Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh





 
Tổ Sư Khương Tăng Hội (?-280)
 


Thích Như Điển
 
Cho đến ngày hôm nay hầu như những Sử gia Phật Giáo như Hòa Thượng Thích Mật Thể, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Giáo sư Học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát v.v… đều công nhận Ngài Khương Tăng Hội là Sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam. Cùng thời với Ngài cũng có những Ngài khác như: Mâu Bác, Chi Cương Lương và Ma Ha Tăng Kỳ Vực cũng đã ở Giao Châu. Ngoài ra Thiền sư Nhất Hạnh còn chứng minh trong“Phật Giáo Việt Nam Sử Luận” là Phật Giáo đã được truyền vào Việt Nam chúng ta vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, trực tiếp từ Ấn Độ và gần đây nhất theo Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát chứng minh rằng Phật Giáo được truyền vào Giao Châu của chúng ta từ thời Hùng Vương thứ 18, mà hai người Phật Tử đầu tiên là Chữ Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung(xem Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tập I cùng Tác giả).
 
Theo Cao Tăng Truyện và xuất Tam Tạng Ký cho biết thì Ngài Khương Tăng Hội là người gốc từ nước Khương Cư(Sogdiana).ChaNgàisang Giao Chỉ buôn bán và lấy một người con gái Việt Nam sinh raNgài,nhưng năm tháng thì không rõ. Cả Cha và Mẹ đều cùng mất năm Ngài 13 tuổi(có nơi nói 10 tuổi) và Ngài xin vào chùa để xuất gia. Ngài rất rành Phạn và Hán ngữ. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì ChaNgàitừ Ấn Độ sang,và thời kỳ đó là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất,nên bắt buộc Ngài phải học chữ Hán, ngoài ra ở nhà chắc chắnrằng Ngài cũng rất giỏi tiếng Việt, vì Mẹ là người Việt Nam. Từ khi xuất gia cho đến khi thọ giới Cụ Túc, phải đủ 20 tuổi; nghĩa là trong thời gian nầy Ngài phải học các Kinh điển căn bản để được thọ giới Sa Di và Tỳ Kheo từ chữ Phạn cũng như chữ Hán. Rồi một nhân duyên nào đó Ngài đã được sang nước Ngô(nay là Nam Kinh của Trung Quốc)vào năm Xích Ô thứ 10(năm 247)(có nơi nói năm thứ 4),lúc đó vào đời Ngô Tôn Quyền và Ngài Khương Tăng Hội tịch vào năm 280 tại Trung Quốc. Như vậy Ngài ở tại Trung Hoa tất cả là 33 năm. Chúng ta không biết tuổi thọ của Ngài bao nhiêu,nhưng nếu đoán là 60 tuổi thì ít nhất năm Ngài 27 tuổi, lúc ấy Ngài mới sang Kinh đô nước Ngô thuở bấy giờ. Đây là cái tuổi đẹp nhất và có năng lực nhất để đi từ Giao Châu sang Nam Kinh. Có như thế Ngô Tôn Quyền mới để ý và cho mời vào Kinh để nạn vấn.
 
Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì Ngài có tất cả 7 tác phẩm,trong đó Lục Độ Tập Kinh do chính Ngài biên tập,còn 6 tác phẩm khác thì được liệt kê như sau:1) An Ban Thủ Ý do Ngài An Thế Cao dịch và Trần Huệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa. 2) Lục Độ Yếu Mục do Tăng Hội biên tập,nhưng nay không còn. 3) Nê Hoàn Phạm Bối cũng do Tăng Hội biên tập,nhưng nay không còn. 4) Ngô Phẩm(Đạo Hành Bồ Tát)Tăng Hội dịch,nhưng nay không còn. 5) Pháp Cảnh Kinh do An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa. 6) Đạo Thọ Kinh do Chi Khiêm dịch và Tăng Hội đề tựa. Đa phần những Kinh sách nầy được viết hay dịch hoặc sớ giải từ năm 248,nghĩa là sau một năm đến Trung Hoa;nhưng theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát thì Lục Độ Tập Kinh được Ngài Khương Tăng Hội soạn bằng tiếng Việt và trước khi sang Trung Quốc. Điều nầy cũng có thể, bởi lẽ từ tuổi 20 sau khi thọ Đại Giới đến 7 năm sau nữa thì trong thời gian nầy Ngài Khương Tăng Hội có thể đã viết hoàn thành tác phẩm Lục Độ Tập Kinh nầy tại Giao Châu của chúng ta và chúng ta có thể tạm kết luận là Ngài sinh vào năm 220 tại Giao Chỉ; đến năm 247 Ngài sang Trung Quốc, thì lúc ấy Ngài đã 27 tuổi rồi.
 
Đi vào Đại Tạng Kinh để chúng ta có thể thấu triệt được việc nầy. Căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh(Taisho Shinshu Daizokyo) quyển thứ 51. Kinh Văn số 2084, trang 834b về việc Cảm ứng khi thời nhà Ngô bao vây chùa, cấm và bắt chư Tăng Ni, mà Xá Lợi hiện nổi tỏa phóng ánh sáng trên Bình bát(Rút từ Dị Lục Tuyên Nghiệm Ký) và Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh quyển 190 bộ Sử Truyện thứ 12 thuộc Tam Bảo Cảm Ứng Lược Yếu Lục,quyển thượng được trích dẫn như sau:
“Khi Tôn Hạo(Quy Mệnh Hầu 264-280)thời Đông Ngô có được ngôi vua, Chánh Giải tấu trình sự việc mà nói rằng:“Phật Pháp nên cảm ứng tại Trung Quốc, chỗ liệt bày đồng như các vị Thần ở nước Hồ”. Tôn Hạo bèn ban sắc chiếu, nhóm tập các vị Sa Môn, dàn bày quân lính bao vây chùa, muốn thực hành việc giết phá. Nói cùng Phật sư Khương Tăng Hội rằng:“Phật mà như Thần thì nên kính sùng đó, còn như Phật không có oai linh, thì Hắc y(áo màu đen của người xuất gia)cùng một ngày đồng với mạng của chúng Tăng”. Khi ấy hoặc có người tự quyên sinh, hoặc có người trốn bỏ ra ngoài. Ngài Khương Tăng Hội mới cầu xin thiết trai, cầu hiện oai thần, dùng một bình bát bằng đồng đựng đầy nước đặt để trong sân. Sau khoảng bữa ăn, bỗng chốc thấy có ánh sáng tỏa chiếu và trong bình bát ở giữa sân có tiếng sang sảng, bỗng thấy có Xá Lợi chiếu sáng nơi thềm cấp phòng nhà, nổi trên bình bát. Tôn Hạo và đại chúng đến xem trước, kinh ngạc mất cả thái độ bình thường, rời khỏi chỗ ngồi, đổi sắc mặt mà bước tới. Ngài Khương Tăng Hội nói:
“Bệ Hạ hãy bảo người có sức rất mạnh khoẻ dùng chày bằng chất Kim Cang nặng trăm cân để đánh, trọn chẳng thể phá được”. Tôn Hạo bằng y theo lời ấy mà cho rằng: Trước Kính bái là bái, rải hoa thiên hương mà xướng cao lời rằng:“Thật là dấu vết Quân Từ Thị đến bờ chưa dứt, thì bánh xe chánh pháp vẫn còn xoay chuyển in dấu vào trong đường tối, oai thần chẳng thiếu ngầm hiện. Ngày nay nếu chẳng như thế thì Tam Bảo hẳn dứt mất”. Nói lời ấy vừa xong thì chái(chỗ ở) nơi quân sĩ bỗng nhiên nổi gió. Mọi người trông xem thảy đều kinh sợ đến ngưng thở.  Chày vỡ nát mà Xá Lợi chẳng tổn hoại gì. Ánh sáng từ chày tỏa phóng ngời sáng khắp đầy. Tôn Hạo bằng khâm phục cho thiết lập giảng đường, xây dựng tháp đá tại phía Bắc chợ lớn Kiến Đường, sau vẫn còn tỏa ánh sáng tốt lành.
 
Đến mùa Thu năm Nguyên Gia thứ 19(442)thời Tiền Tống, vào nửa đêm nơi chùa tỏa phóng ánh sáng, trên không phát nên hình thể tốt đẹp, có ánh sáng lửa khác lạ, khiến trên bốn tầng từ phía Tây nhiễu quanh đến phía Nam. Lại bị lửa thiêu đốt,nên ánh sáng nhảy vọt lên trên hóa làm hoa sen lớn. Mọi người bèn phát sinh niềm tin, mới về lập chùa đề hiệu Kiến Sơ, đổi tên đất tại chỗ ấy gọi là Đất Phật vậy”.
 
Đọc đoạn văn trên đây chúng ta biết được rằng: Trước khi Ngài Khương Tăng Hội đến Trung Quốc thì Phật Giáo cũng đã được truyền vào đây từ thời Hán Minh Đế(Hiếu Minh Hoàng Đế 58-75). Vua sinh ngày 15/6/28 và băng hà ngày 5/9/75. Vào năm 67 thì Ngài Ma Đằng và Ngài Trúc Pháp Lan đã đến Kinh Đô Lạc Dương và dịch Kinh Tứ Thập Nhị Chương tại chùa Bạch Mã. Điều nầy cho chúng ta thấy rằng trước đó trên 180 năm Phật Giáo đã có mặt tại Lạc Dương,nhưng Nam Kinh thì chưa có ảnh hưởng nhiều. Tuy rằng Tăng Ni đã có,nhưng chưa có một vị nào lỗi lạc, chờ đến khi Ngài Khương Tăng Hội từ Giao Chỉ sang đây năm 247 thì Phật Giáo mới bắt đầu khởi sắc.
 
Theo Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh quyển thứ 194, thứ tự Kinh văn số 2116, phần Biện Ngụy Lục,quyển thứ 2 thuộc Sử Truyện Bộ thứ 16 cũng có đề cập đến Ngô Tôn Quyền và Ngài Khương Tăng Hội như sau:“Thượng Thư lệnh Hám Dịch nói với Ngô chúa rằng:“Nếu so sánh Khổng Giáo. Lão Giáo với Phật Pháp thì xa lại càng xa vậy. Tại sao biết thế? Vì Khổng Tử, Lão Tử lập giáo là dựa theo pháp chế của trời, không dám trái với trời. Còn các Đức Phật lập giáo, thì các trời vâng làm, không dám trái với Phật. Do đó mà nói thật chẳng thể so sánh. Ngô chúa khéo thay(phong cho) thành Thái Tử Thái Phó(xuất xứ cựu Ngô thư)”. Như vậy nhờ sự tâu trình của Hám Dịch với cương vị là một Thượng Thư về Phật Giáo so với Lão Giáo và Khổng Giáo mà Ngô Tôn Quyền đã phong cho Hám Dịch trở thành Thái Tử Thái Phó và cũng nhờ sự chiêu cảm sâu xa về Phật Pháp cũng như sự linh ứng Xá Lợi của Đức Phật,nên Ngô Tôn Quyền mới cho xây chùa, tháp thờ Phật và không bức bách chư Tăng Ni thuở bấy giờ.
 
Cũng theo Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập thứ 197, kinh văn số 2122, phần Pháp Uyển Châu Lâm thứ 3, quyển thứ 40 cũng có đề cập đến việc Ngài Khương Tăng Hội và Ngô Tôn Quyền như sau:“Năm thứ 4 niên hiệu Xích Ô thời Ngô Tôn Quyền, có Sa môn Khương Tăng Hội là người nước khác(Giao Chỉ)bắt đầu đến Trường Giang thiết lập kinh tượng làm nơi hành đạo. Người nước Ngô cho là chuyện lạ lùng mê hoặc lòng người. Bởi vì nghe tình trạng ấy,nên Ngô Tôn Quyền cho gọi Tăng Hội đến hỏi:“Phật có điềm linh thiêng gì?”Đáp rằng:“Dấu tích linh thiêng sâu xa của Đức Phật để lại Xá Lợi ứng hiện khắp nơi”. Tôn Quyển hỏi ở đâu? Đáp rằng: “Dấu tích của Đức Phật cảm ứng tất cả thì khi cầu khẩn có thể đạt được”. Tôn Quyền nói: “Nếu có được Xá Lợi thì sẽ cho xây dựng chùa tháp.”
 
Trải qua 21 ngày chí thành thỉnh cầu, liền có Xá Lợi trong bình, sáng sớm trình lên cho Tôn Quyền thấy, ánh sáng chiếu rọi tỏ cung điện. Tôn Quyền cầm bình đổ vào khay đồng, lập tức kêu loảng choảng. Tôn Quyền rất kinh sợ lạ lùng trước điềm lành hiếm có. Tăng Hội tiến đến nói rằng:“Xương cốt linh thiêng của Phật, như Kim Cang bất hoại, lửa đốt không cháy, chày cối giã lõm xuống, mà Xá Lợi không bị tổn hại gì, ánh sáng chiếu rọi khắp nơi làm lóa mắt người nhìn. Lại dùng lửa đốt thì ánh sáng vút lên cao thành đóa hoa sen to lớn. Tôn Quyền vô cùng tin phục, mới cho dựng ngôi chùa tên là Kiến Sơ, đổi địa danh cư trú gọi là xóm Phật Đà”.
 
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 54 trang 239a, kinh văn số 2126 và Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thuộc tập 199, bộ Sự Vựng 5, thuộc Đại Tống Tăng Sử Lược,quyển thượng cũng đã có đề cập đến việc chú thích Kinh Điển rằng:“Phía Nam có Ngài Khương Tăng Hội đầu tiên và phía Bắc có Ngài Chi Cung Minh”. Như vậy sau khi Ngô Tôn Quyền tin tưởng Phật Giáo cho dựng chùa và tiếp Tăng độ chúng thì Ngài Khương Tăng Hội bắt đầu dịch Kinh sách nhà Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán trong thời gian 33 năm Ngài ở Trung Quốc(247-280).
 
Trước khi Phật Giáo đến Trung Quốc thì tại đó đã có Khổng Giáo và Lão Giáo ngự trị cũng đã trên 600 đến 800 năm rồi. Do vậy các vị Đại Sư của Phật Giáo phải là những bậc tài ba lỗi lạc có tu chứng như các Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Pháp Lan và Ngài Khương Tăng Hội v.v… thì mới chinh phục được Vua Chúa  của Trung Hoa,mới khiếncó thể tin theo. Sau nầy thì có Ngài Đạo An và Ngài Huệ Viễn cũng là những bậc Thầy vĩ đại của đương xứ Trung Quốc,nên Lão Giáo và Khổng Giáo phải nhường bước qua tác phẩm nổi tiếng“Sa Môn Không Lễ Bái Quân Vương” của Ngài Huệ Viễn,đã làm cho các Đạo khác đương thời phải nể phục.
 
Trong hóa đồ thứ 48 nói rằng:“Thời nhà Thương, quan Thái Tể hỏi Khổng Tử rằng:“Phu Tử có phải là bậc Thánh không?”. Khổng Tử đáp:“Thánh thì Khâu tôi không dám,nhưng Khâu tôi thì học rộng biết nhiều vậy”. Thái Tể hỏi: “Tam Vương là bậc Thánh phải không?”. Khổng Tử đáp:“Tam Vương là những người khéo léo, trí tuệ mạnh mẽ, còn phải Thánh hay không thì Khâu tôi không biết”. Thái Tể hỏi:“Ngũ Đế có phải là bậc Thánh không?”. Khổng Tử đáp:“Ngũ Đế là những người khéo léo nhân nghĩa, còn có phải Thánh không thì Khâu tôi không biết”. Thái Tể hỏi:“Tam Hoàng có phải là những bậc Thánh không?”. Khổng Tử đáp:“Tam Hoàng là những người khéo léo, nhân thời, còn có phải là Thánh hay không thì Khâu tôi không biết”. Thái Tể lấy làm lạ hỏi:“Vậy ai là bậc Thánh ư?”. Khổng Tử nhíu mày giây lát nói:“Khâu tôi nghe người ở phương Tây có bậc Thánh không trị mà chẳng loạn, không nói mà tự tin, không giáo hóa mà tự thực hành. Rộng rãi thay! Chẳng thể gọi tên, Khâu tôi nghi đó là bậc Thánh”.
 
Lời của Khổng Tử vẫn còn đâu đó ở trong Đại Tạng Kinh hay trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Vì ngày ấy cách đây đã trên 2.500 năm lịch sử, các bậc Thánh chỉ có cảm nhận chứ chưa xác định được. Nhưng những sự linh ứng bên trên mà Khổng Khâu đã trả lời cho Thái Tể nghe thì đó chính là sự ra đời của Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và sau nầy tu hành, trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Đạo Phật. Đạo Phật đã đi vào lòng người từ Ấn Độ sang Trung Quốc và từ Giao Chỉ đến Nam Kinh. Tuy khác hướng,nhưng là những bậc Thiền gia thạch trụ đã mang Giáo Pháp truyền đến xứ người và kể từ đó tiếng tăm vang vọng của Đạo Phật đã ngự trị suốt mấy ngàn năm nay tại lục địa to lớn nầy, mà Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng đã góp phần không nhỏ vào giai đoạn đầu tiên khi Phật Giáo mới có mặt tại Trung Quốc ở vào những năm tháng đầu của thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch.
 
Như vậy chúng ta có thể tạm kết luận rằng Ngài Khương Tăng Hội chính là Sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam và vào giữa thế kỷ thứ 3(247) Ngài đã mang Phật Giáo từ Giao Châu sang truyền đạo cho người Trung Quốc, đã khiến cho Ngô Tôn Quyền phải ngưỡng mộ Xá Lợi của Đức Phật, cho xây tháp để thờ. Còn Hám Dịch được Ngô Tôn Quyền phong làm Thái Phó. Có nơi cũng cho biết là Hám Dịch đã quy y Tam Bảo với Ngài Khương Tăng Hội sau khi đã chứng kiến được việc Xá Lợi hiển linh. Đây là một niềm vinh dự và hãnh diện của Phật Giáo Việt Nam chúng ta. Vậy,đã là chư Tăng Nicũng như Phật tử,nên cố gắng nêu cao tinh thần tu học, hoằng pháp ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh thì Phật Giáo sẽ có chân đứng trong xã hội loài người, dầu cho chúng ta đi đến bất cứ phương trời nào trên thế gian nầy.
 

Viết xong vào ngày 27 tháng 12 năm 2020,tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
 


H.T Thích Như Điển gởi