Tôn giáo học so sánh
Thân chào Thuyhac Tran và quý bạn,
Bạn Thuyhac Tran nói các sư Phật giáo thường từ bi, nhưng khá thụ động trước các sự tấn công của các Tôn giáo hãnh tiến, có lẽ vì phần đông các sư quên đi trí tuệ. Nếu thật vậy thì điều này cho thấy các sư ngày nay rất khác với đức Phật Thích Ca khi xưa khi đối diện trước các ngoại đạo xâm thực.
Nói quên đi trí tuệ có thể hàm ý là người Phật tử chưa nắm vững được, cũng như chưa phân biệt được những gì là Chân lý-Đạo đức mà đức Phật đã chỉ dạy, so với Chân lý-Đạo đức của ngoại đạo. Thế nên trên thực tế không ít Phật tử đã phát biểu “Đạo nào cũng vậy!” và xuôi xị, chịu khuất phục trước sự mua chuộc, chỉ trích và lấn áp của các tôn giáo khác.
Việc môn tôn giáo học so sánh (comparative religion) ra đời tại các trường đại học ngày nay là một việc làm rất cần thiết để hiểu biết nhiều hơn về bản chất của các tôn giáo, tác động tiêu cực hay tích cực của tôn giáo đối với con người. Nói chung, nội dung cần so sánh là sự xác định đúng đắn về Chân lý và Đạo đức của các tôn giáo, cho nên chẳng phải “Đạo nào cũng vậy”!
Dưới đây là một vài tìm hiểu về Chân lý và Đạo đức trong các tôn giáo.
1. Chân lý.
Chân lý là nguyên lý thực, là lý lẽ thực, là bản chất thực của vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Đã là Chân lý thì lý lẽ thực này theo nguyên tắc phải xuyên suốt cả hữu hình và vô hình, vượt mọi không gian và thời gian; ở mực tối thiểu, Chân lý này phải nghiệm đúng hiện thực. Tùy tôn giáo mà ta có thể phân biệt:
- Chân lý khách quan [真理客觀; E: objective truth; F: vérité objective]: Thường thấy ở các tôn giáo vô thần. Nhận thức về quy luật Nhân Quả và Vô thường, Vô ngã trong đạo Phật là lẽ thật, mà có lẽ ai ai cũng có thể nhận biết.
- Chân lý chủ quan [真理主觀; E: subjective truth; F: vérité subjective]: Thường thấy ở các tôn giáo hữu thần. Thần linh tối cao thường được gọi là Thượng đế, … là đối tượng mà không một ai thấy biết được, hiểu được, … được tôn giáo hữu thần cho là có thực, là Chân lý mà con người cần phải tôn thờ để được ban ân phúc.
Chân lý là nhận thức dùng để chuyển hóa tinh thần tức nội tâm hay tư tưởng của con người. Không nắm được Chân lý thì khó mà nói tới chuyển hóa. Hơn nữa, tùy theo loại Chân lý mà giá trị của chuyển hóa là cao hay thấp vậy.
2. Đạo đức.
Đạo đức là nguyên tắc hay những tín điều cần làm, ứng xử đối với môi trường xung quanh để được xem là thiện, là tốt ngược lại là ác, là xấu. Đạo đức luôn gắn liền với Chân lý, là ứng dụng của Chân lý vào đời sống thực tiễn. Tùy tôn giáo mà Đạo đức có thể phân biệt là:
- Đạo đức khách quan [道德客觀; E: objective morality; F: moralité objective]: Thường thấy ở các tôn giáo vô thần. Trong Phật giáo, Đạo đức là nguyên tắc khách quan vượt lên không gian và thời gian, nghĩa là thích nghi mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống của con người và vạn vật, nguyên tắc này phát biểu như sau.
“Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện, là lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại người hay hại mình-lợi người hay hại mình-hại người, được xem là xấu, là ác, là dữ.”
Năm giới hay Mười giới căn bản trong đạo Phật là 5 hay 10 ứng dụng cụ thể và có tầm rộng lớn trong đời sống con người, tất cả đều thỏa cho nguyên tắc này. Nói cách khác, nguyên tắc Đạo đức này hàm chứa cả Từ Bi và Trí Tuệ, tức hài hòa hai tính chất của nội tâm là tình cảm và lý trí vậy.
- Đạo đức chủ quan [道德主觀; E: subjective morality; F: moralité subjective]: Thường thấy ở các tôn giáo hữu thần. Đó là những Điều Răn (*) được Thần linh tối cao phán ra, mà con người phải vận dụng tuân thủ để làm đẹp lòng vị Thần linh này, để rồi vị Thần linh sẽ ban cho ân phúc. Những Điều Răn này vì thế gọi là tín điều, đó là những điều mà con người phải tin theo.
Đã là những Điều Răn từ Thần linh, thì con người không được phép thắc mắc luận biện, nghĩa là sự sống của con người và Thần linh chỉ thuần tình cảm, đó là “God is love - 1 John 4:7-21”.
----------
(*) Nội dung đạo đức Ki-tô giáo là Mười Điều Răn.
HT
Đánh đồng hạnh phúc
***
Phần 1
Hạnh phúc
qua nhận thức chân lý và đạo đức của tôn giáo
1. Hạnh phúc.
Hạnh phúc 幸福 có nghĩa là tốt lành và thường được sử dụng dưới 3 dạng:
- Danh từ (E: happiness): Là sự việc tốt lành, đạt được ý nguyện về lượng hay về phẩm của một thang giá trị nào đó đối với một tri giác hay một cảm xúc vui sướng.
Ví dụ: Vì hạnh phúc của bản thân, của xã hội.
- Tính từ (E: happy): Là tốt lành, được tốt lành.
Ví dụ: Gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
- Trạng từ (E: happily): Là (một) cách tốt lành.
Ví dụ: Sống hạnh phúc.
Trong xã hội hiện nay, tôn giáo được xem là một trong các bộ phận của xã hội mưu cầu hạnh phúc cho con người. Hạnh phúc được tôn giáo trao cho con người chủ yếu là nhận thức về chân lý (lẽ thật) – tức vũ trụ quan, và nhận thức về đạo đức (thiện lành) – tức nhân sinh quan.
Thực tế hiện nay trên thế giới, có thể xem như có 2 dạng tôn giáo chính là tôn giáo hữu thần và tôn giáo vô thần. Dưới đây là những nét chính về quan điểm chân lý và đạo đức của các tôn giáo, được xem là con đường dẫn tới hạnh phúc cho con người.
2. Nhận thức chân lý qua các tôn giáo:
2.1. Tôn giáo hữu thần:
Tôn giáo hữu thần gồm tôn giáo độc Thần như Ki-tô giáo, Hồi giáo, … và tôn giáo đa Thần như Ấn giáo. Trong số đó, Ki-tô giáo là điển hình đặc trưng của tôn giáo hữu thần.
Chữ Thần nơi đây có ý nghĩa là một vị Thần linh vô hình tướng, tự hữu và hằng hữu, sinh ra con người và vạn vật – nói gọn là vật thụ tạo. Vị Thần linh này có quyền năng ban cho hạnh phúc hay giáng cho tai họa tùy thích đối với các vật thụ tạo.
Vì thế các vật thụ tạo, mà đặc biệt là con người phải tin một cách tuyệt đối vô điều kiện và phải không ngừng cầu xin hạnh phúc nơi vị Thần này. Hạnh phúc cầu xin nơi đây có nội dung chính là “Được sống mãi đời đời (không bao giờ chết) và sống mãi sung sướng (hưởng nhan Thánh Chúa – tức Thần linh tối cao, nơi thiên đàng)” sau khi chết, chứ lúc còn sống thì việc sung sướng hay khổ đau của vật thụ tạo chỉ là sự thử thách của Thần linh, mà vật thụ tạo phải vui vẻ chấp nhận.
Nói chung, tôn giáo hữu thần được xem là tự tạo dựng nên một Thần linh tối cao nào đó và xem đây là chân lý. Vì thế chân lý nơi đây có thể gọi là chân lý chủ quan, bởi vị Thần linh được tôn vinh này xưa nay chưa từng một ai thấy được, và quyền năng to lớn của vị Thần linh này đã không thể hiện được một giá trị to lớn nào ngoài một vài “phép lạ” mang tính răn đe, so với biết bao thiên tai dịch bệnh, chiến tranh … đổ ập lên con người hàng ngày, kể cả những người tôn sùng vị Thần linh này.
Tôn giáo hữu thần đã và đang cố chứng minh về sự tồn tại của vị Thần linh tối cao này qua môn Thần học, nhưng tất cả chỉ là những ảo luận. Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng con người trên thế gian này chẳng thể tồn tại được bằng “phép lạ”, mà là bằng nỗ lực của trí tuệ và sức lực của chính mình.
2.2. Tôn giáo vô thần:
Tôn giáo vô thần bao gồm Khổng giáo và Lão giáo ở Trung Hoa, Kỳ-na giáo và Phật giáo ở Ấn Độ. Trong số đó, Phật giáo là có nhiều đặc trưng rõ nét của tôn giáo vô thần.
Vô thần trong Phật giáo mang ý nghĩa là trong vũ trụ này không có vị Thần linh tối cao vô hình tướng nào tự hữu và hằng hữu, sinh ra con người và vạn vật, có quyền năng ban phúc giáng họa tùy thích. Nói cách khác, Phật giáo với cơ cấu lý giải “Thập Nhị Nhân Duyên”, đã phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của một vị Thần linh tối cao nào đó, và chỉ ra rằng vị Thần linh tối cao này chỉ là sản phẩm tưởng tượng được chế tác từ con người.
Phật giáo không phủ nhận có cảnh giới vô hình, bởi theo vũ trụ quan của Phật giáo thì vũ trụ này vẫn tồn tại cảnh giới vô hình, mà khả năng tri giác của phần đông con người thông thường không trực nhận được. Theo Phật giáo, thế giới hữu tình (có cảm giác hay tri giác, cảm xúc) gồm 6 cảnh giới:
1) Địa ngục 2) Ngạ quỷ 3) Súc sinh
4) A-tu-la 5) Người 6) Trời
Trong đó Súc sinh, Người là 2 cảnh giới hữu hình, còn Địa ngục, Ngạ quỷ, A-tu-la, Trời là 4 cảnh giới vô hình. Tất cả 6 cảnh giới này có những mối tương tác nhau, và tất cả đều tuân theo quy luật khách quan tự nhiên “Nhân Quả”. Theo đó, hạnh phúc không do con người cầu xin mà có được, mà con người phải tự tạo dựng hạnh phúc cho chính mình – tức “có làm mới có ăn”, nghĩa là hạnh phúc chỉ hình thành từ cách sống hợp với quy luật Nhân Quả vậy.
Nói chung, tôn giáo vô thần nhận thức trên hiện thực tự nhiên quy luật Nhân Quả (tức nguyên lý Duyên khởi) chi phối mọi sự vận động trong vũ trụ, chứ không do bất cứ vị Thần linh nào chi phối cả, cho nên quy luật tự nhiên Nhân Quả được gọi là chân lý khách quan.
3. Nhận thức đạo đức của các tôn giáo.
3.1. Tôn giáo hữu thần.
Nhận thức đạo đức trong các các tôn giáo hữu thần, đặc trưng là Ki-tô giáo được gọi là Đạo đức Chúa Trời, có nội dung là Mười Điều Răn sau trong sách Cựu Ước:
1) Chỉ thờ phượng Giê-hô-va Đ.c Chúa Trời.—Xuất Ai Cập 20:3.
2) Không được thờ thần tượng.—Xuất Ai Cập 20:4-6.
3) Không được dùng danh Đức Chúa Trời một cách thiếu suy xét.—Xuất Ai Cập 20:7.
4) Hãy giữ ngày Sa-bát (Chủ Nhật).—Xuất Ai Cập 20:8-11.
5) Hãy hiếu kính cha mẹ.—Xuất Ai Cập 20:12.
6) Không được giết người.—Xuất Ai Cập 20:13.
7) Không được phạm tội ngoại tình.—Xuất Ai Cập 20:14.
8) Không được trộm cắp.—Xuất Ai Cập 20:15.
9) Không được làm chứng dối.—Xuất Ai Cập 20:16.
10) Không được tham muốn những gì thuộc về người khác.—Xuất Ai Cập 20:17.
Mười điều răn được thấy rải rác trong sách Tân ước như:
1) Chỉ thờ phượng Giê-hô-va Đ. Chúa Trời - Khải huyền 22:8, 9
2) Không được thờ thần tượng - 1 Cô-rinh-tô 10:14
3) Tôn vinh danh Đức Chúa Trời - Ma-thi-ơ 6:9
4) Đều đặn thờ phượng Đức Chúa Trời - Hê-bơ-rơ 10:24, 25
5) Hiếu kính cha mẹ - Ê-phê-sô 6:1, 2
6) Không được giết người - 1 Giăng 3:15
7) Không được phạm tội ngoại tình - Hê-bơ-rơ 13:4
8) Không được trộm cắp - Ê-phê-sô 4:28
9) Không được làm chứng dối - Ê-phê-sô 4:25
10) Không được tham muốn những gì thuộc về người khác - Lu-ca 12:15
Là một tôn giáo hữu thần, cho nên đạo đức Ki-tô giáo được xem là dạng đạo đức thần bản 神本, nghĩa là lấy Thần linh là Chúa Trời làm trung tâm gốc. Vì thế, tuy Mười Điều Răn gần như một nửa nói đến hành động của con người đối với Thần linh, còn một nửa là hành động của con người đối với con người, nhưng nói chung Mười Điều Răn này hàm ý là con người hành động chỉ nhằm để làm đẹp lòng đức Chúa Trời, chứ không vì con người.
Theo (Mt 19,16-19), thực hành tốt Mười Điều Răn là làm đẹp lòng đức Chúa Trời, nhờ đó mà giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, cho con người con đường sống và được sống đời đời.
3.2. Tôn giáo vô thần.
Nhận thức đạo đức trong các các tôn giáo vô thần, đặc trưng là Phật giáo, có nội dung là Năm Giới (五戒; P: pañcasīla; Sa: pañcaśīla; E: The five precepts) như sau:
1) Tránh xa sát sinh (P: Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi):
Đó là tôn trọng sự sống, bao gồm không giết hại cũng không bảo bày người khác giết hại, không vui đối với việc giết hại, không khen ngợi đối với việc giết hại từ con người đến các loài vật nhằm nuôi dưỡng lòng từ, tránh được nhân quả báo ứng.
2) Tránh xa sự trộm cắp (P: Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi):
Đó là tôn trọng sở hữu của người, là không trộm cắp cũng không bảo bày người khác trộm cắp, không vui đối với việc trộm cắp, không khen ngợi đối với việc trộm cắp từ nhà cửa, ruộng vườn, của cải, tiền bạc cho đến các vật tư hữu nhỏ bé. Giữ giới trộm cắp còn thể hiện lòng từ, tránh được Nhân Quả báo ứng.
3) Tránh xa sự tà dâm (P: Kāmesumicchācāra veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi):
Đó là tôn trọng hạnh phúc gia đình của người, không tà dâm cũng không bảo bày người khác tà dâm, không vui đối với việc tà dâm, không khen ngợi đối với việc tà dâm nhằm bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người, đồng thời tránh được oán thù và quả báo xấu.
4) Tránh xa sự nói dối (P: Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi):
Đó là tôn trọng sự thật trong giao tiếp, không nói dối cũng không bảo bày người khác nói dối, không vui đối với việc nói dối, không khen ngợi đối với việc nói dối nhằm đem lại lợi ích cho mọi người, đồng thời tránh được oán thù và quả báo xấu.
Tránh xa sự nói dối bao gồm cả bốn chi tiết sau:
1- Tránh nói lời không đúng sự thật: Đó là chuyện có nói không, chuyện không nói có, làm cho người nghe hành động sai vô cùng tai hại.
2- Tránh nói lời hai lưỡi: Đó là nói xóc hai đầu, làm cho hai người khác ghét nhau, thù nhau.
3- Tránh nói lời thêu dệt: Đó là nói thêm bớt, có ít xít ra nhiều, nói châm chọc, bóng bẩy làm cho người nghe buồn phiền và khởi tà niệm.
4- Tránh nói lời độc ác: Đó là nói thô tục, cộc cằn như nguyền rủạ chửi mắng thậm tệ làm cho người nghe sợ hãi đau khổ.
5) Tránh xa dùng chất say như rượu, thuốc nghiện (P: Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi):
Đó là giữ cho tâm trí được sáng suốt, bằng cách không dùng chất say cũng không bảo bày người khác dùng chất say, không vui đối với việc dùng chất say, không khen ngợi đối với việc dùng chất say nhằm tránh phạm phải bốn giới cấm bên trên là sát sinh, trộm cướp, nói dối, tà dâm. Giới cấm dùng chất say bao gồm cả việc dùng các thứ ma túy, vì chúng làm cho tâm trí người sử dụng mê dại.
Là một tôn giáo vô thần, cho nên đạo đức Phật giáo được xem là dạng đạo đức nhân bản 人本, nghĩa là lấy con người làm trung tâm gốc. Vì thế Năm Giới chỉ nhằm vào con người với các đối tượng con người và môi trường sinh vật xung quanh.
Đạo đức học Phật giáo đặt nền tảng trên chân lý Duyên khởi-Vô ngã thể hiện tính tương đối, vượt lên mọi không gian và thời gian, với nguyên tắc chuẩn mực sau:
“Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện, là lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại người hay hại mình-lợi người hay hại mình-hại người, được xem là xấu, là ác, là dữ.”
Mọi hành động thuộc Năm Giới nói trên đều phải đáp ứng đúng đắn theo nguyên tắc này.
Phần 2
Vì sao hạnh phúc với
“NGÀY THIÊN CHÚA PHẬT PHÁP”?
Qua phân tích về “Hạnh phúc qua nhận thức chân lý và đạo đức của tôn giáo” ở Phần 1 nói trên, chúng ta hãy thử tìm hiểu bài viết dưới đây.
Lưu ý rằng, đối với bậc giác ngộ chân lý Duyên khởi thì Chúa và Phật là một. Còn đối với chúng sinh đầy Tham Sân Si thì liệu việc đánh đồng có hợp với Chân lý và Đạo đức chăng, và việc đánh đồng này sẽ dẫn đến kết quả thực tế như thế nào?
HÔM NAY LÀ NGÀY THIÊN CHÚA PHẬT PHÁP
Thiền Sư Ajahn Cha | Thích Khánh Hỷ dịch
Hỏi: Phật Giáo có khác biệt nhiều với các tôn giáo khác không?
Đáp: Mục đích của tôn giáo, trong đó có Phật Giáo, là đem lại hạnh phúc cho con người, bằng cách giúp họ thấy một cách rõ ràng và chân thật sự vật nó như thế nào. Bất kỳ tôn giáo nào, hệ thống tín ngưỡng hay đường lối thực hành nào giúp con người thấy rõ chân tướng của sự vật, đều có thể gọi là Phật Giáo, nếu bạn muốn.
Trong đạo Thiên Chúa, một trong những ngày lễ quan trọng là Lễ Giáng Sinh. Năm ngoái, một nhóm nhà sư Tây phương đã tổ chức một ngày Giáng Sinh đặc biệt, với một lễ tặng quà và làm phước. Một số thiện nam tín nữ thắc mắc điều đó, "Tại sao đã xuất gia thành sư sãi Phật Giáo rồi mà các vị này còn tổ chức Lễ Giáng Sinh? Bộ đó không phải là lễ của Thiên Chúa Giáo sao?"
Trong buổi thuyết pháp, tôi đã giải thích tại sao mọi người trên thế giới đều có một căn bản như nhau. Gọi là người Âu, người Hoa kỳ, hay người Thái, chỉ là muốn nói đến chỗ họ sinh hay màu tóc của họ, nhưng Thân và Tâm của họ đều có cùng bản chất như nhau. Tất cả đều ở trong một gia đình nhân loại, có cùng đặc tính giống nhau, đó là đều phải sinh ra, đều phải già, đều phải chết. Khi bạn hiểu được điều đó, sự khác biệt không còn quan trọng nữa. Cũng vậy, lễ Giáng Sinh là một dịp để mọi người cố gắng giúp đỡ người khác bằng những việc làm tốt đẹp của mình. Đó là điều quan trọng và kỳ diệu. Bạn có thể gọi đây là ngày gì cũng được, chẳng ăn nhằm gì điều đó cả.
Bởi thế tôi mới nói với mọi thiện tín, "Hôm nay là ngày Thiên Chúa Phật Pháp." Ai thực hành đúng thì họ đã thực hành "Phật Đà Thiên Chúa Giáo" và mọi chuyện đều tốt đẹp.
Tôi dạy họ cách này để xả bỏ chấp thủ và luyến ái vào những chế định của thế gian và để nhìn thấy mọi diễn biến của sự vật một cách chính xác và tự nhiên.
Bất kỳ cái gì giúp chúng ta thấy rõ chân lý, giúp chúng ta làm điều tốt đẹp, đều là lối thực hành đúng. Bạn có thể đặt cho nó tên gì cũng được.
Huy Thai gởi
|
|