Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT 


II. THỐNG LĨNH TĂNG ĐOÀN

Không một đoàn thể nào trên thế gian có thể sánh được với Tăng đoàn của Đức Phật. Ngay khi bình minh chánh Pháp vừa ló rạng, Tăng đoàn đã trở thành quê hương, là mái nhà quy tụ của những Thánh nhân sáng ngời đức hạnh. Nếu như Đức Phật là vầng dương tỏa nắng, thì Tăng đoàn chính là mảnh đất ươm gieo cho hạt giống giác ngộ nảy mầm. Bởi vậy mà trọng trách Thống lĩnh Tăng đoàn thật thiêng liêng và cao cả. Sự ổn định, phát triển của Tăng đoàn chính là tương lai của Phật đạo. Tôn giả Xá Lợi Phất đã chu toàn nhiệm vụ ấy không một điều khiếm khuyết.

Sau khi đón nhận trọng trách từ Thế Tôn, chiều hôm ấy Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên thả bước dạo quanh một vòng để quan sát. Tinh xá Trúc Lâm đẹp quá, từng căn chòi nhỏ lợp mái rạ nằm đan xen dưới bóng những hàng tre, nắng chiều vàng nhạt, hắt lên dòng sông với những gợn sóng lăn tăn lấp lánh. Thế nhưng trong tương lai, tinh xá sẽ phải đủ quy mô để rộng lòng đón tiếp hàng ngàn thiện nam tín nữ từ khắp mọi miền, cuộc sống sinh hoạt cũng cần thuận tiện hơn để chư Tăng có thể dồn sức cho công phu tu tập. Hai Ngài tiếp tục bước nhẹ nhàng trên các lối đi, mặt đất mềm và mịn nhưng sẽ trở nên lầy lội khi những cơn mưa mùa hạ tìm đến. Ngài Xá Lợi Phất từ tốn bảo:

Thưa hiền huynh, có lẽ chúng ta cần phải sắp xếp lại khá nhiều ạ.

Dạ, hiền huynh cứ đưa ra ý tưởng, tôi sẽ phụ một tay.

Rồi hai Ngài bay lên đứng giữa không trung, Tôn giả Mục Kiền Liên phất cánh tay phải, một lớp đá nhỏ ngay lập tức bay đến lát thành những con đường cao ráo sạch sẽ. Còn Tôn giả Xá Lợi Phất cũng như trở thành một kiến trúc sư tài hoa, cẩn thận thiết kế những bố cục, vị trí, khối hình một cách khéo léo. Ngài đặt mình vào từng nhu cầu thiết thực của mọi người để sắp xếp cho chu đáo cụ thể, rồi lại ngắm nhìn toàn cảnh như đang vẽ lên một tuyệt tác nghệ thuật vào trong lòng thiên nhiên. Những chiếc bàn đá nằm rải rác cạnh các rặng tre để buổi chiều các vị Tỳ kheo có thể ngồi đàm đạo giáo lý. Giảng đường được nới rộng gấp ba lần, phía trên có một tòa ngồi bằng ngọc thạch với mái che. Các căn nhà lá thiền tọa nằm khiêm cung dưới những tàng cây thoáng mát và yên tĩnh. Khu tắm giặt ẩn mình kín đáo bên hồ nước trong xanh, những khóm cỏ hoa xen kẽ điểm xuyết giữa những khoảnh sân, những lối đi kinh hành, những mái hiên nhà xinh xắn. Riêng hương thất của Thế Tôn nằm vừa vặn trên một nền đất cao rộng cạnh một dòng suối nhỏ hát reo, ban ngày thì có khóm tre tỏa bóng, đêm xuống có thể bên ô cửa đón ánh trăng lên. Hôm đó khi chư Tăng trở về, tinh xá Trúc Lâm đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, vừa khang trang đầy đủ nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp đầy giản dị thanh lương.

Sau này, chính Tôn giả Xá Lợi Phất đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Tinh xá nằm trên một khu đất rộng, ven trục đường chính dẫn đến kinh thành Xá Vệ (Savatthi) của vương quốc Kosala. Đó là một nơi vô cùng phồn vinh và thịnh vượng, tập trung nhộn nhịp những hoạt động giao thương, kinh tế, văn hóa, triết học, tôn giáo... của lục địa Ấn Độ xưa. Bằng trí tuệ phi thường, Tôn giả Xá Lợi Phất đã thấy trước tương lai phát triển của Phật Pháp tại nơi đây. Vì vậy, Ngài chỉ huy xây dựng tỉnh xá mang quy mô và tầm vóc bậc nhất thời bấy giờ. Tinh xá bao gồm nhiều khu lớn nhỏ, được phân chia và bố trí hợp lý. Trong đó có đầy đủ các khu giảng đường, nhà hội (nơi hội họp Tăng sự, giáo giới chư Tăng), nhà ăn, nhà khách, bệnh xá, nhà kho, khu vực giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh... tất cả đều tươm tất, gọn gàng. Thời điểm bắt đầu khởi công, Ni đoàn chưa được thành lập. Tuy nhiên, tỉnh xá đã được quy hoạch để chuẩn bị mở rộng xây dựng thêm khu riêng biệt cho các Tỳ kheo Ni. Kiến trúc được thiết kế theo tiêu chuẩn và kỹ thuật tiến bộ với những mái vòm nóc nhọn, những hoa văn trang nhã, những căn phòng vững chãi và sạch sẽ bằng chất liệu mây gỗ và gạch đất nung. Tinh xá dù vô cùng tiện nghi nhưng vẫn rất hài hòa với thiên nhiên. Bên trong rải rác các hồ nước, những dòng suối, các thảm cỏ hoa và đặc biệt được phủ rợp dưới bóng mát của những tàng cây rộng lớn.

Thực tế chứng minh, tinh xá Kỳ Viên đã trở thành trung tâm tu học và hoằng Pháp lớn nhất của Tăng đoàn. Đức Thế Tôn về tinh xá an cư trong 19 mùa kiết hạ. Và cũng tại đây, Người đã thuyết giảng 844 bài kinh, chiếm số lượng lớn trong tam tạng kinh điển.

Tôn giả Xá Lợi Phất đã thổi hồn vào trong nề nếp sinh hoạt của Tăng đoàn. Mỗi buổi ban mai khi sương đã tan dần trên cành lá, các vị Tỳ kheo cũng kết thúc thời tĩnh tọa đầu tiên và bắt đầu chia nhau những công việc lao tác. Có rất nhiều việc: bàn ghế cần được sắp xếp lại ngay ngắn, lá đã rơi đầy trên sân sau một đêm mưa gió, mấy vị đang ốm vẫn chưa khỏe hẳn cần được chăm sóc... Hôm nay Thế Tôn có buổi giảng, những đoàn thiện tín sẽ tìm về đông đảo lấp kín khu giảng đường và đầy trên cả các lối đi, phải có huynh đệ hướng dẫn chăm lo cho họ... Dù vậy, nhờ các việc được phân công khéo léo nên không vị nào bị quá vất vả, vừa có thể giữ sức cho các thời công phu chiều vừa có thể nhẹ nhàng giữ chánh niệm khi lao tác. Bước chân vào tinh xá là hòa mình vào một thế giới nội tâm đầy bình yên và tĩnh lặng. Các vị luôn ân cần hồn hậu, mọi việc được cẩn thận chu toàn mà chẳng ai thấy mình phải gắng sức, người quét lá cũng thấy an nhiên, người bước đi thì đầy thong dong đĩnh đạc. Cứ như thế nề nếp của Tăng đoàn diễn ra đều đặn, nhịp nhàng như hơi thở của thiền.

Khi cuộc sống của Tăng chúng đã ổn định và được tự giác duy trì, thì Tôn giả Xá Lợi Phất lại khéo giấu mình vào những hi sinh thầm lặng, trong sự tận tụy không ngơi nghỉ. Tâm hồn của Ngài luôn đặt vào cả đại chúng. Với tài y lý, Ngài trực tiếp đảm nhận việc thuốc thang chữa bệnh. Trong những mái am nhỏ, dưới bóng của những rặng tre, bên cạnh dòng suối reo, thi thoảng mọi người lại bắt gặp bóng dáng của vị Thượng Thủ đang chăm sóc cho các Tỳ kheo bị ốm. Trong những buổi du hành, Ngài thường không dẫn đầu chư Tăng hoặc ngay sau Thế Tôn mà lại hay ở cuối hàng. hướng mắt dõi theo từng bước chân của chư Tăng đề có thể giúp đỡ các vị khi cần. Do vậy trong một lần Ngài về nơi tạm trú rất trễ và không còn chỗ nằm. Ngài mỉm cười an vui dành tặng nơi nghỉ ngơi tốt nhất cho huynh đệ, phần bản thân mình thì lặng lẽ giăng lều giữa những tán cây, tọa thiền suốt đêm, làm bạn với sao trời và tiếng côn trùng trên đất.

Uy đức của một vị Thượng Thủ đầy trí tuệ, bản lĩnh đã khiến chư Tăng nể phục. Bên cạnh đó, tấm lòng luôn bảo bọc thương yêu đã đưa Ngài trở thành hình ảnh một người anh cả mẫu mực trong Tăng đoàn. Nhờ vậy Ngài đoàn kết Tăng đoàn một cách hiền hòa tự nhiên. Mỗi lời chỉ bảo, hướng dẫn, khuyến tấn đều được chư Tăng lắng nghe và vâng lời trong niềm quý kính.

Lần đó, Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ly khai khỏi Tăng chúng, lôi kéo hơn năm trăm vị Tỳ kheo trẻ tin theo. Hai Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên phải đích thân tới khuyên nhủ. Các Ngài chỉ ân cần bảo ban, không kết tội cũng chẳng trách cứ. Ngài Xá Lợi Phất giảng thêm cho mọi người nghe bài Pháp về Tứ Diệu Đế. Trong đó Ngài khéo léo khơi gợi về sự cao cả của Thế Tôn, về tình gắn bó thiêng liêng giữa chư Tăng rồi lại kiên nhẫn giải thích rõ những điểm đã gây hiểu lầm. Ngài vừa nói mà như vừa thương yêu, bao dung, tha thứ. Với tấm lòng của một người huynh trưởng, Ngài lay động tâm tư cả đại chúng. Các vị Tỳ kheo đều chăm chú lắng nghe, lòng dâng tràn xúc động. Khi thời Pháp kết thúc, Tôn giả nhẹ nhàng lên tiếng:

Bây giờ, những vị nào là đệ tử của Đức Thế Tôn, xin hãy theo tôi trở về.

Cuối cùng, chẳng ai bảo ai, các vị lặng lẽ bước vào hàng theo chân Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên về lại tinh xá. Tăng chúng vẫn luôn mở rộng vòng tay chào đón các vị trở về.

Trích Thánh Độ Mệnh "TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT (SARIPUTTA)

Nam Mô Đệ Nhất Trí Tuệ Thống Lĩnh Tăng Đoàn Xá Lợi Phất Tôn Giả


___________________


Hoang Nguyen gởi