Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 

TÔN GIẢ NI KHEMA ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ


III. ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ

Mọi vị A La Hán đều đạt được trí tuệ giải thoát tột cùng, phủ trùm pháp giới. Tuy nhiên, Tôn giả Khema được mệnh danh là Đệ Nhất Trí Tuệ bởi Ngài có khả năng thấu hiểu mọi điều trong ba cõi. Từ những kiến thức của thế gian đến bất kỳ điều gì được nói ra bởi trời, người hay quỷ thần. Ngài thâm nhập giáo Pháp của Đức Như Lai và còn có thể tùy theo căn cơ mà giảng giải. Không phải chúng sinh nào cũng đủ căn để tin hiểu và chấp nhận được những điều sâu xa vi tế trong giáo Pháp. Vì thế, Ngài thường dùng những hình ảnh và ví dụ gần gũi để khéo diễn tả tất cả những điều trừu tượng, khó hiểu. Nhờ vậy mà rất nhiều chúng sinh cảm phục và hoan hỷ tu hành theo chánh Pháp.

Đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: “Trong các vị nữ đệ tử của Như Lai có đại trí tuệ, tối thắng là Tỳ kheo Ni Khema".

Câu chuyện với vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) dưới đây minh chứng cho trí tuệ tối thắng của Tôn giả.

Thuở ấy, Tôn giả Khema đang giáo hóa ở vùng Toranavatthu, nước Kiều Tát La (Kosala). Vua Ba Tư Nặc vi hành đến xứ Sa Kỳ (Saketa) để nắm rõ tình hình dân chúng nơi đây. Trên đường từ Sa Kỳ quay về kinh thành Xá Vệ (Savatthi), Nhà vua đi qua Toranavatthu và dừng chân nghỉ lại một ngày. Dù thời gian ít ỏi, vua vẫn bảo người cận vệ đi tìm một vị sa môn hoặc một vị Bà la môn đáng kính để Ngài có thể yết kiến và học hỏi. Một lúc sau, người cận vệ quay về bẩm báo:

- Thừa Đức vua, con đã đi tìm hết mọi nẻo đường và thấy rằng ở xứ này không có vị sa môn hay vị Bà la môn nào cả. Nhưng đặc biệt có Tôn giả Khema là đệ tử của Đức Thế Tôn đang du hóa tại đây. Tôn giả nổi danh khắp nơi về trí tuệ quảng bác, Pháp học và Pháp hành thâm sâu. Ngài còn là một luận giả vô cùng tài ba.

Nghe vậy, vua Ba Tư Nặc mừng rỡ:

- Tốt lắm! Hãy mau dẫn đường đưa ta đến đảnh lễ Tôn giả Khema.

Theo lời chỉ dẫn tận tình của người dân, vua nhanh chóng đi đến được nơi Tôn giả Khema đang tu hành. Trước mắt Nhà vua là một nữ tu sĩ giản dị bình lặng trong tấm y màu nâu sậm. Ngài mang vẻ đẹp thanh cao thoát tục và trong từng ánh nhìn chứa đựng lòng từ bi và trí tuệ khôn cùng. Đức vua thành kính quỳ xuống cúi lạy Tôn giả Khema. Ngay lúc ấy, trong lòng vua khởi lên ý định muốn nhân cơ hội này để được Tôn giả giải đáp điều mình đã băn khoăn thắc mắc bấy lâu nay. Một câu hỏi cực kỳ hóc búa đã khuất phục tất cả những đại thần, những bậc trí giả, những tu sĩ giáo phái khác...

Nhà vua bắt đầu hỏi:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài hãy cho con biết, Thế Tôn có tồn tại sau khi nhập Niết Bàn không? -

Nghe vậy, Tôn giả Khema khẽ mỉm cười. Tôn giả thấu hiểu rằng, Nhà vua cũng như muôn người khác vướng mắc trong câu hỏi này cũng chỉ vì sự vị kỷ ngự trị trong tâm. Họ lo sợ rằng dù mình có tu hành rốt ráo nhưng đến khi Đấng Đại Giác nhập Niết Bàn thì sẽ chẳng còn ai để nương tựa nữa.

Trước sự nôn nóng của Nhà vua, Tôn giả Khema nhẹ nhàng trả lời:

- Thưa Đại vương, Thế Tôn không nói: “Như Lai có tồn tại sau khi nhập Niết Bàn”.

- Thưa Tôn giả, thể là Thế Tôn không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn

- Thưa Đại vương, Thế Tôn cũng không nói: “Như Lai không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn”.

- Thưa Tôn giả, vậy phải chăng Thế Tôn vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn?

- Thưa Đại vương, Thế Tôn cũng không nói: “Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn”.

Sau mỗi câu hỏi dồn dập, Tôn giả Khema lại từ tốn đáp lời như thế. Bởi Ngài hiểu Đức Thế Tôn cũng không muốn chúng sinh luẩn quẩn trong những câu hỏi huyền hoặc. Việc tranh luận những câu hỏi giống vậy chỉ làm hao tổn thân tâm, gây phiền não, mê muội. Đồng thời cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho việc tu hành chấm dứt luân hồi khổ đau.

Thế nhưng Nhà vua vẫn chưa dừng lại, dứt khoát hỏi cho đến tường tận gốc rễ của vấn đề:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài hãy cho con biết, cớ sao Thế Tôn lại không nói bất cứ điều gì về vấn đề này?

Tôn giả Khema nhìn Nhà vua, lòng đầy thương cảm. Nếu vua cứ giữ mãi những câu hỏi ấy không chịu buông xả, muốn tìm đến tận ngọn nguồn thì sẽ rơi vào cố chấp, tà kiến, lạc trong mê lộ không thể tìm thấy lối ra...Với lòng bi mẫn, Tôn giả mong muốn tháo gỡ hết khỏi tâm Nhà vua những điều hỗn tạp ấy. Trước tiên, Ngài hỏi ngược lại vua Ba Tư Nặc:

- Thưa Đại vương, giờ ta sẽ hỏi Ngài vài điều. Đại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời ta như vậy. Đại vương nghĩ xem, liệu có ai thông minh đến mức có thể đong đếm được có bao nhiêu hạt cát ở bên bờ sông Hằng hay chăng?

Đức vua trả lời:

- Thưa Tôn giả, thực không có người nào làm được điều này.

- Thưa Đại vương, liệu có ai thông minh đến mức đong đếm được có bao nhiêu giọt nước ở đại dương hay chăng?

- Thưa không, thưa Tôn giả.

- Vì sao lại như vậy?

- Thưa Tôn giả, bởi vì đại dương là bao la sâu thẳm, vô cùng tận.

Sau khi dẫn dắt vua Ba Tư Nặc đến sự hiểu biết ấy, Tôn giả Khema kết luận rằng:

- Đại vương hãy biết rằng, Đức Thế Tôn cũng như đại dương bao la sâu thẳm, vô cùng tận. Người vượt ngoài mọi đo lường hữu hạn của thế gian.

- Nếu có ai muốn hiểu Thế Tôn qua sắc thân, cảm thọ, qua các tưởng, các hành, các thức thì sớm muộn cũng đi vào bế tắc. Bởi Đức Thế Tôn đã đoạn tận tất cả sắc thân, cảm thọ, các tưởng, hành, thức ấy giống như cắt lìa gốc rễ của cây sa la, làm cho nó không thể sanh khởi trong tương lai được. Vì vậy, không thể tìm thấy và cảm nhận bản thể của Đức Thế Tôn nơi những thuộc tính danh sắc ấy.

- Này Đại vương, nếu có ai nói rằng Thế Tôn tồn tại hay không tồn tại, hay vừa tồn tại hay vừa không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn đều không phải là tri kiến đúng đắn.

Đức vua hoan hỷ tín thọ lời giải thích thâm sâu của Tôn giả. Sau đó, nhân một lần khác đến thăm Thế Tôn, vua hỏi lại những câu hỏi như thế. Thế Tôn đã trả lời với ngôn từ và ý nghĩa đúng y như Ngài đã được nghe từ Tôn giả Khema. Đại vương Ba Tư Nặc không khỏi kinh ngạc. Ngài kể lại cuộc đàm luận với Tôn giả Khema cho Đấng Đại Giác và không ngớt lời tán thán bậc Thánh Ni có trí tuệ tối thắng trong giáo đoàn của Đức Bổn Sư.

St

_________________


Hoang Nguyen gởi