Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
    Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh: Nghiệp Bay, Nghiệp Văn và Nghiệp Giáo
    
   
“Những người Việt ở thế hệ của tôi đã trải qua nhiều biến chuyển của đất nước nên ai cũng có nhiều thay đổi trong đời sống. Với tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ mình xuất thân là một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì tôi đã có mười bốn năm trong quân ngũ….
    
    “Với những người ngoại quốc mà tôi thường tiếp xúc ở khắp năm châu, họ biết đến tôi là một giáo sư môn khoa học hàng không và không gian tại đại học Michigan. Đó cũng là chức vụ vĩnh viễn khi tôi được đại học này phong tặng khi mãn nhiệm giáo dục vào năm 1999.”
    
    Đại tá Nguyễn Xuân Vinh
    
    ***
    
    “Trong nền văn học thế giới, kể cả Việt Nam, có những tác phẩm mà người đọc, sau khi bỏ sách xuống đã bâng khuâng tự hỏi phải chăng đây là việc thật xảy ra với những người thật. Đọc Les Miserables của Victor Hugo người ta như sống với những nhân vật trong truyện. Trong những tác phẩm thật chọn lọc của Tự Lực Văn Đoàn, khi đọc Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng ta cũng có thể nghĩ chú tiểu Lan là mẫu người có thực.
    
    “Theo tôi nghĩ thì nhà văn khi tạo dựng một tác phẩm, nếu tả đúng tâm lý của những nhân vật trong truyện và trong một khung cảnh hiện thực thì đó là bí quyết để thành công khi viết sách để cho người đọc như đang theo dõi một câu chuyện đời có thực. Trường hợp tôi viết “Đời phi công” cũng như vậy, tôi cố tạo ra những hình ảnh đẹp là mẫu mực của thanh niên ở thế hệ tôi. Nhiều thanh niên học sinh đọc sách đã thầm ước mình là người trong truyện.”
    
    Nhà văn Toàn Phong
    
    ***
    
    Hai trích dẫn ở trên đều là phát ngôn từ một người: Đại tá Nguyễn Xuân Vinh và nhà văn Toàn Phong (1).
    
    Sự nghiệp trong quân đội của ông chỉ kéo dài 14 năm, năm 1951 ông nhập ngũ khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Nam Định và ra trường với cấp bậc chuẩn úy. Cuối năm 1951, ông chuyển sang Không quân và đi du học tại Học viện Không quân ở Salon-de-Provence, Pháp. Đầu năm 1954, ông tốt nghiệp với bằng phi công 2 động cơ cùng với “thẻ trắng” (carte blanche) để bay trong sương mù theo đúng tiêu chuẩn của Không Quân Pháp.
    
    Suốt 14 năm trong quân ngũ, ông đã từng giữ chức vụ Tham mưu trưởng Không quân (1957) với cấp bậc Trung tá và sau đó là Tư lệnh Không quân với cấp bậc Đại tá năm 1958. Khi hai sĩ quan phi công là Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử điều khiển 2 chiếc khu trục cơ thả bom Dinh Độc lập năm 1962, ông bị liên đới trách nhiệm. Hậu quả là Tổng thống Ngô Đình Diệm cách chức Tư lệnh Không quân của ông.
    
    Đối với một quân nhân bình thường, 14 năm trong quân ngũ và giải ngũ với cấp bậc đại tá quả là một câu chuyện đáng để hãnh diện. Tuy nhiên, đối với ông Nguyễn Xuân Vinh, đó chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ.
    
    Ông đã chuyển từ binh nghiệp sang sự nghiệp khoa học khi bước vào tuổi 32 tại Hoa Kỳ với những thành tích mang tầm vóc quốc tế. Năm 1965, ông là người đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ về Khoa học Không gian tại Đại học Colorado. Ba năm sau, ông được làm Giảng sư (Associate Professor) tại Đại học Michigan. Năm 1972, ông được phong Giáo sư (Professor) tại Viện Đại học Michigan. Cũng trong năm này ông lấy tiếp bằng Tiến sĩ Quốc gia toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp.
    
    Duyệt toán dàn chào danh dự tại March AFB, California (1960)
    
    Năm 1982, ông là Giáo sư (Chair Professor) của ngành Toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University), Đài Loan. Hai năm sau, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là người Hoa Kỳ thứ ba (và cũng là người Châu Á đầu tiên) được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l'Air et de l'Espace). Đến năm 1986, ông trở thành Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).
    
    Yết kiến Tổng thống Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan (1961)
    
    Năm 1999, ông nghỉ hưu và được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự ngành Kỹ thuật Không gian (Professor Emeritus of Aerospace Engineering) vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục. Quả là một sự nghiệp lẫy lừng cả về binh nghiệp lẫn giáo dục của một con người “đa năng, đa hiệu”.
    
    Tiếp đón Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson tại Việt Nam (1961)
    
    Tôi có một bà cô họ, bút danh Hương Kiều Loan, đã có bài phỏng vấn giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, đăng trên báo Hồn Quê tại Hoa Kỳ, tháng 12 năm 2001. Theo tôi, bài phỏng vấn này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về ông. Bài “Phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh” của Hương Kiều Loan (HKL) mở đầu bằng câu hỏi:
    
    “Mới đây HKL được coi một CD Rom nói về giáo sư của Hội Khuyến Học ở Saint Louis trong đó có nói là giáo sư mang nặng ba nghiệp dĩ là Nghiệp Bay, Nghiệp Văn và Nghiệp Giáo. Vậy HKL xin bắt đầu hỏi là vì sao mà giáo sư lại chọn vào Không quân để vương lấy nghiệp bay?”  
    
    Ông cho biết mình thuộc lớp sinh viên đại học, được gọi động viên năm 1951 để theo học Khoá I, những Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định và Thủ Đức. Lúc đó ông đã học phần đầu của văn bằng cử nhân toán học và ước nguyện của ông là trở thành một nhà toán học vì Việt Nam có rất ít người trong ngành này. Lúc sắp ra trường ở Thủ Đức và biết là sẽ phải ở trong quân đội một thời gian vô định nên ông xin thi kỳ tuyển sinh viên theo học Trường Sĩ Quan Không Quân ở Salon de Provence bên Pháp để có dịp ra nước ngoài học hỏi thêm.
    
    Trong suốt 3 năm ở Pháp và Maroc (1952-1955) ngoài việc được đào tạo như một phi công, ông đã hoàn tất chương trình cử nhân toán ở Đại học Marseille và cũng có thêm văn bằng cao học để chuẩn bị thi tiến sĩ toán học. Ông giải thích:
    
    “Như tất cả những người cùng lứa tuổi, chúng tôi lớn lên ở trong thời loạn và sự học luôn luôn bị gián đoạn, không thể nào xếp đặt chương trình theo như ý của mình. Khi tôi thi xong chứng chỉ cao học về Hình học Cao cấp ở Đại Học Marseille là nơi gần Trường Không Quân ở Salon de Provence thì tôi được gửi đi Avord, thuộc hạt Cher, để hoàn tất phần phi huấn. Nơi đây chỉ cách Paris có hai giờ đi xe lửa nên tôi xin chuyển hồ sơ về Đại Học Paris để ghi danh học chương trình Tiến sĩ Quốc gia Toán học. Lúc đó là vào năm 1954. Năm sau đó tôi học xong chương trình sĩ quan phi công và phải trở về Việt Nam để phục vụ trong quân đội quốc gia. Phải đợi cho đến năm 1972 tôi mới có dịp trở lại Đại Học Paris để nộp luận án tiến sĩ quốc gia về môn toán học”. 
    
    Thăm Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương ở Honolulu (1962)
    
    Khi HKL hỏi về “nghiệp văn” với tác phẩm “Đời phi công” (2) đã một thời làm say mê những người trẻ, cả trai lẫn gái… nhà văn Toàn Phong tâm sự:
    
    “Đời phi công” là một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời. Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ, vào ngày thứ Hai, trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc. GS Văn Khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.
    
    “Giới trẻ thời đó hay đón đọc vì ai có một chút mơ mộng cũng có thể tưởng tượng được rằng nếu sau này trở thành phi công thì mình cũng có thể là người viết những bức thư tâm tình đầy thi vị như thế này.
    
    (hết trích)
    
    Tác phẩm “Đời phi công”
    
    “Đời phi công” nhận được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961. Vào đầu thập niên 60, đó là hiện tượng đặc biệt trong văn học khi một nhà văn trẻ như Toàn Phong được giải thưởng văn chương bên cạnh những nhà văn đàn anh đã thành danh từ nhiều năm trước như Vũ Khắc Khoan và Võ Phiến.
    
    Ngôn ngữ trong “Đời phi công” là một thứ ngôn ngữ gợi hình một cách lãng mạn. Ánh mắt của cô Phượng “trông như ánh pha-lê”, hành trình của người con trai thời chiến như “một chiếc lá vàng đã trót được thả trên giòng đời”, phi công được thi vị hóa như những “tráng sĩ” hay “hiệp sĩ không trung”…
    
    Tác giả còn gọi những bức thư cho người yêu là “giòng lá thắm”. Ngay ở Chương đầu mang tên “Đường đời muôn vạn nẻo”, người trai thời loạn trong “giòng lá thắm” đầu tiên đã viết:
    
    “Phượng,
    
    “Viết thư này anh đã ở xa em muôn vạn trùng dương. Anh mỉm cười khi đặt bút vì nghĩ rằng em vẫn thường chê cái tính thích giang hồ vặt của anh. Lần này thì anh đi hẳn, đi thật xa cho đến khi nào công thành anh mới trở về.
    …
    
    “Anh rời Sàigòn một sáng tinh sương, trời còn hơi mờ mờ tối. Vào dạo này Sài thành hay mưa, nước đêm hôm trước còn đọng từng vũng trên đường. Chiếc xe ca chở anh tới Tân Sơn Nhất chạy quanh co qua những phố vắng. Thỉnh thoảng một chiếc xích lô máy kêu ầm ĩ chạy ngược lại, hai ngọn đèn pha yếu ớt ánh vàng như những cặp mắt ngái ngủ, sau một đêm thức nhiều mệt nhọc. Tuy vậy tâm hồn anh thấy vô cùng sảng khoái, anh không thấy náo nức hớn hở như những khi sắp được đi xa của một thời thơ dại vì những ngày qua đã làm anh trở nên trầm tĩnh hơn.
    …
    
    “Bốn chiếc động cơ mở hết tốc lực của chiếc phi cơ cất cánh đã làm anh trong giây phút luyến tiếc quê hương, nhớ đến những người thân tình. Anh thấy nhớ Sàigòn quá, nhớ hơn cả Hà Nội. Có lẽ tại Sàigòn đã cho anh nếm hết tất cả mùi vị cay đắng của cuộc đời. Rồi anh nghĩ đến em, đến Hà Nội. Lúc này chắc em đã bắt đầu sửa soạn đi học.
    
    (hết trích)
    
    Cất cánh từ Sài Gòn, máy bay lần lượt ghé các thành phố Calcutta, Karachi, Beirut, La Mã và cuối cùng hạ cánh ở Ba Lê. Toàn Phong viết cho Phượng:
    
    “Anh tới kinh thành ánh sáng một buổi chiều mùa thu lá vàng rơi đầy đường sau khi đã lênh đênh trên mây trời hơn 30 tiếng đồng hồ. Chắc em không thể tưởng tượng được rằng rồi đây cuộc đời của anh sẽ lênh đênh như thế mãi.
    
    “Lúc anh bước chân xuống Karachi để máy bay lấy xăng, người phi công thuyền trưởng lại gần anh xin lửa châm thuốc hút có hỏi:
    -- Tôi xem phiếu lý lịch hành khách thấy đề tên ông sang Pháp học lái máy bay?
    
    “Anh gật đầu, người ấy nói tiếp:
    -- Rồi ông sẽ thấy bay là một cái nghiệp. Mắc vào rồi nó sẽ vướng lấy mãi.
    
    “Câu nói ấy làm anh trầm ngâm suy nghĩ. Máy bay cất cánh ở Karachi vào 9 giờ đêm để tới Beyrouth vào mờ sáng. Anh ngồi trong ghế dựa lắng nghe phi cơ từ từ lên cao chìm trong đêm tối. Qua khung kính bên cạnh muôn vàn vì sao lấp lánh làm anh có cảm tưởng rằng mình đang tan dần trong vũ trụ mờ ảo.
    
    (hết trích)
    
    Nhà văn Hương Kiều Loan (Hình chụp tại Đà Lạt, 1965)
    
    Ông anh lớn của tôi cũng là một trong những thanh niên “bị mê hoặc” vì tác phẩm “Đời phi công” (3). Học hết tú tài anh gia nhập Không quân chứ không muốn là sinh viên trên giảng đường. Chỉ tiếc một điều, ngày đó thi tuyển vào ngành phi hành rất nghiêm ngặt, anh tuy cao lớn như một lực sĩ, sức khỏe có thừa nhưng lại trượt khi khám mắt nên đành phải theo ngành “không phi hành”. Quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn ở phi trường bên những chiếc máy radar theo dõi bạn bè “tung mây lướt gió” qua… màn ảnh nhỏ!
    
    Đến lứa chúng tôi, nhiều bạn học đã vào Không quân từ cuối thập niên 60. Bạn chọn nghiệp bay sớm nhất lái Skyraider, kế tiếp có người lái C-47, A-37 sau này, khi chiến tranh leo thang, đa số lái trực thăng.
    
    “Đời phi công” và Cô Phượng
    
    Phi công vốn nổi tiếng “hào hoa” nhưng tôi nghĩ “Đời phi công” của nhà văn Toàn Phong, không ít thì nhiều, có những tác động đến lý tưởng của thế hệ trẻ thời đó. Thế cho nên, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã từng là “thần tượng” của lớp thanh niên thời chiến.
    
    Cuộc đời của ông gắn liền với 3 cái “nghiệp”: Nghiệp Bay, Nghiệp Văn và Nghiệp Giáo. Điều quan trọng hơn cả là “nghiệp” nào cũng bay cao, bay xa và bay mãi trong lòng người hâm mộ.
    
    
______________

    
Đỗ Hứng gởi