Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua nước Hương Chí, họ Sát-lỵ, trước tên là Bồ-đề-đa-la, về sau khi đắc Pháp nơi Tôn-giả Bát-nhã-đa-la.
Tôn-giả nói : “Ngươi đối với các pháp đã được thông đạt. Đạt-ma là thông đạt đại nghĩa, nên Ta đổi tên cho ngươi là Đạt-ma”. Tổ hỏi Tôn-giả : Nên đi nước nào làm Phật-sự ?
Tôn-giả nói : Ngươi dù đắc Pháp, chưa thể đi xa; hãy tạm ở Nam Thiên Trúc, đợi sau khi Ta diệt độ sáu mươi bảy năm, thì nên sang Trung-quốc thí Đại-pháp-dược, tiếp người thượng-căn. Chớ nên đi gấp mà có thể thành chướng duyên.
Tổ lại hỏi : Nước Trung-quốc có bậc Đại-sĩ kham làm Pháp-khí chăng ? Ngàn năm về sau có chướng nạn chăng ?
Tôn-giả đáp : Chỗ ngươi hoằng hóa, người được chứng quả Bồ-đề chẳng thể kể xiết. Sau khi Ta diệt độ hơn sáu mươi năm, nước ấy có nạn, tà pháp trôi nổi, ngươi hãy khéo đi hàng phục. Ngươi đến nước ấy chớ nên lưu lại miền Nam vì họ chỉ ham công nghiệp hữu vi, chẳng thấu lý Phật, dù ngươi đến cũng chẳng thể lưu lại đó đâu.
Nghe bài Kệ của Ta đây :
Giữa đường vượt biển gặp con dê,
Một mình vắng lặng lén qua sông,
Đáng tiếc roi ngựa dưới mặt trời,
Hai cây quế tươi lâu mãi mãi.
Tổ lại hỏi : Về sau còn có việc gì không ?
Tôn-giả đáp : Một trăm năm mươi năm về sau thì có nạn nhỏ.
Nghe kệ sấm đây :
Trong tâm cát tường, bên ngoài hung,
Tăng phòng thiên hạ gọi không trúng,
Vì gặp độc long sanh võ tử,
Bỗng gặp chuột con tịch vô cùng.
Tổ lại hỏi : Về sau thế nào ?
Tôn-giả đáp : Hai trăm năm mươi năm về sau, dưới Tòng-lâm sẽ gặp một người đắc đạo quả.
Nghe Kệ-sấm đây :
Trung-quốc tuy rộng chẳng đường khác,
Càng nhờ con cháu đi dưới chân,
Gà vàng biết ngậm một hạt lúa,
Cúng dường mười phương La-hán Tăng.
Tổ vâng lời dạy bảo, siêng năng phục vụ bốn mươi năm, đến khi Tôn-giả viên tịch mới ra hoằng hóa khắp trong nước. Lúc ấy có hai Sư, một vị là Phật Đại Tiên, một vị là Đại Thắng Đa, trước là bạn của Tổ cùng học Thiền-quán Tiểu-thừa với ngài Phật-đà-bạt-đà. Phật Đại Tiên đã gặp Tôn-giả Bát-nhã-đa-la, bỏ Tiểu-thừa hướng Đại-thừa, được ngộ và cùng Tổ hoằng hóa.
Lúc bấy giờ người đời xưng là hai cửa cam-lồ. Còn môn đồ Phật Đại Thắng Đa chia thành sáu Tông : 1. Hữu Tướng tông. 2. Vô Tướng tông. 3. Định Huệ tông. 4. Giới Hạnh tông. 5. Vô Đắc tông. 6. Tịch Tịnh tông. Các Tông mỗi mỗi tự ôm chặt kiến giải của Tông mình tự cho là cội nguồn, triển khai hoằng hóa khác nhau.
Tổ than rằng : Một thầy kia đã lún chân xuống bùn lại còn chia ly làm sáu Tông, nếu Ta chẳng đi phá trừ thì họ vĩnh viễn bị trói trong tà-kiến. Nói xong hiện chút thần lực đến nơi Hữu Tướng tông hỏi : Sao lại gọi tất cả các pháp là Thật-tướng ?
Tông-trưởng trong Chúng là Tát-bà-la đáp : Nơi các tướng chẳng biết lẫn nhau gọi là Thật-tướng.
Tổ hỏi : Tất cả tướng chẳng biết lẫn nhau, nếu gọi là Thật-tướng thì lấy gì để xác định ?
Đáp : Nơi các tướng thực bất định. Nếu các tướng nhất định thì sao gọi là thực ? (5)
Tổ hỏi : Các tướng bất định, chẳng nói chứng các tướng. Khi nói chứng các tướng thì nghĩa ấy cũng bất định vậy.
Tổ hỏi : Ông nói bất định tức là Thật-tướng. Định nếu bất định tức phi Thật-tướng.
Đáp : Định đã bất định tức phi Thật-tướng. Vì biết ta phi (ta phi là vô ngã) nên bất định bất biến.
Tổ nói : Nay ông bất biến sao gọi Thật-tướng. Nếu biến thì biến mất, cũng không gọi là Thật-tướng.
Đáp : Bất biến nên tồn tại, vì tồn tại chẳng thực nên gọi là biến thật tướng để xác định nghĩa ấy.
Tổ hỏi : Thật-tướng chẳng biến, biến thì chẳng Thật. Nơi pháp hữu vô cái nào gọi là Thật-tướng ? Tát-bà-la biết Tổ là Thánh-sư, đã thấu suốt nghĩa lý, liền dùng tay chỉ hư không rằng : Đây là hữu tướng của thế gian vì có thể không. Nay thân ta được giống không này chăng ?
Tổ nói : Nếu thấu Thật-tướng thì thấy phi tướng. Nếu liễu phi tướng, sắc ấy cũng vậy. Khi ở nơi sắc chẳng mất bản thể của sắc, ở trong phi tướng chẳng ngại sự có. Nếu được thấu hiểu như thế, ấy gọi là Thật-tướng. Họ nghe xong tâm ý khai mở, khâm phục lễ bái tín thọ. (5) Kinh Kim Cang viết : “Nếu thấy các tướng không phải là tướng mới là thấy Thật-tướng”.
٭ Tổ thình lình biến mất, rồi đến chỗ Vô Tướng tông hỏi : Ông nói Vô-tướng làm sao chứng tỏ ? Trong Chúng họ có ông Ba-la-đề đáp : Vì tâm chẳng hiện nên nói Vô-tướng.
Tổ hỏi : Tâm ông chẳng hiện lấy gì chứng minh ?
Đáp : Ta biết Vô-tướng, tâm chẳng lấy bỏ. Đang lúc biết cũng chẳng có kẻ biết.
Tổ nói : Nơi hữu và vô, tâm chẳng lấy bỏ, cũng chẳng có kẻ biết thì cái biết thành không.
Họ nói : Nhập Tam-muội Phật còn vô-sở-đắc, huống là Vô-tướng mà còn muốn biết nó.
Tổ hỏi : Tướng đã chẳng biết, ai nói hữu, vô. Còn vô-sở-đắc thì lấy gì gọi là Tam-muội ?
Đáp : Ta nói chẳng chứng nghĩa là chứng vô sở chứng. Vì phi Tam-muội, Ta nói Tam-muội.
Tổ hỏi : Nếu phi Tam-muội lấy gì đặt tên. Ông đã chẳng chứng “vô chứng” làm sao mà chứng ? Ba-la-đề nghe Tổ phân tích liền ngộ Bản-tâm, đảnh lễ với Tổ tạ lỗi sám hối.
Tổ thọ ký rằng : Ông không bao lâu sẽ chứng quả. Nước này có Ma nhưng sẽ hàng phục. Nói xong thình biến mất.
٭ Tổ đến Định Huệ tông hỏi : Ông học định huệ là một hay là hai ?
Trong Chúng họ có ông Bà-lan-đà đáp : Định huệ ta đây chẳng một chẳng hai.
Tổ hỏi : Đã chẳng một hai sao gọi định huệ ?
Đáp : Ở định chẳng định, nơi huệ chẳng huệ. Một tức chẳng một, hai cũng chẳng hai.
Tổ hỏi : Lúc một chẳng một, lúc hai chẳng hai, đã chẳng định huệ lấy gì gọi là định huệ ?
Đáp : Chẳng một chẳng hai, định huệ năng biết, chẳng định chẳng huệ thì cũng như vậy.
Tổ nói : Huệ chẳng phải huệ, lấy gì để biết ? Chẳng một chẳng hai, ai định ai huệ ? Bà-lan-đà nghe xong, tâm nghi liền tan rã.
٭ Tổ đến Giới Hạnh tông hỏi : Thế nào là Giới ? Thế nào là Hạnh ? Cái giới & hạnh là một hay là hai ?
Trong Chúng họ có một Hiền-giả đáp : Một hai, hai một do nó tự sanh. Tuân theo Giáo-điều chẳng nhiễm gọi là Giới-hạnh.
Tổ nói : Ông nói tuân theo Giáo-điều tức là có nhiễm. Vậy một hai cùng phá, đâu thể nói là tuân theo Giáo-điều. Cả hai đều chống trái (6) chẳng theo nơi hạnh thì trong ngoài chẳng rõ, sao gọi là Giới ?
Đáp : Ta nói trong ngoài, ấy đã biết xong, đã được thông đạt. Nếu nói chống trái, cũng đúng cũng sai. Nói đến thanh tịnh, tức Giới tức Hạnh.
Tổ hỏi : Cũng đúng cũng sai sao nói thanh tịnh ? Đã được thông đạt còn gì trong ngoài ? Hiền-giả nghe xong liền tự hổ thẹn, tỏ lòng khâm phục.
٭ Tổ đến chỗ Vô Đắc tông hỏi : Ông nói vô đắc, vô đắc làm sao đắc ? Đã vô-sở-đắc cũng vô đắc để đắc.
Trong Chúng họ có ông Bảo-tịnh đáp : Ta nói vô đắc, chẳng phải vô đắc để đắc. Lúc nói đắc cái đắc, vô đắc là đắc.
Tổ hỏi : Đắc đã vô đắc thì chẳng phải là đắc. Đã nói đắc cái đắc, vậy đắc cái đắc đó làm sao đắc ?
Đáp : Thấy đắc là phi đắc, phi đắc gọi là đắc. Nếu thấy vô đắc gọi là đắc cái đắc.
Tổ nói : Đắc đã phi đắc, đắc cái vô đắc. Đã vô sở đắc lấy gì đắc cái đắc ? Bảo-tịnh nghe xong bỗng phá lưới nghi.
٭ Tổ đến chỗ Tịch Tịnh tông hỏi : Thế nào là tịch tịnh ? Ở trong pháp này ai tịch ai tịnh ?
Trong Chúng họ có một Tôn-giả đáp : Tâm này bất động, ấy gọi là tịch. Nơi pháp vô nhiễm, ấy gọi là tịnh.
Tổ nói : Bản tâm bất tịnh mới phải nhờ tịch tịnh. Nếu vốn là tịnh thì đâu cần tịch tịnh ?.
Họ nói : Các pháp vốn không vì không đã không. Vì không đã không nên ở nơi cái không đã không ấy gọi là tịch tịnh.
Tổ nói : Không không đã không, các pháp cũng vậy. Tịch tịnh vô tướng thì cái nào là tịch, cái nào là tịnh ? Tôn-giả ấy nghe Tổ chỉ dạy hoát nhiên khai ngộ.
٭ Từ đó sáu Tông đều thệ nguyện quy-y nên sự giáo hóa của Tổ cùng khắp Nam Thiên Trúc. Tiếng tăm vang cả nước Ấn-độ, trải qua sáu mươi năm, độ chúng sanh vô lượng. Sau gặp lúc vua Dị Kiến (cháu gọi Tổ bằng Chú) muốn hủy diệt Phật-pháp, Tổ thương xót muốn cứu vớt cháu. Khi ấy sáu Tông đều thầm nghĩ Tổ sẽ có cách để cứu vãn Pháp-nạn. Tổ từ xa biết ý của các Chúng nên âm thầm búng tay báo tin cho họ. Sáu Tông đều cùng nghe được mà nói : “Tiếng búng ngón tay là hiệu báo tin của Thầy chúng ta”. Rồi đều đến chỗ Tổ ở.
Tổ nói : Nay Phật-pháp có chướng nạn, ai đi diệt trừ ? Có ông Tôn Thắng trước kia thuộc Vô Tướng tông xin đi.
Tổ nói : Ngươi dù biện tài thông minh nhưng Đạo-lực chưa đủ, lại với Vua chẳng có duyên. Thắng không nghe, tự đến vua Dị Kiến rộng thuyết Pháp-yếu.
Vua nói : Cái pháp của ông hiểu biết đó hiện nay ở đâu ?
Thắng nói : Nhưng sự thống trị, giáo hóa của nhà Vua là hợp với Đạo-vua, vậy hiện nay Đạo-vua ở đâu ?
Vua nói : Đạo của ta sẽ trừ pháp tà. Pháp của ông sẽ hàng phục người nào ?
Lúc bấy giờ, Tổ đang ngồi trên tòa đã biết trước lý của Tôn Thắng sẽ thua, bảo Ba-la-đề rằng : Tôn Thắng chẳng nghe lời Ta, đi biện luận với Vua sắp thất bại rồi. Ngươi hãy mau đi cứu. Ba-la-đề nói : Xin nhờ thần lực. Nói xong, có đám mây đỡ chân đưa đi gặp Vua. Vua đang hỏi Tôn Thắng, chợt thấy, ngạc nhiên quên hỏi tiếp mà nhìn Ba-la-đề nói : Kẻ bay trên không đến là chánh hay là tà ? Đề nói : Ta chẳng phải tà chánh mà đến đây để chánh lại cái tà. Tâm Vua nếu chánh thì Ta chẳng tà chánh. Vua tuy cảm thấy kinh dị nhưng tánh kêu mạn đang lúc bừng, liền ra lệnh đày Tôn Thắng đi xa. Ba-la-đề nói : Vua đã có Đạo sao lại đày Sa-môn ? Ta dù không hay, xin Vua cứ hỏi. Vua giận mà hỏi : Thế nào là Phật ? Đề đáp : Kiến Tánh là Phật. Vua hỏi : Sư kiến Tánh chăng ? Đề đáp : Ta kiến Phật-tánh. Vua hỏi : Tánh ở chỗ nào ? Đề đáp : Tánh ở nơi tác dụng. Vua hỏi : Tác dụng gì, nay Ta chẳng thấy ? Đề đáp : Hiện đang tác dụng, Vua tự chẳng thấy. Vua hỏi : Nơi Ta có chăng ? Đề đáp : Vua nếu tác dụng thì thể cũng khó thấy. Vua hỏi : Nếu khi đang dụng có mấy chỗ xuất hiện ? Đề đáp : Nếu xuất hiện sẽ có tám chỗ. Vua nói : Tám chỗ xuất hiện nào nói cho Ta nghe.
Ba-la-đề liền thuyết Kệ rằng :
Nơi thai là thân
Ra đời là người
Nơi mắt là thấy
Nơi ta là nghe
Nơi mũi là ngửi
Ở miệng đàm luận
Ở tay cầm lấy
Ở chân đi đứng
Hiện khắp bao gồm
Hằng-sa thế giới
Thu nhiếp lại ở trong hạt bụi nhỏ
Kẻ nhận được, biết là Phật-tánh
Kẻ chẳng biết gọi là Linh-hồn.
Vua nghe Kệ xong tâm liền khai ngộ, sám hối tạ lỗi nhìn nhận trước kia làm sai. Rồi Vua hỏi : Sư nối Pháp ai ? Đề đáp : Bồ-đề-đạt-ma, tức là Chú của Đại-vương. Vua liền cho cận thần nghênh tiếp Tổ đến cung Vua. Tổ bảo Vua sám hối lỗi trước. Vua nghe xong rơi lệ cảm tạ, rồi ra lệnh cho Tôn Thắng về nước. Cận thần nói : Tôn Thắng khi bị đày đã gieo mình xuống vực bỏ mạng rồi. Tổ nói : Thắng còn sống, lệnh vua triệu sẽ đến. Ban sơ, Tôn Thắng bị đày, tự thấy hổ thẹn gieo mình xuống vực. Bỗng có Thần-nhân cứu để trên tảng đá. Thắng nói : Ta là bậc Sa-môn lấy Chánh-pháp làm chủ, vì chẳng thể sửa cái quấy của Vua nên bỏ mình tự trách. Nay Thần sao tự cứu giúp, xin nói rõ nguyên do ?
Thần-nhân bèn nói kệ rằng :
Xưa thọ đến trăm tuổi,
Tám mươi vẫn làm sai.
Thân cận bậc chí tôn,
Huân tu mà nhập đạo.
Tuy có ít trí huệ,
Nhưng còn nhiều nhân ngã.
Gặp các bậc Hiền Thánh,
Chưa nổi lòng cung kính.
Hai mươi năm công phu,
Cái tâm vẫn chưa tịnh.
Vì thông minh khinh mạn,
Mà thọ quả như thế.
Ngươi gặp Vua bị khinh,
Cảm quả đúng như vậy.
Từ nay chẳng giải đãi,
Chẳng lâu thành bậc Trí.
Chư Thánh đều hộ niệm,
Như-lai cũng như vậy.
Thắng nghe Kệ vui mừng, rồi tĩnh tọa trên tảng đó. Đến đây, sứ thần của Vua vào núi triệu về. Khi đó ở trong cung, Tổ nói với Vua : Biết Thắng chịu đến chăng ? Vua nói : Chưa biết. Tổ nói : Phải ra lệnh thứ hai mới được. Khi sứ thần đến núi thì Thắng từ chối. Quả thực, sau đó được lệnh thứ hai mới chịu về. Tổ nghĩ đến việc Đông-độ Trung-quốc theo như Phật đã thọ-ký rằng : “Năm trăm năm về sau ngọn đèn Trí Bát-nhã sẽ tỏ ánh sáng nơi đó”, nên phó chúc đệ tử là Bát-nhã-mật-đa-la lưu ở Thiên-trúc hoằng Pháp, rồi tự mình sang Trung-quốc. Trước khi khởi hành, Ngài tới lễ bái Tháp chư Tổ, từ giã bạn học và khuyên Vua siêng tu hạnh nghiệp, nói : “Tôi đi mười chín năm sẽ về”.
* Tổ đi đường biển trải qua ba năm mới đến Trung-quốc, nhằm năm thứ bảy niên hiệu Phổ Thông đời Lương, là ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý. Lúc ấy Châu trưởng Quảng Châu là Tiêu Ngang nghênh tiếp cúng dường đủ lễ, trình biểu văn báo cho Võ Đế. Võ Đế sai sứ thần nghênh thỉnh, nhằm ngày 11 tháng 10, Tổ đến thủ đô Kim Lăng.
Võ Đế hỏi : Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lập Chùa, in Kinh, độ Tăng chẳng thể kể xiết. Như thế có công đức gì ?
Tổ đáp : Chẳng phải là công đức.
Võ Đế hỏi : Tại sao chẳng phải là công đức ?
Tổ đáp : Ấy chỉ là cái tiểu quả trời người, là cái nhân hữu lậu, như ảnh tùy hình, dù có mà chẳng thật.
Võ Đế hỏi : Thế nào chân công đức ?
Tổ đáp : Tịnh trí diệu viên, thể tự không tịch. Công đức như thế chẳng do làm việc thế gian mà cầu được.
Võ Đế lại hỏi : Thế nào là Thánh-đế đệ nhất nghĩa ?
Tổ đáp : Rõ ràng vô Thánh.
Võ Đế hỏi : Hiện ở trước mặt Trẫm là ai ?
Tổ trả lời : Không biết.
Võ Đế không ngộ được. Tổ biết cơ chẳng khế hợp, đến ngày 19 tháng đó âm thầm qua sông đi nước Ngụy. Ngày 23 tháng 11 đến thành phố Lạc Dương, ngụ tại Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn. Suốt ngày im lặng hướng vách tĩnh tọa, người đời chẳng biết lại gọi là “Bà-la-môn quán vách”. Biệt truyện ghi rằng : “Sau khi Tổ bỏ đi, Võ Đế đem chuyện này nói với Chí Công.
Công hỏi : Bệ hạ biết người này chăng ?
Võ Đế trả lời : Không biết.
Công nói : Ấy là Quan-âm Đại-sĩ truyền tâm ấn Phật. Võ Đế ăn năn muốn sai sứ thần đuổi theo thỉnh về. Công nói : Đừng nói sai một sứ thần, dẫu cho người cả nước đi thỉnh, Ngài cũng không về”. Sau này, Thiền-sư Viên Ngộ kể chuyện này với Chúng rằng : Cái không biết của Võ Đế nói, so với cái không biết của Tổ Đạt-ma nói là đồng hay là khác ? Giống thì có giống, phải thì không phải. Phần đông hiểu lầm rằng cái “không biết” của Tổ Đạt-ma là đáp về thiền, cái “không biết” Võ Đế đáp câu hỏi của Chí Công, là cái không biết thuộc về nhận biết. Đoán mò như thế trọn chẳng dính dáng. Nếu lúc bấy giờ, Chí công hỏi như thế thì cần trả lời như thế nào ? Theo ta thì chẳng bằng một gậy đánh chết cho xong, tránh cho người ta suy đoán hồ đồ. Có Tăng Thần Quang ở xứ Y Lạc, rộng xem đủ thứ kinh sách, khéo luận lý nhiệm màu, thường than rằng : “Giáo của Khổng Tử nói về phong tục lễ nhạc, sách của Lão Trang cũng chưa đến diệu lý cùng tột. Gần đây nghe nói Đại-sĩ Đạt-ma là bậc Chí-nhân, ở Thiếu Lâm Tự chẳng cách xa, phải đến tham vấn”. Bèn đi đến chỗ Tổ tham học. Thấy Tổ suốt ngày im lặng hướng vách không một lời dạy bảo, Quang tự thầm nghĩ : “Người xưa từng trải tóc che sình, cho đến chẳng tiếc máu thịt, xương tủy để cúng dường cầu đạo. Xưa còn như vậy, nay ta không làm được sao ?”. Gặp đêm tuyết lớn, Quang đứng hầu ngoài cửa suốt đêm, gần sáng tuyết ngập quá đầu gối nhưng vẫn đứng yên chỗ đó, một lòng cung kính.
Tổ nhìn thấy, thương xót hỏi rằng : Ngươi đứng lâu trong tuyết muốn cầu việc gì ?
Quang rơi lệ nói : Xin Hòa-thượng từ bi mở cửa cam lồ rộng độ chúng sanh.
Tổ nói : Diệu-đạo của chư Phật phải nhiều kiếp siêng năng tinh tiến, hành chỗ khó hành, nhẫn chỗ khó nhẫn mới được, đâu thể dùng thiểu đức thiểu trí, tâm khinh mạn mà được.
Quang nghe lời Tổ khích lệ, liền lấy dao bén chặt cánh tay trái để trước bàn Tổ. Tổ biết là Pháp-khí, nói : “Chư Phật ban sơ cầu đạo vì Pháp quên mình. Nay ngươi chặt cánh tay trước ta cầu Pháp, ta cũng hứa khả”. Do đó Tổ đổi tên cho Quang là Huệ Khả.
Huệ Khả hỏi : Pháp-ấn của chư Phật con được nghe chăng ?
Tổ nói : Pháp-ấn của chư Phật chẳng do người khác mà được.
Khả nói : Tâm con chưa an, xin thầy an cho.
Tổ nói : Đem tâm lại để ta an cho. Giây lâu,
Khả nói : Tìm tâm trọn chẳng thể gặp.
Tổ nói : Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
٭ Chín năm sau, Tổ muốn về Thiên-trúc, một hôm nói với môn đồ rằng : Thời tiết đã đến, các ngươi hãy tự kể sự sở đắc của mình. Có đệ tử Đạo-phó nói : Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, ấy là dụng của Đạo. Tổ nói : Ngươi được da của Ta. Ni Tổng-trì nói : Hiểu biết của con như Tôn-giả A-nan thấy cõi phật Bất Động, một cái thấy vốn đầy đủ, chẳng cần thêm cái thấy nữa. Tổ nói : Ngươi được thịt của Ta. Đạo Dục nói : Tứ Đại vốn không, ngũ Ấm chẳng có, chỗ thấy của con không có một pháp để đắc. Tổ nói : Ngươi được xương của Ta. Sau cùng, Huệ Khả ra lễ bái rồi trở về đứng lại chỗ cũ. Tổ nói : Ngươi được tủy của Ta.
Thuở xưa, Như-lai đem Chánh-pháp Nhãn-tạng phó chúc cho Đại-sĩ Ca-diếp rồi truyền thừa từng đời cho đến thân Ta. Nay Ta phó chúc cho ngươi, ngươi hãy hộ trì. Đồng thời truyền Cà-sa cho ngươi để làm tin cho Pháp. Khả xin Tổ chỉ dạy cho rõ.
Tổ nói : Trong truyền Pháp-ấn để khế chứng bản tâm, ngoài phó Cà-sa để xác định tông-chỉ. Vì sợ người đời sau lòng tin chưa vững sanh ra nghi ngờ, nói “Ta là người Ấn-độ, ngươi là người Trung-quốc, nhờ gì mà đắc Pháp, lấy gì để chứng tỏ ?" Nay ngươi thọ nhận Y&Pháp này. Về sau có chướng nạn xảy ra hãy lấy Y và Kệ truyền pháp của ta dùng để chứng minh thì sự giáo hóa sẽ vô ngại. Hai trăm năm sau khi ta nhập diệt phải ngưng sự truyền Y. Về sau, Chánh-pháp cùng khắp Pháp-giới, kẻ biết đạo thì nhiều, kẻ hành đạo thì ít, kẻ thuyết lý thì nhiều, kẻ thấu lý thì ít. Nay ngươi xiển dương Pháp này chớ khinh người chưa ngộ. Hễ được một niệm trở về cội nguồn thì đồng như bản đắc, sự âm thầm mặc chứng sẽ muôn muôn ngàn ngàn.
Hãy nghe ta nói kệ đây :
Ta đi đến đất này,
Truyền Pháp cứu người mê.
Một bông nở năm nhánh,
Kết quả tự nhiên thành.
Tổ lại nói :
Ta có kinh Lăng Già bốn quyển nay cũng giao phó cho ngươi dùng để ấn chứng hậu học. Ấy là tâm địa yếu môn của Như-lai khiến các chúng sanh khai thị ngộ nhập. Từ khi ta đến đất này đã bị đầu độc năm lần. Ta đem độc để trên tảng đá thì tảng đá nổ bung. Ta lìa Ấn-độ đến Trung-quốc là vì thấy đất này có khí tượng Đại-thừa, nên vượt biển vì Pháp cầu người. Vì nhân duyên chưa đến nên thị hiện ngu dại hướng vách chờ đợi, nay được ngươi để phó Pháp thì ý ta đã thỏa mãn. Nói xong cùng môn đồ đến chùa Thiên Thánh ở Vũ Môn, lưu lại đó ba ngày.
Có Thái-thú Kỳ Thành tên Dung Huyền Chi hâm mộ Phật-thừa, hỏi Tổ rằng : Ở Tây Thiên Ấn-độ, sự truyền thừa làm Tổ là thế nào ?
Tổ nói : Thấu Tâm-tông (Thiền-tông) của Phật, hạnh giải tương ưng, ấy gọi là Tổ.
Lại hỏi : Ngoài ra còn có gì nữa ?
Tổ nói : Cần tin tự Tâm bất nhị chẳng có tương đối. Nên đối với các chẳng chấp hữu vô, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng trí chẳng ngu, chẳng mê chẳng ngộ. Đã được thấu đạt nên xưng là Tổ.
Huyền Chi nói : Đệ tử quy-y Tam Bảo đã nhiều năm mà trí huệ ám muội, còn mê chân lý. Vừa nghe Sư nói vẫn chưa biết rõ, xin sư từ bi khai-thị tông-chỉ.
Tổ biết Huyền Chi khẩn thiết, liền thuyết kệ rằng :
Cũng chẳng thấy ác mà khinh chê,
Cũng chẳng thấy thiện mà khen ngợi,
Cũng chẳng xa ngu mà gần trí,
Cũng chẳng bỏ mê mà lấy ngộ,
Đại đạo thì siêu việt số lượng,
Thông tâm Phật thì tự động độ sanh,
Chẳng trói buộc nơi phàm Thánh,
Siêu nhiên gọi đó là Tổ.
Huyền Chi nghe Kệ bi, hỷ xen nhau mà rằng : Xin Sư thường trụ thế gian để hóa đạo quần sanh.
Tổ nói : Ta sẽ đi về, chẳng thể ở lâu. Chúng sanh căn tánh muôn ngàn sai biệt nên Ta phải gặp nhiều ngu mê làm chướng nạn choTa (biết trước sẽ bị người đầu độc).
Huyền Chi nói : Có thể cho biết người nào để đệ tử vì Sư trừ được chăng ?
Tổ nói : Ta truyền Phật-bí-tạng để lợi ích kẻ mê, đâu thể hại người để tự yên. Ắt chẳng có lý này.
Huyền Chi nói : Sư nếu không nói ra làm sao thị hiện sức biến thông quang chiếu.
Tổ bất đắc dĩ mới cho bài sấm rằng :
Thuyền sông vạch sóng ngọc,
Ống đuốc mở khóa vàng.
Ngũ khẩu cùng đi chung,
Cửu thập vô nhân ngã.
Huyền Chi chẳng thể đoán hiểu được, đành lễ bái cáo từ. Lúc bấy giờ, Vua nước Ngụy rất kính Phật-thừa. Trong đạo có nhiều Cao Tăng như Quang Thống Luật-sư, Lưu Chi Tam-tạng… đều là loan phụng trong hàng Cao Tăng, mà tư tưởng chủ trương lại trái ngược nhiều với Tổ. Đạo-phong của Tổ truyền đi khắp nơi, kẻ Trí-thức đều quy tụ lại cầu Pháp làm cho họ sanh tâm ganh tị, đầu độc năm lần cũng không gây hại được. Đến lần thứ sáu, Tổ đã truyền Pháp cho Nhị Tổ, việc hóa duyên đã xong, nên thị hiện trúng độc mà tịch. Môn đồ mai táng Tổ trên núi Hùng Nhĩ, xây tháp nơi Định Lâm Tự. Năm ấy sứ thần nước Ngụy là Tống Vân từ Sung Đỉnh (biên giới Ấn-độ) về, giữa đường thấy Tổ xách chiếc giầy đi nhẹ nhàng như bay.
Vân hỏi : Đại-sư đi đâu vậy ?
Tổ nói : Đi về Thiên-trúc.
Vân về Kinh tâu chuyện với Vua. Khi Vua ra lệnh cho môn đồ của Tổ đào mộ thì thấy trong quan tài trống rỗng chỉ còn có một chiếc giầy. Vua ban Chiếu đem chiếc giầy ấy thờ phụng nơi Thiếu Lâm Tự. Đến năm thứ mười lăm niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, nhằm năm Đinh Mão, bị tín đồ trong đạo ăn trộm đem về Ngũ Đài Sơn. Hiện nay đã mất tích chẳng biết ở đâu.
________________
Hoang Nguyen gởi