Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TÔN GIẢ CA LU ĐÀ DI ĐỆ NHẤT KHỞI DẬY NIỀM TỊNH TÍN


Mặc dù đã trở thành đệ tử của Thế Tôn, được sống trong chánh Pháp cùng các vị Thánh đệ tử của Người, Ngài Ca Lu Đà Di vẫn không quên sứ mệnh của mình với Đức vua Tịnh Phạn. Các vị quan đại thần trước kia không trở về là vì khi gặp Đức Phật, mọi người đều khởi tâm kính ngưỡng và mong muốn được tu tập trong Tăng đoàn của Người. Đó cũng là tâm trạng của Ngài. Nhưng tại quê hương Ca Tỳ La Vệ, Đức vua Tịnh Phạn, Lệnh bà Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati), Công nương Ya Du Đà La (Yashodara), Hoàng Tôn La Hầu La (Rahula)... và tất cả dân chúng đều đang trông đợi tin tức của Ngài. Ngài cảm nhận rõ rằng mình đang mang theo niềm hi vọng của các vương quốc Sakya.

Lúc bấy giờ mùa xuân đã đến. Những áng mây nhẹ trôi trên nền trời trong xanh. Mặt đất được phủ bởi một lớp cỏ non xanh tươi mơn mởn, khắp nơi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn vạn loài hoa đồng loạt nở rộ khoe sắc, tỏa hương thơm ngát. Những chú chim vui đùa trong tán lá, ríu rít chuyền cành. Trên các nẻo đường, mọi người chào nhau, chuyện trò vui vẻ... Cảnh vật như căng tràn nhựa sống. Tiết trời ấm áp và dễ chịu, khắp đất trời dường như cũng đang hoan ca, cũng đón xuân về.

Vào một buổi chiều trong tinh xá Trúc Lâm, chư Tăng và cư sĩ ngồi tề tựu trước khoảng sân rộng chuẩn bị nghe Đức Phật thuyết Pháp. Tôn giả Ca Lu Đà Di bước tới gần Đức Thế Tôn , quỳ xuống đảnh lễ Người ba lễ rồi cất lời thưa bạch:

-Bạch Thế Tôn, con hạnh phúc rất nhiều khi được làm đệ tử của Thế Tôn, được sống an lạc trong chánh Pháp giữa các vị Thánh đệ tử của Thế Tôn. Nhưng càng hưởng hạnh phúc nhiều chừng nào, thì con càng nhớ thương về quê hương Ca Tỳ La Vệ nhiều chừng ấy.

-Bạch Thế Tôn, quê hương Ca Tỳ La Vệ của con, và cũng là quê hương của Người, đang ngày đêm trông ngóng Thế Tôn. Đức vua Tịnh Phạn, Lệnh bà Ba Xà Ba Đề, Công nương Da Du Đà La... cùng hoàng tộc và cả người dân đất nước Sakya ai ai cũng ngưỡng mong Thế Tôn trở về.

-Bạch Thế Tôn, cũng như con trước đây, những người thân của Thế Tôn chưa hiểu hết đạo lý siêu thoát của Người, cũng đang ngày đêm trong ngóng được nhìn thấy hình ảnh của Thế Tôn mà họ vô cùng yêu quý. Đã tám năm trôi qua không một giờ phút nào mà Ca Tỳ La Vệ ngừng chờ đợi hình dáng Thế Tôn trở lại. Từng buổi cơm chan nước mắt, từng buổi sáng mặt trời quạnh hiu, từng buổi tối ánh trăng buồn bã. Ai cũng dõi trông về góc trời xa và hi vọng nhìn thấy bóng dáng Thế Tôn xuất hiện.

-Bạch Thế Tôn, bây giờ đã là mùa xuân, hoa đã nở trên những nẻo đường dẫn về Ca Tỳ La Vệ, chim đã hót trên những cánh rừng dẫn về Ca Tỳ La Vệ, những dòng sông trong vắt vì không bị mưa làm cho ngầu đục, những con đường sạch sẽ, khô ráo không chút bùn lầy. Trẻ em nô đùa, chạy giỡn khắp nơi, người lớn thảnh thơi sau những ngày mùa vất vả, những con trâu, bò nằm nhai cỏ, lặng yên ngắm nhìn trời... Cảnh vật thật tươi đẹp biết bao.

-Bạch Thế Tôn, tin tức Người đã đạt được mục đích cao cả của một bậc Sa môn là chứng được Chánh Đẳng Giác đã lan truyền đến quê nhà. Cả Ca Tỳ La Vệ vui mừng vì ngay cả vua Bình Sa (Bimbisara) của đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha) cũng phải quy y làm đệ tử của Thế Tôn. Cả Ca Tỳ La Vệ hạnh phúc vì biết bao nhiêu các đạo sĩ danh giá, bao nhiêu người thuộc giai cấp sang trọng, cũng cúi đầu trước Thế Tôn. Kính bạch Đức Thế Tôn, đây chính là lúc con cúi xin Thế Tôn hãy lên đường về thăm lại quê hương Ca Tỳ La Vệ yêu dấu.

Ngài Ca Lu Đà Di như dồn hết tâm ý của mình vào mỗi câu nói, khiến cho các vị Tỳ kheo chứng kiến đều không khỏi xúc động, ai nấy rơm rớm nước mắt. Mỗi lần ngắt lời, Tôn giả lại lễ xuống một lễ. Thấu được tâm ý của Tôn giả, Đức Thế Tôn ôn tồn nói:

-Này Ca Lu Đà Di, Như Lai cùng Tăng chúng sẽ về Ca Tỳ La Vệ qua mùa mưa năm nay. Hiện tại tiết trời tuy đẹp nhưng Như Lai muốn các Tỳ kheo trải qua ba tháng an cư trong mùa mưa sắp tới. Vì vào mùa mưa đường sá lầy lội, y phục bị ướt sẽ phơi lâu khô, các gia chủ bận rộn công việc đồng áng từ sáng sớm nên không chờ đợi cúng dường các Sa môn ở nhà được. Mùa mưa là lúc côn trùng sinh sôi bò nhiều khắp mặt đất, vì thế trong mùa mưa, các Tỳ kheo không nên du hành xa, sẽ rất vất vả, cũng là để tránh giẫm đạp lên các loài côn trùng nhỏ bé. Các Tỳ kheo chỉ nên ở yên trong một trú xứ, một khu vực. Buổi sáng đi khất thực quanh đấy, rồi trở về tinh xá mà thúc liễm tu tập. Như Lai chế ra phép an cư mùa mưa hàng năm này cho tất cả Tỳ kheo tuân thủ thực hành. Vì thế Như Lai muốn ở lại an cư hết mùa mưa sắp tới cho các Tỳ kheo biết phép tắc là như thế, rồi sẽ về thăm Ca Tỳ La Vệ sau.

Tôn giả Ca Lu Đà Di vui mừng quỳ xuống cảm tạ Thế Tôn. Ngài đảnh lễ Thế Tôn rồi trở lui. Vậy là Ngài đã hoàn thành lời hứa với Đức vua TỊnh Phạn, mang về ân đức của Thế Tôn cho quê hương Ca Tỳ La Vệ thân yêu. Chư vị Tỳ kheo hiện diện cũng vô cùng hoan hỷ.

Sau mùa mưa năm ấy, Thế Tôn cũng hơn năm trăm vị Tỳ kheo rời khỏi Trúc Lâm tinh xá. Những bước chân thong thả, điềm đạm hướng về Ca Tỳ La Vệ. Cả hoàng cung hay tin Thế Tôn sắp về đến kinh thành, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, xen lẫn là những cảm xúc khó tả. Đức vua Tịnh Phạn và Đức vua Nan Đà (Nanda) lập tức ra ngoài thành đón Thế Tôn. Vua TỊnh Phạn bật khóc, đôi bàn tay hao gầy nắm chặt đôi bàn tay của Thế Tôn, nước mắt chảy xuống chòm râu đã bạc. Ngài Nan Đà quỳ xuống bên cạnh, ôm chân Người hồi lâu. Kinh thành Ca Tỳ La Vệ nhộn nhịp hơn thường ngày, dân chúng ai nấy y phục đẹp đẽ, chuẩn bị hoa tươi thơm ngát, kéo nhau ra đường đón Đức Phật và chư Tăng trong niềm hạnh phúc hân hoan.

Trong cung điện, cả hoàng tộc và triều thần đều tề tựu trang nghiêm, mong chờ giây phút Đấng Toàn Giác bước vào. Lệnh bà Ba Xà Ba Đề và Công chúa Sundari nhìn về phía cảnh cửa không rời mắt, rồi òa khóc khi thấy bóng dáng Thế Tôn xuất hiện. Công nương Da Du Đà La ở trong phòng ngắm nhìn Thế Tôn sau bao năm tháng xa cách, nước mắt đã rơi từ khi nào.

Tám năm đã qua đi,cả hoàng cung vẫn luôn dõi theo từng bước du hóa của Đức Thế Tôn, đã được nghe kể nhiều câu chuyện về Người với lòng tôn kính tột cùng. Thế nhưng chỉ những tin tức thôi quả thực không thế lấp đi chỗ trống của sự thương nhớ. Nay Tôn giả Ca Lu Đà Di đã thỉnh được Thế Tôn trở về quê hương, chính là đã thỏa được nỗi ước mong của tất cả mọi người. Vậy là hoàng thân và người dân cả nước sẽ được đảnh lễ Người, sẽ được quỳ xuống dưới chân Người để bày tỏ lòng tôn kính vô ngần. Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao khôn tả.

Châu báu quý giá nhất trên đời này không phải là tài sản lớn hay địa vị cao, mà chính là Pháp bảo chân chính nhất. Những lời dạy của Đức Thế Tôn mới là điều quý giá nhất trên thế gian. Lần này Người trở về quê hương, đã có nhiều quyến thuộc, quan đại thần trong triều đình xin xuất gia. Nhiều vị đã chứng đắc Thánh quả đặt xuống gánh nặng của cuộc đời. Tăng Đoàn của Đức Thế Tôn lại thêm hùng mạnh, chánh Pháp lại được lan tỏa tới nhiều chúng sinh hơn. Trong đó, một phần lớn công lao là nhờ vào hạnh nguyện và tấm lòng của Ngài Ca Lu Đà Di.

Để thực hiện được hạnh nguyện ấy, Tôn giả Ca Lu Đà Di nhiều kiếp đã gieo vô số nhân lành, làm vô số thiện nghiệp. Vào thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padummuttara), Tôn giả Ca Lu Đà Di khi ấy sinh vào trong một gia đình danh giá tại kinh thành Hamsavati. Ngài vô cùng kính tin Tam Bảo. Khi nghe Đức Phật khen ngợi một vị Tỳ kheo có hạnh nguyện khơi dậy lòng tịnh tín đối với giáo Pháp trong thân quyến của Đức Như Lai, Ngài vô cùng xúc động. Ngài nghĩ tới những thân quyến thuộc của Đức Phật, đó là những người rất gần gũi với Người, hết lòng thương kính người và có nhiều công đức lớn. Ngài khởi tâm mong muốn được làm sứ giả đưa đạo lý nhiệm màu của Đức Như Lai đến với những vị ấy. Sau đó Ngài đã thành tâm cúng dường và phát nguyện trở thành một vị đệ tử tối thắng có thể khơi dậy niềm tịnh tín trong của một Đức Phật trong tương lai. Lời nguyện ấy trải qua cả trăm ngàn đại kiếp, đến thời Đức Phật Thích Ca đã được thành tựu viên mãn.

Một lần trước đại chúng vô cùng đông đảo, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng: “Trong số các đệ tử của Như Lai có khả năng làm khơi dậy niềm tịnh tín đối với Như Lai, thì Tỳ kheo Ca Lu Đà Di là đệ nhất”.

trích THÁNH ĐỘ MỆNH TÔN GIẢ CA LU ĐÀ DI (KALUDAYI)


____________________


Hoang Nguyen gởi