TÔN GIẢ LA HẦU LA
Mật Hạnh số một
La Hầu La là con ruột của Phật khi ngài còn là thái tử. Sau khi thái tử xuất gia, La Hầu La là một trong những người có thể thừa kế vương vị Ca Tỳ La. Nhưng điều mà Phật đã từ bỏ, ngài không muốn cho con ngài làm. Vì vậy khi về thăm quê lần đầu tiên, Ngài phương tiện tìm cách đưa La Hầu La đi xuất gia và giao cho Xá Lợi Phất dạy bảo.
Với sự xuất gia của La Hầu La, chế độ Sa di bắt đầu khai xuất. Bấy giờ, La Hầu La khoảng 15,16 tuổi, chưa ý thức được tầm quan trọng của con đường mới và cũng chưa đủ sức lãnh nạp giáo pháp Phật. Đối với sanh hoạt tăng đoàn, chẳng qua cha bảo sao con nghe vậy, không ưa thích cũng chẳng chống báng.
Để tẩy trừ tập khí vương giả quen thói chỉ tay năm ngón, Phật bảo Xá Lợi Phất giao cho La Hầu La công việc quét dọn đình viện hàng ngày. Một hôm quét xong trở về phòng thì phòng đã bị một khách tăng chiếm ở và quăng y bát của La Hầu La ra ngoài. La Hầu La đành ôm y bát ra sân ngồi. Thình lình trời mưa, La Hầu La lại ôm y bát vào ngồi cầu xí. Việc này sau khi Phật biết, trở thành nguyên nhân khiến Phật lập quy chế mới, cho Sa di ở chung phòng với Tỳ kheo. Từ đó La Hầu La sát gót Xá Lợi Phất. Nhân một hôm cùng đi khất thực với bổn sư, tín chúng cúng dường không đồng đều, La Hầu La bất bình, nên từ đó Phật chế ra luật Lục hòa kỉnh.
Một hôm cùng với Xá Lợi Phất vào thành Vương Xá khất thực, hai thầy trò gặp một gả mất dạy bỏ cát vào bình bát của Xá Lợi Phất rồi dùng gậy đánh lên đầu La Hầu La. Nhìn gương mặt phừng phừng tức giận của La Hầu La, Xá Lợi Phất ôn tồn khuyên bảo:
- Nếu là đệ tử của Phật, nhà ngươi nên có tinh thần nhẫn nhục, không nên cưu hận và nên thường vận dụng tâm từ bi thương xót tất cả chúng sanh. Vinh nhục, khen chê không đáng cho ta lưu ý. Phật dạy trên thế gian này không có sức mạnh nào lớn đến đâu có thể thắng nổi sức mạnh của nhẫn nhục.
Việc này sau khi Phật biết, lại được Phật dạy thêm:
- Này La Hầu La, người không biết nhẫn nhục không thể nào thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng, thường bị đọa lạc vào đường dữ. Có nhẫn nhục mới có bình an, mới tiêu trừ được họa hoạn, phát triển trí tuệ. Trí tuệ tối cao là con đẻ của nhẫn nhục. Người có trí tuệ mới thấy rõ quả báo thâm viễn, khắc phục sân tâm, thường hành tinh tấn, thể hiện chân tinh thần và chân ý nghĩa của Phật pháp, hòa hợp với thế tục mà không ô nhiễm. Nhẫn nhục là tăng thượng duyên của đạo pháp, giúp hành giả sớm chứng giải thoát.
Được Phật và Xá Lợi Phất kềm sát và từ mẫn giáo hóa, tập khí cương cường của dòng máu vương giả trong người La Hầu La mỗi ngày mỗi lạt phai và tánh tình lần lần trở nên ôn hòa nhu thuận. Duy chỉ có một tánh chưa bỏ được, đó là tánh ưa bông đùa dối gạt để mua vui. Nhằm sửa trị tánh này, một hôm Phật bảo La Hầu La bưng một chậu nước đến cho ngài rửa chân. Rửa xong, Phật hỏi La Hầu La:
- Nước này có thể uống được không?
- Thưa không.
- Vì sao?
- Vì đã ô uế.
- Nước ô uế không dùng được, tâm ô uế cũng thế. Mang danh xuất gia mà không tịnh tâm tu học, không giữ gìn lời nói, lòng tràn đầy ba độc cấu uế thì khác gì mớ nước ô uế này. Đã không dùng được thì hãy đổ đi.
Phật bảo La Hầu La đem chậu đi dổ rồi mang chậu không về. Hỏi:
- Chậu này có dùng đựng cơm được không?
- Thưa không.
- Vì sao?
- Vì mặt chậu bám đầy chất dơ.
- Chậu dơ không dùng được, thân dơ cũng thế. Mang danh xuất gia mà không tu giới định huệ, không thanh tịnh thân khẩu ý, mình dính đầy ba độc cấu uế thì khác gì cái chậu dơ này. Đã không dùng được thì thà đập bể còn hơn.
Phật đá nhẹ vào chậu khiến chậu vỡ đôi. Hỏi:
- Nhà người có tiếc cái chậu không?
- Thưa không, vì là chậu dơ.
- Này La Hầu La! Nhà ngươi không tiếc chậu dơ như thế nào thì tăng đoàn không dung người dơ cũng như thế. Mang danh xuất gia mà không biết trọng uy nghi, hý ngôn lộng ngữ thì ai mà yêu mến nhà ngươi đuợc?
Từ đó, La Hầu La thề quyết tâm hoán cải, nghiêm trì giới luật, tinh tấn đạo tâm, suốt ngày kín tiếng lặng hơi, quyết luyện mật hạnh. Tu như vậy trong mấy năm liền, vẫn không thấy tiến bộ, nhưng một hôm nhân một câu nói của Phật mà hoát nhiên khai ngộ. Hôm ấy cùng Phật đi du hóa, Phật chỉ cảnh vật xung quanh bảo La Hầu La rằng:
- Hãy nhìn vạn tượng sum la kia, rồi nhìn trở lui vào tâm niệm và thân thể của mình, để xem thử có gì đứng yên một chỗ không? Vô thường! Vô thường tất cả! Nên biết như thế và đừng để cho tâm chấp trước dính mắc vào đâu hết.
Sau một thời gian chăm chú luyện mật hạnh, câu nói đơn giản trên đây của Phật như có mãnh lực của dông sấm đập vào màn nhĩ, khiến La Hầu La choáng váng bèn xin Phật trở lui về tịnh xá ngồi thiền.
Phật du hóa về, cho gọi La Hầu La lên bảo:
- Ông đã chứng được tận cùng của Mật hạnh rồi đấy. Giờ đây hãy vận dụng tâm từ bi đối xử với người và vật để mở rộng tâm lượng và dung nạp tất cả chúng sanh vào lòng. Dung nạp được tất cả chúng sanh thì tội ác dứt trừ. Bờ giải thoát đã gần kề.
Hoang Nguyen gởi