Tuổi trẻ không tu, già hối hận
Thân bệnh tật, tai điếc mắt mờ
Gối mỏi lưng còng, giờ suy yếu
Cuộc đời gây tạo, bao ác nghiệp
Nếu hôm nay, không chịu tu sửa
Để bòn chút phước, dành mai sau!
Thử hỏi sau khi, lìa trần thế?
Đem theo được gì, hay trắng tay?
Nhiều người quan niệm rằng địa ngục phải nằm sâu dưới lòng đất, có chủ thể đứng ra để áp đặt hình phạt một ai đó? Quan niệm địa ngục được bắt nguồn từ tư tưởng của các triều đại Trung Hoa, họ cho rằng cõi này là cõi tạm, cõi âm mới là cõi vĩnh hằng, nên khi vua chết phải giết theo người thân và chôn theo rất nhiều vàng bạc châu báu để về cõi âm xài. Đây là tư tưởng độc tài của các ông vua thời phong kiến, từ đó học thuyết Diêm vương ra đời để bảo vệ cõi âm vĩnh hằng.
Theo sự suy nghĩ của chúng tôi có địa ngục trần gian và địa ngục tâm thức chiêu cảm. Địa ngục trần gian thì người quản lý tội và người bị tội sẽ biết rất rõ, cụ thể như con người vi phạm pháp luật, nhẹ nhất là án treo cho đến phạt giam giữ từ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng cho đến 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm rồi đến chung thân và án tử hình. Từ đó chúng ta có thể hiểu biết và nhìn nhận địa ngục trần gian là có thật đối với muôn loài vật có tình thức.
Địa ngục thứ hai là địa ngục tâm thức, khi ta làm điều gì ác độc thì khởi lên tư tưởng lo lắng bất an sợ bị truy tố và người khác trả thù như vụ án thảm sát ở Bình Phước giết 6 mạng người trong gia đình.
Vậy đâu cần phải bị đày xuống địa ngục mới biết địa ngục như thế nào? Nếu chúng ta biết nghiệm xét cho kỹ thì sẽ thấy địa ngục ngay nơi cõi đời này. Địa ngục là do con người tạo ra nguyên nhân chủ yếu là do lòng tham lam và sân hận, vì sự mong muốn quá đáng của bản thân mình, gia đình mình, đất nước mình, khi có đủ điều kiện thì mình dùng nhiều hình thức để khống chế thiên hạ.
Vậy địa ngục là gì? Có mấy quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa tay cầm chĩa đinh ba với chảo dầu sôi nóng hay không? Chúng ta hãy thử đi vào một lò sát sinh, hàng trăm con bò, con heo, hàng ngàn con gà, đang chuẩn bị bị chích điện, cắt tiết, chúng rên la, kêu gào, máu chảy thành dòng, đây chính là địa ngục trần gian mà ít ai nghĩ đến.
Nhìn từ góc độ thực tế, chúng ta thấy cũng có địa ngục trần gian, ai phạm tội giết người thì bị xích lại nhốt vào ngục tối, nặng nhất là án tử hình. Tội nhân bị án này sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm cứ phập phồng lo sợ không biết thần chết đến lúc nào để rước mình đi, khi nghe tiếng mở cửa là sợ điếng cả hồn vì ai cũng tham sống, sợ chết.
Một ngày trôi qua là họ mừng một ngày vì vẫn nuôi hy vọng được sống để làm lại cuộc đời. Còn những án khác từ án chung thân đến án khổ sai từ một tháng cho đến hai chục năm và nhẹ nhất là hưởng án treo. Nhìn từ góc độ triết lý học Phật giáo, chúng ta thấy vô vàn, vô số địa ngục khác như các bệnh viện phòng cấp cứu, các nhà bếp của mỗi gia đình, các quán nhậu, các lò sát sanh, các chợ bán thịt cá, heo, bò, gà, vịt, các loài hải sản và cuối cùng là các nhà lưới bẫy đánh bắt.
Mỗi một ngày, vô số các loài bị phanh da xẻ thịt để cung cấp phục vụ cho loài người. Nhìn ở góc độ địa ngục trần gian, chúng ta còn có thể hình dung địa ngục trong tâm thức mỗi người, đó là tâm toan tính hại người, hại vật hoặc bị phiền não chi phối gọi là địa ngục tâm thức. Người tu nếu đạt đến giác ngộ giải thoát thì tâm sẽ an nhiên, tự tại dù thân có bị hành hạ, đau nhức chi phối.
Loài ngạ quỷ là loài quỷ đói thấy thức ăn mà ăn không được bởi nghiệp tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn chiêu cảm. Nhìn từ góc độ cuộc đời, ta thấy ngạ quỷ cũng có trong loài người thiếu ăn, nghèo đói, thèm khát, ham muốn quá đáng mà không được nên khổ đau bức bách.
Quỷ đói không phải có trong người nghèo khổ mà cả người giàu có vì tham vọng quá lớn, không được như ý muốn cũng vẫn phải chịu khổ như thường.
Loài súc sinh của thời kỳ cổ đại được sống tự do, thoải mái trên những núi đồi thiên nhiên bạt ngàn, xanh tươi, màu mỡ, ít bị loài người sát hại. Một số loài súc sinh phải chịu ảnh hưởng phước báu của con người nên con vật nào được người thương thì cuộc sống có phần thoải mái, ngược lại thì bị người giết hại.
Con người thuần hóa các loài vật để phục vụ cho mình như lạc đà, lừa, ngựa, trâu, bò để chuyên chở và cày bừa. Việc săn bắn, đánh bắt, giăng bẫy các loài thú tuy có nhưng không đáng kể và việc nuôi thú để làm thực phẩm cho con người cũng không có nhiều.
Tuy nhiên, thế giới con người ngày nay quá đông nên nhu cầu đánh bắt loài vật không đủ sức cung phụng cho loài người, do đó con người phải tự nuôi thêm các loài gia cầm, súc vật theo công nghệ hiện đại để đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Ngoài ra, các loài vật cũng chịu sự ăn nuốt lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ nên luôn sống trong đau khổ lầm mê.
Năm loài cùng nêu trên có hai loài là chư Thiên và thần Atula có phước sung mãn hơn người nhưng mãi lo thụ hưởng với danh vọng quyền thế nên không có thời gian tu tập. Ba loài dưới người thuộc đẳng cấp thấp hèn nên không có văn hóa, không có tình thương chân thật mà phải chịu sống trong đau khổ lầm mê.
Loài người do biết suy nghĩ, cảm nhận được sự khổ đau và hạnh phúc nên có điều kiện tư duy, quán chiếu, soi sáng mọi việc bằng nhận thức sáng suốt, có học hỏi, có tu tập, có văn minh, có hiểu biết, có yêu thương, có cảm thông, có bao dung, có độ lượng, có tha thứ và cùng san sẻ cho nhau nên loài người có đủ khả năng tu hành thành Phật.
Đó là ưu điểm của loài người, năm loài kia không thể thành tựu Phật đạo, chính vì vậy đức Phật mới giáng sinh nơi loài người. Theo lời Phật dạy, thế gian này có năm loài cùng chung ở, hay gọi là sáu đường sống chết-luân hồi, có hai loài chúng ta thấy biết dễ dàng nhất là thế giới của loài người và súc sinh, bốn loài còn lại chúng ta có thể nhìn bằng trực giác hay tuệ giác của Phật mới biết rõ sự hiện hữu ngay nơi cuộc sống của mình.
Hiện tượng động đất, núi lửa, sóng thần, dịch bệnh, hạn hán, thiên tai, chiến tranh kéo dài, đây chính là địa ngục. Vậy chúng ta đâu tìm kiếm địa ngục làm gì, khắp nơi trên trái đất này đều là địa ngục chỉ có kẻ phạm tội và người quản lý mới biết được.
Trần gian này sẽ là địa ngục khi con người sống không có tình thương với nhau. Chúng ta hay nói câu đợi đến lúc già gần chết rồi mới tu tập, thì e rằng đã quá muộn màng.
Có một thứ giá trị nhất mà cuộc sống đã dành cho ta, đó là thời gian. Nếu ta không làm được gì có lợi ích cho xã hội, thì cũng đừng nên làm tổn thương cho ai cả.
Bởi đồng tiền không thể mua được mạng sống của chúng ta khi duyên đời đã hết, nên ta phải biết cách sử dụng chúng như thế nào cho hợp lý. Chúng ta phải nên nhớ rằng tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Ngày xưa, có một người rất là bỏn sẻn và keo kiệt, lúc nào cũng hà tiện chẳng dám tiêu xài vào việc gì dù việc đó có lợi ích cho mình và người khác. Anh ta tích cóp cả đời, để dành được một khối gia tài rất lớn.
Không ngờ một ngày kia, con quỹ vô thường xuất hiện đòi mạng sống của anh ta. Hoảng quá, anh liền van nài hãy cho tôi thời gian thêm một năm, để tôi có thể nếm chút hưởng thụ từ số tiền kia. Nếu ngài chấp nhận tôi sẽ chia cho một nửa gia tài.
Con quỹ vô thường liền lắc đầu không chịu. Vậy tôi xin đưa hết cả gia tài cho ngài để được sống thêm một ngày nữa. Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin con quỹ vô thường cho tôi một phút để viết di chúc cho người sau vậy.
Đến đây thì con quỹ vô thường mới gật đầu đồng ý. Anh ta run rẩy viết: Mọi người xin hãy ghi nhớ: “Dù có tiền muôn bạc vạn cũng không mua được khi thần chết đến”.
Câu chuyện trên là một ẩn dụ sâu sắc để khuyên nhủ mọi người hãy sống làm sao cho có ý nghĩa, tiền bạc sự nghiệp chúng ta không thể đem theo khi duyên đời đã hết. Thế cho nên, khi còn sống dù ít hay nhiều ta phải làm cái gì đó, để có thể giúp đỡ hay chia sẻ cho nhiều người khác.
Chúng ta hãy nên nhớ rằng: Khi có tiền, ta có thể mua được một ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm gia đình. Tiền có thể mua được một chiếc giường nhưng ko thể mua được giấc ngủ ngon. Tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không thể mua được thời gian.
Tiền có thể mua được một cuốn sách nhưng ko mua được sự hiểu biết chân chính. Tiền có thể mua được sắc đẹp nhưng ko thể kéo dài mãi tuổi thanh xuân. Tiền có thể mua được nhiều loại thuốc quý nhưng ko thể mua được sức khoẻ. Và còn rất nhiều thứ mà tiền không thể mua được, chính vì vậy có tiền không phải là có tất cả, như ông nhà giàu kia đành phải ra đi trong tiếc nuối ngậm ngùi!
Cuộc đời như áng mây trôi, khi tan, khi hợp, khi được, khi mất, khi có, khi không luôn biến chuyển đổi thay không ngừng nghỉ, chúng ta hãy cố gắng tu hành để vượt qua sống chết khổ đau.
Đã là thân phận con người ai cũng phải chịu cái khổ “Sinh, già, bệnh, chết”, nhưng người biết tin sâu nhân quả sống một ngày là có ích chogia đình và xã hội, nên đến khi chết thì họ không bao giờ tiếc nuối và lo sợ.
Khi sống con người hay lãng phí thời gian làm những việc vô nghĩa, bởi lòng tham lam, ích kỷ của chính mình, tích chứa tiền bạc của cải nhưng không giúp gì cho ai?
H.T Thích Tuệ Minh gởi