TRĂM NĂM ĐỂ MỘT TẤM LÒNG (*)
Chớ thấy hùm ngủ mà lại vuốt râu
Đến khi hùm thức: đầu lâu không còn !
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chị Kim Anh trao tôi một xấp bản chụp “Người tù Hilton Hà Nội và Người Tù Chí Hoà Sàigòn”.
Tôi đã thức suốt đêm để đọc trọn vẹn tác phẩm viết về hai cảnh tù của hai chế độ: Cộng sản Hà Nội và Cộng hòa Sàigòn.
Tôi rất thích thú khi biết Nguyễn Việt Nữ là bút hiệu của chị Kim Anh. Truyện của chị tôi đã được đọc đứt quảng vào năm 1988 trên tạp chí Văn nghệ Tiền Phong do nhà báo Nguyễn Thanh Hoàng chủ trương được bày bán cạnh tương, chao, nước mắm trong một “super market Việt Nam” duy nhất tại Des Moines, thủ phủ của tiểu bang Iowa thuộc miền Trung Tây Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, là nơi định cư đầu tiên của tôi. Được đọc trọn vẹn tác phẩm đang viết dở (chị cho biết đang tiếp tục viết “Người tù California, Mỹ quốc” là phần thứ ba của quyển trường thiên tiểu thuyết “Cũng Một Kiếp Người”), thấy tác giả Nguyễn Việt Nữ có kêu gọi tác phẩm này được dịch ra Anh ngữ để thế giới có dịp so sánh hai cảnh tù. Không hẹn mà chúng tôi đã gặp từ lâu trong ước vọng nầy. Bởi vì, trong thời gian ấy, tôi đã đăng tải truyện ngắn “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông” trên tạp chí Tiểu Thuyết Nguyệt San với lời kêu gọi mong được dịch ra Anh ngữ “để thế giới biết được những đau thương của đất nước Việt Nam sau khi bị Việt Cộng chiếm!”
Lời kêu gọi và việc làm của chị Nguyễn Việt Nữ cũng giống như muối bỏ biển? Áo cơm tiền gạo và băng giá tình người đã làm tan biến nhiệt huyết của những kẻ bỏ nước ra đi tìm tự do?
Không hẳn như vậy. Bằng chứng là tôi, người lính bại trận miền Nam, đã qua 8 tầng địa ngục: thành Ông Năm, Long Giao, Suối Máu, Nghĩa Lộ, Lào Kai, Vĩnh Phú, trung tâm tạm giam Long Hồ và khám lớn Vĩnh Long, khi đọc “Người tù Hilton – Hà Nội, người tù Chí Hòa – Sàigòn”, tôi thấy là lao động khổ sai và cái đói được dùng như một đòn cân não để tàn phá nhân phẩm người tù đã chỉ mới là “tầng đầu địa ngục” – như tựa một quyển truyện của nhà văn lừng lẫy Alexander Solzhenitsyn.
Những điều được chị Nguyễn Việt Nữ trình bày trong những cảnh huống tù của hai chế độ, tôi không hình dung ra được như cảnh tù binh Hoa Kỳ bị hành hạ bằng cách cột dây kéo lên, kéo xuống cho đến khi ngất xỉu thì có những người đàn bà chờ sẳn, trật quần ra đái lên đầu, lên mặt cho tù nhân tỉnh dậy để bị hành hạ tiếp. Và những cực hình dã man khác mà một đầu óc bình thường không thể nghĩ ra được. Tôi có gọi lại chị Nguyễn Việt Nữ để hỏi về những điều chị đã viết. Chị cho tôi biết là chị đã viết lại theo lời kể của một cựu chiến binh Hoa Kỳ, bị bắt làm tù binh ở “khách sạn Hilton, Hà Nội”. Và người cựu chiến binh đã viết giấy ký tên cam đoan đây là những chuyện có thật mà anh ta đã kinh qua khi bị làm “khách trọ” của
“khách sạn Hilton” ở Hà Nội!
Trong lần gặp gỡ kế tiếp, tôi đưa cho chị tạp chí Thế Kỷ 21 có bài “Viết Cho Ai Đọc?” của nhà phê bình Thụy Khuê ở bên Pháp. Tôi nói với chị tôi định trả lời bài viết này nhưng tôi bận hoàn tất truyện dài “Cơn Bão Giữa Đời” theo lời yêu cầu của nhà xuất bản Bình Minh ở Houston nên không có đủ thì giờ. Chị cười cười, nói: “Để tôi trả lời bà Thụy Khuê.” Tiểu luận “Trả lời Thụy Khuê” rất được độc giả ái mộ khi được đăng tải trên tuần báo Sóng Việt do tôi làm chủ bút, phát hành ở San Jose, miền Bắc California.
***
Quyển sách bạn đọc đang cầm trên tay, quyển “Dương Thu Hương và con hùm ngủ” là “cuộc tranh luận” giữa ba vị nữ lưu: nữ sĩ Dương Thu Hương, nhà phê bình Thụy Khuê và nhà văn Nguyễn Việt Nữ.
Về bản “Tự bạch”của Dương Thu Hương và việc nhà phê bình Thụy Khuê liên lạc với ông Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam California, để xuất bản “Tiểu Thuyết Vô Đề” là một câu chuyện đã cũ. Nhiều nhà văn, nhà báo đã lên tiếng về việc nầy.
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Việt Nữ coi “Tự bạch” như một lời “tâm sự” chung của người Cộng sản Việt Nam, nếu không được giải tỏa minh bạch thì thời hậu Cộng sản, dân tộc Việt Nam cũng còn chưa có Hòa Hợp Hòa Giải chân thật.
Vì vậy, tựa sách “Dương Thu Hương và Con Hùm Ngủ” thực ra là tập phân tích về chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những điều chị Nguyễn Việt Nữ trình bày trong quyển sách nầy là những khía cạnh mới trong bản “Tự bạch” của Dương Thu Hương mà chưa tác giả nào đề cập tới, hay chỉ đề cập một cách sơ sài, không thuyết phục vì thiếu tài liệu chứng minh, như “Hội chứng Việt Nam”,
“Vấn Đề Bội Bạc Tổ Tiên”, vấn đề “Nhân Tài Xã Hội Chủ Nghĩa” và “Những gì người dân sẵn có” v.v...
Quyển sách dự định phát hành cuối năm 1992, vì lý do kỹ thuật nên thời gian phát hành đã phải chậm lại.
Như đã biết, đây là “trận chiến” giữa ba vị nữ lưu. “Trận chiến” đây là những thư từ đối đáp qua lại giữa nhà phê bình văn học Thụy Khuê ở Pháp và nhà văn cộng sản Dương Thu Hương ở trong nước.
Quyển sách bạn đang cầm trên tay, hay dở sẽ được thời gian đãi lọc, là một cố gắng vượt bực của nhà văn Nguyễn Việt Nữ để phân tích những điều “nữ sĩ phản kháng” Dương Thu Hương đã viết trong “Tự bạch”. Về việc trách móc nhà phê bình Thụy Khuê khi đề tựa “Tiểu Thuyết Vô Đề”, về ý nghĩa cuộc chiến tranh Việt Nam. Quan điểm của Dương Thu Hương được coi như quan điểm chung của người Cộng sản Việt Nam. Tác giả coi đây là dịp đối thoại với người Cộng sản trong nước.
Tưởng cũng nên biết nhà văn Dương Thu Hương là người đã mang “những đôi giày cao cổ hái những bông bần ly” trên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhưng sau đó chợt nhận ra mình chỉ đứng “Bên Kia Bờ Ảo Vọng”, chợt nhận ra mình chỉ tới “Những Thiên Đường Mù”. Dương nữ sĩ cũng đã tự nhận mình là nhà văn “ngồi bệch xuống đất để tranh đấu cho nhân dân!”
Nữ sĩ Thụy Khuê, một nhà phê bình văn học có trình độ và nổi tiếng, là một người đã du học và sau đó sinh sống tại Pháp trước năm 1975. Hiện nay đang có tiếng nói trên đài RFI của Pháp.
Nhà văn Nguyễn Việt Nữ, theo chị cho biết, trước kia chị rất “cảm phục” những người phía bên kia. Thuở còn học sinh trung học, có lúc chị có ý định ra... bưng để tranh đấu thống nhất đất nước! Nhưng vì thấy một thầy giáo bị Việt Minh (tiền thân của Việt Cộng) bắt cho đi “mò tôm”. Chị thấy Việt Minh ác quá nên từ bỏ ý định ấy. Sau đó trở thành công chức Bộ Y Tế
Việt Nam Cộng Hoà, chị đã vô cùng bất mãn vì sự tham nhũng, lạm quyền của chế độ mà mình đang phục vụ. Chị đã chuyển sang học Luật, từ dịch công chức để hành nghề tự do: luật sư. Chị chỉ muốn phục vụ xã hội mà không đế ý đến chính trị!
Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình chị có nhiều cơ hội để di tản nhưng đã chọn ở lại.
Sau biến cố đau thương của đất nước, chị đã xếp quần áo và cà vạt hợp với màu áo vào cặp Samsonite loại có bánh xe tiễn chồng đi... học tập cải tạo! Chị đã lên tiếng “tố cáo” với “đồng nghiệp” là bà luật sư Ngô Bá Thành, Chủ tịch “Hội Phụ Nữ Đòi Quyền Sống” về việc nhiều gia đình hàng xóm có chồng bị bắt đi mất tích, bỏ lại vợ con bơ vơ. Chị quyết tâm sẽ theo “chị Thành” xuống đường tuyệt thực đòi quyền sống cho phụ nữ bị tước đoạt hàng chục năm trời, nhiều ông chồng đã bị đói khổ, bị đánh đập, thậm chí bị chết trong tù, “chị Thành” chẳng những không đòi dùm quyền sống cho họ mà còn ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc cho rằng “những ngụỵ quân, ngụy quyền” được đi cải tạo thay vì phải bị xử tử, như vậy là Đảng và Nhà Nước đã khoan hồng lắm rồi!
Rất may, từ trại cải tạo, chồng chị đã được “sáng mắt, sáng lòng” nhắn tin khuyên chị nên đi lập nghiệp ở... “vùng kinh tế mới” để gầy dựng tương lai cho các con. Hiểu ý, chị đành dẫn các con thơ “đi biển mồ côi một mình”, chứ nếu tiếp tục ngây thơ chờ theo “chị Thành” xuống đường đòi quyền sống thì làm gì văn chương hải ngoại có cây bút Nguyễn Việt Nữ.
Kể lại đời mình, chị Nguyễn Việt Nữ cho rằng cũng là cái giá phải trả cho sự khờ khạo, ngu muội của mình, và cũng là một bài học cho những người chỉ biết chuyên môn, thờ ơ với chính trị. Chính trị quyết định cuộc sống của ta. Ta không điều khiển nó; nó sẽ điều khiển ta. Vấn đề Cộng sản là vấn đề chính trị. Ta không chống Cộng; Cộng sẽ tiêu diệt ta. Bài học mất nước còn sờ sờ đó. Vậy mà ngày nay nhiều người trí thức còn thờ ơ với chính trị thì nói chi giới bình dân.
Sở dĩ tôi dài dòng về ba vị nữ lưu nầy, nhất là về chị Nguyễn Việt Nữ là để bạn đọc thấy được quan điểm và những điều trình bày trong tập tiểu luận nầy không xuất phát từ một người chống Cộng; trái lại, nó xuất phát từ một người dân không đảng phái và vì cả đời chỉ thấy cái xấu của miền Nam nên cảm tình còn nghiêng về phương Bắc trước khi miền Nam được “giải phóng”.
Còn nữ sĩ Dương Thu Hương tự nhận mình là người Cộng Sản thuần thành, không cực đoan, cũng gào lên tiếng khóc để cứu đám dân đen; và nhà phê bình Thụy Khuê là một người đã sống xa đất nước từ lâu mà vẫn “chưa lìa cuống rún”. Cả ba vị phụ nữ này sinh trưởng trong ba môi trường khác nhau, đều cùng nhau mưu tìm một giải pháp xóa bỏ hận thù cho dân tộc. Cả ba nhân danh tình yêu đất nước, dân tộc kêu gọi xóa
bỏ hận thù bằng lý luận và phương cách khác nhau.
Riêng “người phụ nữ họ Nguyễn của nước Việt”, trong “Dương Thu Hương và Con Hùm Ngủ” đã chân thành gửi gấm tâm sự mình cho những người Cộng sản lẫn người không Cộng Sản. Để mong hai khối nầy hiểu nhau và xích lại gần nhau hầu lấp hố hận thù vĩnh viễn, chứ không gượng ép rồi lại chờ dịp rạn nứt đổ vỡ như xưa.
Nội dung quyển sách là những tranh luận về chính nghĩa của cuộc chiến tranh nội chiến, ngoại khiển Việt Nam được trình bày rất mạch lạc và đầy tính thuyết phục. Đặc biệt, rất “hòa hợp hòa giải”, chẳng những không chút hằn thù mà còn cho rằng chính sự hận thù cũng chỉ xuất phát từ... tình yêu!
Trong cuộc sống, có người đi bên nầy bờ sông, có người đi bên kia bờ, có người đi ở giữa.
Nhà văn Nhật Tiến đã gọi nhà phê bình Thụy Khuê và nhà văn Dương Thu Hương là những người đi giữa hai lằn đạn! Chị Nguyễn Việt Nữ – theo những điều chị trình bày trong quyển sách nầy – chỉ mong làm “người đi lượm đạn cất vào kho” để hai bên không còn viên đạn hận thù nào để tiếp tục bắn vào nhau.
Những điều được trình bày không mới mẻ gì. Có người đã biết nhưng lại quên. Có người chưa biết, nhất là trong nước với khối lượng thông tin bưng bít. Tác giả vì vậy, mong kể lại chuyện lạ đường xa về các vấn đề gần gủi với cuộc sống của mọi giới sĩ, nông, công, thương, binh; phác họa sơ lược những khuyết điểm về tổ chức hành chánh, pháp chế, y tế, giáo dục, tâm lý xã hội v.v... của chế độ hiện hữu, kèm theo những thí dụ, những giải pháp bổ khuyết điển hình, dễ hiểu cho mọi trình độ.
Vì nhiều đoạn trong sách viết để đăng báo đoản kỳ, nên có nhiều vấn đề được lặp đi, lặp lại khi in chung. Tác giả có nhờ tôi “cắt bớt”. Nhưng tôi thấy tuy cùng một vấn đề nhưng được lặp lại với những chứng minh mới càng không nên bỏ đi. Vì theo tôi, đây cũng là một đặc điểm, một ngụ ý của tác giả muốn giúp lại trí nhớ của những người hay quên. – Những người
“biết rồi, biết nhiều, biết hết, nhưng... quên không áp dụng!”.
Tóm lại, chế độ Cộng Hòa Miền Nam, Cộng Sản Miền Bắc đều đã lỗi lầm dẫn đưa dân nước đến chỗ cùng đường đau khổ. Quyển sách nầy không chỉ nói lên cái đau khổ đó mà còn tích cực vạch ra con đường diệt khổ cho dân tộc.
Tác giả quyển sách đã “phá” những cái cần phải phá và giữ lại những cái cần phải “xây” để tiếp tục xây dựng!
Việc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hòa bình cần nhiều bàn tay của đại đa số công dân trong cũng như ngoài nước. Bàn tay muốn xây dựng thì khối óc phải biết mình muốn xây cái gì. Quyển sách nầy có tham vọng cung cấp sự hiểu biết đó cho đại khối dân tộc đã yêu, đang yêu, được yêu và bị yêu.
Mọi khuấy động rồi sẽ qua đi, lắng xuống; cái còn lại sẽ là tấm lòng!
Chúc nhà văn Nguyễn Việt Nữ, với quyển sách được hoàn thành “giữa ngàn cơn thác loạn” nầy, sẽ:
“Trăm năm để một tấm lòng về sau.”
NGUYỄN THIẾU NHẪN
______________________
usaelection gởi