Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Tổng thống Carter và Việt Nam


Ông Jimmy Carter chấp nhận làm ứng cử viên tổng thống tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở New York, 1976. (Ảnh Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ)
 
Người dân ở Plains, một ngôi làng nhỏ bé phía Tây Nam tiểu bang Georgia xôn xao từ mấy ngày qua sau khi có tin chính thức cựu Tổng thống Jimmy Carter, một người trong làng, đã quyết định từ bỏ những chăm sóc của bệnh viện để trở về nhà nhận những dịch vụ chăm sóc cuối đời.
 
Ông Carter đã trở về sống ở Plains, ngôi làng có khoảng 500 dân, từ hơn 40 năm qua, sau một nhiệm kỳ tổng thống 1977-1981 và bị Ronald Reagan đánh bại. Có người hỏi ông, với vị trí của ông, sau khi rời chức, ông có thể chọn những nơi danh giá hơn; như Atlanta, thủ đô của Georgia, tiểu bang ông từng làm Thống đốc; hoặc New York, thành phố phồn hoa đô hội. Ông chỉ trả lời: đối với tôi, Plains chính là nhà.
 
Cả ngôi làng không ai mà không biết vị tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, năm nay 98 tuổi. Ông thường đi bộ quanh làng, bắt tay chào hỏi mọi người, mua que kem, uống ly cà phê trong quán cóc, sinh hoạt giống như bất kỳ dân làng nào.
 
Bây giờ, sự ra đi của ông chỉ còn tính từng ngày. Đối với Việt Nam, cựu Tổng thống Carter được nhắc đến trong một số việc.
 
Ân xá những người trốn lính
 
1976 là năm có bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tuy nhiên, Jimmy Carter, khi đó là Thống đốc tiểu bang Georgia, cho rằng chiến tranh chưa kết thúc khi số phận của hàng vạn người phản chiến, người trốn tránh nghĩa vụ quân sự và người đào ngũ chưa được giải quyết.
 
Từ tháng 8 năm 1964 đến tháng 3 năm 1973, có 209.517 thanh niên Mỹ đã vi phạm Luật Nghĩa vụ Quân sự  vì đã không trình diện đăng ký hoặc rời khỏi nước để tránh nghĩa vụ quân sự, chuyển đến những nơi như Canada hoặc Thụy Điển. Khoảng 50.000 người đã ở lại Canada vĩnh viễn.
 
Tháng 8 năm 1976, khi ra tranh cử tổng thống, ông Carter hứa nếu đắc cử, sẽ ân xá cho thành phần này ngay trong tuần lễ đầu tiên nhậm chức. Và ông đã làm đúng như lời ông nói.
 
Ân xá những người trốn lính trong chiến tranh Việt Nam là một đề tài nhạy cảm, ngay cả trong nội bộ Đảng Dân chủ của ông. Các nhà lãnh đạo đảng này đã phản đối mạnh mẽ, trong khi dân Mỹ nói chung chỉ có 56% ủng hộ. Các nhóm cựu chiến binh coi thành phần trốn lính là những kẻ phạm pháp, những kẻ phản quốc, và thậm chí có nhiều hội cựu chiến binh còn trục xuất các thành viên nào ủng hộ thành phần này.
 
Sau này hồi tưởng lại, ông Carter, một cựu sĩ quan hiện dịch tốt nghiệp Võ bị Hải quân Annapolis năm 1946, gọi ân xá là “quyết định khó khăn nhất trong của ông khi vận động tranh cử”.
 
Trong thời gian vận động, ông Carter nói rằng ông muốn “hàn gắn vết thương chia rẽ giữa những người dân Mỹ do chiến tranh Việt Nam gây ra”. Vào tháng 3 năm 1976, ông nói với The Washington Post, “Tôi không muốn trừng phạt ai, tôi chỉ muốn nói với những người trẻ tuổi đã trốn tránh rằng các bạn hãy trở về nhà.”
 
Mở lại bang giao với Hà Nội
 
Trước khi Trung Quốc mở cuộc tấn công các tỉnh miền Bắc Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước vào ngày 29 tháng 1. Hai ông Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter đã ký các thỏa thuận lịch sử, đảo ngược lập trường chống Công hòa Nhân dân Trung hoa mà Hoa Kỳ đã giữ từ mấy chục năm trước.
 
Dù chỉ là phó thủ tướng nhưng họ Đặng được coi như đại diện cho lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến đi Mỹ, vì Thủ tướng Chu Ân Lai vẫn còn “e thẹn” và Chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn xem mình là Thiên Tử, người ta phải cầu cạnh mình thay vì ngược lại, bản tính kiêu ngạo của người cộng sản.
 
Bên lề chuyến đi, trả lời câu hỏi của báo chí, họ Đặng tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học, vì Việt Nam là bọn côn đồ, ăn cháo đá bát.
 
Các nhà sử học sau này phải “làm rõ” phải chăng trong chuyến thăm, Đặng đã thông báo trước cho Carter chuyện sẽ đánh Việt Nam và Carter đã im lặng chấp nhận cho nên họ Đặng mới công khai hung hăng như thế? Phải chăng khi đó, Mỹ thua trận và Việt Nam thắng trận không có bang giao chính thức, Mỹ cấm vận Việt Nam, nên Mỹ không có nghĩa vụ bênh vực Việt Nam?
 
Các tài liệu giải mật cho thấy trong 6 tháng đầu năm 1977, chính quyền Carter đã có một số động thái nhằm giải quyết những trở ngại còn sót lại để bình thường hóa bang giao với Việt Nam; tuy nhiên, các nỗ lực này không đạt được tiến bộ mong muốn, khiến cho việc nối lại bang giao bị chậm lại, kể cả một vòng đàm phán vào tháng 12 năm 1977 cũng không mang lại tiến bộ.
 
Các nguồn tin “ngoài luồng” cho biết có một điểm tranh cãi là Hà Nội vẫn khăng khăng đòi Washington bồi thường mấy tỷ đô la như được ghi trong Hiệp định Paris 1973; nhưng phía Mỹ bảo rằng phía Cộng sản đã vi phạm hiệp định này khi chiếm miền Nam bằng vũ lực cho nên Mỹ không có lý do gì để tôn trọng.
 
Hai bên vẫn tiếp tục liên lạc trong năm 1978, cho đến tháng 9 năm đó, chính phủ hai nước đồng ý một số điều khoản để bình thường hóa bang giao. Tuy nhiên, lúc bấy giờ có một số diễn biến mới khiến cho thỏa thuận không tiến thêm.
 
Mảng ngoại giao của Mỹ chia làm hai phe. Một phe muốn tiếp tục xúc tiến bang giao với Việt Nam. Một phe, do Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski dẫn đầu, chống đối vì muốn đặt ưu tiên đối phó với Trung Quốc trước đã. Và phe của Brzezinski thắng thế. Mãi đến 20 năm sau chiến tranh, hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao, sau khi phía Việt Nam thôi đòi bồi thường, và lập trường của Tổng thống Carter là nếu có viện trợ cho Việt Nam thì cứ coi như viện trợ bình thường, không được nói “bồi thường”.
 
Ân nhân của thuyền nhân Việt Nam
 
Thời gian ông Carter làm tổng thống là thời gian có hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi bằng mọi phương tiện, sau khi sống không nổi với chế độ cộng sản. Số người chết trên biết không thể nào biết chính xác.
 
Những người vượt biển chẳng những bị các tàu buôn dân sự làm ngơ mà ngay cả tàu chiến của Mỹ trên Thái bình Dương cũng không cứu.
 
Ông Vũ Văn Lộc ghi lại: “Dân Việt kéo về Hoa Thịnh Đốn thắp nến cầu nguyện trước tòa Bạch Cung. Nước mưa hòa trong nước mắt nhỏ giọt xuống những ngọn nến lung linh. Những linh mục và những thượng tọa đi lại đọc kinh suốt đêm. Từ cửa sổ trên lầu của tòa Nhà Trắng ông Jimmy Carter đã nhìn thấy tất cả thảm kịch biển Đông. Lệnh từ phủ tổng thống ban hành. Bộ An sinh và Xã hội sẽ nhận cấp khoản tỵ nạn Việt Nam vào Mỹ từ 7 ngàn nay tăng lên 14 ngàn một tháng. Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Đệ thất hạm đội dành riêng 5 tuần dương hạm để đi cứu thuyền tỵ nạn. Tất cả các chiến hạm đều phải cứu thuyền nhân hoặc tiếp tế rồi báo tin cho các con tầu trách nhiệm khác.”
 
Đã có một hạm trưởng Hải quân Mỹ ra tòa án quân sự vì không chịu cứu thuyền nhân Việt Nam trên vùng biển Thái Bình Dương, vì hạm trưởng không nắm vững lệnh của Tổng thống Carter.
 
Tổng thống còn vận động những nước khác thâu nhận thuyền nhân Việt Nam, trong đó có Do Thái, vì vậy bây giờ mới có một cộng đồng người Việt trên tại Do Thái, mặc dù nước này phải bận rộn đối phó với khối Ả Rập.
 
Ông Nguyễn Quốc Khải còn nhớ “một buổi chiều vào ngày 19-7-1979, chúng tôi biểu tình trước Nhà Trắng để vận động chính phủ Hoa Kỳ giúp thuyền nhân tỵ nạn do ca sĩ Joan Baez và Refugees International tổ chức. Tổng Thống Carter đã mở cửa sổ vẫy tay chào đón chúng tôi và nói với đám đông rằng ông đã ra lệnh cho Hạm Đội 7 cứu vớt những thuyền nhân.”
 
Tổng Thống Carter đã ký Đạo luật về Người tỵ nạn năm 1980, nâng hạn ngạch hàng năm cho người tỵ nạn từ 17.400 lên 50.000 người, đồng thời tạo ra một quy trình điều chỉnh hạn ngạch người tỵ nạn nếu có trường hợp khẩn cấp.
 
Trong một dịp nói chuyện với dân Mỹ ngày 23 tháng 8 năm 1979 tại Mississippi, Tổng thống Carter đã nói: “Những người tỵ nạn hiện đang rời Đông Nam Á từng là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam gần đây. Họ đang rời khỏi một đất nước đã lấy đi các quyền cơ bản của họ. Họ tin vào giá trị cá nhân, sáng kiến cá nhân và tự do cá nhân. Họ hòa hợp hơn về mặt triết học với chúng ta hơn chế độ cộng sản.”
 
Châu Quang
26/02/2023

____________


Đỗ Hứng gởi