Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TÔN GIẢ ĐẠI CÂU HI LA (MAHA KOTTHITA) ĐỆ NHẤT THIỀN QUÁN

  
II. NHÂN DUYÊN KỲ TUYỆT

Khi Thế Tôn đến đất nước Kiều Tát La để giáo hóa, cha mẹ Ngài là một trong những tín chủ thuần thành. Một ngày vào năm hai người đã mãn tuổi, quán sát thấy nhân duyên đã đến, Thế Tôn một mình qua tư gia ông bà trưởng giả để hóa độ.

Hôm đó, gia trang dường như ấm áp hơn mọi ngày. Khóm hoa đầu hè đã hé nở đưa hương thơm ngát. Gia nhân xếp hàng dọc hai lối vào, cung kính đón Thế Tôn. Hai ông bà trưởng giả Assalayana chống gậy đón Thế Tôn vào đại sảnh, tòa ngồi bằng gỗ được chuẩn bị sẵn sàng. Thế Tôn ngự trên tòa uy nghiêm mà đầy từ ái. Từ nơi dung nghi của Người tỏa ra vầng hào quang dịu nhẹ, ấm áp vô cùng. Người thuyết bài Pháp về tam nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh. Pháp âm trầm hùng, lay động tâm hồn của tất cả người nghe.

Mọi phước duyên và nghiệp báo đều bắt nguồn từ thân, khẩu, ý. Vì vậy, để xa lìa khổ đau, ai cũng phải cẩn thận giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh.

Khởi đầu từ ý, ý làm chủ dẫn đến lời nói và hành động. Dù ý là những suy nghĩ thầm kín bên trong không ai thấy, nhưng từ đây tội phước đã bắt đầu hình thành. Ý nghĩ sai lầm có thể dẫn chúng sinh xuống tận địa ngục sâu tăm tối. Trái lại, ý nghĩ thiện lành cũng có thể đưa chúng sinh lên những cõi trời ngập tràn hạnh phúc. Khẩu nghiệp là nghiệp được gây bởi những lời lẽ được nói ra. Lời nói ra rất dễ dàng nhưng ảnh hưởng đến phước nghiệp vô cùng lớn. Chê bai người khác điều gì thì chính mình dễ mắc phải lỗi lầm đó. Nếu chửi mắng người khác thậm tệ có thể bị đọa vào súc sinh. Thậm chí, nếu xúc phạm nhầm một bậc Thánh, chúng sinh sẽ bị tổn phước nặng nề, nhiều đời nhiều kiếp bị đọa đày trong đau khổ. Cuối cùng, thân nghiệp là nghiệp được hình thành từ những hành động rất cụ thể và thực tế. Chúng sinh phải thực hiện vô số việc làm, dù là trong khó khăn gian khổ, để đem lại lợi ích cho tha nhân mà không được chấp công lao.
Ngài Đại Câu Hi La khi ấy đang đứng hầu bên cạnh song thân. Bài Pháp vừa dứt, một niềm xúc động dâng lên nghẹn ngào. Ngài quỳ xuống:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, giáo Pháp của Người như soi rọi đến những chân trời mà con chưa bao giờ được đặt chân đến. Giáo Pháp của Người thật sáng tỏ, thật giản dị mà cao quý.

- Này Câu Hi La, vậy con thấy điều gì từ lời của Như Lai? – Thế Tôn nhẹ nhàng hỏi.

- Kinh bạch Đức Thế Tôn, qua lời dạy của Người, con thấy tâm hồn chúng sinh thật loạn động. Nghĩ bao niệm xấu ác, nói bao lời xấu ác, gây nên bao điều xấu ác. Từng giờ từng phút phạm phải lỗi lầm mà không hề biết mình đang lầm lỗi. Vì vậy mà chúng sinh cứ mãi khổ đau, mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

Ngài Đại Câu Hi La đáp lời Thế Tôn. Rồi lại bồi hồi nói tiếp:

- Kinh bạch Thế Tôn, bao lâu nay, con tự thấy mình là một học giả uyên thâm, chân chính. Bao nhiêu kinh điển từ thấp đến cao con đã đều nghiên cứu qua, nhưng lại chưa khám phá hết nội tâm của chính mình. Nghe những lời pháp của Người, tâm hồn con như được thắp sáng bởi ngọn đuốc trí tuệ.

Thế Tôn cất lời khen ngợi.

- Lành thay, này Câu Hi La. Như Lai mới giảng sơ lược về ba nghiệp thanh tịnh mà con đã hiểu được nghĩa lý sâu xa.
Sau đó, Thế Tôn từ biệt gia trang. Ngài Đại Câu Hi La nhìn theo bóng Người khuất dần trong nắng chiều dịu nhẹ. Khi trở về tinh xá, Thế Tôn bảo với Tôn giả Xá Lợi Phất rằng hai ngày nữa con trai của ông bà trưởng giả Assalayana sẽ tới xuất gia và Tôn giả sẽ là vị Thầy tế độ.

Đúng như lời Thế Tôn chỉ dạy, hai ngày sau Ngài Đại Câu Hi La tìm tới Kỳ Viên (Jetavana). Ngài quỳ xuống xin xuất gia trong Tăng đoàn. Trưởng lão Xá Lợi Phất làm lễ thế phát cho Ngài ngay trong hôm đó.

—————-


IV. VÔ NGẠI BIỆN TÀI

Tôn giả Xá Lợi Phất, bậc Trí Tuệ Đệ Nhất trong Tăng đoàn, chính là vị Thầy tế độ của Ngài Đại Câu Hi La. Một lần tại vườn trúc Ca Lan Đà, Tôn giả Xá Lợi Phất tới thăm và đặt ra những câu hỏi để cùng nghị luận với Ngài. Bắt đầu bằng câu hỏi “Sự già, chết do đâu mà có?”, Tôn giả Xá Lợi Phất đã đề cập tới một trong những vấn đề cực kỳ hóc búa, thường được tranh biện giữa các giáo phái thời bấy giờ. Tôn giả khéo léo dẫn dắt qua nhiều khía cạnh và hỏi tới tận bản chất sâu xa của vấn đề. Trong khi đó, Ngài Đại Câu Hi La cũng từ tốn trả lời rõ ràng, tường tận. Cuộc nghị luận được diễn ra trong niềm an lạc và đầy ý vị. Vị hỏi vô cùng sâu sắc, đã chạm tới những điểm thâm sâu, vi tế nhất. Vị trả lời cũng thật xuất chúng vì đáp lại rành rẽ từng câu một. Hai vị cùng kính ngưỡng trí tuệ và sự chứng ngộ của nhau. Cuối cùng, Tôn giả Xá Lợi Phất hoan hỷ cất lời khen ngợi rằng:

- Lành thay, Tôn giả Đại Câu Hi La. Trong các vị đệ tử của Thế Tôn, Tôn giả là người có trí tuệ sáng suốt, thông tỏ Pháp và tự thân chứng nghiệm đầy đủ với Pháp. Tôn giả còn khéo thuyết giảng các vấn đề thật rõ ràng, dễ hiểu. Hôm nay tôi rất hoan hỷ vì được nhiều lợi ích từ nơi Tôn giả. Những vi phạm hạnh khác được tham vấn với Tôn giả chắc chắn cũng được nhiều lợi ích. Tôn giả thật như ngọc quý vô giá giữa thế gian này.

Đó là một trong rất nhiều câu chuyện kể về công hạnh của Ngài Đại Câu Hi La. Ngài nổi tiếng với khả năng “Vô Ngại Biện Tài” hay còn gọi là “Tứ Vô Ngại Giải”. Nhờ vậy, Ngài có thể trình bày và giải thích đạo lý một cách khéo léo giúp chúng sinh tin hiểu và phát tâm tu hành theo chánh Pháp.

“Vô Ngại Biện Tài” đòi hỏi trí tuệ siêu việt và khả năng diễn đạt thuyết phục tài tình. Với nội tâm chứng ngộ của một bậc A La Hán, Tôn giả có thể hiểu hết mọi điều trong pháp giới. Ngài biết mọi chuyện của chúng sinh và hiểu thâm sâu giáo Pháp của chư Phật. Chúng sinh trong pháp giới là vô lượng, cực kỳ đa dạng và phức tạp. Từ con người, quỷ thần, rồng, dạ xoa đến chư Thiên các cõi. Thế nhưng, dù chúng sinh nói ra bất kỳ điều gì Ngài cũng đều nắm rõ. Ngài hiểu thấu trong tận những ý nghĩ nhỏ nhiệm vi tế nhất. Còn Phật Pháp là cả bầu trời bao la, chứa đựng tất cả chân lý, tất cả tri thức, tất cả những quy luật vận hành của vũ trụ. Trong đó, luật Nhân quả nghiệp báo là định luật tuyệt đối phủ trùm và chi phối mọi điều. Ngài thấy tường tận nhân quả, từ nhân mà biết được quả và ngược lại từ quả suy ra các nhân đã gieo, cả sự tương tác, đan xen nhau trùng điệp giữa các nhân duyên...

Mỗi khi Ngài thuyết Pháp, tất cả chúng sinh đều rất hoan hỷ. Bởi lời Ngài giảng dễ hiểu, dễ nắm bắt, gần gũi và thiết thực ngay trong cuộc sống của chúng sinh.

Khả năng biện tài không chướng ngại không phải chỉ là việc khéo léo trong ngôn ngữ, trong câu từ mà còn là cả tấm lòng thương yêu luôn hướng đến chúng sinh.

Lời Phật dạy chứa đựng sự sâu xa và màu nhiệm, nhiều tầng nhiều lớp nghĩa. Có những điều cụ thể, chi tiết, có thể áp dụng thực hành luôn nhưng cũng có những Pháp dành cho bậc chư Thiên và các vị Bồ Tát vô cùng vi diệu, uyên áo. Căn cơ chúng sinh thì muôn trùng sai biệt, hơn nữa còn khác nhau trên mức độ tiếp nhận, tâm tình, sở thích, hoàn cảnh. Để có thể diễn đạt phù hợp, Ngài lúc nào cũng đặt tâm mình vào tâm của chúng sinh, luôn thấu hiểu và gửi trọn tình thương đến những chúng sinh ấy.

Khả năng biện tài vô ngại được thành tựu bởi trong một kiếp rất lâu xa, Ngài Đại Câu Hi La đã phát nguyện thực hiện công hạnh ấy để mang lại lợi ích cho chúng sinh trước Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) và được Người thọ ký. Từ đó, trong nhiều đời nhiều kiếp, Ngài cũng đã siêng năng học hỏi đạo lý rồi thường tìm cách giảng giải lại để tất cả mọi người cùng hiểu. Đến thời Đức Phật Thích Ca, công hạnh ấy đã viên thành. Nhờ khả năng biện tài vô ngại, Ngài hoằng dương chánh Pháp, cảm hóa được vô số chúng sinh, trong đó có những chúng sinh cang cường nhất.

Một lần, trước hội chúng hàng ngàn chư Tăng, Đức Thế Tôn tán thán rằng:

Ta thấy trong đại chúng, thấu triệt được bốn biện tài giống như Như Lai, không ai có thể hơn Đại Câu Hi La. Vì thế, này các Tỳ kheo, hãy như Đại Câu Hi La, hãy tìm cầu học hỏi để thành tựu bốn biện tài ấy.

St.

_________________


Hoang Nguyen gởi