Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 
 

 
TRẠI TỴ NẠN GALANG
 

Chúng tôi đến trại tỵ nạn Galang vào ngày 10/5/1987 sau bảy ngày đêm vượt đại dương..
 
Trại nằm trên đảo Pulau Galang của Indonesia ,rộng khoản 80 km2.Là trại tỵ nạn được điều hành bỡi phủ Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc .Đây là trại tỵ nạn lớn nhất Đông nam Á trong khoản thời gian từ 1975-1996(trại được thiết lập năm 1979).

Đây là trại lớn nhất,và trong những năm 1980,số người tỵ nạn luôn ở mức trên dưới  20.000 người .Và cũng là trại tỵ nạn tốt nhất ,với những dãy nhà gỗ hai tầng, chia từng lô cho mỗi gia đình, có văn phòng Cao ủy, trường học, chợ búa, phòng phát thư, phát tiền của thân nhân gửi đến, bệnh viện, nhà thờ Công giáo, chùa Phật giáo, Cao đài, ban đại diện người tỵ nạn...

Trong khoản thời gian gần 20 năm trại đã tiếp nhận khoản 250.000 người tỵ nạn đến tạm trú trong lúc chờ xác định tình trạng tỵ nạn và tái định cư ở nước thứ ba.
 
Đây có thể nói là trại tỵ nạn lớn nhất và tốt nhất ở Đông nam Á trong thời gian ấy .
 
Cho nên chúng tôi đến thẳng  được Galang là một may mắn vô cùng.Nói đến thẳng vì rất ít tàu tỵ nạn đến thẳng được đây,vì như mọi người đều biết,Indonesia là nước có đến mười mấy ngàn hòn đảo,nên hầu như không ai biết Galang nằm chính xác ở đâu,nên sau một chuyến hải hành gian khồ,giữa đại dương mênh mông không bến,không thấy bờ,nên đến được đây,thấy có đảo nào là họ tấp vào nghỉ ngơi,chờ được phát hiện để được đưa vào trại Galang.Thuyền hướng từ Việt nam đến,đảo thường gặp đầu tiên là đảo Kuku,nên đa số thuyền nhân Việt nam đến Indonesia thường tấp vào Kuku,ở lại đây một thời gian,nhiều khi đến mấy tháng,và vì không phải là trại tỵ nạn nên rất thiếu thốn,khổ sở và phức tạp.
 
Cho nên chúng tôi đến thẳng được Galang là một may mắn vô cùng.Chẳng phải là vì tài công giỏi,mà thực ra điểm đến đầu tiên của thuyền chúng tôi là Singapore ,vì đảo quốc nầy không có chính sách tiếp nhận người tỵ nạn,nhưng với lòng nhân đạo của một nước văn minh,thay vì kéo thuyền  chúng tôi trở ra đại dương rồi bỏ mặc như một số nước đã làm,thì họ cấp lương thực và kéo tàu chúng tôi qua hướng Indonesia là nơi có trại tỵ nạn ,Galang,đến hải phận Indo,họ chỉ chúng tôi hướng vào trại,và sau đó với sự dẫn đường của một thổ dân ,chúng tôi đã đến được Galang.
 
Tuy đến được ngay bến tàu của trại,nhưng chúng tôi gặp trục trặc nhỏ,không vào trại được .Số hôm đó là ngày chúa nhật,phái đoàn của phủ cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc là bộ phận điều hành trại đi nghỉ cuối tuần ở Singapore,những nhân viên người Indo không có quyền tiếp nhận chúng tôi,họ hướng dẫn tàu chúng tôi đến một đảo hoang cách đó khoản 5 cây số nghỉ tạm chờ ngày hôm sau Cao ủy về giải quyết .Chúng tôi không có cách nào hơn là làm theo lời họ.
 
Đây là một đảo rất nhỏ,không có người ở,chúng tôi rời thuyền lên bờ,lần đầu tiên đặt chân lên đất liền sau 7 ngày đêm lênh đênh trên đại dương.Còn một ít đồ ăn ,
 
mọi người ăn tạm đỡ đói.Đêm đầu tiên ngủ trên đất liền ,nhưng vì cả tuần lễ bập bềnh trên tàu,có lẽ bị say sóng,nên tuy nằm trên mặt đất mà vẫn cảm thấy như vẫn còn dập dềnh,dập dềnh và ngủ thiếp đi cùng với những mộng mị…
 
Trong cơn ngủ mê mệt đó,bỗng nghe một tiếng nổ đùng vang lên,mọi người hoảng loạn,kinh hoàng nghĩ rằng người Indo lừa đưa chúng tôi ra đảo hoang nầy để tàn sát chăng?

Ai cũng biết người tỵ nạn chúng tôi là những sinh vật yếu đuối nhất trên đời,bao thảm cảnh xảy ra chắc ai cũng đã từng nghe qua.
 
Qua cơn hoảng loạn,định thần lại ,mọi người mới biết tiếng nổ vừa rồi không phải do súng đạn,mà do một hộp đồ ăn .Số là có hai cha con,nửa đêm đói bụng,còn hộp đồ ăn ,thay vì khui ra rồi mới hâm nóng,đằng nầy họ để nguyên vậy bỏ vào bếp lửa,sức nóng làm không khí bên trong giãn nở gây ra tiếng nổ làm mọi người một phen kinh hoàng.Qua cơn hoản loạn,mọi người lại ôm bụng cười ngất.
 
Hôm sau chúng tôi được cao ủy đưa vào trại. Nhưng như đã nói,chúng tôi là những sinh vật yếu đuối nhất ,nên chuyện gì cũng sợ.Đã từng nghe qua có nhiều tàu tỵ nạn dù đã đến được bờ nhưng vẫn bị kéo ra biển ,nên mọi người đề nghị chủ tàu đục thủng cho tàu chìm,và chờ tàu của cao ủy ra đưa vào.
 
Trại tỵ nạn Galang là một trại rất qui cũ,tuy đóng trên đất Indo nhưng hoàn toàn được điều hành bỡi cao ủy tỵ nạn LHQ.Lúc đầu có một đội cảnh sát Indo trực tiếp trông coi về an ninh trật tự của trại,nhưng sau một thời gian có xảy ra một số việc giữa cảnh sát Indo và người tỵ nạn,nhất là với phụ nữ,nên sau đó họ để người tỵ nạn tự giữ trật tự trong trại,cảnh sát Indo đồn trú ngoài chu vi trại,cách khoản mấy cây số.
 
Do đó trại có một ban đại diện,có một số phòng,quan trọng nhất là phòng thông tin và phòng trật tự.Phòng thông tin thông báo tin tức như danh sách những người đi phỏng vấn ,đi định cư...Phòng trật tự lo về trật tự của trại.
 
Tôi đến trại không lâu,chưa lấy lại sức,chưa kịp hoàn hồn sau chuyến hải hành,thì được ban đại diện trại mời đến để thăm hỏi và nhờ tôi phụ trách phòng trật tự,vì anh trưởng phòng vừa rời trại đi định cư.
 
Tôi ngạc nhiên vì trên chuyến tàu cũng có nhiều sĩ quan khác,sao họ lại chọn tôi.Các anh giải thích vì tôi từng phục vụ trong một đơn vị an ninh.
 
Nghe đến hai tiếng “an ninh”,tôi giật mình.Đây là lần thứ hai,hai tiếng nầy đã làm bầm dập tôi.
 
Đơn vị sau cùng của tôi không liên quan gì đến lãnh vực an ninh,không hiểu sao lại được ưu ái gắn thêm vào danh xưng của đơn vị hai chữ “an ninh”.Công việc hằng ngày của tôi lại chẳng “an ninh”chút nào.Hồi ấy chẳng ai thắc mắc.
 
Cho đến biến cố 1975,vào trại cải tạo,không cần nói,hẳn mọi người cũng đoán được hai cái chữ ngắn gọn nầy đã giúp làm cuộc đời tôi bầm dập te tua như thế nào rồi.
 
Giờ đây sau chuyến hải hành chưa kịp hoàn hồn,tôi lại bị “an ninh” một lần nữa!
 
Các anh giải thích,họ hiểu đơn vị cũng như nhiệm vụ của tôi chẳng liên quan gì đến an ninh,nhưng nhiệm vụ của phòng trật tự là giữ sự yên ổn cho cộng đồng với năm ,bảy ngàn người mà chúng tôi chỉ có hai bàn tay,không được trang bị công cụ gì khác.Cho nên đành phải mượn cái “ oai danh “ của một “ sĩ quan an ninh “ để may ra mọi người sẽ nể nang,và nhờ vậy trật tự trong trại sẽ tốt hơn.
 
Không cách nào từ chối,tôi đành trở thành trưởng phòng trật tự,mà nhiệm vụ chính cũng như là một cảnh sát trưởng của một cộng đồng khoản 5,7 ngàn người .
 
Với một cộng đồng với đủ mọi thành phần ,đa số là người tốt,nhưng cũng không hiếm những thành phần không tốt,cũng giống như một xã hội thu nhỏ ở quê nhà.Công việc hằng ngày của tôi cũng không bận rộn lắm ,những việc nhỏ có các anh em nhân viên thiện nguyện giải quyết cùng với anh phó phòng nguyên là một đại uý cảnh sát giúp,thỉnh thoảng ban đêm chúng tôi cũng đi kiểm tra các barracks,mục đích để nhắc nhở mọi người tôn trọng nội qui của trại.
 
Cũng có một số việc xảy ra mà đến nay ,sau mấy chục năm tôi hãy còn nhớ.
 
Hôm đó có cô gái đến tố với chúng tôi bị một thanh niên tên T. “ quấy rối tình dục”.
 
Tôi cho mời anh ta lên phòng để điều tra về những điều cô gái tố cáo.Anh ta một mực chối,không nhận đã làm những chuyện bậy bạ đó.
 
Không bằng chứng,không nhân chứng là một chuyện rất khó cho chúng tôi.Việc xảy ra giữa hai người,người nói có,người nói không.Nhưng với một cô gái chưa đến đôi mươi,không lý do gì bỗng nhiên đi tố một thanh niên không quen biết một chuyện nhạy cảm như vậy.
 
Cho nên chúng tôi nghĩ phải làm cho rõ,mục đích là để anh ta không tiếp diễn chuyện nầy ngay với những phụ nữ khác trong trại.Nhưng anh ta vẫn một mực chối tội.Trên nguyên tắc,những việc chúng tôi không giải quyết được ,chúng tôi vẫn có thể nhờ cảnh sát Indo hỗ trợ,nhưng chúng cố gắng tránh điều nầy,vì một khi người Indo nhúng tay vào thì rất là phiền phức.
 
Hôm đó,sau khi nói chuyện phải trái với anh ta,tôi giải thích chuyện đã xảy ra rồi,giờ nếu anh ta biết nhận lỗi và hứa sẽ không tái phạm nữa thì tôi sẽ bỏ qua.Nhưng anh ta nhất quyết không nhận mà còn lớn tiếng thách thức.
 
Tôi hỏi anh ta một lần cuối anh ta có nhận tội không? Anh dằn giọng nói chắc nịch một tiếng KHÔNG!
 
Tôi nói được, xong gọi hai anh nhân viên lực lưỡng vào và nói lớn
Nhờ hai anh đưa anh nầy lên bệnh xá của trại,nhờ bác sĩ “ thiến” một bên cho anh ta,nhớ là một bên thôi,để một bên anh ta sau nầy còn có thể làm cái nhiệm vụ với ông bà giòng giống của anh ta.Tôi quay lại nói với anh ta:
Thằng H.,bạn của anh đã nói cho chúng tôi biết anh đã khoe với nó cái chuyện anh đã làm hôm đó rồi.
 
Tôi nói đến đây thì gương mặt đang hung hăng chối tội,bỗng trở nên tái xanh,mồ hôi tươm ra trên trán,và đang đứng anh ta từ từ quì xuống trước mặt tôi,với giọng run run anh ta nói:
- Thưa anh em xin nhận là em đã có làm cái chuyện bậy bạ đó,xin các anh tha lỗi và bỏ qua cho em,em xin hứa sẽ không bao giờ dám tái phạm nữa,xin đừng “thiến” em.
 
Với một tờ giấy tường thuật vụ việc và hứa không tái phạm nữa cũng như không được hành hung H.người bạn của hắn  đã giúp chúng tôi,thì công việc của chúng tôi đã hoàn tất .
 
Cũng xin nói thêm, chuyện đòi đưa anh ta đi làm cái chuyện đó chỉ hù để anh ta nhận tội thôi,chứ dĩ nhiên không ai cho phép chúng tôi.
 
Và một chuyện nữa,chuyện nầy thì ly kỳ và rắc rối hơn nhiều .
 
Số là có một bà đang định cư ở Mỹ gửi cho toà Đại sứ Mỹ ở Singapore nhờ họ điều tra giúp .Bà ấy có nhận một cái thư nói là của cháu bà.Trong thư nói đại ý cháu bà đi vượt biên,tàu bị chìm,bơi vào được một đảo hoang ở Indonesia và bị thổ dân bắt ,đòi năm ngàn đô la tiền chuộc.Trong thư nói cháu bà đã liên lạc được với một anh đang ở trại tỵ nạn Galang,tên tuổi và địa chỉ như vậy như vậy,nhờ bà gửi tiền cho người nầy để chuộc cháu.
 
Điều đáng nói là trong thư kể những chi tiết về cháu bà như tên tuổi ,tên và địa chỉ cha mẹ,ngày và địa điểm vượt biên hoàn toàn chính xác.
 
Bà ta hỏi ý kiến toà Đại sứ xem có nên gửi tiền cho người thanh niên đang ở trại tỵ nạn Galang để nhờ chuộc cháu hay không.
 
Toà Đại sứ một mặt khuyên bà ta không nên gửi số tiền lớn đó mà chỉ gửi 100 đô nói là để biếu anh ta trong lúc chờ bà ta kiếm đủ số tiền chuộc,mục đích là để giữ liên lạc với anh ta.
 
Một mặt họ nhờ phòng trật tự chúng tôi điều tra thực hư chuyện đứa cháu bị thổ dân bắt giữ và liên hệ giữa đứa cháu và người thanh niên.
 
Chuyện xảy ra khoản mấy tháng trước khi tôi đến trại.Các anh em trước tôi đã làm việc với cậu nầy mấy lần về quan hệ giữa hắn ta và đứa cháu.Hắn ta một mực khẳng định không hề biết gì về lá thư với chữ nguệch ngoạc là không phải chữ của hắn.Hỏi thế sao lại nhận một trăm đô la,hắn bảo đang ở trại không có tiền mà có người gửi cho thì nhận thôi.
 
Với sự thôi thúc và nóng lòng của người cô và toà ĐS hối thúc,nên các anh trước tôi không còn cách nào là dùng biện pháp mạnh.Thế là hắn ta khai nhận chính mình đã mạo viết bức thư đó.Nhưng khi toà ĐS gặp thì hắn lại chối,bảo bị đánh đau nên nhận bừa.Toà ĐS lại nhờ điều tra lại.Lần thứ hai cũng lập lại y chang như vậy.
 
Bà cô bên Mỹ vẫn nài toà ĐS tiếp tục điều tra để tìm ra số phận của đứa cháu,đồng thời nhờ can thiệp với Cao ủy giữ cậu nầy lại chưa cho đi định cư cho đến khi điều tra xong.
 
Lần điều tra lần thứ 3 là đến phiên tôi.Đọc hồ sơ,tôi thấy cũng đau đầu ,câu chuyện có vẻ mơ hồ,hắn vẫn chối,bảo không hề biết gì về cái thư đó,chỉ vì nhận một trăm đô đó mà bây giờ bị oan và ảnh hưởng đến việc định cư.
 
Bàn với anh phó phòng là đại uý cảnh sát,cũng không biết  giải quyết cách nào,chúng tôi canh cánh trong lòng không phải vì sức ép của toà ĐS hay của gia đình mà chính là số phận của đứa cháu nói đang trong tay của thổ dân .Giờ hắn vẫn chối,mà dùng biện pháp mạnh thì hẳn sẽ lập lại như hai lần trước .
 
Sau một ngày suy nghĩ,2 giờ khuya hôm ấy tôi cho đưa lên phòng,tôi hỏi một cách nhỏ nhẹ,bảo nói cho tôi biết anh đã viết cái thư đó trong trường hợp nào,hắn ta lập lại là không phải là tác giả của bức thư.
 
Tôi không nói gì,kêu nhờ anh phó phòng lấy hộ mười dấu tay của hắn ,xong tôi chậm rãi bảo hắn :
 -Chú mày nói chú mầy thực sự không dính dáng hoặc biết gì về cái thư đó,thôi được tôi tin như vậy,tôi cũng không ép hay dùng biện pháp gì để buộc chú mày nhận ,như vậy chú mày vừa lòng chưa?
- Dạ em cám ơn anh chứ oan cho em quá.
- Vậy là tốt rồi.Nhưng chú mày có biết vừa rồi chúng tôi lấy dấu tay của chú mày để làm gì không?
-Dạ không.
- Chú mày nghe cho kỹ nhé. Cái thư đó nếu không do chú mày viết thì tuyệt nhiên sẽ không có dấu tay của chú mày trên đó,hiện nay nó có thể có dấu tay của nhiều người đã cầm và xem qua,như của bà cô thằng đó,của nhân viên toà ĐS,nhưng tuyệt nhiên không có dấu tay của chú mày nếu chú mày không phải là tác giả của bức thư. Còn ngược lại thì..
 
Nói đến đây thì tôi thấy mặt hắn bắt đầu biến sắc ,hai tay run run nắm vào nhau và miệng lắp bắp:

Thưa anh em hiểu rồi,em thua các anh
rồi,em xin nhận tội,chính em đã viết bức thư đó.
Sau đó tôi bảo hắn ta tường thuật việc viết bức thư cũng như vì sao hắn biết chính xác chi tiết về Bảo,đứa cháu đi vượt biên mất liên lạc của bà cô bên Mỹ.
 
Số là gia đình Bảo và gia đình hắn ta có biết nhau ở Việt nam,khi Bảo đi vượt biên một thời gian lâu mà gia đình không nhận được tin tức gì nên vô cùng lo lắng,một mặt báo tin cho bà cô của Bảo ở bên Mỹ nhờ liên lạc với hội Hồng thập tự nhờ tìm tin tức của Bảo ở các trại tỵ nạn,mặt khác khi biết có gia đình nào sắp đi vượt biên cũng đưa tên tuổi ,ngày và địa điểm vượt biên cũng như tên và địa chỉ bà cô Bảo bên Mỹ để  nhờ nếu đến được an toàn hỏi giúp về số phận của Bảo.Cho nên khi biết hắn sắp vượt biên ,gia đình cũng nhờ hắn ta với đầy đủ chi tiết của Bảo.
 May mắn đến được Galang,hắn cũng có dò tìm nhưng không tìm thấy Bảo ở đó.
 
Sau một thời gian ở trại,vì không có thân nhân ở Mỹ gửi tiền giúp như đa số những người khác,không có tiền tiêu,sau cùng hắn nghĩ ra cách dùng những chi tiết mà gia đình của Bảo đã đưa,hắn mới mạo danh Bảo nói bị thổ dân bắt và đòi tiền chuộc.
 
Vì chi tiết quá chính xác nên bà cô suýt bị lừa nếu không có lời khuyên của toà ĐS Mỹ.
 
Hắn còn khai để tránh bị lộ,hắn đã dùng tay trái để viết bức thư đó,chỉ có điều hắn không nghĩ đến là dấu tay của hắn trên bức thư,và cũng vì thế mà giờ hắn đành cuối đầu nhận tội.
 
Tôi ở trại tỵ nạn Galang không lâu,chỉ sau 8 tháng,chúng tôi may mắn được phái đoàn Mỹ nhận và lên đường định cư.
 
Cuộc đời tôi đã trải qua ba chặng đường như là ba trường đời,đó là quân trường nơi  đã biến tôi từ một thư sinh trở thành một sĩ quan trong quân đội,là trại cải tạo đã cho tôi thấy hình ảnh thực của địa ngục ở trần  gian,và trại tỵ nạn Galang,nơi mà tôi đã nhìn thấy cữa ngõ của Thiên đường .
 
Và giờ đây tôi cảm thấy mình thật sự may mắn đã trải qua cả ba chặng đường ấy ,chỉ mong một điều ,xin đừng bao giờ phải bước trở lại cả ba chặng đường mình đã từng trải qua.Và dĩ nhiên chẳng có trường nào đã dạy tôi phải làm gì trong vai trò của một trưởng phòng trật tự ở một trại tỵ nạn!
 
Trở lại chuyện ở Galang,trại đóng cữa một thời gian sau đó,có một số người không được nước nào nhận đã  bị cưỡng bách về lại Việt nam,tôi cũng không biết số phận của hai nhân vật trong những câu chuyện trên như thế nào.
 
Cũng cần nói thêm,Galang gồm có hai trại,Galang 1 và Galang 2,nhưng người tỵ nạn chúng tôi còn gọi một nơi nữa là Galang 3,nằm giữa Galang một và hai,đó là nơi những người không may đã nằm xuống trước khi đến được chốn Thiên đường !
 

Huỳnh Ngọc Ánh

2020
 
_________________

 
Hoang Nguyen gởi