Trại Z30C - Tù Cải Tạo Cải Hóa Cán Bộ Trại Giam
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo”
Nguyễn Trãi
Hầu hết các tù cải tạo của Cộng sản ai cũng biết đến Trại Tù Hàm Tân có danh số Z30C. Trại này được lập chừng 2 năm sau ngày Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam... để tập trung các tù ở miền Nam như Cà Mâu, Bầu Lâm, Tây Ninh, Suối Máu... Rồi từ đó C.S mới phát vãng đi các Trại giam Khánh Hòa, Pleiku, Tây Nguyên để mở mang các trại tù khác ở nơi rừng sâu nước độc.
Trại Z30C ở gần Căn Cứ 6 cách Phan Thiết 20 cây số, quanh đấy có nhiều trại cũng mang danh số Z30A, B, D, để giam giữ nữ quân nhân VNCH, công chức, hình sự.
Z.30.C đến năm 1983 lại là nơi giam giữ tất cả các sĩ quan từ ngoài Bắc đưa vào, chờ tha. Thành thử nơi Z30C anh em cải tạo bốn phương có dịp gặp gỡ nhau.
Trại Z30C nằm ở phía tay phải Quốc Lộ 1 Nam ra Bắc, trước đây là một cánh rừng buông lớn. Đi sâu vào là suối lạnh, đất hoang dã. Từ các nơi khác trước khi ra Bắc đều tập trung nơi đây để chặt các cây cổ thụ, đất được san bằng mặt, gò mối được ủi nền, lấp phẳng phiu, cây cối được chặt đốn, nhà cửa láng trại được thành hình cất dựng, biến vùng hoang làm nơi nhốt tù.
Thọat đường vào trại là những dãy nhà ngói là nơi văn phòng, trại bộ đội, nhà ở của Trại Trưởng. Vào sâu 150m mới đến trại giam tù.
Chu vi trại khoảng 1600m2. Phân giới trong ngoài trại bằng 2 hàng rào tre gai mới trồng, ở giữa là đường đi tuần đêm. Lớp rào phía trong quanh trại là hàng rào kẽm gai. Ở cửa trại và bốn góc trại có chòi canh có bảo vệ trang bị súng đứng gác.
Nằm lọt trong chu vi đất của trại, nhà cửa bằng gỗ cây ván xẻ, có trên 10 căn nhà giam, 1 nhà bếp, 1 căn bệnh xá. Chỉ có một cửa chính vào phòng giam, cuối là nhà cầu, hai bên là giường tầng sạp ngủ. Mỗi nhà giam chứa 50 tù, chỗ nằm chật có 6 tấc cho mỗi ô. Tầng dưới bằng ciment, tầng trên là sạp ván.
6 giờ chiều có tiếng kẻng đánh là tất cả tù phải xếp hàng lũ lượt vào nhà giam qua sự điểm danh của bộ đội bảo vệ với sự giúp sức của tù trật tự. Sau khi nhà giam khóa cửa thì chỉ có bảo vệ đi tuần ngoài cho đến 6 giờ sáng thì bảo vệ đến mở cửa nhà giam và điểm danh lại tù. Trong đêm nếu có tù đau nặng hay xảy ra bất trắc thì gọi bảo vệ tuần tra đến cho đi bệnh xá hay an ninh trại tới giải quyết.
Trại có một sân trống và rộng. Ở đầu cửa vào có một hội trường được cất với nền cao, cột lớn chống đỡ mái, ba mặt lộ không đóng vách hay xây tường. Dịp lễ lớn, tết, học tập chính trị, kêu danh sách chuyển trại hay tha về, tù được lệnh tập trung nghe gọi hay xem diễn kịch, hát cải lương Trại thuê giải trí cho Tù. Tiền thù lao ban hát kịch và cải lương được xuất ra từ tiền sà bông tháng của Tù góp lại.
Cuối sân trại sau cùng dãy nhà giam là bệnh xá của trại giam. Ở đấy có một tù Bác sĩ hay Y tá lấy trong các tù ra chẩn bệnh và cho thuốc. Ngay bên phải Trại là nghĩa địa tù.
Ngày đi lao động, các đội xuất trại xếp hàng ngồi trước sân chờ quản giáo và toán bảo vệ đến điểm danh lấy đi làm. Mỗi đội có 2 bộ đội bảo vệ mang súng kè kè áp giải đầu đội và cuối đội.
Đội lao động được phân chia theo chuyên môn. Lao động nặng thì có đội khai quang, đào gốc buông, phá rừng, đốt rẫy, xới đất. Lao động vừa thì có đội rau xanh, đội chăn nuôi. Lao động nhẹ thì có đội đan lát. Có một đội ca kịch được tuyển chọn các tù biết đàn biết hát được dẫn đến một bãi đất trống gần trại để tập luyện. Ban ca kịch này được nhạc sĩ Y Vân hướng dẫn tập hát và soạn hòa âm các bài ca mới sau này. Các tù nhân tự sắm lấy đàn trống, quần áo, tóc giả để cải trang đóng vai trò nữ.
Ngày ra mắt ban ca kịch, các cán bộ lẫn trại viên đều ngạc nhiên khi thấy một đàn vũ nữ, ngực nở, đít mông to, đầu tóc uốn kiểu thời trang chạy ra trình diện khán giả. Thiên hạ tưởng rằng mượn từ ở ngoài vào giúp vui. Có vài đực rựa mặt mày đẹp sexy hơn cả con gái thật sự khiến nhiều anh tù xa vợ con nhà quá lâu tương tư đêm ngủ đâm ra mộng tinh, di tinh.
Về nhạc công có một thượng sĩ an ninh quân đội tự chế ra một cái đàn tây ban cầm bằng ván thùng và dây điện thoại. Anh ta lại chơi tay trái, tự soạn hòa âm các bài ca nhạc “cách mạng”, khi anh tấu đàn lên người ta tưởng như nghe cả một ban nhạc dây hòa tấu. Nhạc sĩ Y Vân đã làm say mê thích thú các người mộ điệu bằng các buổi trình diễn ngoạn mục điệu nghệ các bài ca “cách mạng” làm bè với ba giọng, chuyển thể, đuổi nhịp, dội âm (canon) khiến các bộ đội cao cấp biết chơi nhạc ở các tỉnh xa đòi học tập cái tài hoa nghệ thuật của “bọn Ngụy”.
Cải tạo buổi “lao động khổ sai” theo đúng nghĩa đen của nó vì người tù làm việc mà không muốn, vì thấy có công việc dù là nhàn hạ đấy nhưng là cả nhục hình hành hạ tù, hạ phẩm giá con người, vi phạm luật nhân quyền. Mục đích chính của cải tạo ở các trại giam mà Cộng sản đã bắt tù sản xuất làm của cải để tự nuôi sống lấy tù và Trại Tù “ăn theo” bồi dưỡng cho Bộ chỉ huy trại và gia đình bộ đội canh giữ trại. Tiền nuôi tù do Bộ Nội vụ Cộng sản có mà không đáng kể. Nghe nói tiền cấp dưỡng cho tù, Mỹ có chi cho 1 đô/ngày cho một người tù. Nếu có thì chúng bỏ túi và chia nhau. Một công việc khổ sai điển hình Trại nói là nhẹ nhàng hết sức là một có một số sĩ quan, công chức, tù có học vị cao như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư đại học không làm được việc nặng nhọc như các người khỏe mạnh quen việc chân tay phải đi phá rẫy, khai hoang, đào giếng, đắp nền v.v... thì Trại dành cho các người này sản xuất điều chế phân bón cây.
Người tù làm phân bón nghĩ là một đặc ân “nhân đạo” của Trại rồi nên họ lội xuống hầm phân người ở cầu tiêu sau trại để ải lâu ngày, nhung nhúc dòi bọ, hôi thối nồng nặc đến ruồi nhặng cũng phải ngạt không bay xuống được. Thêm sự sáng tạo của anh tù trưởng toán phân bón muốn tỏ tinh thần tích cực lao động tốt nên khiến anh tù dưới hầm phân phải nghiền bóp các cục phân còn vón lại, chắt bỏ các hột bo bo còn nguyên không tiêu vất riêng ra, bón mót kỹ các bọc ni lông để nộp cho Bộ chỉ huy trại dồn lại đem bán kiếm tiền.
Các hố phân bón đã làm được tên Toán Trưởng ác ôn bắt tù làm phân chia phiên canh gác nghiêm nhặt để ngăn các tù nhân ở bãi lao động lân cận lén ăn cắp về bón cho vườn rau tư hữu để cải thiện.
Trong các buổi kiểm thảo vào buổi tối thường có những vụ đấu tố nhau về ăn bớt phân, ăn cắp phân thật bần tiện. Trại cải tạo tù nhân bằng cách bỏ đói, cho ăn dưới mức tiêu chuẩn. Các tù tranh nhau từng li từng tí trong việc chia cơm, chia thức ăn, chia nước. Những con mắt đói có thể cân đo như cân tiểu li không một sai một ly ông cụ nào. Các tù phạm kỷ luật được phần ăn chỉ còn một phần nửa khẩu phần để họ quá đuối sức không thể tìm cách trốn được. Những toán tù đi lao động, đố con vật nào là loài “có máu” thoát khỏi tay họ. Chỉ một thoáng giây con rắn rồng bò nhanh như cắt trên đường tù đi qua, một người vừa kêu lên có con rắn kia kìa, lập tức một anh tù phóng theo như hiệp sĩ mù trong gió kiếm, con rắn rồng đã bị anh tù chộp ngay lấy đầu, một tay nắm lấy đuôi tuốt mạnh giang thẳng ra. Anh tù cầm ngay cái đầu con rắn đưa vào mồm cắn, mút một hơi hết sạch máu con rắn. Xác rắn còn lại được nhiều bạn tù trong toán mặc cả mua lại làm thực phẩm cải thiện cho bữa ăn thiếu protein. Cóc nhái, tắc kè, chuột đều sạch bóng ở những nơi tù lai vãng. Tù bắt được chúng họ hốt ngay rác, đốt lửa thảy vào cháy sơ là đem ra chia nhau ăn ngon lành.
Ở Trại Z30C cũng như các trại giam khác, chế độ cho thăm nuôi đều hạn chế. Thoạt đầu tù chỉ được tiếp tế có 5 kí. Mấy năm sau lên tối đa 20 ký. Những năm tháng khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, dân chúng còn không đủ ăn, gạo và thực phẩm được phân phối theo tem phiếu do đó tù rất đói vì thế gia đình không thể tiếp tế thân nhân theo số lượng Trại cho phép. Mọi anh tù đều “vô sản” cả phải trông vào thực phẩm của Trại giam cung cấp. Nhiều tù nhân nảy sinh nhiều tài sáng tạo mưu sinh độc đáo, họ chế các bẫy thú bắt chồn, cheo, kỳ đà làm khô gửi ra giúp gia đình. Có người lượm lặt vỏ bom, đạn pháo 105 ly chế hộp, lược, vòng đeo tay trang sức rất mỹ thuật, bán cho bạn đồng tù hay cả bộ đội ở trại giam làm vật kỷ niệm. Với kềm búa làm bằng cọc sắt hàng rào, tù cải biến sửa sang lại các động cơ xe Jeep, xe GMC phế thải thành nhà máy cưa để chế tạo bàn ghế giường tủ để cho Trại bán cho ngoài dân lấy tiền xài riêng với nhau và thí cho tù thêm chút cơm phụ trội.
Tù miền Nam đã làm cán bộ nể phục, như tại Z30C một anh tù tay ngang đã bắc một “cây cầu sông Kwai” ngang con suối lạnh để nối đường cho xe hơi chở lâm sản qua lại. Tù còn làm một cái đập nước ngăn nước suối thành một bể nước vừa là nơi chứa nước ăn cho nhà bếp trong mùa khô cạn và một hồ tắm cho tù.
Tù tại Z30C đa số là sĩ quan, công chức Trưởng Ty, Sở, các người tình nghi hoặc đối lập với CS, chỉ có một số ít can phạm hình sự thôi nên trình độ hiểu biết của họ cũng như khả năng kỹ thuật của họ cao, có thể tháo vát làm được mọi chuyện trên dưới.
Phần lớn các cán bộ quản giáo tức là các bộ đội trông coi một đội lao động chịu trách nhiệm quản lý nhân số đội, lãnh nhận và dắt tù đi làm, kiểm điểm học tập lao động, cho phép thăm nuôi, phạt kỷ luật, cắt giảm khẩu phần. Thoạt đầu vì mặc cảm tự tôn của phe chiến thắng và tư cách cai tù các quản giáo tỏ vẻ khinh miệt các tù nhân nhất là tù “nhà banh” hay quân binh QĐVNCH khi mới đối đầu với chúng. Một thời gian ngắn sau đấy bọn quản giáo xem lý lịch và tội trạng từng người, chúng tra vấn tò mò hỏi về học vấn, kỹ thuật so với sự xuyên tạc tuyên truyền láo khoét của Đảng Cộng sản là Quân đội Miền Nam là lính đánh thuê ác ôn ngu dốt không biết gì hết. Do nhu cầu mở mang phát triển trại, cán bộ quản giáo theo lệnh Trại trưởng khai thác khả năng của tù giam trong trại được gọi đi làm.
Một số anh em tù lúc đầu không chịu hợp tác nhưng sau nhận thấy công việc họ làm đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho anh em tù. Sĩ quan Quân cụ thì giúp cho Trại việc gỡ bom và mìn quanh trại. Sĩ quan Công binh thiết lập các cầu dây bắc qua con suối vào mùa nước lớn để tiếp tế cơm và lương thực cho các toán lao động khai quang bên kia con suối. Còn ty trưởng điện lực lập một nhà điện thắp sáng cho vùng. Nhân viên Nông Lâm Súc giúp Trại tổ chức việc chăn nuôi, đào ao cá. Đến lúc bấy giờ các cán bộ trại giam mới thức tỉnh và rất nể phục tù miền Nam có nhiều tài năng kỹ thuật ngoài việc đánh giặc. Cán bộ trại giam ngoài công việc kỹ thuật được tù hoàn tất chu đáo, chúng bỏ bớt thái độ hằn thù. Sau chúng xun xoe nhờ cậy các anh em tù học cao dạy cho chúng Anh văn, Toán Lý Hóa.
Về sau này sự thân thiện đi đến cảm thông rồi cải hóa, tù đã rủ được quản giáo trốn trại để vượt biên. Năm 1982, tại Z30C đã có hai vụ tù và quản giáo thoát trại trót lọt. Ngoài ra ở ngoài đời còn có nhiều cán bộ trại giam tìm tù quen cũ nhờ cậy.
Z30C còn có nhiều tù có khí phách. Trong đội Đan lát năm 1981 có một công chức cũ dáng chừng là Ty trưởng được điều về đội Đan lát. Đội có nhiều toán chuyên môn như đan rổ, giá, nong, sàng và dễ nhất là chuốt nan. Mỗi người phải làm theo chỉ tiêu của mình do toán trưởng ấn định. Ông Ty trưởng bị bắt buộc chuốt 100 cái nan một ngày. Ông ta ngồi mơ mộng đâu đâu nhất định không làm gì. Toán trưởng trình quản giáo can thiệp bắt làm cho có lệ 5 cây nan cho có việc để khỏi mất mặt bầu cua, ông ta cũng đếch làm, muốn phạt gì thì cứ phạt. Sau đành để ông làm ông bụt và còn mất công đánh thức ông dậy để về.
Trại nổi tiếng có cụ Trần Hữu Duyên giáo phái Hòa Hảo. Một buổi sáng cụ Duyên gánh đồ đạc đi ra cửa chánh của Trại. Bảo vệ canh cổng chặn lại hỏi Cụ đi đâu. Cụ điềm nhiên trả lời:
- Bộ Nội vụ các anh nói giữ tôi 3 năm. Nay đến đúng hạn thì tôi về chớ!
Trại trưởng đến nói về thì phải có lệnh tha. Cụ Duyên nói:
- Chúng tôi đạo giáo chả làm gì có tội mà tha. Cụ Hồ nói “Đoàn kết đại đoàn kết”, bắt người ta vào tù mà gọi là đoàn kết à!
Trại trưởng gặp ông già đành phải dỗ ngọt cho cụ vào lại trại.
Ở Trại có nhiều Sĩ quan Đà Lạt trẻ tuổi, các anh này ngày nghỉ Chủ Nhật đi tìm khắp các đội lao động, gặp được người cùng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt thì làm lễ ra mắt kính niên trưởng hay nhận anh em đồng khóa. Họ giúp đỡ nhau cũng như khuyên bảo nhau giữ thanh danh Quân đội VNCH chớ hèn hạ xưng em với bọn cán bộ nhãi ranh.
Năm 1981 có gần 100 sĩ quan cấp Tá từ các trại giam miền Bắc vào. Họ bị nhốt riêng vào một nhà gạch mới xây, sau một ngày các sĩ quan này phải xuất trại đi lao động. Khi ra cổng trại, cán bộ bảo vệ bảo họ phải dở nón chào và hô chào cán bộ bộ đội như nội quy trại đã quy định. Tất cả các đội sĩ quan cấp tá phản đối:
- Đã là Tù không phải chào kẻ canh tù. Làm gì thì làm!
Trưởng Trại lúc đó là một Đại úy chạy ngay ra. Sau 10 phút đối đáp, có lẽ tên Trưởng trại đuối lý nên lệnh thi hành nội quy phải xếp xó.
Trại Z30C đã có giam giữ Vua kẽm gai Hoàng Kim Quy. Ông Quy bị hành hạ rất tội nghiệp. Đồ thăm nuôi bị lục soát kỹ, giây đi cầu bị sổ tung ra xem có viết gì trong đó không? Ông Quy chết vì kiệt sức năm 1982.
Nhà văn Phan Nhật Nam và các văn thi sĩ có tiếng đều có ở tù trại này một thời gian trước khi ra Bắc.
Về văn nghệ, trại cấm tù ca hát “Nhạc vàng”. Qua những đêm canh gác ngoài nhà giam cán bộ nghe được một số tù hát các bài ca tiền chiến hay quá và kể các truyện võ hiệp Kim Dung, truyện tình cảm Quỳnh Giao, chúng năn nỉ xin chép lại bài hát và đề các truyện để ra ngoài tìm mua đọc.
Trại có cụ Lam Giang Nguyễn Quang Trứ trước viết biên khảo lịch sử cho Tướng Nguyễn Bảo Trị “Khối Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu QĐVNCH”, cụ tính nhuận bút một chữ là $10.00. Cụ Trứ chột một con mắt nên tính cộc cằn, cán bộ đụng nói đến cụ là cụ văng tục Con C...
Cụ làm bài thơ bằng chữ Hán, cán bộ hỏi đòi cắt nghĩa Cụ nói là thơ của “Cụ Hồ” trong Nhật ký trong Tù.
Các anh em tù nói chuyện gì mà cán bộ vặn vẹo là họ gài già Hồ vào để chặn họng chúng.
Cán bộ trại giam phần đông là bộ đội trẻ ngoài Bắc lớn lên trong thời chiến tranh đói kém thiếu thốn nên chúng vào miền Nam thấy đồ ăn thức uống, tiện nghi dụng cụ cái gì cũng lạ cả. Trong trại Z30C có một chú bảo vệ canh tù trong giờ ăn trưa ngoài bãi. Một anh tù lấy một cặp lạp xưởng đem nướng lửa thơm phức. Chú lính Bắc ngửi thèm quá đến bảo:
- Ê đằng ấy nướng con gì, không đầu không đuôi ngon quá, kiếm đâu vậy?
Anh tù mới xí gạt, nói:
- Con lạp xưởng. Họ bắt nó ở ngoài bờ suối ấy!
Hôm sau, chú lính ngố mới kiếm anh tù rắn mắt nói:
Chiều tối hôm qua tôi thắp đèn ra bờ suối sục thì chỉ bắt được những con lạp xưởng dài hơn. Nhưng chúng đen thui, đem nướng hoài nó không đỏ.
Hóa ra chú lính đã nhầm con dun đất lớn với con lạp xưởng.
Cà phê phin mà lính miền Bắc gọi là “cái nồi ngồi trên cái cốc” đã làm chúng rụng rời chân tay khi chúng hít phải thơm ngát trong sương gió lạnh khi canh gác ngoài nhà giam. Chúng mới báo cáo lên trại trưởng cấm tù uống cà phê để mùi thơm ngon bay làm chúng trễ nải canh gát. Trải trưởng cho điều tra lại quả có thế, mùi cà phê còn ác liệt hơn tiếng sáo Trương Lương làm bủn rủn binh Sở ở đây lại dữ tợn hơn là nạo dạ dày trống rỗng của binh Hồ.
Hôm sau một thông cáo sặc mùi “duy vật biện chứng phép” chỉ thị cho tù nhân.
I- Xét thấy cà phê mà các trại viên đem vào uống có tác hại như sau:
1) Làm tiêu hóa mau chóng bữa cơm của trại viên với khẩu phần ít ỏi khiến trại viên đói lả không đủ sức đi lao động.
2) Các trại viên lợi dụng đãi cà phê để tụ tập loan truyền tin thất thiệt phản động.
II- Do các lý do đó, kể từ ngày ra thông cáo này, cấm các tù nhân đem cà phê vào trại uống. Trạm thăm nuôi tịch thu, khám xét chặn giữ mọi thức uống có cà phê. Các trật tự viên nào bao che hay để cà phê lọt vào trại, và các tù hội họp, chiêu đãi cà phê đều phải bị kỷ luật nghiêm trị.
Lệnh cấm cà phê làm tất cả tù, các quản giáo, các cán bộ trại giam các cấp ngơ ngẩn “thương tiếc” vì không còn được hít hà mùi thơm cà phê nồng ấm ở nơi giá lạnh như khu rừng lá còn hoang vu chưa thuần này. Lệnh cấm là lệnh cấm, nhưng vẫn có cà phê đem đãi ngộ khách tri kỷ, thế mới lạ chứ!
Ban Tư Tưởng bắt tại trận một tụ điểm xôm tụ đãi cà phê mà sau đó không làm gì bắt kỷ luật chủ nhân có cà phê. Tại sao?
Lý do: tuy gọi là cà phê nhưng lại không phải cà phê? Không là cà phê thì không có độc hại theo tinh thần bản thông cáo? Cà phê này là cà phê “dỏm” Tù chế nó bằng cách rang cháy đen bo bo ăn không nổi. Bo bo như Bắp rang cháy 85% cũng bốc thơm như cà phê. Họ cho chất váng mỡ pha vào để được béo ngậy như cho bơ vậy. Từ đó chân giã lẫn lộn, nhờ bọn trật tự, cán bộ “tham ô”, cà phê được lần nữa vào thoải mái như thường. Chuyện cà phê lần nữa lại thắng thế về phe tù cải tạo do các cán bộ trại giam quá thiếu thốn vật chất nên buông trôi cho sự “hủ hóa” của cái phồn vinh của miền Nam. Chuyện Trại Z30C cấm tù uống cà phê đã thành một đề tài mỉa mai loại người “duy vật” phản kháng không lại vật chất cám dỗ.
Thật sự Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam chúng ta chúng không thể nào “cải tạo” được tù lẫn dân, vì trình độ văn hóa của chúng quá thấp kém lại thêm bị nhồi sọ lối ăn nói hàm hồ ngược ngạo của Cộng sản “ba búa” lại thêm sinh hoạt kinh tế miền Bắc quá đói khổ khiến nên các cán bộ và lính canh thiếu thốn và thèm khát phải xin xỏ tù.
Trái lại tù miền Nam phần đông vẫn còn cốt cách phong lưu hào phóng vì trong dĩ vãng đã được thừa hưởng sự văn minh giao lưu của thế giới tự do nên vì qua sự tiếp cận tự nhiên đã “cảm hóa” được chúng ham thích sự tự do phóng khoáng của miền Nam nên dần dà chúng thức tỉnh khỏi sự kiềm kẹp trói buộc của chính sách Cộng sản, trở lại “chiêu hồi” chúng, do đó anh em tù chính trị bị chúng giam giữ thực tế không bị “cải tạo” li ông cụ nào (cải tạo của Cộng sản là “Tẩy não”) mà trái lại chúng bị chúng ta “cảm hóa” ngược lại theo như nghĩa của lời hịch của Nguyễn Trải xưa kia “Lấy Chí Nhân mà thay Cường bạo!”
Lê Tân Anh
_________________
Đặng Hữu Phát gởi