Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Trận chiến chống lịch sử của Putin: Một ngàn năm tranh giành Ukraina 

 
 

Lời dịch giả:

Xét người lại nghĩ đến ta. Phải chăng mối giao hảo giữa Ukraine và Nga không khác gì mấy mối tình môi hở răng lạnh giữa Việt-Nam và Trung quốc? Có khi nào quan hệ hữu hảo giữa 2 nước anh-em 4 tốt: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt,” và 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” rồi một ngày kia sẽ trở thành một mối đe dọa của 1 cuộc chiến khốc liệt phản ảnh cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine hiện nay mà chẳng có một đồng minh nào sất – kể cả Nga – đến giúp? Hoặc giả, may thay cho đám con Rồng cháu Tiên, chúng sẽ không phải đương đầu với một nạn tàn sát dã man vì chiến tranh xâm lăng nẩy lửa từ phương Bắc mà sẽ an cư lạc nghiệp, làm ăn phát tài dưới ô dù đô-hộ phủ của Bắc triều để rồi sẽ từ từ trở thành một Hồng Kông thứ 2 nói được nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng mẹ lai-căng?

————————-

Vào tối ngày 21 tháng 2 năm 2022, ba ngày trước khi quân lực Nga bắt đầu cuộc xâm lăng trên bộ lớn nhất lục địa châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc một bài diễn văn đầy hằn học trên truyền hình. Ông bày tỏ sự bất bình cố hữu về sự bành trướng về phía đông của NATO, cáo buộc Ukraine gây hấn và sự hiện diện của các tên lửa phương Tây sát biên giới Nga. Nhưng phần lớn sự hô hoán của ông chú tâm vào một chuyện khác: lịch sử Ukraine. Putin nói: “Đối với chúng ta, Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng. Đó là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chúng ta.” Ông khẳng định rằng biên giới của Ukraine không có ý nghĩa gì khác hơn việc đánh dấu một khu vực hành chính trước đây của Liên Xô: “Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra.”

Đối với nhiều người Tây phương, những lời tuyên bố lịch sử của Putin nghe có vẻ quái gở. Nhưng chúng hàm chứa một mức quan trọng to hơn những lời nói suông. Khác xa với một chế biến mới biện minh cho cuộc chiến kinh hoàng, nan giải hiện nay, lập luận xưa nay của Putin cho rằng Ukraine và Nga lúc nào cũng là một và cho rằng Ukraine đã bị các lực lượng phương Tây cưỡng bức, từ lâu đã trở nên một quan điểm trong thế-giới-quan của ông.

Trong cuộc nổi dậy Maidan của dân Ukraine ở Kyiv năm 2013–14, Putin hô hoán rằng những người dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn là những bọn phát xít bị Tây phương sách động đang cố gắng chia xé Ukraine khỏi cội nguồn lịch sử của nó. (Trên thực tế, các cuộc biểu tình này đã làm phương Tây chưng hửng và mặc dù có phe cực hữu trong các nhóm này, nhưng không do phe phát-xít sách động) Và vào tháng 7 năm 2021, ngay trước khi quân đội Nga được tăng cường ở biên giới Ukraine, Điện Kremlin đã cho công bố một bài báo. Bài luận dài 7.000 chữ của Putin với tiêu đề “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine.” Bài viết khẳng định cả Nga và Ukraine không chỉ có nguồn gốc chung về ngôn ngữ và đức tin mà còn chia sẻ chung một vận mệnh lịch sử. Kể từ khi được công bố, bài luận này đã trở thành một phần của chương trình huấn giảng bắt buộc đối với tất cả các quân nhân phục vụ trong quân đội Nga, kể cả những người đang chiến đấu trong cuộc chiến hiện nay.

Theo logic của Putin, mọi sự chia rẽ giữa Nga và Ukraine là do các cường quốc phương Tây gây ra. Bắt đầu từ Ba Lan vào thế kỷ XVI đến Đế chế Áo-Hung vào thế kỷ XIX cho đến Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, Tây phương đã thường xuyên cưỡng chế Ukraine hoặc lèo lái Ukraine đi chệch hướng. Trong bài tiểu luận này, quan điểm thân Tây phương của Kyiv trong thập kỷ qua chỉ là hình thức can thiệp mới nhất từ bên ngoài — lần này là do Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ — nhằm chia rẽ Nga để chống lại chính mình. Ông Putin viết: “Việc ép buộc thay đổi căn cước” của Ukraine “có thể so sánh… với việc sử dụng vũ khí hủy diệt toàn bộ chống lại chúng ta”. Theo nghĩa của Putin, “chúng ta” gồm cả người Ukraine. Nói cách khác, người Ukraine và nước Ukraine không chỉ tự nhiên là một phần của Nga vì cả hai thậm chí không thực sự hiện hữu.

Ngoài chủ đề “Ukraine không thực sự tồn tại” Điện Kremlin còn khẳng định thêm một điều nữa: Ukraine là một sự hư hại đã rồi. Theo quan điểm này – mà lâu nay các nhà bình luận phương Tây đã nhắc lại dưới một hình thức phức tạp hơn – dựa trên địa lý và lịch sử chính trị của nó: Ukraine sẽ mãi mãi bị chia cắt trong nội bộ hoặc bị xé tan bởi các nước láng giềng hùng mạnh hơn. Đây là lập luận cốt lõi trong tuyên truyền của Putin trong cuộc xâm lược Ukraine trước đây, khi ông chiếm Crimea và Donbas sau các cuộc biểu tình Maidan ở Kyiv. Sau đó, truyền thông nhà nước Nga loan tin rằng Ukraine là một quốc gia thiếu khả năng tự trị vì bị phe Phát-xít mới chiếm lĩnh và được các lực lượng Nga đến giải cứu. Cố vấn thân cận của Putin, người chỉ đạo tất cả hoạt động tuyên truyền này là cận vệ trở thành chiến lược gia Vladislav Surkov, người đã diễn lại chủ đề này trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào năm ngoái. Bằng cách so sánh kỳ quái, ông nói: Ukraine giống như “mô mềm” giữa hai khớp xương, cho đến khi nó bị cắt rời, sẽ cọ xát với nhau một cách đau đớn. (Với các nhà báo Nga, ông thẳng thừng hơn: “phương pháp duy nhất có nhiều hiệu quả ở Ukraine mà lịch sử đã chứng tỏ là “cưỡng ép Ukraine vào mối quan hệ anh em.”)

Những sự kiên cường phi thường và sự đoàn kết của người dân Ukraine trong cuộc chiến hiện tại đã chứng minh những tuyên bố này của Nga là vô nghĩa. Nói rằng Ukraine không thực sự tồn tại cũng vô lý như nói rằng Ireland không tồn tại bởi vì nước này đã bị Anh cai trị từ lâu, hoặc giả: thực ra người Na Uy là người Thụy Điển. Mặc dù họ chỉ giành được chủ quyền cách đây 31 năm, nhưng người Ukraine có một lịch sử quốc hồn quốc túy từ nhiều thế kỷ trước. Ý kiến cho rằng người Ukraine quá yếu ớt và chia rẽ để đứng lên chống trả cho chính mình là điều mà họ đang phản bác một cách ngoạn mục trên chiến trường.

Còn lời lăng mạ chính quyền Ukraine là Phát-xít mới, được chứng minh trong thực tế: tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, là người Do Thái và trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất, vào năm 2019, đảng cực hữu của Ukraine, Svoboda, đã giành được ít hơn 3% số phiếu. Không như Ukraine tưởng tượng của Putin, Ukraine thực tế ngày càng khác xa với Ukraine bịa đặt, huyền thoại của Putin khó có chỗ đứng và mâu thuẫn quá lớn. Nhưng thay vì điều tiết hoang tưởng lịch sử của mình nhằm đưa nó đến gần với sự thật hơn, Putin vẫn tiếp tục bình chân như vại, áp đặt sức mạnh quân sự, và cố dùng sức mạnh toàn trị để khống chế kiểm duyệt một cách vô vọng, biến huyền thoại cho gần với hiện thực hơn. Giờ đây, có lẽ  ông ta học được một thực tế khó có thể chối bỏ: giá phải trả cho một quá khứ đốn mạt là cái gánh thảm họa trong hiện tại.

TẬP HỢP NGA

Ám ảnh của Putin về quá khứ của Ukraine có thể bắt nguồn từ vết thương lòng sau khi Liên Xô sụp đổ. Cho đến năm 1991, phần lớn Ukraine ngày nay đã bị Nga cai trị trong 300 năm — nói cách khác là lâu hơn sự cai trị Scotland của Anh quốc một ít. Và với dân số hiện nay xấp xỉ với Tây Ban Nha, so với Nga trong thời Sô Viết Ukraine vẫn là một nước cộng hòa đáng kể nhất. Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh của Hoa Kỳ, đã viết một cách hùng hồn: “Không có Ukraine, Nga sẽ không còn là một đế chế”. Điều này không đúng theo nghĩa đen. Nga ngày nay vẫn là một đế chế đa sắc tộc to lớn, chiếm một diện tích rộng 3.000 dặm phía bắc châu Á, bao gồm hơn một chục quốc gia châu Á, từ 5,3 triệu người Tatars trên sông Volga cho đến vài nghìn người Chukchi trên eo biển Bering. Nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô và Hiệp ước Warsaw, Moscow đã mất đi phương Tây của mình.

Đối với Putin, đế chế châu Âu của Nga là tất cả. Mặc dù từ lâu hình ảnh của nước Nga đã mang một chứng tích kỳ diệu đối với họ – “Vâng, chúng tôi là người Scythia!” nhà thơ thiện lành Aleksandr Blok đã tuyên bố sau cuộc cách mạng năm 1917 – nước Nga luôn tự coi mình là một cường quốc châu Âu chứ không phải châu Á. Các nhà soạn nhạc, tiểu thuyết gia và nghệ sĩ vĩ đại của Nga đã được định nghĩa theo định hướng châu Âu; những chiến thắng quân sự lịch sử của Nga — chống lại Napoléon và Hitler — đã khiến Nga trở thành một cường quốc cao cấp trong “ban nhạc đại hòa tấu quốc tế” ở châu Âu. Bằng cách đẩy nước Nga trở lại những cánh rừng thông u ám của mình, tránh xa những địa danh vang bóng cũ như Odessa và Sevastopol, sự mất mát của Ukraine, nói riêng, đã làm tổn thương ý thức về bản sắc của người Nga.

Trọng tâm của vấn đề Ukraine của Nga là một cuộc chiến với lịch sử. Trận chiến đầu tiên kết thúc khi câu chuyện khởi sự. Theo thông lệ, câu chuyện bắt đầu từ thời Trung cổ với một tướng quân được bao bọc bởi huyền thoại, Volodymyr (hoặc Vladimir trong tiếng Nga) Đại đế. Là hậu duệ của những kẻ chinh phạt và thương nhân Bắc Âu đến từ Scandinavia, Volodymyr đã thành lập nhà nước sơ khai đầu tiên ở Kyiv vào cuối thế kỷ thứ 10. Một thái ấp lỏng lẻo nhưng rất lớn được gọi là Rus, tập trung ở Kyiv và bao gồm cả Belarus ngày nay, Tây Bắc nước Nga và phần lớn lãnh thổ Ukraine. Volodymyr cũng cho Rus những nền tảng tinh thần của mình, chuyển đổi vương quốc của ông ta sang Thiên Chúa giáo Chính thống.

Theo cái nhìn của Putin, phương Tây đã kéo Ukraine ra khỏi Nga trong nhiều thế kỷ.

Mặc dù người Nga và người Ukraine đồng tình về tầm quan trọng của Volodymyr, nhưng họ không đồng ý về những gì đã xảy ra sau khi vương quốc của Đại Đế Vladimir tan rã. Trải qua thế kỷ 11 và 12, Rus bị tách ra thành các vương quốc nhỏ đánh nhau, và vào thế kỷ 13, nó bị quân Mông Cổ, dưới sự chỉ huy của Batu Khan, lấn chiếm. Theo lời kể của người Nga, dân chúng — và cùng với văn hoá Rus đích thực — lánh nạn bạo lực, tản cư về phía Đông Bắc, tới Matxcova và Novgorod. Tuy nhiên, người Ukraine cho rằng văn hóa Rus vẫn tập trung ở Ukraine và những gì trổi lên ở Moscow là một truyền thống riêng và khác biệt. Đối với độc giả phương Tây, những tranh luận này đều là tiểu tiết: như thể người Pháp và người Đức đang tranh giành nhau về việc Charlemagne, người sáng lập Đế chế Carolingian ở thế kỷ thứ 9, thuộc về nước Pháp hiện đại hay nước Đức hiện đại. Tuy nhiên, người Ukraine hiểu ý nghĩa của các tranh giành của Nga. Một trong những địa danh của Kyiv là một pho tượng lớn có từ thế kỷ 19 của Đại đế Volodymyr, tay cầm thập giá nhìn ra Sông Dneiper. Khi Putin cho đúc bức tượng Vladimir Đại đế của riêng mình bên ngoài cổng Điện Kremlin vào năm 2016 – còn to hơn Ukraine – người dân Ukraine không coi đó là một đài tưởng niệm cho một vị vua của thế kỷ thứ 10 mà là một hành động bóp méo lịch sử trắng trợn.

Trên thực tế, hầu hết trong bảy thế kỷ tiếp nối triều đại của Volodymyr, Ukraine nằm ngoài sự kiểm soát của Muscovite. Khi sự thống trị của Mông Cổ sụp đổ trong những năm 1300, lãnh thổ hiện thời của Ukraine bị thu tóm bởi Đại công quốc Lithuania mới nổi lên, rồi đến lượt nó được kết hợp trong cuộc hôn nhân triều đại với Ba Lan, do đó trong hai thế kỷ rưỡi tiếp theo, Ukraine bị cai trị từ Krakow. Cuối cùng, ngay cả tín ngưỡng của Ukraine cũng theo một vỏ bọc của phương Tây: vào năm 1596, Liên minh Brest-Litovsk đã tạo ra Giáo hội Công giáo Hy Lạp, hay Uniat – một sự thỏa hiệp giữa người Ba Lan Công giáo và người Ukraine Chính thống công nhận Đức Giáo Hoàng theo nghi lễ Chính thống giáo và cho phép các linh mục được kết hôn. Là một ngôi nhà nửa vời về mặt chính trị giữa hai tôn giáo, liên minh Brest-Litovsk đã giúp Balan hóa giới quý tộc Ukraine, một trong những điều Putin coi là mô hình lâu dài của phương Tây để kéo Ukraine ra khỏi ngôi nhà Chính thống hợp pháp của mình.

Mãi đến cuối thế kỷ XVII, Mátxcơva mới mạnh tay vào cuộc. Một loạt các cuộc nổi dậy của người Cossack Ukraina – các nhóm quân phiệt ở biên giới, tập trung vào vùng Dnieper phía Nam – đã làm suy yếu vương quốc Ba Lan-Litthuania. Sau đó, sau một cuộc chiến tranh giành Ukraine kéo dài với Ba Lan, Muscovy bành trướng và cuối cùng đã thôn tính Kyiv vào năm 1686. Đối với người Ukraine, đó là khoảnh khắc “từ chảo nóng nhảy vào lửa”: Sự cai trị của Ba Lan bị đánh đổi với cai trị của Muscovite khắc nghiệt hơn. Nhưng theo lời của Putin, đó là khởi đầu của “sự tập hợp của thế giới Nga”, sử dụng một cụm từ xưa mà ông đã cho hồi sinh để biện minh cho cuộc chiến chống Ukraine ngày nay. Một thế kỷ sau, Ba Lan được phân chia giữa Áo, Phổ và Nga, với Nga cuối cùng là Belarus và miền trung Ukraine ngày nay, bao gồm Kyiv, và Áo với miền tây Ukraine ngày nay, khi đó được gọi là miền đông Galicia, bao gồm Lviv.

TRẠNG THÁI CHIẾN LƯỢC

Phong trào dân tộc hiện đại của Ukraine bắt đầu vào những năm 1840, do nhà văn nói tiếng Ukraine vĩ đại đầu tiên, Taras Shevchenko lãnh đạo. Sinh ra trong một gia đình nông dân bị trị ở một ngôi làng gần Kyiv, ông đã kêu gọi người Ukraine vứt bỏ ách thống trị của Nga và lên án nhiều người đã tự đồng hóa mình với Nga để leo lên nấc thang kinh tế xã hội. (Những quan điểm này đã chuốc cho ông 10 năm lưu đày ở Siberia.) Khi thế kỷ này trôi qua, và đặc biệt là sau khi Sa hoàng Alexander II bị ám sát bởi những quân phiến loạn vào năm 1881, chế độ cai trị của Nga hoàng trở nên đàn áp hơn. Hàng trăm nhà chủ nghĩa xã hội Ukraine đã theo Shevchenko đi lưu vong, sách và giáo dục tiếng Ukraine bị cấm. Tại thời điểm này, sự phân chia đông-tây của Ukraine trở thành một lợi thế – ít nhất là đối với những người sống ở phần phía Tây – bởi vì ở Galicia do Áo cai trị, người Ukraine có thể tiếp nhận văn hóa công dân tự do hơn sau đó bén rễ ở châu Âu. Ở Lviv, họ xuất bản báo chí của riêng mình và tổ chức các phòng đọc, hợp tác xã, liên hiệp tín dụng, các ca đoàn và câu lạc bộ thể thao — tất cả những đổi mới đều vay mượn từ người Séc do Áo cai trị tương tự như họ. Mặc dù bị bất lợi bởi một hệ thống đầu phiếu ủng hộ chủ đất Ba Lan, họ vẫn có thể thành lập đảng chính trị của riêng mình và cử đại diện đến hội đồng cấp tỉnh của Lviv, mà vị thứ trưởng điển hình của Ukraine không phải là một nhà cách mạng nẩy lửa mà là một học giả xã hội chủ nghĩa ôn hòa, mang tính trí thức, hoặc giả là luật sư.

Ukraina nổi tiếng là vùng đất bị nguyền rủa bởi địa chính trị — một phần của “vùng đất máu” trong tựa đề cuốn sách bán chạy nhất của nhà sử học Timothy Snyder — đã thu thập được trong nửa đầu thế kỷ XX. Khi chế độ Nga hoàng đột nhiên sụp đổ vào năm 1917, một nghị viện Ukraine, hay chính phủ “Rada”, đã tuyên bố thành lập ở Kyiv, nhưng nó đã bị quét sạch chỉ vài tháng sau đó, đầu tiên là bởi các dân quân Bolshevik và sau đó là quân đội Đức, những người đã chiếm đóng Ukraine dưới quyền Hiệp ước Brest-Litovsk tháng 3 năm 1918. Sau hiệp định đình chiến vào tháng 11 kết thúc Thế Chiến thứ nhất, Đức lại rút quân, để lại Hồng quân, Bạch quân Nga phản động, quân Ba Lan, quân đội Ukraina dưới quyền bộ trưởng Symon Petlyura của đảng xã hội chủ nghĩa, và một loạt các lãnh chúa độc lập để lấp những lỗ hổng quyền lực. Trong cuộc nội chiến hỗn loạn xảy ra sau đó, nhóm bị thiệt hại nặng nề nhất là người Ukraine-Do Thái. Hơn 100.000 người bị giết bởi tất cả các bên vào năm 1919, trong một loạt các cuộc thảm sát chưa từng có kể từ những năm 1600. Bị phe Đỏ đánh bại, Petlyura thành lập một liên minh cuối cùng với Ba Lan, trước khi chạy trốn qua Paris khi Ba Lan và Liên Xô ký kết hòa ước chia cắt Ukraine một lần nữa, người Nga chiếm phía đông và trung tâm, người Ba Lan ở phía tây. Hai vùng biên giới nhỏ — Bukovina và Transcarpathia ngày nay — lần lượt thuộc về Romania và Tiệp Khắc mới được độc lập.

Không ngạc nhiên khi Petlyura là một nhân vật được tranh cãi sôi động. Đối với người Nga, ông ta chỉ là một lãnh chúa theo chủ nghĩa pogromist khác. (Quan điểm đó đã làm bão hòa cuốn tiểu thuyết Người Cận vệ Trắng của nhà văn Nga gốc Kyiv nhưng lại là người dân tộc Nga Mikhail Bulgakov, vì những nhân vật mà quân đội của Petlyura được coi là một đám đông đáng sợ) Ngược lại, đối với người Ukraine, ông là lãnh đạo được thử lửa đầu tiên trong chế độ nhà nước tự lập của đất nước họ, mà có thể đã thành công nếu Đồng minh chỉ cần dành cho ông sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự giống như họ đã làm với các nước Balts và với người Armenia (ít thành công hơn), người Azerbaijan và người Georgian. Trước những cáo buộc về chủ nghĩa dân tộc, họ phản biện với chuyện chính phủ Rada đã in tiền giấy bằng 4 thứ tiếng – tiếng Ukraina, tiếng Nga, tiếng Ba Lan và tiếng Yiddish – và rằng người lãnh đạo phái đoàn Ukraina tham dự Hội nghị Hoà bình Paris năm 1919 là một luật sư Do Thái nổi tiếng, Arnold Margolin. Quân đội của Petlyura hung hãn, họ chấp nhận, nhưng vì ông ta không thể kiểm soát được, và tất cả những người khác cũng vậy. Cuộc tranh cãi nổ ra vào năm 1926 tại một tòa án ở Paris, sau khi Petlyura bị ám sát bởi một kẻ phiến loạn Do Thái, hắn tự xưng là báo thù cho các thành viên trong gia đình bị binh lính Ukraine giết hại. Phiên tòa kéo dài ba tuần đã gây chấn động quốc tế, với việc bên bào chữa đưa ra một hồ sơ bằng chứng tàn khốc về các tội ác, trong khi bên công tố tìm cách cho rằng kẻ ám sát là một điệp viên Liên Xô. Chỉ sau nửa giờ cân nhắc, bồi thẩm đoàn đã tuyên bố đương sự vô tội và cuộc tranh luận về vụ việc vẫn tiếp diễn gay gắt ngày nay.

GIỮA STALIN VÀ HITLER

Trên thực tế, bạo lực và hỗn loạn của thời đại Petlyura chỉ là mào đầu cho những thảm kịch lớn hơn nhiều của Ukraine trong những năm sau đó. Bắt đầu từ năm 1929, Joseph Stalin đã khởi động Holodomor — nói trắng ra là “giết người bằng cách bỏ đói” — một quá trình trục xuất cưỡng bức, trưng thu lương thực và đất đai nhằm mục đích tiêu diệt vĩnh viễn toàn bộ dân số nông thôn của Ukraine. Được thực hiện song song với một cuộc thanh trừng giới trí thức thành thị của Ukraine, nó đã dẫn đến cái chết của gần bốn triệu người Ukraine. Được che đậy trong nhiều thập kỷ, chắc chắn rằng vụ giết người hàng loạt kinh khủng này là có chủ ý: chính quyền Liên Xô biết rằng dân làng đang chết rất nhiều, nhưng họ vẫn kiên trì trưng thu lương thực và cấm dân làng rời khỏi các khu vực đói kém để đến các thị trấn. Lý do Stalin gây ra nạn đói thì ít rõ ràng hơn. Ước tính có khoảng ba triệu người Kazakhstan và người Nga cũng chết đói trong cùng những năm này, nhưng ông ta chọn tấn công Ukraine nặng nề nhất, có lẽ vì nó thể hiện hai con quỷ của ông ta trong một: tầng lớp nông dân bảo thủ và một dân tộc lớn, khẳng định mình không phải là người Nga. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, Nga vẫn đang cố gắng ngăn chặn sự công nhận của quốc tế về vấn đề Holodomor là một tội ác diệt chủng. Trong bài luận “Sự thống nhất lịch sử” của mình, Putin đề cập nạn đói chỉ qua loa một lần, như một “thảm kịch chung.” Tên của Stalin hoàn toàn không được nhắc đến.

Chưa đầy một thập kỷ sau, một vòng kinh hoàng mới đã đổ ập lên Ukraine sau khi ký kết Hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939. Hồng quân đã chiếm đóng phần phía tây của đất nước do Ba Lan cai trị — lần đầu tiên Nga kiểm soát vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, hai năm sau, Wehrmacht vẫn hành quân qua đây, và hai năm sau đó, Hồng quân quay trở lại. Cả hai quân đội này đều trục xuất hoặc bắt giữ giới trí thức Lviv — một kết hợp phong phú giữa người Ukraine, người Ba Lan và người Do Thái —khi họ đến, và giết các tù nhân chính trị khi họ đi. Trong một vài tháng vào năm 1943, một đội quân đảng phái Ukraine lớn theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa đã kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Ukraine, thiết lập một nền hành chính sơ khai và các trại huấn luyện cũng như bệnh viện quân sự của riêng họ. Đáng chú ý, các đơn vị nhỏ của quân đội này đã thực hiện một chiến dịch ám sát và phá hoại trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, với vị chỉ huy cuối cùng của quân kháng chiến bị giết trong một vụ xả súng gần Lviv vào năm 1950.

Nhìn chung, 5,3 triệu người Ukraine đã chết trong những năm chiến tranh, một con số đáng kinh ngạc là 1/6 dân số. Một lần nữa, nhiều người chết vì đói, sau khi Đức bắt đầu tịch thu ngũ cốc. Và một lần nữa, người Do Thái phải chịu đựng nhiều nhất. Trước chiến tranh, họ chiếm 5% dân số Ukraine, tức khoảng 2,7 triệu người; sau đó, chỉ còn lại một số ít. Những người còn lại đã chạy trốn về phía đông hoặc nằm trong những ngôi mộ tập thể không được đánh dấu trong rừng hoặc bờ rìa nghĩa trang. (Vào mùa thu năm 2021, là một phần trong nỗ lực tưởng nhớ những sự kiện này, Zelensky đã chủ trì lễ khai trương khu phức hợp mới tại Babi Yar, hay Babyn Yar, công viên cạnh ga tàu điện ngầm nơi gần 34.000 người Do Thái Kyivan bị thảm sát vào tháng 9, 1941. Vào ngày thứ sáu của cuộc xâm lăng của Putin trong năm nay, ba tên lửa của Nga đã bay xuống xuống công viên, làm thiệt hại nghĩa trang của người Do Thái tại đó.)

5,3 triệu người Ukraine đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai.

Đối với Liên Xô, và đối với Putin ngày nay, sự thật quan trọng nhất về người Ukraine trong chiến tranh không phải sự kiện họ là nạn nhân mà sự hợp tác – được cho là của họ – với Đức Quốc xã. Nhân vật Ukraine gây tranh cãi nhất trong thời kỳ này là Stepan Bandera, thủ lĩnh của một tổ chức khủng bố ở miền tây Ukraine thời kỳ chiến tranh do Ba Lan cai trị. Vốn đã trở nên khó khăn khi khu vực này nằm dưới sự cai trị của Áo, quan hệ Ba Lan-Ukraine trở nên tồi tệ đáng kể với chính sách Ba lan hóa của chính phủ mới, trong đó các trường dạy tiếng Ukraine bị đóng cửa, báo chí Ukraine bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, người Ukraine bị cấm làm những công việc thấp nhất trong chính phủ, và các ứng cử viên và cử tri Ukraine bị loại khỏi danh sách cử tri. Sự đàn áp cực đoan hóa thay vì Ba Lan hóa, do đó đảng quốc hội Ukraine lớn nhất, Liên minh Dân chủ Quốc gia Ukraine tìm kiếm thỏa hiệp, ngày càng bị những người theo chủ nghĩa dân tộc ngầm của Bandera bóp nghẹt. Khi Wehrmacht tiến vào miền tây Ukraine vào tháng 6 năm 1941, Bandera gia nhập lực lượng với quân Đức, tổ chức hai tiểu đoàn, Nachtigall và Roland, mặc dù ông ta gần như ngay lập tức bị Đức Quốc xã bắt giữ, vì họ thấy khó bề kiểm soát đương sự.

Kể từ đó, Nga đã sử dụng Bandera như một cây gậy để đánh bại phong trào dân tộc Ukraine. Không cần biết nhiều người Ukraine đã chiến đấu trong Hồng quân hơn là trong Wehrmacht và rằng Đức cũng đã tuyển mộ hàng chục nghìn tù nhân chiến tranh Nga. Như những ngày ở Liên Xô, một điển hình tiêu chuẩn dành cho người Ukraine trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga ngày nay là Banderivtsi— “Những kẻ cướp Banderites” —và Putin đã thăm lại chiến tích trong một bài phát biểu thậm chí còn tệ hơn bình thường vào ngày 25 tháng 2, một ngày sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, trong đó ông kêu gọi quân đội Ukraine để lật đổ “những kẻ nghiện ma túy và những người theo chủ nghĩa phát xít mới” đang nắm quyền ở Kyiv.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và đặc biệt là sau cái chết của Stalin vào năm 1953, Ukraine đã có một vài thập kỷ tương đối ổn định. So với các quốc gia không phải là người Nga khác ở Liên Xô, người Ukraine vừa bị đàn áp nhiều hơn vừa có thể được thêm đặc quyền, họ trở thành nhóm tù nhân chính trị lớn nhất nhưng cũng đóng vai trò đối tác đàn em của Nga trong liên minh Sô viết. Bộ Chính trị có rất nhiều người Nga và Ukraine, và ở các nước cộng hòa không thuộc Slav, mô hình thông thường là một người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm làm bí thư thứ nhất, trong khi một người Nga hoặc Ukraine nắm giữ quyền lực thực sự ở vị trí số hai. Khi Liên Xô sụp đổ, năm 1991, Ukraine giành độc lập mà không đổ máu, sau khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản của chính họ quyết định cắt dây kéo con tàu mẹ bị chìm. Chính trong mối quan hệ “anh em nhỏ” thời Liên Xô quá cố này mà Putin đã trưởng thành – và điều mà ông có thể tin (hoặc đã tin) là người Ukraine sẽ sẵn sàng quay trở về (với Nga) nếu không có sự can thiệp của phương Tây.

TÂY TIẾN THỤT LÙI 

Đường lối chính trị của Ukraine trong ba thập kỷ kể từ khi độc lập đã làm nổi bật lên tất cả những lo ngại của Nga. Lúc đầu, có vẻ như Nga và Ukraine sẽ đi trên con đường song song trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Cả hai quốc gia đều đang cưỡi trên tháp ghềnh của sự sụp đổ kinh tế kết hợp với các quyền tự do chính trị mới; dường như không không nước nào quan tâm đến quá khứ. Ở Ukraine, không ai bận tâm đến việc gỡ bỏ bức tượng Lenin của Kyiv hoặc đổi tên các đường phố của nó. Về phần mình, giai cấp thống trị mới của Nga dường như quan tâm đến việc kiếm tiền hơn là xây dựng lại một đế chế. Thật dễ dàng để hình dung hai quốc gia phát triển theo những con đường riêng biệt nhưng thân thiện: như Canada và Hoa Kỳ hay Áo và Đức.

Ảo tưởng hạnh phúc đó chỉ kéo dài vài năm. Hai thời điểm mấu chốt lịch sử Ukraine sau Chiến tranh Lạnh là hai màn thể hiện sức mạnh nhân dân có hiệu quả cao và thực sự truyền cảm hứng, cả hai đều được Điện Kremlin kích động. Năm 2004, Putin cố gắng đưa Viktor Yanukovych, một cựu tù tội phạm hộ pháp, thủ lĩnh chính trị ở Donetsk, vào vai trò ứng cử viên tổng thống Ukraine, cùng lúc với một ma-nớp đầu độc đối thủ bầu cử thân châu Âu của ông ta là Victor Yushchenko. Sau khi Yushchenko sống sót sau vụ tấn công (với khuôn mặt bị hủy), thay vào đó, lá phiếu đã bị tráo một cách trắng trợn. Mang những chiếc mũ và dải ru-băng màu cam, hàng trăm nghìn người Ukraine đã đổ xuống đường để phản đối và ở lại đó cho đến khi ủy ban bầu cử nhượng bộ cho bỏ phiếu lại, và Yushchenko đã giành chiến thắng. Đối với Putin, các cuộc biểu tình, được gọi là Cách mạng Cam, là một âm mưu do phương Tây dàn dựng.

Những người biểu tình ủng hộ châu Âu trong cuộc nổi dậy Maidan, Kyiv, tháng 12 năm 2013

Valentyn Ogirenko / Reuters

Năm 2010, Yanukovych rốt cuộc cũng đắc cử tổng thống, sau khi khối thân châu Âu xâu xé và chia xé. Trong bốn năm sau, ông ta dốc hết tâm lực trong việc biển thủ kho bạc của Ukraine. Nhưng vào tháng 11 năm 2013, ông ta đã đi một bước quá xa: ngay khi Ukraine chuẩn bị ký kết một thỏa thuận thương mại được ưa chuộng rộng rãi đã được lên kế hoạch lâu dài với Liên minh châu Âu, ông ta đột ngột hủy bỏ nó và thay vào đó, dưới áp lực của Putin, tuyên bố hợp tác với Nga.  Đối với người Ukraine, cũng như đối với Putin, đây không chỉ là cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế mà còn là bản sắc của Ukraine. Thay vì hướng về phía tây – thậm chí có thể một ngày gia nhập Liên minh châu Âu – quốc gia này đang bị buộc phải quay trở lại quỹ đạo của Nga. Ban đầu, chỉ có một số sinh viên xuống đường phản đối, nhưng sự phẫn nộ của công chúng đã tăng lên nhanh chóng sau khi họ bị cảnh sát đánh đập, những nhóm thuộc cấp trên của Yanukovych đã kết cấu với người Nga. Một trại biểu tình trên quảng trường ở trung tâm Kyiv, được gọi là Maidan, đã biến thành một thành phố cố định, giống như lễ hội trong một thành phố, đón một triệu người vào cuối tuần. Vào tháng 1 năm 2014, cảnh sát bắt đầu một cuộc đàn áp tàn bạo, đỉnh điểm là vụ giết hại 94 người biểu tình và 17 cảnh sát. Khi đám đông vẫn không chịu giải tán, Yanukovych tẩu thoát qua Moscow, và những đồ nội thất trong khu nhà riêng sang trọng của ông — dụng cụ phòng ăn của Hermès, đèn chùm cỡ của ô tô nhỏ, một con sư tử chết được nhồi bông — được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Ukraine. Trong khoảng trống quyền lực theo sau chuyến đào thoát của Yanukovych, Putin xâm lược Crimea trước và sau đó, thông qua các ủy ban côn đồ địa phương ở các thành phố biên giới phía đông Donetsk và Luhansk.

Việc chiếm đất làm hài lòng dư luận Nga, nhưng nếu Putin định kéo Ukraine về phía Nga, thì hành động của ông ta lại bi phản tác dụng. Các cuộc bầu cử tổng thống mới đã mang lại một người ủng hộ châu Âu khác, Petro Poroshenko, một nhà tài phiệt Ukraine, người đã kiếm tiền từ bánh kẹo chứ không phải khai thác quặng mỏ hoặc kim loại đầy tham nhũng. Sau đó, trong những năm sau đó, một nỗ lực dân sự đông đảo đã hỗ trợ các lực lượng Ukraine trong một cuộc xung đột thấp nhưng đầy cam go với Nga trong và xung quanh Donetsk và Luhansk. (Cho đến khi Bộ Quốc phòng được cải tổ, quân đội Ukraine bị lãng quên trước đây đã được huy động vốn trực tiếp từ quần chúng) Sự ủng hộ của Ukraine đối với tư cách thành viên NATO tăng mạnh, và vào tháng 6 năm 2014, Ukraine đã ký một thỏa thuận liên kết rộng rãi với Liên minh châu Âu. Biểu tượng phổ biến nhất — hoặc, trong mắt Putin, quỷ quyệt nhất — là việc Liên minh Châu Âu cấp phép visa Bezviz,năm 2017 cho người Ukraine du lịch toàn bộ các nước Schengen 90 ngày miễn (phí) thị thực. Người Nga vẫn cần thị thực, giá phín khá đắt đỏ và nhiêu khê. Sự tương phản cấu xé nghiêm trọng: em trai không chỉ bỏ rơi anh trai lớn; bây giờ chuyện du lịch của  em trai cũng tốt hơn.

XƯƠNG NGA, ĐẤT UKRAINE

Tiến bộ của Ukraine trước cuộc xâm lược không nên được phóng đại. Nhiều kẻ tài phiệt, đầu sỏ gian manh giật dây đằng sau hậu trường, và đất nước đang bị chao đảo bởi nạn tham nhũng tràn lan. (Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2021 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Ukraine ngang hàng với Mexico và Zambia nhưng xếp hạng nước này là ít tham nhũng hơn Nga một chút). Tuy vậy bất kể tất cả những vấn đề của Ukraine, lịch sử từ khi lấy được độc lập đã có những thay đổi thật về quyền lực được mang lại bởi những cuộc bầu cử thật, với các ứng cử viên thật, được báo cáo bởi các phương tiện truyền thông tự do thực sự.Tấm gương của người Ukraine đã trở thành một mối đe dọa chính trị trực tiếp đối với Putin. Điều gì sẽ xảy ra nếu chính dân số của Nga – chứ không chỉ riêng trong giới trí thức thành thị – bắt đầu đòi hỏi các quyền tự do tương tự? Trong bài luận “Sự thống nhất lịch sử” của mình, Putin đã giải thích thực tế rằng thay đổi các tổng thống Ukraine là kết quả của một “hệ thống” được thiết lập bởi “các tác giả phương Tây trong dự án chống Nga.” Ông viết, các công dân thân Nga của Ukraine không lên tiếng vì họ đã bị “tgiật dây ngầm”, “bị đàn áp vì những kết án của họ,” hoặc thậm chí “bị giết”. Liệu ông có thực sự tin điều này hay không thì chưa rõ, nhưng nó có thể giải thích cho các chiến thuật hơi đặc biệt được quân đội Nga sử dụng trong tuần đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine. Putin có thể thực sự mong đợi các tiểu đoàn xe tăng của mình sẽ được chào đón như những người giải phóng.

Như trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004 và cuộc biểu tình Maidan 2013–14, được gọi là Cách mạng Nhân phẩm, quyền tự vệ khốc liệt của Ukraine ngày nay là sự bảo vệ các giá trị, không phải bản sắc dân tộc hay một thời huy hoàng ảo tưởng. Ngược lại, nỗi ám ảnh của Putin với lịch sử là một nhược điểm. Mặc dù trước đó trong những năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống của mình, việc khua chiêng đánh trống về “sự tập hợp của thế giới Nga” đã nâng cao hậu thuẫn của ông với quần chúng, nhưng giờ đây nó đã khiến ông tụt xuống đến mức có thể trở thành một ngõ cụt chết người. Chỉ tính riêng về diện tích đất liền, Ukraine là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu, sau chính Nga. Nếu ta đặt nó ở phía đông Hoa Kỳ, như The Washington Post đã quan sát gần đây, Ukraine sẽ trải dài “từ Missouri đến Đại Tây Dương, và từ Ohio đến Georgia”. Chiếm đóng Ukraine vĩnh viễn sẽ tốn kém rất nhiều quân lực và hao tổn ngân khố. Hơn nữa, cuộc chiến của Putin đã đoàn kết dân tình Ukraine hơn bao giờ hết. Và cho dù họ đang nói tiếng Nga hay tiếng Ukraina, tình cảm của họ đều như nhau. Hiện tại, các video clip đã lan truyền với cảnh babushkas nói với binh lính Nga rằng họ sẽ để lại xương máu của họ trên đất Ukraine và những người lính Ukraine vui mừng thề khi bắn súng bazooka vào xe tăng Nga, tất cả đều bằng tiếng Nga thuần túy nhất. Cuộc chiến có thể sẽ diễn ra trong một thời gian dài và chưa biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao. Lịch sử, Putin có thể đang học, chỉ là một chỉ dấu khi nó là thực tại.

Nguồn bản Anh ngữ
 

Anna Reid

Nguyễn-Khoa Thái Anh dịch

______________________


usaelection g
ởi