TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THẾ HỆ VIỆT NAM
Tháng 2 năm 2007, trên diễn đàn talawas, tôi có viết một bài để góp ý với ông Võ Văn Kiệt về “hòa giải dân tộc và khép lại quá khứ”.
Thời gian ngắn sau đó, tôi nhận một email từ Việt Nam chuyển lời của ông Võ Văn Kiệt với nội dung cho rằng nhiều điểm góp ý của tôi có thể tranh luận nhưng cũng rất nhiều điểm ông thừa nhận là rất có lý. Ông cũng dặn với người đưa tin nếu tôi có dịp về thì đưa tôi đến nhà chơi để trao đổi với ông.
Tôi trả lời, cũng qua trung gian người đưa tin, cám ơn ông về việc mời đến nhà nhưng quan trọng hơn tôi mong ông đáp lại những điều tôi đã nêu ra trong bài viết, nhất là những điểm ông cho rằng có thể tranh luận được, và phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng đọc. Chuyện đất nước là chuyện chung chứ không phải là chuyện giữa ông và tôi. Các thế hệ Việt Nam mai sau trưởng thành từ những bài học, những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để lại.
Không có kinh nghiệm lịch sử nào là nên bỏ qua và không có bài học lịch sử nào mà không đáng học. Có lần tôi đọc đâu đó, ông Võ Văn Kiệt dự tính viết một cuốn sách, tôi rất mừng và âm thầm chờ đợi một tác phẩm hay một hồi ký của ông.
Tôi không kỳ vọng ở hồi ký của ông Võ Văn Kiệt một con số đúng về bao nhiêu sĩ quan công chức chế độ Việt Nam Cộng hòa bị ông và Đảng của ông đày ra các vùng rừng sâu nước độc Tiên Lãnh, Hàm Tân, Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa.
Tôi không kỳ vọng ở hồi ký của ông một con số bao nhiêu người dân Sài Gòn bị ông và Đảng của ông đuổi đi khắp các vùng kinh tế mới miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Tôi không kỳ vọng qua hồi ký ông sẽ công bố đầy đủ danh sách những người bị Ủy ban Quân quản, do ông làm bí thư Đảng ủy đặc biệt, xếp vào thành phần tư sản mại bản; của cải, nhà cửa bị tịch thu, cha mẹ phải vào tù, con cái phải sống lang thang đầu đường cuối chợ.
Tôi không kỳ vọng qua hồi ký ông sẽ giải thích nguyên nhân nào khiến hàng triệu người Việt đã bất chấp sóng to gió lớn để vượt biển tìm một con đường sống trong muôn ngàn đường chết.
Tôi cũng không kỳ vọng qua hồi ký ông sẽ chính thức xin lỗi cùng nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, những sai lầm của Đảng do ông trực tiếp lãnh đạo đã gây ra.
Và như tôi đã đọc tiểu sử, quá trình đấu tranh của ông và những mất mát của riêng bản thân ông, tôi cũng không nghĩ ông Võ Văn Kiệt sẽ thành lập một đảng hay một cánh đối lập, công khai thách thức vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản để lót đường cho một cuộc vận động toàn dân, toàn diện nhằm tiến đến một xã hội mới, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng như một số người đã bàn tán trước đây.
Ông Võ Văn Kiệt từ năm 1938 cho đến cuối đời vẫn là người cộng sản. Khác chăng so với những lãnh đạo cộng sản cùng thời, ông Võ Văn Kiệt sinh ra từ miền cây trái Vĩnh Long, phần lớn quãng đời đấu tranh của ông cũng từ ruộng đồng, sông nước miền Nam, gần gũi với nhân dân miền Nam và trong những ngày cuối đời nhìn lại đã có lúc chạnh lòng buông những câu nói như những lời an ủi muộn màng, rải rác đó đây trên vài cơ quan ngôn luận, trong những buổi nhậu, dành cho những người đã chịu đựng dưới bàn tay ông.
Dù sao tôi cũng mong ông viết, bởi vì hơn ai hết, ông Võ Văn Kiệt là người có thẩm quyền để viết. Giá trị trong tác phẩm của ông Võ Văn Kiệt không hẳn ở chỗ là sự thật mà là sự kiện, dù được nêu ra để biện hộ cho những sai trái của chính ông. Những Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan và Hồi Ký Của Một Việt Cộng của Trương Như Tảng vẫn có giá trị sự kiện nhất định và là những tác phẩm tham khảo cần thiết cho các sử gia và thế hệ mai sau.
Nhưng ông Võ Văn Kiệt qua đời.
Ông ra đi mang theo nhiều chi tiết quan trọng của những năm khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc thời cận đại.
Phần lớn những lời phân ưu dành cho ông đều chấm dứt bằng câu cầu mong hương linh ông được yên nghỉ, nhưng làm sao hương linh ông có thể yên nghỉ được khi vẫn còn nợ thế gian này một món nợ mà ông chưa trả hết.
Những chịu đựng của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng dưới bàn tay ông Võ Văn Kiệt và Đảng của ông trong những năm ngay sau 1975, sẽ mãi mãi sẽ là một vết thương hằn sâu trong lịch sử.
Máu và nước mắt của nhân dân miền Nam đổ xuống trong các trại tù, trên các khu kinh tế mới, dọc các vỉa hè Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đã đóng thành băng trong ký ức của giống nòi. Không ai trách ông Võ Văn Kiệt tại sao bảy mươi năm trước đã tham gia Đảng Cộng sản nhưng chắc chắn các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ trách ông đã không có những câu trả lời cho những thảm trạng mà đất nước đã trải qua trong suốt 22 năm dài (1975 - 1997), thời gian ông đã đóng vai trò quan trọng trong chính trị Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt, giống như hầu hết những người cộng sản trong thế hệ Tân Trào, Pác Bó đã không làm được, đã không trả lời được những câu hỏi của phiên tòa lịch sử.
Nhưng tôi tin các thế hệ Việt Nam tham gia Đảng Cộng sản sau ông, thế hệ “chống Mỹ cứu nước”, thế hệ “Tổng công kích Tết Mậu Thân” với một số khá đông vẫn còn đang sống, có thể trả lời và thậm chí phải trả lời trước khi các anh các chị xuôi tay nhắm mắt ra đi.
Hoàn cảnh đất nước và nhiệt tình tuổi trẻ đã buộc các anh chị chọn lựa cho mình một hướng đi, một lý tưởng sống, một dâng hiến dành cho quê hương mà các anh chị nghĩ là đúng nhất. Sự chọn lựa nào cũng kèm theo đó sự hy sinh, cũng mang tính lịch sử và lịch sử Việt Nam trước 1975 là một lịch sử đầy nhiễu nhương, đau thương và ngộ nhận. Nhìn lại tuổi hai mươi không phải để phê phán những việc làm thời đó đúng hay sai. Sai hay đúng là thái độ của hôm nay và về sau chứ không phải của quá khứ.
Bốn mươi tám năm trước, nếu có người cho rằng xã hội miền Bắc tốt đẹp hơn xã hội miền Nam có thể đã không gây ra nhiều tranh cãi bởi vì các tệ nạn tham nhũng, quan chức lộng hành quá phổ biến ở miền Nam trong khi chưa ai thật sự sống một ngày dưới chủ nghĩa xã hội; thế nhưng, 48 năm sau mà những người đó vẫn còn tiếp tục luận điệu giống như thế thì đó chỉ là một cách nói liều.
Bốn mươi tám năm trước, vì giới hạn về tài liệu tham khảo, nếu có người nhận xét ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Lê Duẩn về mặt đạo đức tốt hơn các ông Tổng thống miền Nam có thể còn thông cảm, nhưng sau 48 năm với tất cả tài liệu đã được tiết lộ, Cải cách Ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, vụ án xét lại, Tổng công kích Mậu Thân, chuyên chính vô sản, độc tài đảng trị, mà có người sùng bái các lãnh tụ cộng sản trên thì thật là một niềm tin mù quáng.
Và từ sau 1975, các nhà văn, nhà thơ từ các quốc gia khác cũng chỉ biết Việt Nam dưới chế độ cộng sản qua vở kịch do Đảng Cộng sản Việt Nam dàn dựng, qua các khẩu hiệu tuyên truyền của phe có quyền ăn nói, nhưng không biết đến một Việt Nam khác đang bị bịt miệng, đang bị đày ải trong tù ngục và bị tước đoạt những quyền căn bản của con người. Do đó, giống như việc thắp lên que diêm trong đêm tối trời, gióng lên được một tiếng nói của lương tâm dù ở đâu cũng là điều cần thiết.
Kỹ thuật tuyên truyền tinh vi của Đảng đã biến những người lính miền Nam đang ngày đêm đổ máu trong cuộc chiến mà không có quyền chọn lựa thành những kẻ sát nhân, trong lúc những kẻ ném lựu đạn vào nhà hàng Mỹ Cảnh, pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, chôn sống đồng bào trên Bãi Dâu Huế, đặt mìn trên quốc lộ số một… lại trở thành những anh hùng dân tộc.
Và sau 1975, mọi người đều biết tất cả các phong trào hòa bình giả tạo đó đều do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, những con chim bồ câu trắng xinh xinh kia là do bàn tay Đảng vẽ ra, và những kẻ ném bom ngày nào cũng không ai khác hơn chính là những đảng viên biệt động thành trung kiên của Đảng.
Đảng Cộng sản thắng trong chiến tranh không phải vì họ có chính nghĩa, mà bởi vì họ đã kiên trì với mục đích nhuộm đỏ Việt Nam, được tổ chức một cách tinh vi từ trung ương Đảng cho đến tận tổ ba người và khai thác triệt để lòng yêu nước sâu đậm của người dân Việt Nam.
Có người cho rằng Đảng Cộng sản đã có một thời đồng hành với dân tộc, cùng hướng đến một mục tiêu như dân tộc Việt Nam, do đó vai trò lãnh đạo của Đảng ngày nay là hệ quả tất yếu của lịch sử.
Đó là lý luận của kẻ cướp. Với tôi, rất nhiều đảng viên Đảng Cộng sản tham gia chống Pháp phát xuất từ lòng yêu nước và đã chết cho đất nước như tôi đã nhiều lần viết trên diễn đàn này, nhưng bản thân Đảng Cộng sản như một tổ chức chính trị chưa bao giờ đồng hành với dân tộc.
Việc giành lại nền độc lập và chủ quyền đất nước từ tay thực dân là mục tiêu, là bến bờ của dân tộc Việt Nam, trong khi đó đối với Đảng Cộng sản, độc lập dân tộc chỉ là phương tiện, một chiếc cầu, một chiếc ghe họ cần có để đi qua trên đường tiến tới cách mạng vô sản. Mục tiêu đó đã được khẳng định ngay trong “Luận cương chính trị” Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm.
Sau 1975, một số người từng xếp bút nghiên vào rừng “Chống Mỹ cứu nước” đã phẫn nộ, kết án giới lãnh đạo Đảng đi ngược lại quyền lợi dân tộc, phản bội lý tưởng, phản bội máu xương của đồng chí họ, đưa đất nước đi vào con đường nghèo đói, độc tài, đảng trị. Nghĩ cho đúng, đó là những lời kết án thiếu cơ sở lý luận lẫn thực tế. Thật là oan cho Đảng.
Nếu họ chịu khó đọc các đề cương chính trị đại hội Đảng từ ngày thành lập cho đến đại hội lần thứ X, sẽ thấy Đảng Cộng sản chưa bao giờ phản bội mục tiêu của mình. Mục tiêu cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam và đặt dân tộc Việt Nam dưới quyền cai trị tuyệt đối của Đảng chưa bao giờ thay đổi. Vì một số điều kiện cách mạng và biến chuyển chính trị thế giới xảy ra ngoài tiên liệu, các chính sách của Đảng cũng phải theo đó mà áp dụng một cách thích nghi hơn, mềm dẻo hơn qua những chính sách gọi là “đổi mới”, “hội nhập” v.v..., nhưng mục đích của Đảng từ trước đến sau luôn nhất quán.
Có người đến nay vẫn nghĩ rằng việc họ hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản để đứng lên “Chống Mỹ cứu nước” là một lý tưởng cao đẹp của cuộc đời họ, nhưng không biết rằng câu đó chỉ là một trong hàng chục khẩu hiệu có tính giai đoạn mà Đảng đã dùng.
Nếu Mỹ không qua Việt Nam thì Đảng có để yên cho nhân dân miền Nam xây dựng một xã hội tự do dân chủ không?
Chắc chắn là không.
Dĩ nhiên, Mỹ không qua sẽ không có khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước”, nhưng Đảng có thừa chuyên viên tuyên truyền chuyên nghiệp để nghĩ ra những khẩu hiệu khác không kém phần khích động.
Trong suốt 48 năm qua với bao nhiêu cơ hội nhưng các lãnh đạo Đảng chẳng những không thể hiện một hành động nào cụ thể để chứng tỏ tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc mà càng đào sâu hơn những hố sâu ngăn cách, làm lở loét thêm những vết thương vẫn còn đang mưng mủ trên da thịt của nhiều triệu người Việt Nam.
Việc yêu cầu chính quyền Nam Dương đập bỏ tấm bia tưởng niệm đồng bào chết trên Biển Đông hay việc tổ chức rầm rộ kỷ niệm 40 năm Mậu Thân trên nỗi đau câm nín của hàng ngàn đồng bào Huế là vài ví dụ điển hình.
Với đồng bào hải ngoại, những hành động xúc phạm hương linh của những em bé chết trôi, những bào thai ngột nước ngay lúc còn trong bụng mẹ, những oan hồn đang vất vưởng khắp Biển Đông như thế, làm sao lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể vận động được đoàn kết trong ngoài, nhất là đối hơn hai triệu người Việt hải ngoại, để cùng đưa đất nước đi lên?
Chim bay cần đôi cánh nhưng không phải giống chim nào có cánh cũng có thể bay cao. Chim se sẻ chỉ biết bay quanh vườn, nhảy nhót trên những cành xoài, cành ổi, nhưng để có một hạm đội Việt Nam, một phi đoàn Việt Nam, một vệ tinh Việt Nam, một phi thuyền Việt Nam, đất nước phải cần có đôi cánh phượng hoàng, nói đúng hơn là đôi cánh dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam, với những mâu thuẫn đối kháng và bế tắc ngay từ bên trong cơ cấu độc tài đảng trị sẽ không có khả năng đưa đất nước lên ngang tầm với thời đại, và do đó, việc chọn lựa một con đường thay thế là trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam trong và ngoài nước hôm nay.
Trần Trung Đạo
(Trích từ tiểu luận TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THẾ HỆ VIỆT NAM trên talawas 2007, có cập nhật ngày tháng cho thích hợp với thời điểm đăng bài nhưng nội dung và lý luận không thay đổi.)
____________
Đỗ Hứng gởi