Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
 
TÔN GIẢ ĀNANDA VIÊN TỊCH NIẾT BÀN




 


Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, Tôn giả Ānanda tiếp tục trụ thế 40 năm để làm chỗ nương tựa tinh thần cho hàng tứ chúng đệ tử. 
 
Đến năm được 120 tuổi, Tôn giả thấy thời điểm ra đi đã đến. Vị thị giả nay chuẩn bị bước theo chân Đức Thế Tôn đi về Niết Bàn.
 
Theo bản chú giải Pháp Cú Kinh (Dhammapadaṭṭhakathā), Tôn giả Ānanda một hôm nọ lần hồi đi đến bờ sông Rohiṇī.
 
Ở hai bên bờ sông là nơi cư trú của hai dòng tộc nội và ngoại của Tôn giả: dòng tộc Sakyans và dòng tộc Koliyans.
 
Ở đó, Tôn giả Ānanda bay lên giữa hư không và nhập thiền đề mục về lửa.
 
Ngọn lửa tam muội từ nơi thân Ngài xuất hiện, hỏa táng phần nhục thân, phần còn lại Xá Lợi rơi xuống ở hai bên bờ sông.
 
Ngay lúc đó, quả địa cầu rung động mạnh, chuyển động mạnh cả bảy lần để báo hiệu sự kiện viên tịch Niết Bàn của một vị đại đệ tử Phật.
 
Một ngôi sao sáng vụt tắt trên bầu trời Phật Pháp!
 
Tôn giả Ānanda ra đi an nhiên tự tại như trong lời kinh Ratana Sutta, kinh Châu Báu:
 
“Nghiệp lực cũ đã chấm dứt, nghiệp lực mới không phát sanh, tâm của chư vị không ưa thích việc tái sanh trong tương lai.
 
Hạt giống đã bị phá hủy, lòng tham muốn đời sống không còn nữa, bậc trí như vậy thường viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy”.
 
Hai dòng tộc Sakyans và dòng tộc Koliyans ở hai bên bờ sông Rohiṇī kính cẩn đón nhận Xá Lợi của Tôn giả Ānanda và xây dựng ngôi bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi của bậc thánh nhân cao quý.
 
Di sản tinh thần mà Tôn giả Ānanda để lại cho đời sau quả thật là vô giá!
 
Danh xưng của Ngài là lời mở đầu cho toàn bộ kinh điển nhà Phật: “Evaṃ me sutaṃ”, Như vầy tôi nghe.
 
Chúng ta ngày nay còn có duyên may đọc được các bản kinh Phật là nhờ vào trí nhớ siêu việt của Tôn giả Ānanda.
 
Một cách cụ thể hơn, có thể lược kể các bài kinh do chính Tôn giả Ānanda thuyết giảng như sau:
 
1. Bài kinh Aṭṭhakanāgara Sutta, Trung Bộ Kinh bài kinh số 52: bài kinh ghi lại lời giảng của Tôn giả Ānanda về 11 cánh cửa dẫn tới pháp Bất Tử.
 
2. Bài kinh Sekha Sutta, Trung Bộ Kinh bài kinh số 53: do lời yêu cầu của Đức Thế Tôn, Tôn giả Ānanda đã giảng về con đường thực hành của bậc thánh nhân hữu học.
 
3. Bài kinh Ānandabhaddekaratta Sutta, Trung Bộ Kinh bài kinh số 132: một phiên bản của bài kinh Bhaddekaratta Sutta, nói về pháp sống trong hiện tại.
 
4. Bài kinh Gopakamoggallāna Sutta, Trung Bộ Kinh bài kinh số 108: Tôn giả Ānanda giải thích cho Bà la môn Gopaka Moggallāna về cách thức Tăng đoàn duy trì sự đoàn kết sau khi Đức Thế Tôn viên tịch.
 
5. Và các câu kệ ngôn của chính Tôn giả Ānanda được ghi lại trong tập kinh Trưởng Lão Tăng Kệ thuộc Tiểu Bộ Kinh.
 
Mẫu y cà sa của Chư Tăng được thiết kế bởi chính bàn tay khéo léo của Tôn giả Ānanda. 
 
Ngài đã mô phỏng theo hình dáng bờ ruộng của các thửa ruộng ở xứ sở Magadha để tạo dáng cho chiếc huỳnh y.
 
Truyền thống tụng kinh Paritta cũng xuất phát từ nơi Tôn giả khả kính. 
 
Tôn giả Ānanda vừa rải nước thánh từ chiếc bình bát của Đức Thế Tôn, vừa đọc tụng bài kinh Ratana Sutta xung quanh thành Vesāli, giúp cho mọi dịch bệnh đều tiêu trừ.
 
Tôn giả Ānanda còn được nhớ đến với cội đại thọ bồ đề Ānanda nơi ngôi Tịnh Xá Kỳ Viên ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. 
 
Truyền thống lễ bái, cúng dường cội bồ đề xuất phát từ cội đại thọ bồ đề Ānanda nầy.
 
Giờ đây, tất cả chúng ta hãy cung kính đi vòng quanh cội đại thọ bồ đề lịch sử và đọc lên lời kệ ngôn cúng dường Tôn giả Ānanda:
 
“Vị Tôn giả khả kính đã nhập vô dư Niết Bàn
 
Ngài là bậc thánh nhân đa văn đệ nhất
 
Bậc gìn giữ kim ngôn mỹ từ của Đức Thế Tôn ở trong tâm
 
Tôn giả là hiện thân cho ánh sáng Phật Pháp, xóa tan màn đêm vô minh
 
Bậc Tôn giả luôn kiên định với vai trò phục vụ Giáo Hội
 
Bậc thầy của trí huệ, tỉnh giác, sống chuyên cần và an tịnh
 
Đó là Tôn giả Ānanda khả kính, ngôi Tàng Kinh Các của Pháp Bảo”.


_________________


Hoang Nguyen gởi