộc đời đầy phong ba gió sương...! Ðã tạm qua rồi!
 
Ghé Thích Ca Phật Ðài dâng ba nén hương với tất cả lòng thành tạ ơn Mười Phương Tam Bảo, cửu huyền thất tổ... cho Lan vượt qua những khổ ải, đứng lên ngẫng mặt với đời.
 
Trả tiền gửi, lấy khăn lau những con số ghi trên yên xe, dắt thụt lùi xe ra khỏi bãi... đụng phải một... ông lão đang đứng quay lưng nhìn lên chùa.
 
- Xin lỗi!
 
Lan lên tiếng. Ông... lão dỡ chiếc nón lát rộng vành biểu tỏ ý vô sự, đáp hờ hững:
 
- Không có chi!
 
Ông vừa nói vừa dợm bước đi. Lan ngờ ngợ! Nàng nhíu mày suy nghĩ! Như tia chớp, dĩ vãng vụt hiện về. Nàng kêu lên:
 
- Anh Tư!
 
Ông... lão ngượng ngập trước một cô gái sang trọng từ cách trang phục đến chiếc xe cúp mới cáu chỉ. Ông ngoái nhìn phía sau coi có phải cô gái gọi ai hay không. Tiếng cô gái run run lặp lại:
 
- Anh Tư! Anh không nhận ra em sao?
 
Nàng vừa nói vừa nắm vội tay... ông lão:
 
- Làm sao anh đến đổi giống như ông già vậy nè!?
 
Tư ấp úng:
 
- Cô, cô bán...
 
Không đợi Tư nói hết câu, Lan đã hối:
 
- Anh lên xe em chở đi. Ðứng đây nói chuyện không tiện!
 
Tư ngoan ngoãn như một đứa học trò nhỏ trước mệnh lệnh của cô giáo đang cầm cây thước bảng. Xe rú ga, quẹo trái, chưa đến Bệnh viện Lê Lợi, dừng trước một căn nhà đường Cô Giang.
 
- Mời anh vô nhà!
 
Tư nhìn quanh như để quan sát có ai theo dõi, dòm ngó gì không. Chậm rãi ngồi vào chiếc ghế kê sát cửa quay mặt vào trong, cố ý để cho người ở bên ngoài không trông thấy.
 
Với bộ áo mặc trong nhà, Lan bước ra tay bưng ly nước cam vắt đặt trên chiếc đĩa Nhật Bổn. Nàng kéo ghế ngồi đối diện, run run:
 
- Anh, anh có khỏe không?
 
Tiếng nàng ngọt dịu chan chứa tình cảm, săn đón, niềm nỡ quá! Tư nhìn lên. Bắt gặp đôi mắt to, đen lay láy dưới hàng mi cong vút. Ðôi môi vừa đủ tô điểm hình trái tim đỏ mộng. Mái tóc buông theo dòng suối trôi ngập ngừng, đẩy những đường ren áo chệch khỏi bờ vai tròn lẳn. Những lọn tóc tiếp tục trôi lăn về phía đồi non dưới lớp voan mỏng như sương mai.
 
Tư mơ hồ không biết người ngồi trước mặt mình hôm nay có phải là cô gái bán trái cây ngày nào hay không!? Tư vẫn chưa định hồn, trả lời một cách vô hồn:
 
- Dạ, cảm ơn cô! Vẫn thường!
 
Lan đưa chiếc khăn lông ướp lạnh:
 
- Anh lau mặt cho mát! Ðừng khách sáo! Ðừng dạ thưa nữa! Anh kêu tên em được rồi!
 
Lan nhìn thẳng vào Tư vừa như quan sát, vừa như quan tâm, thương xót:
 
- Anh đang ở đâu mà... áo quần coi bộ... ! Tóc tai, râu ria, mặt mũi... tèm lem quá vậy?!
 
Lời của Lan đi vào tâm khảm Tư như những mạch nước ngầm li ti chảy chầm chậm vào từng thớ thịt. Tư xúc động thấy rõ. Nhưng với sự tự trọng cố hữu của một con người đã được trui rèn trong lửa đạn, bị cải tạo trong trại tù, bị lọc lừa giữa “thiên đường cộng sản”, Tư dè dặc:
 
- Dạ, tôi vẫn chưa có nơi nào cho tạm trú.
 
Dừng lại cho xúc động lắng xuống, Tư cúi mặt nóí tiếp:
 
- Cô biết đó! Xin tạm trú, thì nó đòi giấy chứng nhận việc làm. Xin việc làm, thì nó hỏi tờ Hộ khẩu! Cuối cùng... mình vẫn phải lang thang đầu đường xó chợ. Vẫn...
 
Không chờ nghe hết câu nói, Lan đứng lên, bước vào trong nói chuyện với một người đàn bà, rồi trở ra với quần áo màu đen bó sát, làm nổi bật thân hình thon gọn:
 
- Anh Tư nè! Bữa nay, anh có thể tạm ở đây. Tắm rửa! Qua anh Hồng cắt tóc, cạo râu! Bây giờ, em đi chợ. Một lát, em về liền! Ở nhà có chị Ba giúp Anh. Anh đừng ngại nha!
 
Nói xong, Lan đẩy xe ra, đi liền. Chị Ba, người đàn bà trung niên, bước ra, mở lời:
 
- Chào cậu! Phòng tắm phía sau! Khăn lông, xà bông và bộ quần áo pyjama của thằng Minh chưa mặc, cậu lấy mặc đỡ!
 
Tư ngập ngừng:
 
- Dạ, cảm ơn chị!
 
***
 
Những ca nước mát lạnh được xối lên, chảy dài, đẩy những bọt xà bông Dove thi nhau chạy ngoằn ngoèo xuôi xuống sàn nước. Tư nhìn ra khung cửa hẹp. Những cụm mây trắng lững lờ từ dưới biển trôi ngược về.
 
Khi rời khỏi ông Sáu Râu, Tư vào Xóm Lưới tìm người bạn tù chung trại cải tạo Trảng Lớn, Tây NInh; nhưng tìm không được. Lý do, Tư không nhớ rõ địa chỉ. Trong một quán nhậu bình dân trên đường Lý Thường Kiệt, Tư làm quen với ông Dư, người cụt mất bàn tay phải. Ông ta chuyên sửa máy tàu. Loại nào ông cũng cho mình là giỏi. Ông đang chuẩn bị đưa cả gia đình đi. Qua vài chai 33, ông Dư chịu nhận Tư phụ việc. Với điều kiện làm không công, chỉ cơm ngày hai bữa thôi!
 
Sau một thời gian, biết ông Dư, người tham công cướp việc, bóc lột quá mức, và sự hứa... vượt biên, ngày càng xa vời, Tư chán nản trở về Sài gòn tìm phương thế khác.
 
Ðể có được một tấm giấy Chứng Nhận công nhân viên, Tư lần mò đến một Tổ Hợp Tăm Tre ở Ngã Năm Chuồng Chó. Vô tình, gặp Trịnh Công Sơn. Tuy xa cách hơn 10 năm, nhưng nhạc sĩ họ Trịnh vẫn nhận ra Tư, người bạn dạy chung trường ở Lâm Ðồng ngày nào! Cái thời mà họ Trịnh còn làm nhạc tình, mang về Sài gòn, năn nỉ Thanh Thúy hát, Thanh Thúy chê... quê. Trịnh lại phải lần mò lên Ðà Lạt ra mắt Khánh Ly, Khánh Ly... "qùy" (oui, tiếng Pháp, vâng, chấp nhận). Rồi... mê “Người em gái Việt Nam... da vàng” Khánh Ly, đến đỗi bỏ trường, bỏ lớp cho các bạn dạy liền tù tì. Năm 1968, chạy theo... Hoàng Phủ Ngọc Tường, thi hành đặc vụ văn hóa vận phản chiến, để "mất dạy" luôn!
 
Ông nhạc sĩ Trịnh, cán bộ đặc công, lúc này vừa được Ðảng vắt chanh bỏ vỏ, phải chạy vòng ngoài để kiếm ăn. Ông chán đời. Nhậu liên miên. Lè nhè với điếu thuốc suốt ngày. Ông đặc phái cho Tư một chiếc xe "lô-bồi" 18 bánh, lái lên Ðắc Tô, Ðắc Suk chở lồ ô về cho thợ chẻ làm tăm tre. Gặp khi mùa mưa lũ, đường trơn trợt, vượt qua suối, qua đèo, lên ghềnh, xuống thác, phải dùng đến dây xích làm “trơi” giữ kềm xe lại cho khỏi tuột giốc, rơi xuống hố bất cứ lúc nào. Từ chết đến bị thương. Thêm cái lạnh giá thường trực từ mưa như trút nước, cái rét buốt từ sương núi rừng... Hai hàm răng đánh vào nhau khua lụp cụp, lặp cặp, không ngơi nghỉ! Xương quai hàm mỏi đến độ tê cứng, không còn nhai bo bo được!
 
Nhưng bù lại, mỗi khi về đến Tổ hợp, nằm trong khu Trường Hành Chánh Tài Chánh cũ, nếu gặp ông chủ, chắc chắn y như rằng, mười lần như chục lần, họ Trịnh bắt Tư phải đi nhậu... rượu đế. Cái quán cốc của o Huế, trên đường Kỳ Ðồng, có tiết canh vịt, có thuốc lào ba số 8, những món nhắc nhở cảnh kinh hoàng "đại bác ru đêm" trong những ngày Tổng Công Kích Mậu Thân 68, “Mùa Xuân Ðại Thắng 75”.
 
Tư rùng mình!
 
Chàng vẫn chưa ra khỏi những chuỗi ngày dãi gió dầm mưa. Than thở với anh bạn tù cải tạo ở Ðồng Ban, Tây Ninh về tình cảnh mình, anh Lê Châu Sa, người ở cư xá Vĩnh Hội, Quận Tư, Sài Gòn, rủ Tư đi đường bộ Kampuchia. Không cần phải suy nghĩ, Tư mừng hết lớn, đi theo anh Sa liền.
 
Từ Bến Xe Miền Tây, Phú Lâm, mua vé về Châu Ðốc. Trước 75, Tư thường chạy xe vespa về Bạc Liêu thăm bà con, có khi đi xuống tận Cà Mau, hoặc về Rạch Giá qua Hà Tiên đi săn bắn dưới biển; nhưng Tư chưa ghé Châu Ðốc. Ðường từ Ngã Ba Lộ Tẻ trở nên quá xấu! Ðầy ổ gà, ổ voi, bụi mịt mù!
 
Ra chợ Châu Ðốc xem cho biết. Một hàng con gái... bán rắn với bao tay kéo dài tới cùi chõ! Tư không khỏi lé mắt khâm phục! Mùi mắm Thái rất đặc biệt khiến Tư nuốt nước miếng. Anh Sa và Tư ghé hàng bún mắm! Quá đã! Quá ngon! Ngon hơn quán “mắm và rau” đường Trần Quang Tiên ở Chợ Cầu Kho, Sàigòn nhiều!
 
Tối hôm đó, xuống tàu vượt sông Cửu Long đến Neak Luong. Nhớ anh Sa biết tiếng Miên, dạy trước cho Tư vài câu thông thường, nên đã đến Phnom Penh (Nam Vang) không mấy khó khăn!
 
***
 
Ðất nước Cao Miên ngày trước, bây giờ với tên gọi Kamphuchia, cũng là lạ, độc đáo. Những mái chùa nhọn hoắt nhiều vô số. Ði đâu cũng thấy chùa. Ðúng với tên Xứ Chùa Tháp. Về đêm, dọc hai bên bờ sông Bốn Mặt trước cung điện Hoàng gia, đến chợ Cũ, Chợ Ô-Rư-Xây, vận động trường Olympic, chạy dài đến Cầu Sài Gòn... những ngọn đèn dầu leo léc của những hàng bán cơm, chè, cháo, bánh trái... bày la liệt. Ðặc biệt món "num bờ chóc" với “mắm bồ hóc” khó quên. Còn giải khát bằng nước thốt nốt tươi. Ôi! Ngọt lịm đến tận tim non!
 
Anh Sa dắt Tư ra ga xe lửa. Rời Chợ Mới, dọc Sông Tông Lê Sáp hướng về Battambang (Cây Gậy Gẫy). Qua đêm sau, hai người bạn đã đến Si-xà-phôn, một phố nhỏ gần biên giới Thái Lan. Mướn người dẫn đường bằng xe bò, băng rừng vượt biên giới! Mưa như cầm chỉnh đổ. Rừng đêm càng lúc càng tối tăm mặt mày. Người đi sau không trông thấy người đi trước! Và rồi, sáng ra, Tư được... “chuyên gia Viêt Nam” đón tiếp "niềm nỡ" bằng một trận đòn nên thân để khảo vàng. Cuối cùng, mình trần thân trụi, Tư bị tống khứ ra khỏi đồn với thân thể mập phì vì những vết sưng bầm tím. Anh Sa, không thấy mặt ở đây, chắc là đã vượt thoát!
 
Lá rụng về cội! Ba tháng sau, Tư cũng lót tót có mặt ở bên "Hồ... thành phố muôn vàn quái yêu" với tấm thân tàn ma dại. Nhờ ơn hai ông bà vượt biên... hụt, bị gạt hết vàng, nhưng còn chút đỉnh, đủ bao tiền xe cho Tư, người cùng quê ở Cẩm Giàng, Tây Ninh, “thắng về nội, thối về ngoại”. Không đúng! "Thắng về ngoại, thối về nội"!
 
Sau đó, cũng chính ông bà này nhờ Tư giúp dẫn đứa con trai Út ra Chí Linh, Vũng Tàu đợi chuyến đi của người bà con tổ chức. Nhưng, không mấy ai đoán được chữ ngờ, cuối cùng họ chỉ cho thằng Út đi thôi. Tư phải ở lại, tiếp tục... "canh me"!
 
- Có lẽ, định mệnh đã an bài! Mình không có số xuất ngoại rồi!
 
Tư tự an ủi cho đỡ tủi! Chợt một chút hy vọng:
 
- Thử lên chùa cầu nguyện xem sao!
 
Chân bước lửng thửng, như người không hồn. Khói hương làm chàng chảy nước mắt. Bước xuống thềm đường, tai nghe hồi chuông trống Bát Nhã đang đổ dồn. Rộn rã mà ấm êm. "Văn chung thinh – Piền não khinh – Trí huệ trưởng – Bồ đề sinh"! chàng ngoái lại nhìn cảnh chùa để chiêm nghiệm!
 
Và bị xe... đụng!
 
***
 
Tiếng dựng xe và tiếng nói lao xao ở nhà trên. Tư lắng nghe:
 
- Anh Tư!
 
Tư tự nghĩ:
 
- Có lẽ, Lan đi chợ đã về.
 
Những bọt xà bông làm cay sè mắt. Vài giọt nước chảy vào mũi, khiến Tư hắt hơi liên tiếp! Tư xối vội thêm vài ca nước! Rồi lấy khăn lông lau đầu, mặc pyjama vào, bước lên nhà.
 
Lan đang lấy tất cả những món từ trong cái giỏ nhựa lớn mang từ chợ về, xếp lên bàn. Không nhìn, nhưng biết Tư đang đi ra, nàng lên tiếng:
 
- Anh thử mặc bộ này coi có vừa không! Anh mang dép số mấy? Em mua đại, số lớn nhứt nè!
 
Nàng nhìn sang chị Ba đang lau dọn bàn thờ:
 
- Chị Ba, dưng trái cây cúng xong, bữa nay nấu canh chua cá lóc, hoặc chị muốn nấu lẫu ăn bún, bánh mì cũng được! Mà anh Tư thích ăn món gì?!
 
Tư nhìn chị Ba mỉm cười:
 
- Tùy ý chị Ba!
 
Chị Ba cũng cười theo:
 
- Chắc cậu Tư nó đang đói bụng. Nấu canh chua cho nó lẹ!
 
Chị Ba xách giỏ thức ăn đi ra sau bếp. Lan vào rửa tay, bưng ra dĩa trái cây còn cả lá xanh tươi. Nàng tươi cười:
 
- Anh Tư thích ăn sầu riêng không? Ở đây có sầu riêng, mãn cầu, măng cụt, nhãn hột tiêu, mít tố nữ nữa! Dùng cơm xong, em đưa anh qua nhà anh Hồng cắt tóc nha!
 
Không đợi trả lời, Lan bóc vỏ một trái mãn cầu đưa cho Tư, hỏi:
 
- Anh hết mệt chưa? Tối nay, anh ngủ với thằng Minh trên đi-văn này! Anh đừng ngại chi hết nha!
 
Tư hoàn toàn bị thu hút bởi những lời nói, cử chỉ dịu dàng, như quen thân nhau tự bao giờ! Thường ngày Tư hay nói, nói nhiều nữa là khác; nhưng lúc này chàng trở nên ít nói. Có lẽ, trước hoàn cảnh đầy bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của mình, Tư không biết nói sao cho đúng. Không biết rồi sẽ ra sao đây? Có phải mình nằm mơ, hay mộng du? Với cô nàng này, mình chưa có một cử chỉ nào dù xa hay gần, dù bóng gió, ẩn dụ nào mà! Sao Lan lại đối xử với mình như một người thân thích, ruột thịt? Ý gì đây? Tư suy nghĩ, thắc mắc đầu này cách nọ, càng lùng bùng, càng không hiểu gì hết!
 
Sau bữa cơm tối tương đối thịnh soạn, tóc tai, râu ria cũng tương đối sạch sẽ, Tư được chị Ba, thằng Minh, cháu Thúy và Lan mời ngồi uống cà phê quanh chiếc bàn chân chữ U, kê giữa nhà. Trên trang thờ ảnh tượng Tam Kỳ Thiên Nhãn - Ðại Ðạo Phổ Ðộ - tỏa hào quang qua các ngọn đèn màu li ti chớp tắt. Hình ảnh Ba Má của Lan – Tư nghĩ vậy – còn trẻ, thờ bàn bên dưới. Hương hoa, trà quả tươm tất, trang nghiêm!
 
Nhìn các người chung quanh, Tư có cảm giác, dường như có một việc quan trọng sắp diễn ra. Nhìn qua Lan, đang khuấy cà phê, chị Ba lấy giọng, nói:
 
- Cậu Tư nè! Chị Ba là người không biết nói năng. Nghĩ sao nói vậy. Nếu những gì chị nói có sai, xin cậu đừng trách nhen!
 
Chị lại nhìn Lan, rồi tiếp trong vẻ hơi luôn cuốn:
 
- Cậu Tư có gia đình chưa? Mà, với tuổi cậu, chắc cậu đã có vợ rồi, được mấy con? Hiện nay mợ và mấy cháu đang ở đâu? Sao cậu lại sống lang thang, như vậy?
 
Lan lên tiếng, không biết có trách cứ chị Ba hay chỉ là cái cớ để nói:
 
- Chị Ba hỏi nhiều chi vậy? Hỏi nhiều quá làm sao ảnh trả lời!
 
Rồi, nàng đẩy tách nước trà tới trước mặt Tư, đỡ lời:
 
- Ý chị Ba chỉ muốn biết tại sao mà anh có vẻ khổ sở như vậy? Ngày em gặp anh dưới biển, em cũng đã hiểu phần nào. Anh, cải tạo mới về phải hông? Anh, muốn tìm đường xuất ngoại, đúng hông? Anh bị ông Sáu Râu lợi dụng phải hông? Rồi sau đó, anh đi đâu mất biệt, hơn hai năm trời, em mới gặp lại anh trên chùa Thích Ca Phật Ðài!
 
Con Thúy, thằng Minh cùng nói một lúc:
 
- Chị Năm nói chị Ba hỏi nhiều, Chị còn hỏi nhiều hơn!
 
Ai cũng cười! Tư cảm thấy bớt căng thẳng, Tư sửa bộ, muốn mở miệng, thì Minh đã nói:
 
- Em gặp anh Tư, em có cảm tình liền! Thúy, mày có đồng ý hông? Con người có tư cách, nhìn vô biết liền! Chớ có đâu như mấy thằng công an, tới xin thuốc, mà còn làm ra cái vẻ ta đây. Còn muốn thả dê chị Năm nữa! Thấy bực bội, bắt ghét!
 
Minh đưa hai tay ra bắt tay Tư:
 
- Em kết anh rồi! Anh ở đây với tụi em nha! Ðừng có đi đâu hết! Chị Năm sẽ lo cho anh vô hộ khẩu! Dễ ợt hà! Em nói rồi! Anh đừng bỏ đi nữa!
 
Chị Ba cười, phụ họa:
 
- Lóng rày, con Năm nó cũng dễ thở rồi! Nó không còn vất vả như hồi mới từ Sàigòn chạy về đây! "Giải phóng" xong, tụi này đâu biết làm cái gì! Cái gì cũng bị mất sạch hết! Tụi nó lớp cướp, lớp đuổi, lớp làm khó khăn, cưỡng chế đủ mọi mặt! Mình gia đình ngụy mà cậu! Con Năm nó cũng là Nữ Quân Nhân. Cũng bị đi trình diện học tập mấy tuần đó cậu!
 
Trong giọng nói của chị Ba pha chút tự hào về cái "gia đình Ngụy" và con nhấn mạnh "Con Năm nó cũng là Nữ Quân Nhân"! Tư hơi yên lòng! Những người đang ngồi trước mặt mình là, “gia đình ngụy” còn gì quý bằng!
 
Chị Ba có vẻ khẩn khoản:
 
- Từ khi con Năm nó đánh thằng cha Sáu Râu, nó về bỏ nghề bán hàng rong luôn, đó cậu. Nó nảy ra ý kiến bán thuốc lá lẻ. Khó khăn, cực khổ dữ lắm! Nó chịu khó chưa từng thấy! Từ từ nó mới có ngày hôm nay! Tuy nhà còn mướn của anh chị Bảy Thợ Mộc, nhưng cũng dễ thở hơn! Mẹ con tui ngủ ở phía sau. Con Năm nó ở phòng giữa với con Thúy. Còn thằng Minh nằm ở đi-văn này. Cậu ngủ chung với thằng Minh cũng tiện. Ði-văn này rộng mà! Tụi tui cũng đã gặp cậu ở dưới biển rồi! Con Năm nó cứ nhắc cậu hoài! Ngày nào nó cũng nhắc tụi tui để ý coi có thấy cậu ở dưới biển không. Ðêm nào nó cũng thắp nhang khấn cầu cho nó gặp được cậu! Nó nguyện ăn chay một tháng!
 
Tiếng chim bỗng kêu mười hai tiếng ngắt lời chị Ba. Không nói, mọi người cùng nhìn về phía chiếc đồng hồ quả lắc, có hình hai con chim đang buông tiếng hót! Thằng Minh ngáp dài, không cần che miệng. Chị Ba quở:
 
- Thằng chó chết, đi ngủ trước đi mày! Thôi, cậu Tư cũng đi nghỉ đi. Cả ngày chắc là mệt lắm!
 
Lan nhìn Tư:
 
- Anh buồn ngủ chưa? Em muốn nói chuyện với anh. Nhưng thôi để mai đã! Anh đi ngủ đi! Chúc Anh ngủ ngon!
 
Tư gật đầu:
 
- Cảm ơn Chị Ba! Chúc chị Ba ngủ ngon! Chúc cô ngủ ngon!
 
***
 
Thằng Minh ngáy khá lớn. Ðôi khi còn nghiến răng trèo trẹo! Tư kéo tấm chăn lên tới ngực. Mắt nhìn lên trần nhà! Mùi hương thoang thoảng! Tiếng nhạc từ phòng Lan vọng ra nghe như một lời than vãn. Tư lắng tai nghe. Dường như bản nhạc Trăm Nhớ Ngàn Thương của Lam Phương. Giọng nữ hát:
 
- Mất anh rồi xa anh rồi hoa đã tàn nhụy đã phai. Chiều hôm nay trời thanh vắng Em đi về về với ai. Một người đi một người sầu. Nhìn hoa úa buồn về mau. Ðôi chân mòn tìm dư âm hè phố vắng... Lòng còn thương tình còn nồng mà đêm nhớ ngày chờ mong. Bao thu rồi nhìn lá chết rơi ngoài sông...
 
Tiếng đồng hồ tích tắc! Tiếng con thăn lằn tặc lưỡi! Tiếng xe ngoài đường thỉnh thoảng chạy vụt qua! Rồi tiếng gà gáy ó o. Tiếng chó sủa gâu gâu! Tạo thành một bản hòa âm buồn vui lẫn lộn như lòng chàng đêm nay!
 
- Lời của bản nhạc hay tâm sự của Lan!? Nàng không tỏ lời trực tiếp. Là con gái đoan trang, là một con người có phẩm hạnh, Lan không dám biểu tỏ bằng lời, mà bằng hành động! Những cử chỉ của Lan trong buổi gặp đầu, ngày qua, đêm nay, không còn nghi ngại gì nữa về chân tình của nàng đối với mình. Thương hại? Thương yêu? Ðúng? Sai?
 
Tư không dám nghĩ tiếp.
 
- Dẫu sao mình cũng phải giữ phận. Phận một con người sa cơ thất thế! Con chó hoang chạy ngoài đường còn dám ngẫng cao cổ sủa vài tiếng, nếu có ai đá động đến nó! Còn chàng? Hoàn toàn không dám!
 
"Sống giữa quê hương mình, không nơi nương tựa
 
“Bên cạnh bà con mình, không ai dám chứa!”
 
Tuy được nằm trên chiếc đi-văn bằng ván gõ, mát lạnh, có gối cao còn thơm mùi vải mới, có chiếc mền con mèo vừa tháo bọc nylon tỏa hơi ấm áp, nhưng khúc phim không có đạo diễn, không có chuyên viên thu hình, thu âm... cứ cắt đi, quay chiếu lại từ đầu hoài!
 
Tư vô gia cư! Vô nghề nghiệp! Lan, một cô gái đang độ xuân sắc, tràn đầy nhựa sống, làm sao có thể chấp nhận mình được! Hơn nữa, chung quanh nàng biết bao nhiêu người đang bũa lưới giăng câu. Chắc chắn, nàng chỉ thương hại mình thôi!
 
Chắc vậy! Ðúng như thế! Tư mỉm cười, thiếp đi!
 
***
 
- Có gì vui mà làm anh cười hoài vậy?
 
Tư giật mình trước ánh mắt nhìn như soi mói của Lan:
 
- Hổng có gì đâu cô!
 
- Chắc là có mà! Anh nói đi! Em muốn nghe anh nói!
 
Tư kéo ghế ngồi cho hơi khuất ánh đèn lờ mờ của quán Cà-phê Nhạc, kế bên Bạch Dinh – Dinh Ông Thượng, về đêm. Chàng nghĩ cũng nên nói cho Lan biết cảm tưởng của mình:
 
- Thật tình mà nói...
 
Lan ngắt ngang, tinh nghịch:
 
- Bộ chớ bấy lâu nay, anh Tư không thật tình hả?
 
Tư bất ngờ, hơi khựng:
 
- Ðâu phải!
 
Lan cười:
 
- Hổng phải thì nói tiếp đi. Ai biểu anh ngập ngừng chi!
 
Tư nhìn hàng bông sứ trong nửa tối nửa sáng ánh đèn màu lung lay gió biển:
 
- Tôi muốn nói, cảm ơn cô Lan rất nhiều! Cô đã giúp cho tôi ăn ở hơn sáu tháng nay một cách bình yên. Cơm no áo ấm. Nhất là không bị công an xét hộ khẩu. Ðầu óc bớt căng thẳng. Người khỏe ra!
 
Tư co tay lấy gồng, còn kéo tay áo lên, làm như bắp thịt phồng to như con chuột:
 
- Cô coi, ngày mai đi thi... lực sĩ được chưa?
 
Lan bật cười lớn:
 
- Cái anh này! Ừ, lực sĩ hạng... cọng sậy! Lực sĩ hang tép riu! Cầu ba năm nữa biết có mập được như vậy chưa!
 
Một hoa sứ rơi trên bàn cà phê, trước mặt, Tư nhặt lấy, đưa lên môi:
 
- Hoa thơm quá! Sao hoa không chịu rơi trên mái tóc cô Lan?
 
Tư nửa đùa nửa thật, cơ hội đến, ướm thử lòng Lan:
 
- Chắc là, hoa kêu tôi phải... cài lên tóc Lan đó! Tôi cài hoa cho Lan nha!
 
Không kịp cho Lan phản ứng, Tư đứng lên đi vòng ra sau Lan, nhẹ nhàng ngắt một đóa hoa tươi còn trên cành, cài lên tóc Lan. Rồi, hôn thật lâu lên tóc nàng:
 
- Lan! Anh, anh cảm ơn... em! Anh, anh... yêu em!
 
Hai bàn tay Lan run run đưa lên vít cổ chàng. Ôm chặt. Lan hơi ngã người về phía sau, ngữa mặt lên. Tư xoay người. Hai bờ môi tìm nhau! Lan, qua hơi thở dồn dập gọi nhỏ:
 
- Anh Tư!
 
Có vị mặn chảy trên má, dường như Lan khóc, nước mắt của hạnh phúc:
 
- Em đợi có giờ phút này!
 
Tư thì thào:
 
- Anh cũng vậy!
 
Lan run rẩy:
 
- Em mong được nằm trong vòng tay anh, người đầu tiên mà em yêu! Anh có biết không anh?
 
Hai bàn tay nàng lùa vào tóc chàng, kéo mặt chàng sát xuống. Mắt nàng nhìn đắm đuối vào mắt chàng:
 
- Em sống vì anh! Ðợi anh! Em không thể nào thiếu anh! Em đã mồ côi mẹ từ khi chưa đầy hai tuổi. Ba ra đi, rồi nghe tin tử trận, em vừa lên năm. Em thiếu tình thương của Cha, của Mẹ. Chị Ba cũng như các anh chị khác cùng cha khác mẹ với em. Chỉ có thằng Minh là em ruột! Em phải nuôi nó, trong khi em chưa biết nuôi mình! Anh nghĩ cách giùm em đi! Không hiểu bằng cách nào mà chị em em sống cho đến ngày mất nước.
 
Lan vẫn ôm ghì vai chàng, nước mắt vẫn ràn rụa:
 
- Vừa đúng 18 tuổi, em đến Phòng Tuyển Mộ Nhập Ngũ số 3, đường Tô Hiến Thành, Sài gòn đăng ký vào Nữ Quân Nhân. Chưa được một tháng đã tan... trường! Bị tập trung cải tạo xong, em về đây. May có mấy anh chị đã ở trước, cho em tá túc. Vốn liếng không có, em nhờ chị Ba hướng dẫn xuống biển bán trái cây. Anh có biết không?
 
- Không!
 
Nghe trả lời, Lan nhéo tay Tư một cái, rồi tiếp:
 
- Em chấp nhận buôn thúng bán bưng, kiếm từng đồng tiền lẻ để nuôi sống bằng mồ hôi nước mắt của chính mình. Em không thể nào giống như bao chị em đang làm ở trong mấy cái quán bar "buôn hương bán phấn" để có cuộc sống xa hoa, bất chánh, bất lương! Mỗi người có quan điểm, cách suy nghĩ riêng của mình! Không biết ai đúng, ai sai. Nhưng với em, đã chấp nhận "đôi gành đè vai" thì, không thể để bất cứ ai lầm tưởng mình như những cô... gà móng đỏ chân dài đó.
 
Lan ngừng một chút dò xét Tư:
 
- Anh có nghĩ như vậy không anh? Ngày anh thấy em gánh trái cây đi bán dạo, anh có khinh em không anh?
 
Tư ôm vai nàng:
 
- Không! Anh không có khinh khi. Ngược lại, rất thông cảm và rất khâm phục em! Em còn hơn anh. Em đứng lên bằng hai bàn chân chính mình. Em xây dựng đời mình bằng hai bàn tay trắng. Và...
 
Không nghe Tư nói tiếp, Lan hỏi:
 
- Và sao nữa anh?
 
Tư nựng má Lan dịu giọng pha chút khôi hài:
 
- Nhất là em còn dám đập ông Sáu Râu. Em can đảm thiệt!
 
Lan quay lại đấm vào vai Tư, nũng nịu:
 
- Anh đừng cười em! Em đã nguyện với lòng. Không một ai có thể đụng vào người em, cho đến khi em tình nguyện! Hay đúng hơn, khi em yêu người đó! Anh có đồng ý với em không anh?
 
- Không những đồng ý mà còn khâm phục, ngưỡng mộ em vô vàn!
 
Tư muốn xác định một lần nữa, thiết tha hỏi:
 
- Vậy, có phải em yêu anh? Trong khi anh chỉ là, nói cho ngon lành, là một con người, đúng ra không còn giống người nữa, một cái xác biết đi, chết chưa chôn...
 
Lan lấy tay bụm miệng Tư:
 
- Từ nay, em không cho phép anh tự ti mặc cảm nữa! Anh là anh! Anh không cần nói! Em đã cảm nhận tất cả những gì đã minh họa từ con người anh, phong cách, phẩm chất, đạo đức, tài hoa, v.v... Cũng như nhiều quân nhân công chức của chính quyền cũ, các anh đã sa cơ thất thế; song không phải là mạt lộ, chưa mạt vận. Tương lai các anh, tiền đồ tổ quốc còn đang chờ phía trước! Anh giữ vững ý chí! Sống bên anh không lâu, nhưng đã đủ để em hiểu anh. Từ đó, em đã yêu anh, ngay phút đầu gặp gỡ! Anh là thần tượng của em, dầu là anh đang còn gian nan, lận đận. Em sẽ giúp anh đạt được ý nguyện của mình! Anh không cô đơn. Bên anh, có em!
 
Lan nhìn thẳng mắt chàng. Hai tay nắm chặt tay chàng:
 
- Anh đồng ý nha! Em xin tự nguyện là... người bạn, người tình, người yêu. Và xa hơn nữa là, là... gì anh biết hông?
 
Tư, như đoán được ý nàng, sung sướng run lên, nhưng vẫn hỏi để nghe chính con tim nàng thốt ra:
 
- Là người... gì?
 
Lan nũng nịu:
 
- Thấy... ghét anh quá! Có vậy mà hổng hiểu!
 
- Anh là thằng... khờ mà!
 
- Hổng dám đâu! Nghiêm chỉnh đi, nghe em... phán nè! Em là vợ anh! Chịu chưa?
 
Lan bỗng vụt khỏi tay Tư, chạy qua bên ghế kia ngồi. Tư chạy theo. Hai tay nâng mặt Lan, đặt một chiếc hôn nồng nàn!
 
- Anh đang làm gì đấy?
 
***
 
- Tôi hỏi anh đang làm gì đấy?
 
Thật bất ngờ, một bàn tay nóng bỏng bóp mạnh vai Tư, giật ngược. Tư quay lại. Mắt chàng hoa lên. Một đám người vừa áo vàng, vừa áo dân sự đang vây quanh. Tư hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra. Hai tên Bảo Vệ Chính Trị của Thành Phố HCM đã từng bắt Tư, đang hờm sẵn cây súng lục K54. Một tên hét lớn:
 
- Tao hỏi mầy đang làm gì đấy? Giữa quán cà phê mà dám ôm nhau hôn hít hở?
 
Vừa nói, hắn vừa vung tay đấm vào mặt Tư. Tư xiểng niểng. Lan la lên:
 
- Các ông không được đánh người!
 
Lan chưa kịp đỡ Tư, hai tên khác đã bẻ ngoặt tay Tư ra phía sau. Chiếc còng đã khóa chặt tay Tư.
 
Quay sang Lan, một tên hất hàm nói:
 
- Chúng tao theo dõi hai đứa bây lâu rồi! Ðây là Lệnh Truy nã của Công An Thành Phố, bắt thằng Tư. Còn cô, cô mang tội chứa chấp phạm nhân bất hợp pháp. Sáng mai, 8 giờ, mời cô lên công an Phường Thắng Tam làm việc, nghe chữa?
 
Lan nghẹn ngào, nhào tới ôm Tư; bị bọn chúng hất bật ra. Chúng vừa đẩy, vừa đạp Tư ra khỏi quán cà phê. Một chiếc xe đang mở đèn sang như hai con mắt cọp, nằm hờm sẵn bên đường.
 
Tư không thể mở miệng nói nên lời. Chàng cố ngoái lại nhìn Lan cũng không được. Chúng đá, đạp, thoi, đấm túi bụi, tung chàng bò càn vào thùng xe.
 
Lan kêu lớn trong tiếng khóc:
 
- Anh yên tâm! Anh đừng sợ! Có em là vợ anh! Em sẽ chờ anh suốt đời! Anh ơi!
 

Bửu Truyền
 

04/2009

___________________


usaelection gởi