TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA THUYẾT PHÁP ĐỆ NHẤT
II. ĐỆ NHẤT THUYẾT PHÁP
Một người có thể đến với đạo qua nhiều cánh cửa, và bước qua cánh cửa đó sẽ là cả thế giới đạo lý bao la. Chỉ có thâm hiểu, thực hành giáo pháp một cách chuẩn mực, vượt bao chướng ngại không nản lòng, mới có hi vọng một ngày chạm tay bầu trời giải thoát giác ngộ.
Muốn giúp một người hiểu được giáo Pháp, thì dùng lời nói để giảng dạy, khuyên nhủ là chủ yếu. Đức Phật cũng vậy, dù cho thần lực phủ trùm pháp giới, cả đời Ngài lúc nào cũng kiên nhẫn trình bày, giải thích, phân tích, lý luận để thuyết lên những bài Pháp giá trị muôn đời.
Bởi vậy, công đức thuyết giảng là vô cùng to lớn. Vị nào có khả năng thuyết giảng đúng Chánh Pháp, lay động tâm hồn chúng sinh sẽ là người giữ gìn và xiển dương Phật Pháp. Trong các vị Thánh Tăng đệ tử, Đức Phật tán thán Tôn giả Phú Lâu Na là “Đệ Nhất Thuyết Pháp”.
Khi mới chứng đạo, Tôn giả trở về quê hương Ca Tỳ La Vệ, bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp thiêng liêng. Chỉ một thời gian ngắn, Ngài đã hóa độ cho hơn năm trăm thiện nam tử phát tâm rời bỏ thế tục, khước từ những mời gọi của hương sắc cuộc đời để xuất gia trong ngôi nhà của Như Lai. Sau này, cũng chính Ngài đã thuyết Pháp giúp Tôn giả A Nan (Ananda) chứng ngộ.
Rời đất nước Sakya, bước chân du hóa của Tôn giả không còn biên giới, in dấu ấn trên khắp các vùng miền, xứ sở. Ngài đi về phía bắc sông Hằng, đến kinh đô Xá Vệ (Savathi) trù phú thuộc vương quốc Kiều Tát La (Kosala), rồi lại ngược lên phía đông bắc, ghé thăm những tiểu quốc, tới cả những bộ tộc thiểu số dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) trùng điệp. Có khi Ngài băng qua cao nguyên Tarai hùng vĩ, vượt dòng sông Hằng nước chảy cuồn cuộn, để bước vào xứ sở Kosambi với những cánh đồng lúa trải rộng bát ngát. Tiếp tục, Tôn giả xuôi dọc theo bờ sông về phía Đông, về lại Thánh tích vườn Lộc Uyển tại Benares, tới Uruvela và Gaya ở gần Rajagaha (Vương Xá)...
Chỉ cần còn một nơi nào đó người dân còn chưa biết đến luật Nhân Quả, đến Đức Thế Tôn và con đường giác ngộ cao quý thì Tôn giả sẽ vẫn không ngừng nghỉ. Trái tim của một người đầy ắp tình thương luôn giục giã đôi chân Ngài bước tới. Trong những giảng đường rộng lớn trang nghiêm, dưới bóng của một tàng cây cổ thụ, giữa khu phố thị ồn ào náo nhiệt, trên một gò đất cao nổi giữa thảo nguyên... Nơi đâu người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh một vị giảng sư phúc hậu, giản dị với chiếc bình bát trên tay, tuyên Pháp âm làm thức tỉnh biết bao thính chúng.
Hội chúng của Tôn giả lúc nào cũng đông đảo. Chỉ cần biết tin Ngài thuyết giảng là thính chúng sẽ tự nhiên tìm về len kín chỗ. Có khi chỉ vô tình đi ngang qua, nghe thoáng một đôi lời rồi cũng sẽ thổn thức đứng lại. Người ta bảo nhau rằng ai có con tim, khối óc thì hãy đến để mà nghe, mà thấy. Chư Thiên bay về tụ hội sáng rỡ ngập tràn trên những tầng không, ẩn tàng trong những cụm mây ngũ sắc lơ lửng. Nếu Ngài thuyết Pháp trong rừng thì đến cả chim, thú cũng rung cảm kéo đến. Lời Pháp âm cất lên vang vọng trong không gian, đạo lý cao thượng được tuyên dương rực rỡ như hừng đông cùng khắp, cả đất trời nghiêng mình lắng đọng tâm tư. Ngài trình bày một cách có hệ thống, phân tích thấu đáo, cụ thể, giải thích rõ những nút thắt khó hiểu, lấy những ví dụ gần gũi với cuộc sống, kiên nhẫn giảng giải từng điểm, từng chút đến khi nào chân lý được sáng tỏ, hiển hiện, ghi khắc trong tâm người nghe mới thôi.
Khi Tôn giả nói về Nhân Quả Nghiệp Báo, khung cảnh của một vùng khô cằn, đói nghèo như hiện ra trước mắt. Những đứa trẻ gầy còm, gương mặt quắt queo, đưa ngón tay trơ xương bốc từng hạt cơm rơi vãi. Rồi một sa mạc trải dài mênh mông toàn là gió với cát mù mịt, con người phải đi nhiều dặm đường mới lấy được một chút nước. Họ phải chắt chiu, tranh giành nhau từng giọt. Tiếp tục, lại có những vùng tiếng gươm giáo, la hét vang trời, những ngôi nhà lợp mái rạ bốc cháy, đâu cũng là tán loạn, đâu cũng là bị thương. Máu chảy thành những vũng loang lổ trên đất, tràn cả xuống dòng sông. Thế nhưng, cũng có những cõi giới thật yên bình hạnh phúc, con người sống với nhau trong tình hòa ái, lễ độ. Có cả những cõi trời vinh quang, kỳ diệu, chư thiên tử gương mặt hiền từ, lấp lánh hào quang sáng chói. Tất cả đều là do luật Nhân Quả công bằng tuyệt đối chi phối, tất cả đều được tạo nên từ vô số những nghiệp thiện ác của chính mình.
Ngài lại nói về Thiền định, chỉ có Thiền định mới nâng chúng sinh lên những đẳng cấp của Thánh hiền. Ngồi tư thế kiết già, cảm giác toàn thân, biết rõ hơi thở vào hơi thở ra mà không điều khiển, vị hành giả đẹp như một đóa sen đang khẽ tỏa hương. Ngài phá tan những giới hạn hẹp hòi, ích kỷ với Tứ Vô Lượng Tâm, tình thương trải rộng muôn nơi, thấm vào từng chúng sinh trong pháp giới. Tình thương bao dung được cả chim, thú, cỏ cây, cả những kẻ xấu ác và chúng sinh đang bị đọa đày trong địa ngục khổ đau. Cuối cùng, Tôn giả hướng tất cả đến Đức Thế Tôn muôn ngàn thương kính. Ngài bảo đại chúng bốc một nắm đất lên tay và cảm nhận. Trong nắm đất đó thấm đượm mồ hôi, nước mắt, và cả thân thể mà Thế Tôn đã phủ xuống cõi đất để làm vô lượng công đức cho chúng sinh. Rồi tất cả cùng nhìn về phía đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ, cao vượt tầng mây, quanh năm trắng tuyết, thì nội tâm định tĩnh của Thế Tôn còn bình an hơn triệu lần như thế. Đại chúng hãy lắng nghe những đại dương mênh mông, nơi những cơn sóng hát vang dạt dào đêm ngày không ngừng nghỉ, cũng giống như tình thương của Thế Tôn ôm ấp, che chở chúng sinh. Đức Thế Tôn là vô lượng trí tuệ, vô lượng từ bi, vô lượng ân đức. Chúng con xin dâng hết tâm hồn để theo Người đến tận cùng, tuyệt đối.
Tôn giả lúc nào cũng quan sát căn cơ để giảng giải cho phù hợp với trình độ của chúng sinh. Nhưng dù với một hội chúng đông đảo, đủ mọi loại căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, tâm tình thì bài Pháp của Ngài vẫn dung chứa tất cả, ban tặng cho tất cả, người nào cũng thấy có mình ở trong đó. Trong cùng một thời thuyết giảng mà cũng như chia sẻ với từng người một, người nghèo tìm được ánh sáng để vươn lên, kẻ thức giả thấy hấp dẫn với những điều mới lạ vượt ngoài hiểu biết, người bình dân lại thấy thật dễ hiểu, sinh động. Hội chúng càng đông thì lại càng thiêng liêng xúc động. Có những lúc họ hân hoan đón nhận tin vui đạo lý, lại đôi khi quặn lòng chua xót nhớ lại điều lầm lỗi khi xưa mình đã gây ra, ai đó òa khóc nức nở vì hạnh phúc, ai đó sẽ thề quyết tâm sửa đổi làm lại cuộc đời... Cứ như thế, Ngài dẫn dắt hàng nghìn người theo từng cung bậc cảm xúc, khám phá từ chỗ sâu kín nhất trong cõi lòng đến những điều cao thượng nhiệm màu, khi thì bình yên như tiếng nước chảy bên suối, lúc rộn ràng như chim chóc trong rừng già hát ca, rồi trầm hùng ngân vang như tiếng đại hồng chung cổ kính.
Và khi đạo lý đã thấm đẫm vào từng hơi thở của thính chúng, cõi lòng của họ đã rộng mở đón nhận, thì cuối cùng Tôn giả lúc nào cũng sẽ hướng dẫn họ những phương pháp vô cùng cụ thể, thực tế, kỹ lưỡng để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Không bao giờ bài Pháp của Ngài chỉ là những lý thuyết trôi nổi trên mây.
Khi vân du đến khắp mọi vùng miền xứ sở, tiếp xúc, gặp gỡ với đủ loại phương ngữ, phong tục, tập quán khác nhau thì Ngài cũng tùy thuận nhân duyên mà hóa độ chúng sinh. Tôn giả không dùng một phương pháp nào cố định, Ngài dạy mọi người đạo lý bằng ngôn ngữ của họ, trong thế giới tâm tư của họ. Vẫn là Luật Nhân Quả, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, lòng Tôn Kính Phật... mà Ngài tuyên giảng hiển hiện sáng tỏ, cụ thể ngay trong đời thực, qua những bài hát dân ca, bài thơ truyền miệng, những câu chuyện ngụ ngôn giản dị.
Cuộc sống của một đệ tử Phật có gì đẹp hơn thế, mỗi bước chân đều là nhịp cầu kết nối tình thương của Đức Phật đến từng chúng sinh, mỗi lời nói đều đưa chúng sinh đến gần hơn với niềm an vui giác ngộ, nơi đâu cũng trở thành quê hương, một bóng cây, một mái hiên nhà, một hang động bên sườn núi cũng đều là mái nhà thương quý. Dẫu đôi lúc có gặp phải sự chống đối, hiểm nguy, bất trắc không tránh khỏi, nhưng vị giảng sư từ ái ấy vẫn bình thản với chiếc bình bát và đội chân không mỏi mệt, nhẹ nhàng, nhưng đầy dũng lực vững bước trên con đường hoằng dương Chánh Pháp.
Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Phú Lâu Na đã thành tựu xuất sắc mười phẩm chất của bậc giảng sư lỗi lạc, đó là: thâm hiểu giáo Pháp, giải thích dễ hiểu, hoạt bát, ứng đối không trở ngại, tùy căn cơ mà dùng phương tiện thích hợp, trình bày có hệ thống để người nghe có thể hành trì dễ dàng, tác phong nghiêm túc, cần mẫn nhiệt thành, không thoái chí nản lòng, nhẫn nhục nhưng đầy uy lực.
Tất nhiên, những đức tính như thế không phải nhất thời mà thành tựu. Trong một kiếp xa xưa, Ngài đã quỳ dưới chân Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padmasambhava) mà phát đại nguyện. Đức Thế Tôn cũng tán thán rằng, không phải chỉ riêng trong thời đại của Như Lai, mà Tôn giả đã làm các công đức thuyết giảng Chánh Pháp, gieo duyên lành với chúng sinh từ vô số kiếp. Ngay trong kiếp cuối cùng này, Ngài cũng thường lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ lời Đức Thế Tôn dạy, trân trọng như báu vật và luôn an trú trong đời sống tu hành mẫu mực với giới, định, tuệ. Bởi vậy mà mỗi lời Tôn giả nói ra đều hàm chứa uy lực lay động tâm hồn chúng sinh mạnh mẽ.
Trích Thánh Độ Mệnh TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ (PUNNA MANTANIPUTTA)"
____________________
Hoang Nguyen gởi
