Thế là hai đảng anh em đã mở ra cuộc chiến công hàm về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa trong thời điểm bàn cờ quốc tế căng thẳng hơn do dịch bệnh. Cả hai cùng tố cáo bên kia lên Liên Hiệp Quốc.
Theo tôi việc đảng CSVN gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc là cần thiết dù hiệu quả chính trị thấp. Trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc gần đây ngả về Trung còn nhiều hơn về Mỹ thì họ cũng chẳng giúp gì được mấy cho Việt Nam trong vụ này. Nên tôi đánh giá là đảng CSVN gửi công hàm để Mỹ và dân Việt Nam coi là chính hơn là trông mong Liên Hiệp Quốc có thể làm ra một cái gì đó mang đến lợi ích chính trị có hiệu quả cho Việt Nam.
Ngược lại thì Trung Quốc mong muốn đạt được một bước đi chính trị thực tế qua việc gửi công hàm tố Việt Nam chiếm đảo. Bên cạnh việc Liên Hiệp Quốc đang thân Trung Quốc thì Đảng CSTQ còn có một lợi thế khác, đó là một khi Liên Hiệp Quốc tham gia cuộc chiến công hàm này với thái độ nước đôi thì bước tiếp theo là đảng CSTQ sẽ có lý do để tiến hành “cưỡng chế giải toả” phía Việt Nam ra khỏi Hoàng Sa-Trường Sa một cách chính thức”.
Hiện nay thì phía Trung Quốc dùng công hàm 1958, mà ta thường gọi là công hàm Phạm Văn Đồng để lý luận Hoàng Sa-Trường Sa là của họ. Đó sẽ là trở ngại cho Việt Nam về mặt đối ngoại. Về mặt đối nội thì đảng CSVN chưa hẳn lo về mặt công hàm Phạm Văn Đồng mà là lo ngại đảng CSTQ sẽ cho bung bét ra những cái xoay quanh, có liên quan đến việc hình thành công hàm Phạm Văn Đồng.
Cái đó mới là trái bom thông tin chưa nổ lúc này. Bên cạnh trái bom đó tôi còn nghĩ là phía Trung Quốc còn chuẩn bị thêm nhiều trái bom thông tin khác để gây khủng hoảng nội bộ Việt Nam. Việt Nam càng khủng hoảng đối nội-đối ngoại lúc này chừng nào thì Trung Quốc càng dễ dàng “cưỡng chế giải toả” biển đảo của Việt Nam chừng đó.
Sách lược của các trái bom thông tin mà có thể Trung Quốc tung ra sẽ là nhằm mục đích chia rẻ nội bộ đảng CSVN, chia rẽ thêm giữa đảng và dân Việt Nam, chia rẽ luôn cả quan hệ giữa đảng CSVN và Mỹ. Cái khốn khổ nhất là những điều này sẽ rất dễ thành công vì lâu nay đảng CSVN đã xài hao quá nhiều lòng tin của tất cả các bên.
Trong bối cảnh đó dĩ nhiên đảng CSVN sẽ muốn Mỹ cùng phụ giúp Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng vì cùng chung lợi ích. Nhưng Indo-Pacific là lợi ích dài hạn của Mỹ, còn Trung Đông là lợi ích ngắn hạn của Mỹ và EU. Nên Mỹ giúp Việt Nam đến đâu ngay lúc này là cần một câu trả lời chi tiết chứ không chỉ ủng hộ mồm về đường lối chung chung.
Mặc dù lâu nay Mỹ vẫn giúp Việt Nam và hợp tác với đảng CSVN trong nhiều việc, nhưng đó là các việc nhỏ. Một khi việc đại sự lớn xảy ra như việc đảng CSTQ tiến hành cưỡng chế biển đảo của Việt Nam thì Mỹ phản ứng đến đâu vẫn còn là dấu hỏi.
Dấu hỏi nguy hiểm hơn nữa là một mặt Trung Quốc hứa với Mỹ rằng họ sẽ chuyển hoá như Mỹ muốn, một mặt họ bảo Mỹ để yên cho họ thu hồi nốt Hoàng Sa-Trường Sa. Với EU cũng thế, sẽ rất khó khăn cho Việt Nam nếu Trung Quốc nói rằng họ sẽ trả Trung Đông cho EU, họ về lấy dầu ở Biển Đông.
Trong một diễn biến song song, trận chiến công hàm Việt-Trung cũng sẽ dẫn đến một “cuộc chiến chính trị” trong nội bộ Việt Nam để nhằm làm đảng CSVN phải thay đổi hoặc chuyển hoá thật sự. Sẽ có nhiều phe phái tham gia công cuộc này với các mục đích khác nhau. Các ngọn cờ vì dân vì nước sẽ lại được dựng cao lên, nhưng ai thực sự vì ai thì cần phải nhìn mới hiểu.
Việt Nam đang hỗn loạn với nhiều luồng quan điểm chính trị nên những người có ý thức chính trị nghiêm túc cần phải kiêm nhiệm cả việc cõng các con lừa đi qua những bãi mìn. Nhưng e rằng sứ mệnh này ngay lúc này là bất khả khi số người lính quá ít so với số lượng con lừa cần cõng. Nên mấu chốt nhất vẫn là vấn đề đảng CSVN liệu có quyết tâm thay đổi và thay đổi được đến đâu.
Bàn về dân chủ trong lúc hai đảng anh em đấu nhau thì dễ, bàn về lật đổ đảng CSVN lúc này cũng không khó. Nhưng quan trọng là những ngừoi bàn như vậy có đủ năng lực ứng phó khủng hoảng quốc gia hay không.
H.M
Thesaigonpost tháng 4 21, 2020
Đỗ Hứng gởi