Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



Toàn văn bức thư của TT Trump gửi Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus



Toàn văn bức thư của TT Trump gửi Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, TGĐ WHO, cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vĩnh viễn


thumbnail (17)


Ngày 18/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một bức thư cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, ông cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ ngừng tài trợ vĩnh viễn cho WHO nếu tổ chức này không cam kết “cải thiện đáng kể” trong 30 ngày tới, hơn nữa Hoa Kỳ sẽ xem xét lại tư cách thành viên của mình trong tổ chức này. Dưới đây là nguyên văn của bức thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

thumbnail (18)


 

Kính gửi: Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng Giám Đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO

Geneva, Thụy Sỹ

Thưa ông Tedros,


Ngày 14/4/2020, tôi đã quyết định ngừng tài trợ của Hoa Kỳ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO để tiến hành điều tra về những sai lầm của WHO trong vấn đề ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19. Cuộc điều tra này đã khẳng định rất nhiều những quan ngại nghiêm trọng mà tôi đưa ra vào tháng Tư và cũng xác định được nhiều vấn đề khác chắc chắn liên đới tới WHO. Đặc biệt là vấn đề WHO hoàn toàn phụ thuộc vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Dưới đây là những gì kết quả điều tra của chúng tôi khẳng định:
 

·         WHO đã làm ngơ một cách có hệ thống trước những báo cáo đáng tin cậy về tình trạng lây lan của virus Corona từ đầu tháng 12/2019 và thậm chí cả báo cáo của tạp chí Y khoa Lancet Medical trước đó. Mặc dù rõ ràng là tin tức của chính quyền Trung Quốc có rất nhiều mâu thuẫn, nhưng WHO không hề tiến hành điều tra, thậm chí cả những tin tức từ chính quyền tỉnh Vũ Hán.
 

·         Trước ngày 30/12/2019, văn phòng của WHO tại Bắc Kinh đã biết đang tồn tại “một quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng” tại Vũ Hán. Trong thời gian từ ngày 26/12/2019 đến ngày 30/12/2019, dựa trên dữ liệu của hồ sơ bệnh nhân được gửi đến hàng loạt các công ty nghiên cứu gen, truyền thông của Trung Quốc đã nhấn mạnh bằng chứng về sự xuất hiện của một chủng virus mới tại Vũ Hán. Hơn nữa, trong thời gian này, bác sĩ Zhang Jixian [Trương Kế Tiên] của Bệnh viện Đông Tây y Tỉnh Hồ Bắc đã thông báo cho các nhà chức trách Y tế về một chủng virus Corona mới đã gây ra một căn bệnh mới và đã lây nhiễm cho khoảng 180 bệnh nhân. 
 

·         Ngày 31/12, các nhà chức trách Đài Loan đã thông báo với WHO rằng có một chủng virus Corona mới có thể lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, WHO đã giữ im lặng và không hề thông báo những thông tin quan trọng này cho thế giới, có lẽ là vì lý do chính trị.
 

·         Theo Nguyên tắc Y tế Thế giới (IHR), trong vòng 24 giờ đồng hồ, các quốc gia phải có trách nhiệm thông báo về nguy cơ của tình trạng y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, trước ngày 31/12, Trung Quốc đã không hề thông báo với WHO về tình trạng một số ca nhiễm trùng phổi ở Vũ Hán không rõ nguyên nhân, mặc dù họ đã biết về những ca bệnh này từ nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước.
 

·         Bác sĩ Zhang Yongzhen [Trương Vĩnh Chấn] từ Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải cho biết, vào ngày 5/1/2020, ông đã tìm ra trình tự bộ gen của virus và đã báo cáo cho các nhà chức trách y tế. Tuy nhiên, 6 ngày trôi qua mà chính quyền không hề công bố phát hiện của ông. Ngày 11/1/2020, [sau 6 ngày], bác sĩ Zhang đã tự thông báo lên mạng phát hiện của mình. Ngay ngày hôm sau, chính quyền đã đóng cửa phòng thí nghiệm của ông với ly do để “sửa chữa”. Ngay cả WHO cũng thừa nhận rằng việc bác sĩ Zhang đưa thông tin lên mạng “là một hành động rất minh bạch”. Thế nhưng WHO lại hoàn toàn im lặng trước việc chính quyền đóng cửa phòng thí nghiệm của ông Zhang, và trước việc ông khẳng định rằng ông đã thông báo cho chính quyền về phát hiện của mình từ 6 ngày trước đó. 
 

·         WHO thường xuyên công bố thông tin không chính xác hoặc sai lệch.
 

·         Ngày 14/1/2020, WHO lại một lần nữa xác nhận thông tin lừa đảo rằng virus không lây truyền giữa người với người, với tuyên bố: “Điều tra sơ bộ của các nhà chức trách Trung Quốc cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về việc virus Corona chủng mới (2019-nCov) lây truyền giữa người với người ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuyên bố này của WHO hoàn toàn trái ngược với những báo cáo đã bị kiểm duyệt trước đó ở Vũ Hán.
 

·         Ngày 21/1/2020, ông đã bị ông Tập Cận Bình gây áp lực để không công bố tình trạng khẩn cấp đối với sự bùng phát của virus Corona. Ông đã chấp nhận điều này. Đến ngày hôm sau, ông thông báo với thế giới rằng tình hình virus Corona không phải là “Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng Toàn cầu”. Nhưng sau đó chỉ 1 tuần, vào ngày 30/1/2020, trước các bằng chứng quá rõ ràng, ông đã phải đưa ra tuyên bố ngược lại. 
 

·         Ngày 28/1/2020, sau khi sang Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập, đáng lẽ phải lên tiếng về việc chính quyền Trung Quốc “diệt khẩu” hoặc trừng phạt một số bác sĩ đã cảnh báo về dịch bệnh cho công chúng và cấm các viện nghiên cứu công bố thông tin về virus, ông lại khen ngợi chính phủ Trung Quốc “minh bạch” về tình hình dịch bệnh virus Corona cũng như tuyên bố rằng Trung Quốc đã đưa ra “chuẩn mực mới để kiểm soát sự bùng phát của virus” và “Trung Quốc đã kìm hãm dịch bệnh cho thế giới”. 
 

·         Thậm chí ngay cả sau khi tuyên bố quá chậm trễ về “Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Toàn cầu” vào ngày 30/1/2020, ông cũng không hề thúc đẩy Trung Quốc kịp thời cho phép đoàn chuyên gia của WHO tới khảo sát thực tế. Điều này dẫn đến việc họ phải chờ đợi hai tuần. Đến ngày 16/2/2019, đoàn chuyên gia của WHO mới được vào Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã phải trì hoãn đến những ngày cuối của chuyến đi mới được phép tới Vũ Hán. Thật lạ lùng là WHO hoàn toàn không lên tiếng khi Trung Quốc từ chối cho phép hai bác sĩ của Hoa Kỳ trong đoàn chuyên gia của WHO được vào Vũ Hán.
 

·         Ông đã rất khen ngợi lệnh hạn chế [hoặc cấm] di chuyển nghiêm ngặt trong nước của Trung Quốc, nhưng ông lại phản đối khi tôi ra lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch từ Trung Quốc. Tôi đã vẫn áp dụng chế tài này mặc dù ông không muốn tôi làm như vậy với Trung Quốc. Chiêu trò chính trị này của ông đã đem đến nguy hiểm cho bao nhiêu quốc gia khi họ dựa vào thông tin của ông để ứng phó với tình hình.
 

·         Vào ngày 03/2/2020, Trung Quốc đã liên tục thúc ép các nước khác phải gỡ bỏ hoặc cho dừng các lệnh giới hạn đi lại. Chiến dịch gây sức ép này càng được củng cố bởi tuyên bố không chính xác của ông vào ngày hôm đó, trong đó khẳng định sự lây lan của chủng virus này bên ngoài Trung Quốc đại lục vẫn còn “ít và chậm”, và rằng “khả năng [chủng virus này] có thể lan truyền ra bất kỳ đâu ngoài Trung Quốc vẫn rất thấp”. 
 

·         Vào ngày 03/3/2020, WHO đã trích dẫn số liệu từ giới chức Trung Quốc để khỏa lấp nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng của nguồn lây nhiễm từ bệnh nhân không triệu chứng, nói với thế giới rằng “COVID-19 không truyền nhiễm nhanh bằng bệnh cúm” và khác với cảm cúm thông thường, chứng bệnh này không bị lây nhiễm chính từ nguồn bệnh là “những người nhiễm bệnh nhưng chưa bị ốm”. WHO nói với thế giới rằng, các bằng chứng của Trung Quốc “cho thấy rằng chỉ có 1% trong tổng số các ca bệnh được báo cáo là những ca nhiễm không triệu chứng, vào hầu hết các trường hợp này đều có biểu hiện các triệu chứng trong 2 ngày tiếp theo”. Tuy nhiên, trích dẫn các nguồn dữ liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi khác, rất nhiều chuyên gia đã cực lực nghi ngờ những khẳng định này. Tới nay đã có thể thấy rõ những lời quả quyết của Trung Quốc, được WHO giới lặp lại, là hoàn toàn thiếu chính xác. 
 

·         Tới khi ông chịu công bố chủng virus này là một đại dịch vào ngày 11/3/2020, căn bệnh này đã giết chết hơn 4.000 người và lây nhiễm tới hơn 100.000 người tại ít nhất 114 quốc gia trên thế giới. 
 

·         Vào ngày 11/4/2020, các Đại sứ quán của nhiều nước châu Phi đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề các công dân châu Phi bị phân biệt đối xử do có liên quan tới tình hình đại dịch ở Quảng Châu và các thành phố khác tại Trung Quốc. Ông biết rõ rằng giới chức Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch cưỡng chế phong tỏa, trục xuất và từ chối cung cấp dịch vụ đối với những người mang quốc tịch của các quốc gia này. Ông không hề có bất kỳ bình luận nào về những hành động phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với lời phàn nàn có cơ sở đầy đủ của Đài Loan về việc ông đã không xử lý tốt đại dịch, ông lại gọi đó là phân biệt chủng tộc mà không có bất kỳ căn cứ nào. 
 

·         Xuyên suốt cuộc khủng hoảng này, WHO đã rất kiên trì một cách khó hiểu khi dành hết lời ca ngợi sự “minh bạch” đáng quan ngại của Trung Quốc. Ông đã rất nhất quán tham gia vào những lần vinh danh này, dù cho Trung Quốc đã làm mọi thứ ngoại trừ minh bạch. Ví dụ vào hồi đầu tháng Một, Trung Quốc đã yêu cầu tiêu hủy các mẫu xét nghiệm virus, ngăn trở thế giới tiếp cận tới những thông tin trọng yếu. Thậm chí ngay lúc này, Trung Quốc vẫn tiếp tục phá bỏ các Quy định Y tế Quốc tế, bằng cách từ chối chia sẻ các dữ liệu, mẫu xét nghiệm virus và các trường hợp cách ly một cách chính xác và kịp thời, đồng thời che đậy các thông tin quan trọng về chủng virus này và nguồn gốc của nó. Và, cho đến hôm nay, Trung Quốc vẫn từ chối cấp quyền truy cập cho thế giới tiếp cận các nhà khoa học và các cơ sở liên quan [tới đại dịch] của mình, trong khi ngang nhiên tung tin đổ lỗi trên diện rộng và kiểm duyệt chính các chuyên gia của mình. 
 

·         WHO đã thất bại trong việc công khai yêu cầu Trung Quốc tiếp nhận một cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu về nguồn gốc của chủng virus này, mặc dù chính Ủy ban Khẩn cấp của tổ chức này gần đây đã đưa ra lời xác nhận sẽ thực hiện [cuộc điều tra độc lập]. Sự thất bại này của WHO đã thúc đẩy các quốc gia thành viên của tổ chức này áp dụng Giải pháp “Ứng phó COVID-19” trong Hội nghị năm nay của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ và rất nhiều quốc gia khác, về việc thực hiện một cuộc đánh giá toàn diện, độc lập không phụ thuộc về cách thức WHO xử lý cuộc khủng hoảng. Giải pháp này đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của chủng virus, vốn là điều tất yếu giúp thế giới hiểu được cách thức tốt nhất để chống lại dịch bệnh. 
 

Có lẽ, điều tồi tệ nhất trong số những thất bại kể trên là việc chúng ta biết rõ WHO đã có thể làm tốt hơn thế rất nhiều. Chỉ vài năm trước đây, dưới dự lãnh đạo của một vị Tổng Giám đốc khác, Tổ chức Y tế Thế giới đã cho thế giới thấy họ có thể làm những gì. Trong năm 2003, trong công cuộc chống lại đại dịch Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS) tại Trung Quốc, Tổng Giám đốc lúc bấy giờ là bà Harlem Brundtland đã mạnh dạn tuyên bố khuyến nghị khẩn cấp về việc đi lại đầu tiên của WHO trong vòng 55 năm, khuyến cáo chống lại việc di chuyển qua lại giữa khu vực tâm chấn của vụ dịch nằm ở phía nam Trung Quốc. Bà cũng không ngần ngại lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đẩy sức khỏe của toàn thế giới vào hiểm cảnh bằng việc cố ý che đậy sự bùng phát của dịch bệnh thông qua các phương thức của chính quyền này như bắt giữ những “người thổi còi” (người tiên phong tố cáo/ công bố thông tin) và kiểm duyệt các phương tiện truyền thông. Rất nhiều sinh mạng đã có thể được cứu nếu ông cũng noi theo tấm gương của bác sĩ Brundtland. 
 

Có thể thấy rõ ràng những quyết định sai lầm của ông và tổ chức của ông trong công tác ứng phó với đại dịch đã khiến thế giới phải trả giá quá đắt. Hướng đi duy nhất lúc này dành cho WHO là phải chứng minh tổ chức này có thể tách biệt độc lập khỏi Trung Quốc. Chính quyền của tôi đã bắt đầu các cuộc thảo luận với ông về việc tái cơ cấu tổ chức này. Nhưng hành động phải được thực hiện nhanh chóng. Chúng ta không thể tốn thêm thời gian hơn nữa. Đó là lý do vì sao đây là nhiệm vụ của tôi, với tư cách là Tổng thống của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, thông báo tới ông rằng, nếu Tổ chức Y tế Thế giới không cam kết sẽ có những cải thiện đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ thực hiện việc đóng băng vĩnh viễn đối với các khoản tài trợ của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ dành cho WHO và cân nhắc về tư cách thành viên của quốc gia chúng tôi trong tổ chức này. Tôi không thể để những đồng tiền đóng thuế của người dân Hoa Kỳ tiếp tục là nguồn hỗ trợ tài chính cho một tổ chức mà, trong tình hình hiện tại, rõ ràng không hề phục vụ cho lợi ích của người dân Hoa Kỳ. 

 

Trân trọng, 
 

Donald Trump

 

EYWTnTSXYAIqldc

EYWTnTRXsAAi5Q7

EYWTnTUXkAA-khY