Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Tôi là… người khác
 


KENNEDALE, Texas (NV) – Tất cả những di dân từ mọi phương trời, khi đến Mỹ, đều lần lượt được đổ vào cái được gọi là “The Melting Pot,” một nồi nấu hỗn hợp để, sau một thời gian “đun sôi,” trở thành một công dân mới.
 
 
 
“Trong nhà, từ bức tranh treo tường đến món ăn cất trong tủ; từ băng nhạc giải trí cho đến sách, báo, cái gì cũng Việt Nam, Việt Nam.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
 
Nhóm chữ “The Melting Pot,” xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ 18, là ẩn dụ ám chỉ những thành phần khác nhau “hòa tan vào nhau” (melting together) trong một toàn thể hòa hợp (harmonious whole). Nhưng mãi đến đầu thế kỷ thứ 20, ẩn dụ này mới được sử dụng một cách phổ biến để diễn tả ý niệm đó (hòa tan văn hóa và chủng tộc) trong một vở kịch có cùng tên do Israel Zangwill (1864-1926) sáng tác và được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1908 ở New York.
 
Dựa trên câu chuyện tình Romeo và Juliet của William Shakespeare, vở kịch kể mối tình trắc trở của một di dân Do Thái từ Nga với một cô gái Nga theo Chính Thống Giáo Hy Lạp. Họ vượt qua những trở ngại về chủng tộc và tôn giáo để cuối cùng được sống hạnh phúc với nhau. Vì thế, theo tác giả, “Hoa Kỳ là Thử Thách của Thượng Đế, cái Nồi Nấu Tan Chảy vĩ đại, nơi mà tất cả những chủng tộc của Âu Châu tan chảy ra và kết hợp lại” (America is God’s Crucible, the great Melting-Pot where all the races of Europe are melting and re-forming).
Trong câu trích dẫn này, tác giả chỉ đề cập đến người đến từ Âu Châu. Sở dĩ thế là vì, tác phẩm được viết ra vào đầu thế kỷ thứ 20, thời điểm mà dân Hoa Kỳ đang có sự kỳ thị chống lại các sắc dân Phi Châu và Á Châu, hơn nữa, vốn là người Do Thái gốc Anh, nên không lạ gì, Israel Zangwill chỉ đề cập đến sự hội nhập của người Âu Châu da trắng. Tuy nhiên về sau này, khi Hoa Kỳ mở cửa tiếp nhận di dân từ khắp nơi trên thế giới, “Melting Pot” được dùng để chỉ sự hội nhập của mọi sắc dân. Zangwill kết luận vở kịch bằng cách mong muốn, “Hòa bình, hòa bình cho tất cả hàng triệu đứa trẻ sẽ được sinh ra, mà số phận của chúng là trám đầy lục địa vĩ đại này.”
 
Từ đó, về phương diện lịch sử, “The Melting Pot” có nghĩa là sự đồng hóa của người di dân vào Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, hoặc về chủng tộc (hôn nhân hợp chủng) hoặc về văn hóa. Trong lúc sự hợp chủng thường không mấy phổ biến, nên hầu như ý niệm này được hiểu chủ yếu là sự đồng hóa về mặt văn hóa (cultural assimilation). Di dân, một khi đã đến Mỹ, sẽ mất đi hoặc bị yếu đi căn cước tôn giáo và văn hóa riêng của họ để hội nhập vào văn hóa Mỹ.
 
Tóm lại, dù hình ảnh cái nồi nấu như được minh họa trong tấm tranh quảng cáo kèm theo bài viết này trông có vẻ “dễ sợ,” thực ra, “The Melting Pot” cho ta một cái nhìn lạc quan về chuyện hội nhập.
 
Thế nên, là di dân, cũng như mọi người, ngay lúc vừa đến Mỹ, tôi hăng hái và thích thú tự lùa mình vào “the Melting Pot” để được trộn chung với mọi người, với hy vọng nhanh chóng hội nhập, hay nói cho có vẻ triết lý một chút, hóa thân thành một người… Mỹ. Nghĩa là Americanize, biến thành Mỹ. Là không còn Việt Nam nữa (!) Nói tiếng Mỹ, làm như Mỹ, ăn, chơi kiểu Mỹ, tiêu tiền kiểu Mỹ, lịch sự kiểu Mỹ, tóm lại  đi, đứng, nằm, ngồi vân vân và vân vân đều y như Mỹ.
 
Hồi trước khi còn ở Việt Nam, dù thân Mỹ, thích Mỹ đến mấy, mà nói như thế là xúc phạm. Nhưng qua đây rồi, nói như thế lại nghe khác hẳn, là văn minh, là phải đạo. Ấy thế mà, rồi có lúc, nói thật, bỗng như có cái gì làm khựng lại. Mọi điều không dễ dàng và đơn giản như mình tưởng. Trong quá trình hóa thân, dường như ai cũng chịu một phản động lực: chống cự lại sự hóa thân. Nói cho hình tượng một chút, dù vui thích được nằm chen chúc nhau trong “the melting pot,” dường như ai cũng, ít hay nhiều, cố vùng vẫy ngoi ra ngoài để khỏi… ngột! Có khi, còn muốn nhảy luôn ra khỏi cái “melting pot.”
 
Đó là song quan luận của người di dân, ngay cả đối với những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Chả thế mà tôi, thế hệ di dân thứ nhất, phải sống trong hai thế giới. Với một đầu óc ăm ắp tiếng Việt, tôi nói tiếng Anh như người ngọng, broken English, hay đúng hơn là Vietnaminglish; với một tâm hồn ngập tràn kỷ niệm Việt Nam của hai phần ba đời người và với một hoài vọng được trở về quê hương Việt Nam.
 
Tôi lại tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ và làm đêm làm ngày để nuôi sống mình và phục vụ nước Mỹ. Lắm khi quên bẵng cả chuyện về. Quả là nghịch lý. Trong nhà, từ bức tranh treo tường đến món ăn cất trong tủ; từ băng nhạc giải trí cho đến sách, báo, cái gì cũng Việt Nam, Việt Nam. Nhưng ra ngoài đường, bất cứ ở đâu, ngay cả ở nơi có vẻ Việt Nam nhất là Little Sài Gòn, vẫn là một thế giới đầy Mỹ. Diễn hành Tết trên đường Bolsa chẳng hạn, trong cái không gian đầy cả Mỹ, vẫn đậm đà mùi vị Việt Nam và ngược lại, trong lúc cố sức bày tỏ truyền thống Việt Nam, diễn hành Tết vẫn hao hao không khí Hoa Kỳ. Chưa kể đến các tượng danh nhân Việt được dựng nhiều nơi trên đất Mỹ, lại để nhắc cho con cháu nhớ đến những anh hùng dân tộc…Việt Nam.
 
Cái song quan luận đó chi phối quan hệ cha mẹ-con cái trong gia đình. Tôi ca ngợi nước Mỹ, văn minh Mỹ, trường học Mỹ, thúc đẩy chúng trở thành những người Mỹ thực thụ trong dòng chính, nhưng đồng thời vẫn bó buộc chúng theo những phong tục Việt Nam, vẫn răn dạy chúng y như thể đang ở Việt Nam.
 
Trường dạy cho con cái tôi những Washington, Columbus, Lincoln, Kennedy, nội chiến Nam Bắc…, tôi lại dạy cho chúng về Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ… Một mặt, thích chúng thành tài trên đất Mỹ, nhưng mặt khác, vẫn muốn giữ truyền thống Việt Nam và không muốn chúng kết hôn với người Mỹ (trắng) hay với người của các sắc tộc khác. Từ chối sự hợp chủng lắm khi trở thành một nỗi sợ hãi: sợ con lấy Mỹ. Chẳng những thế, còn sợ con nhiễm nếp sống luông tuồng, tự do của văn hóa Mỹ, đâm ra lai căng, mất gốc (!) Đúng là tiến thối lưỡng nan!
 
 
 
Tranh quảng cáo vở kịch “The Melting Pot” năm 1908. (Hình: wikipedia.org)
Thực ra, chẳng trách gì và trách ai. Đó là nét rất chung của mọi di dân. Michael Walzer, trong bài viết có tựa đề “What Does It Mean to Be an ‘American?’” cho rằng, “người Mỹ” nói chung, không bao giờ nói về đất nước (Mỹ) của họ như là một tổ quốc. Những người di dân, dù biết ơn xứ sở Mỹ đến đâu đi nữa, cũng không bao giờ quên nơi chốn cũ. Con cái họ, cũng thế, biết rằng gốc gác của chúng là ở một nơi khác. Bởi vậy, theo ông, “Không còn nghi ngờ gì nữa, con cái họ, tuy sinh trưởng ở đây, một số cảm giác ngượng ngịu với cái mới ở đây hoặc với cái cũ xa xôi, đã khiến họ cố cưỡng chống lại việc gọi đất nước này là quê hương” (They, no doubt, are native grown, but some awkward sense of newness here, or of distant oldness, keeps the tongue from calling this land “home”).
 
Nhận xét đó, theo tôi, khá chính xác. Với bản thân tôi, nỗ lực hội nhập lại kéo theo nỗ lực chống-hội-nhập. Sự mâu thuẫn nhau đó không chỉ diễn ra một lúc nào đó, ở một thời điểm nào đó, mà tràn đầy trong đời sống hằng ngày. Từ miếng ăn, cách mặc cho đến sự suy nghĩ. Vì thế, tuy đã ở khá lâu trên đất Mỹ, mà tôi vẫn sống trong cảm giác tạm dung, kể cả những lúc hãnh diện đặt tay lên ngực khi chào cờ Mỹ. Và được trở về Việt Nam vẫn là giấc mơ nóng bỏng trong tâm hồn.
 
Nhưng…
 
Về Việt Nam, những tưởng là nơi tôi có thể sống lại toàn diện căn tính Việt của mình. Hóa ra là không. Sau gần 20 năm chen chúc trong cái “nồi tan chảy,” khi về lại thăm quê, sau những xúc động ban đầu, tôi cảm thấy có cái gì dửng dưng nơi cỏ cây, thành quách, đường sá. Bầu trời, áng mây, chừng như cũng nhuốm vẻ thờ ơ. Mà dường như tôi cũng vậy.
 
“trở về, tôi, chốn cũ
quê hương ơi quê hương
trăng bạc lòng không tỏ
tôi bạc lòng, nìn thinh”
 
Bà con, bạn bè, tôi thấy khác. Họ cũng nhìn tôi khác. Giữa lòng quê hương, tôi trở thành kẻ khác. Không những thế, thành người lạ. Chúng tôi đều lạ lẫn nhau! Trong xác thân một người Việt đã ghi lên dấu ấn của một phong cách sống khác Việt Nam; tôi đã mang theo ít, nhiều những nét… Mỹ.
 
Hóa ra, vì đã được nấu – cách này hay cách khác – trong cái “The Melting Pot” mà tôi đã bị chuyển hóa, Việt mà vẫn không phải là Việt. Còn công an Cộng Sản thì có lẽ xem tôi là “người khác” đến hai lần: một, tôi là người của chế độ cũ và hai, tôi ở nước Mỹ về. Và cả hai loại người đều không phải là người Việt (theo cách hiểu của họ). Trong không khí và cảm thức đó, trở về quê cũ, mà lòng lại mang mang một cảm giác lạ lùng: quê người. Là chốn tạm dung.
 
Trời ơi, tôi có đến… hai chốn tạm dung!
 
Trong một viết trước đây trên đài VOA, tản mạn chuyện đi/về giữa Việt Nam và Mỹ, tôi có viết: “Về (Việt Nam). Rồi lại đi (Mỹ). Sau hàng chục tiếng trên máy bay, khi đáp xuống phi trường Houston, tôi cảm thấy mình vừa VỀ NHÀ. Và yên tâm. Ô hay! Sao lại VỀ? Sao lại NHÀ? Tôi đã chẳng vừa VỀ thăm NHÀ ở Việt Nam sao! Đi, về, về, đi. Rốt cuộc, tôi treo tôi giữa hai sợi đi/về. Lơ lửng.”
 
Đó là một thứ biện chứng: biện chứng đi/về. Mà cũng là biện chứng hội nhập/chống hội nhập. Hai mươi lăm năm sau ngày chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ, bây giờ tôi mang hai quê hương, tôi đứng dạng chân giữa hai nền văn hóa, tôi đi dây giữa hai truyền thống.
 
Mới đây, tôi đọc một bài viết rất cảm động và rất sống thực của một đứa con lai trên tờ Người Việt: “Tôi lớn lên không giống những đứa trẻ chung quanh. Bởi tôi là một đứa con lai. Do má tôi chửa hoang (với một anh lính trẻ Mỹ) mà có” (Minh Minh). Và cảm thấy, tôi cũng là một người… lai, lai văn hóa, hybrid culture. Thì lai nào cũng là lai. Tôi là một công dân lai.
 
 
 
Diễn hành Tết trên đường Bolsa, trong cái không gian đầy cả Mỹ, vẫn đậm đà mùi vị Việt Nam. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
 
Ngày rời đất nước ra đi, tôi có ghi lại cảm xúc của mình trong một ca khúc với đoạn cuối khá nỗi niềm:
 
“Tôi đã đi nhưng vẫn mong
Mong một ngày đất nước tự do
Khắp phố phường anh em hội ngộ
Người gặp người ca khúc trùng tu.”
 
Mong ước tôi vẫn còn như cũ. Nhưng nếu có ai đó hỏi tôi: Nếu chế độ Cộng Sản bỗng nhiên sụp đổ, và đất nước trở nên tự do, dân chủ, bạn có sẵn sàng trở về để làm một người Việt Nam như cũ hay không?
 
Tôi bùi ngùi, không biết trả lời làm sao.
 
Chao ôi, thưa bạn, phải chăng tôi đã là một… người khác mất rồi!
 
 
 
Trần Doãn Nho
 
 
Đỗ Hứng gởi