Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
TÔI NGHI TÔI NHIỄM CÔ VI
 

 
 

Ngày 1 và 2, bắt đầu từ 2 tháng 4, 2020. 

Cô Vi là Coronavirus. Nhiều người gọi vậy, tôi dùng theo cho tiện. Muốn viết “Coronavirus”, tôi phải bấm nút tắt chữ Việt, nếu không, máy sẽ tra thêm dấu tùm lum. Bấm tắt, viết xong, quên bấm mở, thì chữ nghĩa lại dồn đống. Sửa xong, bực mình, chia trí, văn mạch gián đoạn, ý tứ trốn hết, lại phải lắng tâm, suy nghĩ để tìm lại. 

Tôi thuộc nam giới (nếu ai chưa biết), năm nay 69 tuổi tây, 70 tuổi ta, đi vào lứa tuổi chịu thiệt hại nặng khi nhiễm Cô Vi vì sức đề kháng của cơ thể đã mỏn. Tôi chích ngừa cúm mùa hàng năm suốt 30 năm nay và chưa hề bị cúm lần nào; cảm nắng, cảm lạnh, viêm cuống phổi thì vài ba năm bị một lần, chỉ cần nghỉ ngơi, uống thêm sinh tố C và thuốc cảm ngày/đêm mua ở Costco là dứt  trong năm ba ngày, mất dịp nhõng nhẽo với người thân. Cũng chính vì đã chích ngừa cúm nên khi thấy mình có dấu hiệu giống như cúm, tôi nghi Cô Vi. 

Tôi viết bài này, một mặt để tự theo dõi bệnh tình, khi chưa có gì nhiều, tránh khua động y giới đang dồn sức chống dịch, mặt khác đăng lên để có dịp học hỏi thêm từ những điều được bạn bè góp ý. Tôi cũng muốn theo dõi khả năng viết lách của mình, vì còn viết là còn sống, dù làm thơ hay …chửi bới lăng nhăng. 

Xin nhớ rằng tôi không thuộc y giới, cũng không làm việc trong ngành khoa học. Bài này chỉ để đọc để giải khuây. Giả như thấy có chỗ nào “coi bộ hay hay” hay “có thể áp dụng được”, xin quí bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mạo hiểm...

Tôi không thích đùa với CoViD-19 như một cô nhỏ 19 tuổi, vì nó không phải là “cô” mà là “cụ”, không phải 2019 mà là 1918. Cụ sinh năm 1918, tên khoa học là H1N1. Cụ biến thái nhiều lần, nhiều thể, tấn công loài người rất nhiều lần qua nhiều dạng khác nhau của cúm. Trận đầu tiên, người ta gọi cụ là cúm Tây Ban Nha, đã gây nhiễm cho 500 triệu người, sát hại ít nhất 17 triệu trên dân toàn cầu. Bây giờ tên cúng …thây của cụ là A-H1N1. 





Từ khi Cô Vi khởi sự tấn công loài người trong đợt gần nhất, tôi tăng sưởi nhà từ 23 độ C lên 25 độ C và dùng máy cung cấp hơi ẩm trong nhà (độ ẩm 50). May mà bà xã thích nóng để mặc mát hơn là ủ cả tấn áo len quần nỉ bí tất dày, nên chẳng những không phản đối mà còn thích, nhờ vậy nên “chính sự” không bị “phiền hà”! 

Chúng tôi chỉ ra ngoài khi thật cần mua thực phẩm, thuốc men, bắt đầu mang khẩu trang, dù rất hiếm thấy ai mang. Chúng tôi tránh các phòng vệ sinh công cộng, đem theo giấy ướt có chất khử trùng để lau tay cầm xe siêu thị, mở các cửa ra vào nếu không tự động đóng mở, lau tất cả những chỗ trong và ngoài xe mà mình mó tay vào, lau cả những bịch thức ăn mua về, rửa trái cây bằng nước ấm và xà bông rửa chén. Rửa tay thì khỏi nsoi. Rửa nhợt cả tay và khô cả da! 

Phòng vệ khá kỹ thế mà… từ chiều hôm qua, tôi có dấu hiệu nhiễm trùng sau khi dọn vườn trong 3 giờ trong cái lạnh (hay ấm) mùa đông, 15 độ C. Lúc làm việc, khi cảm thấy bức quá, mồ hôi vã ra, tôi bỏ mũ, bỏ collar tròng cổ, bỏ cả áo mùa đông, chỉ mặc hai lớp áo trong. Thường thì sau những lần ẩu tả như vậy, tôi bị viêm phế quản. 

Buổi tối, cảm thấy lạnh, tôi thử tăng thêm 1 độ nữa, là 26 độ C. Bà xã không than nóng nên tôi yên tâm để vậy. Chúng tôi vẫn đi bộ 30 phút trong nhà, nhưng phải bỏ 30 phút bơi trong hồ bơi thể dục, vì bà xã đột nhiên cảm thấy sợ nước. Tôi cảm thấy váng vất sốt và vướng vướng trong cổ họng, vì đàm. 

Không chắc bị nhiễm lạnh vì ra ngoài làm vườn, hay bị Cô Vi tấn công, tôi uống nước gừng nhiều hơn một tí và xông hơi 10 phút. May mà khi cất nhà 15 năm trước, tôi tự lắp một máy làm hơi nước trong trong phòng tắm dưới tầng hầm nên khi cần steam bath, có sẵn, không phải tới tiệm. Tinh dầu bạc hà cô đọng thành thủy tinh thể cũng có sẵn. Quanh năm tôi không thích tắm xông, vì ghét nóng; nếu phải dùng khi bị cảm cũng không cho tinh dầu bạc hà vào vì nó làm cay mắt. Bây giờ dùng cả hai mà không cảm thấy khó chịu, mà ngược lại, không sốt nữa, ngủ ngon lành. 

Sáng nay, ngày 2, tôi sốt trở lại, cũng rất nhẹ và ho dăm bảy lần, hai mắt chỉ muốn nhắm. Lại tắm xông với tinh dầu bạc hà, 10 phút. Lần này hết ho, thông cổ, nhưng vẫn sốt nhẹ. 

Tôi bảo bà xã biết tôi cần cách ly 14 ngày để theo dõi. Vậy là mỗi đứa một phòng, không dùng chung đồ vật và giữ khoảng cách xã hội. 


Chưa biết hồi sau sẽ ra sao!

 

TÔI CHƯA CHUẨN BỊ ĐẦY ĐỦ! 


Cứ tưởng mình ngon lành, toujours prêt, luôn luôn “sắp sẵn” từ hồi còn là một thiếu sinh Hướng Đạo. Không phải vậy! Gạo, bánh hỏi khô, phở khô, bún khô, bột làm bánh, cả mì gói Đại Hàn,.. đủ cho 12 tháng. Thịt cá tôm đủ cho 6 tháng. Thuốc men tạm được. Giấy vệ sinh, các loại khăn giấy, xà phòng thuốc giặt, thuốc tẩy, vừa đủ cho… 36 tháng, vì mua cho du khách thuê nhà “Airbnb” từ tháng 12 năm ngoái, bây giờ không có du khách, chủ nhà xài được vài ba năm! 


Tưởng là đủ, quá đủ, nhưng tôi lại thiếu một thứ không nên thiếu: cái nhiệt kế đo thân nhiệt. 


Trên đây tôi viết lông bông: “sốt váng vất”, “sốt nhẹ”. Giá có cụ Hippocrates đâu đây, chắc cụ đã co cẳng đá cho mấy đá! “Váng vất”, “nhẹ” là bao nhiêu? 


Tôi lục tìm nhiệt kế. Trong nhà có hai cái, một chạy bằng pin, một là thuỷ ngân, cả hai đều mới mua chừng 3 năm. Ỷ có hai cái nên tôi đã không lôi bất cứ cái nào ra thử. Sáng nay sợ bị đá, lôi ra. Cái nhiệt kế thủy ngân chưa đo đã chỉ 38 độ. Lắc, rảy cách nào cũng không xuống. Cho nước lạnh chảy qua cũng nhất định không xuống. Cho nước ấm thì vọt lên 40 độ rồi “kiên định lập trường”, nằm nguyên tại đó. Xem kỹ coi nó có phải “made in China” hay không để chửi. May cho nó, nó “made in Canada”! Đành tha, và lẳng nhẹ vô thùng thủy tinh tái dụng! 



Thưa các bạn, nhà ai có sẵn nhiệt kế nên lôi ra xem lại, đừng chờ lúc tối lửa tắt đèn mới chạy đáo thiên đáo thổ như tôi. Xấu hổ chết! 

 

2 GIỜ TRƯA NGÀY 2 (3 THÁNG 4):

 
Sốt đến rồi đi, đi rồi trở lại, rồi đi nữa,.. y như trò cút bắt. Chưa có nhiệt kế, chỉ đo bằng cách kéo cánh lên trán (đừng cười!) Tôi nghĩ trung bình vào khoảng 37 hay 37.1 độ C. Chưa cần cầu viện tới Tylenol để hạ sốt, vì cơ thể cũng cần sốt lên một tí để giúp bạch huyết cầu chuyển quân diệt thù. Khi nào sốt cao hơn nữa, tính sau. Tôi nghĩ ít nhất phải qua sáng mai (ngày 3) tới ngày 5, mới có vấn đề.. 


Bà xã nấu cho cháo thịt băm, cho khá nhiều gừng, cứ khoảng 4 giờ ăn một tô thật nóng, cúi mặt vào tô mà ăn để hơi nóng có gừng xông lên hốc mũi. Ăn xong dễ chịu hẳn, đổ mồ hôi một tí và bớt sốt. Ăn còn thấy ngon, tức chưa mất vị giác. Đọc thấy các bác sĩ bảo, khi mất khứu giác và mất vị giác, thì đúng là “nó”! 


Sau khi ăn cháo gừng chừng 2 giờ thì sốt trở lại. Chẳng lẽ ăn liên tục như truyện xưa kể, có anh nọ sợ bị sét đánh, ảnh nghe người ta nói “trời đánh tránh bữa ăn” nên mỗi khi mưa gió sấm sét đì đùng, anh cứ bày món ra ăn miết cho đến khi trời quang mây tạnh mới thôi. Tôi không nhớ câu chuyện có cái kết ra sao, chỉ biết, tôi mà ăn như vậy sẽ mập ú ù u như võ sĩ Sumo. Qua mùa Cô Vi xong, tôi lên tới 100 kí thì khổ lắm! Mới mấy tuần cấm cung, đã lên 2 kí rồi. Mỗi sáng nhìn hàng số chỉ trọng lượng của mình trên cái cân, tôi lại lầm bầm: “Ma-dê… ịn-chị-Na” chỉ mong nó trật lất… như thường lệ! 


Khi cái “nhiệt kế cánh tay” báo cho biết sốt lại, tôi uống một tí hỗn hợp nước gừng đã nói ở trên. Không hạ sốt cũng hạ đàm, thôi khò khè, đỡ hắng giọng, đỡ ho. Khi chán nước gừng, tôi thay bằng tonic water. Tôi chọn hãng Selection, nước soda pha với chanh và ký-ninh. Họ pha rất khéo, vị đắng của quinine ngậm vào miệng mường tượng như vị đắng của vỏ chanh. 


Muốn diệt được siêu vi trùng Corona, phải dùng một lượng ký-ninh cao hơn nhiều. Trong cái chai 2 lít tôi mua về, chỉ có 64mg ký-ninh. Uống chơi cho ngon và đủ nước thì được, còn diệt trùng, hẳn là không, trừ phi tôi tóm được nó, nhận nước cho nó chết! Tôi viết điều này ra mà không sợ làm hại ai, vì muốn dùng ký ninh trong tonic water để chọi Cô Vi, bạn phải nốc …62 lít mỗi ngày. Chẳng ai làm được chuyện đó. Muốn đủ lượng thuốc, phải hỏi bác sĩ lấy toa và đến nhà thuốc tây mà mua!


Nguyễn Hữu Nghĩa

(còn tiếp) 


usaelection gởi