Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TÔN GIẢ LY BÀ ĐA 
ĐỘC CƯ THIỀN TỊNH ĐỆ NHẤT
 

Sau khi Tôn giả Ly Bà Đa xuất gia, Tôn giả Xá Lợi Phất đã hai lần đến xin Phật cho đi thăm. Nhưng lần nào Thế Tôn cũng từ chối. Phải đợi đến khi lễ Tự Tứ đã kết thúc, khi Tôn giả Ly Bà Đa đã vào rừng ẩn cư, Thế Tôn mới đồng ý và còn dẫn theo năm trăm vị Tỳ kheo cùng đi như sắp sửa có một sự kiện trọng đại.
 
Giữa khu rừng già u tịch và gai gốc, con đường đi cũng gập ghềnh, đầy rẫy hung hiểm. Càng tiến sâu hơn thì những mái nhà cứ thưa dần chìm vào màn đêm tăm tối. Thế nhưng, khi bước chân Đức Thế Tôn cùng năm trăm vị Tỳ kheo vừa đến bìa rừng, ngay lập tức nơi hoang dã ấy biến thành một khuôn viên rộng lớn với tòa lâu đài  nguy nga tráng lệ. Phía xa là hương thất  dành cho Đạo Sư đẹp đẽ như cung điện của cõi trời. Khoảng sân trước hương phòng của Người được lát đá xanh ngọc. Hơn năm trăm chỗ ngụ có tháp nhọn với đầy đủ phòng thất và vật dụng tiện nghi. Bao quanh lâu đài là hàng trăm con đường đi kinh hành có mái che rợp bóng bởi dây leo và hoa nở, một dòng suối nhỏ trong xanh, những chiếc bàn đá nằm rải hai bên đầy ắp những phẩm vật mà chư Thiên cúng dường.
 
Suốt thời gian Đức Thế Tôn ở tại đây, ban ngày Người thuyết Pháp và hướng dẫn tọa thiền cho Tăng chúng, đêm xuống chư vị Thiện Thần cùng nhau tới cung thỉnh giáo Pháp của Đức Như Lai. Ánh sáng đạo màu mà Thế Tôn đem tới làm bừng tỉnh cả khu rừng. Những lời dạy  bảo của Người lan tỏa khắp muôn nơi, chúng sinh gần xa đều cảm phục và thương kính.
 
Về phần Tôn giả Ly Bà Đa, thần lực và đức hạnh của Ngài đã làm mọi người kính phục. Khi ấy, Đức Thế Tôn tuyên bố trước đại chúng rằng: “Trong các vị Thánh đệ tử của Như Lai, người có hạnh Độc cư Thiền Tịnh, tối thắng chính là Ly Bà Đa”.
 
“Độc cư” không chỉ đơn thuần là “sống một mình”. Một vị ẩn sĩ ngồi lặng yên bất động giữa núi rừng cô tịch, hình ảnh đó thật thiêng liêng và cao quý. Thế nhưng, đằng sau hình ảnh người ẩn sĩ giữa núi rừng thăm thẳm đó là cả một nội tâm định tĩnh như dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) hùng vĩ, bất động và vững chãi. “Độc cư” cũng không có nghĩa là “bỏ mặc kẻ khác”. Vị ấy tuy cách xa mọi người, nhưng tâm hồn và lòng từ bi lúc nào cũng hướng về chúng sinh, phủ trùm lấy chúng sinh, như ánh dương ngập tràn sông núi.
 
Bởi vậy mà lời khen ngợi dành cho Tôn giả Ly Bà Đa của Phật chính  là tiếng sấm truyền vang dội khắp nhân thiên. Trời và người cùng xưng tụng rằng: “Có một vị Sa di trẻ tuổi, giữa khu rừng hẻo lánh, đầy nguy hiểm, đã tự mình tìm đến và tinh cần tu tập thiền định. Vị ấy không mong cầu và không sợ hãi bất cứ điều gì, đã lấy sự giản dị, niềm an tĩnh nơi tâm hồn để làm mục tiêu cho chính mình. Sự kiên trì và nỗ lực là không thể tính kể, cuối cùng vị ấy đã trở thành một bậc Thánh giác ngộ cao siêu với trí tuệ và thần thông phi thường.”
 
Đó chính là quả ngọt được vun trồng qua nhiều kiếp, mà bây giờ khi nhân duyên đã đầy đủ mới trổ hoa kết trái. Thuở xưa, Ngài là một vị trưởng lão trong một gia đình chủ tàu tại thành Hamsavati. Với lòng kính tin Tam Bảo, Ngài đã phát tâm cúng dường Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) cùng Tăng chúng chuyến tàu qua sông lớn. Một lần khác, khi tới tinh xá nghe Pháp, Ngài thấy Đức Thế Tôn tán thán một vị Tỳ kheo đệ nhất về hạnh ở rừng. Ngay đó Ngài vô cùng hoan hỷ, xin được cúng dường và phát nguyện tu hành để thành tựu hạnh thanh tịnh giống như vị ấy. Đức Phật Thắng Liên Hoa đã mỉm cười thọ ký.
 
...LÚC ẤY ĐỨC THẾ TÔN
BẬC THÔNG SUỐT THẾ GIAN
THẤY TÂM TA THỎA THÍCH
VỚI VIỆC NGỤ TRONG RỪNG
MỚI XÁC NHẬN VỊ TRÍ
ĐỆ NHẤT HẠNH ẨN LÂM...
 
Khi hay tin Tôn giả Ly Bà Đa đã dùng thần thông hóa hiện tinh xá nguy nga tráng lệ để cúng dường Thế Tôn và chư vị Tỳ kheo, có hai vị Tỳ kheo không đi cùng khởi tâm nghi ngờ và cho rằng làm sao Tôn giả Ly Bà Đa mới xuất gia mà có được đại thần thông như thế. Hai vị bèn tìm đến nơi ở của Tôn giả Ly Bà Đa. Khi đến nơi chỉ thấy rừng núi rậm rì, gai gốc đâm quẹt cả vào chân.
 
Trên đường đi khất thực, khi được một vị cư sĩ hỏi về nơi ở của Tôn giả Ly Bà Đa, họ đã trả lời rằng: “Nơi đó thật kinh khủng, là một rừng toàn là cây keo đầy gai trắng, chỉ thích hợp với ẩn sĩ mà thôi.” Một lúc sau, cũng có hai vị Tỳ kheo khác đi cùng đoàn với Đức Phật, vị cư sĩ ấy vì không tin vào câu trả lời kia, bà hỏi lại một lần nữa thì nhận lại câu trả lời đối lập: “ Này cư sĩ, nơi đó thật không có từ nào để diễn tả, là một thiên đường vô cùng tuyệt đẹp, thần lực của Tôn giả Ly Bà Đa thật phi thường”.
 
Câu trả lời trên khiến bà vô cùng phân vân, không biết nơi ở của Tôn giả Ly Bà Đa ra sao, bà đến đảnh lễ và thưa với Đức Phật. Đức Phật không nói ai đúng ai sai, Ngài chỉ nhân đó nói lên bài kệ để tán thán đức hạnh tuyệt vời của một vị A La Hán:
 
LÀNG MẠC HAY RỪNG NÚI
THUNG LŨNG HAY ĐỒI CAO
LA  HÁN TRÚ CHỖ NÀO
NƠI ẤY THẬT KHẢ ÁI.
 
(trích trong sách THÁNH ĐỘ MỆNH TÔN GIẢ LY BÀ ĐA (REVATA KHADIRAVANIYA)-Tiến sĩ Luật học TT THÍCH CHÂN QUANG chủ biên).


________________


Hoang Nguyen gởi