Morrow City, Georgia – Hình ảnh do những chiếc flycam ghi lại từ trên cao mở ra cho người xem khung cảnh của một lễ hội quy mô từ tổ chức cho đến các hoạt động vui chơi, giải trí. Về đêm, hàng nghìn ngọn đèn sáng rực cả khu vực rộng khoảng 50.000 sqf, kèm theo sân khấu ca nhạc ngoài trời rực rỡ, lung linh, âm thanh sống động của dòng nhạc techno.
Ngay chính trung tâm, lá quốc kỳ ba sọc đỏ bay cao trên đầu ngọn tre, xung quanh là những chiếc đèn vải tròn sáng rực như trăng rằm. Hồn quê hương Việt bay cao suốt hai ngày diễn ra Freedom Fest and International Night Market, 1 và 2 Tháng Bảy ở Morrow City, Georgia.
Tre Việt và quốc kỳ VNCH bay cao trong lễ hội văn hóa lớn nhất Georgia. (Ảnh: Daniel Lê cung cấp)
Đây là sự kiện văn hoá lớn nhất ở thành phố phía Nam tiểu bang này, do cộng đồng người Việt tổ chức.
Lớn nhất từ trước đến nay
Morrow City là một thành phố phía Nam tiểu bang Georgia, thuộc Quận Clayton County. Theo dữ liệu từ trang Canopy Atlanta Voice, cách đây khoảng 40 năm, Georgia chỉ có khoảng vài nghìn người gốc Việt. Vài chục năm sau đó, dân số gốc Việt ở Georgia tăng nhanh, từ khoảng 2.000 người năm 1980, lên gần 8.000 người năm 1990, và bây giờ là hơn 57.000 người.
Ngược dòng lịch sử, trước đây, sinh hoạt văn hoá cộng đồng Việt thường tập trung ở phía Bắc thành phố Atlanta, Georgia. Phía Nam Morrow City tuy cũng có, nhưng không nhiều, và gần như không có các hoạt động nổi bật.
Chính từ đó, ý tưởng về một lễ hội đậm chất truyền thống, văn hoá cội nguồn Việt Nam ra đời. Tác giả là Daniel (Đạt) Lê, một thế hệ trẻ gốc Việt, định cư ở Georgia từ năm 1998. Sau khi bày tỏ ý tưởng với thị trưởng thành phố, ông John Lampl, International Night Market ra đời, năm nay là năm thứ hai, quy mô hơn, bài bản hơn, và nhiều người tham dự hơn năm ngoái.
Vũ điệu truyền thống của người Mỹ gốc Ấn. (Ảnh: Daniel Lê cung cấp)
Sau một tuần diễn ra Freedom Fest and International Night Market 2023, từ Morrow City, Daniel Lê hào hứng kể lại thành quả của một lễ hội đang được cộng đồng Việt ở Georgia và những vùng lân cận nhắc đến.
“Phía Nam của Morrow có nhiều sinh hoạt cộng đồng nhưng không nhiều và không mạnh mẽ, nên em phối hợp với giới chức thành phố để làm một chương trình lớn, không chỉ cho riêng người Việt mà là đa sắc tộc. Em kết hợp thời điểm July 4th để cảm ơn nước Mỹ – Freedom Fest vào Thứ Bảy, có ban nhạc người Mỹ, ca khúc Mỹ. Chủ Nhật thì International Night Market, nhưng chủ yếu vẫn là văn hoá Việt. Cả hai ngày tổng hơn gần 20.000 người, trong đó khoảng 10.000 người là người gốc Việt.”
Chương trình ca nhạc trong ngày Freedom Fest, 1 Tháng Bảy. (Ảnh: Daniel Lê cung cấp)
Vì Morrow City chưa bao giờ có sự kiện ở quy mô đa sắc tộc như thế, nên ý tưởng của Daniel Lê nhanh chóng nhận được sự ủng hộ thị trưởng thành phố, ông John Lampl. Điều này là một phần dẫn đến thành công của lễ hội sau bốn đến năm tháng chuẩn bị.
Từ văn phòng làm việc, ông John Lampl nêu lên suy nghĩ của mình:
“Đây là một sự kiện lớn nhất, đông đảo cộng đồng đa sắc tộc tham dự nhất của thành phố từng có, từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam cho đến người Mỹ bản xứ. Rất nhiều người dân đã đến với chúng tôi, hơn 10.000 người, theo số liệu thống kê đã cho biết như thế.”
(Từ trái sang phải: Vương Trần (giám đốc kỹ thuật); Daniel Lê (trưởng ban tổ chức); Paul Trần (âm thanh ánh sáng); Thị Trưởng John Lampl; Chị Thuỷ (trang trí sự kiện); Jeff Baker. (Ảnh: Daniel Lê cung cấp)
Hai từ “phi thường” là cách Thị Trưởng John Lampl nói về kết quả của hai ngày diễn ra lễ hội. Khi được hỏi, điều gì đã khiến cho ông chấp thuận cho phép tổ phép một sự kiện “lớn chưa từng có ở Georgia”? Ông trả lời:
“Chúng tôi đã có một Tet Festival 2023 rất thành công. Năm ngoái chúng tôi cũng từng thử nghiệm International Night Market, khá tốt. Cộng đồng đón nhận nhiệt tình, và thích thú. Do đó, chúng tôi có kế hoạch mở rộng quy mô hơn một chút, nhiều thức ăn của các quốc gia hơn, nhiều hoạt động vui chơi giải trí hơn. Lễ hội lần này như một ván bài được đặt lên bàn chơi và chính sự kiện đã nói lên tất cả. Thật là phi thường.”
Bảo Lê, một trong các kỹ thuật viên của Sansi Studio quay lại hình ảnh của hai ngày Freedon Fest and International Night Market, cho biết trong 10 năm anh định cư ở Morrow City, thành phố này chưa bao giờ có lễ hội lớn như thế. Bảo nói: “Khoảng 10.000 người đến tham dự. Dù đông như thế nhưng chương trình không ngột ngạt, tất cả diễn ra rất trình tự. Chúng em làm việc từ trưa cho đến tận khuya, và thấy rằng người tham dự ở lại đến giờ cuối, dù có một ngày trời mưa.”
Hồn quê Việt bay cao
Theo lời Daniel, ý tưởng của anh là mong muốn thế hệ trẻ gốc Việt biết về cội nguồn văn hoá của mình. Do đó, “thức ăn trong lễ hội có thể hình dung như chợ đêm Phước Lộc Thọ của California vậy,” Daniel nói.
Một trong những gian hàng ẩm thực đậm chất văn hoá Việt. (Ảnh: Daniel Lê cung cấp)
Thành công vang dội của Freedom Fest and International Night Market không chỉ ở số lượng, quy mô tổ chức, mà quan trọng hơn hết là ý nghĩa của sự kiện. Nói về điều này, Bảo Lê nhận định:
“Đây là một lễ hội rất hài hoà, rất văn minh. Vì sao em nói như thế? Vì ý nghĩa của nó không chỉ riêng cho người Việt Nam, dù văn hoá Việt Nam là nổi bật nhất trong chương trình, mà cho nhiều quốc gia châu Á khác. Văn minh vì người xem rất tôn trọng những nghệ sĩ trên sân khấu. Khi ca sĩ hát, mọi người lắng nghe, khiêu vũ, chứ không ăn uống như trong những show ca nhạc khác.”
Như đã nói, miền Nam của Morrow City chưa từng có một chương trình văn hoá đa dạng, phong phú như thế. Chính vì vậy, thế hệ trẻ gốc Việt nơi này không có nhiều cơ hội để biết đến, hòa mình vào những hoạt động mang tính truyền thống lâu đời của nước Việt. Daniel Lê mong muốn International Night Market phải chuyển tải được nhiều thông điệp đó.
“Đó là lý do vì sao em muốn có một lá cờ của miền Nam chúng ta. Lúc đầu, em muốn dùng tre thật, nhưng quá khó để tìm ở Morrow City. Em quyết định dùng cây tre thô. Em phải giải thích ý nghĩa với giới chức của thành phố về ý nghĩa của lá cờ bên luỹ tre. Trung tâm chính của hội chợ có rất nhiều quốc gia, nhưng chỉ có lá cờ của VNCH bay cao nhất, to nhất,” Daniel kể lại.
Nói về ý nghĩa của lá cờ bên lũy tre, Daniel hào hứng đọc bốn câu thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy:
“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi.”
“Tre giữ nước, giữ xóm làng, giữ mái nhà, giữ đồng lúa chín để người dân Việt được ấm no, hạnh phúc. Sử sách dân tộc đã từng ghi dấu chiến công hiển hách của Vua Ngô Quyền khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng với những cọc tre biến thành trận địa. Cũng chính những ngọn tầm vông thô sơ từng góp phần giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Tre còn tượng trưng cho phẩm chất, khí phách của những người dân Việt: hiền hòa, nhẫn nại, bao dung nhưng khi cần luôn biết đoàn kết, vươn lên trước những nghịch cảnh” – Daniel miêu tả hình ảnh của cây tre Việt Nam như thế.
Trung tâm chính của hội chợ có rất nhiều quốc gia, nhưng chỉ có lá cờ của VNCH bay cao nhất, to nhất. (Ảnh: Daniel Lê cung cấp)
Gần nửa thế kỷ từ ngày đi tìm tự do, rồi hình thành một cộng đồng tị nạn cộng sản ở khắp nơi trên thế giới, người dân Việt luôn ghi nhớ trong trái tim câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Điều này được chứng minh ở những sự tri ân từ thế hệ trước kéo dài đến thế hệ sau. Mỗi một người có cách trả ơn khác nhau. Có người trở thành quân nhân, có người đóng góp cho khoa học, có người trở thành chính trị gia…
Nhưng tất cả họ có một điểm chung, đó là không bao giờ quên văn hoá, truyền thống Việt. Họ luôn tìm cơ hội để lá cờ VNCH bay cao ở khắp nơi trên thế giới.
Freedom Fest and International Night Market của cộng đồng Việt ở Morrow City, Georgia là một minh chứng. Với tiếng vang của lễ hội văn hóa này, cũng như sự hưởng ứng của người tham dự, ông Thị Trưởng John Lampl khẳng định: “Chắc chắn năm sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ tinh thần này và thậm chí sẽ mở rộng thêm nữa.”
July 16, 2023
Kalynh Ngô
_____________
Đỗ Hứng gởi