Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

 

TÌNH XUÂN NGHĨA ĐẠO
THỜI CHINH CHIẾN


 
 

Thuở lên năm lên sáu, cứ mỗi độ gió chướng từ biển Gò Công rào rạt thổi vào thành phố đìu hiu nghèo nàn ở quê tôi, cảm giác Xuân về làm tâm hồn tôi cứ lâng lâng, nôn nao, rạo rực đợi chờ từng ngày và từng ngày …! Tuần lễ trước Tết cuối năm âm lịch, Mẹ và Chị tôi tất bật với bếp lò, nào bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh ít , dưa giá củ kiệu, nồi thịt kho nước dừa thơm phưng phức béo ngậy mùi mỡ, hương nồng nồng nồi canh khổ qua nhồi thịt xông lên mũi ôi sao mà tưởng chừng như muốn ăn cho no nên nức lòng, thỏa dạ …! Tất cả người thân yêu trong gia đình cứ hân hoan vẻ mặt xuôi ngược với chợ Tết mua sắm nhang đèn, hoa quả và quần áo mới cho các anh chị em tôi. Mấy anh em trai tôi thì hì hục lau chùi đánh bóng ba bộ lư, chân đèn, mâm đồng, mấy bộ tủ bàn ghế cẩn xà cừ, phụ Cha tôi dựng cây nêu trước sân nhà trong không khí náo nức chờ đợi đêm giao thừa với món bánh tráng cuốn thịt kho Tàu dưa giá với tô nước thịt làm nước chấm có ớt cay tới xé lưỡi và nhất đám trẻ con chúng tôi được thay quần áo mới chờ bố mẹ lì xì tiền Tết… Chúng tôi chơi lô tô, chờ nửa đêm tới giờ giao thừa, kéo nhau ra sân bắn ống tre hơi khí đá thay cho pháo nổ đì đùng…


Này mẹ có nghe xôn xao lá thay màu,
Này mẹ có nghe chim đua hót trên cành,
Này mẹ thấy chăng ngoài sân kia đàn bướm đang nhởn nhơ đùa vui  !
Này mẹ thấy chăng cây mai trước sân nhà nụ vàng ấp yêu như cô gái đương thì,
Này mẹ thấy chăng trời trong xanh,
Đàn én đang nhởn nhơ dập dìu…
Mẹ hay chăng mùa xuân vui đã sang,
Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm
Mẹ thấy chăng phố vui chân người về !
Mẹ thấy chăng thôn xóm rực đèn treo …
Nụ cười bỗng tươi trên môi đã khô cằn,
Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về,
Mẹ mừng mái tranh từ bao năm quạnh vắng đã có thêm người thân…
Rộn ràng tiếng ca cô con gái bên nhà.
Hồng hồng nét môi khi thấy bóng trai về,
Dập dìu áo hoa từ thôn trên làng dưới đi rước Xuân về nhà.

(Xuân Về Với Mẹ – Nhật Ngân)

   
Theo thời gian…rồi cũng qua đi, tôi lớn dần cho đến khi lên trung học, rồi đại học, dường như tôi không còn cái cảm giác Xuân về Tết đến như lúc còn ấu thơ với gia đình và cho đến khi vào lính ! Sau 2 năm học tập, tôi luyện vất vả ở Quân Trường Võ Bị Đà Lạt, tốt nghiệp ra trường lại đúng vào Tết Mậu Thân (tháng 12 cuối năm 1967 – đầu năm 1968) là cái Tết tang thương đẩm máu và nước mắt trên khắp mọi nẻo đường đất nước…! Ôi… Tết Mậu Thân với bao nỗi chết như vết thương hằn sâu vào tiềm thức của mọi người thì làm sao quên cho được ? Ngay ngày Tết mà bọn khát máu mọi rợ Việt Cộng năng nổ, xông xáo, lùng sục đạp cửa từng nhà dân lành vào đêm giao thừa, sáng mùng một Tết và cả thời gian sau đó tại vùng chúng chiếm đóng, chúng trốc nã lôi cả cha mẹ vợ con, bạn bè, thân bằng quyến thuộc ra trước cửa nhà rồi qui tội và hành quyết tại chỗ, mặc cho tiếng kêu gào thảm thiết của người thân …! Làm sao tôi quên được cái Tết đó, cái Tết mà tôi vừa mới “đăng quan” thiếu úy sữa, tưởng rằng ”áo gấm về làng vinh quy bái tổ” thì mùng hai, mùng ba Tết lại phải đi gát hòm cho vị Tiểu Đoàn Trưởng của đơn vị và vị Đại Đội Trưởng khác của Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù – Lực Lượng Đặc Biệt) (TĐ91BCD/LLĐB) vừa ngã quỵ trên đường phố Độc Lập – Thị Xã Nha Trang đúng vào lúc giao thừa Tết Mậu Thân, đơn vị mà tôi mới vừa đáo nhậm chưa tới mười ngày ! Thời gian sau … cứ liên tiếp là những cái Tết: Kỷ Dậu (1969), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Nhâm Tý (1972), giày saut mòn gót, áo trận bạc màu thay mới đã bao lần , miệt mài hành quân tới tận rừng sâu núi thẳm săn lùng , giết giặc chí cho tới những mặt trận khốc liệt trên khắp vùng chiến thuật … Chẳng có dưa hành thịt mỡ, chẳng có bánh chưng bánh tét mà chỉ có gạo sấy thịt hộp ba lát, rau rừng mọc dại dọc theo bờ suối, ven sông dưới chân đồi… Cũng chẳng có rượu nếp than hay rượu đậu nành là đặc sản của Gò Công – Mỹ Tho quê tôi , mà chỉ có nước hố bom chứa sẵn trong bidong… Không còn nghe tiếng pháo đón giao thừa quen thuộc, thay vào đó là tiếng rít của hỏa tiễn 122 ly, đại pháo 130 ly và đạn AK47 veo véo bay ngang qua đầu mà thân còn đang lội bì bõm dưới giao thông hào, hố cá nhân lầy lội bùn sình, lấp xấp nước …  Chiến Tranh mà !  Chiến tranh sát hại sinh linh, chiến tranh tàn phá vạn vật thì huống hồ chi tuổi trẻ của tôi. Chiến tranh cũng không cần biết Xuân Hạ Thu Đông, Tết nhất sinh nhật giỗ kỵ gì hết, cũng không phân biệt già trẻ bé lớn, chỉ có bắn giết lẫn nhau để đoạt chiến thắng với bất cứ giá nào, dù cái giá phải trả bằng hàng vạn mạng sống của người dân lành vô tội !

 
Chẳng là vào ngày 3 – 2 – 1973 nhằm ngày 30 Tết Quý Sửu và cũng đúng là ngày sinh nhật 28 tuổi của tôi, trước đó mấy ngày tôi đã căn dặn Thượng Sĩ Nhất Tá – Hạ Sĩ Quan tiền trạm ở Huế ra chợ đặt cho tôi hai con heo quay cỡ lớn nhất, hậu cứ Sài Gòn đã gửi ra cho chúng tôi 10 con khô vịt và bánh mì, bánh hỏi rau sống để lần đầu tiên đơn vị ăn Tết trong hòa bình vai kề vai bên cạnh kẻ thù không đội trời chung mà không có tiếng súng. Trưa nay, trận đấu bóng chuyền giao hữu đôi bên chấm dứt, một buổi tiệc tất niên linh đình được bày ra sân, ta với địch ôm eo ếch nhẩy sol đố mì cùng với hai can rượu đế Cầu Bạch Hổ. Tan tiệc dã chiến, ai về nhà nấy với lời chúc Tết của tôi và nhớ là ngưng giao chiến trong hai ngày Tết, vì bắt đầu ngày mai mùng một Tết, các binh sĩ sẽ lần lượt thay phiên nhau nhận sự vụ lệnh nghỉ phép về Sài Gòn thăm gia đình 10 ngày. Ngày mùng một Tết Nhâm Tý (4 – 2 – 1973) trôi qua trong cái lạnh giá buốt của vùng địa đầu giới tuyến, Tết này con không về được để ngắm những cây mai vàng mà Ba đã trồng trước ngõ, không ăn được món giò thủ mà Mẹ đã bó bằng những sợi dây lạc dừa, con chỉ ngồi đây mở radio ấp chiến lược nghe Hoàng Oanh hát:


Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cùng cười tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn
Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ ngàn nơi… !
(Hoa Xuân – Phạm Duy)


Năm cũ sắp hết, năm mới sắp đến, những cành đào sau nhà đã trổ nụ, tôi chợt nhớ đến quê tôi xứ Gò Công nước mặn đồng chua với những cánh đồng lúa chín ngút ngàn, những vườn mãng cầu serie chín đỏ mọng, khi đông tàn Xuân đến, hàng chục chiếc ghe bầu khẩm nặng với dưa hấu, dừa xiêm ghé bến sông nước đục ngầu chảy xiết, chợ búa tấp nập ngược xuôi, người mua kẻ bán, trong đó có Mẹ và Chị tôi, buôn tảo bán tần nuôi năm chị em tôi ăn học và như còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng của Ông Ngoại dặn dò Mẹ tôi: “Nghèo Mà Biết Cho Đi Là Giàu Hơn Tất Cả, Giàu Mà Không Muốn Bỏ Ra Là Thiếu Tận Cùng”.


Những ngày cuối năm Tân Hợi (1971), Đại Đội 2 Trinh Sát Nhẩy Dù (ĐĐ2TSND) được lệnh triệt xuất ra khỏi vùng biên giới sau một tháng dầm mình dưới những đầm lầy đầy dẫy đỉa vắt muỗi mòng … và được bốc về Căn Cứ Hành Quân – Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù  chuẩn bị đón Tết Nhâm Tý (1972) dưới hầm trú ẩn trong trại Lực Lượng Đặc Biệt Biên Phòng Thiện Ngôn. Những ngày cuối tháng Hai tuy không lạnh lắm, nhưng sương mù buổi sáng giăng khắp nơi như bao phủ cả trại lính chìm vào không gian của những ngày cuối Đông lành lạnh còn vướng víu chưa nỡ sang Xuân…! Chợt có tiếng hát từ radio của lính:


Đợi hai ba năm nữa
Quê mình thôi khói lửa
Mời Xuân đến với tôi
Giờ còn nặng hai vai
Thân tha hương hồ hải
Hỏi Xuân có gì vui ?
Hỏi Xuân có gì vui
Xuân làm dáng cho đời
Đẹp lòng giây phút thôi !
Ôi đất nước xa xôi
Xuân đi làm sao tới
Dặm dài xin chớ lui…!
(Tôi Chưa Có Mùa Xuân –  Châu Kỳ )


Tôi chạnh tình nhớ đến khung cảnh sinh hoạt của những người thân yêu trong gia đình: giờ này chắc Mẹ và Chị đang ngồi canh bên bếp lửa hồng với hai nồi bánh chưng và bánh tét, Cha và Em đang chùi mấy bộ lư đồng, quét dọn bàn thờ, treo vài ba câu đối đỏ, cắm một vài cành mai… và  thành tâm lâm râm khấn vái, cầu nguyện với niềm hy vọng mong manh: “… thằng Út có thể sẽ về ăn tết năm nay”…? Trong cơn hồi tưởng miên mang tôi tự thưởng hương vị tất niên:


Sơn tuyền lưỡng xứ vãn,
Hoa liễu nhất viên xuân.
Hoàn trì thiên nhật tuý,
Cộng tác bách niên nhân.
(Vương Bột – 王勃)


Hay Thơ Xuân với Thiền sư Việt:


Đào trung xuân mãn diện
Xuân trung đào tựu khai
Hà tất quân vị báo
Vô đào xuân bất lai.


Và:


Rừng núi thương Xuân bèn trổ lá
Thị thành nhớ Tết cố chưng bông.

      
Tôi leo lên chiếc trực thăng Slick thứ tư, một trong 15 chiếc trực thăng chở quân của Phi Đoàn 229 Lạc Long đang quạt cánh nằm chờ dài trên quốc lộ 14 phía trước căn cứ Võ Định – Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù …. Lố nhố trong 3 Slick đầu là ba toán Viễn Thám, Slick thứ tư có tôi, 3 hiệu thính viên và 3 “thầy trò” Thiếu Úy Chu Văn Chấn tiền sát viên Pháo Binh của Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù , Slick thứ năm là toàn bộ cố vấn Mỹ và phóng viên chiến trường Cao Sơn của Phòng Tâm Lý Chiến Quân Đoàn II (2), những Slick còn lại chở các binh sĩ Trung Đội Trinh Sát Dù… Trên không là chiếc C&C của Đại Úy Phạm Công Cẩn (Công Cẩn Giang Đông “tân thời ” – Khóa 21 Võ Bị Quốc Gia  cùng với Đại Tá Trần Quốc Lịch Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhẩy Dù (LĐT/LĐIIND), Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành (Khóa 19 Võ Bị Quốc Gia ) Sĩ Quan phụ tá hành quân Lữ Đoàn, Thiếu Tá Bùi Đức Lạc – Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhẩy Dù (TĐT/TĐ1PBND) và các hiệu thính viên.

 
Tiếng cánh quạt quay nhanh bắt đầu tăng tốc độ nâng cao thân tàu lên khỏi con đường tráng nhựa mang tên Quốc Lộ 14, con đường nối liền từ ngã ba biên giới Việt – Miên – Lào (Benhet) về Kontum đến Pleiku đã trải đầy máu và nước mắt của biết bao nhiêu Quân – Dân – Cán – Chính vùng Tam Biên với sức cường tập háo sát của Sư Đoàn 320A chính quy Cộng Sản Bắc Việt (SĐ320A CSBV) từ vùng Hạ Lào xâm nhập vào nơi đây sau “Mặt Trận Đường 9 Nam Lào” (Hành Quân Lam Sơn 719 Việt Nam Cộng Hoà), được tăng cường thêm 2 Trung Đoàn Tank T54, 1 Trung Đoàn Phòng Không hạng nặng cùng với sự hổ trợ của Sư Đoàn 10 Cơ Động Địa Phương (SĐ10CĐĐP).

 
Từ bãi bốc (PZ) đến bãi thả (LZ) mất hai phút bay. Trong hai phút ngắn ngủi này mà bao nhiêu người phải vận dụng tất cả trí lực để chú tâm vào nhiệm vụ của mình. Người quan trọng nhất phải nói là Thiếu Tá Bùi Đức Lạc – Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù  người đang phối hợp điều động cả lực lượng Pháo Binh, phi yểm của Việt và Mỹ cho việc đổ quân, chỉ một sơ xuất nhỏ tính toán vài giây đồng hồ thì sẽ  gây ra không biết bao nhiêu hậu quả không lường trước được… Với Kỹ Thuật “GAP” (Ground and Air Preparation) là dọn bãi đáp an toàn cho chiến thuật Trực Thăng Vận, chắc có lẽ chỉ có Pháo Binh Nhẩy Dù là thông thạo và nhiều kinh nghiệm nhất vì đã phối hợp với Không Kỵ Hoa Kỳ (1st Cavalry Division) nhiều năm rồi.

 
Tôi tuy đang ngồi trên chiếc Slick thứ tư, nhưng thân luôn chồm lên phòng lái để theo dõi phía trước, nghe trong máy của Thiếu Úy Chấn pháo binh đếm tiếng điểm của Thiếu Tá Bùi Đức Lạc  …2…1… Out, vừa nghe chữ “Out” và một trái khói cuối cùng bùng nổ ngay trên đỉnh đồi 1049 có tên là đồi Delta nơi mà tôi phải dẫn quân đáp xuống như đại bàng điểm sơn, bốn chiếc Gunship của Phi Đoàn 229 Lạc Long lao xuống phóng  hàng loạt Rocket ngay vào đám khói trắng đang bung tỏa rộng lên không và trong tít tắt giây đồng hồ thì chiếc Slick thứ nhất với toán Viễn Thám 1 cũng vội đáp xuống trên đỉnh đồi, Slick thứ nhất vào tới mục tiêu trên cao độ 50ft thì đột ngột quay về phía phải 90 độ, hạ thấp độ cao và biến mất dưới thung lũng rừng núi chập chùng, Slick thứ hai, rồi Slick thứ ba… Tôi lao lên chỉ cho Pilot chính bên trái và  hét lớn: “ xuống… xuống… xuống ngay cho tôi…”! Chiếc trực thăng xà xuống ngay đỉnh đồi chừng 5ft, chúng tôi đồng loạt phóng nhanh xuống mặt đất, trực thăng bốc lên bay khỏi đỉnh đồi, tôi chụp máy gọi ngay cho Thành Thái:


– Tôi bị phục kích độn thổ, yêu cầu phải cho tất cả con cái của tôi đoàn tụ…hết.

  
Trong khi đó chân tôi đang đứng trên miệng hầm, dưới hầm là một nòng đại liên phòng không 12ly7 đang quơ qua quơ lại… Trung sĩ nhất Nguyễn Văn Minh trưởng ban truyền tin của Đại Đội xô ngang vai tôi một cái thật mạnh, tôi bật ngã lăn lồm còm trên nắp hầm, Trung Úy Buhdar cố vấn Mỹ đang ở  bên cạnh rút vội khẩu Colt 45 không kịp kéo cơ bẩm cho đạn lên nòng mà cứ hô hoán “bố cu vi ci” luôn miệng… Tôi lấy lại bình tỉnh và la lớn: “lựu đạn”… Vì trong tình trạng quá bất ngờ lại ngạc nhiên, quýnh quáng nên Thiếu Úy Chấn tháo trái lựu đạn từ giây ba chạt, cắn rút chốt, quăng ngay xuống hầm chờ cho nó nổ, thì ngay tức khắc trái lựu đạn lại bị Việt Cộng từ  dưới hầm ném trả trở lên phát nổ tung… Thầy trò chúng tôi nằm rạp xuống, bò lết bò càng, sờ bụng, sờ đầu, lần mò xem tay chân có mất cái nào không… ? May quá cả đám không hề chi như phép lạ, hú hồn …! Thôi,… không dùng lựu đạn nữa, chơi mìn Claymore theo kiểu a la mode Nhẩy Dù cho chắc ăn, tay cầm sẵn “con cóc”, ném một trái khói xuống hầm, rồi ném mìn Claymore xuống theo, xong bấm cóc… “Oành” tiếng nổ vang trời, nóc hầm bung vỡ tung, có  tiếng khua động cuống quít ở những hang đào ăn luồng với căn hầm chính là  lố nhố năm ba chú nón cối đang cố chui vào các ngách đục sâu vào vách hầm chính, mặt  mày ngây ngô, thất kinh tưởng như bị thiên lôi vừa giáng một búa mà chưa chết…!  Và cứ tiếp tục như thế, các Trung Đội đến sau cứ  y theo thủ thuật “thảy lỗ bấm cóc “cho đến khi dứt điểm hơn hai chục (20) căn hầm trên đỉnh đồi bung nắp,  thằng nào còn sống nguyên vẹn thì lôi lên, đối xử tử tế với nó, không cần trói, chỉ cho ngồi yên tại chỗ, cho uống cà phê, hút thuốc lá  Pall Mall, thằng nào chết thì đếm xác, bị thương nặng ngáp ngáp không thể  cứu chữa được thì cho nó một phát ân huệ cuối cùng để tránh khỏi đau đớn hành xác với lời cầu nguyện cho linh hồn được siêu thoát và đưa tay vuốt cho đôi mắt khép lại luôn cả oán hờn…! Kiểm lại bắt sống được 12 tên bộ đội chính quy Bắc Cộng tại chỗ, chúng chỉ ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ốm đói vì thiếu ăn lâu ngày không tương xứng làm đối thủ với Trinh Sát 2 Nhẩy Dù ! Chiếc Slick thứ năm và 10 chiếc Slick kế tiếp lần lượt đáp xuống yên ngựa dưới triền đồi, chờ đợt hai thì thả đủ toàn bộ Đại Đội 2 Trinh Sát Dù của tôi. Tôi đang lượng định địa thế để bố trí quân …  Chúng tôi nằm phục ở nơi đây ghìm tay súng, chong đôi mắt đỏ chờ  giặc trong  bóng đêm ma quái rờn rợn khí thê thê lạnh của tử thần lảng vảng, lẩn khuất ngay ngáy mùi máu tanh còn thấm ướt qua từng thớ đất trận địa ban ngày vừa qua… ! Những khi “thầy trò Đường Tăng” Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù chúng tôi phải lâm vào “Thế Bối Thuỷ” và giặc thù vây kín trùng trùng… không có đường trở lui mà phải Sinh Tử Chiến, mãnh hổ huyết chiến địch quần hồ mới hòng có đường sống sót trở về với vợ con ở trại gia binh… Hơn 200 sinh mạng “Kinh Kha” Trinh Sát Dù đã qua bờ Dịch thuỷ đang trông chờ ta với trọng trách nặng nề đè nặng trên vai… Tôi phải thật bình tĩnh nhận thức sự việc từ nội tâm tới ngoại giới như chiếu soi và trong không gian tỉnh lặng, tôi nghe rõ tiếng xào xạt lá cây rừng với vài cơn gió Hè thổi qua của vùng Tây Nguyên đất đỏ, mắt đảo quanh như soi hút cảnh vật chung quanh và chú tâm nghe ngóng những động tỉnh nhỏ nhặt mơ hồ như có, như không xen lẫn trong mớ âm thanh hỗn độn tiếng côn trùng gọi nhau trong đêm … Tôi biết tất cả hơn 200 đôi mắt của Đại Đội 2 Trinh Sát Dù cũng đang chong đỏ trong bóng đêm dày dặc và tay ghìm chặc súng đạn đã lên nòng từ những hầm hố, lấy độ dày của đất làm chỗ che thân và chờ đợi từng giây phút sẽ có ánh lửa loé chớp nhoáng bùng lên với hằng loạt tiếng nổ xé rách màn đêm khi địch quân nổ súng tấn công cường tập… Trên không có tiếng vọng rù …rì … của chiếc không thám OV10 bay trên cao độ vài ngàn bộ như  thần “thiên lý nhãn” hộ mạng luôn túc trực quan sát, theo dõi tình hình “dưới thế” để chỉ điểm, hướng dẫn, báo cáo hành quân, yểm trợ quân bạn từng chi tiết bất kể giờ giấc hay đêm ngày … Thời khắc tử thần quơ lưỡi hái đã điểm lúc 10:45 trời gần khuya: hằng loại trái sáng phát nổ phựt ánh sáng bung loé sáng rực trong đêm cùng lúc tiếng nổ mìn định hướng Claymore vang dội, thân xác, xương thịt vung vãi, bầy thiêu thân ngông cuồng lao tới bức tường thành lửa đạn khạc ra hằng loạt, lựu đạn tung lên nổ vang nháng lửa, hằng loạt M79 bắn trực xạ vào thân người tan nát, những tràng đại liên M60 nổ dòn liên thanh không cần giải nhiệt bắn vào thây người ngã xuống, bấm thêm  mìn Claymore nổ dạt tung toé xương thịt kinh hoàng, lớp ngạ quỉ “sinh Bắc tử Nam” tan tành như xác pháo, lớp khác nhào tới như những cương thi vô cảm giác rồi ngã bật xuống trước họng súng thiện xạ của hơn 200 tay súng Đại Đội 2 Trinh Sát Dù là đơn vị Tổng Trừ Bị ưu tú trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa  dày dạn kinh qua bao chiến trường trên 4 Vùng Chiến Thuật… Khoảng 5 phút sau, 4 chiếc Cobra trực thăng võ trang đã xuất hiện từ cao độ 500 bộ, theo tín hiệu của PRC11 phát ra từ Budhar và tôi hướng dẫn chỉ điểm mục tiêu để cho “Thiên Thần Mãng Xà Vương “ Cobra clean up bầy quỉ Đỏ lúc nhúc “dưới thế” với giàn phóng hoả tiễn (Rocket), M79 Auto bắn rãi cận phòng chung quanh đỉnh đồi … Tiếng nổ vang rền đinh tai, nhức óc, mảnh đạn cày sới tung đất đá, lửa cháy đỏ rực đỉnh đồi Delta trong đêm khuya … !!! Cobra hết đạn rời vùng.  Ngay tức khắc Pháo Binh của Thanh Vân – Đại Úy Nguyễn Cẩn Ngọc Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C1 Dù nhuần nhuyễn khế  hợp theo những tiêu điểm tác xạ định sẵn mà bắn hằng tràng đạn đại bác như trải thảm cả ngọn đồi … Hằng hàng hàng lớp lớp Bắc Quân từ cánh rừng phía Tây vùng 3 biên giới Việt – Miên – Lào đã ém quân nằm phục sẵn từ trước, túa tràn ra bao vây quanh chân đồi, chúng hung hãn nhào lên như bầy dã thú để rồi thân xác bị nổ tan tành dưới sức công phá của bom đạn kinh hồn… !


Tôi liền áp dụng phương pháp “cóc nhảy lui ” vì rút lui đồng loạt sẽ bị địch tràn ngập ngay và  mặc cho cấp trên hò hét lệnh lạc điều động thế nào tôi không có  “quởn” nghĩ tới nữa, “thầy trò đường tăng” chúng tôi “bung” hết khả năng nhuần nhuyễn xuất thần để vượt thoát hiểm trận thiên la, địa võng bom đạn kinh hoàng này… sau lưng của tôi là cả một biển lửa đỏ rực cháy bùng lên nóng hừng hực  với hàng loạt bomb Napal xăng đặc từ những phi tuần trên không dội xuống đốt cháy vạn vật như “giời cao” huỷ diệt sinh linh quả địa cầu tròn trịa nầy… ! Kinh hồn và khiếp đảm  như ngày tận thế …! Phải bỏ lại hai toán Viễn Thám và hơn 20 Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ chết chết tại chỗ và bị thương nặng nhẹ… ! Ôi tan tác… ! Thôi đành xin lỗi các bạn… ”không phải tại anh cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau…”… tử biệt sinh ly mỗi giây phút, mỗi giờ và mỗi ngày là chuyện thường chinh chiến có mấy ai đi mà trở lại… Đau thương cũng đành thôi vì chúng tôi còn có tử thần cầm lưỡi hát đoạt hồn đón chờ ở phía trước !

  
Ngày hôm sau Đại Đội 2 Trinh Sát Dù chúng tôi  được bốc ra khỏi ngọn đồi Charlie sau một đêm cùng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù  nằm vắt giò lên miệng hầm nghe tiếng rít xé gió từ hai Pass B52 đánh bom cách Charlie chừng 300 mét. Sự việc đã phá lệ duy nhất trong  Lịch Sử Chiến Trường Thế Giới và chỉ có ở tại Charlie – Việt Nam  1972  vì khoảng cách an toàn để Pháo Đài Bay B52 Chiến Lược dội bom tối thiểu phải 1000 mét vòng đai để tránh thiệt hại cho chung quanh quân ta. Tôi ngồi trên chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Charlie, không một vẫy tay chào, không một lời giã từ “Đồi Bắc” nơi đó có Hùng Mập E22, “Đồi 1515” có các niên trưởng thân tình với tôi mà chỉ cách đây hai tuần lễ còn ăn nhậu mệt nghỉ tại Câu Lạc Đoàn 11 Dù với niên trưởng Nguyễn Đình Bảo, niên trưởng Lê Văn Mễ, niên trưởng Đoàn Phương Hải, Hùng Móm, Thinh… ! Vài ngày hôm sau số phận Đồi Charlie kết thúc, để người Anh đáng kính Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo của Căn Cứ  Nguyễn Huệ – Long Bình nay có vinh danh “Người Ở Lại Charlie” qua dòng nhạc xót xa tiếc nuối của ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh – Nhật Trường và “bia bảng” trên công viên thành phố Saigon nhộn nhịp dòng người ngược xuôi với đèn xanh đèn đỏ tiếc thương thì cũng thế thôi, “nam nhi chinh chiến kỷ nhân hồi” và có đâu:


Chinh nhân ơi khi anh trở về
Người yêu ra mừng đón
Người yêu anh bé nhỏ
Sẽ thương anh trọn đời.
(Một Người Đi – Mai Châu)

    
Trong căn hầm trú ẩn chỉ rộng khoảng năm sáu thước vuông, một cái bàn dã chiến cùng bốn thùng gỗ pháo binh làm ghế ngồi. Khi tôi và Bác Sĩ Hiệp đến thì đã có mặt Trung Tá Nguyễn Văn Tường Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh ngồi sẵn đó rồi… Trên bàn là chai Remy Martell, cái bánh chưng, đĩa giò thủ cùng với dưa hành củ kiệu… Thường chúng tôi gặp nhau hằng ngày qua máy truyền tin PRC25 hoặc trong những buổi họp hành quân kể cả những khi  không có gì để nói đến trận mạc chiến chinh. Nay chúng tôi có dịp tương phùng đón Xuân dã chiến, ngoài kia vòng rào kẽm gai có cây mai khẳng khiu vươn cành lá trổ bông vàng đong đưa trước gió sớm ban mai. Hiếm có những ngày Xuân đóng quân bình yên như Tết năm nay.


Hôm nay, trải qua bao thế sự thăng trầm… và sau nửa đời người với một phần hai thế kỷ, bạn bè kẻ còn người mất, giàu – nghèo, sang – hèn có khác gì nhau khi đã có mang chung một “Đời Lính Chiến”, tôi Trinh Sát Dù với khẩu hiệu “Cố Gắng” nhảy vội qua khung cửa trực thăng là lao vào cõi sống chết, các bạn đồng ngũ Biệt Động Quân cùng nhẩy ào ra khỏi lòng Slick trực thăng lội bãi sình lầy gian khổ, Thủy Quân Lục Chiến  đỗ quân hay nhẩy ùm xuống bờ biển nông sâu lõm bõm lội vào bờ trước họng súng đang đồng loạt khai hoả của quân giặc và thây người ngã xuống, Không Quân lao vào lưới đạn phòng không nã hoả tiễn, rải từng tràng đạn liên thanh, bay sát mục tiêu để “thẩy lỗ” từng trái bom nổ bung xác giặc tràn ngập căn cứ quân bạn hoặc bay vút lên còn “lắc cánh”chào nhau tại chiến địa và hẹn ngày mai gặp lại đâu đó ở chiến trường khác nữa, hay anh em Thiếp Giáp với pháo tháp chiến xa chỉa thẳng nòng đại bác bắn trực xạ và đạp ga phóng tới húc càn trên xác địch mà giành lấy mạng sống cho bản thân để còn về phép mà thăm lại vợ con nheo nhóc trong khu gia binh an bình… Và còn nữa biết bao các Huynh Đệ Chi Binh trong hàng quân Hải – Lục – Không Quân – Địa Phương Quân trấn giử tiền đồn heo hút hoặc tay súng cùng với người vợ quê chia cơm, xẻ đạn chiến đấu với giặc Cộng công đồn và đang ngày đêm khổ nhọc với nhiệm vụ và công tác chiến trường liên miên bất tận… Ôi có nỗi cam khổ và hiểm nguy nào hơn chứ ! Chẳng qua vì chúng tôi không chấp nhận bọn giặc từ phương Bắc vào Nam đốt phá xóm làng, bắn giết dân Ta.


Năm Tân Sửu tại Houston – Texas, Út bạch lan tôi xin thân tình chúc cho cô bé Jane Bomb cùng nhóm Việt Nữ Hoa Tự Do và quí vị Fang Cứng của Chương Trình Hát Cho Quê Hương Tôi năm mới vạn sự như ý.
 

Trương Văn Út (Út bạch lan)


usaelection gởi