Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Trận Pleime năm 1974 (kỳ 7)
 

 

Kỳ trước: Những ngày sau đó, căn cứ Pleime bị siết chặt vây hãm, những đơn vị bạn cứu viện bị chận đánh từ xa. Thiếu lương thực, những chốt tiền đồn đành rút bỏ. Hai chiếc trực thăng của Đại tá Từ Vấn bay vào tiếp tế cho trại nhưng 2 món quà thuốc lá và rượu thì bị lọt ra ngoài vòng đai hàng rào căn cứ.
 

Ðêm ấy gió theo hướng Ðông Tây. Những người trấn thủ mặt Ðông của trại, đều ngửi thấy mùi thuốc lá thơm bay trong gió! Thùng thuốc lá tiếp tế của Ðại tá Từ Vấn đã rơi ngay giữa đội hình của Trung Ðoàn 48 Sư Ðoàn 320A Cộng Sản Bắc-Việt!


Trong những ngày sau tôi không được thông báo tin tức gì liên quan đến các hoạt động của quân bạn, nhưng trên máy thu thanh thì đài BBC loan báo nhiều đơn vị tác chiến Việt-Nam Cộng-Hòa đang được điều động từ Ban Mê Thuột lên Pleiku để tăng viện cho quân trú phòng ở Pleime.


Tin tức này làm cho tinh thần tôi thêm phấn chấn, vì thấy Tướng Nguyễn Văn Toàn tiếp tục tung thêm quân vào trận địa thì tôi chỉ cần cố gắng gồng mình chịu đựng ít lâu nữa, sứ mạng của Tướng Toàn sẽ hoàn thành, đem chiến thắng đặt trên bàn hội nghị xin thêm viện trợ.


Từ Căn cứ Hỏa lực 711 qua tần số của máy truyền tin PRC 74 có một phóng viên chiến trường của nhật báo Trắng Ðen xin gặp tôi để phỏng vấn.


Hôm đó anh phóng viên đã được tận tai nghe người chỉ huy Pleime kể lại chi tiết diễn tiến trong gần hai tuần lễ ác chiến giữa một tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân Biên Phòng và hai trung đoàn thiện chiến bậc nhất của quân đội Bắc Việt.


Anh ký giả này nài nỉ tôi cho phép anh ta đáp xuống Pleime, ở lại đây cho hết thời gian chiến dịch, hầu có tin tức sốt dẻo hằng ngày gửi về Sài-Gòn.


Tôi cũng rất ngưỡng mộ sự can đảm của anh ký giả, đồng thời đáp lại sự đam mê của người bạn mới quen ấy, tôi vui vẻ nhận lời cho anh vào cùng Biệt Ðộng Quân chung lưng đội pháo, núp đạn, lặn ngụp trong giao thông hào ít lâu cho biết.


Tiếc thay anh bạn nhà báo này chờ cả tuần lễ mà không ai cấp phương tiện cho anh ta vào trại. Cũng thời gian này, mặt trận Thường Ðức bắt đầu bùng nổ. Anh phóng viên báo Trắng Ðen được lệnh bay ra Ðà-Nẵng lấy tin. Ít lâu sau tôi nghe tin anh bạn này đã tử thương. Trực thăng chở anh trên đường vào trại Thường-Ðức đã bị Cộng Quân bắn hạ.


Ngày xưa, trên các mục phân ưu đăng trên báo chí hằng ngày, người ta thường đọc được những tin chia buồn, tiếc thương các quân nhân đền nợ nước.


Lần đầu người ta đọc được lời phân ưu của một Thiếu Tá Biệt Ðộng Quân và toàn thể quân nhân các cấp dưới quyền ông gửi lời thương tiếc một ký giả Nhật Báo Trắng Ðen vừa bỏ mình trên chiến địa.


Chợt một hôm, liên đoàn báo cho tôi hay rằng, trong ngày hôm đó sẽ có một cánh quân của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh tiến vào bắt tay với Pleime.

Hôm đó trời nắng và không có trận pháo kích rạng đông như thường nhật của địch quân.


Tôi leo lên chòi canh, đảo mắt quan sát một vòng quanh trại. Hầu như không một thước đất nào không có dấu đạn, đạn cối của ta chen lẫn đạn pháo cối của địch quân. Xác Cộng Quân còn nằm phơi đầy trong rừng lau sậy ngoài rào. Trong gió, vang vang tiếng “Quang quác!…” của loài quạ đen đang gọi bạn.


Xa xa về hướng Ðông Bắc có nhiều cụm khói trắng ngùn ngụt bốc lên, rõ ràng một đơn vị di chuyển bộ đang có mặt trong vùng. Tôi nghĩ đoàn quân đang đi tới là Trung Ðoàn 53 Bộ Binh; có lẽ họ đang đốt lửa để nấu cơm, hay hong khô quần áo.


Họ còn cách tôi chừng ba hay bốn cây số đường chim bay.

Trong máy PRC 25 của tôi bỗng có tiếng quân bạn gọi:

 

“Thái Sơn đây Thanh Dương! Nghe được trả lời?”


Tôi đã được thông báo “Thanh Dương” là danh xưng truyền tin của Thiếu tá Nguyễn Dương Lâm, người chỉ huy hai tiểu đoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh đang tiến vào.


Tôi vội trả lời,

Thái Sơn nghe Thanh Dương!


Thiếu tá Lâm nói,

– Báo cho Cùi 20 hay, kỳ này anh dẫn theo một thằng em Cùi 21 tiếp tay cho chú. Ba anh em mình chung lưng thì không thằng Vi Xi (Việt Cộng) nào địch nổi. Chú Nhẫn 21 cũng là dân Ðại đội B, Thái Sơn có nhớ ra hắn ta không?


Dứt lời anh Lâm cười khà khà vui vẻ. (Cùi=danh từ dùng để gọi những sĩ quan xuất thân trường Võ Bị từ khóa 16 trở về sau)


Tôi cũng cười theo anh,

– Nhớ chứ! Anh ra trường thì chú Nhẫn nhập trường. Anh và chú Nhẫn ở Trung đội 5, còn tôi ở Trung đội 6.


Tiếp đó là tiếng Thiếu tá Cao Mạnh Nhẫn, người chỉ huy Tiểu đoàn 3/53 đi chung với bộ chỉ huy nhẹ của Thiếu tá Lâm,

– Thái Sơn ơi! Hồi đó các ông khóa 20 “quần” tụi tôi mệt muốn chết luôn!


Tôi vui vẻ đáp,

– Ðừng than van nữa! Các hung thần khóa 19 cũng quay tụi này như quay dế! Có thế anh em mình mới nên người!


Chúng tôi, ba người đang có mặt trong trận Pleime này cùng xuất thân từ Ðại Ðội B Sinh Viên Sĩ Quan của trường Võ Bị, với ba khóa kế tiếp nhau, Nguyễn Dương Lâm khóa 19, Vương Mộng Long khóa 20 và Cao Mạnh Nhẫn khóa 21.

 

Chú Nhẫn la oang oang,

– Tôi còn cách niên trưởng chừng ba “click” nữa. Tình hình yên tĩnh như đi nghỉ mát! Hai ngày nay tui tìm hoài mà chẳng thấy thằng Vi Xi nào cả! (Click=Cây số)


Thấy một ông đàn anh và một ông đàn em chuyện trò thực vô tư, hồn nhiên, tôi cũng cảm thấy vững tâm, hy vọng họ sớm bắt tay với đơn vị mình.


Nhìn vào những cụm khói trắng bao phủ một vùng phía xa xa, tôi đoán chắc hai tiểu đoàn của quân bạn đang dừng quân trên vùng bình nguyên Bắc suối Lé. Ðịa thế ở đây là đồng tranh, xen kẽ cỏ lau cùng những cụm tre gai thấp, cách nhau vài chục mét.


Ðất của vùng này rất mềm, có thể dùng tay không mà moi, chỉ một lúc sau đã có cái hố cá nhân. Có điều mạch nước cũng nhiều, hố vừa moi xong, vài phút sau đã đầy nước, đất xung quanh hố sụp xuống, thế là cái hố trở thành một vũng nước.


Nếu phải đánh nhau trong vùng này, cách tốt nhất là ào xuống suối, bám bờ suối mà chiến đấu.

Tôi nghĩ, đoàn quân tăng viện đi lồ lộ thênh thang như thế đã hai ngày mà chưa xảy ra biến cố gì thì có thể địch đã rút lui rồi. Tôi cũng đang cầu mong địch đừng đánh nữa.

Nhưng hôm nay sao tình hình yên ắng quá!  Mà tình hình càng yên tĩnh lại càng đáng sợ.


Tôi biết chắc chắn rằng từ mùa Hè năm 1972, ở xứ Tây Nguyên này Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản là một địch thủ mà bất cứ ai cũng không thể coi thường.

Kỳ này mục đích của Sư Ðoàn 320A là xóa sổ trại Pleime. Pleime còn đứng vững, chưa chắc gì chúng đã chịu bỏ dở mục tiêu nửa chừng.


Tôi nghĩ, nếu bị địch tập kích từ hướng Tây thì hai tiểu đoàn của Trung Ðoàn 53 chỉ có một con đường thoát hiểm là chạy thẳng về hướng Ðông Nam, chỉ có vùng đó là không có địch.

Tôi định góp ý với hai vị sĩ quan đồng môn, khuyên họ nên cẩn thận đề phòng, nhưng e ngại sẽ đụng chạm tới tự ái của họ.


Tôi nhỏ nhẹ,

Hai vị nhớ cẩn thận! Nếu có chuyện gì thì gắng giữ hướng hai ngàn bốn trăm ly giác!


Lợi dụng buổi trời trong, tôi dùng ống nhòm để quan sát những vạt rừng phía ngoài xa. Có một chiếc quan sát cơ đang bay vòng vòng trên vùng cách Pleime chừng năm cây số. Có lẽ cái máy bay thám thính này đang yểm trợ cho cánh quân của niên trưởng Nguyễn Dương Lâm.

 

Ðột nhiên tai tôi nghe “Ùm! Ùm! Ùm!…” tiếng pháo địch “depart” liên tiếp rộ lên từ biên giới Việt-Miên.

Trong đồn Pleime kẻng báo động khua vang, mọi người chui vào hàm ếch.


Tôi vẫn còn trên chòi canh. Tôi đã thấy những đụn khói đen cuồn cuộn bốc lên trong rừng khói trắng! Những trái đạn đại bác 122 ly nòng dài bay nhanh hơn những viên cối bắn cầu vồng. Khói đen đang bốc lên là do những viên 122 ly vừa chạm đất.

Ðoàn quân bạn đang trên đường tiếp viện cho tôi bắt đầu nếm mùi mưa trái phá!


Trong thời gian dài chừng nửa giờ, ước lượng hàng ngàn quả đạn 122 ly, 105 ly, 120 ly, và 82 ly đã rơi trên ngọn đồi lá thấp chỉ có tre gai và cỏ tranh.


Khi hai đợt pháo tập trung đánh trên khoảng rừng có diện tích chưa đầy hai cây số vuông vừa ngừng, thì tôi bắt đầu nghe vọng lại tiếng súng tay nổ rền.

Cùng lúc đó hàng chục khẩu phòng không nhả đạn nhắm vào chiếc thám sát cơ.

Không rõ chiếc máy bay có bị trúng đạn hay không, mà sau đó tôi không còn thấy bóng dáng nó nữa.


Trong máy PRC 25 tôi nghe Cao Mạnh Nhẫn hoảng hốt,

– Thái Sơn ơi! Nguy quá! Biết làm sao đây?

Tôi gào lên,

– Hai ngàn bốn trăm ly giác! Chạy mau! Hai ngàn bốn trăm ly giác!


Trong ống nghe, tôi thấy Nhẫn lặp lại, y chang, chắc là chú ấy đang ra lệnh cho đơn vị dưới quyền:

“Hướng hai ngàn tư! Chạy mau!”


Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản đang thực hành chiến thuật “Bôn tập tập kích” sở trường của họ! Cánh quân đang trên đường tiếp cứu Pleime chưa phải là địch thủ ngang cơ của Sư Ðoàn Cộng-Sản này!


Lúc này Căn cứ 711 đang bị pháo kích, các pháo thủ mắc bận phản pháo. Pháo binh ngoài Phú Nhơn ở quá xa, với không tới khu vực giao tranh, nên muốn giúp quân bạn, tôi chỉ còn cách dùng khẩu 105 cơ hữu của mình bắn một tuyến dài dọc theo Tỉnh lộ để ngăn địch.


Chờ một hồi lâu, tôi không nghe thêm tiếng nói nào của người đàn em khóa 21 là Cao Mạnh Nhẫn. Tôi cũng không nghe được tiếng nói nào của người niên trưởng khóa 19 là Nguyễn Dương Lâm.


Cho tới ngày chiến dịch tàn, tôi mới biết niên trưởng Nguyễn Dương Lâm đã chết và bị bỏ xác tại chiến trường.


Trong khi đó, cấp chỉ huy của anh Lâm thì đóng quân ở ngoài ngã ba Mỹ Thạch, trên Quốc lộ 14, cách xa nơi anh Lâm tử trận một đoạn đường dài gần hai mươi cây số!

Chiều hôm đó Pleime lại bị pháo, trận pháo kích dài khoảng một giờ. Không ai ngồi đếm có bao nhiêu trái đạn đã rơi trên đầu chúng tôi, thôi thì cứ báo cáo là hàng trăm trái.

Không lâu sau là trận mưa truyền đơn, kêu gọi Biệt Ðộng Quân buông súng đầu hàng.


Tiếp đó, hướng Tây, nơi những liều Bangalore đã mở ra con đường dẫn tới khu đất trống giữa hai lớp rào cũ và mới hứng chịu đợt xung phong thứ mười hai! Lần này có vài cán binh Việt-Cộng mang theo những tấm ván để làm thang.

Chỉ sau mười phút, đợt xung phong đã bị bẻ gãy vì thang ván của địch không đủ dài, địch rơi xuống đất, dưới đất là bãi mìn của Công Binh.

Có những cán binh Cộng Sản vừa bị bắn ngã, thân mình đè trên một quả mìn, quả mìn nổ, thân xác anh ta liền banh ra thành nhiều mảnh.


Ðứng trên nóc Pháo đài số 5, tôi thấy thấp thoáng bóng người chạy qua, chạy lại trong đám lau sậy nơi khoảng đất trống giữa hai hệ thống hàng rào cũ và mới.

Lúc khẩu đại liên tạm ngừng để thay dây đạn mới, tôi nghe tiếng bọn Việt-Cộng gọi nhau,

“Ðồng chí Quang! Ðừng lên nữa! Còn rào!”

Cùng tiếng kêu la,

“Chết tôi! Á! A! A! Mẹ ơi!” lẫn trong tiếng mìn và lựu đạn gài vừa phát nổ “Ùm! Ùm! Ùm! Oành! Oành!Oành!”


Dưới chân pháo đài, đang lúc hứng chí, hai anh xạ thủ phóng lựu M79 của Ðại đội 2/81 vừa bóp cò vừa la oang oang “Biệt Ðộng Quân! Sát!”“Biệt Ðộng Quân! Sát!”

Khẩu đại liên 30 trong Pháo đài số 5 lại tiếp tục nổ giòn. Mãi tới khi Trung úy Song và Thiếu úy Phước phải gào lên “Thôi bắn! Thôi bắn!” thì tiếng súng mới im.

 

Hôm đó về phần “đả viện” thì địch đã thành công, nhưng về mặt “công đồn” thì chúng đã thảm bại.


Những ngày sau địch gia tăng pháo kích ban ngày, ban đêm liên tục dùng Bangalore  phá rào. Có ít nhất là bốn cửa khẩu có chiều ngang cỡ hai thước đã bị bộc phá của địch mở xuyên qua 6 lớp hàng rào ngoài. Cho tới nay thì 6 lớp rào trong vẫn chưa bị suy suyển.


Vì ngày nào cũng thấy cảnh vật xung quanh, nên vừa phát giác những cụm đất đỏ mới xuất hiện trên mặt đất sát vườn rau, lính gác cổng Bắc biết ngay đó là đường hầm do Ðặc-Công Việt-Cộng vừa tạo thành, nên lập tức nổ súng báo động ngay.

Chỉ vài chục phút sau thì đường hầm này đã bị lấp kín và bị gài vài trái lựu đạn M26.


Cao Nguyên đang giữa mùa mưa, hôm trước trời trong, mây cao, chỉ qua một đêm trời đã âm u xám xịt, với những trận mưa giông, mưa nguồn.

Trong mưa tháng Tám, hàng ngày, trên tiền đồn biên phòng Pleime còn thêm những cơn mưa đạn cối 120 ly, 105 ly, 82 ly.

Ðặc biệt trong chiến dịch này, địch đã sử dụng truyền đơn như một loại vũ khí.

Những quả đạn cối 82 ly nổ cao bung ra từng chùm truyền đơn nhìn như những lọn pháo bông đêm hoa đăng.


Buổi sáng là loạt truyền đơn đầu in những dòng chữ êm ái, bao dung, tình người thắm thiết:

“Hỡi các chiến binh Ngụy Sài-Gòn! Các anh mau mau bỏ súng quay về với nhân dân! Nhân dân đang dang tay chờ đón các anh! Hỡi những người con lạc đường! Hãy quay về với Tổ Quốc về với đồng bào!”


Buổi chiều sau đợt pháo kích hàng trăm viên 122 ly, 120 ly, 105 ly, 82 ly, thì truyền đơn lại mang dòng chữ đọc lên nghe mà ớn:

“Hàng sống! Chống chết! Tất cả Ngụy quân đồn trú phải buông súng đầu hàng ngay! Nếu không, các anh sẽ bị tiêu diệt!”

“Hãy kéo cờ trắng! Mở  cổng đồn! Ngồi lại tập trung trước sân cờ chờ Quân Giải Phóng vào tiếp thu! Hàng sống! Chống chết!”

“Tất cả các chiến sĩ đầu hàng sẽ được đối xử tử tế và phong danh hiệu anh hùng! Hãy quay súng bắn chết tên chỉ huy rồi mở cổng trại đầu hàng ngay!” 


Mỗi lần pháo truyền đơn, có ít nhất 4 khẩu 82 ly nhả đạn từ hai vị trí chính Bắc và chính Tây. Truyền đơn đã phủ đầy mặt đất từ trung tâm trại, ra tới hàng rào ngoài. Truyền đơn rải khắp nơi, trắng xóa!

Tôi biết có vài người lén cất kín trong túi mấy tờ truyền đơn của địch, nhưng tôi cứ lơ đi như không thấy!

Hầu như đêm nào tôi cũng chỉ chợp mắt được vài chục phút. Ði đâu tôi cũng phải dẫn theo Thiếu úy Phước và một toán cận vệ.


Tôi không sợ trong đồn có nội tuyến, nhưng tôi sợ những tờ truyền đơn làm tinh thần người lính hoang mang. Cái đói và cái sợ có thể làm cho con người ta mất lòng tin mà làm bậy.


Một buổi tối Thiếu úy Phước thì thầm,

-Thái Sơn ơi! Có ông Thượng sĩ người Thượng vừa dẫn hai thằng lính chui rào trốn đi rồi! 

Ông Thượng sĩ Y Ban Nier và hai anh lính người Kinh của Ðại đội 1/82 đã theo đường giao thông hào nơi cổng Bắc, chui ra khỏi rào tìm đường ra Quận Phú-Nhơn.


Ba ngày sau toán tuần tra cổng Bắc phát giác xác ông Thượng sĩ Ban và hai anh lính đã bị Việt-Cộng bắn chết ở đâu đó rồi bị kéo về phơi trên con dốc dẫn vào vườn rau để đe dọa những người còn tử thủ trong căn cứ.


Có thể trên đường trốn chạy, toán ba người lính đào ngũ này đã bị Việt-Cộng phát giác rồi bắn chết.

(còn tiếp)



Vương Mộng Long


 
usaelection gởi