TÔN GIẢ NI XA CÂU LÊ (SAKULA) THIÊN NHÃN ĐỆ NHẤT NI CHÚNG
II. ÁNH SÁNG CHÁNH PHÁP
Một ngày, kinh thành Xá Vệ bỗng nhiên tưng bừng như mở hội. Dân chúng từ khắp nơi đổ về, nô nức tới dự buổi lễ khánh thành tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Nằm ngay cạnh trục đường chính phía ngoại thành, đây là ngôi đại tự kỳ vĩ, mang tầm vóc bậc nhất thời bấy giờ. Người ta kể rằng trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) sẵn sàng dùng hàng triệu miếng vàng lát đầy mặt đất để mua lại khu vườn từ Thái tử Kỳ Đà (Jeta), xây dựng tinh xá cúng dường lên Đấng Giác Ngộ đến từ vương quốc Sakya. Dù vậy, đây mới là dịp đầu tiên dân chúng Xá Vệ có cơ hội được chiêm ngưỡng dung nghi của Người.
Thời khắc thiêng liêng đã đến, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn bước tới uy nghiêm chói lọi như vầng mặt trời. Trong đám đông đang quỳ dọc hai bên lối đi, Ngài Xa Câu Lê cũng xúc động đảnh lễ năm vóc sát đất.
Sau đó, Đức Thế Tôn tuyên Pháp. Lời Pháp vang lên trầm hùng. Trên thế gian có bốn nơi đáng để cư trú, đó là: nơi có tình yêu thương, nơi có chánh Pháp được tuyên giảng, nơi có bậc Thánh cùng sinh sống và cuối cùng là Niết Bàn tịch lặng. Niết Bàn là nơi hạnh phúc tối thượng, vượt thoát khỏi mọi khổ đau sinh tử. Chỉ những bậc xuất gia, chứng đạt trí tuệ thù thắng mới có thể đạt đến Niết Bàn.
Ngài Xa Câu Lê suy ngẫm lại cuộc đời thấy thấm thía vô cùng. Từ nhỏ đến giờ, Ngài được bảo bọc trong nhung lụa phú quý, thoáng qua tưởng là may mắn ven toàn nhưng chẳng phải như vậy. Đó chỉ là vẻ hào nhoáng bề ngoài, còn chung quanh Ngài vẫn hiển hiện bao nỗi đau khổ của mọi người. Sự mưu toan, ích kỷ, tranh giành quyền thế, phân biệt thứ lớp sang hèn, những nỗi lo âu vất vả của những người gia nhân phụ việc...
Ngài Xa Câu Lê phát khởi tín tâm sâu sắc, thấy rõ rằng chỉ có trong thiện Pháp của Đức Thế Tôn mới có được hạnh phúc chân thật. Từ đó, Ngài trở thành một tín nữ thuần thành, thường hay tới tinh xá để cúng dường và học hỏi đạo lý từ chư vị Tăng Ni.
IV. THIÊN NHÃN ĐỆ NHẤT
Sau khi xuất gia, Tôn giả Xa Câu Lê được những bậc Trưởng lão chỉ dạy về thiền định và các oai nghi tế hạnh của một Tỳ kheo. Ngài tu hành tinh tấn và rất nghiêm mật.
Không bao lâu sau, vào một đêm cô tịch, Tôn giả an trú dần vào trong các tầng thiền định. Đến nửa đêm, trí tuệ bừng tỏ phá tan màn vô minh, Ngài chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.
Do nhân duyên nhiều đời, Thiên nhãn của Ngài đạt được năng lực thù thắng, chiếu rọi cùng khắp đến vô lượng vô biên thế giới.
Giây phút đó, Ngài hướng tâm về khoảng không gian vô tận trên bầu trời. Trong tức khắc hiện ra vô số những tinh vân, thiên hà, hàng tỷ tỷ ngôi sao sáng lấp lánh... cả vũ trụ như nằm trọn trong một tia nhìn sâu thẳm. Ngài thấy nơi đâu cũng có sự hiện diện của chúng sinh. Từ các hành tinh xa xôi, biển cả bao la, đồi núi điệp trùng đến những sa mạc hoang vu nắng cháy... Đến cả một giọt nước li ti cũng chứa đựng cả thế giới của ngàn vạn sinh vật nhỏ bé. Sự sống vô cùng đa dạng, phong phú, ngập tràn trong pháp giới. Thế nhưng, nỗi khổ đau cũng tràn ngập bủa vây lấy cuộc đời chúng sinh.
Ngài hướng về sự lưu chuyển của chúng sinh trong luân hồi sinh tử. Từ các tầng trời, cõi quỷ thần, cõi người đến súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, tất cả đều theo nghiệp duyên thiện ác mà chiêu cảm. Ai biết tu hành, làm việc thiện thì được quả báo lành, sinh về nơi hạnh phúc an vui. Ai làm ác thì phải chịu khổ đau, thậm chí phải đọa đày trong địa ngục chịu sự tra tấn khủng khiếp để đền tội. Luật Nhân quả quyết định tất cả, công bằng tuyệt đối, không chừa một ai.
Bằng Thiên nhãn siêu tuyệt, Tôn giả nhìn sâu trong tâm của chúng sinh, thấy được tới những nhân quả vi tế sâu xa. Cùng một hành động nhưng chỉ sai khác nhau trong đường tơ kẽ tóc, một ý niệm thầm kín cũng dẫn đến những quả báo cách nhau một trời một vực. Có người bố thí, cúng dường nhưng khởi tâm tiếc rẻ nên được quả báo giàu sang nhưng đời sống cực kì hà tiện, kham khổ. Có kẻ làm điều thiện nhưng không xuất phát từ đạo đức, nên khi phước báo thành tựu thì bản ngã cũng lớn theo, đầy mưu toan ích kỷ rồi phải chịu đau khổ ở kiếp sống sau. Cũng có người làm việc tốt nhưng không kiên trì, trong một lúc nóng nảy rũ bỏ tất cả thì đời sau đang thành công bỗng chốc bị đổ vỡ... Mọi cảnh đời sai biệt đều do các nhân đã gieo mà thành.
Thế nhưng, dù chúng sinh có được hưởng phước báu nơi cõi trời vinh quang tột bậc rồi cũng chỉ là vô thường, mong manh, tạm bợ. Cuối cùng, vẫn lại là khổ đau. Vô lượng kiếp, hết kiếp này đến kiếp khác, chúng sinh đã chết đi rồi lại tái sinh không biết bao nhiêu lần, cứ thế lẩn quẩn trong các cõi. Chúng sinh trôi lăn trong sinh tử, ngụp lặn giữa dòng nghiệp quả mà không biết lối ra. Chỉ những ai may mắn được chỉ dạy và tu hành theo chánh Pháp của Đức Phật mới có con đường cao thượng để hướng về và cuối cùng sẽ đến được bến bờ hạnh phúc.
Thiên nhãn của Ngài là cực kỳ vi diệu, không thể nghĩ bàn. Với lòng từ bi bao la của một vị A La Hán, Ngài đã dùng Thiên nhãn ấy để phổ độ vô số chúng sinh trong khắp pháp giới. Vì vậy một lần, giữa hội chúng rất đông các vị Tỳ kheo, Đức Thế Tôn đã tán thán:
“Trong các đệ tử Ni của Như Lai, thành tựu Thiên nhãn đệ nhất, nhìn khắp không trở ngại, chính là Tỳ kheo Ni Xa Câu Lê”.
Cách đây hơn một trăm nghìn đại kiếp, thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa,
Ngài đã phát lên lời nguyện chí thành để thành tựu Thiên nhãn tối thắng và được Đức Phật thọ ký. Từ đó, trong các kiếp tái sinh, lúc nào Ngài cũng làm vô số công đức lành cúng dường và hỗ trợ Tam Bảo. Ngài tu hành, giữ giới hạnh thanh tịnh, cúng dường đèn nến thắp sáng tháp thờ Đức Phật, không quản ngại vất vả mang ánh sáng đến cho mọi người, luôn quan sát tinh tế trong từng điều nhỏ nhặt và luôn giúp đỡ, không bỏ bất kỳ một nỗi khổ nào của chúng sinh một khi đã trông thấy qua
Nhờ công đức ấy, nhiều đời nhiều kiếp Ngài lúc nào cũng được sống trong cảnh hạnh phúc. Nếu tái sinh trong cõi trời thì đạt được Thiên nhãn thù thắng, nếu sinh vào cõi người thì có đôi mắt rất đẹp và phước báu luôn có được ánh sáng đầy đủ, không bao giờ phải chịu cảnh tối tăm.
Trích "Thánh Độ Mạng TÔN GIẢ NI XA CÂU LÊ (SAKULA)"
__________________
Hoang Nguyen gởi
