Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh






 
Trạm Không Gian Quốc Tế
 
 
 
 
Trạm Không Gian Quốc Tế. (Hình: NASA)


Sự thành lập Trạm Không Gian Quốc Tế


Trước khi có Trạm Không Gian Quốc Tế (International Space Station) thì Hoa Kỳ đã có trạm không gian Skylab. Được phóng lên không gian vào ngày 14 Tháng Năm, 1973. Sau khi nhóm phi hành gia chót rời khỏi Skylab vào Tháng Hai năm 1974 thì Skylab bỏ trống và cứ bay chung quanh trái đất cho tới ngày 11 Tháng Bảy, 1979, thì rơi vào vùng khí quyển.
 

Skylab tuy ở trên không gian không bao lâu nhưng đã nghiên cứu được nhiều điều hữu ích và mở đường cho Trạm Không Gian Quốc Tế (xin viết tắt là TKG QT) sau này.


Trong các thập niên 1970 tới 1990 Liên Bang Xô Viết, sau này là Nga Xô cũng đã có nhiều trạm không gian. Nhưng tất cả đã rơi vào bầu khí quyển và tan rã hết. Về sau Nga hợp tác với Hoa Kỳ trong việc phát triển TKG QT.


Năm 1984, Tổng Thống Reagan chỉ thị cho cơ quan NASA xây dựng một trạm không gian với sự hợp tác của nhiều quốc gia khác trong vòng 10 năm. Trạm Không Gian Quốc Tế là một thực thể nhân tạo lớn nhất ngoài không gian. Vì quá lớn, TKG QT nặng tới 455 tấn nên không thể xây dựng ở mặt đất và đưa lên không gian trong một lần. Mà phải đưa lên từng bộ phận, gọi là khối chuẩn (module) rồi ráp lại.


Tháng Mười Một, năm 1998, khối chuẩn đầu tiên của TKG QT được người Nga phóng lên. Khối chuẩn này có tên Nga là Zarya có nghĩa là rạng đông. Một tháng sau Hoa Kỳ đưa khối chuẩn đầu tiên tên là Unity của mình lên và hai khối chuẩn được nối với nhau. Sau đó trong vòng hơn 10 năm và với hơn 30 phi vụ TKG QT được hoàn thành.


Những dữ kiện đáng chú ý của Trạm Không Gian Quốc Tế


Trạm Không Gian Quốc Tế là thành quả của một sự hợp tác kỹ thuật của 15 quốc gia, đáng kể nhất là Hoa kỳ, Nga Xô và Liên Minh Châu Âu. Các cơ quan chính là NASA của Hoa Kỳ, Roscosmos của Nga Xô và Cơ Quan Không Gian Châu Âu (European Space Agency). Ngoài ra còn có Cơ Quan Thám Hiểm Không Gian Vũ Trụ Nhật Bản (Japanese Aerospace Exploration Agency) và Cơ Quan Không Gian Gia Nã Đại (Canadian Space Agency).
 


 
Phi hành gia Scott Kelly trong Trạm Không Gian Quốc Tế. (Hình: NASA)


Trạm Không Gian Quốc Tế được xây dựng từ năm 1998 và hoàn thành các phần chính vào năm 2011. Phí tổn của Trạm Không Gian Quốc Tế tính cho tới năm 2011 là khoảng 100 tỷ Mỹ kim và sẽ còn tăng lên nhiều nữa. Đây là một cấu trúc đắt tiền nhất thế giới.


Kể từ năm 2000 lúc nào cũng có phi hành gia trên TKG QT. Cho tới Tháng Giêng năm 2018 thì đã có 230 phi hành gia từ 18 quốc gia tham dự vào TKG QT. Hoa Kỳ có nhiều nhất, 145 người, sau đó là Nga Xô với số 46, rồi tới Nhật Bản (9), Gia Nã Đại (7), Ý Đại Lợi (5), Pháp (4), Đức (3). Những quốc gia sau đây, mỗi nước có một người: Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Bỉ, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Nam Hàn, Mã Lai, Ba Tây, Kazakhstan và Nam Phi.


Trạm Không Gian Quốc Tế ở độ cao trung bình là 400 km và bay với vận tốc là 28,000 km/giờ. Cứ 90 phút thì TKG QT bay được một vòng quanh trái đất. Như vậy có 45 phút là ngày và 45 phút là đêm.


Trạm Không Gian Quốc Tế luôn luôn có một phi thuyền nhỏ sẵn sàng để nếu có trường hợp khẩn cấp cần phải rời bỏ trạm không gian thì có thể dùng nó để quay trở lại trái đất. Điều này cũng giống như tàu bè luôn luôn có đem theo tàu cấp cứu (lifeboat).


Một ngày trên Trạm Không Gian Quốc Tế


Vì không có ngày đêm rõ rệt như ớ dưới đất, nên một ngày được định là 24 giờ đồng hồ. Vì vấn đề huấn luyện rất tốn kém, nên phải tận dụng thời gian ở trên Trạm Không Gian, các phi hành gia rất bận rộn. Trừ những ngày nghỉ, mỗi ngày làm việc 12 tiếng. Bắt đầu bằng đồng hồ báo thức gọi dậy, rồi làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng như là sống trên trái đất. Sau đó là nói chuyện với trung tâm điều hành về các hoạt động trong ngày và bắt đầu làm việc.


Trạm Không GianQuốc Tế cũng giống như một căn nhà, cần có sự bảo trì. Các hoạt động của phi hành gia có thể chia làm hai phần. Một phần là bảo trì và dọn dẹp. Một phần khác là thi hành các thí nghiệm khoa học. Ngoài ra các phi hành gia còn phải để ra hai giờ để tập thể dục mỗi ngày.


Mấy năm trước thì không có phương tiện liên lạc trực tiếp với người trên trái đất ngoại trừ trung tâm điều hành. Nhưng bây giờ thì phi hành gia có thể gửi điện thư trực tiếp tới gia đình và người quen. Họ cũng có thể dùng một hệ thống điện thoại đặc biệt nối với máy tính để nói chuyện với người quen dưới đất. Theo NASA thì tiếng trong điện thoại rất rõ, bạn không biết là đang nói chuyện với phi hành gia trên Trạm Không Gian Quốc Tế.

Những khó khăn của con người sống trong không gian


Con người đã quen sống ở dưới đất với trọng lượng kéo xuống của trái đất. Ở trên không gian hầu như không có trọng lực nên cơ thể con người phải cố để thích ứng trong hoàn cảnh mới. Vì không có trọng lực nên xương con người trở nên dễ gãy và các bắp thịt thì nhỏ lại. Để chống lại tình trạng này phi hành gia bắt buộc phải tập thể dục mỗi ngày 2 tiếng.


Ở ngoài không gian các phi hành gia không có lớp không khí che chở phải hứng chịu các tia vũ trụ (cosmic ray) và bức xạ mặt trời.
 


 
Trạm Không Gian Quốc Tế bay qua Massachusetts. (Hình: earthsky.org)


Những thành quả của Trạm Không Gian Quốc Tế


Một mục đích của TKG QT là nghiên cứu xem con người có thể ở lâu ngoài không gian hay không. Bây giờ thì người ta biết là tuy có nhiều vấn đề nhưng con người có thể tồn tại ngoài không gian. Điều này rất quan trọng trong dự án thám hiểm Sao Hỏa.

Các phi hành gia đã thực hành rất nhiều thí nghiệm khoa học trên Trạm Không Gian Quốc Tế. Sau đây là một vài thí nghiệm trên TKG QT.


Có một thí nghiệm do các nhà khoa học Nhật Bản thiết kế. Họ đem lên TKG QT những con sâu để tìm hiểu về ảnh hưởng của vi trọng lực (microgravity) đối với sinh vật về vấn đề lão hóa. Hậu quả của cuộc thí nghiệm này có thể là sự phát triển những thứ thuốc mới để chống lại những bệnh do sự lão hóa sinh ra.


Sự phát triển tinh thể trên TKG QT là một trong những thí nghiệm đầu tiên trên Trạm Không Gian. Trong môi trường vi trọng lực tinh thể mọc lên hoàn hảo hơn là tinh thể mọc lên dưới mặt đất. Tinh thể hoàn hảo này rất nhạy cảm với các chất phóng xạ nên được dùng trong những máy dò phóng xạ.


Bạn có thể thấy Trạm Không Gian Quốc Tế không?


Vì Trạm Không Gian Quốc Tế là một thực thể rất lớn nên bạn có thể thấy nó bằng mắt thường được. TKG QT xuất hiện như một vật sáng bay ngang qua bầu trời. Vấn đề là bạn phải biết nhìn ở đâu trong bầu trời rộng lớn. Bạn có thể vào mạng http://earthsky.org/human-worl d/how-to-spot-the-internationa l-space-station để theo dõi Trạm Không Gian Quốc Tế.


Tương lai của Trạm Không Gian Quốc Tế


Chương trình hiện tại thì Trạm Không Gian Quốc Tế sẽ hoạt động cho tới năm 2024, có thể tăng lên đến 2028. Sau đó thì chưa có quyết định rõ rệt. Nó có thể để cho rơi vào bầu khí quyển hay có thể được tái dùng cho những trạm không gian trong tương lai.
 

 
 
Hà Dương Cự

 

 Nguồn tài liệu
https://www.nasa.gov

 
Hành trình thám hiểm Hỏa Tinh
 
 
Hà Dương Cự
 
 
 
Hành trình thám hiểm Hỏa Tinh. (Hình: mars.nasa.gov)


Ông Elon Musk đã tiên đoán là con người không những sẽ lên thám hiểm Hỏa Tinh (Mars) mà sẽ còn định cư trên đó nữa.

Chắc bạn cũng biết ông Elon Musk là một tỷ phú, theo Forbes thì tài sản của ông ta hiện tại trị giá khoảng $20.5 tỷ. Ông là người sáng lập ra công ty xe điện Tesla và công ty thám hiểm không gian SpaceX.

Muốn lên Hỏa Tinh dễ hay khó? Những trở ngại nào khiến cho con người chưa thám hiểm Hỏa Tinh được? Vì sao ông Elon Musk có thể khẳng định như vậy được?


Hỏa Tinh ở đâu và cách xa trái đất bao nhiêu? 


Hỏa Tinh là hành tinh thứ tư tính từ mặt trời trong Thái Dương Hệ và là hành tinh gần trái đất thứ nhì sau Kim Tinh (Venus). Vì trái đất và Hỏa Tinh luôn luôn di động nên khoảng cách giữa trái đất và Hỏa Tinh không cố định. Trên lý thuyết thì khoảng cách gần nhất là 54.6 triệu cây số (33.9 triệu dặm) và xa nhất là 401 triệu cây số (250 triệu dặm).

 
Có gì trên Hỏa Tinh? 


So với trái đất thì Hỏa Tinh chỉ lớn hơn phân nửa trái đất một chút. Từ đằng xa thì trái đất màu xanh vì 70% là biển cả còn Hỏa Tinh thì có màu hơi đỏ vì đá và bụi bao phủ và có khoáng chất có nhiều chất sắt. Hành tinh được đặt tên là Mars, thần chiến tranh của người La Mã vì Hỏa Tinh có màu đỏ như máu. Người Hy Lạp gọi là Sao Ares, cũng là thần chiến tranh. Hỏa Tinh có hai vệ tinh bay quanh, được đặt tên là Phobos và Deimos, tên của hai con trai của Ares.


Hỏa Tinh rất là lạnh, nhiệt độ trung bình là âm 63 độ C. Trọng lực của Hỏa Tinh chỉ bằng 1/3 trọng lực trên trái đất. Một người nặng 50 ký lô ở trái đất chỉ nặng khoảng 18.5 ký lô trên Hỏa Tinh. Bầu khí quyển của Hỏa Tinh mỏng hơn bầu khí quyển trái đất rất nhiều và 95% là các-bon đi-ô-xít. Phần còn lại là khí ni-trô, a-gon (argon), dưỡng khí và nhiều khí khác. Dưỡng khí có 0.13%, quá ít cho con người.
 

 Hỏa Tinh. (Hình: NASA)


Tiến trình dọ thám Hỏa Tinh 


Khoảng đầu thập niên 1960, Liên Bang Xô Viết và Hoa Kỳ đã thử phóng nhiều tàu vũ trụ (spacecraft) lên để dọ thám Hỏa Tinh nhưng đều thất bại. Vào Tháng Mười Một, 1964, Hoa Kỳ đã thành công trong việc phóng tàu vũ trụ Mariner 4 để dọ thám Hỏa Tinh. Vào thời điểm đó tàu vũ trụ không bay thẳng đến Hỏa Tinh mà chỉ là bay ngang (flyby) thôi. Mariner 4 tiếp cận gần nhất với Hỏa Tinh vào Tháng Bảy, 1965, điểm gần nhất cách Hỏa Tinh khoảng 10,000 cây số. Mariner 4 gửi về trái đất 21 hình Hỏa Tinh, đó là những hình ảnh đầu tiên chụp Hỏa Tinh gần. Sau đó Hoa Kỳ đã gửi thêm mấy tàu vũ trụ bay ngang Hỏa Tinh.


Năm 1971, Liên Bang Xô Viết đã gửi được tàu vũ trụ Mars3 lên Hỏa Tinh. Mars3 được chia làm hai, tàu hạ cánh (lander), tức là phần đáp xuống Hỏa Tinh, thì thất bại, nhưng tàu quỹ đạo (orbiter), tức là phần bay vòng quanh Hỏa Tinh, thì thành công. Cùng năm 1971 Hoa Kỳ phóng thành công tàu quỹ đạo Mariner 9. Tàu này bay vòng quanh Hỏa Tinh trong gần một năm trời và gửi về trái đất rất nhiều hình ảnh rõ nét của Hỏa Tinh.


Năm 1975, NASA phóng lên Hỏa Tinh hai tàu vũ trụ Viking 1 và Viking 2. Đây là lần đầu tiên một vật thể từ trái đất đáp xuống được Hỏa Tinh. Sau một thời gian không hoạt động, vào thập niên 1990 NASA lại phóng tàu vũ trụ lên Hỏa Tinh. Năm 2003 Hoa Kỳ đưa lên Hỏa Tinh hai tàu lưu động (rover) tên là Spirit và Opportunity để dọ thám Hỏa Tinh.


NASA chỉ dự trù hai tàu lưu động này hoạt động trong vòng 90 ngày. Nhưng không ngờ Spirit sống sót cho tới năm 2010. Opportunity vẫn còn đi lang thang trên Hỏa Tinh, vẫn làm những thí nghiệm khoa học và gửi hình ảnh về trái đất.


Hai tàu lưu động Spirit và Opportunity đã gửi về trái đất nhiều thông tin về Hỏa Tinh. Vì nước được coi như là nguồn căn bản cho sự sống nên các nhà khoa học rất muốn tìm xem Hỏa Tinh có nước hay không. Hai tàu lưu động đã tìm thấy dấu vết của nước, tức là trước đây Hỏa Tinh có nước. Tuy nhiên những cố gắng để tìm xem có vi khuẩn hay bất cứ một loại sinh vật nào đều không có kết quả. Có thể trước đó Hỏa Tinh đã có sinh vật, nhưng bây giờ thì không.


Hiện nay Liên Minh Châu Âu, Nga Xô và Ấn Độ đã có tàu vũ trụ thám hiểm Hỏa Tinh. Trung Quốc và Nhật Bản có thử nhưng không thành công.


Làm sao lên Hỏa Tinh 


Vì trái đất và Hỏa Tinh di chuyển trên hai quỹ đạo khác nhau với hai vận tốc khác nên có lúc gần lúc xa. Cứ khoảng mỗi hai năm thì có một cơ hội để phóng tàu vũ trụ lên Hỏa Tinh mà ít tốn nhiên liệu nhất. Các nhà khoa học không thể nhắm tàu vũ trụ vào Hỏa Tinh lúc phóng mà phải nhắm vào vị trí của Hỏa Tinh lúc tới. Thường phải có vài sự điều chỉnh hướng đi trong khi đi thì mới không hụt Hỏa Tinh. Nếu mọi sự tốt đẹp thì thời gian đi khoảng bảy, tám tháng.
 


Hình vẽ Mars Exploration Rover. (Hình: NASA)


Muốn đáp xuống Hỏa Tinh thì lại có nhiều vấn đề khác. Tàu vũ trụ bay rất nhanh nếu không làm cho chậm lại thì sẽ vị tan nát khi đâm xuống Hỏa Tinh. Hơn nữa bầu khí quyển của Hỏa Tinh tuy ít nhưng cũng làm nóng tàu vũ trụ, nên phải có màn chắn để không bị cháy. Sau đó phải kích hoạt động cơ phản lực để làm chậm lại. Tất cả diễn tiến phải được xảy ra đúng từng giây. Nếu không thì sẽ bị hư hại.


Phần trên là chỉ nói về máy móc còn con người thì sao? Đi trong không gian khoảng bảy, tám tháng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Vấn đề đầu tiên là có đủ dưỡng khí, nước và thực phẩm để sống. Còn những vấn đề như phóng xạ, cô lập và không có trọng lượng. Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã thử nghiệm con người sống ngoài không gian trên International Space Station, nên cũng có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên chưa ai thử bay đi Hỏa Tinh cả.


Làm sao trở về từ Hỏa Tinh 


Phần đi tới Hỏa Tinh như đã nói ở trên tuy là rất khó khăn nhưng tương đối dễ hơn so với phần đi về. Thứ nhất là chưa ai thử đi từ Hỏa Tinh về trái đất. Thứ hai là tất cả những gì cần thiết cho chuyến đi về đều phải được đem theo từ trái đất, không thể thiếu thứ gì. Nhất là nhiên liệu cần thiết cho hỏa tiễn. Như vật rất nặng nề, khó có hỏa tiễn nào đủ mạnh để đem tất cả lên Hỏa Tinh một lần.


Hoạt động ca NASA 


NASA dự trù là sẽ gửi người lên Hỏa Tinh vào thập niên 2030. Từ bây giờ tới lúc đó NASA có rất nhiều chương trình để tiếp tục tìm hiểu thêm về Hỏa Tinh. NASA dự định phóng lên Hỏa Tinh một tàu lưu động và sau đó tìm cách phóng một tàu vũ trụ lên Hỏa Tinh. Tàu này sẽ tự động xúc một ít đất của Hỏa Tinh và tự động bay trở về trái đất.


Có hai mục đích chính. Một là thử hệ thống bay về từ Hỏa Tinh. Hai là phân tích đất đai của Hỏa Tinh xem có thể trồng thực phẩm cho các phi hành gia không. Vấn đề này rất quan trọng vì nếu có nguồn thực phẩm tại chỗ thì không phải đem từ trái đất và tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu.


Với tinh thần mạo hiểm và nhiều đầu óc sáng tạo tôi tin rằng một ngày nào đó ông Musk và NASA sẽ thành công trong việc lên thám hiểm Hỏa Tinh.
 

(Hà Dương Cự)


Nguồn tài liệu: https://nssdc.gsfc.nasa.gov, https://mars.nasa.gov, www.jpl.nasa.gov


Đặng Hữu Phát gởi