TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ (SUBHUTI)
GIẢI KHÔNG ĐỆ NHẤT
II. GIẢI KHÔNG ĐỆ NHẤT
“Bạch Tôn giả Tu Bồ Đề, chúng con vẫn thường nghe các vị Thánh Tăng ngợi ca Tôn giả là bậc Giải Không đệ nhất. Hôm nay, Tôn giả đã thỏa lòng chúng con mà soi rọi sáng tỏ chỗ sâu xa của nghĩa Không, để chúng con không còn bị lầm đường nữa. Chúng con xin thành tâm tán dương công đức của Người vô cùng ạ”.
– Tác bạch xong, vua trời Đế Thích cùng hàng nghìn Thiên tử, hào quang sáng ngời, chắp tay cung kính hướng về Tôn giả Tu Bồ Đề.
Đó là khung cảnh huy hoàng trên cung trời Tam Thập Tam, tại đây Thế Tôn đã thuyết giảng về Tạng Vì Diệu Pháp suốt ba tháng an cư. Nhân lúc ấy, Tôn giả Tu Bồ Đề xin phép Thế Tôn để được trình bày kiến giải về lý Không của mình. Ngài giải thích lý Không một cách rõ ràng sáng tỏ, giúp nhiều Thiên tử cởi mở được những điểm khúc mắc, chứng đắc thêm những Thánh quả cao hơn. Vì thế, Thiên chúng hân hoan dâng lời cảm thán để tri ân Ngài,
Trong các cổ thư, Đức Phật khen ngợi Tôn giả là “thường vui với lý Không, phân biệt nghĩa Không", nhưng hiếm khi tìm thấy một bài Kinh nào Tôn giả đã đề cập về nghĩa Không vi diệu ấy. Phải đợi đến khi giữa một hội chúng trang nghiêm với các vị Trời tràn đầy uy lực, Ngài mới hiển bày đầy đủ nghĩa lý tột cùng của tính Không.
Đó là bởi, nghĩa Không là đạo lý vô cùng cao thượng và uyên áo, tư duy của phàm phu khó có thể nắm bắt nổi. Tuy nói là “Không” nhưng lại chứa đựng bản chất của mọi điều trong vũ trụ. Dù chỉ một từ “Không” nhưng thiên Kinh vạn quyển của thế gian cũng chưa giải thích hết được. Phải có trí tuệ bao la của một vị Bồ Tát mới thấu đạt sâu xa nghĩa lý ấy mà không lầm lạc, phải gây tạo công hạnh ngập tràn sông núi như Bồ Tát mới xứng đáng hành trì đúng nghĩa lý Không. Lý Không chính là đại lộ thênh thang vô tận để Bồ Tát thăng hoa mãi trên con đường Phật đạo tột cùng cao thượng của mình.
Lần đó, Tôn giả Tu Bồ Đề đã giảng giải nghĩa lý Không trên bốn khía cạnh: Vô thường, trống rỗng, vô sở hữu, vô sở đắc cho chư vị Thiên tử, Bồ Tát.
Bồ Tát khi thị hiện trong muôn nghìn thân phận để giáo hóa độ sinh, sẽ phải đối mặt với các pháp của thế gian như tài sản, địa vị, tài năng, danh vọng, tình cảm, vinh nhục... Các Ngài thấy rõ những điều ấy đều chỉ là mong manh, tạm bợ, không phải là đích đến cuối cùng. Kẻ nào đi tìm hạnh phúc trong đó giống như đang tìm bóng trăng dưới đáy nước. Nhưng vượt hơn thế, Bồ Tát sử dụng phước báu để làm phương tiện đến với chúng sinh. Với các Ngài, có một kho phước lớn cũng là đang gánh một trách nhiệm trĩu nặng trên vai,
Bồ Tát cũng thấy rõ sự vô thường của thân, tâm. Xác thân thì luôn biến đổi theo quy luật sinh, già, bệnh, chết, đã bao lần hết hợp rồi lại tan, như đóa hoa mỏng manh sớm nở tối tàn. Còn tâm như một dòng sông sinh diệt, những ý niệm cứ nối tiếp nhau tuôn chảy bất tận, khiến cho chúng sinh tưởng rằng như có một cái gì đó trường tồn, nhưng kỳ thực tâm cũng vô thường.
Phước đức và trí tuệ của Bồ Tát sẽ dần trở thành tuyệt đối, nhưng các Ngài sẽ đều thấy mình là không tên, không có công lao, không có phước báo, không có sở hữu, không phải là Bồ Tát, không còn cái ta nào cả. Bồ Tát an trú trong lý Không cũng tức là được an trú trong sự khiêm hạ tột cùng.
Lý Không mà Tôn giả Tu Bồ Đề đã giảng giải thật bao la không cùng tận, là điều cao thượng vượt hơn mọi điều cao thượng trên đời. Bởi vậy mà khi Thế Tôn tán thán Tôn giả là “Đệ Nhất Giải Không”, cũng có nghĩa Thế Tôn đang tán thán trí tuệ, công đức tu hành và đức hạnh trong vô lượng kiếp của Ngài. Khi Tôn giả “an vui với lý Không”, cũng tức là Ngài đang từng sát-na âm thầm thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát cứu khổ độ sinh quảng đại.
St.
________________
Hoang Nguyen gởi
