TÔN GIẢ NI ĐÀM MA ĐỀ NA (DHAMMADINNA) ĐỆ NHẤT THUYẾT PHÁP NI ĐOÀN
II. XUẤT GIA
Một hôm, trưởng giả Visakha đến tinh xá Trúc Lâm nghe Pháp và chứng được Tam quả A Na Hàm. Khi trở về, phu nhân Đàm Ma Đề Na niềm nở ra đón. Thế nhưng, Ngài không đỡ lấy tay phu nhân như thường ngày, chỉ lặng lẽ bước lên lầu rồi tìm một nơi an tĩnh tọa thiền. Tới giờ cơm, Ngài cũng không nói một lời. Phu nhân lấy làm lạ, liền đến bên chồng ân cần thưa hỏi:
- Thưa phu quân, hôm nay Ngài không nói chuyện, phải chăng thiếp đã làm điều gì sai khiến Ngài phiền lòng?
Vị trưởng giả nhẹ nhàng đáp:
- Này Đàm Ma Đề Na, phu nhân là người phụ nữ đoan chính, đức hạnh, luôn chu đáo vẹn toàn mọi việc. Ta vẫn luôn thương mến và quý trọng phu nhân vì điều đó. Chẳng có gì ở phu nhân khiến ta phiền lòng cả. Nhưng này Đàm Ma Đề Na, có lẽ từ giờ chúng ta chỉ nên sống như hai người bạn.
Phu nhân Đàm Ma Đề Na ngạc nhiên vô cùng. Ngài nghẹn ngào không nói nên lời. Nhưng ngắm nhìn chồng, Ngài thấy gương mặt của phu quân vẫn bình thản điềm đạm, ánh mắt vẫn hiền hòa chỉ có điều không còn trìu mến như trước nữa.
- Thưa phu quân, phải chăng đã có chuyện gì… xin Ngài hãy bày tỏ ...
Ngài Visakha ôn tồn giải đáp:
- Này phu nhân, sáng nay khi được nghe Đức Thế Tôn giảng Pháp, ta đã thực sự bừng tỉnh. Ta trân trọng tình nghĩa vợ chồng bấy lâu, cũng xin cảm ơn phu nhân bao năm nay vẫn cùng ta chia sẻ. Nhưng giờ, ta xin phép phu nhân được kết thúc mối duyên này. Bởi giờ đây tâm ta chỉ còn lại sự thanh lương, trong sáng. Ta không còn lưu luyến tình cảm vợ chồng hay bất kỳ luyến ái thế gian nào nữa.
- Vậy . vậy… thiếp phải làm sao? – Phu nhân ấp úng, rơm rớm nước mắt.
- Này phu nhân, tài sản của gia đình mấy trăm triệu đồng vàng, ta để lại cho phu nhân tùy nghi sử dụng. Phu nhân có thể trở về nhà cha mẹ thân sinh của mình hoặc có thể đi đâu, làm gì mà phu nhân cho là thích hợp.
Trong lúc Ngài Visakha nói, Ngài Đàm Ma Đề Na chợt nhớ đến hình ảnh của Ni đoàn, trang nghiêm, từ ái, và thanh tịnh. Bỗng nhiên trong lòng Ngài dâng tràn niềm xúc động khôn tả. Duyên xưa đã đến, phu nhân thấy mình như có một sức mạnh kỳ lạ thúc giục. Ngài cất lời nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:
- Thưa phu quân, thiếp cảm ơn Ngài đã nghĩ cho thiếp. Nhưng thiếp cũng xin không thừa hưởng gia tài ấy. Giờ đây, thiếp đã thấu hiểu lời dạy của Đức Thế Tôn. Thiếp xin được xuất gia. Xin Ngài hãy đồng ý.
Trưởng giả Visakha vô cùng bất ngờ, nhưng nhìn ánh mắt kiên định của phu nhân, Ngài mừng rỡ và lập tức đồng ý:
- Thật là phúc duyên may mắn khi cả hai chúng ta đều cùng chung chí hướng. Vậy ngày mai, phu nhân hãy lên đường tới xin được xuất gia vào giáo đoàn của Đức Thế Tôn như ý nguyện.
Sáng hôm sau, phu nhân Đàm Ma Đề Na bỏ lại hết trang sức quý giá, khoác lên mình chiếc y thô đơn màu giản dị. Đức vua Bình Sa, vốn có mối giao hảo thân thiết với gia đình, khi hay tin đã rất hoan hỷ và cùng thân tộc tới dự lễ xuất gia. Đức vua còn ra lệnh cho kiệu vàng tới đón phu nhân đến tinh xá. Buổi lễ diễn ra vô cùng trang trọng, Đức Thế Tôn uy nghi ngự trên pháp tòa, các vị Trưởng lão Tăng và bên Ni đã tề tựu đông đủ. Trước sự chứng minh của đại chúng, Ngài Đàm Ma Đề Na chính thức trở thành vị Tỳ kheo Ni trong Ni đoàn, sống cuộc đời thanh bai, phạm hạnh với ba y một bát.
Trích " Thánh Độ Mạng ( TÔN GIẢ NI ĐÀM MA ĐỀ NA (DHAMMADINNA) )
----------------------+------------------
TÔN GIẢ NI ĐÀM MA ĐỀ NA
(DHAMMADINNA)
ĐỆ NHẤT THUYẾT PHÁP NI ĐOÀN
III. CHỨNG ĐẠO
Sau khi xuất gia, Ngài Đàm Ma Đề Na tìm đến một tinh xá ở gần một ngôi làng vắng người cạnh khu rừng Kalandaka Nivapa để nhập thất tu hành.
Từ đó, Ngài chuyên chú giữ gìn tam nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, cẩn thận trong từng điều nhỏ nhặt. Tôn giả tinh cần quán xét từng giờ từng phút. Hành động và lời nói phải chuẩn mực và tinh tế bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chúng sinh. Chính từ đây, vô số nghiệp duyên và phước tội được hình thành. Một cử chỉ thiếu oai nghi, một câu nói lỡ lời sẽ khiến người khác hiểu lầm, gây nên phiền muộn và từ đó mất đi duyên lành với chánh Pháp.
Tâm ý tuy vô hình nhưng lại là gốc của lời nói và hành động. Tâm ý cao thượng có thể đưa chúng sinh lên cõi trời vinh quang, đạt tới những quả Thánh vi diệu, phi thường. Trái lại, ý nghĩ ác độc, si mê sẽ đọa đày chúng sinh trong địa ngục thẳm sâu tăm tối. Một suy nghĩ vi tế nhớm khởi, luật Nhân quả công bằng tuyệt đối đã vận hành.
Ngài thận trọng thanh lọc ý nghĩ của mình đến sạch trong hoàn toàn. Từng ý niệm đều được đối chiếu với lời dạy của Đức Thế Tôn và dứt khoát diệt trừ nếu đó là suy nghĩ sai. Nhờ công đức tu hành sâu dày trong quá khứ, một thời gian sau, tâm hồn Ngài tràn đầy những ý nghĩ thiện lành và niềm tôn kính dâng lên Đức Thế Tôn cùng với lòng từ bi hướng về chúng sinh vô bờ bến. Ngài nhanh chóng đạt được đời sống phạm hạnh và thâm nhập vào các tầng bậc thiền định.
Ba tháng trôi qua, vào một buổi chiều, Tôn giả Đàm Ma Đề Na an tĩnh tọa thiền trong mái am nhỏ. Ngài an trú toàn thân, quán chiếu sự vô thường của thân, biết rõ từng hơi thở đều đặn ra vào.
Khi trăng vừa lên, am thất nơi Tôn giả đang tọa thiền chợt bừng sáng. Không gian tĩnh lặng, một vầng hào quang rực rỡ xuyên qua vách tường nứa, chiếu rọi vào trời đêm thăm thẳm. Khoảnh khắc đó, Tôn giả Đàm Ma Đề Na đã chứng ngộ Thánh quả A La Hán, đồng thời đạt được năng lực “Tứ Vô Ngại Giải”.
Trích Thánh Độ Mạng TÔN GIẢ NI ĐÀM MA ĐỀ NA
(DHAMMADINNA)
__________________
Hoang Nguyen gởi