TÔN GIẢ NAN ĐÀ CA (NANDAKA)
ĐỆ NHẤT GIÁO GIỚI TỲ KHEO NI
III. ĐỆ NHẤT GIÁO GIỚI TỲ KHEO NI
Trong tinh xá Kỳ Viên, Đức Thế Tôn căn dặn cứ cách hai tuần sẽ có một Tôn giả Tăng sang Ni chúng thuyết Pháp, khuyến tấn cho các Tỳ kheo Ni.
Từ khi xuất gia, Ngài Nan Đà Ca nổi tiếng trong Tăng đoàn với khả năng biện tài xuất chúng. Ngài có thể giảng giải những giáo lý khó và trừu tượng một cách rất dễ hiểu. Bằng cách đặt câu hỏi, Ngài dẫn dắt người nghe từng bước, mỗi bước lại tiến gần hơn với đạo lý, rồi cuối cùng hùng biện thuyết phục, lay động tâm hồn thính chúng. Nhờ vậy, đạo lý được sáng tỏ, ai ai cũng có thể dễ dàng tin hiểu và hành trì.
Một buổi sáng mùa thu, tiết trời tạnh ráo, đến phiên Tôn giả Nan Đà Ca thuyết Pháp cho các Tỳ kheo Ni.
Thế nhưng, dường như Ngài chưa muốn đi sớm. Hôm đó, Tôn giả nhập thời tĩnh tọa lâu hơn thường ngày. Sau khi xả thiền, Ngài kinh hành và ở trong tịnh thất như có ý chờ đợi điều gì đó.
Ngay lúc đó, Đức Thế Tôn cho gọi Ngài tới:
- Này Nan Đà Ca, tại sao hôm nay con chưa sang thuyết Pháp cho chư Ni?
- Bạch Thế Tôn, hôm nay trong thiền định con quán xét thấy con và một số vị Tỳ kheo trong Ni chúng từng có duyên kiếp xưa. Con sợ rằng nếu biết được chuyện này, một số vị sẽ hiểu lầm và ảnh hưởng đến con đường tu đạo của chư Ni.
- Này Nan Đà Ca, đây là nhân duyên hóa độ đặc biệt của con. Con hãy sang thuyết Pháp cho các Tỳ kheo Ni.
- Bạch Đức Thế Tôn, con xin vâng lời Người.
Tinh xá Rajakarama của chư Ni nằm phía đông nam kinh thành Xá Vệ, cách không xa tinh xá Kỳ Viên. Khung cảnh vô cùng khả ái và thanh tịnh. Khi Tôn giả Nan Đà Ca bước đến, các vị đã soạn sẵn chỗ ngồi, chuẩn bị bát nước rửa tay, rửa chân cho Ngài.
Giảng đường rất rộng, hội chúng có hơn năm trăm vị Tỳ kheo Ni ngồi ngay ngắn hai bên. Uy đức của Tôn giả làm không khí trở nên vô cùng trang nghiêm. Hôm nay, Ngài thuyết giảng về sự vô thường, vô ngã của Lục căn, Lục trần và Pháp hành.
Tôn giả bắt đầu những câu hỏi bằng giọng nhẹ nhàng và đây trân trọng:
- Này các Hiền tỷ, các Hiền tỷ thấy lục căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là thường hằng hay là vô thường?
- Thưa Tôn giả, lục căn đều là xác thân vật chất, rồi cũng sẽ rã tan, biến hoại, nên lục căn là vô thường
- Này các Hiền tỷ, các Hiền tỷ thấy lục trần bao gồm hình ảnh, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm giác, ý tưởng là thường hằng hay là vô thường?
- Thưa Tôn giả, trên thế gian chẳng có hình ảnh nào tồn tại mãi, chẳng có hương thơm nào mà không phai đi, âm thanh được cất lên trong phút chốc rồi cũng vụt trôi mất... Thưa Tôn giả, lục trần cũng là vô thường ạ.
- Lành thay các Hiền tỷ, đúng là như vậy. Lục căn và lục trần đều là vô thường, điều này thật dễ hiểu.
Tôn giả tiếp tục giảng giải sâu hơn:
- Này các Hiền tỷ, ngọn đèn được cấu tạo từ dầu, bấc, lửa và từ đó phát ra ánh sáng. Nhưng nếu hết dầu, bấc đã cháy rụi và lửa không còn thì có thể phát ra ánh sáng được nữa không?
- Thưa Tôn giả, không ạ.
- Này các Hiền tỷ, cây cối được cấu tạo từ rễ, lõi, thân, cành lá và cho ta bóng mát. Nhưng nếu rễ đã hư hoại, lõi bị mục ruỗng, thân và cành lá cũng bị chặt thì liệu còn cho ta bóng mát được nữa không?
- Thưa Tôn giả, không ạ.
- Lành thay các Hiền tỷ, đúng là như vậy. Và này, các Hiền tỷ, khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tức là mắt nhìn thấy hình ảnh, tai nghe được âm thanh... sẽ tạo ra những cảm giác, nhận thức, tình cảm ưa ghét khác nhau. Những cảm giác, nhận thức, tình cảm ưa ghét này liên tục khởi lên, quyện chặt vào nhau khiến chúng sinh có ảo tưởng là có bãn ngã, có cái ta thường hằng. Thế nhưng, giống như ánh sáng, sẽ không còn nếu dầu, bấc, lửa không còn, giống như bóng mát, cũng không thể tồn tại nếu rễ, lõi, thân, cành lá đã bị chặt. Bởi lục căn, lục trần là vô thường, là biến hoại nên cũng không có bản ngã thường hằng, không có gì là ta, không có gì là của ta.
- Này các Hiền tỷ, bởi vì vô thường, biến hoại nên nó là khổ. Thế gian này là vô thường, xác thân này là vô thường. Ai cho rằng lục căn, lục trần là thường hằng, là ta, là của ta, rồi bám chấp vào đó thì chắc chắn sẽ nhận lấy khổ đau.
Bài Pháp hôm đó rất dài, nhưng bằng cách nhẹ nhàng và khéo léo như vậy, Tôn giả Nan Đà Ca đã lần lượt dẫn dắt các vị Tỳ kheo Ni đi từ những điều dễ hiểu đến những điều thâm sâu vi tế, làm sáng tỏ bản chất vô ngã, vô thường của mọi điều trên thế gian.
Nắng đã lên cao, lá thu nhẹ nhàng rơi bên khung cửa.
Sau bài Pháp, một số vị Tỳ kheo Ni đã chứng đắc được Thánh quả. Cả đại chúng đều hoan hỷ thọ trì lời dạy của Ngài.
Khi trở về Ngài đến đảnh lễ Thế Tôn, thật đặc biệt, Đức Thế Tôn khuyên Tôn giả hãy đến giáo giới cho các vị Tỳ kheo Ni thêm lần nữa.
Hôm sau, Tôn giả tiếp tục đến tinh xá Rajakarama thuyết Pháp. Lần này, Ngài vẫn giảng về lục căn, lục trần nhưng phong phú hơn và lấy nhiều ví dụ hơn. Cuối cùng, Ngài cất lời trầm hùng khuyến tấn:
- Này các Hiền tỷ, hãy tinh tấn lên. Hãy dùng thanh gươm của trí tuệ để cắt lìa tham ái. Hãy đoạn trừ tất cả phiền não, tất cả kiết sử, bản năng ích kỷ, chấp ngã thẳm sâu tâm hồn. Hãy bước đi này các Tỳ kheo Ni, giờ đã đến rồi!
Tôn giả vừa dứt lời, tất cả năm trăm vị Tỳ kheo Ni bùng ngộ, chúng đắc Thánh quả, từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến tứ quả A La Hán. Trước giây phút thiêng liêng ấy, tỉnh xá rực sáng hào quang, cánh rừng lao xao như reo mừng, chư Thiên các tầng trời bay về tụ hội tán thán.
Trong tinh xá Kỳ Viên, Đức Thế Tôn mỉm cười. Người chỉ dạy rằng:
- Này các Tỳ kheo, các bài giáo giới của Tỳ kheo Nan Đà Ca giống như trăng mười bốn và trăng rằm. Cả hai đều tuyệt đẹp. Nhưng trăng vào ngày rằm thì chẳng còn bất kỳ ai nghi ngờ rằng trăng đã tròn hay chưa. Bởi khi đó, mặt trăng đã tròn đầy và sáng tỏ vằng vặc. Nhờ vào bài giáo giới của Tỳ kheo Nan Đà Ca, tất cả năm trăm Tỳ kheo Ni đã thấy Pháp.
Chính vì lý do này, Đức Thế Tôn đã tán thán Tôn giả Nan Đà Ca với danh hiệu “Đệ nhất giáo giới Tỳ kheo Ni”.
Để có được danh hiệu này, Tôn giả Nan Đà Ca đã gieo trồng nhân lành từ vô lượng kiếp. Thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara), Ngài đã cúng dường, hộ trì Tam Bảo hết lòng và phát tâm thành tựu hạnh nguyện giáo giới cho các vị Tỳ kheo Ni và được Đức Phật thọ ký. Trải qua vô số kiếp gây tạo công đức lành, lời nguyện ấy của Ngài đã được viên mãn.
Sau này, ngày càng có nhiều thiện nữ khởi lòng tôn kính xuất gia vào Tăng đoàn của Đức Thế Tôn. Nhờ sự giáo giới của Ngài, đã có thêm nhiều vị bước chân vào ngôi nhà của các bậc Thánh.
St.
________________
Hoang Nguyen gởi